Có người lại viện dẫn rằng có thi học sinh mới học .
Cách lý luận đó có vẻ logic hợp lý nhưng nghĩ kĩ và đối chiếu với tình hình thực tế sẽ thấy nó dở.
Thứ nhất, động lực học phải là động lực tự thân. Việc dùng động lực ngoài bằng kì thi sẽ bóp chết động lực trong. Bao nhiêu năm nay học sinh phải thi biết bao nhiêu kì thi bắt buộc và chất lượng vẫn ngày càng be bét đấy thôi. Có năm nào là ổn?
Các giáo viên , các giảng viên dạy sử đã từng mong môn Sử thành môn bắt buộc thì học sinh sẽ học nhưng bắt buộc rồi mà kết quả vừa qua thế nào? Có phải là ngày càng tệ hơn không?
Thứ hai, Nhật Bản nghiêm khắc là thế, trọng học và thực tài là thế tại sao họ chẳng cần phải thi tốt nghiệp làm gì?
Thứ ba, cách dùng điểm một kì thi để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, địa phương là ý tưởng vô cùng ngớ ngẩn và …phản động. Giáo dục là tạo ra con người không phải là tạo ra điểm số. Hơn nữa trong hoàn cảnh hành chính giáo dục quan liêu, tập quyền đầy lỗ hổng ở Việt Nam cho “thi đua” kiểu này chính là xúi người ta phạm luật như đã thấy ở Hà Giang, Sơn La vì đã làm lãnh đạo trường, sở, phòng tất yếu người ta sẽ phải lo thành tích để báo cáo với cấp trên. Khi thành tích không thể tạo ra bằng thực lực thì người ta sẽ dùng tiểu xảo.
Cách làm này gợi nhắc đến cách Pháp ngày xưa muốn diệt chuột nên dùng cách trả tiền cho dân Việt khi mang đuôi chuột đến. Kết quả chuột càng ngày càng sinh sôi vì người dân láu cá đem nuôi chuột chặt đuôi nộp lấy tiền (chuyện này là chuyện thật, tôi không bịa).
Nói thêm: Nước Nhật ban đầu cũng có ý tưởng ngớ ngẩn là dùng điểm thi khảo sát toàn quốc để đánh giá chất lượng giáo dục nhưng sau đó thấy cả nước lên đồng vì điểm và giáo viên, chuyên gia phản đối dữ quá nên thôi. Chẳng lẽ Việt Nam ta sau mấy mươi năm lại dẫm vào cái hố của họ?
Mua dây để tự buộc mình
Thật buồn, thật ngán ngẩm và bực khi nghe những giáo viên than thở kiểu "không có thi thì học sinh nó không học đâu" và lấy đó làm lý do để phản đối bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.
Nghĩ như thế là hạ thấp ý nghĩa của việc học, hạ thấp học sinh và hạ thấp chính mình.
Nên nhớ xét trong lịch sử thì việc học có trước việc thi rất lâu đời, nghĩa là nhân loại đã học mà không cần biết đến thi. Con người cũng tiếp tục học cho đến khi về vũ trụ cho dù không còn kì thi nào nữa.
Nếu chỉ chờ thi mới học thì loài người đã diệt vong như loài khủng long to xác từ lâu rồi.
Thứ nữa, nếu học sinh chỉ học để thi thì cũng không thể trở thành những người thành công trong cuộc sống và sự nghiệp được vì khi ra đời sẽ chẳng còn kì thi nào nữa.
Tại sao giáo viên không mong không có thi cử hoặc chỉ còn kì thi khi thực sự cần thiết để mình có biên độ rộng hơn để mà "thỏa chí tang bồng" để mà dạy không biết mệt học không biết chán.
Tại sao lại cứ nghĩ đến dây buộc mà không nghĩ đến trời xanh?
Có lẽ nhà nước ta phải ra luật cho phép lựa chọn ví dụ như giáo viên nào thích lấy thi cử làm thanh gươm đa mô lốc mà đe dọa cho học sinh học thì về dạy các trường A, B, C, D còn các giáo viên nào muốn làm giáo dục hướng đến sự phát triển con người trong tinh thần khai phóng thì về trường E, F.
Tất nhiên học sinh và phụ huynh cũng được lựa chọn tương tự.
