1. Các đặc điểm về quản lý
Về mặt quản lý, hệ thống giáo dục phổ thông ở Canada là hệ thống giáo dục công do nhà nước vận hành, với kinh phí do chính phủ liên bang, chính quyền tỉnh và địa phương tài trợ. Canada cũng là quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế phát triển không có bộ giáo dục quản lý hệ thống giáo dục trên toàn liên bang. Hệ thống giáo dục Canada do cấp chính quyền tỉnh bang quản lý và chính quyền trung ương chỉ đóng vai trò hạn chế, mỗi tỉnh hay vùng lãnh thổ đều có lịch sử riêng và chiến lược quản lý giáo dục khác nhau. Chính quyền tỉnh bang chịu trách nhiệm xây dựng chương trình học, quyết định các chính sách giáo dục quan trọng và cung cấp phần lớn kinh phí tài trợ cho các trường, việc phân bổ kinh phí giáo dục giữa các tỉnh cũng tương đối khác nhau.
Về hệ thống các quy định luật đối với việc quản lý giáo dục, Luật Hiến pháp Canada có giá trị pháp lý cao nhất quy định trao quyền cho các chính quyền tỉnh (bang) quyết định sự hoạt động và việc tài trợ đối với các trường công. Hiến chương Canada về các quyền và tự do là một bộ phận của Luật Hiến pháp Canada. Luật Hiến pháp Canada được coi là luật tối cao, bởi vì luật này có vị trí tối cao và có giá trị thực thi cao hơn tất cả các luật và chính sách khác ở Canada. Điều này có nghĩa là các quyết định và việc thực thi luật của Bộ Giáo dục ở tỉnh (bang) và Ban phụ trách các trường ở địa phương phải phù hợp với các quyền được quy định theo luật cấp cao hơn, bao gồm Hiến chương và Bộ luật về Quyền Con người. Ở mỗi tỉnh và vùng lãnh thổ tại Canada đều có hệ thống quản lý riêng biệt đối với lĩnh vực giáo dục của địa phương đó. Chẳng hạn ở Ontario, Luật Giáo dục là một phần quan trọng của hệ thống luật quản lý giáo dục công Ontario. Luật này quy định quyền và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Ban phụ trách các trường ở địa phương, quy định quyền hạn của các hiệu trưởng và giáo viên, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và sinh viên. Để bổ sung cho việc quản lý giáo dục ở địa phương còn có các Quy định nhằm điều chỉnh đối với từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra còn có các chính sách của Bộ Giáo dục địa phương, các chính sách ưu tiên của địa phương đố với việc tài trợ cho giáo dục (4).
Tại các cấp địa phương ở mỗi tỉnh lại phân chia thành các khu học chính (school districts) do một người quản lý điều hành và một hội đồng giáo dục do địa phương bầu, có quyền quyết định các chính sách giảng dạy, thuê giáo viên, mua sắm trang thiết bị và giám sát hoạt động hàng ngày của các trường. Hầu hết các trường đều có Hội đồng cố vấn cha mẹ học sinh (Parents Advisory Councils – PACs) bàn bạc và thảo luận về các vấn đề bao gồm quyên góp tiền để mua sắm trang thiết bị như máy tính, máy quay, thiết bị chiếu sáng, thiết bị sân chơi và xe buýt dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
2. Sự đa dạng về ngôn ngữ và tôn giáo
Một đặc trưng quan trọng của hệ thống giáo dục Cananda là sự đa dạng về ngôn ngữ và tôn giáo. Hiến pháp Canada bao gồm các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho các trường có đặc trưng về tôn giáo và các trường có đặc trưng khác biệt về ngôn ngữ do chính phủ tài trợ kinh phí hoạt động. Luật Hiến pháp năm 1867 đưa ra một số quy định đảm bảo quyền lợi cho các trường công có đặc trưng về tôn giáo khác nhau, với điều kiện các trường này được thành lập theo luật trước khi tỉnh sáp nhập Liên bang. Mục 93 Hiến pháp Canada năm 1867 quy định về việc bảo vệ quyền của các bậc cha mẹ cho con đến trường học của đạo Tin lành và Công giáo. Các trường này nằm trong hệ thống giáo dục công lập và chịu một phần sự quản lý của Sở Giáo dục các tỉnh chứ không thuộc sự quản lý của khu vực tư nhân. Mục 23 Hiến chương Canada về Các quyền và Tự do (Charter of Rights and Freedom) bảo vệ các bậc cha mẹ của học sinh nói ngôn ngữ thiểu số ở địa phương (tiếng Anh đối với tỉnh nói tiếng Pháp hoặc tiếng Pháp đối với tỉnh nói tiếng Anh), quy định trẻ em có quyền được theo học tại các trường tiểu học và trung học bằng tiếng bản ngữ của mình và cho phép thành lập các cơ sở giáo dục dạy học bằng ngôn ngữ thiểu số. Quy định này có nghĩa là tại tỉnh nói tiếng Pháp như Quebec có các trường Anh ngữ công lập, và ở các tỉnh khác nói tiếng Anh đều có các trường đào tạo Pháp ngữ công lập.
