Văn hoá học đường

Nỗi buồn môn Ngữ Văn

    Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khi công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, môn Ngữ văn dẫn đầu số thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), với 1.265 em. Đó là một nỗi buồn to lớn đối với những người đang công tác trong ngành Giáo dục, giáo viên Ngữ văn và nhất là những phụ huynh có con em bị rơi vào trường hợp đó. Dù đây là một trong hai môn học chính (môn còn lại là Toán) ở bậc phổ thông, nhưng dường như các em không quan tâm, chú trọng để đến khi thi thì chẳng biết phải làm gì.

    Là một phụ huynh có con bị điểm liệt môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, tôi hết sức đau lòng và trăn trở. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến môn Ngữ văn có số thí sinh bị điểm liệt cao nhất, trong đó, có nguyên nhân từ người đứng lớp. Giáo viên cũng cần phải nhìn lại phương pháp giảng dạy của mình. Tại sao vậy?

Trước đây, thời mà tôi và những người đồng trang lứa còn ngồi ghế nhà trường thì môn Ngữ văn không tệ đến thế. Học trò say mê học văn và thường sử dụng những câu nói, câu thơ của các tác giả trong và ngoài nước để đưa vào lưu bút, nhật ký hoặc trong giao tiếp… Dù bạn đó có mê ban A đi chăng nữa thì khi trả bài và kiểm tra môn Ngữ văn thì thấp nhất cũng được 4 điểm. Bởi vì sao? Vì ngày đó chúng ta không bị chi phối bởi công nghệ. Trong chiếc cặp học trò lúc nào cũng có một quyển sách (thơ, triết lý, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp bút...) để rảnh là mang ra đọc ngấu nghiến. Thậm chí, học trò cạnh tranh với nhau trong từng quyển sách khi mượn ở thư viện trường, thuê ở quầy sách báo. Ai cũng muốn mình là người đọc trước tiên với cảm giác nôn nóng, thích thú, say mê. Còn bây giờ, học trò chú tâm vào game trên điện thoại, máy tính, nên lười đọc sách báo, thành ra thiếu tính góp nhặt ý tưởng, câu chữ, tư duy để làm nên một bài nghị luận xã hội, bài phân tích tác phẩm hay. Cũng có nhiều em đọc sách điện tử cho tiện, gọn nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sách điện tử chỉ để tham khảo hơn là đọc giúp nhớ dai, say mê, tư duy.

    Vì vậy, để môn Ngữ văn sống lại thời hoàng kim thì người giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Chúng ta không thể cấm các em ngừng chơi công nghệ (vì nó có rất nhiều lợi ích thiết thực) nhưng chúng ta có thể cân bằng, hòa hợp. Nên vận dụng mạng xã hội để mở một hội nhóm kín của lớp về văn học nhằm giao lưu, thảo luận, vui chơi. Giới trẻ bây giờ đều có một trang Facebook cá nhân nên rất tiện lợi sinh hoạt theo phương pháp này. Từ đấy lồng ghép các bản nhạc có yếu tố văn học tân thời như hiện nay như: Bánh Trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh); những audio về văn học có giọng đọc truyền cảm; hay những truyện được đồ họa hoạt hình sinh động… Vừa học vừa chơi sẽ giúp các em thích thú, say mê.

    Đừng giảng chay mà cần nhờ đến máy chiếu để lồng hình ảnh, clip vào đó cho sinh động. Tất nhiên giáo viên cần phải nghiên cứu ý thích của học sinh lớp mình để từ đó có cách soạn giáo án tối ưu nhất. Không nên giảng dạy theo phương pháp đọc - chép kiểu cũ mà phải nghe - hiểu. Chỉ có hiểu mới giúp học sinh nhớ lâu và làm bài tập làm văn tốt; còn học thuộc lòng thì sẽ dẫn đến rập khuôn trong cách làm bài, thui chột sự sáng tạo. Cần khuyến khích học sinh mua một quyển Từ điển tiếng Việt (của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) để khi cần từ nào đó thì tra ngay để viết bài đúng chính tả, thêm vào những từ đồng nghĩa mới, cho bài văn có sức sống lạ, chuẩn mực, bay bổng.

    Tôi được biết, có giáo viên còn dùng phương pháp trò chơi Ô chữ Văn học, Đố câu ca dao, tục ngữ rất là thú vị. Dù kiến thức sơ đẳng đó vận dụng vào phần nghị luận Tập làm văn không nhiều nhưng sẽ là tiền đề để các em yêu thích môn Ngữ văn hơn, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi hơn. Từ đó mới giúp các em học và làm bài tốt. Giáo viên cũng có thể tổ chức những tiết ngoại khóa, sinh hoạt nhóm có liên quan đến văn học: thăm thư viện, bảo tàng, thăm nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học (nếu có điều kiện)... để các em có những bài học thực tế sinh động hơn. 

    Ngoài ra, giáo viên bộ môn Ngữ văn cần phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm rõ tình hình học tập Ngữ văn của các em khi ở nhà. Đồng thời khuyến khích phụ huynh mua những quyển sách hay về cho con em đọc.

    Hy vọng, giáo viên môn Văn luôn có sự đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Đồng thời, phụ huynh cũng phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học giữa bao nhiêu trò chơi trên internet và những thú vui khác đang kéo trẻ xa rời việc đọc sách để học sinh yêu môn Văn, thích học Văn. Và như vậy, kết quả thu được không chỉ là cải thiện điểm thi môn Văn mà cao hơn là giáo dục con em trở thành những con người có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441883

Hôm nay

2283

Hôm qua

2317

Tuần này

21787

Tháng này

217057

Tháng qua

112676

Tất cả

114441883