Người xứ Nghệ

Doanh nhân ở NGhệ An trước Tháng Tám năm 1945

Thời Trung đại, nơi đóng bộ máy cai trị của  Nghệ An là ở Lam Thành. Người có công trong việc cho chuyển trấn sở của tỉnh này từ đó ra làng Dũng Quyết (nay thuộc đất các phường Trung Đô và Bến Thủy- Vinh) là Bắc Bình vương Nguyễn Huệ (hồi cuối thế kỷ XVIII)(1). Đến năm 1804 thì vua Gia Long cho dời dinh trấn của Nghệ An từ đó lên làng Vĩnh Yên(nay thuộc phường  Đội Cung).

Xét về việc kinh dinh, buôn bán trên đất nước ta, sau khi Gia Long nhờ có tư bản Pháp giúp sức mà đánh bại triều Tây Sơn để cai trị cả nước thì đã mở thêm sự thuận lợi cho giới công thương. Tại Nghệ An, các doanh nhân lớn, chủ yếu từ Phù Thạch, nơi đối ngạn với Lam Thành chuyển hết ra vùng Vĩnh Yên, tên thường gọi là Vĩnh Doanh, mà  nơi quần tụ chính của họ là tại Vĩnh Thị (đoạn đường từ Ngã Tư  đi vào, cho đến 1946 từ đó được gọi là Phố Khách- Chợ Vĩnh) và vùng Bến Thủy. Như thế là trước khi người Pháp đặt được bộ máy cai trị của họ lên đất này, Vĩnh Thị đã có ngót trăm năm phát triển(cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX). Trong “Niên giám Đông Dương” do chính quyền thực dân lập, họ đã ghi là, vào năm 1893 ở Vinh, về người Việt có Nguyễn Hiểu: chủ hiệu buôn vải, Đức Hợp: đồ gốm; Thuận Ký: thưốc Bắc... Thương gia người Hoa có: Vinh Xương Mậu: đồ sứ; Di Hòa: da thú... Đồng Hòa : thuốc Bắc... Ấy mới là một số đại thương gia bản địa thuở bấy giờ mà người Pháp nhận biết. Và suốt thời gian tiếp theo, các hãng công thương như thế vẫn đủ sức cạnh tranh với người Pháp trên những lĩnh vực mà họ kinh doanh. Đó là chưa kể các thương gia người Ấn với hàng buôn chính là len, lụa...

Còn về các doanh nhân người Âu, ta biết, món nợ mà triều Nguyễn (do Gia Long khởi ngôi) cần trả cho tư bản Pháp là rất nặng. Việc đầu tiên là nhà vua phải chịu để người nước họ được tự do đi lại, buôn bán trên toàn lãnh thổ của ta. Và, kể từ khi Pháp mới chiếm xong Nam Kỳ thì một thương gia người nước họ là Đuy-puy(Jean Duipuis), chuyên buôn súng đạn và thăm dò lâm khoáng sản đã có cái đặc quyền là được ghé vào bất cứ một bến sông nào trên lãnh thổ Việt Nam do vì sau cái chết của La-gơ-rê (Doudard De Lagré) - bị đắm thuyền khi ngược sông Hồng để khảo sát vùng Vân Nam, Trung Quốc - thì Đuy- puy đã vì quen thủy thổ, thác ghềnh mà dẫn đường để những kẻ kế tục công việc của La-gơ-rê thâm nhập vào xứ ấy. Rồi Đuy-puy được Súy phủ Sài Gòn trả công như vậy. Đó là lý do để ông ta đến Bến Thủy từ khi thực dân Pháp chưa chiếm được kinh thành Huế mà xây trên vùng đất này một trạm buôn gỗ mang tên mình.

Khi quân đội Pháp đánh chiếm xong cả xứ Trung Kỳ thì đến năm 1887, Duy- puy nhượng cái cơ sở đó lại cho chính quyền thực dân ở Nghệ An. Năm 1892, trên cái nền ấy, công ty  Vô danh Khai thác rừng và làm diêm Đông Dương (Société Anonynme   Indochine de Forestiers et d’Alumettes) gọi tắt là SIFA được thành lập tại Bến Thủy. Vào năm 1894, số vốn của công ty này là 500.000 quan tiền Tây. Công ty này do Tòa Công sứ Vinh nắm quyền quản lý(1). Năm 1903, họ lập thêm cơ sở làm Diêm (Fabrique d’allumettes).  Rồi từ việc dùng điện bằng các mô-tơ (moteur électrique), năm 1922 công ty này xây hẳn một nhà máy điện, do Ca-la-bi, chủ của công ty SIFA trực tiếp làm quản đốc(2).

