Ở nước ta, trong khu vực người Kinh, chưa từng có đẳng cấp quý tộc hay các dòng họ quý tộc truyền đời theo chế độ tập ấm. Mà thực ra, ở cấp quốc gia, tại phương Đông (ngoại trừ khu vực Trung Cận Đông), chỉ có Ấn Độ và Nhật Bản từng có đẳng cấp quý tộc và các dòng họ quý tộc mà thôi. Quý tộc Ấn Độ được hình thành dựa trên nền tảng đạo Bà la môn (Brahman) và tồn tại đến nay. Riêng giới quý tộc Nhật Bản được sinh ra từ chế độ phong kiến, với 2 đẳng cấp cao là Daimio (lãnh chúa) và Samurai (võ sĩ). Nhật Bản cũng là quốc gia có chế độ phong kiến điển hình nhất ở châu Á. Ngày nay, mặc dù còn duy trì chế độ quân chủ lập hiến, nhưng với Hiến pháp 1947, chế độ đẳng cấp cơ bản bị xóa bỏ, các thực hành văn hóa theo kiểu võ sỹ đạo không được phép rao giảng trong trường học. Tinh thần võ sỹ đạo - nền tảng đạo đức truyền thống Nhật Bản - được hiện đại hóa thành tính kỷ luật, lòng trung thành, ý thức tự giác, và sự vị tha. Niềm kiêu hãnh và ý thức về đẳng cấp quý tộc ở một số dòng họ không dễ gì hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng nó chỉ âm thầm như những dòng chảy ngầm, không ai dám phô trương. Ở người Kinh, không có một tôn giáo nào chi phối đến sự phân chia đẳng cấp xã hội, cũng không có chế độ phong kiến, vậy thì làm sao có thể hình thành nên đẳng cấp quý tộc?
Khách quan mà nói, vào thời nhà Trần, chế độ phong kiến, gắn với nó là sự hình thành đẳng cấp quý tộc, đã manh nha hình thành. Nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân, quá trình phong kiến hóa đã không thể trở thành hiện thực. Khi đó, các vua Trần đã phân phong điền trang thái ấp cho các thân vương. Nhưng những người đứng đầu điền trang thái ấp cũng không phải là lãnh chúa. Đất trong thái ấp vẫn là đất vua, dân ở đó vẫn là thần dân của triều đình. Người được phân phong thái ấp chỉ được quyền hưởng một phần tô thuế. Họ có quyền thành lập các đội hương binh, theo chính sách "ngụ binh ư nông", nhưng không phải để cát cứ, mà để chống giặc ngoại xâm khi đất nước lâm nguy. Từ thời Hậu Lê, với sự ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo, chế độ quân chủ ngày càng được củng cố vững chắc. Với mô hình nhà nước quân chủ, tuyển đội ngũ quan lại theo chế độ thi cử, ngoại trừ con cái của giới ca công kỹ nữ, ai cũng có thể bước chân vào chốn quan trường - nếu học giỏi và thi đỗ. Nhưng quan lại của triều đình không phải là quý tộc, khi "hết quan" họ sẽ "hoàn dân". Con cái họ không có quyền thừa kế cương vị của cha, muốn bước chân vào chốn quan trường, cũng lại phải học và thi đỗ. Ngay cả khi các công thần, quan lại được nhà vua ban quốc tính (họ vua) hoặc phong tước (vương, hầu), con cháu cũng không được tập tước. Tính chất "quý tộc" vì vậy cũng chỉ tồn tại 1-2 đời.
