Diễn đàn

Về những ngộ nhận trong cách hiểu bản chất “ký hiệu” của tác giả cuốn “Từ ký hiệu đến thi pháp học” (On the Misunderstandings about the Nature of “Sign” by the Author of From Semiotics to Poetics)

1. Ký hiệu học là một lĩnh vực lí thuyết rộng lớn có khả năng cung cấp hệ thuật ngữ cùng phương pháp nghiên cứu cho nhiều ngành khoa học, trong đó có nghiên cứu văn học. Ở Việt Nam, các bài viết giới thiệu về ký hiệu học đều thống nhất coi Hoàng Trinh là một trong những người đầu tiên vận dụng ký hiệu học vào nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có ai chỉ ra tác giả đã vận dụng kí hiệu học như thế nào, ở mức độ nào. Trong bài viết này, chúng tôi bàn về những ngộ nhận trong cách hiểu bản chất ký hiệu của Hoàng Trinh trong cuốn Từ ký hiệu học đến thi pháp học[1] của ông.

2. Trong cuốn sách được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1995) mà tác giả tự bộc bạch là kết quả của “mười năm nghiên cứu, học hỏi” có “tranh thủ tiếp xúc thêm với các thông tin về ký hiệu học và thi pháp học ở các nước, gặp gỡ một số nhà ký hiệu học, nhà thơ để tham khảo ý kiến, học hỏi kinh nghiệm”(Hoàng Trinh, 1997: 8), Hoàng Trinh khẳng định ông “chỉ tìm hiểu thi pháp học trong thơ thông qua một số hiểu biết nhất định về ký hiệu học” Hoàng Trinh, 1997: 29)[2].Trong phần giới thuyết về ký hiệu học, mục “Đặc thù của một ký hiệu”, tác giả nói “Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào những phát triển khoa học của Phéc-đi-năng đờ Xốt-xuya về ký hiệu ngôn ngữ” (Hoàng Trinh 1997: 34). Tuy nhiên theo chúng tôi, cách hiểu của ông về khái niệm ký hiệu theo lý thuyết của Saussure nói riêng, trong phạm vi của ký hiệu học nói chung có nhiều điểm không chính xác. Trong cuốn sách, Hoàng Trinh đã lầm lẫn về rất nhiều vấn đề cơ bản của ký hiệu học: vấn đề bản chất ký hiệu, vấn đề chất liệu (substance) và hình thức (form) của ký hiệu, vấn đề ngôn ngữ trong văn học từ góc nhìn ký hiệu học. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi trước hết phân tích ngộ nhận của Hoàng Trinh về bản chất ký hiệu theo các nhà sáng lập ký hiệu học.

Trong Từ ký hiệu học đến thi pháp học, Hoàng Trinh định nghĩa ký hiệu như sau: “Ký hiệu là một sự vật do sự tồn tại tự nhiên hoặc do con người sáng tạo ra theo ước lệ, có tác dụng chỉ ra một hiện thực ở bên ngoài nó và được tập thể xã hội thừa nhận. Khói là một ký hiệu (chỉ hiệu) cho ta biết người ta đang đốt một cái gì ở đâu đấy. Ngôn ngữ bao gồm những tín hiệu mang nghĩa và chỉ ra những sự vật ở bên ngoài” (Hoàng Trinh 1997: 34). Sau đó, ông diễn giải “Bàn là một ký hiệu hoàn chỉnh (gồm ba ký hiệu nhỏ là ba âm b-à-n) mang nghĩa” (Hoàng Trinh 1997: 34). Trong tập tiểu luận Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học, ông cũng nói “Một phát hiện rất quan trọng ở đây của Xốt-xuya là “cái biểu đạt”(tức vỏ tiếng chứa đựng khái niệm[3]) là một ký hiệu lúc đầu có tính chất “võ đoán” (arbitraire), ước lệ, không có quan hệ hữu cơ với khái niệm như vỏ lúa và hạt lúa, hay tiếng đàn và dây đàn chẳng hạn”[4]. Tạm gác sang một bên việc Hoàng Trinh đã sử dụng lẫn lộn hai từ “ký hiệu” và “tín hiệu” để chỉ cùng một khái niệm ký hiệu (signe), các định nghĩa và diễn giải này có hai sự lầm lẫn: trước hết, trong trường hợp của ngôn ngữ tự nhiên, âm không thể là một ký hiệu; sau nữa, ký hiệu nói chung, ký hiệu ngôn ngữ nói riêng không chỉ ra một hiện thực ở bên ngoài nó. Việc ông đưa ra ví dụ về khói (vốn là một ví dụ rất nổi tiếng của Peirce) càng chứng tỏ ông không hiểu đúng tinh thần của khái niệm này.

