Người xứ Nghệ

Tư tưởng tự do mang tầm thời đại của Nguyễn Công Trứ

Vào nửa đầu thế kỷ XIX nhân loại xuất hiện hai nhà tư tưởng lớn C.Mác và F.Ăngghen. Những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã nêu ra hình thái phát triển kinh tế - xã hội của loài người. Một xã hội mà ở đó sau khi các quan hệ tư bản chủ nghĩa bị xóa bỏ, loài người sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Xã hội đó là sự phát triển rực rỡ của “một liên hợp của các cá nhân”. Loài người sẽ từ “vương quốc tất yếu” tiến tới “vương quốc tự do”. Điều mà đã được ghi vào Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Kỳ lạ thay, ở một nước nhỏ bên này địa cầu, bị bế quan tỏa cảng, với chế độ quân chủ bảo thủ, lạc hậu đến mức nhà vua không tin nổi ở trời Âu đã có “bóng đèn treo ngược”, có chiếc xe hai bánh mà người ngồi đạp đi không bị ngã.., vào giai đoạn lịch sử đó, xuất hiện một ông quan làm đến chức Thượng thư, giòng dõi nho giáo đã nêu lên triết lý sống tự do, không những thế mà còn hành xử tự do; điều mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra thành mục tiêu và lý tưởng để kêu gọi loài người chiến đấu, đó là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, tác giả “Bài ca ngất ngưởng” và câu đối nổi tiếng:

- “Cũng may thay, công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen. Nào cờ nào quạt, nào mão nào đai, nào hào hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ.

- Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục. Hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn”.

Tất cả cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quy tụ ở triết lý tự do “quân tử bất khí” với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều. Cho nên mới có được một Uy Viễn Tướng công; một “công trung thế quốc”, cuộc đời binh nghiệp đã từng Tham tán quân vụ của trấn Bắc Thành (1826), chủ tướng trấn áp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1827), Binh bộ Tham tán (1832), Tham tán quân vụ trấn áp khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833-1835), Binh bộ Thượng thư (1835-1838), Binh bộ Tham tán (1839), Tán lý Cơ vụ (1840), Tham tán đại thần và Tuần phủ An Giang (1841), chinh chiến trong các cuộc chiến tranh ở phía Tây Nam...; một ông quan, một tướng lĩnh “trung quân” mẫn cán với triều đình nhà Nguyễn “đánh Nam dẹp Bắc” đến vậy mà dám “phá tung cũi lồng” để dám can ngăn vua, tự do nói lên ý nguyện của mình mà không sợ chết. Đó là sau những năm chỉ huy quân đội, trấn giữ và đánh giặc ở trấn Tây Thành, ông đã thấy cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh này, cảm nhận trước nỗi đau thương mất mát của nhân dân hai nước… Từ đó trong ông đã nảy sinh ra tư tưởng lớn “tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, chống xâm lược áp bức dân tộc” điều mà từ xa xưa đến lúc đó chưa có nho sĩ  nào dám nghĩ đến chứ chưa nói là đã dám nói ra. Thế mà Uy viễn Tướng công đã tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của “phép triều” dám chịu trách nhiệm, dám chịu tội trước vua, trước triều đình nhà Nguyễn xin được rút quân về nước canh giữ biên cương, lập nền bang giao hữu hảo với nước láng giềng. Đề xuất đó không những không được chấp nhận, mà triều đình nhà Nguyễn đã kết tội ông phản quốc và xử “trảm giam hậu” dẫn độ về nước thi hành, và dẫu được tha tội chết nhưng ông bị cách chức xuống làm lính thú. Tư tưởng tự do gắn với độc lập dân tộc của Nguyễn Công Trứ mang tầm thời đại khi mà các nước tư bản Phương Tây đang tranh nhau xâm chiếm thuộc địa; lịch sử nước nhà cũng đã trải qua bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và đang phải đương đầu trước họa xâm lược của nước ngoài. Tư tưởng đó còn được kết tinh bằng hành động cao cả của ông khi thực dân Pháp đem quân đổ bộ vào Đà Nẵng (năm 1858), tuy đã tuổi 80 ông vẫn gửi sớ lên nhà vua xin được ra trận đánh quân xâm lược: “Thần nay như cái màn, cái lọng rách cũng không hề nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Nhưng do tuổi cao sức yếu nên Uy Viễn tướng công không kịp lên đường ra trận thì đã qua đời vào tháng 11 năm đó.

