Thầy Đính ngày đó đương là phó Chủ nhiệm khoa văn. Vì bận công tác quản lý, nên thầy ít có thời gian lên lớp. Lớp chúng tôi dạo đó có may mắn được học thầy mấy chục tiết về văn học Nga Xô viết. Lớp tại chức nào cũng vậy, các tiết học khó đi đông đủ, vì ai cũng vừa đi học vừa phải gánh phần việc chuyên môn ở cơ quan. Ấy nhưng, hễ buổi nào thầy Đính đến giảng, là lớp tôi lại có mặt đông đủ. Không biết có phải tác phong nghiêm túc mà thân thiện của thầy? Hay giọng giảng say sưa và khúc triết của thầy? Hay cảnh vật và số phận nhân vật trong các tác phẩm văn học Nga Xô viết thấm đẫm trong tâm hồn thầy, mà thầy đã truyền cảm sang tâm hồn chúng tôi? Vì thế, riêng tôi, tôi tự thấy mình tiếp thu được ít nhiều ánh sáng của các tác phẩm văn học Nga Xô viết, có một phần nhờ qua sự truyền cảm của thầy Đính.
Quê gốc của thầy ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cụ thân sinh ra thầy, vốn là thầy giáo dạy học ở Thanh Hóa lâu năm, rồi gồng gánh cả gia đình ra ngoài đó sinh sống cho tiện. Thầy Đính sinh ra và lớn lên ở thành phố Thanh Hóa. Cả tuổi học trò của thầy gắn bó với xứ Thanh. Thầy học tiểu học, trung học rồi ra dạy học. Khi hai mươi lăm tuổi, thầy đã là hiệu trưởng trường cấp 2 tư thục ở huyện Quảng Xương. Nếu yên phận với nghề gõ đầu trẻ, thì thầy đã là ông giáo đề huề ở miền quê xứ Thanh đó rồi. Với lòng ham học, không thỏa mãn với kiến thức đã có của mình, năm 1956, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội chiêu sinh khóa học đầu tiên, thầy háo hức khăn gói ra thi và đỗ điểm xuất sắc. Năm 1959, tốt nghiệp khoa văn khóa 1, thầy được nhà trường giữ lại làm giáo viên giảng dạy. Niềm vui lớn lại đến với thầy, thầy cùng ba giảng viên của trường được chọn cử đi Liên Xô, học sau đại học, tại trường đại học Lô-mô-nô-xốp. Cuộc đời của thầy mở bước ngoặt từ đấy.
Nhớ lại ngày nhận quyết định của nhà trường cử đi học tu nghiệp trên đại học tại Liên Xô, không chỉ riêng thầy Đính, mà các thầy Lưu Văn Bổng, Hồ Sỹ Vịnh, Nguyễn Phúc cùng xôn xao vui mấy đêm không ngủ. Ngày đó, nước Nga là một chân trời đầy ánh sáng mà bất cứ người tri thức nào cũng hằng mong ước được tới để trau dồi và nâng cao kiến thức. Thầy Đính vẫn còn nhớ lời căn dặn của giáo sư hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Ngụy Như Kon Tum trước buổi tiễn đoàn lên đường du học. Phải cố gắng học tốt, để rồi đem kiến thức về phục vụ đất nước. Với tâm niệm và niềm quyết tâm như thế, mấy năm học và thực tập tại Trường đại học Lô-mô-nô-xốp, thầy Đính luôn đạt điểm cao cho các môn học. Những năm học ở Liên Xô, đấy là những năm tươi trẻ nhất của thầy Đính. Những bậc kỳ vĩ văn học Nga, như Puskin, Lep Tônxtôi, Đôxtôiepxki, Gôgôn, Sêkhôp, rồi Macxim Gorki, Maiacôpxki, Exênhin...đã mở những khoảng sáng chói chang và lộng lẫy cho tâm thức lớp sinh viên khoa văn giỏi giang và chăm học. Những cánh rừng dương mùa thu đổ vàng, những dòng sông vật vã mùa hạ, những đỉnh núi vời cao tuyết phủ...và đặc biệt là những tình cảm của người Nga vừa nồng hậu, vừa chân tình và lãng mạn, đã khơi gợi bao cảm xúc bừng sáng, bao nhận thức mới mẻ cho một thế hệ quyết tâm học chữ để làm người. Phải thừa nhận, những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ hai mươi, những ai có may mắn được học hành, tu nghiệp ở Liên Xô, thì đều được nâng cao trí tuệ lên rất nhiều.
Năm 1963 về nước, trở lại mái trường Đại học Tổng hợp thân yêu, thầy Đính được cử làm tổ trưởng, rồi phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm bộ môn văn học nước ngoài của trường. Sau mấy năm xa cách, thầy lại được trở về với những lứa học trò thân yêu của mình. Đấy là những năm tháng mà lớp sinh viên khoa văn Trường đại học Tổng hợp thật cao giá vì vẻ trong sáng và nhiều hoài bão. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học là chủ lực cho nền văn học nước nhà sau này, khi ấy vẫn còn đang khoác áo sinh viên, ngồi trong giảng đường lắng nghe các thầy cô giảng giải về vẻ đẹp trong sáng của ca dao, về số phận quằn quại một nhân vật trong tiểu thuyết, về cái trữ tình thẳm sâu trong một bài thơ Đường, Tống bất hủ.
