Giữa dòng văn học nước ngoài ở miền Nam, văn học Nga không phải là một trong những nền văn học chủ đạo, số lượng tác phẩm được giới thiệu cũng không phải là nhiều nhất, nhưng nó lại có một tính cách đặc biệt trong tiếp nhận vừa như một sự khám phá, vừa như một sự đối chiếu, đối thoại: khám phá những bí ẩn của văn chương chữ nghĩa, đối chiếu giữa văn học ta và người (ta và người có khi là giữa Đông với Tây, có khi lại trong nghĩa phương Tây đối với Nga, không hiếm khi được hiểu là giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam), đối thoại giữa các bảng giá trị về văn hoá – chính trị – đạo đức… Đó quả là một “ca” tiếp nhận phức tạp và lí thú.
Văn học Nga được dịch, giới thiệu khá phong phú, đa dạng, dàn trải từ L. Tolstoi, F. Dostoievski, M. Lermontov, A. Chekhov, đến M. Gorki, B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, M. Sholokhov… Tuy nhiên, việc dịch thuật, giới thiệu, biên khảo này chưa cho ta một khái niệm về một nền văn học Nga có hệ thống và toàn diện: đó là một bộ môn vắng bóng thi ca và các hình thức sân khấu. Trong lĩnh vực biên khảo chưa có chuyên gia văn học Nga thực thụ nào. Việc giới thiệu tác phẩm do các nhà dịch thuật đảm nhiệm và cũng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu mà thôi. Việc nghiên cứu nó một cách nghiêm túc và hệ thống là chưa có. Nguyễn Hiến Lê có nhiều bài viết khá tỉ mỉ, công phu về L. Tolstoi, nhưng, với văn học Nga, ông trước hết vẫn là nhà dịch thuật. Võ Phiến dưới bút hiệu Tràng Thiên có hàng loạt bài về L. Tolstoi, M. Sholokhov, I. Ehrenbourg, A. Solzhenitsyn…, có cả một cuốn tiểu luận về văn học Nga hiện đại, nhưng xét về tính chất những bài viết đó, cũng chỉ nên xem ông là người giới thiệu nhà văn Nga thông qua tin tức báo chí nước ngoài. Trường hợp Nguyễn Hữu Hiệu cũng rất đáng bàn: ông tỏ ra yêu thích và chuyên sâu về Dostoievski. Ngoài việc dịch thuật tác phẩm của Dostoievski, ông còn có hàng loạt công trình khá công phu bàn về tác giả, tác phẩm. Thế nhưng vẫn chưa có ai gọi nhà biên khảo trẻ tuổi này là chuyên gia văn học Nga.
Các tác phẩm văn học Nga được phát hành rộng rãi trên thị trường sách báo, nhưng trong chương trình đại học chưa có sự hiện diện chính thức của dòng văn học này. Nền giáo dục đại học miền Nam mang tính chất tự trị, các giáo sư có thể tự quyết việc lựa chọn tác giả, tác phẩm cho chương trình giảng dạy của mình. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều người thuộc nền giáo dục đại học thời trước 1975, chúng tôi chưa ghi nhận được sự hiện hiện rõ rệt của dòng văn học Nga.
Tiền đề tiếp nhận
Xã hội miền Nam có những tiền đề chính trị – xã hội sau, tạo điều kiện cho việc du nhập văn học Nga
(1). Đầu thế kỉ XX văn học Việt Nam có một cuộc tiếp xúc mới với bên ngoài – văn học phương Tây. Một lớp trí thức “tây học” được hình thành, phát triển với những thành quả tốt đẹp. Sau 1954, văn học đô thị miền Nam tiếp nối cuộc tiếp xúc trên, tăng cường hiện đại hoá văn học theo khuynh hướng phương Tây tư sản. Hình thành một tầng lớp độc giả, trí thức văn nghệ hết sức ái mộ phương Tây, quý trọng tinh hoa văn học thế giới. Nếu như miền Bắc gia tăng tiếp xúc với văn hoá Nga – Xô-viết, văn hoá các nước xã hội chủ nghĩa, thì miền Nam đẩy mạnh hơn cuộc giao lưu văn hoá với các nước tư bản chủ nghĩa, như Pháp, Mỹ, Anh…
Trong mối quan hệ mật thiết của mình với văn hoá phương Tây, xã hội miền Nam nhìn văn học Nga như một bộ phận cấu thành của văn hoá châu Âu. Nhiều nhà văn Nga được nhìn trong tinh thần của các khuynh hướng triết học hiện đại châu Âu.
(2). Độc giả cảm nhận ở văn học Nga một sức mạnh nghệ thuật của nền văn học đích thực, những vấn đề lớn mang tính nhân loại, trong đó có những giải đáp cho những vấn nạn của xã hội miền Nam lúc đó: chiến tranh và hoà bình, cách mạng và bạo lực, thượng đế và con người, tình thương và lòng hận thù…
(3). Do đặc điểm của chế độ chính trị đối lập, không ít người lưu tâm đến bộ phận văn học Xô-viết như đến một vùng đất xa lạ, có xu hướng đi tìm cái mà họ gọi là “bí mật bên trong bức màn sắt”.
Những tiền đề tiếp nhận này có vai trò quyết định cho các xu hướng tiếp nhận dưới đây.
Xu hướng tiếp nhận
Với tính chất không thuần nhất, văn học đô thị miền Nam có những xu hướng khá đa dạng trong nhận định về văn học Nga. Sau đây là một vài xu hướng chính:
(1). Xu hướng tiếp nhận thiên về khía cạnh chính trị
Điểm qua nhiều bài báo, bài giới thiệu sách, ta dễ nhận thấy rằng các quan điểm về văn học Nga nhiều khi được nhìn bằng lăng kính Phương Tây. Các thông tin văn hoá – xã hội dùng phục vụ cho bài viết thường được dẫn từ nguồn tư liệu dồi dào của các tạp chí L’Express, Les Lettres Nouvelles, Le Monde,… các báo Paris Match, Le Figaro Littéraire,… Thành kiến bài Xô-viết và chống cộng khá rõ rệt, thể hiện trong cách đọc cả văn học cổ điển lẫn văn học hiện đại. Tiểu thuyết Lũ người quỷ ám được giới thiệu như một thứ “di chúc chính trị” của Dostoievski. Raskolnikov bị coi là “kẻ hư vô chủ nghĩa”, “một nhà cách mạng, một bậc tiền bối của chủ nghĩa Bolsevich”[1]. Trịnh Chuyết chuyển thẳng Raskolnikov vào địa chỉ của phe XHCN, coi nhân vật như một kẻ “hấp thụ tư tưởng XHCN của Karl Marx”[2].
Khuynh hướng tiếp nhận này thấy rõ nhất là trong việc khai thác có phần thái quá những hiện tượng khác lạ trong đời sống văn học Xô-viết như vụ Novy Mir, Moscou Littéraire, các trường hợp Solzhenitsyn, Tendriakov, Dudintsev… Khi quan tâm đặc biệt đến một số biểu hiện bất mãn trong xã hội Xô-viết, nhiều khi người ta tỏ ra thờ ơ trước những thành tựu đạt được của văn chương, cho rằng đó chỉ là một thứ văn nghệ chính trị, phục vụ chính trị, “không có thành tựu nào nổi bật”, vì “văn nghệ phẩm dưới chế độ ấy là món tuyên truyền”[3] và các văn nghệ sĩ của chế độ ấy là “những tay bồi bút, trong buổi đầu tuân lệnh các nhà độc tài để được yên thân, về sau tìm đón ý muốn của người có quyền thế để tán dương”[4]. Huê Châu, Nguyễn Nam Châu và nhất là Tràng Thiên (một bút hiệu của Võ Phiến) không giấu nổi sự thiếu khách quan khi viết về các tác gia này. Đúng là tự thân nhiều vấn đề các nhà văn đó đề cập có dấu hiệu phản kháng, nhưng điều cần thấy là nên khai thác nội dung gì và mức độ nào ở tác phẩm nghệ thuật.
(2). Xu hướng tiếp nhận thiên về khía cạnh nghệ thuật
Không ít người tìm thấy trong nền văn học Nga những rung cảm nghệ thuật. Cái hay cái đẹp của văn chương đích thực vượt qua mọi thiên kiến và dụng ý, làm xao xuyến con tim, lay động tâm hồn con người. Những trường hợp như thế thường quan sát thấy nhiều hơn trong sự tiếp xúc của độc giả đối với L. Tolstoi, Dostoievski, Chekhov, Paustovski và cả M. Gorki nữa. Nhất Linh từ lâu đã khẳng định: “Những cuốn như Chiến tranh và Hoà bình, An-na Kha-lệ-ninh, Tình vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoi, Những linh hồn chết của Gogol, Mấy anh em nhà Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievski […] và độ hơn trăm cuốn sách khác, mỗi cuốn mỗi vẻ, nhưng đều được là những cuốn sách hay của nhân loại, đời đời công nhận”[5]. Các nhà xuất bản tư nhân luôn để ý đáp ứng nhu cầu thị hiếu, cạnh tranh độc giả, cho nên, muốn hay không muốn, đã cung cấp, ở những mức độ khác nhau, những giá trị thẩm mỹ của văn chương đích thực. Trần Thiện Đạo không thể không khách quan khi công nhận “một số thành tựu đáng kể” của văn chương Xô-viết “không phải nhờ ý hướng chống đối của tác giả […] mà chính là nhờ ở khía cạnh nghệ thuật đích thực của tác phẩm”[6] (P.T.P. nhấn mạnh). Lê Hữu Khải trong bài Kịch nghệ Nga Sôđánh giá rất cao nghệ thuật của Maiakovski[7]. Nguyễn Hiến Lê (Bách khoa, số 69/1959) cho biết ông say mê tác phẩm Người đánhbạc (Le Joueur)của Dostoievski, vì “phân tích tâm lí tỉ mỉ quá mà tài tình quá”. Trần Thiện Đạo đề nghị một cái nhìn khách quan hơn trong cách đánh giá văn chương Xô-viết, cần cẩn trọng trong khi tiếp xúc với tài liệu, gạt bỏ cái nhìn định kiến, không nên cố tình lợi dụng các hiện tượng văn học phục vụ “những động cơ không có liên quan mật thiết với các vấn đề thuần túy văn chương và nghệ thuật”. Theo ông, có nhìn nhận như vậy mới thấy được việc Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển trao giải Nobel năm 1965 cho Sholokhov là “một hành động chánh đáng và công bình”[8].
Trong cuộc phỏng vấn văn nghệ hàng kì về truyện ngắn của Bách khoa (từ 15/11/1958 đến 15/11/1959) chúng tôi ghi nhận được không ít ý kiến khen ngợi nghệ thuật các đoản thiên của M. Gorki, A. Chekhov, L. Tolstoi, F. Dostoievski, K. Paustovski… Giới thiệu M. Gorki với độc giả, bất chấp việc lưu ý khía cạnh ông là chủ soái của phương pháp hiện thực XHCN, không ít người còn có xu hướng đi khai thác những giá trị nhân văn ở nhà văn. Họ thấy ở ông một niềm tin mãnh liệt vào con người. Họ nhận ra trong thế giới nhân vật của ông, con người dù có thấp kém, sa đọa đến đâu thì nơi sâu thẳm của tâm hồn vẫn le lói phần “dư thừa nhân tính”, và nhà văn vẫn quả quyết nhìn thấy “một góc nhỏ trời xanh”[9]. Thế Phong (Bách khoa, số 62, 1959) tỏ ra tâm đắc với Một ngày thu, LãoArkhiv và bé Lionka, Trong đồng hoang của Gorki, vì các đoản thiên này có sức lay động con tim, thể hiện đầy xúc cảm về “những hình tượng cặn bã của thân phận con người dưới thời phong kiến Nga hoàng”. Thế Phong tin vào trực cảm của người đọc hơn là định kiến chính trị, ông viết: “Tôi không tin rằng M. Gorki là cộng sản chuyên nghiệp như đa số bạn bè có mặc cảm cho rằng hễ đứng về phe nào (cứ theo chiến thuật, chiến lược) vội kết luận nguyên tắc. Tôi cho rằng M. Gorki của thế kỉ giao thời đang đi tìm lẽ sống của thân thể con người bị thống trị”. Giới thiệu tác phẩm Trong tù, Nxb Trình Bầy cho biết “nhân dân Nga đã nhìn thấy ở Gorki một thiên tài được đặt ngay kế Tolstoi”[10]. Còn Vũ Minh Thiều nhận định rằng chính sự từng trải, lăn lộn với những người lang thang cùng khổ đã đem lại sự xúc động cho người đọc, bởi “sự thông cảm sâu xa với đồng bào ông mà hiếm có một nhà văn nào của thời đại ông có được”[11].
Việc tiếp nhận bài thơ Đợi anh về (Жди меня) của nhà thơ Xô-viết K. Simonov là một trường hợp khá đặc biệt. Cả tác giả lẫn dịch giả của bài thơ đều là những đại diện nổi tiếng của nền văn nghệ Xã hội chủ nghĩa. Công chúng miền Nam dường như ít để ý đến tác giả và nguyên tác, mà biết Đợi anh về như một thi phẩm dịch của Tố Hữu (qua bản trung gian tiếng Pháp) và như một nhạc phẩm của Văn Chung. Tố Hữu và Văn Chung “tái tạo linh hồn” cho tác phẩm của Simonov từ hồi kháng chiến chống Pháp và nó được chép trong sổ tay các anh lính cụ Hồ, vang lên trên mỗi chặng đường hành quân trong cả hai cuộc kháng chiến. Ở miền Nam những năm 60 – 70 công chúng cũng rất yêu thích thi phẩm-nhạc phẩm này, thường được thưởng thức nó qua giọng ngâm của Hoài Trung và giọng hát của Khánh Ly trên đài Phát thanh Sài Gòn. Giai điệu vừa tha thiết, hào hùng vừa bi tráng của lời thơ và bản nhạc đã thu hút công chúng của một thời “Dấu binh lửa”[12] đang mong ngóng ngày trở về và người trở về.
