Văn hoá học đường
Mục đích của sự học không nằm ở những kỳ thi!
Hàng chục triệu học sinh, sinh viên trên cả nước lại bước vào một năm học mới. Dù chào đón với tinh thần phấn khởi, lạc quan như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể quên những tồn tại mà ngành Giáo dục chưa thể khắc phục trong thời gian qua. Trước thềm năm học mới, còn đó nỗi lo về chất lượng lẫn số lượng giáo viên và những cơ sở đào tạo, về sách giáo khoa và những đổi mới đầy bất cập, về bạo lực học đường,… Đau lòng hơn, chúng ta bước vào năm học 2019 - 2020 với nỗi ám ảnh cái chết của bé trai 6 tuổi học sinh trường Gateway và vô vàn câu hỏi dấy lên từ đó.
Trong số nhiều câu hỏi được đặt ra, có một câu hỏi cần được nghiêm túc nhìn nhận, đó là: Mục đích của giáo dục hiện nay là gì? Phải chăng, chỉ để phục vụ những kỳ thi, lấy những tấm bằng nhằm sau này có một công việc, một vị trí nào đó trong xã hội?! Thực trạng đó đang biến những ngôi trường trở thành lò luyện thi, mỗi học sinh trở thành những cỗ máy chỉ biết nhồi nhét kiến thức và làm đề. Phụ huynh không tiếc tiền cho con theo học trường chuyên, lớp chọn, thầy cô giỏi để con vượt qua các kỳ thi với kết quả cao. Điều này dẫn đến phần lớn học sinh, sinh viên không cảm nhận được niềm hạnh phúc khi tới trường. Một câu khẩu hiệu chúng ta vẫn thấy mỗi khi đưa đón con nhưng hiếm khi để tâm hỏi con mình, rằng: Mỗi ngày đến trường của con có thực sự là một ngày vui hay không? Vui làm sao được khi đè nặng lên chúng là bao nhiêu áp lực về điểm số, thi cử; là trách nhiệm, danh dự với gia đình và nhà trường? Vui làm sao được khi những tâm tư, tình cảm của chúng không được lắng nghe, chia sẻ? Với giáo viên, họ cũng đến trường với vô vàn áp lực thành tích, nỗi lo cơm áo và thậm chí cả nỗi canh cánh bị kỷ luật hay mất việc vì một lý do chẳng đâu vào đâu. Điều đó tạo nên những căng thẳng dài hạn, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và nếu không có phương pháp giải quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Dễ thấy nhất là sự thiếu kiểm soát trong cảm xúc, hành vi của học sinh lẫn giáo viên dẫn đến bạo lực học đường.
Tuy nhiên, những hệ quả của việc xác định sai mục đích dạy và học còn lớn hơn thế rất nhiều. Với cách giáo dục này, chúng ta đang tạo ra những thế hệ phát triển thiếu toàn diện, những bộ óc thiếu sáng tạo, mất phương hướng; những trái tim thiếu nhiệt huyết. Người trẻ không có kỹ năng cần thiết để sinh tồn, để giải quyết rắc rối xảy đến với mình. Chúng không biết cách đối diện, cân bằng cảm xúc bản thân. Hệ quả là chúng ta phải chứng kiến tình trạng trầm cảm gia tăng ở giới trẻ và những cái chết đau lòng. Chúng ta thấy những người trẻ cô đơn, chán chường, cực đoan lang thang trên các trang mạng. Một bộ phận khác lại tìm vui trong những chất kích thích, trò tiêu khiển quái dị,… Thực trạng đó đủ để chúng ta thấy: Đã đến lúc cần phải thay đổi, nói đúng hơn là cần một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục.
Mục đích của sự học không thể chỉ dừng lại ở việc phục vụ thi cử. Một khi còn suy nghĩ đó thì các vấn nạn về bệnh thành tích; chạy trường, chạy điểm, v.v… khó lòng khắc phục. Giáo dục hiện đại không thể chỉ chăm chăm vào những bài tập hay ngành nghề giúp các em kiếm nhiều tiền trong tương lai mà phải tạo cho chúng một nền tảng tốt về đạo đức, thẩm mỹ và sáng tạo. Khi xác định được điều đó chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của những môn học như giáo dục công dân, văn học, lịch sử, âm nhạc, mỹ thuật,... Chúng ta cần khơi dậy ở trẻ khát khao chiếm lĩnh tri thức và sự hiểu biết. Thế hệ trẻ có quyền được quan tâm, khám phá nhiều điều hơn là chỉ ngồi luyện đề thi. Chúng cần được hiểu rõ về cơ thể và cảm xúc của chúng. Chúng có quyền tìm hiểu về chính trị, tôn giáo hay một trường phái hội họa nào đó mà chúng thích. Chúng có thể nuôi ước mơ trở thành những chính trị gia, những nhà hoạt động vì môi trường hay đấu tranh cho người yếu thế ngay từ khi rất nhỏ. Chúng có quyền lên tiếng, phản biện trước những điều chưa hợp lý…. Đừng dập tắt sự sáng tạo và ước mơ của con trẻ bằng lối suy nghĩ thực dụng, thiển cận và sai lầm của người lớn.
Mỗi đứa trẻ cần được chuẩn bị chu đáo để bước vào đời, để trở thành một con người có ích trong xã hội. Điều đó, tất nhiên sẽ không đạt được nếu chúng ta vẫn duy trì mục đích giáo dục như hiện nay. Đã đến lúc các em được lắng nghe và quan tâm hơn. Đã đến lúc chúng được hưởng một nền giáo dục chất lượng và nhân văn hơn. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về cha mẹ chúng mà còn của chính quyền, đặc biệt là ngành Giáo dục bởi chuẩn bị chu đáo cho thế hệ trẻ hôm nay cũng chính là chuẩn bị cho tương lai của đất nước này.
tin tức liên quan
Videos
Trang phục của người Thái ở huyện Qùy Châu
Ranh giới mong manh giữa văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh và mê tín dị đoan
Học để biết nghĩ
Giao lưu nghệ thuật Fashion show “Nhịp sống trẻ”
Lang thang trong cõi vô hình
Thống kê truy cập
114517765
280
2332
21112
215704
121009
114517765