Điều đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ là tự do đồng hành với trung quân, mẫn cán. Được thăng làm quan to, rồi 5, 6 lần bị dáng chức tước nhưng ông vẫn không sao. Ông chỉ đau đáu vào một động cơ là được tự do cống hiến, cống hiến cho đất nước, cống hiến cho đời. Chuyện đi “dẹp loạn” Phan Bá Vành cũng là một minh chứng. Một ông quan trung quân và luôn lấy đạo đức nho giáo làm đầu, tuân lệnh vua đi dẹp khởi nghĩa nông dân; nhưng rồi chính ông lại dám chống lệnh vua; nhà vua bảo: “Sau khi dẹp bọn nghịch loạn phải trừ diệt hết mầm mống nổi loạn”, thì ông đã dám tâu rằng: “Phần đông những bọn nghịch loạn ấy là những dân nghèo vô tội, bị áp bức cùng quẫn mới nổi lên như vậy. Phải cứu lấy dân lành mở đường sống cho dân…”. Vì dân ông sẵn sàng nhận tội trước vua. Không những thế ông còn gửi sớ lên vua xin cấp tiền của cho dân nghèo, khai khẩn đất hoang lập nghiệp, để yên dân: “Trước kia thần đã qua phủ Thiên Trường thấy huyện Giao Thủy và huyện Châu Định đất hoang phế rộng mênh mông… nếu cấp tiền gạo của công chiêu tập dân nghèo mà khai phá thì nhà nước không tốn kém bao nhiêu mà cái lợi thì lâu dài mãi mãi”. Ông đã biến ý nguyện đó thành hiện thực. Chỉ trong mấy năm với cách làm khoa học, sáng tạo, với tấm lòng yêu thương dân, tin dân và dựa vào dân ông đã làm nên kỳ tích khai hoang lấn biển lập nên được hai huyện mới Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình), với những công trình thủy lợi và bố trí dân cư, đồng ruộng cũng như khởi xướng nhiều chính sách kinh tế - xã hội cách tân, đổi mới còn có giá trị đến ngày nay. Tư tưởng dám lấn biển khai hoang lập ấp sau khi dẹp xong khởi nghĩa Phan Bá Vành là tư tưởng vì dân, vì cộng đồng, đó là sự bắt gặp với dòng tư tưởng “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do tất cả mọi người”. Bởi thế khi đã khai hoang, lập ấp thành công Nguyễn Công Trứ nhẹ nhàng ra đi, không có dịp quay trở lại nhưng nhân dân ở đây muôn đời ghi công, không kể người bên lương hay bên giáo đều chung một lòng thờ cúng ông. Thờ cúng một con người, một tư tưởng tự do dám bứt phá mọi ràng buộc vì lợi ích của họ.

Tư tưởng tự do của Nguyễn Công Trứ gắn liền với chí làm trai, với “nợ tang bồng”. Chí nam nhi là sản phẩm của học thuyết nho giáo. Là một nho sĩ nên ông đau đáu: “Thượng vi đức, hạ vi dân

Sống hai chữ quân thần mà gánh vác

Có trung hiếu nên đứng trong trời đất…”

Nhưng là thiếu sót nếu không nói đến một Nguyễn Công Trứ mà trong ông có đất nước, có nhân dân, có trung hiếu lại còn có say sưa với “tự do hành lạc”:

“Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp

Trong thú yên hà mặt tỉnh say”.