(3). Xu hướng tiếp nhận thiên về khía cạnh triết học
Một xu hướng nữa tìm đến văn học Nga là xuất phát từ những vấn đề mà xã hội và thời đại đang đặt ra. Xã hội miền Nam những năm 1954 – 1975 là một xã hội tao loạn, nhiều khúc mắc, trong đó nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn. Nhận thức được tình trạng này, không ít độc giả đã day dứt suy nghĩ khi tiếp cận với những vấn đề triết lý và nhân sinh mà các tác phẩm nghiêm túc đặt ra. Văn học Nga không phải là món giải trí nhẹ nhàng. Nó là loại văn chương đầy trăn trở suy tư, như nhà văn Nhật Odzaki Koio từng gọi là “món bí tết rỉ máu” khi ngụ ý tính chất nghiền ngẫm dữ dội về cuộc đời mà tác phẩm đặt ra. Tính chất này bắt nguồn từ đặc điểm truyền thống: văn học Nga luôn gắn bó hữu cơ với đạo đức Nga, nên nó chính là hiện thân của lương tâm Nga, là sự nhận thức sâu xa về bản chất và giá trị con người. Những giá trị nhân bản của những hiện tượng văn học như thế luôn tìm được đường đến với những nền văn hoá khác của nhân loại, chinh phục trái tim chúng ta. Nguyễn Hiến Lê tìm thấy trong tiểu thuyết của Dostoievski “nhiều vấn đề hoang mang về chính trị, xã hội, tôn giáo”, bắt gặp ở đó “những tình cảm mãnh liệt phi thường, những tâm hồn thành thật một cách đáng sợ, những khúc mắc u uẩn của một nội tâm không ai tả nổi”[13]. Nhất Linh bị Dostoievski thu hút bởi những gì nằm phía sau con chữ viết, “về những cái sâu xa nhất của cuộc đời khiến mình thấy hơi sờ sợ tưởng tác giả như một đấng tạo hoá đã mở cửa cho mình thấy những cái gì mình không bao giờ tự thấu hiểu được”[14].
Trình Bầy là một nhà xuất bản có đường lối thiên hẳn về chính trị xã hội, giới thiệu văn học nước ngoài không như mục đích tự thân, mà như một phương tiện thể hiện quan điểm chính trị xã hội của mình, đã nhận định như sau về tác giả cuốn Trong tù: “Gorki đã phản ánh tất cả mọi khía cạnh sâu sắc nhất của đời sống Nga, đã diễn tả những luồng sóng vĩ đại lay chuyển từ cội rễ chế độ kìm kẹp nhân dân của Sa-hoàng. […] Đời sống của ông gắn liền với số phận khốn khổ của nhân dân nước ông và tác phẩm của ông là cách mạng”[15].
Bên cạnh nhiều phát ngôn cho rằng Bác sĩ Zhivagolà một tác phẩm viết ra là nhằm chống đối chính quyền Xô-viết, có những ý kiến khác lại đề nghị không nên nhìn vấn đề đơn thuần như thế. Họ coi tác phẩm như một hình thức triết lý hết sức cổ điển của văn học Nga – triết lý về con người và cuộc sống: “Ý nghĩa của câu chuyện ngụ ý tràn qua nội dung của nó rất xa, cũng như khung cảnh của câu chuyện đi xa hơn giới hạn của một giai đoạn lịch sử tiền bán thế kỉ XX và bao trùm cả lịch sử châu Âu; nội dung câu chuyện tuy là một thứ tiểu sử của chính Pasternak dưới hình thức tượng trưng nhưng còn là kinh nghiệm sống của thử thách những giá trị chân xác của đời sống trên bình diện siêu hình, triết lý xã hội. Thái độ của mỗi nhân vật tuy là thái độ trước cuộc đời, nhưng còn uốn nắn vào những ý nghĩa tượng trưng, không thuận tiện cho sự phân tách hay sắp xếp tâm lý học theo kiểu hiện thực”[16]. Cùng thời đó ở miền Bắc, ít ai công khai nhận định như thế về tác phẩm được giải Nobel này của Pasternak. Trong Lời bạt cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich, các dịch giả Thạch Chương, Trần Lương Ngọc, bên cạnh việc đưa ra những thông tin cho thấy thái độ phản kháng chế độ Xô-viết của Solzhetnitsyn, với sự đồng tình quan điểm, đã trích đăng lời phát biểu của nhà văn: “Nhiệm vụ của nhà văn nói chung không phải là bênh vực hay chỉ trích một phương pháp phân phối sản phẩm xã hội này hay một phương pháp khác, cũng không phải là bênh vực hay chỉ trích một hình thức tổ chức chính trị này hay một hình thức khác. Nhiệm vụ của nhà văn là lựa chọn những đề tài phổ quát và trường cửu hơn: những uẩn khúc của lòng người, những bí ẩn của con tim, những xung đột giữa sự sống và sự chết, những biện pháp chế ngự nỗi thống khổ của tâm hồn, những định luật chi phối lịch sử nhân loại”[17].
Cũng trong một tinh thần như thế, giới phê bình miền Nam đánh giá cao L. Tolstoi và Dostoievski ở phương diện nhà tư tưởng và tác phẩm của họ được nhìn dưới góc độ tôn giáo. Người ta tìm thấy trong đó những điểm tương đồng hoặc những cái có thể ứng dụng vào xã hội miền Nam. Trong tác phẩm của các nhà văn Lev Tolstoi, Dostoievski người ta cũng nhận ra bao hàm ẩn về tư tưởng bất bạo động của Phật giáo, một tư tưởng mang tính biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội và cá nhân đang đặt ra trong một xã hội có xung đột bạo lực.
Cũng xin được lưu ý, ba xu hướng này không phải lúc nào cũng tách bạch một cách rành rọt trong cách đánh giá cụ thể từng trường hợp tác phẩm và nhà văn. Và tất nhiên, cũng không nên đồng nhất cách tiếp cận một trường hợp nào đó vào một xu hướng duy nhất.
Như vậy, nhận định chung về văn học Nga, người đọc thành thị miền Nam đi đến thống nhất đây là một nền văn học có giá trị, ảnh hưởng đến nhiều đến các khu vực văn hoá khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên khi xem xét từng vấn đề, cách tiếp cận nền văn học này có thể bị phân hoá thành nhiều khuynh hướng khác nhau.
3. Cách thức tiếp nhận một số nhà văn Nga
3.1. Trường hợp Lev Tolstoi và F. Dostoievski
L. Tolstoi và F. Dostoievski có một vị trí quan trọng giữa các nhà văn cổ điển ngoại quốc được giới thiệu vào miền Nam. Trong các bài phê bình, nghiên cứu, họ thường xuyên được nhắc tới nhất. Cùng với A. Solzhenitsyn, hai tác giả Nga này có số danh tác nhiều nhất được chuyển Việt ngữ. Việc chọn dịch danh tác của họ nằm trong tiêu chí chọn những tác giả đang “ăn khách” nhất trong trào dịch thuật. Nhận xét về thực trạng sách dịch năm 1973, Châu Hải Kỳ viết: “Các nhà xuất bản không ngại ngần bỏ vốn nhằm khai thác tính hiếu kì của độc giả đang có cái phong trào đọc sách dịch đến nỗi một tác phẩm ngoại quốc mà được đến hai, ba người dịch và được hai, ba nhà xuất bản cùng bắt tay in để tung ra thị trường chỉ cách nhau vài hôm, ví dụ với tiểu thuyết của Dostoievski”[18]. Tiêu chí trên, trong trường hợp này, lại phù hợp với một tiêu chí quan trọng khác: giới thiệu những đại gia văn chương bậc nhất thế giới. Khi bàn về thế nào là một tác phẩm văn chương hay, Nhất Linh dẫn viện các tác phẩm của Tolstoi, Dostoievski, Gogol, Chekhov; để so sánh, ông cho rằng “Những người khốn khổ (V. Hugo), Vô gia đình (Hector Malot), Ba người ngự lâm pháo thủ (A. Dumas)… cốt truyện có li kì thật, nhưng tâm lí nhân vật hời hợt nên chỉ là những cuốn gọi là khá hoặc xem được, không thể liệt vào hạng sách của Shakespeare, Tolstoi, Dostoievski”[19].
Ngay từ năm 1960, khi đề nghị một kế hoạch cấp tốc dịch sách ngoại quốc[20], Nguyễn Hiến Lê đã đưa L. Tolstoi vào danh mục đầu tiên, trong đó nhất thiết phải dịch bộ ba kiệt tác Chiến tranh và Hoà bình, Anna Karenina, Phục sinh. Đến giữa thập niên 60 các phê bình gia, các dịch giả tiếp tục sốt ruột vì “đi sau Trung Hoa trên một phần tư thế kỉ, chậm hơn miền Bắc (VN) cả một thập niên trong việc đưa kiệt tác Chiến tranh và Hoà bình đến với độc giả miền Nam”[21]. Là một thư kí toà soạn năng nổ và nhiệt tâm, Trần Phong Giao luôn theo dõi và tỏ ra quán xuyến diễn tiến của phát hành sách Tolstoi, cho rằng cho đến khi nào dịch và in xong 5 kiệt tác của Tolstoi (Bản sonat Kreutzer, Cái chết của Ivan Ilich, Chiến tranh và Hoà bình, Anna Karenina, Phục sinh) thì giới làm sách mới có thể yên tâm “coi như đã giới thiệu được phần quan trọng, đủ để tiêu biểu cho văn nghiệp của L. Tolstoi vậy”[22].
Lev Tolstoi được đánh giá như một nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học cổ điển thế giới. Phong cách cổ điển rất mực trong sáng, hài hoà của ông gây được mối cảm tình đối với những độc giả trí thức vốn được đào luyện trong tinh thần Nho giáo mực thước và cao nhã, hấp thụ truyền thống văn học cổ điển nước nhà, văn học lãng mạn Pháp. Nhất Linh nhận xét: “Lối văn của Tolstoi lúc nào cũng trong sáng giản dị như lời nói thường mà vẫn sâu sắc vô cùng”[23]. Nguyễn Hiến Lê viết: “Các nhà tiểu thuyết gia thời này không có thời giờ tả thiên nhiên, có nhà lại không có cả thời giờ tả tâm trạng con người nữa mà chỉ tả những đồ vật như cái ghế, cái bàn, chiếc giày, điếu thuốc…, cho nên gặp một vị như Tolstoi ung dung dắt tôi đi chơi trăng với những thiếu nữ kiều diễm như Natacha, Sonia; hoặc nhởn nha đưa tôi vô rừng ngắm những gốc dương, gốc phong rụng lá hoặc đâm chồi, lên ngọn đồi nhìn mặt trời ló khỏi lớp sương mù bao phủ cả một cánh đồng mênh mông thì tôi thấy mang ơn vô cùng”[24]. Đọc và dịch Tolstoi, Nguyễn Hiến Lê tự thấy mình trưởng thành hơn trong phép “đắc nhân tâm”, làm ông thay đổi tính nết, trở nên “khoan hoà, khoáng đạt hơn”, cho ông tấm gương mẫu mực để “rèn cách viết”. Dịch giả họ Nguyễn hết sức tâm đắc với lối kết trong Chiến tranh và Hoà bình, cho rằng nó hay nhất trong 4 lối kết của tiểu thuyết. Đưa ra các tiêu chí để xét một cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay, Nhất Linh nhiều lần nhắc đến các kiệt tác của Tolstoi. Ông viết: “An-naKha-lệ-ninh không những chỉ là cuốn tiểu thuyết của thế kỉ (nghĩa là trong một thế kỉ cuốn ấy trội lên trên hết) và tấn bi kịch muôn đời tả tình yêu tội lỗi; tác phẩm của Tolstoi đứng lên trên hết và hoàn hảo nhất trong loại văn ấy […]. Cuốn An-na Kha-lệ-ninh không phải là nghệ thuật nữa, không phải là sự diễn tả đời sống nữa, nó chính là đời sống, đời sống rung động và hồi hộp, mà không những chỉ là đời sống bên ngoài mà còn là đời sống bên trong, đời sống bí ẩn của tâm hồn. Không một ai – ngay cả đến Shakespeare – đã dò xét lòng người thấu tới mực sâu như thế”[25]. Doãn Quốc Sỹ viết: “Đọc Chiến tranh vàHoà bình của L. Tolstoi, lẩn đằng sau những tình tiết cuộc chiến tranh giữa quân Napoleon với quân đội Nga hoàng, chúng ta còn thấy nổi bật đường nét tượng trưng của dòng đời muôn thuở: tuổi thanh niên với tình yêu bồng bột, với những vấp ngã, thất bại, thất vọng mà tuổi trẻ đương nhiên phải kinh qua khi chạm trán với đời; nếu như trái cây chín dần với nắng mưa, con người cũng chín chắn dần với kinh nghiệm, để rồi khi tuổi “tứ thập nhi lập” hay “ngũ thập tri thiên mạng” thì cảm thấy lòng thanh thản, rộng mở, chừng mực, hiền hoà, vui và yêu với những cái gì mình có”[26]. Trần Phong Giao thổ lộ rằng ông đến với Tolstoi từ thủa thiếu thời, đến khi học đại học đã từng mơ ước “được làm đề án về Tolstoi”[27] và suốt đời lòng vẫn đeo đuổi nhà văn Nga ấy.
Thành phần độc giả của Dostoievski so với của Tolstoi rõ ràng thu hẹp hơn. Điều này không lạ: xưa nay, trên khắp thế giới, hành trình tuyển mộ độc giả của Dostoievski bao giờ cũng gian nan hơn Tolstoi và nhiều nhà văn Nga khác. André Gide từng xác định độc giả của Dostoievski thường là “những người ưu tú khá chuyên biệt”[28]. Khác với Tolstoi, nghệ thuật Dostoievski không dễ thu phục được tất cả mọi người. Từ điển danh nhân của Trịnh Chuyết nhận định: “Tiểu thuyết của tiên sinh viết rườm rà, khó hiểu, nhiều chi tiết quá, có những đoạn quá đen tối, quá thê thảm”
Ngoài Nhất Linh, Vũ Bằng, Võ Phiến và một số trí thức cùng thế hệ này, sự ngưỡng mộ văn phong Dostoievski thường quan sát thấy nhiều hơn ở lớp trẻ. Tô Thùy Yên, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Hữu Hiệu,.. tỏ ra thán phục lối viết của Dostoievski. Tô Thuỳ Yên gọi Người chồng muôn thủa là “cuốn tiểu thuyết toàn bích về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật”.[32] Có một số ý kiến còn cho rằng vài cây bút nổi tiếng Sài Gòn “bắt chước” Dostoievski. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra thán phục tài năng của Chu Tử, gọi tác giả của một loạt tiểu thuyết thời thượng Yêu, Ghen, Sống, Loạn, Tiền là “tổng hợp tinh hoa của ba thiên tài Dostoievski, Pasternak và Steinbeck”, là “Dostoievski của Sài Gòn”. Nguyễn Quốc Trụ nhận định rằng một số nhân vật của Vũ Khắc Khoan (trong Thần Tháp Rùa) và Thanh Tâm Tuyền (trong Ung thư) chịu ảnh hưởng tâm trạng Người dưới hầm của Dostoievski[33]. Tìm hiểu xem các trường hợp nêu trên có thật sự chịu ảnh hưởng của Dostoievski hay không chưa phải là vấn đề bàn đến trong bài viết này của chúng tôi. Theo thiển nghĩ, tuy tác phẩm của Dostoievski cũng như bài viết về ông khá là nhiều và có thể phổ biến trong giới sáng tác, nhưng từ sự du nhập, phổ biến đến “tiêu hoá”, thẩm thấu được là cả một quá trình không đơn giản và chóng vánh. Và nữa, giữa muôn vàn khuôn mặt của các nhà văn hiện đại thế giới vào Việt Nam lúc đó, Dostoievski không còn là một hiện tượng duy nhất, hiện tượng “độc sáng” (từ dùng của Vũ Bằng) nữa, ông bị khúc xạ, bị lẫn mất trong các nhà văn ngoại quốc khác chịu ảnh hưởng ông, trong các triết thuyết như Phân tâm học, Siêu thực, Hiện sinh… mà người ta gán cho ông.
