Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Công Trứ - Con đường cheo leo của tự do - của cá nhân

Đầu tháng 1-1995, Trường Viết văn Nguyễn Du mời G.S Trần Đình Hượu đến giảng về Nguyễn Công Trứ. Giảng xong chưa kịp đánh máy bài giảng thành tài liệu thì ngày 14-1-1995 ông phải đi bệnh viện điều trị các bệnh mãn tính đến thời kì bộc phát. Trần Đình Hượu mất ngày 11-2-1995. Đây là bài viết cuối cùng của ông.

Trong các danh nhân Việt Nam không có ai giống Nguyễn Công Trứ. Ông là một nhân vật đặc biệt. Đặc biệt vì ông đã lập nên một sự nghiệp lừng lẫy nhiều mặt, mặt nào cũng độc đáo. Và có lẽ đặc biệt hơn là con người, cách làm người của ông được nhiều người ngưỡng mộ nhưng ít khi được hiểu thật đúng. Trong việc đánh giá của triều đình nhà Nguyễn cũng như trong việc đánh giá của hậu thế, ông cứ bị cảnh “lên voi xuống chó” đáng nực cười. Đành hay một người đã lấy mo cau “che miệng thế gian”, một người đã coi “khen chê phơi phới ngọn đông phong”, dư luận chỉ là cơn gió thoảng không có gì đáng bận tâm, thì có cần gì ai thanh minh, đính chính.

Ở quê hương ông - vùng Nghệ Tĩnh - các nhà nho lớp trước chỉ coi hai người là của mình: Nguyễn Công Trứ và Phan Bội Châu. Ở Nghệ Tĩnh, còn có những người có sự nghiệp lẫy lừng hơn, có văn tài cao hơn nhưng lòng tự tin ở tài năng, tâm trạng “ư bách niên trung tu hữu ngã” và chí khí không khuất phục đã làm cho hai người đó thành tiêu biểu.

Gọi là “ngông nghênh”, là “ngất ngưởng” có lẽ cũng chỉ là bề ngoài - cái bề ngoài làm cho người Nghệ Tĩnh mắc tiếng “gàn”. Có tài, tự biết mình có tài và từ đó sống dựa vào tài, tìm cách sử dụng tài làm cho hai người gần nhau, mặc dầu sự nghiệp hai người rất khác nhau.

Một trường hợp hầu như rất ít thấy các nhà nho: Nguyễn Công Trứ có ý thức rất sâu sắc về bản thân và nói về mình một cách không che giấu. Ở ông, cá nhân nổi bật át hẳn con người ép mình sống theo khuôn khổ. Và cá nhân được xác định bằng tài. Cái tài mà ông định “giắt lưng giành để tháng ngày chơi” là vũ khí, là vật bảo chứng cho một cuộc sống có thú, thích chí, nghĩa là cuộc sống của mình, cho mình. Cả tài và cách dùng tài làm cho Nguyễn Công Trứ thành độc đáo. Công danh sự nghiệp, nghệ thuật văn chương, lối hành lạc, tóm lại, cuộc sống của ông là thế.

Hoàn cảnh của bản thân có thay đổi. Là một công tử “xác” nghèo rớt, muộn mằn lắm ông mới thi đỗ làm quan, làm quan thì lại “lên voi xuống chó”. Ít người lên nhanh như ông mà cũng ít người đã là đại tướng mà lại xuống làm lính thú! Cả cuộc đời ông có thể chia làm hai: thời nghèo hèn và thời hiển đạt. Nhưng có lẽ cũng nên tính riêng đoạn cuối đời ông lúc ông từ quan về quê. Vị hưu quan “điền viên dạo chiếc xe bò cái” không giống kẻ nghèo hèn nhưng cũng khác hẳn các hưu quan.

