Xứ Nghệ ngày nay
Bóng chuyền bãi biển: Vì sao không phát triển?
Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc Tour I - 2009 được tổ chức tại TX cửa Lò, 4/2019
Trên con đường phát triển thể thao thành tích cao, Nghệ An rất ít khi nói đến việc phát triển môn bóng chuyền bãi biển. Có lẽ chính vì điều này nên ở các giải đấu bóng chuyền bãi biển trong nước, thậm chí là Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc tổ chức ở ngay TX Cửa Lò cũng không có sự tham gia của Nghệ An. Rất nhiều khán giả thắc mắc và đặt câu hỏi, vì điều gì mà Nghệ An không có bóng chuyền bãi biển?
Thực ra Nghệ An đã từng đào tạo môn bóng chuyền bãi biển cách đây 15 năm về trước. Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Huấn luyện TDTT tỉnh nhớ lại: “Năm 2003, môn bóng chuyền bãi biển được thành lập do tôi phụ trách, hồi đó Trung tâm đã làm sân tập luyện bằng cát biển hẳn hoi. Năm 2004, lần đầu tiên đội tuyển Nghệ An tham gia giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc diễn ra tại Cửa Lò với thành tích rất khả quan (đội nam đứng hạng 4, đội nữ xếp hạng 6). Xong giải đó tôi được cử đi học và bàn giao đội bóng chuyền bãi biển cho người khác, thế nhưng không hiểu vì sao sau khi tôi đi học trở về, đội tuyển bóng chuyền bãi biển Nghệ An đã bị giải tán?”.
Để không lãng phí những VĐV đã được đào tạo, Sở TDTT Nghệ An lúc đó lựa chọn một số VĐV có chuyên môn khá bổ sung vào đội tuyển bóng chuyền trong nhà, số còn lại đành cho nghỉ. Vậy là môn thể thao bóng chuyền bãi biển vốn được đặt rất nhiều hy vọng đã mất đi không hẹn ngày trở lại.
Có nhiều người cho rằng thể thao Nghệ An đang lãng phí điểm mạnh của mình đặc biệt là đối với những môn có tiềm năng và thuận lợi để phát triển mà bóng chuyền bãi biển là một ví dụ điển hình nhất. Nghệ An có các điều kiện thuận lợi cho phát triển môn bóng chuyền bãi biển. Đó là có bờ biển dài, rộng và rất đẹp; kinh phí đầu tư cho môn thể thao này không lớn (nếu không dám nói đây là một trong những môn thể thao ít tốn kém nhất). Ông Đào Xuân Chung - Trưởng bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) đã phải thốt lên: “Cửa Lò có một bãi biển rất lý tưởng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức những giải bóng chuyền bãi biển trong nước và thậm chí là cả những giải quốc tế”. Quả thật, khu đô thị biển Cửa Lò đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiện đại, đủ sức đáp ứng về cơ sở vật vật chất, dịch vụ cho du lịch nghỉ dưỡng. Và thực tế những năm qua, Cửa Lò đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn về thể thao biển, văn hóa, giải trí như Giải Cầu mây bãi biển nữ, Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc, thi Hoa hậu Báo Tiền Phong… thu hút được đông đảo các đội tuyển và du khách đến từ nhiều địa phương tham gia tranh tài và tham quan du lịch.
Rõ ràng, Nghệ An có tiềm năng cho môn bóng chuyền bãi biển, vậy tại sao đến nay, môn thể thao này vẫn không thể phát triển?
Tìm hiểu qua các nhà chuyên môn, một cán bộ trong ngành TDTT chia sẻ thẳng thắn, việc bóng chuyền bãi biển Nghệ An không thể phát triển chính là do cơ chế, Nghệ An vẫn đang thiếu một cơ chế đặc thù cho thể thao đỉnh cao nói chung và bóng chuyền bãi biển nói riêng…. Tìm hiểu các đội bạn, chúng tôi được biết những đội đạt thành tích cao nhất tại giải Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc Tour I ở Cửa Lò vừa rồi đều có những cơ chế đặc thù riêng. Ví như đội Sanna Sanest Khánh Hòa có hẳn nhà tài trợ riêng không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Hay như đội TP Hồ Chí Minh, các VĐV bóng chuyền bãi biển được tuyển chọn, đào tạo riêng biệt, được thuê HLV có trình độ chuyên môn cao, được đãi ngộ lương bổng rất cao. Đội bóng chuyền bãi biển Tràng An Ninh Bình thì có cơ chế đặc biệt hơn là được hưởng lương trực tiếp từ nguồn ngân sách UBND tỉnh, được ưu đãi về thu hút nhân tài, có nhà tài trợ, được ưu tiên mua nhà cửa… Cũng có ý kiến cho rằng, việc tiến hành đào tạo lại môn bóng chuyền bãi biển hiện nay là rất khó do khó tìm nguồn VĐV. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung thì, môn bóng chuyền bãi biển thi đấu chỉ có 2 VĐV nên ngoài việc VĐV phải có chiều cao tương đối, phản xạ nhanh nhẹn, còn phải đa năng ở các khâu phòng thủ, chuyền hai và tấn công. Vẫn biết là khó thật nhưng theo chúng tôi, nếu biết cách thì vẫn khắc phục được. Chẳng hạn như TP Hà Nội, họ không có lợi thế về điều kiện sân bãi, họ đã lấy cát sông Hồng về sân tập luyện; về VĐV, họ phải tận dụng những VĐV bóng chuyền trong nhà để tập luyện, thi đấu cho bóng chuyền bãi biển. Tại Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc Tour I tổ chức ở Cửa Lò vừa rồi, dẫu chưa phải là hoàn hảo nhưng họ đã thi đấu hết mình để có vị trí nhất định trong làng bóng chuyền bãi biển trong nước. Còn Nghệ An, có vẻ như hiện nay ngay môn bóng chuyền trong nhà cũng đang gặp nhiều khó khăn nên dường như bóng chuyền bãi biển chưa phải là nỗi bận tâm của ngành TDTT.
Bóng chuyền bãi biển là một môn thể thao đang được các quốc gia rất ưa chuộng, đặc biệt là đối với các nước có hoạt động du lịch phát triển. Chính vì vậy nó thường nhận được sự quan tâm rất chu đáo để mở rộng, tạo thêm sân chơi cho du khách. Theo ông Đào Xuân Chung, môn bóng chuyền bãi biển hiện nay đã được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đưa vào hệ thống thi đấu chính thức để tạo nên các giải đấu trẻ và vô địch toàn quốc. Chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn vì Việt Nam đang hướng tới đăng cai tổ chức các giải đấu thể thao lớn trong nước và khu vực trong đó có môn bóng chuyền bãi biển. Chính vì vậy, việc đầu tư cho bóng chuyền bãi biển ở Nghệ An không bao giờ là muộn.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Thống kê truy cập
114528608
2264
2291
2881
215304
0
114528608