Cái hấp dẫn ở Dostoievski đối với độc giả trí thức miền Nam là tính cổ điển kết hợp với tinh thần hiện đại, trong đó tính hiện đại được đánh giá cao hơn hẳn. “Ông sống và viết về những vấn đề lớn của thời đại chúng ta. Thế giới của ông là thế giới hỗn mang, đầy mầm mống cách mạng và chờ đón cứu chuộc”[34]. Và “bằng trực giác tiên tri của nhà nghệ sĩ, Dostoievski đã mô tả tất cả mâu thuẫn tư tưởng của Tây phương từ 1871, mà đến nay chúng ta mới sống trọn vẹn: xung đột giữa chủ nghĩa tự do và xã hội, giữa giáo hội và vô thần, giữa tinh thần quốc gia và giấc mơ thế giới đại đồng, giữa bạo động cách mạng và sự tôn trọng phẩm giá con người”[35].
Trong con mắt của nhiều người, Dostoievski chính là người khơi dòng cho Tiểu thuyết mới. Vũ Đình Lưu nhận định: “Tiểu thuyết Mới […] là sự phôi thai của những quan niệm kỹ thuật báo hiệu từ Dostoievski đến Kafka, Malraux”[36]. Vào những năm 60 – 70 dư âm và ảnh hưởng của văn học cổ điển vẫn thấm đượm trong nhiều độc giả; bên cạnh đó có sự chuyển hướng của một thế hệ mới đến với tinh thần hiện đại. Dòng Tiểu thuyết mới ảnh hưởng đến cách viết của một loạt các nhà văn như Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Thế Uyên, Duy Lam, Thảo Trường… Theo Tràng Thiên, những nhà văn này đã rời bỏ hoàn toàn phong cách cổ điển, họ thuộc về một thế hệ mới, phong cách mới. Với họ, một câu chuyện càng mạch lạc, lớp lang trong bố cục bao nhiêu, trong đó tâm lý nhân vật càng được phân tích hợp lý, rành rẽ bao nhiêu, người ta càng thấy có vẻ giả tạo, xa rời thực tế, lắp ghép vụng về bấy nhiêu. Không thể nói tất cả các nhà văn được kể tên trên chịu ảnh hưởng trực tiếp nghệ thuật của Dostoievski, nhưng ông xuất hiện trong trường nhìn của họ như tác giả của một loạt tiểu thuyết theo lối mới, cha đẻ của nhiều nhân vật có tính cách và tâm lý không còn đóng trong khuôn mẫu cổ điển.
Có một lớp độc giả trí thức dần dần tìm thấy sự tương hợp trong cảm xúc với không khí đầy kịch tính của Dostoievski hơn là phong cách cổ điển rất mực trau chuốt, trong sáng của các nhà văn viết về dân trại ấp. Cuộc sống mà Dostoievski miêu tả là cuộc sống đô thị, thiếu vắng thiên nhiên, luôn mang một vẻ gì đó kỳ quặc, ngẫu nhiên, bất ngờ, khiến con người cảm thấy yếu ớt và bất lực, không đủ khả năng và thời gian sắp xếp cho cuộc đời. Cái cuộc sống ấy đã phản chiếu bóng dáng của mình lên chính cái tinh thần đô thị miền Nam – một cuộc sống bất trắc, căng thẳng, đẩy con người tới cảm giác cô đơn và cảnh giác.
Những người giới thiệu Tolstoi và Dostoievski tìm thấy giữa hai vị nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng là những điểm gây cho người đọc miền Nam lòng ngưỡng mộ và đồng cảm. Trước hết, về nhân cách, cả hai vị đều đáng bậc Á Thánh vì họ đều bất hạnh, trăn trở suốt đời, vác trên mình cây thập giá đau khổ để xiển dương cho tình yêu thương đồng loại. Những trang viết và bản thân cuộc đời của họ là dành để phụng sự cho nhân quần, nhân sinh: “Cũng như Dostoievski, L. Tolstoi viết tiểu thuyết không phải chỉ phụng sự nghệ thuật, nghệ thuật, theo quan niệm của hai ông, phải dùng vào việc phụng sự nhân quần xã hội, nghĩa là nói một cách khác, nghệ thuật không vị nghệ thuật, mà nghệ thuật phải vị nhân sinh”[37].
Bài Dostoievski – một kẻ suốt đời chịu đau khổ để viết xuất hiện vào năm 1960, khi đô thị miền Nam chưa tràn ngập sách Dostoievski, đã đưa ra một định hướng tiếp nhận nhà nghệ sĩ Nga. Tên bài viết dễ làm người đọc liên tưởng đến nhan đề thiên tiểu luận của E. M. Vogue Dostoievski hay là tôn giáo của sự đau khổ. Thể hiện tinh thần của nhan đề ấy, Nguyễn Hiến Lê đã trình diện trước độc giả hình ảnh một nghệ sĩ đích thực, suốt đời tự nguyện vác cây thập tự cho mọi người, cho nỗi đau của nhân loại. Đồng thời, với bài này, ông lên tiếng cải chính những lầm lẫn của Vogue trong cách phán xét về tư cách con người Dostoievski, thậm chí ông còn bênh vực cả “tật cờ bạc” của Dostoievski, cho rằng người nghệ sĩ thường “có tài là có tật”, và, ta cũng “không nên, không thể so sánh họ với các vị thánh được”. Ông xót xa và thông cảm cho con người bất hạnh ấy ngoài thú tiêu khiển cờ bạc “chỉ còn biết vui cùng trang giấy trắng, mà cái vui này cũng chua xót như cái vui kia”[38].
Tràng Thiên cũng soi một cái nhìn vào con người đời thường L. Tolstoi trong bài viết Một đề tài của Tolstoi: cái chết. Nỗi giày vò về cái sống – cái chết, cái danh vọng – cái hư vinh trong cõi nhân sinh làm cho nhà văn suốt đời luôn sống trong “cảm tưởng bất an”. Và “bậc chí thánh có một lòng thương người vô biên” ấy là con người cô đơn trong vinh quang, không tìm thấy trong gia đình và cộng đồng sự sẻ chia, và càng bất hạnh hơn nữa là mặc cảm bất lực vì không san sẻ, che chở nổi cho người dân: “Chí ông rất lớn, ông muốn ôm tất cả bần dân khắp thiên hạ trong hai cánh tay già lóng cóng, muốn như Chúa Giêsu, đi lang thang khắp nơi nầy nơi khác, an ủi kẻ bị bóc lột, hiếp đáp; nhưng trăm phần ông không làm được một”[39].
L. Tolstoi và F. Dostoievski còn được đánh giá cao như các nhà tư tưởng. Liệt kê những nhà văn trên thế giới “thâm thuý nhất viết về triết lí mà không đã động đến triết lí”, Nhất Linh kê tên Dostoievski và L. Tolstoi đầu tiên[40]. Sáng tác của Dostoievski được coi là tiền thân của hàng loạt triết thuyết và trường phái văn học hiện đại thế giới. Vị trí ấy trước hết là thuộc về tác phẩm Hồi kí viết dưới hầm – “là một văn phẩm Hiện sinh thứ nhất trong suốt lịch sử văn chương châu Âu, ghi đầy đủ dấu hiệu cơn giông tố lớn sắp tới trong tư tưởng triết học cận và hiện đại Tây phương: ám ảnh về cuộc sống nội tâm, những lo âu, những quyết định, những lựa chọn của con người vắng Thượng đế, tách rời và không lệ thuộc vào đám đông, không lí tưởng, không quy luật nào định nghĩa cho đầy đủ ráo” [41].
Đối với độc giả trí thức Sài Gòn, sáng tác của hai nhà văn không chỉ là kiệt tác văn chương, mà, hơn thế nữa, họ thấy bên trong chúng còn chứa những lời giải đáp cho các vấn nạn xã hội đương thời. Những quan niệm về “tự do và bạo lực”, “cá nhân và xã hội”, vấn đề “hoà đồng” của Dostoievski tìm thấy mảnh đất miền Nam để thử gieo hạt, vì chính nơi đây đang đặt ra và muốn tìm giải pháp cho các vấn đề đó. Bài viết dài 158 trang của Nguyễn Hữu Hiệu về Dostoievski đã đem tất cả những khái niệm trên ra bàn một cách nhiệt tình, sôi nổi, nổi bật là vấn đề Thượng đế: sự khước từ Ngài sẽ dẫn đến nổi loạn và huỷ diệt, sự công nhận Ngài sẽ dẫn đến một thế giới đại đồng[42].
A. Gide từng nhận định về Dostoievski như sau: “Bảo thủ nhưng không thủ cựu, bảo hoàng nhưng dân chủ, có ý hướng Ki-tô-giáo nhưng không phải Thiên Chúa La Mã, phóng khoáng nhưng không tiến bộ, Dostoievski vẫn là con người mà người ta không biết trưng dụng cách nào cho ổn. Ta bắt gặp ở ông đủ thứ làm mếch lòng mỗi phe phái”[43]. Ở miền Nam trước kia Dostoievski được văn nghệ các tôn giáo khác nhau “trưng dụng” theo cách riêng của mình. Văn nghệ Thiên Chúa giáo nhìn thấy ở Dostoievski niềm khao khát tin tưởng vào Đấng Cứu Thế, những chủ đề lớn lao về tự do, phản kháng, viễn quan khải huyền về cơn đại biến động, về tình thương và lòng tha thứ… Văn học Phật giáo nhìn thấy nơi Dostoievski người đồng minh trong việc chối bỏ phương Tây văn minh lý trí để trở về với mái nhà phương Đông tình cảm, trở về với “căn nguyên tính”, “dân tộc tính”…
Không ít người tìm thấy trong L. Tolstoi hình ảnh của một người hướng đạo tinh thần vĩ đại, tán đồng tư tưởng bác bỏ bạo lực với tư cách là biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội và cá nhân, họ tôn ông lên bậc “Á Thánh” cũng vì cả lẽ đó. Trần Phong Giao viết: “Đối với người Á Đông chúng ta, ảnh hưởng của ông, về văn chương cũng như về tinh thần bác ái, về chủ thuyết bất bạo động, đã lan rộng từ lâu”
Người ta tìm thấy cái đặc biệt trong tinh thần Ki-tô-giáo của Dostoievski: đó là Chính-thống-giáo, nhưng chỉ xuất phát từ Phúc Âm – một loại Ki-tô-giáo gần với Á Đông hơn với La Mã, có nhiều nét tương đồng với đạo Phật. Nguyễn Hữu Hiệu đồng ý với André Gide khi cho rằng tư tưởng của Dostoievski là “sự tiếp xúc với Phúc Âm và Phật giáo”, ông viết: “Theo André Gide, Dostoievski với những mâu thuẫn tinh thần, phủ nhận lý trí, bạo lực, sẽ dẫn tới một đạo Phật nào đó. Người thanh niên Việt Nam, ngược lại, đi từ đạo Phật để tới một Dostoievski nào đó, với chủ trương phù hợp – từ bi, bác ái – điều quan trọng nhất trên đời”[46]. Trong Đấng Cứu Thế của Dostoievski Nguyễn Hữu Hiệu nhìn thấy hình hài của chính Đức Phật với đức tính khiêm nhường, khoan dung. Hình ảnh Ngài trước hết được hiển hiện trong chân dung của đức cha Zossima – “hiện thân của Chính thống giáo, được soi sáng từ phương Đông”, sau đó là trong hình tượng chàng tập tu Aliosa mà được ví như Tôn giả A Nan, sau này “sẽ là một vị thánh còn vĩ đại hơn cả thầy chàng nữa”. Nguyễn Hữu Hiệu cảm nhận ở Dostoievski một đồng minh trong quan điểm chối bỏ Tây phương lí trí để trở về với cuộc sống minh triết, tự nhiên, hài hoà, tình cảm của phương Đông. Ông ví con đường mà các nhân vật trong Anh em nhà Karamazov trải qua như là một cuộc hành trình về với “mái nhà phương Đông thuần hậu ấm áp”[47].
Những ý kiến trên của Nguyễn Hữu Hiệu, về cơ bản, không xa lạ với quan điểm của nhiều trí thức miền Nam. Cần nói rõ lại rằng cái gọi là “tinh thần Phật giáo”, “ý thức về nguồn” mà người ta thấy ở Dostoievski và L. Tolstoi là đặc điểm chung mà Vogue – tác giả cuốn Tiểu thuyết Nga nổi tiếng – đặt cho toàn bộ văn học Nga từ Pushkin đến Chekhov, được A. Gide – người có ảnh hưởng lớn đến nhiều trí thức Việt Nam – nhắc lại, thực ra là một sự gán ghép từ bên ngoài. Những thứ ấy dễ hấp dẫn độc giả phương Đông. Về cơ bản, giữa đạo Phật và Dostoievski chỉ có một điểm chung – đó là tư tưởng “tự hoàn thiện cá nhân” của con người, mà nó cũng mẫu số chung của tất cả các nền tôn giáo lớn của nhân loại, trong đó có tôn giáo của dân tộc sinh ra Pushkin, Dostoievski, L. Tolstoi. Nhìn sâu hơn, tư tưởng Về nguồn của Dostoievski không đồng nhất với tư tưởng Trở về với mái nhà phương Đông (nảy sinh trong văn học Âu châu muộn hơn, ở thế kỉ XX). Cái mà Dostoievski hướng tới phức tạp hơn nhiều, đó là tư tưởng Tổng hoà giải và Tổng hợp Đông – Tây. Việc “đọc thấy” ở Dostoievski những phương thức đạo đức nhằm giải quyết những vấn nạn của xã hội miền Nam cho thấy một số khía cạnh có ý nghĩa toàn nhân loại của những tác phẩm lớn được khai thác mới lạ và đáp ứng nhu cầu của công chúng nơi tiếp nhận.