Rồi dần dần, chính quyền thực dân nhìn biết sự giàu có về thảo mộc, khoáng sản của vùng đất phía Tây Nghệ-Tĩnh và Trung - Thượng Lào nên cho phép các nhà tư bản trước tiên là người Pháp đặt kế hoạch khai thác miền đất  từ giáp Mê Kông xuống đến vùng trung du của xứ này. Mà để lưu chuyển nguyên vật liệu và của cải thì cần có đường sá, do vậy các công ty vận tải ra đời mà thế mạnh của Vinh-Bến Thủy là có cửa của Lam Giang cách biển chỉ khoảng mười cây số. Ấy là cơ hội để vùng cảng Bến Thủy có những con thuyền chạy bằng máy hơi nướ  ra vào. Mà về phương diện này thì thế mạnh không hoàn toàn thuộc về người Pháp. Nổi lên ở nơi này thuở bấy giờ là  Bạch Thái Bưởi.

Ông vốn họ Đỗ, ở làng An Phúc, tỉnh Hà Đông, bố mất sớm, làm con nuôi một gia đình họ Bạch rồi mang họ của chủ. Từ đó, ông được đi học rồi tiếp xúc với kỹ thuật cơ giới. Ông là người chủ yếu cung cấp vật tư, thiết bị để người  Pháp lắp đặt đoạn đường ray xe lửa Gia Lâm- Hàng Cỏ(Hà Nội). Năm 1909, ông thuê lại 3 chiếc tàu biển của một doanh nhân Pháp để mở tuyến đường biển giao thương Hà Nội-Nam Định-Bến Thủy. Từ đó, cầu cảng Bạch Thái Bưởi (có nhánh đường goòng riêng) là dài và rộng nhất ở cửa sông Lam. Năm  1917, hãng vận tải biển Đét-văng-đen(Deschwanden) của Pháp bị phá sản, Bạch Thái Bưởi mua lại 6 con tàu khác của hãng ấy. Bấy giờ ông đã có tiếng vang lớn trong kinh doanh đường thủy ở Đông Nam Á. Ngày 7-9-1919, Công ty Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy con tàu Bình Chuẩn và ông được tôn xưng là “Vua tàu thủy của Việt Nam”. Ông luôn luôn bênh vực người dân bị trị. Trong một cuộc hội nghị kinh tế lý tài họp ở Hà Nội, Rô-banh (René Robin) Thống sứ Bắc Kỳ dọa: “Nơi nào có Rô-banh thì không có Bạch Thái Bưởi”. Ông đáp lại: “Đất nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không có Rô-banh”. Trong hồi ký để lại của mình, một số thợ bốc vác ở Bến Thủy vẫn viết “Làm thuê cho nhà ông chủ họ Bạch công sá sòng phẳng và thường là có thưởng”. Một số tài liệu cho rằng, kinh phí để trùng tu chùa Tập Phúc (Vinh) năm 1926 là do Bạch Thái Bưởi cung hiến. Người đời đánh giá: “Bạch Thái Bưởi là một nhà tư sản dân tộc, một thương gia lớn, giàu chí tự cường, một tâm hồn Việt, là khuôn mặt doanh nhân nổi trội trong ba mươi năm đầu của thế kỷ XX”.

Cũng trong ngành giao thông vận tải, về đường bộ, nổi lên có hãng ô-tô (thường gọi là ga-ra) Phạm Văn Phi với  gần 150 thợ , số vốn có đến trên 200.000 quan tiền Tây. Đã một thời, hãng này đủ sức cạnh tranh với hãng vận tải  ô-tô SAMANAL (Socité automobile messagerie Nord d’ Annam et Laos) của người Pháp(1).

Trên đất Nghệ An hồi trước còn rất nhiều những công-thương gia người Việt cũng như ngoại kiều chuộng công lý, khát khao sự yên hàn để sản xuất, buôn bán, góp phần làm giàu có thêm cho xứ sở mà họ cư ngụ, kinh doanh. Và khi xứ sở này gặp sự biến về thiên tai,địch họa thì họ cùng chung sức chống chọi và khắc phục hậu quả.