Âm trong ngôn ngữ tự nhiên không phải là một ký hiệu

Trở lại với diễn giải trên đây của Hoàng Trinh, ta thấy mâu thuẫn nằm ngay trong lập luận của ông: “Bàn là một ký hiệu hoàn chỉnh (gồm ba ký hiệu nhỏ là ba âm b-à-n) mang nghĩa. Ký hiệu bàn hình thành do sự kết hợp của hai mặt: mặt hiện ra ngoài, nghe được, âm b-à-n (hay thấy được khi viết). Đó là cái-biểu-đạt[5] tức cái vỏ tiếng, nếu có thể nói. Nhưng khi nghe âm b-à-n người ta hiểu đó là cái bàn (chứ không phải cái bút chẳng hạn) là nhờ phía trong, phía sau cái-biểu-đạt, là một khái niệm (tức một sự biểu hiện khái quát và trừu tượng về một vật gì đó): khái niệm bàn. Hai cái này, CBĐ và CĐBĐ dính liền với nhau “có thể so sánh với một tờ giấy” (Xốt-Xuya), hễ có một là có cả hai, không thể tách rời. Một tiếng động nào đó, không mang một khái niệm gì bên trong chỉ là một tiếng động. Một khái niệm nào (chẳng hạn bàn, ghế, ăn, ngủ…) mà không hiện diện ra ngoài bằng một âm, một CBĐ, thì đó chỉ là một sự im lặng, sự “câm”, giống hệt như nhau. Như vậy nguyên tắc cơ bản rút ra từ thực tiễn của một ký hiệu ngôn ngữ là: Một ký hiệu bao giờ cũng gồm hai vế, sinh ra cùng một lúc, như “hai anhh em dính lưng nhau” (Hoàng Trinh 1997: 34-35). Hoàng Trinh luôn nhắc đi nhắc lại lời của Saussure, rằng trong ký hiệu, cái biểu đạt và cái được biểu đạt giống như hai mặt của một tờ giấy, dính liền với nhau, người ta không thể cắt mặt này mà không đồng thời cắt luôn mặt kia, thế nhưng ông lại cho âm là một ký hiệu. Ta biết rằng trong ngôn ngữ tự nhiên, chẳng hạn trong tiếng Việt, các âm được thể hiện bằng các chữ cái b, a, n chỉ có đặc trưng khu biệt, bản thân chúng không gợi ra một ý nghĩa nào[6]. Nếu đã không có đủ hai thành phần - cái biểu đạt (CBĐ) và cái được biểu đạt (CĐBĐ), thì chúng không thể được coi là các “ký hiệu nhỏ”, càng không thể là “cái biểu đạt”.

Mặc dù mang tham vọng “nêu lên được cái cần thiết để người mới bước vào đỡ lạc đường” (Hoàng Trinh 1997: 12), song có vẻ như ngay từ việc xác định khái niệm ký hiệu, Hoàng Trinh đã đi lạc. Ngộ nhận về bản chất ký hiệu, Hoàng Trinh đồng thời cũng ngộ nhận về mối quan hệ giữa ký hiệu với hiện thực khi ông nói ký hiệu “chỉ ra một hiện thực ở bên ngoài nó”.

Ký hiệu không chỉ ra một hiện thực ở bên ngoài nó

Ngay từ đầu, Hoàng Trinh đã hiểu sai câu nói của các nhà ký hiệu học “ký hiệu phải có khả năng gợi ra một cái gì nằm bên ngoài nó”. Ông cho “cái nằm bên ngoài” này chính là hiện thực, đồng thời luôn khẳng định điều ấy “văn bản mang nhiều tầng lớp ký hiệu có liên hệ với các tầng, các lớp của hiện thực bên ngoài. Qua sự vận động tạo nghĩa trong văn bản có thể hiểu được những thực tại mà chúng biểu hiện. Mỗi văn bản biểu hiện thực tại, hiện thực một cách khác do tính chất và loại hình của các văn bản” (Hoàng Trinh 1997: 59). Thực ra, theo lý thuyết ký hiệu học, “cái nằm bên ngoài nó” mà ký hiệu gợi ra không phải là hiện thực, và cái mà Hoàng Trinh cho là “hiện thực” cũng không “hiện thực” như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng tôi sẽ làm rõ hai luận điểm này.

