Người xứ Nghệ

Người Ham Chơi

Thế giới hiện đại ưa chuộng một gã người có bộ mặt bông đùa dễ thương, gọi là Homo Ludus, Người Ham Chơi. Khác với những tiền bối của nó là Người Làm (Homo Faber) và Người Biết (Homo Sapiens) vốn đã có mặt từ văn hóa nhân loại cổ xưa, Người Ham Chơi cũng Làm cũng Biết thông thái mọi điều. Nhưng gã lại là một tay giang hồ khí cốt, nhìn đời như một khu vườn hoan lạc, nơi đó gã sa đà theo những cuộc vui với một tâm thức cóc cần nhẹ nhõm. Cũng có người nhăn nhó khi nói đến gã, nhưng gã không bận tâm về điều ấy: Người Ham Chơi lãng đãng giữa cõi đời cũng là để làm nhẹ bớt căn bệnh hay cau mặt của những kẻ thích tỏ ra nghiêm nghị.

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN, theo cảm nhận của tôi, là tiếng hát ngu ngơ của con người Ham Chơi. Đồng dao lũ giang hồ đàng đúm đông hơn họp, đồng dao đêm cộng cảm nhảy múa với ma, đồng dao tượng mồ khoe Âm khoe Dương, cánh cửa phòng mở ra khép lại, cuộc tình bên miệng núi lửa, hoặc tiếng mèo rên lạnh buốt linh hồn. Đồng dao lang thang. Đồng dao rượu. Đồng dao em. Và đồng dao chợt nhiên cánh hoa đào rơi lặng im trong giấc ngủ… Người Ham Chơi ta bà qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng manh nhảy vào kiếp luân hồi.

Cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước những ngã ba ngã tư bất ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi, với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ nhưng thông minh lạ thường. Ừ thì vậy, “chia cho em một đời say – một cây si / với một cây bồ đề” Đừng hỏi ta sao đem chia cây cối cho em làm gì, ta đâu có biết, có thể nhiều đêm say ta đã ngủ bên đường…

Nhớ lại mười lăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ, qua một bài thơ rất hay, với điệp khúc nhắc lại nhiều lần về một điều:

thời tôi sống có rất nhiều câu hỏi
câu trả lời thật không dễ dàng chi

Bài thơ đó làm nhiều người khác khó chịu, bởi nó đã đụng tới nhiều thứ ngụy tín dầm dề của một thời. Riêng tôi, tôi thích thú giọng bông đùa tưởng như rất dễ dàng của nhà thơ lính hơn chục năm chiến trận này, để nói những điều nghiêm trọng thường khiến những người không thích đùa phải cau mặt. Nhớ một câu của Tùng Thiện Vương khen thơ Nguyễn Hàm Ninh rằng: “Cười một hơi mà thành ra bài thơ, không hề thấy dấu chạm trổ đẽo gọt ở chỗ nào”.

Đọc lại Nguyễn Trọng Tạo qua những bài ĐỒNG DAO đây, tôi nhận ra rằng quả thực mười lăm năm qua, nhà thơ vẫn không đổi giọng, chỉ thêm là bây giờ tôi đã gọi đúng tên chàng, Người Ham Chơi.

Nhưng không ai có thể dông dài suốt đời mình, và Người Ham Chơi có lúc cũng phải quay về.

ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương Mộ Tổ
biết bao giờ về…

Ở thời điểm khuya khoắt đó, thi sĩ chợt khám phá ra nỗi cô đơn nguyên ủy của con người, rằng Người Ham Chơi chỉ là hiện thân của Ý Thức Lưu Lạc. Người Ham Chơi bao giờ cũng giữ riêng cho mình một Cõi Nhớ, nhớ về một cái gì đã mất, và lầm lũi đi tìm. Dù đấy chỉ là chiếc trâm Cỏ Thi em đã cài tóc thuở lòng còn đầy khát vọng, và dù ta “rồi cũng khóc như em, khóc cho điều đã mất”. Chính giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như hạt sương hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo của niềm tin ẩn giấu đằng sau bộ mặt đã phong trần, sự trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ:

nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết…

Huế, mùa hạ 1994
HPNT

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114485454

Hôm nay

295

Hôm qua

2310

Tuần này

22025

Tháng này

212766

Tháng qua

120271

Tất cả

114485454