Khi đó, các bạn nghĩ trường nào sẽ có đông giáo viên và học sinh hơn?
................
BigSchool: Theo Luật Giáo dục hiện nay thì học sinh lớp 12 phải thi để xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT, bởi vậy muốn bỏ kỳ thi này phải sửa Luật Giáo dục. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi Luật Giáo dục. Rất mong có nhiều ý kiến phân tích thêm về việc này. Bài gửi về: nhat@bigschool.vn và cho xin thêm ảnh chân dung cùng ít nét tự giới thiệu. Cảm ơn các bạn.
Vì sao không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Hoàng Ngọc Vinh
Xã hội mấy ngày nay tranh luận gay gắt về việc bỏ thi tốt nghiệp THPT hay vẫn giữ kỳ thi này. Một nhóm quan điểm cho rằng vì tỷ lệ tốt nghiệp đã đạt đạt đến 98% thì việc thi chỉ để loại ra khoảng 2% tức khoảng vài trăm thí sinh là một sự lãng phí và nên dùng kết quả đánh giá quá trình để công nhận tốt nghiệp cho học sinh, trong khi một nhóm quan điểm khác cho rằng nếu không có thi cuối khóa thì học sinh sẽ không học, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông và rằng điều này đã qui định trong Luật giáo dục hiện hành. Vẫn một nhóm khác viện dẫn một số quốc gia đã bỏ thi tốt nghiệp THPT và tập trung vào kỳ thi tuyển đại học mang tính quốc gia để các trường ĐH làm căn cứ tuyển chọn...Tất cả những tranh luận trên có lẽ chưa biết khi nào chấm dứt do mỗi nhóm tranh luận hướng đến mục tiêu ưu tiên của mình mà dường như thiếu đi các nghiên cứu khẳng định theo mục tiêu của giáo dục phổ thông, sự ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông và bối cảnh điều kiện của Việt Nam một khi bỏ việc thi tốt nghiệp THPT.
Mục đích của đánh giá quá trình dạy học và đánh giá cuối khóa học
Phương pháp và hình thức đánh giá mức độ làm chủ được kiến thức và kỹ năng của học sinh gồm khá nhiều, nhưng người ta thường chia làm hai loại chính là đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học còn gọi là đánh giá hình thành (formative assesment) và đánh giá cuối khóa (summative assesment).
Mục đích chủ yếu của đánh giá quá trình là đo lường mức độ nắm vững bài học, môn học của học sinh trong quá trình và đồng thời nhận dạng những khiếm khuyết trong quá trình dạy của thầy cô và học tập của học sinh để điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học mang đến hiệu quả cao nhất. Phương pháp đánh gái này có thể là thi viết, trắc nghiệm, kiểm tra miệng, quan sát, đánh giá qua hồ sơ học tập v.v...Theo công trình:" Những điều mà giáo viên rất cần biết về đánh giá quá trình" của Laura Greenstein (2010), việc đánh giá quá trình sẽ giúp giáo viên tập trung vào những điểm ưu tiên để dạy, điều chỉnh lĩnh hoạt phương pháp để thích ứng với học sinh, khuyến khích giáo viên và học sinh cùng làm việc với nhau, tăng cường trách nhiệm và động cơ học tập, phản ánh kịp thời tiến bộ của học sinh theo chuẩn và làm tăng sự gắn kết giữa nội dung, giảng dạy và đánh giá. Như vậy mục đích đánh giá thường xuyên thể hiện khá rõ. Ở một số nền giáo dục, để công nhận tốt nghiệp nhà trường có thể công nhận tốt nghiệp khi thi hết một số môn học nào đó (như một số bang của Hoa Kỳ) hoặc dựa theo kết quả đánh giá thường xuyên để công nhận tốt nghiệp.
