Xứ Nghệ ngày nay
Trắng đêm nhả chữ
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thế Phiệt đã vừa rời cõi đời này về thế giới bên kia. Hơn bảy mươi năm tuổi đời, Phan Thế Phiệt đã miệt mài lao động và để lại một di sản văn hóa được ông sáng tạo và giữ gìn cho thế hệ sau như một dòng sữa ngọt ngào hay như một mạch ngầm tươi mát.
Trước tiên, người ta nhắc đến ông với tư cách là một người yêu say đắm dân ca Ví, Giặm. Từ yêu Ví, Giặm đến việc đưa Ví, Giặm lên sân khấu với tư cách là diễn viên, tác giả kịch bản và kiêm cả đạo diễn ở những sân khấu, hội diễn văn nghệ quần chúng.
Mười tám tuổi, khi đang là Đội trưởng đội Văn nghệ xã, ông đạt giải Nhì trong Hội diễn Văn nghệ tỉnh Nghệ An với vở kịch dân ca: “Nàng dâu mới”. Mười chín tuổi, ông là người trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An tại xã Lăng Thành (huyện Yên Thành).
Sớm được gần gũi và học tập những văn nghệ sỹ tên tuổi như Trần Hữu Thung, Nguyễn Thanh Khầm, Nguyễn Trung Phong, năm 1984, ông và ca sỹ - NSƯT Ngọc Hà (vừa là cháu vừa là học trò được ông phát hiện, bồi dưỡng) là những thành viên đầu tiên của Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành, cùng với đồng nghiệp như nhà viết kịch Mai Trúc, nhạc sỹ Nhật Lân trở thành nòng cốt cho những hoạt động văn nghệ của huyện nhà. Những vở diễn vẫn còn được nhiều người nhớ như: “Hạt thóc huyện Yên”, “Đường tơ quê ngoại”, “Ví dặm bỏ bùa”, “Đêm trăng nước ngược”,…Với những đóng góp ở lĩnh vực dân ca Ví, Giặm, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Với một người khác, chỉ cần thành công ở một lĩnh vực như vậy là họ cũng đã có thể bằng lòng rồi. Nhưng với tài năng bẩm sinh trời cho cộng với nỗ lực rèn luyện, học tập và thái độ lao động nghiêm túc, ông lần lượt cho ra lò những tác phẩm báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ xuất sắc đã được đăng tải, in ở nhiều báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản có uy tín. Những giải thưởng ở tất cả các lĩnh vực mà ông đóng góp cùng với lòng yêu quý của bạn đọc đã cho thấy điều đó.
Vừa là hội viên Ban Sân khấu, vừa là hội viên Ban Văn của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An nên ông có phẩm chất của một nhà viết kịch, nhà văn xuôi. Điều này thể hiện ở cuốn tiểu thuyết “Hồng nhan” dày hơn 400 trang và đã đạt giải B Hồ Xuân Hương của ông. Một cuốn tiểu thuyết phát huy đầy đủ nhất phẩm chất, năng khiếu văn học nghệ thuật của ông. Chất kịch kết hợp với chất truyện ngắn, kết nối bởi một mạch truyện dài cùng những đoạn văn được đẩy lên cao trào như sóng dâng rồi lại hạ màn với những đoạn văn giàu chất thơ khiến cuốn tiểu thuyến khá cuốn hút người đọc.
Truyện ngắn của ông được đăng ở nhiều báo. Ngoài ra, ông còn gửi tham gia cuộc thi về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thì còn đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Những truyện ngắn này được ông tập hợp in trong tập truyện ngắn: “Khi đã nằm dưới cỏ” và đã đạt giải B Hồ Xuân Hương. Trong tập truyên này, ngoài truyện ngắn “Tuổi dần” đạt giải như đã nói thì truyện gây ấn tượng cho người đọc hơn cả là truyện ngắn “ Giọt mưa” (còn có tên khác là “Bủa vây”). Truyện kể về một cô gái ngây thơ cả tin bị lọt vào những chốn lầu xanh khiến cô không dứt ra được. Một thông điệp không mới nhưng được ông làm mới bằng những trang văn và những chi tiết khá mới.
Với báo chí, ông đã đạt giải của các báo Lao động, Giáo dục và Thời đại, Du lịch. Một thời, người xứ Nghệ xa quê thường xuyên được đọc những ghi chép, phóng sự nóng hổi hơi thở đời sống của ông đăng ở nhiều báo trung ương và địa phương. Trong số này, tôi ấn tượng bởi ghi chép “Bốn mươi giây của một người anh hùng” viết về khoảnh khắc sinh tử của anh hùng quân đội Phan Tư trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thơ là lĩnh vực ông trình làng cuối cùng trong những lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật của ông. Những bài thơ đã đăng báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), tạp chí Sông Lam, báo Nghệ An của ông vẫn có một chất giọng riêng khó trộn lẫn với người khác. Riêng bài thơ: “Phiên tòa mở trước phiên tòa” của ông đã đạt giải Nhì cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tòa án. Bài thơ được nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét là: “Tưởng là khô khan như ngành Tòa án thì khó làm thơ, không ngờ lại có những bài thơ hay, trong có bài thơ Phiên tòa mở trước phiên tòa của Phan Thế Phiệt”.
Thơ ông được tập hợp in trong phần I của tập “Trắng từng sợi đêm”. Trong số này có Bài thơ “Uống rượu với đêm” được nhiều người đồng cảm.
Ta ngồi uống rượu với đêm
Này ơi xích lại gần thêm chút nào
Chén buồn ta chảy vào nhau
Dập dềnh, trôi nổi, nổi đau nhan tình
Cõi đời đen bạc trọng khinh
Khúc quanh, quanh đến mấy quanh thì vừa
Khúc này ngoặt gặp dối lừa
Thuyền ta nhầm đến bến mưa bãi ngầm
Khúc này gặp bạn tri âm
Dìu nhau đứng dậy chữ tâm đồng hành
Khúc này em gặp gỡ anh
Hóa ra gang tấc mà chênh nửa đời
Mà tìm khắp chốn cùng nơi
Không dưng lại có như trời ban cho
Và đêm bỗng hóa con đò
Chở ta về bến sông, hồ mông lung
Bỗng nghe tóc bạc nửa chừng
Hình như đêm cũng trắng từng sợi đêm
Bài thơ như khái quát cuộc đời ông và những ngày gặp phải căn bệnh hiểm nghèo, thơ dường như nói hộ lòng ông rất nhiều. Nhiều nhất là “hình như đêm cũng trắng từng sợi đêm”. Trắng đêm viết, trắng đêm vì cuộc đời, vì những gì tạo hóa ban cho ông và cũng vì tạo hóa đưa ông về…
Để rồi người ta sẽ nhớ đến ông bởi một cuộc đời với những đêm trắng nhả chữ cho đời.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Thống kê truy cập
114528606
2262
2291
2879
215302
0
114528606