Văn hoá học đường

Trường tôi có thầy Lê Đô

Nếu ai đến trường Đại học Nhân Văn đều ít nhiều nghe kể về một ông thầy dạy ngôn ngữ học là Tiến sỹ Lê Đô. Đây là một ông thầy hiếm có và rất hiếm gặp. Hiếm có vì Lê Đô là người thầy uyên thâm, sâu sắc, quá nghiêm túc mà cũng quá chân thành. Hiếm gặp vì ngoài ngày có giờ dạy, anh không vào trường bao giờ. Cứ mỗi lần trông thấy anh trên sân trường là chúng tôi, bạn bè đồng nghiệp của anh đều reo lên, tay bắt mặt mừng, sung sướng như được gặp Bác Hồ. Có điều đây là Bác của cái thời “cháo bẹ rau măng” dịch sử Đảng. Mắc bệnh đau dạ dày, cái lưng anh mỗi năm một thắt lại, eo ót như lưng kiến. Lưng eo rồi, hai cái má cũng eo theo. Cả người anh chỉ được đôi mắt và nụ cười bù lại: Hai con mắt to, thông minh, trong veo. Cái miệng cười tươi sáng, cũng trong veo.

Vào những năm 80, đất nước thực sự bước vào thời kỳ hậu chiến, nạn đói xảy ra nhiều nơi, cánh giáo viên trẻ của Đại học Tổng hợp chúng tôi lương tháng không đủ sống, nhiều chàng phải tổ chức làm kem, bán nước ngọt, nuôi chó cảnh, nuôi cả lợn ngay trong nhà. Mục đích của cái gọi là “kế hoạch ba” này cũng chẳng có gì khác ngoài cái sự kiếm tiền cho vợ có thêm đồng rau đồng mắm.

Trong số những giáo viên trẻ ngại lấy vợ thời ấy có thầy Lê Đô. Vì chưa vợ, không bị sức ép nào, nên dù túng đói, Lê Đô kiên quyết không đi bán thứ gì, cũng không nuôi con gì. Độc thân, tự do, anh thà nhịn đói đọc sách rồi nằm thở dài chờ kẻng cơm bếp ăn tập thể, còn hơn mó vào những công việc lao động chân tay “hạ đẳng”. Nhưng vốn là người thật lòng, tốt bụng lại khéo tay, nếu có bạn bè nhờ làm gì, cho dù đó là công việc chân tay nặng nhọc, nhếch nhác, Lê Đô vẫn nhận giúp ngay.

Một lần có anh bạn đồng ngũ của tôi đến nhờ Lê Đô. Thoạt đầu Lê Đô tưởng lại chữa hộ cái luận văn cho con cháu người nhà gì đó, nhưng sau mới biết là cặp vợ chồng nọ muốn nhờ anh xây cho cái chuồng lợn.  Lê Đô nhíu mày, do dự giây lát rồi cười, nhận lời. Hai ngày sau, anh bí mật ra công trường thăm quan cánh thợ xây làm việc. Mặc dù cả đời anh chưa hề đụng vào vôi vữa, những chỉ mấy tiếng đồng hồ học việc, đám công nhân xây dựng đã gật gù, gợi ý nhận anh vào làm công nhật. Hôm sau, đúng hẹn, sáng sớm, anh đã đến nhà bạn, ngắm nghía cái chuồng lợn hàng xóm một lúc rồi lẳng lặng đi sặm thêm gạch, hì hục nhào vôi vữa.

Thật kỳ diệu, chỉ bốn tiếng sau, sau hai lần dỡ đi xây lại, đống gạch vụn, gạch phồng của chủ nhà đã biến thành một cái chuồng xinh xắn, gọn ghẽ, tinh tươm, mạch hồ thẳng như kẻ chỉ. Mọi người kéo đến thăm quan, ai cũng trầm trồ. Cái chuồng lợn xây thật vuông vức, cao ráo. Nền chuồng láng xi măng xanh bóng, trông mát mẻ, chỉ muốn trải chiếu vào ngủ trưa trước lợn.