Đấy là thời hưng thịnh của nền giáo dục nước nhà. Thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy Đính rất tâm đắc với câu nói trong Luận ngữ của Khổng Tử “ Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” ( Dịch : Học không biết chán, dạy không biết mỏi). Đấy là những năm tháng thầy dồn hết tâm sức của mình cho công vệc giảng dạy. Ngoài những buổi lên lớp, thầy lại dành thời gian vào thư viện đọc sách, tra cứu, sưu tầm tài liệu và viết giáo trình. Những chuyến đi điền dã cùng sinh viên, gặp nhiều cảnh đời, những miền đất mới lạ, đem lại niềm vui thơ thới cho thầy trò. Thầy cùng các giáo sư của bộ môn đã viết, biên soạn thành công bộ giáo trình Lịch sử văn học Nga. Đến nay, bộ giáo trình này của Trường đại học Tổng hợp vẫn là công trình khoa học đĩnh đạc, tái bản nhiều lần, trong đó thầy Đính, đóng góp phần nghiên cứu về văn hào Đôxtôiepxki, Macxim Gorki, A.N. Tônxtôi, Lêônôp, Xêđrin.
Cuộc đời của thầy Đính luôn gắn quyện với bao sự thăng trầm của nhà trường. Những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trường Tổng hợp là nguyện vọng hàng đầu của các thí sinh bước vào ngưỡng cửa đại học. Vào cuộc chiến tranh phá hoại, thầy trò gồng gánh sách vở, giáo trình về làng quê sơ tán. Những tiết giảng bài cho sinh viên bên hầm trú ẩn. Những buổi tiễn đưa sinh viên lên đường ra mặt trận, mãi là những kỷ niệm đẹp trong đời giảng dạy của thầy. Mỗi khi nhắc về học sinh khoa văn của trường, thầy luôn tự hào. Thầy nói, sinh viên khoa văn đa dạng, đa năng va đa tài. Lòng yêu tô quốc, dám hy sinh cho tổ quốc, trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, từ khóa 5 đến khóa 16, khoa văn có 18 liệt sỹ. Nhà văn nhà báo, liệt sỹ Chu Cẩm Phong được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, là cựu sinh viên khoa văn.
Khi bình tĩnh ngồi chiêm nghiệm lại, trong nhiệm kỳ làm chủ nhiệm khoa văn của trường, thầy đã làm được ba việc mà bạn bè đồng nghiệp vẫn thường nhắc lại. Thứ nhất, đưa môn Hán văn vào môn cơ bản bắt buộc cho các ngành học trong khoa. Thứ hai, ngày giáo sư Hoàng Xuân Nhị mất, thầy cùng khoa xin tổ chức tang lễ trang trọng tại giảng đường Lê Thánh Tông, như sự tri ân và tôn vinh người thầy giáo mẫu mực, cả đời vì trường, vì khoa. ( Nói tới trường Tổng hợp, lớp cựu sinh viên ai cũng nhớ tới giảng đường Lê Thánh Tông, một giảng đường đại học sang trọng đầu tiên tại Hà Nội, xây dựng từ thời Pháp thuộc, kiến trúc vòm giảng đường như một thánh đường). Thứ ba, nhân ngày kỷ niệm ba mươi nhăm năm sáng lập khoa, thầy đã mời được thầy Nguyễn Mạnh Tường về dự. (Thầy Tường, người thầy đầu tiên của khoa, từng hai bằng tiến sỹ văn và luật bên Pháp, với quan điểm không hợp với thời điểm, nên bị liên lụy trong vụ nhân văn giai phẩm. Tập chuyên luận “ Kẻ bị rút phép thông công” của thầy Tường từng được bàn tán xôn xao trong giới trí thức trong và ngoài nước). Hình ảnh người thầy giáo già mặc com-lê trở lại giảng đường, nghẹn ngào ngước nhìn vòm cao giảng đường, bao buồn vui một thưở ùa về, chợt thầy bật khóc với nỗi niềm muốn dạy học mà không được dạy một thời.
Cuộc đời người thầy giáo, là gắn với bao thế hệ học sinh, sinh viên của mình. Thầy Đính vẫn nhớ, người học trò đầu tiên mà thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, ấy là nhà thơ Anh Ngọc bây gìờ. Đấy là người học trò thông minh và say mê thơ ca lạ kỳ. Năm 1963, anh đã vừa học vừa dịch thơ Lec-môn-tốp từ bản tiếng Nga. Rồi Trường Phước, người có tài hùng biện và trí nhớ tuyệt vời. Trước lớp học, Trường Phước có thể đứng lên đọc thuộc làu cả mấy chương dài trong trường ca “Tốt lắm” của nhà thơ Maiacôpxki. Vì mê thơ Mai-a, Trường Phước đã làm luận văn tốt nghiệp xuất sắc về Mai-a. Khi ra trường, với khả năng hùng biện của mình, anh về làm biên tập và bình luận viên xuất sắc của Đài truyền hình Việt Nam. “Tiếc cho Trường Phước quá, người thông minh như thế mà mắc bệnh hiểm nghèo, phải ra đi sớm!”. Giọng thầy Đính bùi ngùi khi nhắc tới người học trò thân yêu của mình. Thầy Đính cũng thường hỏi thăm những học trò không được may mắn lắm khi ra công tác. Thầy cũng rất vui khi nhắc đến những sinh viên một thời, nay đã là đồng nghiệp vững vàng cùng khoa, như nhà thơ, nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sỹ Mã Giang Lân.
