Văn hoá học đường

Về giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ

Theo một nghiên cứu mới được ngành giáo dục công bố có  37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do thiếu kỹ năng thực hành xã hội cũng như kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo, kỹ năng giao tiếp... và có tới 83% sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá là thiếu kỹ năng sống.

Hiện tượng này cũng dễ hiểu vì lâu nay ở nước ta trong cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm đúng mức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Nhiều phụ huynh chỉ khuyên con học suốt đêm ngày để thi đậu vào đại học, nhất là ở các đô thị, không muốn cho con em sinh hoạt xã hội, sợ mất đi thời giờ ảnh hưởng đến học tập, nhiều gia đình khá giả còn cho người làm hết mọi việc phục vụ sinh hoạt cá nhân cho con em để con em họ chỉ còn một hoạt động là học. Ở nhà trường chỉ coi trọng môn lý thuyết để thi cử, còn các môn như giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, thể dục, công nghệ... thường bị coi nhẹ. Các hoạt động ngoại khóa cũng bị tinh giản hoặc bỏ qua. Các đợt lao động công ích thì có nơi cho học sinh, sinh viên nạp tiền để khỏi phải đi lao động. Ngay trong chương trình ở các trường đại học và trung học, phần giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong xã hội khi đánh giá học sinh cũng chủ yếu dựa vào điểm số trong học bạ và trong các kỳ thi. Việc các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi những học sinh đã có thành tích cứu người bị tai nạn trong bão lụt hay tai nạn giao thông đều rất hạn hữu và cá biệt.

Hiện nay nước Mỹ có nền kinh tế và khoa học công nghệ đứng hàng đầu thế giới, nhiều người cho rằng, nền giáo dục ở Mỹ là tiên tiến nhất, không chỉ người Việt Nam mà một nước Đông Âu đã từng theo chủ nghĩa xã hội cũng có người nghĩ như vậy. Có một nhà báo ở nước này đã viết: "Hoàn cảnh như Bin Clinton nhờ nền giáo dục Mỹ đã trở thành tổng thống, nếu ở Đông Âu thì chưa chắc đã làm nên trò trống gì". Đúng ở Mỹ có những trường đại học có chất lượng tốt, khi tuyển sinh người nước ngoài, họ không chỉ quan tâm đến khả năng ngôn ngữ và trình độ kiến thức mà còn tính điểm cho các học sinh đã có thành tích hoạt động xã hội như làm từ thiện, được khen thưởng trong khi tham gia các phong trào quần chúng, có những môn học như lịch sử, địa lý... học sinh, sinh viên phải viết các đề tài tự chọn để rèn luyện khả năng thích ứng và sáng tạo... họ rất coi trọng việc giáo dục làm việc theo nhóm...
Những năm gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến khái niệm "Kỹ năng mềm", có nhiều cách giải thích khác nhau về kỹ năng mềm, nhưng nói chung kỹ năng mềm có thể được hiểu là các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... đào tạo kỹ năng mềm để học sinh, sinh viên mở được cánh cửa bước vào đời. Với nội dung kỹ năng mềm như trên, để dễ hiểu và ngắn gọn ta có thể dùng từ kỹ năng sống vì muốn sống tốt là phải có các kỹ năng ấy.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nước ta đang cần một nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ kỹ năng sống nên các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước đã quan tâm đến vấn đề này như ở Hà Nội, từ tháng 8 năm 2009, Giám đốc Đại học quốc gia đã giao cho Trung tâm hỗ trợ sinh viên thực hiện dự án "đào tạo kỹ năng sống, học tập và làm việc hiệu quả" cho sinh viên các hệ đào tạo đặc biệt. Trung tâm này đã triển khai đào tạo hai khóa cho gần 2000 sinh viên dựa vào chương trình nước ngoài, cung cấp cho 20 kỹ năng phân thành ba nhóm: Kỹ năng sống, học tập và nghề nghiệp. Trên thực tế sinh viên có thể tiếp thu một số kỹ năng qua bài giảng trên lớp, qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn thanh niên, hội sinh viên và các hoạt động bổ trợ khác. Tuy tổ chức đào tạo có bài bản, có chương trình chuẩn, cung cấp kiến thức có hệ thống... nhưng đây vẫn là công tác giáo dục mới mẻ, cần phải nghiên cứu để có chương trình và phương pháp giáo dục thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Có người cho rằng kỹ năng sống cũng như học bơi, muốn biết bơi phải xuống nước tập bơi, chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được. Kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong những môi trường hoạt động cụ thể. Các bài giảng trên lớp chỉ góp phần nâng cao nhận thức, chứ chưa rèn luyện cho học sinh có hành vi. Hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống không phải sự áp đặt, giảng viên phải có kiến thức tâm lý và xã hội sâu rộng.
Trong tình hình giáo dục nước ta hiện nay, số môn học và số tiết học trong mỗi tuần quá nhiều, nên việc giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể lồng ghép vào chương trình các môn học khác và các hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội. Theo chuyên gia của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc giáo dục kỹ năng sống trong trường phổ thông Việt Nam mới tập trung vào một số nội dung có tính toàn cầu như phòng chống ma túy và HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, giáo dục sức khỏe vị thanh niên... mang tính chuyên đề và không thường xuyên, nên tính bền vững không cao. Theo thống kê về sự thành đạt của thanh niên trí thức, chỉ có 30% là do bằng cấp chuyên môn, còn 70% là nhờ kỹ năng sống. Do đó các bậc phụ huynh không nên gò ép con em chỉ học chuyên môn đơn thuần mà phải cho con em tham gia các hoạt động xã hội, như tham gia phong trào thanh niên tình nguyện trong dịp hè, đi lao động công ích, làm công tác từ thiện và tích cực hoạt động trong các tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu nhi, hội sinh viên, hội chữ thập đỏ, câu lạc bộ văn hóa và thể thao v.v...
Hiện nay học sinh ở các trường trung học phổ thông mỗi tuần có sáu buổi học chính khóa, ba hoặc bốn buổi học thêm ở trường, nhiều em mỗi tuần còn phải đến lò luyện thi để học thêm ba hoặc bốn buổi nữa, làm cho nhiều em rất mệt mỏi, cho nên nói chuyện nghỉ học thêm để tham gia các hoạt động khác nhiều người không tin. Vậy xin nêu một vài ví dụ thực tế: Có học sinh khi vào lớp 10 được cử làm lớp trưởng hoặc bí thư chi đoàn thanh niên, sau đó theo yêu cầu gia đình phải nghỉ các công việc tập thể thì công việc học tập sút đi, điều này càng dễ hiểu, vì khi làm cán bộ lớp do yêu cầu cán bộ phải gương mẫu nên học tập tốt hơn.
Đường lối giáo dục của nước ta là học đi đôi với hành, giáo dục phải kết hợp với gia đình, nhà trường và xã hội. Việc giáo dục kỹ năng sống cũng phải làm như vậy, nhưng có lẽ gia đình và nhà trường phải đóng vai trò chủ công.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450221

Hôm nay

2253

Hôm qua

2274

Tuần này

21766

Tháng này

216480

Tháng qua

120141

Tất cả

114450221