Sau vụ chuồng lợn, Lê Đô nổi tiếng là ông thầy có đôi bàn tay hoa, việc gì cũng biết. Chờ cho tiếng đồn lắng xuống, một ngày nọ tôi đến nhờ anh sửa cho cái chái bếp. Chả là chái bếp của vợ chồng tôi trước đây vì thiếu gạch, xây thấp quá, nên ban đêm bọn trộm cứ trèo lên, thò cổ vào nhòm ngó. Cần xây lên tận nóc cho chúng nó tuyệt vọng.

Lê Đô đến, tôi mừng lắm. Mừng vì được việc, mà cũng là nhất cử lưỡng tiện, đây cũng là dịp chúng tôi ngồi ăn với nhau bữa cơm nhà giáo nghèo, bứt anh ra khỏi một ngày cơm niêu nước lọ độc thân. Tôi tất tưởi đánh hồ, tiếp gạch cho anh trèo lên xây. Nửa tiếng trôi qua, nhưng quái lạ, nhìn qua cũng thấy cả hai bức tường anh xây đều bị cong, khum khum lượn vào trong. Đôi bàn tay hoa xây chuồng lợn hôm nọ của anh đâu rồi? Hay là thiên hạ đồn bậy, biến anh thành huyền thoại. Tôi vào bếp nhìn quanh, ngẫm nghĩ một lúc thì tìm ra thủ phạm: Lúc Lê Đô xây, trong bếp có bà chị họ của tôi đang ngồi vặt rau muống. Chị tôi là bộ đội phục viên về, lỡ lứa, nhưng trắng trẻo, ngực tròn, lại mặc áo sơ mi rộng cổ. Đích thị là lúc xây, Lê Đô  vừa đặt gạch vừa thò cổ vào trong, nhìn xuống chị tôi rồi. Thế có khác gì trộm ngày!

Tôi bảo anh đập mấy hàng gạch đo đi, xây lại. Anh lắp bắp, đồng ý ngay, hai vành tai đỏ nhừ.

Tôi quyết định điều động ngay chị tôi di chuyển ra khỏi bếp. “Tương kế tựu kế”, đã thế tôi bảo chị tôi thay chỗ, ra ngoài làm thợ hồ. Tôi thấy mình quả là người thông minh. Mỹ nhân kế đã mắc, Lê Đô xây, tiếng bay gõ gạch lách cách, rộn ràng, chỉ nửa tiếng sau hai bức tường đã cao lên gần nóc.

Xong việc, Lê Đô tụt xuống cùng tôi ngắm nghía. Không hẹn mà cả anh cả tôi đều dơ tay dụi mắt. Rõ ràng là cả hai bức chái đều nghiêng, không nghiêng vào trong mà ngửa ra ngoài. Tường càng lên cao càng ưỡn. Tôi nhìn chị tôi mà căm thù, rồi lại giận mình: sao không quát bảo chị tôi thay cái áo sơ mi khác.

Trưa mất rồi. Chả lẽ lại đập lần nữa. Tai Lê Đô lại đỏ dừ, đỏ từ tai lan dần xuống cổ. Anh lấy cớ đau bụng, không ăn trưa, kiên quyết ra về. Nhìn bóng anh lủi thủi ra về, tôi nghĩ tới Vũ Như Tô. Chị tôi chẳng phải Đan Thiềm, chẳng nghiêng nước nghiêng thành mà vẫn làm cho Cửu Trùng đài của nhà tôi nghiêng chái.

Hai năm liền, Lê Đô không quay lại nhà tôi.