Thi tốt nghiệp ở các tiểu bang ở Mỹ
Để làm được như vậy hệ thống giáo dục như Phần Lan chẳng hạn, người ta tôn trong sự trung thực, dân chủ đồng thời giáo viên được làm chủ cao, được đào tạo rất chuyên nghiệp không chịu ảnh hưởng bới áp lực chính trị từ lãnh đạo nhà trường cũng như sức ép của phụ huynh học sinh trong quá trình đánh giá, qui mô lớp không qúa đông sẽ giúp cho việc đánh giá tin cậy hơn. Nhưng ở ta thì sự trung thực xem ra còn khá xa xỉ. Nhất là khi sử dụng kết quả đánh giá quá trình là một thành tố xét công nhận tốt nghiệp thì lập tức sự trung thực sẽ khuất phục bởi văn hóa gian lận (nói bệnh thành tích thực ra chưa chỉ đúng bản chất của căn bệnh) và việc cho vống điểm lên cũng là một cách giữ gìn bản thân an toàn trong khi phụ huynh có phần hả hê với giá trị ảo của con em mình. Vài năm trở lại đây dư luận đã thấy việc lạm phát điểm trong 3 năm qua ở THPT xcần được xem là dấu hiệu không tốt của việc nhà nước có chính sách thì các trường có đối sách. Ngay việc hoàn thiện chương trình và SGK mới có ý kiến cho rằng sẽ bỏ việc thi tốt nghiệp cũng là một khuyến cáo vội vã. Nhìn qua Thái Lan, Luật giáo dục Thái Lan qui định bên cạnh việc đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường thì cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải có đánh giá chất lượng bên ngoài (không phải kiểm định) để cho quá trình đảm bảo chất lượng diễn ra liên tục, tránh kiểu mẹ hát mẹ khen hay tự khen nhau.
Mục đích của đánh giá cuối khóa hay là tốt nghiệp THPT lại mang mục đich và ý nghĩa khác. Nó không chỉ làm cơ sở để công nhận đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn chương trình giáo dục phổ thông cho người học mà còn có ý nghĩa giúp cải thiện chất lượng quá trình giáo dục trước đó, dùng làm so sánh giữa các địa phương, các trường theo một chuẩn để biết những ưu tiên chính sách đầu tư, phát triển bồi dưỡng giáo viên ở bộ môn nào? ở đâu thông qua kết quả đánh giá theo chuẩn. Ngoài ra, việc đánh giá ngoài cuối khóa THPT còn xác định trách nhiệm giải trình của học sinh, giáo viên, nhà trường và lãnh đạo ngành giáo dục địa phương vì những đồng tiền thuế tiêu đi. Hiện nay một số người khueyén cao bỏ thi tốt nghiệp THPT những thiếu các nghiên cứu thực nghiệm mà mới tin tưởng vào những giả thiết e rằng chúng ta lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn vì 10 đến 15 năm nữa chất lượng nguồn nhân lực Việt nam sẽ như thế nào khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần?.
Thi tốt nghiệp ở Đức
Theo một số nghiên cứu gần đây, một số tác giả nước ngoài đã nghiên cứu tác động của kỳ thi tốt nghiệp do trung tương hoặc do bên ngoài tổ chức đã làm tăng thành tích của học sinh với các môn Toán và Khoa học. Ví dụ, công trình: " Hiệu quả của việc thi tốt nghiệp trung tâm đến thành tích của học sinh: Bằng chứng thực nghiệm Cô si từ kết quả đánh giá TIMSS ở Đức" dó 3 tác giả tiến hành khẳng định rằng: Những học sinh trong các bang của liên bang dự thi tốt nghiệp trung tâm (central exit examination) vượt trội hơn những học sinh ở các bang khác...những đợt thi trung tâm làm tăng thành tích của học sinh lên 1/3 năm học qui đổi". Một công trình khác công bố tại hội thảo tại trường John F. Kennedy School of Government, của ĐH Havard có tiêu đề: " Những kỳ thi trung tâm ảnh hưởng thế nào đến thành tích giáo dục: Bằng chứng quốc tế từ kỳ thi TIMSS..." cũng khẳng định những tác động tích cực đến thành tích của học sinh. Một công trình khác có tiêu đề :" Thi tốt nghiệp trung tâm cải thiện kết quả đầu ra của học sinh" cho thấy: Việc thi trung tâm gắn với thành tích cao hơn trải suốt hệ thống trường học quốc gia và của vùng; kỳ thi này đòi hỏi hệ thống phân cấp với sự tự chủ nhà trường cao để đạt được thành tích của học sinh; học sinh trải qua kỳ thi này thu nhập cao hơn, thất nghiệp thấp hơn; những kỹ năng được cải thiện qua kỳ thi này có quan hệ với tăng trưởng kinh tế cao hơn trong dài hạn. (Ludger Woessmann, University of Munich, 1/2018). Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy việc thi tốt nghiệp cấp tiểu bang dựa vào chuẩn chương trình giáo dục đang tăng dần qua các bang (Thi tốt nghiệp THPT tiểu bang: sự chuyển dịch chính sách - Trung tâm Chính sách giáo dục, Đại học George Washington. 2012).
