Ông Phan Thiên, “thầy Thiên” – ông lão chăn bò, đã hơn 85 tuổi ấy! Xa xăm quá rồi còn gì!
Ngày ấy, chúng tôi đâu biết đến cái gọi là lớp “mẫu giáo”. Lớn lên, trần trụi, lấm lem đất cát, đuổi nhau đánh trận giả, rồi lặn hụp dưới sông suốt ngày. 6 tuổi, chúng tôi được xua vào một cái lán tranh tre, xung quanh có hào giao thông. Lớp “vỡ lòng” đấy! Tôi còn nhớ, lũ trẻ thường í ới gọi nhau đi học lớp “ấu trĩ” – hồi ấy quen tai, giờ nhớ lại thấy rất kì. Người được giao nhiệm vụ thiêng liêng khai tâm cho bọn nhóc là anh Phan Thiên – lúc bấy giờ mới ngoài 30, vào loại nghèo nhất trong làng. Hai tiếng “thầy Thiên” buột ra từ miệng chúng tôi, ban đầu rất ngượng nghịu, sau quen dần. Mỗi mùa, “lương” đứng lớp của thầy chưa được 1 tạ lúa (tính ra như hiện nay khoảng hơn 400 ngàn đồng). Thế cũng là cao, vì khi đó, bình quân mỗi miệng ăn, không kể trẻ em hay người lớn, cứ một mùa (6 tháng) hợp tác xã chỉ có thể cấp cho 50 – 60 cân thóc là cùng.
Tôi không tài nào nhớ nổi sách giáo khoa vỡ lòng lúc ấy mặt mũi thế nào, bắt đầu bằng chữ gì (hình như chữ O thì phải). Hay là không có sách, chưa chừng! Không có sách thì thầy cứ nghĩ cách mà dạy chứ sao? Ấy thế mà như có phép mầu, chúng tôi học đọc, học viết rất nhanh. Tôi được xem là đứa sáng dạ, chỉ học 4 tháng (vì ít tuổi nhất lớp, nhập học muộn) là được “lên” lớp 1. Bạn bè cũng có đứa dốt thật, nhưng sau một năm, không có đứa nào phải “lưu ban” lớp vỡ lòng.
Phương pháp dạy của thầy Thiên là: nghiêm một phép, đừng có ho he! Thỉnh thoảng có đứa vừa viết, vừa ngấc đầu lên hỏi: thầy ơi, răng chữ GA là G ghép với A mà chữ GHI lại phải GH ghép với I hở thầy? Rồi, NGA thì NG đi với A mà NGHE lại phải viết NGH với E, lôi thôi quá thể, thầy hỉ? Nhiều nữa. Những lúc ấy, ông cứ lăm lăm cây roi trong tay, sừng sộ: cứ rứa mà viết, đừng hỏi. Viết sai là ăn roi đó. Thế là chúng tôi phải cố mà nhớ, nhớ một cách máy móc, nhớ càng dai càng tốt. “CÁI GÌ” thì phải viết khác với “DÌ TÔI” (khác nhau ở chữ GI và chữ D). “CÁI CUỐC” thì không giống với “TỔ QUỐC”. Rồi, nào là “CON CUA” - “HÔM QUA” – “CÁI KẺNG”; “NGU NGƠ” – “NGHỀ NGHIỆP”; “DƯƠNG LỊCH” – “GIƯƠNG CUNG”… Không thắc mắc, không cần giải thích, vậy mà hóa hay. Cứ hãy nhớ dai, nhớ tỉ mỉ, không phải trả lời câu hỏi “tại sao”. Nghe thì có vẻ rất phi khoa học, phi giáo dục, vậy mà đó lại là nguyên nhân để người học rất ít mắc lỗi chính tả về sau. Tôi biết, nhiều phụ huynh hồi ấy rất hài lòng về kết quả học tập của con cái. Có người không tiếc lời khen thầy Thiên (bố tôi là một trong số đó).