Có thể thấy, những tư tưởng tôn giáo mang mầu sắc đạo Phật của Dostoievski ít ra cũng đã không bị ươm vào mảnh đất hoang sơ. Chắc hẳn niềm mong ước xây dựng một Nát bàn tại thế của Thích Nhất Hạnh cũng có gì đó làm liên tưởng tới nguyện ước xây dựng một Thiên đàng trần gian mà không ít độc giả nhìn ra trong Dostoievski. Sau sự kiện Tết Mậu Thân (1968), giữa lúc các nhà xuất bản đang khủng hoảng, nhà sư Từ Mẫn đi vay lãi nặng để ấn hành bản dịch Chiến tranh và Hoà bìnhchắc không chỉ vì mục đích kinh doanh. Nhiều phật tử mong muốn truyền bá tinh thần “bất bạo động” của hai văn hào Nga. Giống như Dostoievski và Lev Tolstoi, giáo sư Lý Chánh Trung muốn giải quyết các vấn đề xã hội bằng cơ sở đạo đức học. Nghiên cứu các cuộc cách mạng trong lịch sử, ông nhận thấy chúng không phù hợp với lý tưởng đạo đức, chúng đã phá hủy những cơ cấu bạo động nhưng lại mắc kẹt trong bạo động, dẫn chứng là cuộc cách mạng ở Pháp cũng như ở Nga đã “hủy diệt một cơ cấu bạo động, nhưng lại thiết lập một cơ cấu bạo động khác”. Ông đi đến kết luận rằng “một cuộc cách mạng bất bạo động theo kiểu Gandhi”[48] là cái mà xã hội miền Nam cần hướng tới. Khi giáo sư kêu gọi hoà bình, đem “ánh sáng vào nơi tăm tối, đem tình thương vào nơi oán thù”, không đem “cây Thập giá đập lên đầu kẻ khác, dầu là với danh nghĩ nào đi nữa” – thì cũng chính là lúc ông đang cổ vũ cho thuyết “Không dùng bạo lực chống lại cái ác” mà Tolstoi hằng thuyết phục mọi người. (Đây không phải là cách tiếp nhận của miền Bắc cùng thời gian này. Học thuyết của L. Tolstoi được miền Bắc đánh giá như biểu hiện của “sự mâu thuẫn trong thế giới quan” của nhà nghệ sĩ và nhà tư tưởng. Trong sách giáo khoa, những tư tưởng này được nhìn dưới ánh sáng của quan điểm Lênin, bị phê phán là “an phận”, “thoả hiệp”, “cải cách cải lương”… Còn các tư tưởng của Dostoievski thì hoàn toàn không được chấp nhận, vì ông bị coi như “một thiên tài độc ác”).
Cũng như đối với nhiều hiện tượng văn hoá nước ngoài vào miền Nam bấy giờ, không hiếm khi Tolstoi và Dostoievski được tiếp nhận theo những học thuyết hiện đại như Hiện sinh, Phân tâm học… – là những học thuyết thực ra ít quan hệ trực tiếp với hai nhà văn này. Tác phẩm Hồi kí viết dưới hầm được một số người đón nhận như “một tác phẩm hiện sinh đầu tiên trên thế giới” vì đã phản ánh đậm nét những “nguyên lí vĩnh cửu của sinh tồn và tâm lí cô đơn tiền định của con người”[49]. Đời sống thường nhật và tác phẩm của hai nhà văn có lúc được diễn giải bằng ngôn ngữ của Phân tâm học và Hiện sinh. Nhận định về tác phẩm Vùng đất hồi sinh (tức Воскресение) của L. Tolstoi, nhà xuất bản Phù Sa cho đó là “một thử thách của ý niệm khai phóng xã hội nông nghiệp, một mặc cả vô hiệu giữa địa chủ và nông nô, những ẩn ức của kẻ làm chính trị mà không biết mình làm chính trị, một sự trả giá giữa con người và Thượng Đế”[50]. (P.T.P nhấn mạnh).
3.2. Trường hợp B. Pasternak, M. Sholokhov và A. Solzhenitsyn
Văn học Nga cho đến thời điểm 1975 có 4 giải Nobel: năm 1933: I. Bunin (1870 – 1953), năm 1958: B. Pasternak (1890–1960), năm 1965: M. Sholokhov (1905 – 1984) và năm 1970: A. Solzhenitsyn (1918 – 2008). Trong số 4 giải này, chỉ có giải năm 1965 là không bị nhà nước Liên-xô phản ứng gay gắt và Sholokhov nhận giải như một sự vinh danh cho bộ phận văn học được coi là chủ lưu lúc đó là văn học Xô-viết. Miền Bắc chỉ giới thiệu giải Nobel này, còn miền Nam cùng thời đó thì giới thiệu cả 3 giải sau, và cũng như ở miền Bắc – không hề dịch cuốn sách nào của Bunin[51].
Việc Bunin không xuất hiện ở cả hai miền Nam – Bắc có những lí do khác nhau. Ở miền Bắc không tiếp nhận ông vì Liên-xô thời đó không mặn mà với các đại diện của văn học kỉ nguyên Bạch kim (Серебрянный век), nhất là các nhà văn lưu vong. Miền Nam cũng không nhắc nhiều gì đến giải Nobel từ năm 1933 này vì trước hết nó không phải là hiện tượng nóng của thời sự văn học phương Tây những năm 60 – 70, và sau đó, vì những vấn đề nội dung cũng như nghệ thuật của Bunin hầu như không phải là xu hướng muốn tìm đến của văn nghệ Sài Gòn.
Pasternak liên tục là ứng cử viên của giải Nobel Văn học suốt từ năm 1946 trở đi. Khi Bác sĩ Zhivago lần đầu tiên được phát hành ở ngoài Liên-xô bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Anh, lập tức dư luận quốc tế xôn xao, cảm nhận “một thông điệp phục sinh phát ra từ thế giới Nga Xô-viết”[52].Ngày 23/10/1958 Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển quyết định trao giải Nobel cho Pasternak vì “đóng góp thành tựu lớn trong thi ca đương đại cũng như kế tục xuất sắc truyền thống văn chương mang tính sử thi của Nga”. Ở Sài Gòn, tạp chí Bách khoa số 46/1958, tạp chí Phổ thông số 2 lập tức có bài nóng hổi về nhà văn mới đạt giải Nobel. (Thời điểm đó tạp chí Văn chưa ra đời). Cũng trong năm đó hai thi phẩm của Pasternak được dịch từ nguyên tác Nga ngữ trình làng trên số 5 Phổ thông. Sang các năm kế, bài viết về Pasternak và tác phẩm của ông tiếp tục xuất hiện trên các tờ Bách khoa, Văn, Văn hoá Á châu, Quê hương. Hoàng Văn Chí cho biết để tìm hiểu về giải thưởng này ông đã đọc “chừng 60 bài báo ngoại quốc bàn về vụ Pasternak và phê bình cuốn Bác sĩ Zhivago”[53]. Giải Nobel 1958 được công bố vào tháng 10 thì sang năm sau, năm 1959, ở Sài Gòn đã có ngay bản dịch toàn văn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago. Đặc biệt hơn, năm 1960 tác phẩm tái xuất hiện thông qua bản dịch tiếng Ý[54] – là ngôn ngữ đầu tiên công bố văn bản Bác sĩ Zhivago. Bản dịch thứ ba được trình diện năm 1973 dưới cái tên Vĩnh biệt tình em. Ngoài ra, năm 1967 còn có thêm bản dịch cuốn Thời nhỏ trong gia đình ở Luvers mà Văn số 83 trích đăng một số đoạn.
Khi Pasternak đoạt giải Nobel, tên tuổi của một ứng cử viên người Nga nữa cũng được báo chí Sài Gòn nhắc đến: Sholokhov. Hồi đó Nhà nước Liên-xô bày tỏ sự không hài lòng vì giải Nobel Văn học không được trao cho tác giả Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang mà lại trao cho một tác phẩm có ý hướng “chống Xô-viết”. Bài viết Pasternak và Sholokhov hai chứng nhân một thế giới đăng trên các số 19, 20 Văn hoá Á châu năm 1959 đã dành toàn bộ phần thứ nhất để bàn về Sholokhov, chứng minh rằng nhà văn này là đối cực của Pasternak trong việc quan niệm về sứ mệnh của nhà nghệ sĩ, là kẻ biện hộ cho “chính sách dã man, chống lại sự sống, phẩm giá và tình thương của nhân loại”, nghĩa là không xứng đáng là “một chứng nhân đứng về phe nhân loại”[55] thì không thể nào được trao giải Nobel.
Như vậy, tên tuổi của Sholokhov đã được văn học miền Nam nhắc đến từ trước khi ông đoạt giải Nobel. Tác phẩm Đất vỡ hoang của ông được dịch từ 1963, tái bản 1964 và 1967. Ngày 15/10/1965 Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển công bố giải Nobel Văn chương thuộc về Sholokhov, thì ngày 17/10 năm ấy, tạp chí Văn số 45 đã loan tin trong mục Tin văn vắn (dài 5 trang), với nhận định rằng đây là một trường hợp hiếm có trong văn giới Nga Xô-viết, không giống như vụ Pasternak, khi làm hài lòng “cả hai khối Đông và khối Tây”, “vừa được các nhà phê bình thuộc khối Tây khen ngợi, vừa được lòng cả những ông ngự sử của Điện Kremlin”[56]. Đồng thời, hai số sau, số chuyên đề về Sholokhov, Văn bày tỏ sự “kinh ngạc” và “lấy làm tiếc” vì giải Nobel đáng ra nên trao cho Ehrenbourg, “người dẫn đầu phong trào băng rã”, “mà sự nghiệp đã lẫy lừng khắp hoàn vũ, và còn lớn lao hơn M. Sholokhov biết bao nhiêu”[57]. Có thể thấy giải thưởng Nobel của Sholokhov đã bị đánh giá bằng thiên kiến chính trị. Khi ông còn trong danh sách ứng cử viên cũng như khi ông đã đoạt giải, nhiều người vẫn thấy ông luôn không xứng đáng. Các bài viết trong nước về sự kiện giải Nobel 1965 có phần không sôi nổi bằng hồi Pasternak nhận giải, chủ yếu đăng ở Văn là tạp chí vừa bước sang năm thứ hai hoạt động của mình. Về tác phẩm, ngoài tiểu thuyết Đất vỡ hoang in trước đó, lúc này có thêm 2 truyện ngắn trong Văn số 47, sau đó là tiểu thuyết Họ chiến đấu vì tổ quốc và hai tập truyện ngắn. Thật ra, muốn giới thiệu thêm tác phẩm của Sholokhov cũng khó bởi ông sáng tác không nhiều. Chỉ lạ một điều là Sông Đông êm đềm – tác phẩm đoạt giải Nobel của nhà văn – không hề có bản dịch nào; trong khi đó loại tác phẩm này ở Pasternak và Solzhenitsyn lại có nhiều bản dịch.
Có thể thấy, trong 3 giải Nobel văn học Nga thì Solzhenitsyn được giới thiệu và quảng cáo nhiều hơn cả. Ngay từ năm 1964, trên tạp chí Văn, tác phẩm của ông đã xuất hiện trong số chuyên đề “Những tiếng nói mới trong văn học Nga”với lời giới thiệu:“Đây là tác phẩm đã gây sóng gió nhiều hơn hết trong thời kì “Băng Rã” […] và tác giả cũng là một mặt lạ đối với văn giới”[58]. Tên tuổi ông trở thành trung tâm chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng sau khi giải thưởng Nobel được trao cho ông. Một phần vì nội dung tác phẩm của ông mang tính phản kháng chế độ Xô-viết công khai và mạnh mẽ hơn, số lượng sáng tác của ông cũng nhiều hơn của Pasternak và Sholokhov, một phần vì con số tạp chí cũng như tình hình dịch thuật ở miền Nam những năm 70 phát triển hơn hẳn thời mà hai nhà văn kia nhận giải Nobel. Cứ theo lời nhận định của Tràng Thiên, ta hiểu phần nào tại sao Solzhenitsyn lại trở thành “hiện tượng”: đó là “nhà văn ngoại hạng”, “nguy hiểm hơn Pasternak” và những nội dung ông phản ánh mang tính phê phán trực diện hơn Pasternak, vì “Pasternak trong bản chất là một thi sĩ, có đầu óc mơ mộng, một người xa cuộc sống thực tế, những điều ông ta nói thuộc về lĩnh vực triết lí xa vời. Còn Solzhenitsyn có bản tính nồng nhiệt, có tinh thần đấu tranh, có ý thức hệ rõ rệt, những điều ông ta viết ra phơi bày một thực tại ghê tởm, với dụng ý đả kích quyết liệt”[59].
Solzhenitsyn có mặt ở Sài Gòn từ khi ông chưa là nhà văn Giải Nobel. Năm 1963, 1964 các trích đoạn từ Ngôi nhà của Matriona và Một ngày của Ivan Denisovich đã xuất hiện trên tạp chí Bách khoa và Văn. Năm 1965 Nxb Thời Mới ấn hành một tiểu luận có nhan đề Văn học Nga sô hiện đại, trong đó Tràng Thiên dành vài trang cho Solzhenitsyn. Năm 1969, 1970, 1971, 1973 nhà văn tiếp tục được giới thiệu trên các trang tạp chí. Nổi bật về số lượng trong danh mục dịch phẩm văn học Nga ở miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 phải kể đến Solzhenitsyn. Hầu như gần hết các danh tác của ông cho tới thời điểm đó (Một ngày trong đời của Ivan Denisovich, Ngôi nhà của Matriona, Vì đại cuộc, Tầng đầu địa ngục, Khu ung thư, Quần đảo Gulag, Bất ngờ tại ga Krechetova) đều được dịch ra tiếng Việt, được xuất bản và tái bản. Trên thị trường cùng lúc có tới 3 bản dịch khác nhau cho cuốn Tầng đầu địa ngục, còn cuốn Quần đảo Gulag được đăng tải một lúc trên hai tờ báo lớn của Sài Gòn bấy giờ là tờ Sóng Thần và tờ Dân Chủ. Cuốn Quần đảo Gulag gây ấn tượng hơn cả, được bàn tán và có ảnh hưởng trong dư luận, “đến nỗi, bất cứ cái gì liên quan đến trói buộc, đến đau khổ, người đọc miền Nam gán cho cái chữ Gulag”[60].