Hai năm ấy, bọn kẻ trộm cũng không bén mảng đến cái chái bếp nhà tôi nữa. Trước kia tôi đã có ý định rào thêm mấy đoạn giây thép gai vào khoảng trống của bức tường, nhưng nay thấy không cần thiết nữa. Bức tường ưỡn một đường cong kiêu hãnh, như thách thức kẻ gian. Tôi biết, đêm đêm kẻ trộm vẫn đi qua nhà tôi. Nhưng đi qua, chúng liếc lên bức tường, sẽ phải rảo bước nhanh, sợ nó đổ vào người lúc nào không biết.

Đầu những năm 80, vì không có tiền gửi vào Nam nuôi bố, anh liều ký hợp đồng dịch một cuốn sách tiếng Pháp mặc dù chưa biết tiếng Pháp. Đây là sách về Ngôn ngữ học, thuộc chuyên ngành khoa học của anh. Tuy vậy anh chỉ biết tiếng Nga chứ tiếng Pháp thì chưa biết chữ nào. Có thể vì sợ mình ngồi rỗi, bạn bè lại nhờ đi xây chuồng lợn, anh mới ký bừa cái hợp đồng ấy để lao sâu vào chữ nghĩa chăng. Ký xong anh bắt đầu đi họctiếng Pháp. Học được 16 buổi, 16 bài ngữ pháp, anh đã bắt tay vào dịch. Vừa tra từ điển vừa rung đùi đoán nghĩa. Mắt anh đăm đắm vào văn bản, không biết ai đi xung quanh, không biết bên ngoài trời mưa hay nắng. Tập trung cao độ vào bản dịch, có lúc anh ngồi nhìn đăm đăm vào bức tường trước mặt. Ai có vào hỏi anh câu gì anh cũng không nghe thấy. Đầu anh làm việc say mê bao nhiêu thì đùi anh rung mạnh bấy nhiêu. Lâu dần anh thành người mắc tật rung đùi. Có lần mệt quá, anh ngủ thiếp đi nhưng cái đùi bên trái theo quán tính cứ rung đến nửa giờ liền. Mọi người kéo nhau vào xem anh ngủ, thực sự chứng kiến một hiện tượng sinh học kỳ lạ: Lê Đô mặt gục trên bản dịch, ngáy pho pho rồi mà cái đùi bên trái vẫn rung. Có người mới bước vào cửa, trông thấy, không hiểu, định bế anh đi trạm xá cấp cứu. Mãi sau người ta mới hiểu: thì ra trong mấy tháng dịch sách, khi ngủ, tiến sỹ Lê Đô cho tất cả các bộ phận cơ thể ngủ yên, chỉ riêng cái đùi là không, quên không tắt cái lệnh rung.

Mấy tháng sau gặp anh, tôi hỏi, anh bảo, đã dịch xong cuốn sách tiếng Pháp chuyên ngành đó rồi, có tiền gửi vào Nam cho bố rồi. Tiếng Pháp từ đó anh dùng thành thạo, nhưng cái tật ngủ rung đùi thì mãi lúc cưới vợ xong, vợ anh mới chữa cho.
Bạn bè đồn đại rằng, đêm tân hôn, xong việc, anh ngủ, hài lòng, mặt mũi nở nang nhưng đùi cứ quay tít như chong chóng. Vợ anh chữa cho anh một năm sau mới khỏi.

Lê Đô cưới vợ thì đất nước cũng bước qua thời khốn khó. Đám cưới anh, nhà nước đã cấm đốt pháo, nhưng bên ngoài phòng cưới thì xã hội đã đổi mới tưng bừng. Vợ anh cũng là một cán bộ khoa học nghiêm túc. Gần anh, gần đèn thì sáng, chỉ mấy năm sau chị cũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, rồi đẻ cho anh hai đứa con trai liên tục.