Không chỉ với giới quan lại, ngay cả với dòng họ của các vương triều xưa, tính chất quý tộc cũng không được khẳng định. Các nhà viết sử thường nhắc đến cụm từ "vương tôn công tử" hoặc "tầng lớp quý tộc tôn thất" để chỉ con cháu vua chúa ở các vương triều từ thời Lý-Trần đến Lê-Nguyễn. Gọi họ là "tôn thất" hay "vương tôn công tử" thì không sai, nhưng ghép vào 2 chữ "quý tộc" e chưa hẳn là đúng. Vì không triều vua nào cho phép các hoàng tử-hoàng tôn tập tước đến 3 đời nếu không có tài năng và công trạng. Nhà Trần là 1 trường hợp tương đối đặc biệt trong sử Việt. Con cháu của các vương hầu, nếu tham gia triều chính hoặc có công trạng, có thể được nhà vua gia phong tước vị. Dòng dõi Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải là một ví dụ điển hình. Do tham gia triều chính và có công trạng, con cháu ông nhiều người được gia phong tước vương hoặc thượng vị hầu áo tía. Nhưng trường hợp này cũng không phải là tập tước. Và truyền thống "quý tộc" của dòng họ cũng chỉ đến Trần Nguyên Đán (hậu duệ đời thứ 5 của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải) là bị đứt. Trần Nguyên Hãn, là cháu nội Trần Nguyên Đán, không được thế tập vương tước từ nhà Trần, mà được hưởng lộc nhà Lê, nhưng cũng chỉ được 1 đời. Với các vương hầu được gia phong đời xưa, gia sản, điền trang phủ đệ có thể thừa kế, nhưng "tước" thì không. Diện tích điền trang/thái ấp được phân phong có hạn, trong khi đó, hầu hết các thân vương/tôn thất đều đông con nhiều cháu, do vậy đến đời thứ 3/thứ 4 trở đi, phần của mỗi người chẳng còn được bao nhiêu. Không ít người thuộc nhóm tôn thất cũng thất học và nghèo mạt. Người Huế hiện còn lưu truyền rất nhiều giai thoại cười ra nước mắt của các "mệ" thuộc dòng tôn thất nhà Nguyễn.
Chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam còn có một đặc điểm nữa là sự thay đổi triều chính. Khi một triều đại mới lên thay, lập tức các thành viên trong dòng họ của vua quan triều đại cũ trở thành đối tượng truy bức. Không ít người trong số đó buộc phải đổi họ để tìm đường sống. Vì thế, cái gọi là "chất quý tộc" chưa kịp định hình đã bị bóp chết. Trong điều kiện đó, làm sao có thể hình thành nên các dòng họ quý tộc truyền đời? Hiện tượng này cũng đúng với cả Trung Quốc cổ-trung đại.
Ngày nay, liệu con cháu trực hệ của các vua Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn có ai dám xưng mình là quý tộc? Mở mồm ra, e sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ ngay tắp lự. Tôn thất nhà Nguyễn hiện nay vô khối người đang làm đủ mọi thứ nghề để mưu sinh trên mấy chục quốc gia, ai dám nhận là quý tộc? Tôi chắc là không ai cả. Họ có thể tự hào, và đó là quyền rất chính đáng/không thể phủ nhận, về tổ tiên/dòng dõi của mình, nhưng chẳng ai dám nhận mình thuộc "đẳng cấp quý tộc/đẳng cấp trên".