Thứ nhất, câu “ký hiệu phải có khả năng gợi ra một cái gì nằm bên ngoài nó” muốn nói đến tính đại diện của ký hiệu, cái “nằm bên ngoài nó” theo tinh thần của ký hiệu học là cái vượt ra bên ngoài tính cá thể, cụ thể, vật chất của nó, là cái nằm trong tư duy, trong đầu óc của người liên tưởng, của cộng đồng sử dụng ký hiệu chứ không phải nằm ở hiện thực. Một lon bia uống hết bị vứt bên đường không phải là ký hiệu. Song cũng lon bia ấy, nếu được đặt trong phòng trưng bày nghệ thuật, và gợi cho người ta liên tưởng đến một xã hội tiêu dùng thì nó trở thành ký hiệu. Với Saussure, cả hình ảnh cái lon (CBĐ) lẫn ý niệm về một xã hội đầy rác (CĐBĐ) đều nằm trong đầu óc con người, vì cá thể cái lon có thể to có thể nhỏ, có thể cũ có thể mới, màu sắc có thể khác nhau song trong đầu óc con người vẫn chỉ là một ý niệm, một loại thể. Còn theo Peirce, ông thừa nhận tính vật chất của cái lon, với tư cách là cá thể nó có đặc trưng vật chất, song điều ấy không quan trọng, quan trọng là tính đại diện của nó[7].

Thứ hai, vậy thì bên ngoài ký hiệu có cái gọi là “hiện thực” không? Các nhà ký hiệu học trả lời là không. Chính Hoàng Trinh cũng nhiều lần trích dẫn câu này “chúng ta được bao quanh bởi những ký hiệu”, nhưng ông không hiểu bản chất của câu ấy. Giống như không khí, ký hiệu bao phủ toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Muốn truyền đạt thông tin trong cuộc đời thường, ta dùng ngôn ngữ - hệ thống ký hiệu nguyên cấp. Ngoài lời nói, ta tiếp xúc với người xung quanh thông qua các điệu bộ, cử chỉ, nét mặt… của họ, cũng là các ký hiệu. Muốn biểu đạt các suy tư sâu sắc hơn không thể chuyển tải bằng lời nói thường, con người dùng văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… là các hệ thống ký hiệu thứ cấp. Muốn trình bày khúc chiết các quy luật của tự nhiên, xã hội, người ta dùng ngôn ngữ khoa học - một thứ siêu ký hiệu... Nghi lễ, phong tục, đạo đức, pháp luật… tất tần tật đều là các hệ thống ký hiệu. Như vậy cái mà người ta tưởng là “hiện thực” phải qua trung gian là các hệ thống ký hiệu mới truyền đạt được đến với ta[8]. Đôi khi ta ngỡ mình tiếp xúc trực tiếp với hiện thực, nhưng ta chỉ đang tiếp xúc với ký hiệu. Hơn nữa, các hệ thống ký hiệu, ngoài chức năng giao tiếp, còn có bản chất là một hệ thống mô hình hóa. Bản thân thế giới vốn là một thể liên tục (continuum), để biểu đạt thế giới ấy, con người phải cắt khúc, phân đoạn nó. Trong quá trình này, họ đồng thời thể hiện quan điểm của mình về hiện thực, thậm chí áp đặt mô hình tư duy của họ về hiện thực. Nên theo ký hiệu học, nếu có cái gọi là “hiện thực” thì “hiện thực” đó vốn đã luôn được nhìn theo quan điểm của cộng đồng sử dụng ký hiệu. Điều này giải thích tại sao trinh tiết được ca ngợi ở cộng đồng này nhưng đến cộng đồng khác, nó bị coi thường, phỉ báng, tại sao “người đẹp” hay “lối sống lành mạnh” của một cộng đồng này lại kì quái, bệnh tật đối với cộng đồng khác, việc đi bên phải đường ở quốc gia này là tuân thủ luật pháp trong khi sang đến quốc gia khác lại là phạm luật… Ngay cả những hình thức biểu đạt “hiện thực nhất” như nhiếp ảnh, phim tư liệu, điện ảnh… cũng chịu “sự biên tập vô hình” chi phối. Nhìn một bức ảnh, xem một bộ phim, ta tưởng ta thấy hiện thực nhưng ta chỉ đang nhìn hiện thực qua góc nhìn của người tạo ký hiệu. Vậy thì bên ngoài hệ thống ký hiệu này chỉ có thể là các hệ thống ký hiệu khác mà thôi. Do đó, việc Hoàng Trinh cho rằng bức tranh cổ động “màu sắc rực rỡ”, “hừng hực khí thế lao động” ở Bách hóa tổng hợp với hình ảnh người phụ nữ đang tưới cây, bên trên là chị thợ hàn “cả hai dáng điệu hào hùng, trẻ khỏe” một mặt là “một hệ thống ký hiệu”, mặt khác lại “mang hình ảnh của hiện thực hẳn hoi[9] là không thể chấp nhận từ góc độ lý thuyết ký hiệu học.