Tôi chuyển công tác sang trường khác, không còn ở chung trường với anh, ít khi gặp nhau. Đã nhiều lần tôi mời anh đến nhà chơi, nhưng anh luôn kiếm cớ thoái thác. Của đáng tội, có lúc tôi đã có ý giăng bẫy, gán bà chị lỡ lứa nhà tôi cho anh. Chị tôi tuy không còn xuân sắc nữa nhưng rõ ràng đã có lần làm anh liêu xiêu, xuýt đổ tường là gì. Hơn nữa chị tôi lại có phòng ở, cửa rả chắc chắn, diện tích thừa đủ cho anh kê giá sách và bàn làm việc. Tại sao anh không đến? Đặt câu hỏi thế nhưng sau ngẫm kỹ, thấy lý do chính vẫn là do anh sợ phải nhìn lại cái bức tường anh dựng cho tôi mấy năm trước.  Thật khó nói, chả lẽ tôi lại tông tốc kể ra rằng tôi đã bán nhà và người ta đã phá cái Cửu Trùng đài khốn khổ ấy rồi.

Thế rồi hàng chục năm liền tôi không gặp anh, mặc dù vẫn nghe mọi người đồn đại, mà chủ yếu là ca ngợi anh. Thông thường, sau khi bảo vệ luận án, các tân tiến sỹ sẽ nâng cấp nội dung luận án rồi xuất bản thành sách. Cuốn sách đó sẽ được thẩm định, tính điểm như một công trình khoa học quan trọng trong hồ sơ xét phong hàm Phó giáo sư. Luận án của tiến sỹ Lê Đô là luận án mang tính phát hiện khoa học và khả năng ứng dụng thực sự, nhưng khi nhà xuất bản hỏi để in cho anh, anh kêu là không nhớ cho ai mượn, thất lạc mất rồi. Nhà xuất bản lại đề nghị anh cho phép sử dụng bản lưu chiểu ở Thư viện quốc gia, anh lại cự tuyệt và nói thật. Anh cho rằng nên ưu tiên xuất bản những công trình khoa học khác, thuộc các chuyên ngành khác, phục vụ đời sống thiết thực hơn. Anh còn giải thích: anh vẫn hằng ngày xuất bản luận án đó và nhiều cuốn sách khác của mình qua các bài giảng, các hội thảo khoa học và các buổi tranh luận cùng bạn bè đồng nghiệp đó thôi. Đó là kiểu xuất bản rất thời sự, sinh động, không cần giấy. Nói chung anh không quan tâm tới học hàm học vị. Sau mấy chục năm liền, dù thừa đủ tiêu chuẩn, anh vẫn không làm hồ sơ xét hàm Phó giáo sư.

Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh được anh hướng dẫn luận văn đều tự nhận là mình gặp may, nhưng cũng là gặp khó. May, là được sự hướng tận tình, chu đáo và khắt khe của thầy Lê Đô, khó, là ở đoạn tặng quà cám ơn thầy. Các thầy giáo hướng dẫn ở trường Nhân văn sau lễ bảo vệ tốt nghiệp thường được sinh viên tặng áo sơ mi. Cứ một luận văn là một sơ mi. Nhìn danh sách số luận văn là suy ngay ra tổng số áo sơ mi thầy có sau một niên học. Nhiều thầy hướng dẫn nhiều luận văn, mặc không xuể, phải gửi về quê cho bớt. Riêng thầy Lê Đô, thầy không có chiếc sơ mi nào từ học trò. Thầy không nhận một thứ quà gì, kể cả bó hoa. Đến nhà tặng hoa, anh còn bắt cầm hoa về. Cô cậu nào đến tận nhà cám ơn anh mà cố tình để quên quà lại, không nghe lời anh, cầm về, sau anh tìm tận nơi trả lại rồi mắng cho một trận nên thân. Tính anh là vậy, anh không thích nhờ vả, vay mượn của ai một thứ gì. Bạn bè muốn giúp đỡ anh cũng phải thật tinh tế, thực sự phải tính toán sao cho anh không tự ái. Yêu mến anh thì được nhưng lại thương  anh, điều đó anh coi là sự xúc phạm.