Thi tốt nghiệp THPT ở Châu Âu
Thi cử và nền giáo dục mở
Văn kiện Nghị quyết các đại hội 10, 11 đều nhắc đến việc hình thành mô hình giáo dục mở là nền giáo dục phi rào cản cho mọi người điều đó có nghĩa là người học có thể ra vào hệ thống linh hoạt trong học tập và trong thi cử. Sở dĩ sức ép khiến cho gian lận thi cử diễn ra do tác động của nhiều nguyên nhân cả về chính trị (ảnh hưởng vị thế cán bộ lãnh đạo địa phương), kinh tế, văn hóa, đạo đức, cục bộ địa phương, dân chủ, mức độ kiểm soát gian lận và cả việc làm trong một thị trường lao động minh bạch cả công và tư...Nhất là khi chúng ta lấy mục tiêu tốt nghiệp và xét tuyển ĐH vào trong một kỳ thi giao cho địa phương tổ chức không thể tránh được gian lận nếu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội lơ là việc giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm. Ngoài ra, một hệ thống đánh giá chuẩn mực thành tích học tập của sinh viên ĐH cùng với đổi mới cơ chế tài chính, quản trị nhà trường sẽ góp phần hạn chế được tiêu cực của thi cử tổ chức ở địa phương.
Để việc thi tót nghiệp THPT diễn ra bình thường như một công đoạn của qui trình giáo dục, rất nên nghiên cứu cho học sinh được thi lại một số lần trong cuộc đời khi đó sức ép gian lận sẽ đỡ căng thẳng hơn. Điều đó cũng tương tự như thi tốt nghiệp ĐH có thể thi lại mà không bị ngăn cản.
Khuyến cáo
Qua kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn của Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, tăng cường tự chủ trường học cùng với quá trình dân chủ hóa trường học việc giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cách lựa chọn khá hợp lý hiện nay và không thể bỏ thi tốt nghiệp được. Để đảm bảo so sánh giữa các địa phương với nhau Bộ GD&ĐT có thể cung cấp đề thi chuẩn (đã được thử nghiệm) gắn với tiêu chuẩn của chương trình THPT (chuẩn đầu ra), khi đó đề thi sẽ không phải là đánh đố như hiện nay cho một bộ phận thí sinh có học lực trung bình và yếu ở các vùng kinh tế khó khăn.
Việc thi đại học với mục đích lựa chọn nhân tài vào học trong các ngành phù hợp (với hàng nghìn ngành thì tổ hợp các môn thi như hiện nay là không đủ và có phần gượng ép) thì để cho trường ĐH lựa chọn và có thể không chỉ lựa chọn bằng việc kiểm tra kiến thức mà có thể kiểm tra năng lực, động cơ và thái độ qua các kỹ thuật đánh giá khác chọn được ứng viên phù hợp.
Trong một tầm dài hơi hơn để đảm bảo cho việc thi cử với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đánh giá đúng năng lực người học thì ngay từ mẫu giáo và tiểu học đã phải dạy cho trẻ lòng trung thực, tự trọng và trong xã hội tham nhũng cần được trừ bỏ thì bức tranh giáo dục nói chung, thi cử nói riêng sẽ có gam màu sáng sủa hơn sau hơn một thập kỷ nữa.
TS. Hoàng Ngọc Vinh
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT
BigSchool: Chúng tôi đã từng đăng ý kiến của thầy Nguyễn Quốc Vương phân tích và đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nay đăng tiếp ý kiến liên hệ tình hình một số nước và khuyến cáo của TS. Hoàng Ngọc Vinh theo hướng ngược lại. Rất mong nhận được sự trao đổi của các bạn. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn.
.................................
Theo Bigschool