Tất cả các học sinh ở Quebec phải tham dự trường học bằng tiếng Pháp cho đến hết cấp phổ thông, trừ những trường hợp cha mẹ của chúng có các quyền lợi theo Mục 23 Hiến chương Canada về Các quyền và Tự do. Ở Ontario, các trường Pháp ngữ tự động thu nhận học sinh theo Mục 23 Hiến chương này và có thể nhận học sinh không học tiếng Pháp với sự cho phép của hội đồng giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên của lớp mà học sinh sẽ học.
Kết quả của việc bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ và tôn giáo là, ở một số tỉnh (như Ontorio), có tới bốn hệ thống trường công lập khác nhau cùng tồn tại trong tỉnh đó bao gồm: tiếng Anh, tiếng Anh, tiếng Anh của người Công giáo, tiếng Pháp, tiếng Pháp của người Công giáo.
3. Phương pháp dạy và học
Về phương pháp dạy và học, hệ thống giáo dục ở Canada có những đặc điểm nổi bật như:
(i). Khuyến khích học sinh tự làm
(ii). Tôn trọng sự riêng tư
- Không công khai thông tin về điểm số, xếp hạng của học sinh.
- Theo luật, giáo viên phải bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, bao gồm cả các thông tin về kết quả học tập và thông tin y tế.
(iii). Không có sách giáo khoa trên toàn quốc
Canada không có hệ thống sách giáo khoa trên toàn quốc. Mỗi trường có những hướng dẫn chung về các nội dung cần dạy. Nhưng trách nhiệm cuối cùng là ở người giáo viên trực tiếp giảng dạy.
(iv). Giáo viên trong các trường phổ thông ở Canada được khuyến khích sáng tạo trong môi trường sư phạm, áp dụng các phương pháp giáo dục theo tinh thần tự chủ nhằm đạt được mục tiêu chung là kết quả giáo dục, thay vì sử dụng phương pháp giáo dục truyền thống là thưởng phạt học sinh dựa vào thành tích học tập như trước đây.
(v). Luôn có sự tranh luận, đóng góp ý kiến của các quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh và những người có liên quan để hoàn thiện chính sách giáo dục và xây dựng chương trình học. Cha mẹ học sinh và học sinh đều có thể đánh giá và xây dựng chương trình học. Giáo dục ở Canada được coi là một dịch vụ công do chính phủ cung cấp, nhưng cha mẹ và học sinh có quyền phản hồi, đóng góp, thay đổi chương trình học và người dạy. Thậm chí, ở Canada, cha mẹ học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống giáo dục và góp ý cho chương trình học của con em họ (6). Học sinh ở các trường phổ thông cũng thường xuyên được thăm dò ý kiến về chương trình học, phương pháp giảng dạy và giáo viên của mình. Cuối mỗi kỳ học, học sinh được phát phiếu đánh giá về thầy cô giáo và nội dung chương trình học.
Đối với trẻ em ở cấp mẫu giáo và những năm đầu tiểu học, phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” được đặc biệt coi trọng. “Khung khổ chương trình học tập từ những giai đoạn đầu đời” (Early Learning Framework) của Ủy ban Giáo dục Canada được công bố năm 2008 cho rằng, khi chơi, trẻ em thể hiện và biến đổi thế giới xung quanh chúng, mở ra cho những đứa trẻ khác và người lớn một cánh cửa sổ để có thể nhìn thế giới theo những cách mới mẻ. Ủy ban Giáo dục Canada đã đồng ý với quan điểm cho rằng đối với trẻ em ở giai đoạn mẫu giáo và những năm đầu tiểu học, phương pháp vừa học vừa chơi là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và đem lại hiệu quả giáo dục cao đối với trẻ em. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia về giáo dục, cha mẹ học sinh và cộng đồng nhằm giúp cho trẻ phát huy tính sáng tạo, tư duy độc lập, xây dựng kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề, cách biểu đạt ngôn ngữ và ứng xử thông qua các trò chơi (2).