Có tài và nghèo, tài cao phận thấp là sự xung đột giữa tài và mệnh, giữa tài và phận. Phận - vận mệnh xã hội, vị trí xã hội không tương xứng với tài. Từ “phận thằng cùng” Nguyễn Công Trứ rút ra bài học “phải biết thân”. Và cũng là trong cảnh trái ngược đó mà ông am hiểu thế thái nhân tình. Nguyễn Công Trứ biết cảnh thực của sự cách biệt giàu nghèo, của tình bà con hàng xóm. (Hàn Nho phong vị phú). Nhưng ông cũng không mất lòng tự tin. Những cảnh ngặt nghèo như vậy, theo cách ông tự an ủi, an ủi để giữ vững chí khí - chỉ là sự thử thách của tạo hoá: ngọc không mài dũa thì không trong sáng. Mỗi người đều có mệnh, có thời. Phải biết nhẫn nhục, phải biết chờ đợi.

Tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt.

Với ý thức làm tuấn kiệt và vì lẽ đó, ông còn ý thức về một món nợ với trần hoàn. Ông gọi nó là “nợ nam nhi”, nợ cầm thư, nợ tang bồng. Đã có nợ thì phải trả, trả sòng phẳng.

Để trả nợ, cũng như nhiều nhà nho khác, Nguyễn Công Trứ phải tính toan đường xuất xử, phải bận tâm suy nghĩ về công danh.

Xưa nay xuất xử thường hai lối

Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.

Đã có thân thì phải có danh tức là phải xuất chứ không phải xử. Nhưng Nguyễn Công Trứ nói đến công danh xuất xử một cách hăm hở, nôn nóng, chứ không thâm trầm lặng lẽ như nhiều nhà nho khác. Có thể trong cảnh nghèo lúc đầu Nguyễn Công Trứ cũng ham danh cầu danh thực. Nhưng về sau, khi ông thật sự đã có danh, nổi danh thì điều đó lại do một nguyên nhân khác; tự thấy mình khác người, hơn người, mắc nợ đời nhiều hơn người. Trong cái “nợ đồng lần” ai cũng mắc mà người tuấn kiệt mắc nhiều hơn, Nguyễn Công Trứ chọn cho mình một phương sách: dùng tài để trả nợ. Tài với mệnh chẳng bao giờ là cân bằng, người tuấn kiệt không có cách nào khác.

Di khuất trượng phu ưng bất bất

Bảo an quân tử tín vô vô

… Sơ sinh bất hạnh thành đầu giác

Vạn lí ưng nan tích vũ mao.

Đã không muốn tầm thường “ăn cho no, ở cho yên”, thì chỉ có xông pha, sẵn sàng chịu thử thách. Và ở đó Nguyễn Công Trứ để lại khí phách. “Không chịu thay đổi, không chịu khuất phục”. Ông để lại hình ảnh một người say bão tố “buồm lái trận cuồng phong”.

Vấn đề Nguyễn Công Trứ đặt ra rộng hơn quan hệ giữa tài và mệnh. Quan niệm con người của ông đã khác. Các nhà nho xưa hình dung con người có hình, có tâm, thân thể và tâm hồn trí tuệ. Hình và Tâm đều là cái mà con người hưởng hữu từ Trời và Đất. Tâm là tính trời. Cho nên con người phải dưỡng tính, tận tâm để biết tính, biết mệnh, biết trời. “Không biết mệnh không phải là quân tử”. Tận tâm dưỡng tính cũng là ức chế tình, cũng là ngăn chặn dục vọng. Với Nguyễn Công Trứ con người ngoài hình (thân thể) không phải là Đức là Tính. Con người được biểu hiện bằng tài và có tình.

Thế nhân mạc oán tài tình lụy

Không tài tình quang cảnh có ta chi.

Tình có thể là nợ mà cũng có thể là duyên. Dẫu sao thì tài tình cặp kè với đời người thành một thói khó bỏ: “Thói phong lưu”. Có nợ tình có thói phong lưu thì nợ càng nặng. Dầu là thói là nợ nhưng Nguyễn Công Trứ không có ý định bỏ nó.

Ông không thể quên tình, quên lạc thú. Đó cũng là nét đặc sắc của Nguyễn Công Trứ. Điều đó cũng đẻ ra một sự không ăn khớp với trật tự xã hội, cái mệnh, cái phận mà mọi người cộng đồng phải thừa nhận. Nguyễn Công Trứ không phải là người khiêm cẩn yên mệnh. Ông muốn phá khuôn khổ và sống tuỳ thích. Ông bước vào mảnh đất của chủ nghĩa cá nhân và ông xây dựng sự tự do cho mình trên mảnh đất ấy. Đây là đầu mối làm nên giá trị và cũng là đầu mối dẫn đến những chê trách, những sự hiểu lầm đối với ông. Ông đã coi thường những sự khen chê của người đời để làm cái lớn, cái không tầm thường.