Thẳng thắn, say mê, nghiêm túc trong khoa học, anh trở thành một người thầy mẫu mực, một nhà khoa học ngành ngữ văn có uy tín học thuật, nhưng  bạn bè, học trò cứ mỗi ngày một xa anh.

Hàng chục năm liền không liên lạc được với anh, hôm nay tự nhiên tôi linh cảm có điều gì không hay đang đến với anh. Dễ lắm chứ, mặc dù tôi mới đọc một bài báo  của anh trên tạp chí khoa học tháng trước. Nhất là khi về hưu rồi, đang đến cái ngưỡng tuổi  “xưa nay hiếm”, thì biết bạn bè và chính mình còn sống được bao lâu nữa. Tôi không biết số nhà, số phòng, chỉ nghe bạn bè nói rằng anh ở “Khu tập thể Vật giá”, tôi vẫn dành cả buổi sáng chủ nhật đi tìm anh. Để đề phòng bất trắc, tôi rủ vợ đi cùng. Chúng tôi lần lượt đi khảo sát năm tòa nhà, cứ đi dọc hành lang từng đơn nguyên, từng tầng nhà, tôi gọi đúng cái tên cúng cơm của anh: “Ông Lê Đô ơi! Lê Đô ơi !”. Các căn hộ nghe tiếng rao lạc giọng của tôi, có người đã lên tiếng, lao ra đón. Họ nhầm, tưởng tôi rao bán tào phớ ế.

Tôi gọi đến tòa nhà thứ ba, đã thấy nản lòng thì nghe hai tiếng “tôi đây” sau lưng.

Từ trong căn phòng sâu, có mùi ẩm mốc, Lê Đô lao ra. Tay bắt mặt mừng xong, anh lấy giẻ ra lau mặt bàn cho sạch sẽ để tiếp vợ chồng tôi. Sách vở bộn bề quanh bàn. Về hưu rồi nhưng anh vẫn say mê viết lách. Bàn uống nước cũng là bàn viết, kèm thêm chức năng của chiếc gối kê đầu hoặc gục mặt ngủ trưa. Cái chăn nhỏ bên cạnh bàn nước có ý thông báo rằng đây cũng là chỗ nằm yêu thích của anh. Anh mân mê chiếc giẻ, lau đi lau lại mặt bàn. 

Tôi trách anh đã vào thời công nghệ 4.0 rồi mà sao không dùng máy vi tính, anh quát lên: "Ngôn ngữ học của mình là ngữ học ứng dụng không thể giải quyết bằng tin học được. Thử hỏi "Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao" Trả lời đi, phong trần nghĩa gì nếu tách văn cảnh... Trả lời đi, thử hỏi câu "Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/Ngàn dâu xanh ngắt... Sao xanh xanh rồi lại xanh ngắt... Thử hỏi... Thử hỏi...
Chúng tôi như hai học trò ngồi xếp bằng nghe anh giảng bài. Chiếc giẻ trong tay anh xoắn đi xoắn lại tới mười phút nhưng mặt bàn vẫn không sạch. Thật may, lúc sau vợ anh về, mặt bàn mới được giải quyết xong và anh cũng chấm dứt bài luận chiến với khách.

Gặp được Lê Đô đã khó, chụp được tấm ảnh với anh còn khó hơn nhiều. Tôi bảo chụp, Lê Đô lắc đầu quầy quậy. Tôi nịnh: "Lê Đô chụp rất ăn ảnh". Anh bảo; "Ăn uống gì cái ảnh. Tớ xấu". Tôi thuyết phục:

- Mấy năm nay không biết bao nhiêu người hỏi thăm ông mà tôi không biết mô tả thế nào, sức khỏe ông thế nào. Cho tôi chụp một kiểu, tôi đưa lên phây - búc cho mọi người "chộ".

Lê Đô lại lắc đầu. Tôi kiên trì: 

- Trông ông rất giống Bác. 

- Bác nào? 