Nhiều chuyện kể còn lưu truyền ở vùng Kim Sơn, Tiền Hải về thú ăn chơi của Nguyễn Công Trứ, như là khi đang lo gánh vác việc khai khẩn hoang điền ngày thì ông xông pha, năng nổ với công việc khẩn hoang, đêm thì chìm đắm trong điệu phách với câu ca trù, với các ả đào xinh đẹp. Rồi chuyện dân làng Uy Viễn thường kể, Nguyễn Công Trứ đi lên chùa Hương Tích (Hồng Lĩnh) vẫn đem theo các cô em... Chính điều này ông cũng đã viết ra trong Bài ca ngất ngưởng: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”. Riêng trong văn chương, trước Nguyễn Công Trứ không có ông quan nào có độ cuồng nhiệt với triết lý hành lạc đến mức:

“Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên

Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phí chí”

            Với ông chuyện hành lạc là đủ thứ. Có tình, có cầm, kỳ, thi, tửu còn có thiên nhiên với trăng gió, cỏ hoa hòa quyện vào nhau:

            “Hoa với khách như đà có hẹn

             Ưa màu nào màu ấy là xinh”

Triết lý hành lạc, cũng như thú vui hành lạc của Nguyễn Công Trứ là hiếm có ở thời đại ông ở chỗ, ông vừa hết mực “trung, hiếu”, “trách nhiệm kẻ sĩ”.., thì cũng vừa say mê tìm cách hưởng thụ “thú thanh nhàn”, “thú phong lưu”, vượt cả khuôn phép với “say dắt đào nương đến cữa thiền”… Ông khuyến khích “tu hành lạc” (nên hành lạc), vì xem đó là “chí nhân” (hết sức nhân đạo), nên cần “đánh thức người đời” để biết hưởng cái hạnh phúc trần gian. Triết lý đó của ông đã vượt qua sự kìm nén của truyền thống dòng dõi nho giáo để có được tự do hành lạc chứa đựng chất nhân văn và hiện đại đến vậy.

Cho nên không có gì lạ, nhà triết lý hành lạc Nguyễn Công Trứ cũng là ông tổ của lối hát nói. Hát nói là một thể loại đặc thù mang tính tổng hợp giữa các thành tố: thơ văn, thanh nhạc, vũ đạo, ánh sáng và sắc dục ở độ thanh tao, ở tầm tự do sáng tạo nghệ thuật tài giỏi và độc đáo. Sự sáng tạo này đã mở ra một thể hát được tự do hưởng thụ một cách phi nho, phi tôn giáo nhưng lại rất nhân văn, rất đời thường làm phong phú thêm sự đa dạng của nghệ thuật dân gian nhuộm màu sắc hiện đại. Ông còn là một nhà thơ chuyên dùng chữ nôm và có công lớn đưa ca trù trở thành thể thơ ca của dân tộc, với nhiều âm sắc, phong phú về nội dung, thích ứng được với nhiều đối tượng của xã hội.

Vào thời đại cách đây 240 năm ở vùng quê núi Hồng, Sông Lam đã ra đời một con người xuất thân trong gia đình truyền thống nho giáo, rồi trở thành một ông quan “trung thần” bị gia giáo, gia phong hàng ngàn năm ngự trị trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, vừa lạc hậu, vừa bảo thủ, vừa tàn bạo. Thế mà con người đó, sống trong một xã hội như thế đã bứt phá để có được tư tưởng tự do bay vượt ra khỏi khuôn phép, để dân tộc Việt Nam được tự hào về một Tướng công Nguyễn Công Trứ dám đứng lên can vua vì nước, vì dân, vì lẽ phải; dám làm trái lệnh vua để cưu mang dân lành; dám sống “hành lạc tự do” để có một phong cách sống hào hoa, tự tại vượt ra tầm tư duy và cuộc sống đương thời, nhưng lại nằm trong giòng nhân văn của người Việt. Con người hiếm có đó, cùng với tư tưởng tự do của ông mãi “đứng giữa trời mà reo”…

 

            Tài liệu tham khảo:

  1. Đại cương lịch sử Văn hóa Việt Nam. NXB giai đoạn 1997.
  2. Người Nghi Xuân. NXB Văn hóa Thông tin 2002.
  3. Tư liệu về Nguyễn Công Trứ. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh 2001.
  4. Lịch sử Hà Tĩnh (tập 1). NXB Chính trị quốc gia 2000.
  5. Nguyễn Công trứ trong dòng lịch sử. NXB Nghệ An 2008.
  6. Một tấm lòng. Hội Nhà báo Hà Tĩnh 2010.
  7. Tạp chí Lý luận chính trị số 6. 2018

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511834

Hôm nay

2160

Hôm qua

2337

Tuần này

22208

Tháng này

218707

Tháng qua

121356

Tất cả

114511834