Văn hoá học đường

Bàn về tâm lý và vấn đề ngược đãi

Khi nghe đến từ “ngược đãi” thì rõ ràng chúng ta sẽ nhận xét là có “gì đó” không bình thường và không thể chấp nhận được.

Tôi đề nghị hai cách nhìn như sau:

1. “Ngược đãi” là cái vỏ, là hình thức; “hành hạ” là cái ruột, là nội dung; và “xài xể” là cách làm. Tức là ngược đãi, hành hạ và xài xể là “ba như một” vì ngược đãi là hành động để hạ thấp con người bằng thái độ, lời nói hay hành động gây tổn thương. Ngược đãi có khi là một thói quen, một lối ứng xử, khi người trong cuộc chỉ biết đến duy nhất kiểu quan hệ giữa người với người này

2. Những cụm từ mang ý nghĩa đối lập với các cụm từ trên là gì? Nếu không “xài xể” thì là “tôn trọng”, nếu không “hành hạ” thì là “hành xử tử tế” và nếu không “ngược đãi” thì là “đối đãi đàng hoàng”. Nói cách khác, đối đãi đàng hoàng là tôn trọng con người, là hành xử tử tế, tuy “ba mà như một”. Đây là chuẩn mực ứng xử bình thường trong một xã hội văn minh. Vậy mà đôi khi việc này rất khó thực hiện vì con người thiếu các điểm mốc cho hành động của mình. Thêm vào đó là tâm lý e ngại, lo sợ người khác sẽ lạm dụng tình cảm của mình, xem mình như người hèn hay khờ, hoặc khinh rẻ mình.

Theo đó, tôi đề nghị lý giải, phân tích hai cái “ba như một ” nêu trên như hai mặt “biện chứng” của cùng một thực tế cuộc sống. Hiểu như thế là để có thể nhìn nhận vấn đề trong toàn bộ tính phức tạp của nó thay vì đơn giản chỉ là tìm cách phân định “trắng hay đen”, “nên hay không nên”, “tốt hay xấu” để trừng phạt, khủng bố tâm lý, đánh giá “người hiền, người dữ”.

Vì vậy, nhà trường có hai nhiệm vụ giáo dục: dạy và truyền đạt kiến thức và dạy về tác phong và hành vi đúng đắn của con người giúp hiểu nguồn gốc tâm lý của một “vấn đề” từ nhiều mặt. Lý tưởng nhất là dạy cách nhìn về cuộc sống và song song đó giúp phụ huynh ý thức để thay đổi thực tế ngược đãi trong gia đình và xã hội. Tức gia đình là đồng minh để xóa bỏ ngược đãi.

3. Không thể để hành vi ngược đãi, hành hạ và xài xể trở thành một kiểu quan hệ xã hội phổ biến. Tức sẽ không để nó duy trì mà phải làm thế nào nó không phát triển thêm. Gốc của vấn đề là nơi con người nên phải trả lời được câu hỏi: bản chất con người là tốt hay xấu? Ấy là chức năng của giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội.

4.- Không thể nào sống mơ mộng, lý tưởng, lãng mạn, nghĩ con người “tốt ” 24 trên 24, 7 trên 7, sống thực với nguyên lý làm người, tôn trọng mọi sự vật và tử tế trong các mối quan hệ. Tức là liên đới với vấn đề đạo đức, trí tuệ an lành và xã hội trật tự.

Điều đó có nghĩa là cần dựa trên yếu tố thời gian để phân tích và thay đổi quan hệ biện chứng tốt xấu bằng tâm lý, giáo dục và đạo đức chứ không qua những biện pháp trừng trị hay khen thưởng như là phương thức duy nhất. Tức là không phân loại để loại trừ.

Phân tích tâm lý điểm số 1.

Cơ sở tâm lý của điểm 1 có hai vế:

A. Phương tiện là dùng sức mạnh và bạo lực để tạo ra một sức ép tinh thần. Có thể xúc phạm đến thể xác (đánh đập).

B. Động cơ là tạo một tâm lý sợ sệt, sợ sệt mà không tránh né được, ở thế bị dồn vào chân tường.

Đặc điểm mối quan hệ giữa bên ngược đãi và bên bị ngược đãi là gì. Một bên nghĩ điều mình làm là đúng, là chính đáng và phải làm như thế để đạt một kết quả như mình muốn. Bên kia là nạn nhân nhưng bên làm hại không nghĩ, không xem rằng người bị hại là nạn nhân.