- Giống Bác Nguyễn Ái Quốc ở đại hội Tân Trào. 

Nghe nói "Nguyễn Ái Quốc", Lê Đô trừng mắt, nhưng nghĩ một lát rồi cười xòa, cho chụp.

Tôi bấm máy gọi Xuân Vượng - bạn thời phổ thông với anh đang ở trong Sài Gòn: "Đố ông Vượng nhận ra ai nhé. Nghe này!". Lê Đô cầm máy đối thoại. Sau vài câu thăm dò, từ Sài Gòn vang lên tiếng la thất thanh: “Lê Đô thật đấy à, Vẫn còn sống à? Sao chúng nó bảo ông chết lâu rồi”. “Chưa, chưa”. “Thế tập đi xe máy rồi chứ”. “Chưa, chưa”. “Vào Sài Gòn chơi đi, tớ mua tặng cho một cái thật dễ tập”. “Thôi thôi”.

Lê Đô tắt máy rồi bảo tôi: 

- Đưa tay đây. 

- Đô biết xem tướng à?. 

- Không 

- Thế ông biết bắt mạch à?

- Không. Nếu biết đã không ốm thế này.

Anh nói rồi xiết bàn tay tôi thật chặt. Anh nhắm mắt, thầm thì như nói cho riêng mình nghe: "Thật ra tớ muốn ôm, muốn ôm thôi. Tại sao có những người ở với nhau rất lâu nhưng nhiều năm gặp lại, nhìn nhau mà chả biết nói chuyện gì. Có những người gặp nhau là chỉ thích xoắn lấy thôi"

Tôi rút tay ra vì đau. Bàn tay Lê Đô cứng thật. Tôi khen. Lê Đô gật đầu bảo: "Trừ bệnh hẹp van tim với đại tràng ra tớ chẳng có bệnh gì. Riêng cơ bắp thì tớ cứng lắm. Không tin, ông cứ đấm vào ngực hay bụng tớ đi. Đấm cả ngày, mỏi tay, chả sao". Tôi sờ nắn tấm áo bùng nhùng rồi đấm mạnh. Quả thực, sau khi lên gồng, bụng Lê Đông tóp lại, tròn nhỏ chỉ hai chít tay, nhưng giống như một khúc gỗ, rắn cấc. Tôi chợt nhớ có lần ai đó kể rằng: Lê Đô từng thú nhận: khi đã ngoài 50 tuổi mình vẫn mỗi đêm đánh thức vợ hai lần, mỗi lần mất hơn nửa tiếng mới ngủ yên được. Trường Nhân văn còn lan truyền mấy câu ca dao trêu anh: “Thầy Đô không uống nước chè/Không hút thuốc lá không nghe nhạc vàng/Ra đường thầy chẳng nhìn ngang/Về nhà với vợ thầy ph… đúng giờ” . Úi là là…Tôi liếc nhìn trộm vợ anh. Bà chủ nhà đang pha nước bên cạnh. Vị tiến sỹ Vật giá học này 60 rồi mà nước da cứ xanh xanh, đúng kiểu người thiếu ngủ. Không biết màu da ấy với cái bụng chày vồ tôi vừa nắn có liên quan gì tới nhau không? Nếu có liên quan thì cũng mừng cho bạn, rồi ... tự hào vì thế hệ mình vẫn có người kiên cường, làm đại diện.
Lê Đô về hưu lương thấp hơn những người cùng thâm niên, cùng bằng cấp, thấp khoảng gần hai triệu. Mấy tuần trước có người hỏi anh: "Ông Lê Đô ơi, ông thử kiểm điểm xem có mắc khuyết điểm, kỷ luật gì không mà người ta để lương hưu ông thấp thế". Lê Đô về già hình như đã ngộ ra nhiều điều nên mới thật thà thú nhận: "Tôi chỉ có khuyết điểm là Hay quên".