Tình hình giới thiệu và dịch thuật đối với 3 nhà văn Giải Nobel như nêu trên cho chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ của văn nghệ miền Nam với phương Tây và sự nhanh chóng cập nhật tình hình thời sự văn học thế giới, đồng thời cũng cho ta hình dung dễ hơn về màu sắc chính trị hoá của xu hướng tiếp nhận này. Công bằng mà nói, xu hướng tiếp nhận này có những hạt nhân hữu lí của nó, bởi nhiều nội dung trong các tác phẩm của các nhà văn trên bộc lộ khá rõ một tinh thần phê phán, phản kháng đối với những hiện tượng tiêu cực trong đời sống chính trị – văn hoá – xã hội Xô-viết, thể hiện một số quan điểm khác với thẩm mĩ của dòng văn học chủ lưu, khác với phong cách sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà những quan điểm ấy lại được thế giới phương Tây và văn nghệ Sài Gòn đồng tình và chia sẻ.Xu hướng này thường tìm thấy ở những nhà văn được coi là có tư tưởng “phi Xô-viết”, “phi cộng sản” khác. Xếp hàng trong danh sách này, ngoài Pasternak, Solzhenítsyn còn có V. Dudintsev, A. Siniavski. I. Daniel, D. Vonpin, V. Tarsis[61]…
Xung quanh các hiện tượng trên, các trí thức miền Nam xoáy vào hai vấn đề chính: 1. Đời sống sinh hoạt, văn hoá, chính trị ở Liên Xô; 2. Sự mất dân chủ, tự do trong sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Cả hai vấn đề này được liên hệ với miền Bắc Việt Nam cùng thời kỳ.
Xuất phát từ sự khác nhau trong đường lối văn nghệ, khuynh hướng chính trị, người ta đã tìm thấy trong Solzhenitsyn, Pasternak, Dudintsev, Siniavski, Sakharov người làm chứng của thời đại. Huê Châu gọi Dudintsev là “chứng nhân của một thế giới”, thậm chí là “nguyên đơn chứ không chỉ là chứng nhân vô tư của lịch sử” vì nhà văn sống, chứng kiến và trung thực, dũng cảm thuật lại những gì “bên trong bức màn sắt”, Nguyễn Nam Châu cũng dùng cụm từ “chứng nhân của một thế giới” cho các nhà văn Nga, nhưng trong đó thì Dudintsev và Pasternak là “nguyên cáo đứng vào phe các nhà văn hoá nhân bản chống lại chủ nghĩa cộng sản duy vật”[62], còn Sholokhov là “kẻ biện hộ cho một chính sách tàn ác dã man”, cho nên nhà văn này “đã mất hết phẩm cách của một nghệ sĩ thuần tuý”[63]. Nxb Đất Mới viết: “Tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục của Aleksandr I. Solzhenitsyn diễn tả cuộc sống mất tự do trong tù ngục của những chính trị phạm Nga trên Liên bang Xô-viết. Chính tác giả từng sống trong những ngục tù này nên những gì ông viết lại đều rất trung thực, rất sống, làm rung động tâm hồn người đọc”.Nguyễn Văn Son nhận định: “Solzhenitsyn là một nhân chứng đã kể lại một cách trung thực những gì ông đã thấy, nghe, sống trong môi trường của một xã hội được mệnh danh là thiên đường cộng sản”[64]. Hoàng Văn Chí giải thích: “Lâu nay chính quyền Xô-viết giữ độc quyền viết lịch sử Cách mạng tháng Mười, nên có thể nói là ít người biết được những sự thực khách quan. […] Phải công nhận rằng công cuộc tuyên truyền của Nga cũng có phần ảnh hưởng đến chúng ta, vì trước đến nay chưa có quyển sách nào đáng tin cậy tả lại cuộc Cách mạng tháng Mười và tình hình sinh hoạt của dân chúng Nga một cách đúng đắn và khách quan. Ngày nay có quyển Bác sĩ Zhivago, thế giới có thể biết thêm nhiều điều quý giá”[65].
Nhà xuất bản Hành Trình phát biểu cảm nghĩ khi đọc tác phẩm Bất ngờ tại nhà ga Krechetovka(Solzhenitsyn): “Đọc xong cuốn truyện, người ta có thể cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết, khi nghĩ đến thân phận tù hãm của mọi cá nhân con người – bất cứ là kẻ được ưu đãi hay kẻ bị bạc đãi – trong chế độ Xô-viết”. Trong bài Nhà đại văn hào Boris Pasternak qua đời, Trần Duy Minh nêu suy nghĩ về nhân vật Zhivago trong mối quan hệ với môi trường sống: “Con người sống bằng tình cảm. Nếu thiếu tình cảm con người sẽ chết một cách cực nhục. Zhivago sống một cuộc đời để chứng minh cho chúng ta điều ấy, sự kiện ấy. Và cái chết của Zhivago, một cái chết tội nghiệp và đau buồn, kết luận một kiếp người lạc lõng bơ vơ giữa xã hội con người mới: xã hội cộng sản”[66]. Qua các hiện tượng văn học này, người ta khẳng định: “Không có một chế độ chính trị nào có thể bắt được kẻ sĩ câm nín trước sự thật, cũng như không có một phương pháp đàn áp nào có thể xoá bỏ được sản phẩm tư tưởng của con người văn nghệ”[67]. Lưu Nguyễn Đ.T.T cảnh báo: “Một khi mà kẻ trí thức trong lành, người nghệ sĩ chân chính chẳng thể ngồi im, câm miệng, bó tay, thì tức nước vỡ bờ, sự sụp đổ của nó mau, nó mạnh, nó kinh khủng như thế nào, ai mà lường trước được”[68].
Chủ trương giữ một thái độ khách quan đối với những vấn đề nghệ thuật, phê phán “cái nhìn lệch lạc bởi thành kiến chánh trị thiển cận”của “một số độc giả thiếu tài liệu chính xác”, nhất là chưa trực tiếp xúc trực tiếp với văn bản, Trần Thiện Đạo đề nghị có một cách nhìn nhận “cái hiện thực” được phản ánh trong tác phẩm Đất vỡ hoang của Sholokhov – đó là “cái hiện thực” của ngòi bút trực cảm chứ không chỉ là ngòi bút lí trí “biện hộ chính sách”. Ông chỉ ra rằng tác phẩm này viết ra để “phục vụ kịp thời chánh sách tập thể hoá ruộng đất”, cho nên nó là “bức tranh minh hoạ đầy đủ thời gian 1932 – 1960 của công cuộc tập thể hoá ruộng đất ở Liên-xô”, nhưng thái độ của Sholokhov không phải là của một nhà văn chính trị, mà là của một nghệ sĩ. Nhà văn không chỉ một mực nhìn thấy sự tất yếu phải thực hiện chính sách “Tân kinh tế” (НЭП) mà còn thấy những bất cập của nó đã động chạm đến đời sống tinh thần ở tầng sâu nhất của người nông dân. Chính vì vậy “tác phẩm vẫn tiềm tàng thái độ cởi mở” của nhà văn – Đảng viên Đảng Cộng sản: “người đọc nhận thấy rõ ràng tình cảm của ông đối với thành phần nông dân thà chết chớ không chịu chấp nhận chánh sách tập thể hoá ruộng đất của chánh phủ”[69]. Trần Phong Giao cũng khẳng định điều đó khi viết: “Ngay từ dưới thời Staline khắc nghiệt, Cholokhov cũng đã tỏ ra là một nhà văn độc lập, cương trực hiếm có trong những nhà văn Nga của thế hệ hiện đại”[70].
Từ trang sách của các nhà văn Nga nêu trên nhiều điều được liên hệ sang đời sống chính trị – văn hoá – xã hội ở miền Bắc XHCN từ 1945 trở đi, từ những chuyện eo sèo đời thường đến những vụ án văn nghệ, nổi bật là vụ Nhân văn giai phẩm. Khi đối chiếu các sự kiện trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago với quãng đời mình sống, với số phận người thân và bạn bè, Hoàng Văn Chí nhận xét: “Với nhiều điểm giống nhau như vậy nên tôi nhận thấy những sự việc mà Pasternak kể là có thực. Không dựa trên sự thực thì không thể tả được đúng như vậy” [71]. Từ bản thân, nhìn ra xung quanh, Hoàng Văn Chí thấy số phận của người nghệ sĩ Nga dưới thể chế Xô-viết sao cũng giống số phận của người trí thức Việt Nam: “Pasternak sinh năm 1890 (tức năm nay 68 tuổi[72]). Nếu so với các nhà văn Việt Nam thì kém cụ Phan Khôi vài tuổi, có thể nói là hai cụ cùng một thế hệ, thế hệ những người đã trưởng thành trước cuộc Thế Chiến I và đã bắt đầu hoa râm mái tóc sau Thế Chiến II. Đây là một thế hệ có nhiều kinh nghiệm về những chuyển biến trong xã hội qua hai cuộc chiến tranh và một cuộc cách mạng vô sản. […] Hai ông đều khó tính như nhau. Hai ông cũng buộc phải cộng tác dưới chính thể cộng sản và cũng thu mình trong công việc dịch thuật. Pasternak dịch Shakespeare, còn Phan Khôi dịch Lỗ Tấn. Cuối cùng nhân dịp sửa sai của Khrushchev, Pasternak viết Bác sĩ Zhivago, thì Phan Khôi cũng viết Nắng chiều, rồi kết quả hai ông cùng bị đấu tố, bị đuổi ra khỏi Hội Nhà văn…”[73].
Phẩm giá của nhà nghệ sĩ được kiểm chứng qua thái độ của họ trước hoàn cảnh. Thái độ ngoan cường của Sholokhov dưới bàn tay sắt thép của chính quyền Stalin đã khiến Trần Thiện Đạo liên hệ tới thái độ của “Nguyễn Công Hoan thời 1956 – 1958 ở miền Bắc Việt Nam” – một thái độ mà ông gọi là “xu thời”[74]. Qua những tấm gương như Pasternak, Solzhenitsyn, Sakharov, Dudintsev,… người đọc Việt Nam rút ra những bài học: “Một là người trí thức đấu tranh cho tự do phải học hỏi cái gương kiên nhẫn của ông Pasternak. Hai là phải nói đúng sự thật”[75].
Là những nhà văn của giải Nobel văn chương, Solzhenitsyn, Pasternak, Sholokhov hấp dẫn độc giả trí thức miền Nam không chỉ ở vai trò “chứng nhân”, trong việc “tố cáo”, mà còn cả ở phương diện nghệ thuật. Trong số những ý kiến bàn về tài năng nghệ thuật, lời ngợi ca đối với Sholokhov có phần hiếm hoi hơn và có vẻ cầm chừng hơn so với hai tác giả kia. Trong số chuyên đề về Sholokhov, BBT tạp chí Văn viết: “Giới thiệu nhà văn Sholokhov không phải chúng tôi có ý muốn đề cao nhà văn này, mà chỉ muốn giới thiệu cùng bạn đọc một vài đoản văn tác của nhà văn vừa được tặng giải thưởng Nobel về văn chương 1965”. Cách giới thiệu này có vẻ miễn cưỡng, giống như chỉ vì Sholokhov đoạt giải Nobel, “một giải thưởng dẫu sao cũng có một tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn”, nhưng xem ra không biết lần này nó có “được trao tặng một cách chính đáng không”. Cái mà người đọc Sài Gòn khó chịu ở Sholokhov là vì ông “là nhà văn chánh thức của chính quyền Xô-viết, lúc nào cũng cập kè bên thủ lĩnh Khrushov”[76]. Việc tác phẩm Sông Đông êm đềm không được dịch và nhất là sự thờ ơ hoặc vẻ cầm chừng khi nhận xét về nó của cả một giới đọc sách làm ta không thể không nghĩ rằng tác động của định kiến chính trị nhiều khi đã ngăn cấm tiếp nhận khách quan, khiến người ta không chịu công nhận rằng Sông Đông êm đềm là một thiên Iliad rực rỡ của thế kỉ XX, toàn bích về cả nội dung lẫn nghệ thuật.
“Những quân nhân như Nicolas Streltsov, như Lappakhine, v.v. trong Họ chiến đấu vì tổ quốc (Ils ont combattu pour la patrie) đều hung dữ như cọp, trong lòng lúc nào cũng sùng sục mối thù với quân Đức, lăm lăm chực đánh nhau chết thôi, ngoài ra không còn thiết đến chuyện gì khác. Thỉnh thoảng có kẻ nào vớ vẩn nhắc đến chuyện vợ con ở hậu tuyến thì liền bị bọn đồng đội chế giễu gạt đi. […] Những con người rắn rỏi đó lại cứ thấy máy bay Nga bị máy bay Đức bắn rơi là khóc lên như đàn bà. Lính tráng đã trung thành gan dạ, sĩ quan càng anh dũng hơn, hễ cứ cấp chỉ huy càng cao thì chí khí anh hùng càng lớn thêm một mức”[78].
Nghệ thuật của Pasternak nhận được nhiều lời trầm trồ thán phục hơn cả. Lê Huy Oanh đọc Pasternak như thưởng ngoạn một nhà văn siêu thực, hứng thú cùng nhà văn đi vào những vùng của tiềm thức, vô thức.Hoàng Văn Chí ca ngợi chất thơ trong Bác sĩ Zhivago: “Tuy viết bằng văn xuôi, cuốn sách chứa đựng rất nhiều ý thơ. Chắc chắn trong bản dịch, phần nào cũng hao hụt mất nhiều. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận thấy tác giả là một thi sĩ. Nhiều đoạn tả cảnh thiên nhiên, cảnh rừng núi, lúc mưa sa, lúc tuyết phủ, cảnh hoàng hôn, lúc đêm khuya thanh vắng, có thể nói là tuyệt diệu”. Tác giả bài viết khẳng định, mặc dù nội dung có nhiều ý phản bác xã hội, nhưng “cuốn Bác sĩ Zhivago không phải là một cuốn sách chống cộng” và “Chúng ta không nên quên rằng đó là một thiên tiểu thuyết, không phải là một cuốn khảo luận chính trị”[79]. Vũ Đình Lưu nhìn thấy trong cuốn tiểu thuyết của Pasternak những ẩn dụ, tượng trưng: “Biến cố lịch sử xẩy ra như những phát hiện của cái lý tuần hoàn. Qua những biến cố với những vấn đề Đảng, chính phủ, ái tình, hạnh phúc, Pasternak muốn đạt tới cái gì là vĩnh cửu và phổ biến của con người, tức là cái lý tuần hoàn, triết lý tin tưởng ở con người, ở cái gì là liên tục trong con người, mặc dù con người phải trải qua những lao lung thê thảm của biến cố”[80].