Bé mọn làm chi những thứ bồng

Lớn lao thế ấy ghẹo ai rung.

Ông muốn làm “trượng phu kềnh”, làm “Kình thiên một cột giơ tay chống. Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao”, ông muốn làm cây thông “đứng giữa trời mà reo”. Ông muốn sống theo cách của mình “khen chê thì cũng gác ngoài tai” nghĩa là bất chấp xung quanh. Như thế thì phải có cái gì bảo hiểm. Nguyễn Công Trứ đã dùng tài để bảo hiểm, bảo hiểm cho tình, cho thú và bảo hiểm cho sự ngông nghênh ngất ngưởng khác đời. Cứ nhìn vào sự nghiệp - những việc ông đã làm - thì cũng khó thấy chỗ khác đời. Cũng đi thì, long đong nơi trường ốc. Cũng làm quan và làm quan tận tụy “xếp hai chữ quân thần mà gánh vác” và gánh vác cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Nhưng cái khác chính là ở chỗ.

     Vào vòng cương toả chân không vướng

     Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.

Làm hết trách nhiệm của con người trong cuộc sống luân thường, ông không để ai dị nghị về cái ông cố giữ: thị tài và đa tình.

Nguyễn Công Trứ là nhà nho nhưng ông không hoàn toàn nho. Ông bàn đến xuất xử, hành tàng như nhà nho nhưng ông có nhiều đam mê, có nhiều dục vọng, muốn có cái thú vui của người lập nên sự nghiệp lừng lẫy mà cũng muốn có cả những thú vui của người nhàn dật mê cảnh núi sông giăng gió. Ông muốn làm “trượng phu kềnh” chứ không phải “đại trượng phu”. Đối với ông, cái gì cũng chưa đủ.

Hiếu tĩnh vị năng vong thuỷ thạch

Anh nhần phi thị học thần tiên.

Ông muốn tự sắp xếp cuộc đời hành xong thi tàng, hành để tàng hưởng mọi vui thú. Ông có nhiều ham muốn và sống hết mình. Đó là chỗ ông không thể chịu được sự kiềm chế, sự uốn nắn của Nho giáo. Khát khao tự do làm ông gần Trang Tử. Nhưng thực ra Trang Tử cũng không thành la bàn cho ông đi trong cuộc đời. Là Nho, ông không thể sống theo tài tình, buông thả hành lạc mà là Trang thì lại không thể “vô danh”, “vô công”, “vô kỉ” sống nhàn tuân theo tự nhiên. Sống theo tài theo tình tức là theo cá nhân chính là chỗ mới của ông, không hẳn là Nho mà cũng không hẳn là Trang. Nho hay Trang cũng đều chưa nghĩ đến một con người như vậy có quyền tồn tại trong cuộc sống.

Với con người như vậy, Nguyễn Công Trứ tỏ rõ sự bất bình với Mệnh và Trời. Trong bài Con tạo ghét ghen ông nói đến một thời trai trẻ “lúc tuổi xanh chỉ khỏi cậy tài, Sức bay nhảy tưởng ra ngoài đào chú”. Trong sự đụng độ, mệnh không hẳn đã áp đảo được tài “càng phong trần danh ấy lại càng cao”. Nhưng vì sự bất kính và va vấp nên người thị tài cũng phải thừa nhận uy quyền…

Ấy xung chàng nghĩ cũng mếch lòng

Nên đè nén dày vò thời cũng phải.

