Văn hoá học đường
Học để có nghề nghiệp, học để bồi đắp lương tâm
Nghề nghiệp và lương tâm-những giá trị cốt lõi
Tạo hóa sinh ra loài người, đã mang sẵn trong mình những ham muốn: sức khỏe và sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của; để tiếng lại đời sau; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; được người khác cho là quan trọng. Và theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939)-nhà tâm lý học vĩ đại người Đức, thì “tình dục” và “thị dục huyễn ngã”(lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) là hai thị dục căn bản nhất. Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. Những thị dục này, một mặt thúc đẩy nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng mặt trái của nó, cũng để lại những thảm họa cho chính con người.
Vì khát khao thỏa mãn những dục vọng, mà cuộc đời con người luôn bị xô đẩy vào những cuộc chiến với thiên nhiên, với hoàn cảnh, với đồng loại… Và rõ ràng nếu chỉ với những dục vọng bản năng, thì chắc chắn xã hội loài người còn tàn khốc hơn cả xã hội của bầy thú hoang, bởi con người còn có thêm trí khôn. Vậy điều gì đã cứu cánh con người, làm cho xã hội loài người ngày càng văn minh? Câu trả lời: đó chính là lương tâm! Như vậy, để làm nên một xã hội văn minh, con người không chỉ có trí tuệ cùng với những dục vọng bản năng sẵn có, mà cần có phần lương tâm, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã nhắc đến: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, dục vọng là tiếng nói của cơ thể“.
Và thay vì trả lời cho câu hỏi: lương tâm là gì, xin dẫn ra cắt nghĩa dưới đây từ Wikipedia-mà nhiều người đã đồng thuận. Rằng: “Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động”.
Trong xã hội, nhất là xã hội đương đại, để đảm bảo sự sinh tồn, không có gì hơn, mỗi cá nhân đều cần có nghề nghiệp. Bởi nghề nghiệp hữu dụng, chính là thứ vũ khí quan trọng nhất, giúp con người mưu sinh và đáp ứng những thị dục bản năng của mình. Vì thế mà người ta phải lao vào học, tìm thầy, tìm trường để học, học như một thôi thúc của dục vọng. Và rõ ràng chính các nhà trường sinh ra để đáp ứng nguyện vọng này.
Nhưng nếu chỉ nặng về trang bị nghề nghiệp, mà phần lương tâm bị xem nhẹ, sẽ tạo ra những con người trần trụi: những dục vọng bản năng, những kỹ năng nghề nghiệp cùng trí khôn. Như thế sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.Nhất là trong xã hội đương đại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, cùng với con người ngày càng được giải phóng. Một cá nhân thiếu lương tâm, có thể sẽ gây tác hại cho xã hội rất lớn. Vì thế, vấn đề giáo dưỡng lương tâm, trở nên như một vấn đề sống còn.
Những biểu hiện tiêu cực cản trở giáo dưỡng lương tâm
Bởi khát khao học lấy nghề một cách hiệu quả, nên trong thực tế, khuynh hướng học lệch rất dễ xảy ra. Thói thực dụng ấy, không chỉ có ở người học, mà thậm chí còn ở cả những cơ sở đào tạo. Điều này thật nguy hại, như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein (1879-1955) đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức 2007, trang 48).
Rồi bởi “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”, nên thịdục huyễn ngã đã thôi thúc con người mau đến với công danh, mà mặt trái của nó-phát thành bệnh hiếu danh, khát khao khen thưởng bằng mọi giá... Vì thế nếu một nền giáo dục mang nặng bệnh thành tích, coi trọng bằng cấp, giải thưởng, thì sẽ như nuôi dưỡng mặt trái của thị dục này. Và thật nguy hại, khi đó người ta có thể chỉ chạy theo đối phó với thi cử, sát hạch, mà xa rời thực chất, thực học, cũng như bồi đắp lương tâm.
Không chỉ có vậy, giáo dưỡng lương tâm, còn có thể gặp phải nhiều cản trở khác, thuộc về môi trường gia đình và xã hội. Chẳng hạn như ở một xã hội, mà tiền và quyền lực chi phối tất cả, thực thi pháp luật bị buông lỏng, công chúng bị đầu độc bởi những tư tưởng cực đoan-sai lệch. Hay một xã hội vô cảm, mỗi cá nhân chỉ biết lo cho bản thân và gia đình..., cũng đều ảnh hưởng không tốt đến giáo dưỡng lương tâm.
***
Ngày nay, khi mà ngay cả việc đưa ra triết lý, cũng như những mục tiêu phù hợp cho giáo dục, vẫn còn là mối bận tâm của toàn xã hội, thì tự nó đã là một minh chứng cho sự bất cập của giáo dục nước nhà. Nhưng phải chăng: học để có nghề nghiệp hữu dụng, học để bồi đắp lương tâm, là những điều căn cốt nhất? Tất nhiên, để đáp ứng hiệu quả cho cái sự học này, đòi hỏi rất cao ở nhà trường, gia đình và xã hội. Rõ ràng,chỉ những người thầy có tâm, trong một nền giáo dục có lương tâm, mới có thể tạo ra những lớp người giàu lương tâm. Và những người theo nghiệp dạy người không thể không biết đến lời nhắn nhủ sâu xa của người anh hùng dân tộc Ấn Độ-Mahatma Gandhi(1869-1948): “Giọng con người không bao giờ đi được xa như giọng nói nhỏ bé của lương tri”, và dẫu không dễ, nhưng hãy gắng hành xử theo hiệu triệu củaEinstein: “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn”.
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515343
221
2367
2944
213282
121009
114515343