3. Như vậy, Hoàng Trinh ngay từ đầu đã khẳng định mình lấy ký hiệu học làm nền tảng lý thuyết, lại nhắc đến rất nhiều tên tuổi là các “ông tổ” của ngành học này như Charles Sanders Peirce, Ferdinand de Saussure, Louis Hjelmslev… nhưng mâu thuẫn giữa việc trích dẫn và lập luận chứng tỏ ông không thực sự hiểu tư tưởng của họ. Sự sai lầm về nhận thức lý thuyết tất yếu sẽ dẫn đến sai lầm trong thực hành, đặc biệt thực hành phân tích tác phẩm văn học. Vì không phân biệt thật rõ đâu là ký hiệu, người nghiên cứu không thể phân tích chính xác các đặc trưng của nó. Vì cho rằng ý nghĩa của ký hiệu chỉ đến một hiện thực ở bên ngoài, người nghiên cứu sẽ đánh giá tác phẩm văn học bằng những yếu tố ở bên ngoài nó, cố tìm xem tác phẩm ám chỉ người nào, sự việc gì ở thế giới mà mình cho là “hiện thực”, rồi xét đoán xem có “khớp” không, trên cơ sở đó quy chụp rằng nhà văn “xa rời hiện thực” hay “bôi nhọ lịch sử”, “phỉ báng anh hùng dân tộc”… hay tâng bốc ông ta “vĩ đại” chỉ vì tả, kể “giống với hiện thực”. Hai từ “cùng nghĩa” trong hai ngôn ngữ khi phiên dịch còn không tương đương về giá trị[10], huống gì văn học là một hệ thống ký hiệu có tổ chức riêng. Việc tùy tiện quy các yếu tố của văn học về các yếu tố của hệ thống khác cũng khôi hài, ngây thơ không kém việc những viện sĩ hàn lâm Lagado mang theo vật thay từ mỗi khi cần giao tiếp[11].

Tóm lại, một nhà nghiên cứu khi chưa thực sự hiểu lý thuyết, dù có nhiệt tâm “nghiên cứu thơ dưới góc độ khoa học” (Hoàng Trinh 1997: 7), rất có khả năng theo cách nói của Nguyễn Du “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.

(Bài đã đăng trong Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia: “Kí hiệu học từ lý thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và dạy học Ngữ Văn”, Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là bản tác giả gửi cho VHNA).

 

 


[1] Hoàng Trinh (1997), Từ ký hiệu học đến thi pháp học, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.

[2] Bản thân cách hiểu của Hoàng Trinh về mối quan hệ giữa kí hiệu học với ngôn ngữ học cũng có vấn đề. Ở trang 30 ông viết: “Ngày nay người ta cho rằng ký hiệu học là “công cụ của các khoa học” (organon des sciences). Nó thâm nhập vào nhiều ngành khoa học như triết học, ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, thi pháp học, nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học… đồng thời nó cũng bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết của nhiều ngành đặc biệt là của ngôn ngữ học”. Câu này chứng tỏ Hoàng Trinh đã không hiểu rằng một trong những nguồn cội của ký hiệu học là ngôn ngữ học, ông nói cứ như thể ngôn ngữ học là một ngành bên ngoài mà ký hiệu học vừa “thâm nhập vào” vừa dùng để “bổ sung kiến thức”. Kì thực, ký hiệu học đi ra từ ngôn ngữ học. Chính Saussure là người đã tiên báo về một ngành học rộng hơn mà ngôn ngữ học là nền tảng. Tính chất nền tảng này quan trọng đến nỗi sau này Roland Barthes coi ký hiệu học chỉ là một khoa học thuộc ngôn ngữ học, nghĩa là lật ngược công thức của Saussure (chi tiết xin xem: Roland Barthes (1957), Annette Lavers và Colin Smith dịch, Elements of Semiology. New York: Hill and Wang, tái bản lần thứ 11 năm 1986, trang 11). Như vậy, ký hiệu học không phải “thâm nhập vào” ngôn ngữ học, cũng không phải “bổ sung cho mình” kiến thức của ngôn ngữ học. Nên nhớ rằng hầu hết các thuật ngữ của ký hiệu học (cái biểu đạt, cái được biểu đạt, ký hiệu, ngôn ngữ, lời nói, nghĩa, trục lựa chọn, trục kết hợp…) đều đi ra từ ngôn ngữ học.