Trước tiên, người nạn nhân sẽ tìm đủ cách để thoát ra khỏi hoàn cảnh này mặc dù “người chủ tuồng” có cảm giác là cách “diễn” của mình vừa đúng, vừa cần và sẽ tiếp tục “tái diễn” lần sau. Về lâu dài, nạn nhân chỉ còn nhớ là bị ép, bị bạo lực - nhớ những trận đòn - nhưng ít khi nhớ/biết đến lý do/nguyên nhân vì sao việc xảy ra như vậy, chỉ nhớ những cơn sợ của mình nên học phép tránh né, tức là học cách tránh sức ép. Tức ngoại trừ việc chống đối, thì buộc phải nói dối.

Nói cách khác, điểm 1 mô tả một tương quan lực lượng tâm lý với một chiến thuật người thắng - người thua, người trên - người dưới. Nguyên nhân tranh chấp là người với người hơn là nội dung/lý do trao đổi - nếu có - cũng chỉ ở vị trí thứ yếu.

Khuynh hướng của lối ứng xử này là bảo thủ: trước tiên là đề cao một kỷ luật buộc phải nghe lời trước khi hiểu, bàn và chấp nhận nội dung của lời. Lời là lệnh.

Ví dụ: “Đi học đi!” là lời khuyên hay là lời lệnh? “Mày học cho mày chứ không phải cho tao đâu!”. Nói như thế thì nếu không cho ông thì tại sao ông “yêu cầu” tôi đi học? Do đó, chính là tôi đi học là cho ông. Vì tôi không muốn đi học cho ông hay theo kiểu ông yêu cầu nên tôi không đi học… hoặc học “dở” để cho ông biết là ông không có lý… hoặc gặp thầy giảng bài nhớ đến “Thầy” mình (Ba) đang “Bố” trận nên trí óc mơ mơ màng màng nhìn ra ngoài cửa sổ.

Phân tích tâm lý điểm số 2.

Cơ sở tâm lý của điểm 2 có hai vế:

A. Tình thương có nghĩa là thương người như ta thương ta, “như thể thương thân”.

 Lòng tin tưởng nơi con người có nghĩa là lòng tin cậy không phản bội, không nói láo, yêu sự thật.

B. Nếu có được A) thì con người phải học tính tự tin và biết yêu mình và tôn trọng chính mình, không lẫn lộn “tự ái ” với “tự yêu”. Ở đây cần một không gian tương tác an toàn, có sự tin tưởng của người nhỏ đối với người lớn.

Kết luận: Một lời nói nên là một lời trao đổi trên một tương quan bình đẳng (người nói = người nghe = đồng là con người với nhau theo vị trí của mình), nên là một lời của tình cảm, một lời của tình thương trước khi là lời chỉ bảo. Nếu lời là lệnh thì có thể nào có “lệnh buộc phải yêu người không”?.

Như thế:

A) Một lời đầy tình thương thì người nghe thương người nói, và ngược lại. Tại sao thấy trẻ con dễ thương mà lại “nhéo má nó” đến khi nó khóc?

B) Vai trò và địa vị của người nói và người nghe được rõ ràng và tôn trọng lẫn nhau, không ai sợ ai hết? Trong gia đình là con không sợ cha mẹ không thương mình - nhưng biết nể - và cha mẹ không lấy đó để đổi chác, đe dọa và « buôn bán » tình cảm với con.

C) Ngoài ra vẫn có trường hợp trẻ con “hành hạ” cha mẹ như vua con khi “biết” là cha mẹ “cần” con thương yêu mình, nhất với sức ép của xã hội biến trẻ em thành những vị “vua con”, một đơn vị tiêu thụ hay một sản phảm để khoe tài “con tôi học giỏ”, tức là tôi nuôi nó như người cha mẹ tốt…

Biện chứng giữa hai điểm 1 và 2.

Hai điểm là như thế này.

A. Không thể nào mãi mãi có hành vi ngược đãi với mọi người. Đến lúc nào đó cần thiết phải phục hồi sự bình an trong cuộc sống và các mối quan hệ. Nếu không sẽ rơi vào bệnh lý.

B. Không thể nào mãi mãi lý tưởng về con người « mới » mà không xem xét thấu đáo thực tế.

Tức là không thể nào xé đôi và tách rời hai mặt trên và để nó kéo dài một bên là bạn và bên kia là nghịch. Nói đến bạn hay thù là nói đến nguyên tắc tình thương hay không tình thương như là nguyên tắc đầu tiên để giải quyết vấn đề ngược đãi. Nếu giải quyết trên nguyên tắc trừng phạt là tiếp tục vòng lẩn quẩn của bạo lực.