Thời gian vốn không đợi ai. Khi nghoảng lại, thấy một số đồng học, đồng nghiệp của mình ra đi đã nhiều, thầy Đính không khỏi bùi ngùi. Một thực tế không được vui lắm, mà ít người muốn nói ra, là thế hệ sinh viên khoa văn bây giờ không có niềm say mê văn học như những sinh viên nhiều khóa trước kia. Đời sống thực tế khắc nghiệt, hình như đã bóp nát hoài bão, tính lãng mạn của họ. Biết đó là thiệt thòi đấy, nhưng làm sao được khi cuộc sống vốn cuộn chảy theo quy luật riêng của nó. Đã bước vào tuổi tám mươi, thầy vẫn cần mẫn làm việc, vẫn đọc, vẫn học và vẫn tận tình hướng dẫn các luận văn cao học. Thầy Đính được phong danh hiệu giáo sư, nhà giáo nhân dân, được trao tặng Huân chương lao động hạng nhất từ lâu. Thầy càng say mê làm việc, để không bị xa rời thực tại, để trí tuệ không bị sơ cứng, để tâm hồn vẫn luôn xao động với những áng thơ văn bất hủ. Con người thầy vẫn kín đáo và khiêm nhường.
Lớp học trò yêu quý thầy nhiều khi muốn hỏi, lại không dám hỏi, vì sao thầy cứ sống lặng lẽ một mình như vậy? Một trí tuệ mẫn tiệp, một tâm hồn đa cảm, vậy mà cho đến cuối đời, thầy vẫn sống cuộc sống thanh đạm, vẫn căn phòng nhỏ và chiếc giường cá nhân lặng lẽ đi về một mình. Chỉ có sách, có rất nhiều sách quý, đó là đồ vật gần gũi, là tài sản vô giá của thầy. Nhân một buổi tiếp xúc với không khí thân mật, một học trò cũ hỏi thầy, có phải thời tu nghiệp ở Nga, bóng dáng một cô gái Nga Na-ta-sa nào đó đã hút hết tâm trí và tình cảm cuả thầy, nên khi về nước thầy không muốn lập gia đình? Thầy không trả lời, mà chỉ cười đôn hậu. Biết là nhiều người con gái quý trọng thầy, thầm yêu thầy, nhưng thầy chỉ giữ tình cảm chừng mực vậy. Một thời, có cô gái xinh đẹp từng là sinh viên khoa văn, cứ chiều thứ bảy hàng tuần, lặng lẽ đem bông hoa hồng tới căn phòng tập thể của thầy, tặng thầy. Thầy chỉ biết cảm ơn, với lý do còn bận nhiều công việc quá!
Người em ruột của thầy, chị Kim Anh, cho tôi biết, tuổi trẻ của thầy Đính phải gác chuyện tình riêng để lo cho các em học hành. Thầy là anh cả trong gia đình, đã kèm cặp và hy sinh tất cả cho các em ăn học thành người. Tiến sỹ toán học Hồ Thuần, người em rể và cũng là người bạn tâm giao của thầy Đính, kể: Khi lo cho các em trong gia đình ăn học đến nơi đến chốn, thì thầy Đính đã tuổi cao và không thiết xây dựng gia đình nữa. Nghe biết vậy thôi, chứ tôi nghĩ mỗi người có số phận riêng. Nói theo duy tâm, ấy là cái số. Thầy Đính cười vui kể với tôi rằng, thưở nhỏ, ngày xuân ở quê xem bói, thì quẻ “Phong trần chẳng bận chút tình đa mang” đã vận vào cuộc đời thầy. Tôi thì không tin vậy, chắc hẳn thầy cũng không tin vậy. Tôi hinh dung thầy đã dồn hết tâm sức cho các trang sách. Số phận nhân vật trong các trang sách đã hút hồn thầy, tạo niềm vui và khổ đau cho thầy. Vì thế, cái quan niệm đời riêng tư như nhẽ thường, thầy không thấy quan trọng nữa. Mọi điều chỉ quan trọng với thầy, khi bàn về học và việc dạy học. Tôi muốn hỏi thầy, rằng phương pháp học mà thầy vẫn tâm niệm, là: bác học (học rộng), thẩm vấn (hỏi kĩ), thận tư (suy nghĩ), minh biện (biện luận)và đốc hành (vận dụng, thực hành), liệu còn đúng với nền giáo dục hiện nay nữa không? Thầy Đính khẳng định: Đúng chứ. Và còn đúng lâu dài!