Nhà văn Solzhenitsyn được coi là “nhà văn ngoại hạng” (Tràng Thiên), “nhà văn lỗi lạc nhất nước Nga”, “nhà văn duy nhất hiện còn sống được ví với Tolstoi và Dostoievski” (Hoàng Hải Thuỷ). Người ta nhìn thấy trong các pho truyện nhà văn Nga thế kỉ XX này cái bề rộng và sự bề bộn của cuộc sống vốn là đặc trưng ở văn học Nga truyền thống mà rõ nhất ở hai nhà kinh điển Dostoievski và L. Tolstoi, đó là “cả một xã hội ùa vào sách, cả một thời đại được dựng lại, sống dậy. Vòng ngục thứ nhất có những đoạn biên luận dài dòng không liên hệ bao nhiêu đến cốt truyện…, làm cho động tác chậm lại, gần như ngoài lề cốt truyện… mà trong Chiến tranh và Hoà bình của Leon Tolstoi cũng có những đoạn tương tự”[81]. Không mấy độc giả ca ngợi chất thơ vốn không phải sở trường của Solzhenitsyn, văn phong của ông mộc mạc, thản nhiên mà góc cạnh. Dịch giả Nguyễn Văn Son gọi tác giả Ngôi nhà của Matriona là “phép lạ của thiên tài”, ông nhìn thấy cái hay của tác phẩm nằm ngay trong câu chuyện đời thường mà đã thức dậy biết bao điều tế nhị và lớn lao, khơi lên biết bao mâu thuẫn của cuộc sống bộn bề. Nhà văn nói tất cả những điều ấy bằng những “lời lẽ đượm vẻ khách quan” nhưng “bén nhọn, hùng hồn gấp mười, gấp trăm lần những lời phê bình, chỉ trích trực tiếp”. Và chỉ cần một tác phẩm ấy thôi “ta phải gật đầu nhìn nhận Solzhenitsyn rất xứng đáng với ngôi vị mà người ta đã dành cho ông trên diễn đàn quốc tế”[82].
3.3. Trường hợp K. Paustovski và A. Chekhov
Xuất hiện không quá nhiều trên sách báo, K. Paustovski và A. Chekhov mang một hương vị dịu nhẹ mà lắng đọng đến với người đọc đô thị miền Nam. Trong thời buổi chiến tranh, thời buổi náo nhiệt của biết bao trường phái nghệ thuật, biết bao sự kiện văn học được coi là “hiện tượng thời thượng”, hai nhà văn Nga này vẫn lặng lẽ và bền bỉ lưu lại đâu đó như những góc đời thường, những kí ức trở nên mộng mơ đẹp đẽ hơn bởi chúng đã thành quá vãng.
Trong danh mục sách dịch mà chúng tôi tạm thống kê được, Paustovski là nhà văn ngoại quốc có mặt sớm nhất. Đó là tập truyện ngắn Mưa lúc rạng đông. Nó được ấn hành năm 1955 tại Huế, dịch giả cũng là người xứ Huế. Sau dịch phẩm đó của Bửu Kế, đến 1966 bản dịch của Đỗ Khánh Hoan xuất hiện dưới cái tên Mưa trong bình mình. Giữa hai thời điểm này trên Bách khoa có một cuộc phỏng vấn về truyện ngắn hay và Mưa lúc rạng đông nằm trong số tác phẩm được bình chọn. Như vậy, có khả năng một số độc giả biết đến Paustovski là nhờ dịch phẩm của Bửu Ý. Kết quả cuộc phỏng vấn cho thấy nhiều độc giả trí thức thời điểm đó tỏ ra ưa thích các nhà văn ngoại quốc có văn phong nhẹ nhàng, cốt truyện thơ mộng, không nặng triết lí về thời cuộc, khi bình chọn cho những truyện ngắn như Người lái sách, Ngõ hẻm dưới ánh trăng, Hai tư giờ trong đời người đàn bà (Zweig), Những đêm trắng (Dostoievski), Mưa trong bình minh (Paustovski), Những vì sao (Daudet), Mưa (Maugham),… Dựa vào cách bình chọn ấy, trong bản Tổng kết cuộc phỏng vấn Nguiễn Ngu Í đã rút ra nhận xét rằng “văn nghệ sĩ chúng ta” say mê kĩ thuật dựng truyện, dựng cảnh, cách phân tích tâm lí u uẩn “hơn là chú ý đến tình yêu nước”. Lời nhận định này hoàn toàn phù hợp với lí do khiến độc giả bình chọn cho Mưa lúc rạng đông (tên một truyện ngắn được lấy làm nhan đề cho tập truyện). Nguiễn Ngu Í tóm lược các ý kiến của độc giả bình chọn cho Mưa trong bình minh như sau:
“- Có một cốt cách riêng.
- Khung cảnh và tâm tình nhân vật đều mờ mờ như mưa bụi lúc rạng đông.
- Sự chán nản và uể oải tiết ra chẳng rõ từ đâu chẳng rõ từ đâu phủ vây lấy hai người tình cờ gặp nhau trong khoảnh khắc để cùng mơ hồ đoán cuộc đời ai cũng dang dở như cuộc đời mình mà buồn, thương gờn gợn, và cái không khí ấy phủ vây luôn người đọc”[83].
Chúng tôi xin dẫn nguyên văn lời bình của nhà văn Võ Phiến khi lựa chọn truyện ngắn này:
“Mưa lúc rạng đông thản nhiên thở ra sự uể oải, chán nản không biết từ đâu. Tác giả không trình bày cặn kẽ, minh bạch tâm trạng đó. Có lẽ cũng không phải chỉ là tâm trạng của các nhân vật trong truyện, mà là của tác giả. Sự uể oải như thấm vào khắp truyện. Nếu ví truyện như một cơ thể thì sự uể oải như thấm vào sớ thịt đường gân. Truyện không thuật, không tả, không khách quan phân tích một tâm trạng. Nó thể hiện cái tâm trạng đó bằng cả cái cốt cách riêng của nó. Toàn bộ câu chuyện như có một sự sống riêng để cho ai tiếp xúc với nó thì tự nhiên được truyền đạt lại tâm trạng của tác giả đã kí thác vào nơi đó. Tác động của nó như tác động của bài thơ vậy.
S. Zweig và S. Maugham thì chọn những trường hợp độc đáo đến kinh ngạc. Còn Mưa lúc rạng đông thì không cần những chi tiết kì dị để làm ngạc nhiên, để tác động mạnh mẽ, không cần hô phong hoán vũ, những tình cảm đó bàng bạc, vương vít khắp nơi, ở một lóe nắng, ở một bụi cỏ, ở tiếng cười rải rác trong truyện gần như vô tình”[84].
Đó là cảm nhận tinh tế, chớp được cái thần thái của tác phẩm, thể hiện được những rung động trước vẻ đẹp của khoảnh khắc huyền diệu và nỗi buồn ngân nhẹ trong bài thơ văn xuôi trữ tình của Paustovski.
Việc chọn dịch Paustovski có thể nói là một hiện tượng khá lạ gần như duy nhất ở miền Nam trước kia. Paustovski là một nhà văn Xô-viết đương thời không đạt giải thưởng quốc tế (như Pasternak) hay giải thưởng quốc gia (như Sholokhov), không gây đình đám gì trong các sự kiện văn nghệ (như Solzhenitsyn). Ông đã đến mảnh đất miền Nam tao loạn ngay từ ngày đầu và lặng lẽ thu phục người đọc bằng vẻ đẹp nghệ thuật riêng của mình. Đó cũng là cách người ta tiếp nhận nhà văn cổ điển Chekhov.
Là một tác giả kinh điển Nga, cũng như Dostoievski và Tolstoi, Chekhov đã có mặt ở Việt Nam từ giai đoạn trước. Việc lần ra dấu tích của ông giữa giới trí thức trong giai đoạn hình thành và phát triển của văn học hiện đại Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận và càng ngày càng được khẳng định[85]. Sau 1954, một bộ phận không nhỏ những trí thức ấy đã góp phần tạo nên giới độc giả thành thị miền Nam. Lặng lẽ và khiêm nhường, sáng tác của Chekhov đã từng bền bỉ trụ lại một xứ sở xa xôi được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, giữa một thời cuộc đầy biến loạn, trong lòng một công chúng của đủ các trường phái văn nghệ tiên phong chủ nghĩa không hẳn có họ gần họ xa với ông.
Nếu như dịch phẩm của Paustovski ở miền Nam là con số cố định, không thay đổi nhiều lắm theo thời gian, thì dịch phẩm của Chekhov dồi dào hơn và tăng dần theo năm tháng. Trước sau, người ta chỉ dịch một đầu sách của Paustovski, trên các trang tạp chí cũng ít trích đăng tác phẩm của ông[86]. Tình hình dịch thuật Chekhov có khác. Xuất hiện như một sự ngẫu nhiên, tạt ngang trên trang tạp chí Bách khoa vào năm 1959, với lời giới thiệu ngắn gọn: “Chekhov, tác giả của các tác phẩm “tả về tâm hồn dân tộc Nga-la-tư”[87], hai truyện ngắn Hồng nhan và Lời thú tội lặng lẽ đưa tên tuổi của Chekhov trở lại với độc giả Sài Gòn. Rồi cũng lặng lẽ thế, khác với những quảng cáo ồn ào, rộ lên một độ rồi chìm đi như đối với không ít nhà văn ngoại quốc khi vào miền Nam, Chekhov từng bước chậm chạp nhưng vững chắc đi vào đời sống văn hoá “đa thư loạn mục” nơi đây. Tác phẩm của ông ở miền Nam tăng dần theo năm tháng trên các báo chí chuyên san và cuối cùng kết thành cả một tuyển tập. Nếu như, giai đoạn này, ở Hà Nội từ sau khi tập Truyện ngắn Chekhov đầu tiên ra đời vào 1957, trong suốt hơn 20 năm sau (đến 1978), tác phẩm của nhà văn “không được dịch trên báo, không được nghiên cứu và rất ít khi được các tài liệu chính thức trích dẫn”[88], thì ở Sài Gòn tác phẩm của ông lại được giới thiệu, tuy không phải với mật độ dày đặc, nhưng khá đều đặn, dung dăng trải dài từ năm 1959 đến 1974 tính ra khoảng trên dưới 30 tác phẩm[89]. Đó là nhìn trên bề mặt, một cách tổng quát, còn diễn tiến bên trong quá trình tiếp nhận nhà văn, khi nhìn lại trong một hoàn cảnh cụ thể, trong sự đối chiếu với tình hình tiếp nhận ngoài Bắc cũng như với các tác gia nước ngoài “nhập cư” vào Nam lúc đó, ta sẽ thấy có nhiều khía cạnh đáng bàn.
Trước hết, ta thấy việc tiếp nhận Chekhov ở hai miền Nam – Bắc giai đoạn này có sự khác biệt. Xét về khuynh hướng nghệ thuật lẫn khuynh hướng chính trị thì ở Chekhov không có gì gây bất ổn và bất đồng cho văn nghệ của cả hai miền, nhưng dịch thuật Chekhov miền Bắc suốt trong hai thập niên 60 – 70 lại hầu như không tiến triển, còn ở miền Nam đó chính là thời kì tác phẩm của nhà văn khẳng định được vị trí bền vững trong danh mục sách dịch. Có sự khác biệt trong thưởng ngoạn nghệ thuật chăng? Không hẳn vậy. Dịch thuật không phải là tiêu chí duy nhất để có thể khẳng định sở thích và khiếu thẩm mĩ của cả một cộng đồng. Có thể đầu sách dịch không xuất hiện ở danh mục sách mới hàng kì nhưng nhà văn vẫn hiện diện trong đời sống văn hoá xã hội, nhất là những nhà văn “muôn thủa làm ta mê say” (lời Gorki) như Chekhov. Suốt 20 năm Tập truyện ngắn Chekhov không được tái bản ở miền Bắc thì cũng giống như cuốn Mưa trong bình minh của Paustovski ở trong Nam trong vòng 19 năm chỉ xuất hiện hai lần. Không là sách mới, chúng đã trở thành những cuốn sách cũ thân quen của nhiều thế hệ trong nhiều gia đình.
Dịch thuật Chekhov ở Việt Nam giai đoạn này liên quan đến việc tiếp nhận văn học nước ngoài bằng các khuynh hướng khác nhau. Việc chọn sách Nga của cả hai miền Nam – Bắc khá phụ thuộc vào những định hướng mà mỗi miền chịu ảnh hưởng: miền Bắc theo định hướng của Liên-xô, miền Nam theo định hướng của phương Tây, trước hết là của Pháp, Mỹ, Anh. Ở Liên-xô, sau những biến cố long trời lở đất trong vòng 40 năm đầu thế kỉ XX và tiếp theo là công cuộc xây dựng một nhà nước kiểu mới, một nền văn hoá mới, nhiều di sản quá khứ hoặc cố tình bị phủ nhận vì không đáp ứng nhiều tiêu chí thẩm mĩ mới (trường hợp Dostoievski) hoặc vô tình bị quên lãng vì có vẻ lạc lõng so với thời cuộc (như Chekhov). Trong vài thập niên liền người ta không hào hứng với đề tài “chuyện vặt vãnh đời thường”, với bút pháp thiên về khai thác sự hấp dẫn ngầm, vì thế tác phẩm của Chekhov cứ thế lặng lẽ bị thay thế dần bằng hàng loạt tác phẩm hợp thời khác. Trong khi đó, ở bên ngoài Liên-xô, “từ những năm 20 làn sóng hâm mộ Chekhov bắt đầu dâng lên ở khắp các châu lục”[90], rõ nhất ở thế giới phương Tây. Điều này giải thích vì sao vào năm 1943 hai truyện ngắn của Chekhov được dịch lần đầu tiên trên Tiểu thuyết thứ Bảy và tập Truyện ngắn Chekhov in năm 1957 là từ bản trung gian tiếng Pháp, và tại sao sau 1954 quá trình dịch thuật Chekhov bị gián đoạn ở miền Bắc mà lại tiếp tục ở miền Nam.