Biện chứng là dùng yếu tố thời gian và không gian đạt sự trung lập, sự trung dung. Sau đó là để đẩy lùi thực tế bạo lực là thực tế xấu nhằm đạt đến một quan hệ xã hội lý tưởng hơn, đi đến xây dựng sự an lành. Tức là giải quyết bằng giáo dục trước và nếu thật cần là bằng luật pháp. Thiết lập cái bình thường vốn dĩ không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, trẻ em có thể ngược đãi với nhau. Trong một đám đông, thường thường có một “nhân vật” muốn dẫn đầu nên “tạo” một nhóm nạn nhân để tỏ sức mạnh trước “quần chúng”, khiến mọi người phải cổ động theo khẩu hiệu của mình. Nếu không là sẽ bị loại ra.

Kết luận:

A) Nếu giáo dục chỉ biết dựa vào trừng phạt thì không thể thành công. Giáo dục sẽ tham gia vào ngược đãi tự biến thành “giáo dục ngược đãi”. Ví dụ, phải hiểu vấn đề chấm điểm là chỉ ra sai lầm cần sửa, cần cải thiện chứ không có nghĩa là “phạt lỗi”. Do đó nên nói “sai chính tả” thay vì nói là “lỗi chính tả”.

B) Giáo dục trong gia đình và ở nhà trường phải đồng thời, nhất quán với nhau. Nếu quan hệ trong gia đình thường là ngược đãi thì đó sẽ là chuẩn ứng xử cho đứa trẻ khi vào nhà trường. Do đó dù không muốn, tâm lý ngầm của đứa trẻ là tạo điều kiện để thầy ngược đãi một cách không chủ ý với mình. Ví dụ, cứng đầu. Vì mô hình của đứa trẻ về người lớn là như thế.

C) Có khi gia đình ngược đãi (với lý do là trẻ không nghe lời) bằng hình thức là bậc cha mẹ “ủy quyền” cho nhà trường với suy nghĩ rằng nhà trường sẽ có cách làm cho con mình nghe lời hơn. “Tao méc thầy/cô mầy nhen”. Cái sự thất vọng/thất bại của cha mẹ trong công việc giáo dục con cái khiến họ chuyển trách nhiệm sang cho thầy cô và nhà trường để thực hiện việc giáo dục đó thay thế mình. Do đó, con học không giỏi là do thầy không khắc khe, không cứng rắn, không biết phạt học trò. Phụ huynh đi đến việc khủng bố thầy cô tưởng rằng đó là thương con mình, bảo vệ nó, là cha mẹ tốt.

D) Bên lề cần xem xét thêm về vấn đề giá trị xã hội của ngành giáo dục: giá trị “thương mại”, giá trị tri thức. Hai mặt biện chứng là vừa học nghề hữu ích cho mình và cho xã hội và vừa học thành người để tham gia một xã hội tiến bộ.

Nguồn gốc của hai điểm 3 và 4.

Nguồn gốc tâm lý của hai điểm đó tập hợp nhiều điểm như sau:

1. Cái sợ từ phía kẻ ngược đãi: sợ mất thế mạnh, sợ mất thế lực, tức là sợ không được nghe lời vì mình không chắc là lời mình hay quan điểm của mình có giá trị thật hay đủ chính thống để chia sẻ.

Có khi tâm lý là sợ con hơn mình dù vẫn nói: con hơn cha là nhà có phước. Tức là a) tính nghi ngờ; b) sợ đối tác không nhìn nhận mình là người xứng đáng và chính danh. Nói cách khác là lấy bạo lực làm động cơ quan hệ vì chưa thật sự biết rõ ai cần ai và vào lúc nào.

2. Xét ở mức độ sâu xa hơn là sợ mất tình người, mất tình thương, mất sự tin cậy, rõ ràng nhất là trong gia đình và giữa thành viên gia đình. Do đó, có ý nghĩ là nếu không còn nể nang nghĩa là không tôn trọng, là không quí mến nhau, là mất vị trí.