Nghe kể, tôi tin ngay. Đúng là Lê Đô hay quên. Mấy chục năm giảng dạy nhưng anh chẳng biết ai làm hiệu trưởng, hiệu phó trong trường. Có lần trường Nhân văn sau một tháng tranh cử, bầu cử sôi nổi cho nhiệm kỳ lãnh đạo mới, đã tổ chức lễ công bố Quyết định và mừng Hiệu trưởng tái nhiệm. Đã có thông báo, mọi người phải vào dự lễ, nên Lê Đô phải vào. Vừa vào sân trường Lê Đô đã bắt gặp, liền vỗ vai chúc mừng Hiệu trưởng. Vị "Hiệu trưởng" bị vỗ vai đau quá, kêu rầm lên, chối đây đẩy rồi bỏ chạy. Lê Đô còn nói với theo: “Thôi đừng giả vờ khiêm tốn nữa. Hiệu trưởng chứ có phải bộ trưởng đâu mà giấu”. Vài tuần sau, nghe mọi người kể, Lê Đô mới biết mình nhầm. Người được anh chúc mừng đó cũng tên là Gia nhưng chỉ là Da viết “dê trên” không phải Phan Thế Gia, “dê dưới”. Da được ông vỗ vai là Da rất đáng yêu nhưng chỉ có tướng mạo bề ngoài, hết giờ dạy là anh này đi đánh trống, chơi nhạc, nên đến cái chức chấp hành công đoàn cũng chưa bao giờ được tiến cử. Tương truyền: vài năm sau, Hiệu trưởng có lần gặp anh đã nửa đùa, nửa thật, vỗ vai khuyên: "Tôi biết ông Lê Đô rất ham mê khoa học, nhưng đã ở trong cơ quan cũng nên lưu tâm đến họ tên Lãnh đạo một tí". Lê Đô lại trừng mắt nhìn, vì anh cũng không biết người vỗ vào vai mình là ai. Anh không biết người vỗ đó chính là Hiệu trưởng thật. Mà khi ấy, người vỗ vai có báo cho anh biết mình là Hiệu trưởng đích thực, thì anh cũng phẩy tay bỏ đi.

Ngồi chơi hỏi chuyện lâu tôi mới biết Lê Đô có tới 2 chiếc máy điện thoại nhưng gần như không dùng. Cả hai máy đã chết từ lâu. Xạc pin một lúc, mò ra số điện thoại, tôi dặn: Ông không biết đi xe máy, chỉ biết xe đạp, nhưng xe đạp thì hỏng, tay lại run rồi, không đi đâu thì phải thường xuyên để điện thoại sống cho mọi người gọi đến, hoặc ông gọi mọi người. Mà ông đến Phòng Tổ chức thắc mắc xem cách tính lương hưu thế nào mà lương thấp thế.

Nghe khuyên, Lê Đô lắc đầu cười, hiền khô:

- Tớ hay quên. Lương hưu cần gì nhiều, có tiêu hết mấy đâu.

- Không tiêu để tôi tiêu. Tiêu vào khoản điện thoại. Từ nay mỗi ngày tôi gọi điện thoại ông 5 lần. Ông phải dùng cái máy Samsung 5 triệu kia đi. Vợ mất công đi chọn, sắm cho đẹp thế mà 5 năm nay vứt xó. Máy ấy cũng báo thức ban đêm được đấy. Bạc bẽo với vợ quá. Tôi sẽ gọi và bắt đầu khai hóa văn minh điện thoại cho ông...
Lê Đô lại cười nhìn tôi. Anh biết, bốc lên thì tôi hô khẩu hiệu thế thôi, chứ tôi làm gì đủ sức khai hóa. Chúng tôi đã gần bảy chục rồi, đã là những thầy đồ cuối cùng của giảng đường đại học thế kỷ cũ rồi.

                                                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                    

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517759

Hôm nay

274

Hôm qua

2332

Tuần này

21106

Tháng này

215698

Tháng qua

121009

Tất cả

114517759