Mặc dù, như chúng ta đã biết, độc giả của Chekhov đã có mặt ở Sài Gòn, hay nói đúng hơn, Chekhov đã có sẵn từ trước năm 1954 trong độc giả ấy, nhà văn không tái xuất ở ngay tại thời điểm đầu của giai đoạn. Suốt từ năm 1954 đến năm 1958, khi ngành dịch thuật chưa phát đạt, trừ trường hợp Paustovski, các tác phẩm văn học Nga – Xô-viết nói chung vẫn chưa vào được đất Sài Gòn. Cùng với các nhà văn Nga nổi tiếng Pushkin, Tolstoi, Dostoievski, M. Gorki, từ 1959 tên tuổi Chekhov bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí. (Thủa ban đầu ấy, hầu hết sáng tác của các tác giả trên đều được trình diện ở dạng truyện ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết – những tác phẩm và trích đoạn khá giản dị, có tính chất làm quen.) Việc dịch thuật Chekhov trong những năm 60 được ghi nhận ở một số truyện ngắn trên tạp chí Bách khoa, Văn hóa nguyệt san và số chuyên san về Chekhov trên tạp chí Văn (số 53, 1966). Số chuyên san này đăng tải 4 truyện ngắn và 1 vở kịch vui một màn cùng các bài viết nhận định về văn chương Chekhov của A. Yarmolinski, Hoàng Ưng, Bửu Ý. Sang những năm 70 truyện ngắn Chekhov tiếp tục được in rải rác trong Chấn hưngkinh tế, Văn, trong một số tuyển tập truyện ngắn thế giới và cuối cùng là một tập tuyển gồm 14 truyện ngắn do Đỗ Khánh Hoan tuyển dịch và giới thiệu. Cuốn sách do nhà xuất bản Ba Vì phát hành năm 1973, bước sang 1974 tái bản lần thứ nhất với số lượng 2.000 cuốn. Những con số trên đây, nếu so với lượng dày đặc và tần số dồn dập tác phẩm của Dostoievski, Tolstoi, và nhất là của Solzhenitsyn được xuất bản ở miền Nam, thì quả không phải nhiều lắm, nhưng ít ra cũng nói lên một rằng điều Chekhov đã đi cùng với bạn đọc Sài Gòn khá bền bỉ. Điều này không quan sát thấy đối với các giả cổ điển Nga khác như Pushkin, Lermontov, Turgenev – những nhà văn đến một lần rồi ít khi trở lại.
Nhiều ý kiến cho rằng văn học Nga được văn nghệ Sài Gòn tiếp thu như một dòng văn học lớn của thế giới, nhưng với một định hướng nổi bật là xem xét nó bằng nhãn quan chính trị – xã hội. Nhận định này có những hữu lý khách quan của nó, khó lòng bác bỏ. Nhưng nếu chỉ nói một cách đơn giản như vậy sẽ khó lý giải không ít hiện tượng xem chừng đi ra ngoài định hướng trên, ví dụ như trường hợp tiếp nhận Chekhov, cũng như Paustovski, hay thậm chí M. Gorki. Có thể dùng trường hợp Pushkin như một cứ liệu đối chiếu để chứng minh thế lựa chọn trong tiếp nhận. Nếu như ngoài Bắc trong vòng một thời gian ngắn (từ 1957 đến 1966), hầu hết các thể loại sáng tác của nhà văn Nga cổ điển hàng đầu này đều được dịch, in ấn, tái bản, thì ở miền Nam, xét về mặt dịch thuật lẫn nghiên cứu, rất nghèo nàn. Lác đác đây đó trong một vài tạp chí có thoáng nhắc tên ông, và suốt một thời gian dài, từ 1960 đến 1975, chỉ có một vài truyện ngắn như Phát đạn, Bão tuyết. Tại sao một đại gia bậc nhất của văn chương thế giới, một gương mặt xét về lập trường chính trị không có gì đáng ngại đối với chính thể Sài Gòn, lại có vẻ không được nồng nhiệt tiếp đón? Phải chăng ngoài lí do việc dịch thơ ca ở Sài Gòn trước đây không mấy phát triển, có lẽ có một lí do nữa khiến Pushkin dường như nhất thời bị lu mờ đi là vì phong cách cổ điển của ông, nét đặc sắc văn hoá Nga ở ông trong tinh thần ái quốc, cũng như những gì ông đặt ra, không mấy cấp thiết đối với xã hội miền Nam Việt Nam bấy giờ?
Bên cạnh một Dostoievski, một Lev Tolstoi, một Solzhenitsyn với những biên độ sử thi hoành tráng, những tính chất triết lý dữ dội, những tham vọng rộng lớn lý giải hiện thực, tại sao những nhà văn của những “vặt vãnh đời thường”, những nhà văn không thể hiện một tiêu chí chính trị hay tôn giáo nào mà người ta đang tìm kiếm như Chekhov và Paustovski vẫn giữ cho mình một vị trí vững bền trong văn đàn Sài Gòn? Và tại sao một số nhà văn Nga lừng danh khác như Pushkin, Lemontov, Turgenev sau khi ghé ngang qua “hòn ngọc Viễn Đông”, lại không “định cư” lâu dài như Chekhov và Paustovski? Lặng lẽ đến, ẩn mình trong những truyện nho nhỏ về những “Chuyện vặt đời thường”[91], Chekhov và Paustovski hầu như chưa gây nên một cuộc tranh luận, một sự kiện đình đám nào trong văn đàn Sài Gòn. Trên bầu trời không thiếu vắng sự lấp lánh những vì tinh tú của văn học thế giới thế kỉ XIX, bên cạnh các vị thần đỉnh Olympe văn học Nga Dostoievski và Lev Tolstoi, ngôi sao Chekhov vẫn sáng lên bằng một ánh sáng xanh riêng biệt. Phải chăng chính cái ánh sáng đặc biệt, diệu kì ấy đã chiếm lĩnh độc giả. Ánh sáng ấy không công phá người ta bằng những phát ngôn chính trị hay triết lí cao siêu, nó ngự chiếm họ bằng tài năng đích thực, bằng một thế giới thẩm mỹ độc lập. Bửu Ý xác nhận thế giới thẩm mỹ ấy là “thứ văn chương không nặng mùi thời cuộc, không to tiếng trả thù thể chế Nga hoàng độc tài đương thời, cũng không quá bi ai khi nhìn xuống thân phận con người”[92].
Nhiều bạn đọc Sài Gòn đồng loạt công nhận tài năng của Chekhov, đánh giá cao ở ông khả năng “quan sát tinh tế”, ở cách thể hiện “tính cách hấp dẫn, đơn giản, hiện thực và tự nhiên”, coi ông là nhà văn “có tài thanh lọc cảm xúc”, biết “nhận thức cuộc đời một cách hài hước và ý nhị”[93]. Hoàng Ưng đặc biệt nhấn mạnh tính nhân bản của Chekhov, gọi ông là “nhà văn nhân bản đến tận đầu các ngón tay”[94]. Tính khách quan, chính xác, ngắn gọn ở Chekhov được Đỗ Khánh Hoan coi trọng, nghệ thuật ấy là “một thứ văn của biên bản, không một lời than vãn”[95]. Bửu Ý thấy trong truyện của Chekhov “chứa nhiều thi vị”, điều mà người đọc từng cảm thấy khi đọc Mưa lúc rạng đông của Paustovski: “Những cái người đọc thưởng thức ở truyện Chekhov không phải là cốt truyện mà là không khí truyện, không phải ở sự diễn tiến của câu chuyện mà ở chỗ im lìm của câu chuyện, một lời nào đó không nói ra, một im lặng nào đó giữa hai câu nói, một dư vang khi truyện đã kết thúc. Người đọc như được mời dự vào truyện. Tác giả gợi ý gợi cảm mà không dành nói hết. Những chân dung phác họa vừa phải, lời nói không cầu kì, thế mà sự giản dị này không phải biểu tỏ sự thiếu dụng công của tác giả, người đọc không ngớt giật mình nhẹ nhàng thích thú bởi vì những lời nói, như gió, chạm vào mình, gần gũi và đánh thức người đọc từng khi”[96]. Tính thi vị của những đoản thiên không có cốt truyện ở Paustovski, ở Chekhov làm thích thú những độc giả một thời say mê truyện ngắn Thạch Lam. Ta không thấy quan trọng bao nhiêu cái diễn tiến và cái kết cục câu chuyện, mà đắm mình trong sự rung cảm như nghe một bản nhạc, một bài thơ, nhận ra mình trong những tiết tấu, những ánh sáng, những góc nhìn làm rạng rỡ tâm hồn đa cảm của mình. Với những tác phẩm như vậy, người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, như đọc thơ, như nghe nhạc. Đó là cách đọc mới, cách đọc hiện đại: “Những truyện độc đáo nhất của Chekhov không hay ở việc thuật sự. Giống như những bài thơ nó không kể lể. […] Có những truyện ở thể tĩnh, như những khúc khiêu vũ không có sự diễn tiến. Thay vì tiến tới một kết luận nhất định, chúng có thể kéo dài hay chấm hết. Ấy thế mà chúng tác động đến trí tưởng tượng một cách lạ lùng”[97] Khánh Hoan đã nhận thấy sự trường tồn qua thử thách thời gian của tác phẩm Chekhov, ông khẳng định rằng Chekhov là “người duy nhất có ảnh hưởng quan trọng nhất với sự phát triển của thể loại truyện ngắn hiện đại”[98]. Còn Hoàng Ưng kết thúc bài Cuộc đời phấn đấu của Anton Pavlovich Chekhov bằng câu: “Một nhà văn có đủ chân tài để chịu đựng nổi thử thách của thời gian”[99]. . Đỗ
Như vậy, Chekhov đến với độc giả Sài Gòn theo cái cốt cách riêng mà độc giả muốn nhìn thấy trong ông: một nhà viết truyện ngắn, viết những câu chuyện gần gũi, quen thuộc, hóm hỉnh mà đầy ý vị sâu xa. Một nội dung mang tính phổ quát, thể hiện hiện thực nhân sinh phổ biến và thường trực mọi thời đại, mọi không gian. Giữa bao nhiều to tát của thời cuộc, người ta vẫn không thôi hướng về những gì đừng quá kích cỡ cuộc sống bình thường. Những triết lý sang sảng không làm át đi cái mạch đập, cái dòng chảy đều đặn, bình dị và vì thế rất đỗi thiêng liêng của mỗi ngày qua đi trong cuộc đời con người, cái dòng chảy mà ở đó ẩn chứa và tích tụ cơ man những bi kịch thường nhật. Một nghệ thuật hiện đại với độ hàm súc cao nhất về thông tin và tư tưởng, với biểu hiện cao nhất của tính dân chủ hóa, với sự kết hợp tuyệt vời giữa tính đại chúng và tính đặc tuyển. Hiện đại nhưng người ta cảm thấy không quá khó hiểu. Người ta có thể chiêm ngưỡng Chekhov như bầu trời của xứ sở mình mà không cần bất cứ phương thức môi giới nào của các triết học hay tôn giáo huyền bí. Có lẽ vì thế mà người ta vẫn cứ tiếp tục đọc truyện ngắn Chekhov. Có lẽ cũng vì thế mà chưa một danh tác kịch nào của ông (loại kịch không hề dễ hiểu đối với công chúng quen thuộc với những nguyên tắc kịch nghệ truyền thống, hơn nữa, công chúng của loại hình sân khấu cải lương) được dịch và công diễn. Với văn xuôi đoản thiên của Chekhov, người ta không dịch những tác phẩm quá dài (như Thảo nguyên, Cuộc đấu súng), hay quá “nặng” (như Trong khe, Phòng số sáu). Ngoài một số ít tác phẩm, như Xúc động tâmthần (1888), Tình nghệ sĩ (1892), Cây hồ cầm của Rotshild, Tu sĩ áo đen(1894), Người trong vỏ sò (1898), Dushechka (1899) (được dịch là Hồng nhan), còn lại hầu hết các truyện được chọn dịch đều là những sáng tác giai đoạn đầu của Chekhov. Thực ra, nhà văn có nhiều tác phẩm không phải là dễ đọc như ta thoạt tưởng, trong số đó chính là truyện Dushechka, Tu sĩ áo đen và Cây hồ cầm của Rothshild, nhưng bản dịch tiếng Việt, nhất là bản Hồng nhan, Lời thú tội dường như trở nên giản dị, dễ cảm nhận hơn vì mang một văn phong Nam Bộ, gần gũi với độc giả không những ở nội dung đời thường, mà còn trong cách phiên âm tên nhân vật và địa danh theo tiếng Việt, trong hành văn tương đối xuề xoà. So với Lev Tolstoi, Dostoievski, Gorki, Pasternak, Solzhenisyn…, thậm chí so với cả Paustovski, rõ ràng Chekhov được tiếp nhận một cách vô tư, tự nhiên hơn cả, vì thế ông đến với độc giả Sài Gòn cũng dung dị như về nhà mình.
Sinh mệnh nghệ thuật, bất chấp thời gian và hoàn cảnh, được định đoạt không gì khác hơn bởi tài năng của nhà nghệ sĩ. Điều giản dị này một lần nữa được khẳng định khi nhìn vào dòng diễn tiến tiếp nhận Chekhov và Paustovski ở miền Nam. Nhìn lại quá trình tiếp nhận này, ngoài việc khẳng định sự trường tồn của những tài năng có sức vượt thời gian, chúng tôi muốn đề nghị một cái nhìn uyển chuyển hơn về độc giả trí thức Sài Gòn trước kia. Bên cạnh những xu hướng tiếp cận văn chương nhiều khi thái quá trong sự chính trị hoá, còn có những cách tiếp cận xuất phát từ giao cảm nghệ thuật: cái hay cái đẹp của văn chương đích thực vượt qua mọi thiên kiến, làm sao xuyến con tim, lay động tâm hồn con người.
*
Kinh nghiệm tiếp nhận văn học Nga của đô thị miền Nam 1954 – 1975 đã để lại những bài học thiết thực cho cuộc giao lưu trong nhu cầu và xu thế hội nhập với thế giới của chúng ta. Nhìn lại một vài trường hợp tiêu biểu như trên, ta thấy văn nghệ miền Nam có nhiều xu hướng đa dạng và phức tạp trong việc tiếp cận với văn học Nga – như một nền văn học lớn, có giá trị của thế giới và một hiện tượng văn hoá mang trong mình những tiềm năng khơi dậy những vấn đề lớn lao và phức tạp của thời đại. Nhìn cận cảnh, ta sẽ bàn xét được nhiều điều thú vị: sự chi phối của tầm đón nhận đối với ý nghĩa của tác phẩm, tính đa trị của văn học, cách đọc khách quan và cách đọc định kiến,... Trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội cụ thể, người đọc có xu hướng lĩnh hội sáng tác của nhà văn theo nhu cầu tinh thần thời đại mình, thổi sức sống thời đại mình vào tác phẩm, khám phá và khai thác những khía cạnh phù hợp. Vượt qua cách tiếp cận đơn tuyến đối với văn học của đại đa số trí thức miền Bắc cùng thời, giới trí thức miền Nam, với cách tiếp cận năng động, đa chiều, đã tiệm cận hơn với chân giá trị của văn học vốn đa trị. Bên cạnh cách tiếp cận đầy hiệu năng ấy đối với văn học Nga, có thể quan sát thấy tính chủ quan, thiên kiến trong cách nhìn nhận một số giá trị, làm cho cách phê bình, định giá có vẻ cảm tính và thiếu chất học thuật. Không ít trường hợp, những định kiến chính trị có khi chi phối không chỉ đến cách đọc mà còn đến cả cách dịch (mà thực ra cũng là một cách “đọc” đặc biệt), định hướng sai tiếp tục đến người tiếp thu văn bản dịch, gây ngộ nhận lan truyền. Điều này cho thấy tính nghiêm túc của dịch thuật đòi hỏi trước hết sự hiểu biết thấu đáo đối tượng tiếp nhận và một tinh thần khách quan, độc lập tự chủ trước mọi thiên hướng chính trị và nghệ thuật.
