Vì sao lương tâm là mục tiêu căn cốt của giáo dục?
Tạo hóa sinh ra con người, đã ký gửi vào đó những ham muốn - bao gồm những thị dục: sức khỏe và sinh mạng; ăn; ngủ; tiền của; để tiếng lại đời sau; thỏa nhục dục; con cái được mọi sự đầy đủ; được người khác cho là quan trọng. Và chính vì để đáp ứng những thị dục bản năng này, mà cuộc đời con người luôn là một chuỗi những cuộc chiến với hoàn cảnh, với bản thân, với đồng loại... Rõ ràng nếu chỉ sống trần trụi với những dục vọng, thì chắc chắn xã hội loài người còn khủng khiếp hơn cả xã hội của những loài muông thú, bởi con người có thêm trí khôn.
Nhưng, may thay loài người còn có phần - có khả năng chế ngự các dục vọng, ấy là phần lương tâm, như Jean Jacques Rousseau (1712-1778) - một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, đã nhắc: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, dục vọng là tiếng nói của cơ thể”. Và nhiều người đã đồng tình với cắt nghĩa sau đây về lương tâm trong Wikipedia: “Lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trong suốt quá trình hành động”.
Chỉ tiếc rằng, trong khi những dục vọng luôn trỗi dậy mãnh liệt - do bản năng, thì phần lương tâm - cái phần hồn tinh túy kia, lại không thuộc về bản năng sẵn có của chúng ta. Bởi lương tâm của con người chỉ có được, từ sự lắng đọng của truyền thống và văn hóa, từ trong gia đình đến nhà trường, hay tín ngưỡng tôn giáo... Nó vốn đã không dễ có, lại còn mong manh và dễ bị tổn thương. Vì vậy hàng nghìn năm qua, dưới nhiều hình thức và giải pháp khác nhau, loài người tiến bộ luôn đặc biệt chú ý giáo dục, nuôi dưỡng và vun đắp cho cái “phần hồn” tinh túy này!
Lương tâm dường như còn là một thước đo cho cái thang bậc tiến hóa nghiệt ngã của loài người. Là vũ khí quyết định sự thành bại trong cuộc chiến giữa “phần người” và “phần con” trong mỗi con người. Biết bao tấm gương hy sinh, bao nghĩa cử cao đẹp, bao áng văn, vần thơ, những lời răn dạy..., chẳng phải đã nhằm giáo dưỡng - vun đắp cho cái phần hồn cao quý này sao!? “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” - một câu Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820), sẽ mãi mãi nhắc nhở người ta về cái giá trị căn cốt của lương tâm trong mỗi cuộc đời.
Trong xã hội đương đại, khi mà sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, cùng với con người ngày càng được giải phóng, thì một cá nhân thiếu lương tâm, có thể sẽ gây tổn hại cho xã hội rất lớn. Vì thế, vấn đề giáo dưỡng lương tâm, càng trở nên như một vấn đề sống còn. Rằng đó còn là một vấn đề cần đến sự thức tỉnh, sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà trường, để có những hành xử và giáo dục thích ứng.
Những tiêu cực trong giáo dục làm tổn hại lương tâm
Thật đáng tiếc, trong khi lương tâm là mục tiêu tối thượng của giáo dục, thì trớ trêu thay, đâu đó chính trong ngành giáo dục, người ta đã vô tình, nuôi dưỡng, thúc đẩy mặt tiêu cực của những dục vọng, khiến lương tâm bị lấn lướt. Chẳng hạn, công danh vốn đã là một thị dục mạnh mẽ của con người. Vì vậy, nếu một nền giáo dục, mang nặng bệnh thành tích, quá coi trọng bằng cấp, giải thưởng, thì sẽ như nuôi dưỡng mặt trái của thị dục này. Và thật nguy hại, khi đó người ta chỉ chạy theo đối phó, hay gian dối với thi cử, mà xem nhẹ thực học, cũng như bồi đắp lương tâm.
Một trong những khuynh hướng lệch lạc khác - xa rời với giáo dưỡng lương tâm, đó là lối giáo dục thực dụng, phiến diện. Điều này thật nguy hại, như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein (1879-1955) đã từng cảnh báo: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng” (A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức 2007, trang 48).
***
Lương tâm, rõ ràng là một mục tiêu sống còn của giáo dục. Vì vậy, để hoàn thành được mục tiêu giáo dục lương tâm, trước hết ngành giáo dục cần phải loại bỏ tất cả những khuyết tật, làm tổn hại đến mục tiêu này. Bên cạnh đó cần phải cải tổ sâu sắc nền tảng khoa học xã hội và nhân văn. Phải đặc biệt chú ý giáo dục chất lượng toàn diện, cũng như các tiêu chí và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục - lấy lương tri làm nền tảng. Tránh những mục tiêu giả dối, bệnh hình thức trong giáo dục. Và hơn tất cả, là cái tâm của những người theo nghiệp dạy người. Bởi chỉ những người thầy có tâm, trong một nền giáo dục có lương tâm, mới có thể tạo ra được những lớp người giàu lương tâm.
Và lời nhắn nhủ sâu xa của người anh hùng dân tộc Ấn Độ - Mahatma Gandhi (1869-1948): “Giọng con người không bao giờ đi được xa như giọng nói nhỏ bé của lương tri”, chẳng phải như đã đòi hỏi rất cao cái tâm của người truyền đạo đó sao!? Chưa kể trong bối cảnh thực tại, giáo dục đang phải chịu nhiều sức ép tiêu cực, vì thế để hoàn thành sứ mệnh của mình, những người làm giáo dục càng cần đến bản lĩnh, và hãy xin lắng nghe hiệu triệu của Einstein: “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn”. Cuối cùng, người viết xin nhắc lại khẳng định - ẩn chứa nhiều thông điệp sau đây của nhà triết học Đức vĩ đại - Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1970-1831), rằng: “Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức”.