[3] Thực ra “cái biểu đạt” không phải đơn thuần là “cái vỏ tiếng” đựng khái niệm, song do khuôn khổ giới hạn của bài viết, chúng tôi tạm thời chưa bàn đến vấn đề này ở đây.

[4] Hoàng Trinh (1979), Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học, Hà Nội: NXB Văn học, trang 7.

[5] Trong trường hợp này “cái biểu đạt” cũng không đơn thuần chỉ là âm “bàn” nghe được hay chữ “bàn” nhìn thấy được. Thực ra thì cùng một âm bàn trừu tượng, các cá nhân khác nhau phát âm rất khác nhau, khi cao khi thấp khi nặng khi nhẹ, thậm chí một đứa trẻ có thể nói ngọng thành “pàn” nhưng mẹ nó, nếu hiểu ý nó, vẫn biết được là nó đang nói về “bàn”, vì ngôn ngữ là một mẫu số chung tồn tại trong tâm thức của cộng đồng. Còn vỏ âm thanh tiếng “bàn” nghe được của từng cá nhân thuộc về lời nói, và là đối tượng nghiên cứu của một ngành học khác ngoài ngôn ngữ học.

[6] Chúng chỉ trở thành ký hiệu khi đi vào một hệ thống thứ cấp, chẳng hạn văn học, trong mối quan hệ tương đồng, tương phản với các yếu tố khác.

[7] Các nhà kí hiệu học hậu Saussre đã cố gắng “tái vật chất hóa” ký hiệu, làm “xuất hiện trở lại” “cái bị đàn áp” bằng cách chứng minh tính vật chất của ký hiệu cùng khả năng biểu nghĩa của nó, song tính vật chất chỉ tồn tại ở một mặt (chất liệu của biểu hiện) trong tương quan với ba mặt còn lại của ký hiệu (hình thức của biểu hiện, chất liệu của nội dung, hình thức của nội dung). Hoàng Trinh cũng hiểu không đúng về các khái niệm này. Đây là điều chúng tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác.

[8] Tính trung gian còn thể hiện ở chỗ: hiện thực đôi khi không thể hiện diện nếu nó không được con người nhận thức. Chẳng hạn, tai người chỉ có thể nghe được âm thanh ở dải một tần số nhất định. Vượt ra ngoài giới hạn đó, đối với con người, âm thanh ấy không tồn tại. Tất nhiên, nó vẫn hiện diện với tư cách là một thực thể vật lí, nhưng nếu không được con người khám phá, phát hiện, nó không thể được nhắc đến như chất liệu của cái biểu đạt.

[9] Hoàng Trinh 1979: 38.

[10] Chẳng hạn từ “I” trong tiếng Anh và từ “tôi” trong tiếng Việt, từ “he” trong tiếng Anh và từ “hắn” trong tiếng Việt.

[11] Trong cuốn Semiotics the Basics, chương nói về mối quan hệ giữa “từ” và “vật”, Chandler có nhắc đến một chi tiết trong tiểu thuyết Gulliver du kí của Jonathan Swift, kể về các viện sĩ hàn lâm ở Lagado. Họ đề xuất sử dụng các đồ vật để giao tiếp thay vì ngôn ngữ. Theo Chandler, các viện sĩ đã tiếp nhận một quan niệm triết học của chủ nghĩa hiện thực ngây thơ trong việc cho rằng từ chỉ là tấm gương phản chiếu thế giới bên ngoài, và ngôn ngữ là một bảng danh mục dùng để dán nhãn, gọi tên các sự vật. Theo Saussure, đây là một xu hướng quan niệm về ngôn ngữ một cách nông cạn, khó chấp nhận.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512043

Hôm nay

2369

Hôm qua

2337

Tuần này

22417

Tháng này

218916

Tháng qua

121356

Tất cả

114512043