Về kinh doanh công thương nói chung, nếu vùng Bến Thủy mạnh về buôn bán gỗ, gạch, xăng dầu, tiểu cơ khí, đồ hộp của người Âu thì tại vùng Vinh nặng về trao đổi các nhu yếu phẩm dân dụng. Tại đây có nhà kinh doanh như; Trịnh Văn Ngấn con của nhà tư sản Ký Phượng buôn tổng hợp; Nguyễn Tạo mở xưởng cưa trên đường Đuy-răng-tông (nay thuộc phường Hồng Sơn); Đề Hợp buôn lâm thổ sản; Vĩnh Dụ buôn xăng dầu, Quảng Phúc Hòa buôn đồ đồng; Thuận Ký và Vĩnh Hưng Tường buôn thuốc Bắc, Lẹng-xẹng(người Hoa) buôn vải dạ, may đo, Bảo Nguyên, Quảng Tiến kinh doanh vàng bạc, Ký Hai buôn thuốc lào. Khách của các chủ hàng này có rất nhiều người giàu tinh thần cách mạng nên về sau, các nhà công thương ấy một lòng đồng hành với nhân dân ta suốt hai cuộc kháng chiến cống Pháp và chống Mỹ.

Nhìn lại vùng đất Nghệ An mà Vinh-Bến Thủy là trung tâm, nơi giới công thương đã góp phần để cho xứ sở này cùng  phát triển; nay trước những cơ hội và thách thức mới của đất nước và toàn cầu khi tất cả cùng bước vào  kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, ta nhớ không lâu sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Thủ tướng Chính phủ  đã ký Quyết định là lấy ngày 13-10  hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam. Và trong thư gửi giới công-thương hồi đó, Người viết:“Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau.Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp-thương nghiệp mau mau gia nhập vào Công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi dân”(2).

 


(1) Xin xem sách “Đại Nam thực lục”, Trang(Tr). 124 và sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” Tập 2, Tr. 1050.

(1) Vào năm 1897, tại Bến Thủy có thêm Công ty Lâm nghiệp Thương mại Trung Kỳ do Măng- giơ(Mange) làm Giám đốc.

(2)  Sách “Lịch sử Điện lực Nghệ An” do Nguyễn văn Minh biên soạn, Nxb Nghệ An, 2003, Tr. 14 viết  là“ năm 1916, thị xã Vinh mới có một có một nhà máy điện nhỏ ở sát bờ hào sen gần Cửa Tiền-thành Nghệ An,do Đuy-cơ-lô xây dựng, nhưng rồi bị thất bại, sau khi nhà máy điện  Vinh- Bến Thủy được thành lập”.

(1) Phó giáo sư Nguyễn Quang Hồng trong sách “Thành phố Vinh, quá trình hình thành và phát triển”, là Luận văn Tiến sĩ, Giải thưởng Nguyễn Thiện Duật năm 2000, Ở Tr. 22, Tiến sĩ Hồng viết “Ngay ông Ma-hê (Mahé) nguyên Toàn quyền thuộc địa Đông Dương đã nghỉ hưu trong chuyến du lịch từ Vinh-Bến Thủy đi Lào đã phải đi xe của xí nghiêp Phạm Văn Phi,từ ngày 8- 4-1928 đến 17- 4-1928...”. Nhưng Ma-hê không từng làm Toàn quyền Đông Dương (về hưu). Chức ấy, từ tháng 4/ 1928 trở ngược lên là:Robin từ 8/8 đến 26/12/1928; Monguillot: từ 11/1927- 8/1928; Pasquier từ 4/10/1926 – 16/5/1927, Varenne từ 8-11-1925 đến 4/10/1926... (Dẫn theo “Leçon d’ Histoire d’ Annam” của Dương Quảng Hàm, Hà Nội,  Tr.198 và Charle B. Maybon trong “Pays d’Annam”, Imprimerie d’Extrême- Orient, 1930.

(2) Bài “Bác Hồ và sự nghiệp xây dựng đội ngũ doanh nhân”, Báo “Sài Gòn Online” 31-1-2017.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511828

Hôm nay

2154

Hôm qua

2337

Tuần này

22202

Tháng này

218701

Tháng qua

121356

Tất cả

114511828