Thế mà khi đã từ bỏ tất cả “mùi hoạn huống nợ phong lưu” “trăm việc đã xin nhường”, tạo hoá vẫn cứ đánh ghen làm cho đau lòng, nhọc sức, khổ tâm, trái ý. Tạo hoá là Trời hay là cuộc đời, là vua chúa? Cái đáng nói là tuy từ bỏ hết ông vẫn không từ bỏ thú vui (mua lấy cuộc nhàn, nương miền tuyến thạch). Chính vì sống hết mình, theo mình mà Nguyễn Công Trứ thấy sự bất công mà ông tỏ nỗi bất bình của tài với mệnh, của con người với tạo hoá.

Với nhân cách và cách sống độc đáo Nguyễn Công Trứ đã để lại một sự nghiệp văn chương có hai nét để lại ảnh hưởng lâu dài.

Với cốt cách đa tình, Nguyễn Công Trứ đã đưa vào thơ ca sự say đắm, đa dạng. Nguyễn Công Trứ cũng vịnh sử - vịnh bằng hát nói. Với những bài còn lại, ông nhắc nhiều đến các danh nhân mà sử sách nhà nho đã nói đến: Bá Di, Thúc Tề, Lã Vọng, Khuất Nguyên, Trương Lương, Hàn Tín, Đào Tiềm, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Trần Đoàn… Có cả thánh hiền và hào kiệt. Nhưng chỗ Nguyễn Công Trứ ca tụng vẫn là cái cốt cách riêng, cái tài trí, cái hào hùng rất sảng khoái. Có thể nói ông nhìn cái đẹp rất đa dạng và cụ thể. Những bài vịnh cảnh, từ cảnh bốn mùa, cảnh Hà Nội, cảnh Tây Hồ… được mô tả chi tiết cụ thể. Thể thơ thất ngôn vốn gò bó nhưng với Nguyễn Công Trứ nó vẫn là một tiếng nói chân thành, sinh động.

Môi trường hành lạc cũng đưa lại cho nhà thơ một kết quả quý báu: sự am tường xoang điệu dân ca. Tôi không dám nói đó là tài năng âm nhạc. Nhưng Nguyễn Công Trứ đã để lại hơn 50 bài hát nói. Với Nguyễn Công Trứ lời hát của bài ca đã thành thơ, một hình thức nghệ thuật của ngôn ngữ. Có lẽ trước Nguyễn Công Trứ hát nói cũng đã hình thành. Nhưng trong 50 bài hát nói của ông, ta thấy dấu vết của giai đoạn xoay điệu và thể thức bài ca chưa định hình. Không chỉ là độ dài ngắn của bài mà cả cách kết cấu của bài cũng đang rất tuỳ hứng, đang trong giai đoạn tìm kiếm. Nếu như Nguyễn Công Trứ không phải là người mở đầu thể hát nói thì ông cũng là người để lại nhiều bài hát nói thành công nhất.

Hát nói là thể thơ của tài tình. Quan trọng hơn là thể thơ của con người cá nhân và tự do. Tìm được thể hát nói, con người Nguyễn Công Trứ mới thật sự tìm ra chỗ tự biểu hiện mình. Và không dám phá khuôn sáo thì cũng không thể có thành công đó.

Đưa được một nét đẹp mới, cái đẹp độc đáo vào văn chương “cái hào mại” như Tản Đà phân biệt Nguyễn Công Trứ với Nguyễn Du, với Hồ Xuân Hương, với Bà Huyện Thanh Quan, sáng tạo một thể loại mới. Đó là cống hiến lớn của Nguyễn Công Trứ vào văn chương Việt Nam.

Nhưng có lẽ cũng sẽ là quan trọng không kém trong lịch sử văn hoá là việc ra đời cá nhân, ra đời tự do, ra đời một loại nhân cách để lại ảnh hưởng cho đương thời và cho về sau. Và chính cái đó lại là nguyên nhân - hay là có sự tương ứng - với hai thành tựu văn học nói trên.

Cả ba gắn với tên tuổi của Nguyễn Công Trứ.

Nguyễn Công Trứ với tài năng và tính cách độc đáo của mình đã mở ra một con đường: con đường của tự do, của cá nhân trong xã hội luân thường phương Đông. Đó là vấn đề mà ngày nay thật sự có ý nghĩa.

 



tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512135

Hôm nay

272

Hôm qua

2389

Tuần này

272

Tháng này

219008

Tháng qua

121356

Tất cả

114512135