3. Sợ người kia khi có hiểu biết hơn mình thì sẽ “ngồi trên/trong đầu” mình.

4. Lẫn lộn kỷ luật với trật tự. Định nghĩa « hỗn » là gì? “Làm tàng” là gì?

5. Không cho rằng lời nói, lời dạy có giá trị như thức ăn của tinh thần và bồi bổ cho tinh thần bằng như một buổi cơm ngon, dọn ăn lịch sự và ngồi bàn vui vẻ. Tôn trọng người đi chợ, làm bếp, người dọn ăn, người ngồi cùng bàn và người trò chuyện là tôn trọng 5 người này như một. Ta không thể nào chạy theo để đút cơm con nít cũng như chạy theo để nhồi sọ nó. Sự đổi chác là như thế nầy “ăn đi cho mẹ thương” = “học đi cho cha thương”…nếu không là sẽ chết đói, sẽ ngu ra !!

6. Người nghe một lời nói, một lời dạy phải được biết là lời đó có lợi cho mình: giáo dục là dạy cho con người tự biết đánh giá đâu là sự ích lợi cho mình - dù là con nít - mà không tổn hại người khác. Truyền việc lành theo tình thương là đạo đức.

Triệu chứng “sợ nhà trường”nói riêng và “ngược đãi” nói chung.

Có vài nhận định thường gặp như sau

1.- Trường học là nơi “ô nhiễm ”, mất “tự do ” vì kỷ luật, vì thầy cô không yêu học trò bằng cha mẹ.

2.- Trường công kém hơn trường tư: tức là mối quan hệ giữa tiền và lương tâm nghề.

3.- Con nít không dễ thương với nhau.

4.- Một “văn hóa thứ bậc” dựa trên cơ sở sức mạnh, sức ép, cổ hủ mà không trên những nguyên tắc bình đẳng hiện đại. Cụ thể nhất là quan hệ ngược đãi nam nữ.

Giáo dục trật tự là dạy kỷ luật trong một chuỗi những mối quan hệ.

A. Trật tự là một nhận xét về vị trí con người, ví dụ trật tự vị trí anh em trong gia đình > Trật tự là một qui luật tổ chức của con người, ví dụ người trước được trước, người sau được sau, như vậy ai cũng được > Trật tự là một qui luật công bằng và một qui luật xếp hàng > Do đó, cần biết luật công bằng là một qui luật thuộc phạm trù văn hóa. Nếu hiểu luật này thì giảm được sợ sệt, đạt sự bình tâm > Luật công bằng = luật tôn trọng thoát khỏi kiểu quan hệ bạo lực người trên với người dưới, người mạnh với người yếu. Kết luận: biết luật là hiểu trật tự, tạo hành xử khách quan, vượt khỏi địa bàn tình cảm (và lợi dụng tình cảm) vốn là động cơ của cái sợ trong ngược đãi.

B. Tiếp theo, trật tự là một luật của tâm trí, ví dụ ai cũng bình đẳng trước sự hiểu biết và tri thức > Luật về tri thức là biết và hiểu luật điều hành giữa hai khối > Khi các đối tác cùng biết luật điều hành thì chia sẻ đồng đều và cân đối với nhau.

Mô hình: luật phổ quát là:

« A * B = C » trong đó (A) là một khối, (B) là một khối và (C) là khối kết quả, (*) là luật điều hành

Ví dụ :

  1. Nếu luật (*) là (+) mà A=2 và B=5 thì C=7 ; nếu luật (*) là (x) thì C=10.
  2. Nếu luật (*) là (quay) mà A= trái đất và B= mặt trời thì C= có ngày, có đêm.
  3. Nếu luật (*) là (yêu) mà A=nam và B=nữ thì C=hạnh phúc.
  4. Nếu luật (*) là (ngược đãi) mà A= 1 người và B= 1 người thì C= hành hạ.
  5. Nếu luật (*) là (tôn trọng) mà A=1 người và B= 1 người thì C= tử tế

Kết luận :

Các điểm A) và B) là dạy kiến thức khoa học cứng ; C), D) và E) là nói đến nhân văn thành người ; A) +B) +C) +D) + E) là giáo dục, không phải giáo huấn.

Trên cơ sở này là dạy phân tích để tìm ra luật (*) và dạy cách áp dụng luật (*) vào thực tế cuộc sống

Đó là món ăn tinh thần, tình cảm và trí tuệ của người ham hiểu biết, mà ưu tiên trước hết là dành cho trẻ em và thanh niên.

                                                                                            Paris 10/2018.

                                                                                        

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443183

Hôm nay

274

Hôm qua

2305

Tuần này

2996

Tháng này

218357

Tháng qua

112676

Tất cả

114443183