Qua sự tiếp nhận văn học Nga – Xô-viết tại miền Nam 1954 – 1975, có thể tái hiện lại hình ảnh của lớp công chúng trí thức một giai đoạn văn học đặc biệt của nước ta: đó là loại độc giả có học vấn và không thuần nhất trong cách tiếp cận văn chương. Thẩm định cách đánh giá của nền văn nghệ này đòi hỏi chúng ta một thái độ khách quan, khoa học và cẩn trọng.
P.T.P.
[1]Nguyễn Hữu Hiệu, “Lời giới thiệu” trong cuốn Tội ác và hình phạt, Nxb Nguồn Sáng, S., 1973, tr. XI.
[2]Trịnh Chuyết, Từ điển danh nhân, Sài Gòn, 1964, tr. 137.
[3]Tràng Thiên, Văn học Nga sô hiện đại, S., 1965, tr.5
[4] Nguyễn Hữu Dung, “Văn nghệ với chính trị tại Liên Xô”, Bách khoa số 159, 1963, tr.57
[5]Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay, số 3, 1961, tr. 9.
[6]Trần Thiện Đạo, “Mikhail Cholokhov”, Văn số 45, 1965.
[7]Lê Hữu Khải, “Kịch nghệ Nga sô”, Đại học số 4, 1961.
[9]Vũ Minh Thiều, “Lời giới thiệu” in trong tác phẩm M. Gorki – Thời thơ ấu, Nxb Trí Đăng, S., 1972.
[10]Lời giới thiệu in trên trang bìa 4 của tác phẩm Trong tù (M. Gorki) do Nxb Trình Bầy ấn hành năm 1971.
[12]“Dấu binh lửa”: Nhan đề một tiểu thuyết của Phan Nhật Nam.
[13]Nguyễn Hiến Lê, “Dostoievski, một kẻ suốt đời chịu đau khổ để viết”, Bách khoa số 82, 83, 1960.
[14]Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay, số 3, 1961
[16]Vũ Đình Lưu, “Thân thế và sự nghiệp Pasternac”, Văn số 83, 1967.
[17]Xem Một ngày trong đời Ivan Đênixôvitch, Nxb Nguồn Sáng, S., 1970 (dịch giả: Thạch Chương Trần Lương Ngọc).
[18]Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê – cuộc đời và tác phẩm, Nxb VH, H., 1993, tr. 187.
[19]Nhất Linh, “Đọc và viết tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay số 3/ 1960.
[20]Nguyễn Hiến Lê, “Một chương trình dịch sách ngoại quốc”, Bách khoa số 125 /1960, tr.18.
[21]Nguyễn Hiến Lê, “Lời cám ơn nhà xuất bản”, Văn số 128.
[22]Trần Phong Giao, “Vài cảm nghĩ xuôi dòng”, Văn số 128, tr. 82.
[23]Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay số 3/ 1960, hoặc trong cuốn Khảo về tiểu thuyết (Vương Trí Nhàn biên soạn), Nxb Hội Nhà văn VN, H., 1996, tr.80.
[24]Nguyễn Hiến Lê, Lời giới thiệu, in trong Chiến tranh và hoà bình, Nxb Lá Bối, S., 1969, tr. 104
[25]Nhất Linh – tlđd, tr 68.
[26]Doãn Quốc Sỹ, Văn học và tiểu thuyết, S., 1970, tr. 267.
[27]Trần Phong Giao, “Vài cảm nghĩ xuôi dòng”, Văn số 128, 1969.
[28]André Gide, Dostoievski qua thư từ, Nxb An Tiêm, S., 1975.
[29]Trịnh Chuyết, Từ điển danh nhân, Sài Gòn, 1964, tr. 138.
[30]Nhất Linh, “Đọc và viết tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay số 3/1960.
[31]Nguyễn Hiến Lê, “Dostoievski một con người suốt đời chịu khổ để viết”, Bách khoa số 82, 83.
[32]Tô Thùy Yên, Lời giới thiệu tác phẩm Người chồng muôn thủa, Nxb Kẻ Sỹ, S., 1969.
[33]Nguyễn Quốc Trụ , “Đọc Hồi kí viết dưới hầm”, Văn, số 1/ 1967.
[34]Nguyễn Ngọc Minh, “Lũ người quỷ ám trong con mắt người Việt Nam” (thay Lời giới thiệu Lũ người quỷ ám), Nguồn sáng, S., 1972.
[35]Nguyễn Ngọc Minh, tlđd.
[36]Vũ Đình Lưu, Thảm kịch văn hoá, Nxb An Tiêm, S., 1966, tr. 50.
[37]Hoàng Vũ – Đức Vân, “Leon Tolstoi trong tác phẩm Chiến tranh và Hoà bình”, Tc Văn học 290, 291 (1964), tr. 39.
[38]Nguyễn Hiến Lê, “Dostoievski một người suốt đời chịu đau khổ để viết”, Bách khoa số 82, năm 1960.
[39]Nguyễn Hiến Lê, “Leon Tolstoi một Á-thánh”, Bách khoa số 48, 1959.
[40]Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, Văn hoá ngày nay số 3/1960.
[41]Thạch Chương, “Chỉ một lần thôi và chẳng bao giờ nữa” (thay cho lời giới thiệu Hồi kí viết dưới hầm, Văn số 11, 1966.
[42]Nguyễn Hữu Hiệu, “Dostoievski”, in trong cuốn Anh em nhà Karamazov, Nxb Nguồn Sáng, S., 1972.
[43]André Gide, Dostoievski qua thư từ, Nxb An Tiêm, S., 1975, tr. 49.
[44]Trần Phong Giao, “Vài cảm nghĩ xuôi dòng”, Văn 128, 1969.
[45]Hoàng Vũ – Đức Vân, “Leon Tolstoi trong tác phẩm Chiến tranh và Hoà bình”, Tc Văn học số 290, 291 (1964), tr. 38.
[46]Nguyễn Hữu Hiệu, “Dostoievski và thế giới”, Lời Bạt trong Đầu xanh tuổi trẻ (Dostoievski), Nxb Nguồn Sáng, S., 1974, tr.80.
[47]Nguyễn Hữu Hiệu, “Dostoievski”, in trong cuốn Anh em nhà Karamazov, Nguồn Sáng, S., 1972.
[48]Lý Chánh Trung, Cách mạng và đạo đức, Nxb Sơn Nam, S., 1960, tr. 117.
[49]Nguyễn Quốc Trụ, “Đọc hồi kí viết dưới hầm”, Văn số 1/1967, tr. 122 – 124.
[50]Lời giới thiệu Vùng đất hồi sinh, Nxb Phù Sa, S., 1973.
[51]Mãi đến thập niên 80 trở đi các tác phẩm của Bunin mới được chính thức dịch ở Việt Nam, bắt đầu bằng cuốn Tuyển truyện Bunin, Hà Ngọc dịch, Nxb Văn học, H. 1987.
[52]Tạp chí La Civiltà Cattolica, 18/Janvier/1958.
[53]Hoàng Văn Chí, “Nhận định về vụ Pasternak và tác phẩm Bác sĩ Zhivago”, Văn hoá Á châu số 10/1959.
[54]Bản dịch của Văn Tư và Mậu Hải, do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hoá xuất bản, giấy phép xuất bản số 7777 của Hội đồng kiểm duyệt Huế ngày 8/6/1960, in xong ngày 1/7/1960, phát hành lần thứ nhất 3000 cuốn.
[55]Nguyễn Nam Châu, “Pasternak và Sholokhov hai chứng nhân, một thế giới”, Văn hoá Á châu, số 19, 1959, tr. 73.
[56]Trần Phong Giao, Tin văn vắn “Mikhail Cholokhov giải Nobel về Văn chương 1965”, Văn số 45/1965.
[57]Lời nói đầu của tạp chí Văn số 47/1965.
[58]Tạp chí Văn số 5/1964, Lời giới thiệu tác phẩm được trích đăng “Một ngày trong đời Ivan Denosovich”, tr. 99.
[59]Tràng Thiên, “Alexandr Soljenitsyne – Nobel văn chương 1970”, Bách khoa số 323 năm 1970.
[60]Nguyễn Văn Lục – 20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975, nguồn đã dẫn.
[61]Các nhà văn Xô-viết này được bàn đến trong các bài:
- Huê Châu, “Vladimir Doudintsev chứng nhân của một thế giới trong cuốn “Cơm áo chưa đủ”. Đại Học, số 4-5, tháng 9/1958.
- Nguyễn Nam Châu, “Dudintsev, chứng nhân hay nguyên cáo”, Quê hương số 3/1959.
- Bùi Xuân Lai, “Đại hội các nhà văn Nga sô năm nay có gì lạ?”, Quê hương số 5/1959.
- Tràng Thiên, Văn học Nga sô hiện đại, Nxb Thời Mới, S., 1965.
- Tràng Thiên, “Một vụ án văn nghệ ở Mạc-tư-khoa”, Bách khoa số 28/1966.
- Hoàng Minh Tuynh, “Tân truyện “Bức ảnh có phép lạ” của Tendriakov”, Bách khoa số 69, 70, năm 1961.
- Nguyễn Nam Châu, “Vladimir Doudintsev” in trong cuốn Những nhà văn hoá mới, Nxb Đại Học, Huế., 1971.
- Đào Trường Phúc, “Sakharov, Soljenitsyn cuộc vận động bất khuất”, Bách khoa số 401/1973
[63]Nguyễn Nam Châu, “Pasternak và Sholokhov hai chứng nhân, một thế giới”, Văn hoá Á châu số 19/1959.
[64]Nguyễn Văn Son, Lời người dịch, trong cuốn A. Soljenitsyne – Ngôi nhà của Matriona, Nxb Trẻ, S., 1974.
[65]Hoàng Văn Chí, tlđd, tr.22.
[66]Trần Duy Minh, “Nhà văn hào Pasternak qua đời”, Quê hương số 12/1960.
[67] Lưu Nguyễn Đ.T.T, “Boris Pasternak hay là nhà văn đối với mình, đối với chính quyền”, Bách khoa số 46/1958.
[68]Lưu Nguyễn Đ.T.T., tlđd.
[69]Trần Thiện Đạo, “Mikhail Cholokhov”, Văn số 45/1965.
[70]Trần Phong Giao, “Mikhail Cholokhov và giải Nobel về văn chương 1965”, Văn số 45/1965, trong mục Tin văn vắn.
[71]Hoàng Văn Chí, “Nhận định về vụ Pasternak và tác phẩm Bác sĩ Zhivago”, Văn hoá Á châu số 10/ 1959.
[73]Hoàng Văn Chí, “Nhận định về vụ Pasternak và tác phẩm Bác sĩ Zhivago”, Văn hoá Á châu số 10/1959.
[74]Trần Thiện Đạo, tlđd.
[76]Lời nói đầu trong số chuyên đề về Sholokhov của tạp chí Văn số 47 năm 1965, tr. 1.
[77]Tràng Thiên, “Mikhail Cholokhov giải Nobel về văn chương 1965”, Bách khoa số 180 năm 1965.
[78]Tràng Thiên, “Mikhail Cholokhov giải Nobel về văn chương năm 1965”, Bách khoa số 180 năm 1965.
[80]Vũ Đình Lưu, “Thân thế và sự nghiệp sáng tác của Pasternak”, Văn, số 83/ 1967.
[81]Tràng Thiên, “Alexander Soljentsyn Nobel văn chương 1970”, Bách khoa số 322, năm 1970.
[82]Lời người dịch, in trong cuốn Alexandre Soljenitsyn – Ngôi nhà của Matriona, Nxb Trẻ, S., 1974.
[83]Nguiễn Ngu Í, “Tổng kết cuộc phỏng vấn văn nghệ về truyện ngắn Việt và ngoại quốc”, Bách khoa số 73, ra ngày 15/1/1960.
[84]Võ Phiến, Câu trả lời gửi cho “Phỏng vấn văn nghệ về truyện ngắn Việt và ngoại quốc”, Bách khoa số 68 năm 1959.
- Đào Tuấn Ảnh, “Chekhov và Nam Cao – một chủ nghĩa hiện thực kiểu mới”, Nghiên cứu văn học số 1, 1992, tr. 48.
- Phong Lê, “Chekhov và Nam Cao – nhìn từ hai nền văn học”, Văn học nước ngoài số 4/ 2004. tr. 187.
- Vương Trí Nhàn, “Bản dịch truyện ngắn Chekhov (1957) và một giai đoạn giới thiệu văn học nước ngoài ở Hà Nội”, Nghiên cứu văn học số 8/2004, tr. 25.
[86]Đến nay chúng tôi mới chỉ tìm thấy được một truyện ngắn của Paustovski Tia chớp trên tờ Tin Văn số 7 năm 1966.
[87]Bách khoa số 59 (ra ngày 15/6/1959)
[88]Vương Trí Nhàn, tlđd, tr. 33.
[90]Phạm Vĩnh Cư, “Trekhov – nhà văn xuôi tự sự, nhà viết kịch”, Văn học nước ngoài số 4/2004, tr. 134.
[91]Nhan đề một truyện ngắn của Chekhov.
[92]Bửu Ý, “Truyện và kịch Chekhov”, Văn số 53, 1966.
[93]Đỗ Khánh Hoan, Lờigiớithiệu Truyện ngắn Chekhov, Nxb Ba Vì, S., 1973.
[94]Hoàng Ưng, “Nhận định về văn chương Chekhov”, Văn số 53, 1966.
[97]Hoàng Ưng, “Nhận định về văn chương Chekhov”, Văn số 53/1966.
[99]Hoàng Ưng, “Cuộc đời phấn đấu của Anton Pavlovich Chekhov”, Văn số 53/1966.