Cái chuyện học đọc, học viết với “thầy Thiên” thuở nào có lẽ tôi cũng quên bẵng, nếu không có sự tranh luận, cãi vã những ngày gần đây về cách dạy đánh vần cho học sinh lớp 1 của sách Thực nghiệm công nghệ giáo dục. Trong cuộc tranh cãi gay gắt, quyết liệt này, không ai chịu thất thế, đuối lý. Khỏi cần mô tả không khí sục sôi trên nhiều diễn đàn, và đặc biệt là ở mạng xã hội. Chuyện đúng sai về cách dạy âm, dạy chữ, dùng “vật thay thế” là những hình tròn, hình vuông, hình tam giá của GS. Hồ Ngọc Đại thật không dễ gói gọn trong một câu. Riêng tôi, tự nhiên tôi nhớ đến thầy Thiên, và không thôi ngẫm nghĩ về cách thức dạy học của thầy. Điểm nóng nhất của cuộc tranh cãi chưa dứt là cách dạy đọc tiếng, đánh vần, viết chữ của sách Công nghệ giáo dục. Chính chỗ đó, hình như thầy Thiên - anh thanh niên nông dân làm nghề dạy học ngày nào – cũng có bí quyết của riêng mình, và kết quả hoàn toàn không tồi (bằng chứng là học sinh biết đọc, biết viết khá nhanh). Từ đó tôi thấy, về cách dạy học cho học sinh lớp 1, chúng ta cần bình tĩnh suy xét cho hết lẽ. Dường như chân lý vẫn chưa nằm gọn trong tay những người to tiếng nhất. Đưa kiến thức về âm vị học ra hòng giải quyết thấu triệt vấn đề cho học sinh vỡ lòng ư? Đó là chuyện không tưởng. Tôi nói thế bởi mấy lẽ sau đây:
Thứ nhất, mọi cải tiến sách Tiếng Việt 1 (có thời gọi là sách Học vần) từ trước tới nay đều nhắm tới mục đích: giúp trẻ dễ học, học nhanh cách đọc, cách viết chữ quốc ngữ. (Bồi đắp mĩ cảm cũng như hình thành và phát triển các năng lực quan trọng khác, xin chưa bàn ở đây). Nếu vì mục đích đó, bắt đầu bằng chữ O, chữ E hay chữ nào đi nữa, đâu phải là điều quan trọng. Tốc độ biết chữ của các thế hệ trẻ em qua học các đời sách khác nhau chắc chẳng hơn kém nhau bao nhiêu. Vả lại, rút ngắn thời gian biết đọc, biết viết để làm gì? Đằng nào thì sau một năm học, chỉ trừ những cháu quá kém, phần lớn học sinh đều đọc thông viết thạo cơ mà!
Thứ hai, dù cải tiến thế nào, sách Tiếng Việt cho lớp 1 cũng không thể giải quyết được tận gốc những bất hợp lý từng tồn tại bấy lâu nay ở chữ quốc ngữ. Những câu hỏi của đám học trò thầy Thiên thuở nào mà tôi kể ở trên, thực ra đã chạm tới sự bất hợp lý ấy. Làm sao hiểu được, viết GÀ thì cho là đúng, mà viết GẾ thì bảo là sai; viết CO thì được khen, mà viết CE thì ăn đòn? Các vị giáo sĩ đã tạo cho dân tộc ta một thứ chữ viết rất thuận tiện để ghi âm tiếng Việt, nhưng sản phẩm quý báu đó vẫn còn những chỗ bất toàn. Khác biệt giữa G với GH, D với GI, NG với NGH, C với K mà các vị để lại trong hệ thống chính tả tiếng Việt, hoàn toàn là sự khác biệt giả tạo, vì những “cặp” phụ âm ngỡ là khác nhau ấy, xét về âm vị học, thực chất chỉ là một. Vậy mà, oái oăm làm sao, viết KON GÀ thì không được, nhưng KON TUM thì lại được; viết SUỐI KẠN thì bảo sai, mà viết BẮC KẠN thì khen đúng? Biết ở đây có sự vô lý, không giải thích được, nhưng người ta vẫn phải chấp nhận. Và một khi đã chấp nhận như là một sự mặc định, thì hãy cứ dạy cho trẻ cách tuân thủ nghiêm ngặt, không cần giải thích, bởi càng giải thích càng rối. Hãy thử xem, trong đội ngũ giáo viên từ tiểu học đến đại học, bao nhiêu người có thể dùng kiến thức âm vị học lý giải thỏa đáng sự khác nhau giữa CUA và QUA, giữa QUỐC và CUỐC, giữa DÌ và GÌ? Dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, tôi từng thấy các em trố mắt ngạc nhiên khi tôi bắt viết lại CÁI GE thành CÁI GHE. Bằng ngôn ngữ cử chỉ, tôi muốn bảo các em: chữ Việt thế đấy! Đừng thắc mắc. Sự ngoan ngoãn tuân phục đã giúp lưu học sinh Lào của tôi dần dần biết viết đúng chính tả. Tôi học ở thầy Thiên tôi chứ ở đâu xa.
Thứ ba, chắc chắn sẽ có người vặc lại: dạy học mà áp đặt như thế, làm sao phát triển năng lực tư duy, tinh thần tích cực của học sinh. Xin thưa, hãy cứ phát huy tính tích cực và khả năng tư duy của người học ở những công đoạn khác, nội dung khác của chương trình. Còn rộng đất lắm. Từ nội dung các bài văn xuôi và văn vần trong sách dạy tiếng Việt cho đến việc tiếp xúc đời sống, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, nhận thức về bản thân và người khác... có khối chỗ để rèn cách suy nghĩ. Đối diện với bất cứ điều gì, hãy để các em được tự do trải nghiệm và cảm nhận, đừng mớm lời, đừng bắt theo khuôn mẫu. Còn ở công đoạn dạy đọc đúng âm và viết đúng chữ, hãy làm sao cho học sinh cảm thấy đơn giản, dễ dàng, không bị rối trí bởi những kiến thức hàn lâm, quá sức. Một khi học sinh nắm vững những quy ước về chính tả, đọc thông viết thạo, có thể tự biểu đạt những suy nghĩ riêng của mình, cũng có nghĩa lúc ấy khối óc của các em đã được kích hoạt để sản sinh ý tưởng, sáng kiến. Sự tích cực, năng động trong tư duy sẽ được nhân lên từ đó.
05/ 9/ 2018