Nói như vậy không có nghĩa là ở Việt Nam chưa từng có tầng lớp quý tộc. Có đấy, nhưng là ở những người anh em thần thánh Thái, Mường và Chăm chứ không phải ở người Kinh. Người Thái và người Mường ở vùng Tây Bắc từ lâu đã hình thành các vùng lãnh thổ "liên làng/siêu làng" gọi là "Mường". Triều đình của người Kinh gọi họ là các "châu kimi"/phiên thuộc, hàng năm phải triều cống. Nhưng về bản chất, mỗi mường thực ra là một tiểu quốc, một lãnh địa cát cứ. Họ có bộ máy quản lý chặt chẽ dựa trên các bộ luật, có phương thức chế tài, có chính sách tô thuế, có các đạo quân riêng. Việc quản lý các mường đều do các quan lang/tạo mường thuộc các tổ chức tông tộc (dòng họ) khép kín, tính theo dòng cha nối đời đảm trách. Ở người Thái, đó là các dòng Lò, Cầm, Đèo. Người Thái Tây Bắc có thành ngữ "Lang dệt mo, Lò dệt tạo": họ Lang/Lương chỉ làm thầy cúng, còn họ Lò mới được làm lãnh chúa. Ở Tây Bắc, họ Cầm và họ Đèo đều là những dòng họ phái sinh của họ Lò; ở miền Tây Thanh Nghệ, đó là các dòng Lo Căm và Sầm. Còn ở người Mường, đó là các dòng Đinh, Quách, Bạch và Hà. Họ Bùi có giỏi đến đâu cũng chỉ là thường dân mà thôi. Các đẳng cấp này tồn tại mấy trăm năm, không phụ thuộc vào sự thay đổi các thể chế triều đình của người Kinh. Nhà Trần thay nhà Lý, nhà Mạc uýnh nhà Lê, vua Gia Long đả bại Quang Toản. Kệ, đấy là chuyện của người Kinh, không ảnh hưởng gì đến vị thế của giới quý tộc Thái hay Mường cả. Các dòng Lò vẫn cai trị người Thái. Các dòng Đinh, Quách, Bạch, Hà vẫn làm chủ xứ Mường. Bền vững thế đó. Chế độ đẳng cấp của các tộc người Thái và Mường chỉ bị bãi bỏ từ khi có cuộc cách mạng do Người (mà ai cũng biết là ai đấy) lãnh đạo thành công và Tây Bắc trở thành một lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Riêng ở người Chăm, sự phân tầng đẳng cấp vẫn tồn tai cho đến nay chủ yếu do chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn (Brahman). Nhưng về bản chất, chế độ đẳng cấp chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, không có vai trò trong các lĩnh vực khác.
Một số người quan niệm rằng, "quý tộc" là một trạng thái tinh thần. Nói như vậy chưa hẳn đúng. Đành rằng, cho đến nay chưa hề có một định nghĩa chuẩn về "quý tộc", nhưng trạng thái tinh thần cũng chỉ là một cách hiểu (kiểu "tinh thần hiệp sỹ", "tinh thần võ sỹ đạo"...). Để được coi là "quý tộc", còn có những điều kiện rất quan trọng nữa là truyền thống gia tộc được thừa nhận rộng rãi bởi sắc phong của triều đình, hoặc của thần dân trong lãnh địa của mình, và được truyền đời.
Nói như vậy đủ thấy rằng, các bác đừng tưởng các bác có vàng muôn bạc tỉ trong tay là có thể trở thành quý tộc. Các bác là tỉ phú. Không ai phủ nhận. Các bác có thể xài xe sang, đi du thuyền riêng, máy bay riêng, ăn trong những nhà hàng cao cấp nhất, ngủ trên những tấm nệm được các nghệ nhân Trung Đông dệt bằng tay. Đó là chỉ dấu của mức sống cao, chỉ những người thật giàu có mới có thể hưởng thụ. Các bác có thể đến nhà hát lớn hàng đêm để xem vũ ballet, nghe nhạc giao hưởng. Đó là chỉ dấu của mức độ học vấn, hoặc sự tinh tế trong cảm thụ nghệ thuật mà không phải ai cũng có. Nhưng nếu chỉ như vậy mà các bác nghĩ rằng mình là quý tộc thì thật nực cười. Hãy xem lại gốc rễ của mình. Và hình dung rằng, nhỡ đâu một ngày thị trường không còn đứng về phía các bác nữa, lúc đó tương lai của các bác và con cháu sẽ ra sao? Đấy là chưa kể, cuộc sống còn có biết bao rủi ro khác, hôm nay vừa là anh hùng, ngày mai đã trở thành cái gì đó rất khó định danh. Nguyễn Văn Mười Hai, Tăng Minh Phụng, Đinh La Thăng, và chan chan các đại gia khác nữa đều là những tấm gương rất đáng nên soi.