Như vậy, phương pháp dạy và học ở Canada nhìn chung là phương pháp khuyến khích học sinh tự học, tự làm, tư duy độc lập, tôn trọng sự riêng tư và tôn trọng sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
4. Các đặc điểm về chiến lược giáo dục phổ thông
Chiến lược giáo dục nói chung và chiến lược giáo dục ở các cấp phổ thông ở Canada thể hiện ở những đặc điểm:
- Sự sáng tạo, tinh thần doanh nhân và sự đổi mới (creativity, entrepreneurship and innovation): người học được giáo dục phải biết chấp nhận rủi ro, coi thất bại là cơ hội để học hỏi và kiên trì theo một phương pháp mới, chủ động và năng động.
- Tư duy phản biện (critical thinking): người học được dạy cách xem xét xét thông tin với tinh thần mở, đặt vấn đề và đưa ra những kết luận của riêng mình.
- Sử dụng máy tính và kỹ năng lập trình số: học viện được dạy cách khai thác những ưu việt của công nghệ hiện đại một cách an toàn và hợp lý như một phần của hoạt động học tập và cuộc sống của mình.
- Sự đặc trưng của người Canada (character): học sinh được giáo dục để trở thành công dân toàn cầu và cư xử có đạo đức với những người khác và với môi trường xung quanh.
Trong cuốn sách “The Smartest Kids in the World” của tác giả Amada Ripley, hệ thống giáo dục của các cường quốc về giáo dục, trong đó có Canada, có đặc điểm quan trọng như sau:
(i) Toán học đóng vai trò quan trọng.
(ii) Giáo viên là nghề được tôn trọng và được trả lương cao.
(iii) Đầu tư quá nhiều vào công nghệ cho trường lớp được coi là lãng phí tiền bạc. Thay vào đó, các quốc gia có nền giáo dục phát triển đầu tư nhiều hơn cho giáo viên và xây dựng chương trình học.
(iv) Học sinh cần có thái độ học tập nghiêm túc và các tiêu chuẩn giáo dục ở các quốc gia này tương đối cao.
(v) Chính phủ luôn sẵn sàng hỗ trợ cho việc học tập của học sinh.
(vi) Tư duy phản biện luôn được coi trọng. Vì vậy, bài kiểm tra thường là bài luận chứ không phải các bài kiểm tra trắc nghiệm.
(vii) Không có hệ thống giáo dục nào là hoàn hảo.
Nhìn chung, những đặc điểm này cũng là đặc trưng của hệ thống giáo dục tiểu học và trung học ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trong đó chính phủ và các tổ chức giáo dục luôn coi trọng sự độc lập tư duy của học sinh, tôn trọng nghề giáo viên và chú trọng vào đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Canada, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, cho rằng không có hệ thống giáo dục nào là hoàn hảo các quốc gia này luôn thử nghiệm các phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả học tập, song họ cho rằng con người mới là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục đó.
Tài liệu tham khảo
1. Advisory Panel on Canada’s International Education Strategy (2012), “International Education: A key Driver of Canada’s Future Prosperity”.
2. CMEC Statement on Play-Based Learning.
https://www.cmec.ca/Publications/Lists/Publications/Attachments/282/play-based-learning_statement_EN.pdf
3. Council of Ministers of Education, Canada (2008), Education in Canada.
4. Education law and policy.
http://www.schooladvocacy.ca/left_level3/law_policy.html
5. National Center On Edcuation And The Economy, “Canada Overview”.
http://ncee.org/what-we-do/center-on-international-education-benchmarking/top-performing-countries/canada-overview/
6. The Globe and Mail, “Seven characteristics of great education systems”.
https://www.theglobeandmail.com/opinion/editorials/seven-characteristics-of-great-education-systems/article14050049/