Văn hoá học đường
Trường Vinh một thuở
Sinh viên Đại học Vinh. Ảnh Hoàng Nguyên
Tôi thực không biết nên bắt đầu như thế nào khi viết về một thuở đáng nhớ của đời mình. Thuở ấy đã thật xa. 40 năm rồi còn gì!
40 năm kể từ ngày chúng tôi rời xa mái trường Đại học Sư phạm Vinh (sau này là Đại học Vinh) thân yêu, tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Bây giờ gặp lại nhau, trên đầu đã hai thứ tóc, người còn, người mất, xao xuyến bùi ngùi. Thời gian trôi… nhanh quá! “Bốn mươi năm ấy - bây giờ/Thoảng qua như một giấc mơ cuộc đời”!
Vượt lên gian khó
Ngày ấy, đất nước vừa đi qua cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc suốt 30 năm đầy gian khổ, hy sinh. Chúng tôi là khóa học đầu tiên của trường Vinh (xin được gọi lại biệt danh thân yêu này) sau ngày đất nước thống nhất. Dấu vết chiến tranh vẫn còn hiện hình trên khắp thành phố Đỏ anh hùng, dẫu hòa bình đến với mảnh đất đầy khói lửa này đã được ba năm. Nhưng ba năm chưa đủ để hồi sinh một vùng đất hoang tàn vì đạn bom giặc. Vết thương chiến tranh chưa liền da trên cơ thể đau thương của thành phố quê hương - biểu tượng anh hùng thời đánh Mỹ.
Cuộc sống những năm sau hòa bình thật muôn vàn gian khó. Trường Vinh nơi tôi sẽ gắn bó suốt 4 năm đại học cũng vừa mới từ nơi sơ tán trở về. Tiếng là trường đại học danh giá của dải đất Bắc miền Trung nhưng cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn rất tạm bợ. Từ khu Hiệu bộ đến các giảng đường đều là nhà cấp 4 mới xây sau chiến tranh; đặc biệt nhà ở của cán bộ giáo viên, ký túc xá sinh viên đều dựng tạm tranh tre nứa lá bằng công sức lao động cật lực của bao thầy cô và các anh chị sinh viên khóa trước.
Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh khu ký túc xá sinh viên ngay từ giây phút đầu tiên đến trường nhập học. Trên mỗi dãy nhà tranh vách nứa, ba bốn cặp tre to giằng chéo qua mái chắc là để chống bão, đầu mỗi cây tre nhô cao như mũi chông, đâm thẳng lên bầu trời. Có lẽ đấy là hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại trong kí ức một thời sinh viên của tôi về ngôi trường đại học trên mảnh đất mà trước đó không lâu còn nóng bỏng khói lửa chiến tranh.
Mỗi phòng ký túc xá kê 4 giường tầng, đủ để 8 sinh viên trọ học. Giữa các phòng ngăn cách bằng vách nứa. Tôi ở tầng trên, vách ngăn chỉ lưng lửng, đứng trên giường có thể nhìn thông từ đầu đến cuối dãy ký túc xá.
Thời gian khó, tài sản của sinh viên cũng thật giản đơn. Anh chị nào cũng khư khư một cái rương gỗ to tướng, đủ để nhét tất tần tật mọi thứ riêng tư, từ quần áo, sách vở, giấy bút và đôi khi cả cân đường, hộp sữa hay thậm chí ổ bánh mì mới đổi được bằng tem phiếu ở cửa hàng Bến Thủy để dành chưa ăn. Ai mà có va-ly là thuộc tầng lớp “thượng lưu” rồi.
Lớp 16DK2 của chúng tôi có 46 vị, chỉ một số người may mắn có thứ tài sản khủng do ông bà cha mẹ để lại là cái xe đạp. Tôi cũng nằm trong số đó. Xe đạp lúc bấy giờ còn đeo biển số, quý như vàng, bạn bè rất ít kẻ được may mắn sờ tới.
Nhưng tầng lớp “thượng lưu” trong lớp đích thực phải kể đến mấy “chú” bộ đội. Khóa 16 của chúng tôi là khóa đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước cho nên có rất nhiều các anh các chị từng là bộ đội, thanh niên xung phong. Ở lớp tôi, những người vừa đi ra từ cuộc chiến chiếm hơn một phần ba. Nói họ là tầng lớp “thượng lưu” quả không oan vì họ có lương so với chúng tôi chỉ hưởng phụ cấp sinh viên. Giữa thời cơm cao, gạo kém được như thế là sướng nhất thiên hạ rồi. Cũng phải thôi, các anh chị đã từng lăn lộn nơi chiến trường khói lửa, sống chết chỉ trong gang tấc; nhiều người từng là cựu sinh viên của dăm ba khóa trước, tạm gác bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ra trận. Môi trường khốc liệt đã tôi luyện họ, chững chạc trong tư thế tác phong, trong đối nhân xử thế và trong cả việc tiếp cận tri thức nhờ vốn sống thực tế ngồn ngộn. Chả bù cho chúng tôi, lũ học sinh phổ thông vắt mũi chưa sạch, vào đại học rồi còn ngơ ngơ ngác ngác đúng chất trẻ trâu lần đầu tiên ra phố tiếp xúc với môi trường đại học.
Đời sinh viên thuở ấy, khó khăn, gian khổ thì không nói hết, mà đâu chỉ riêng gì sinh viên, cả xã hội đều như thế. Lỗi là do... chiến tranh! Cái nguyên nhân “khách quan” này nó vẫn còn đeo đẳng cho đến bây giờ.
Bánh mì hai nửa bẻ đôi
Chia nhau lát sắn, củ khoai đỡ lòng.
Những đêm lạnh giá mùa Đông
Chọc lò khuấy bột ta cùng có nhau
Tôi đã từng cố gắng phác họa “chân dung” của chúng tôi hồi ấy. Có cả nét vẽ rất xấu trong con mắt thời nay:
Đồng bên quơ trộm mớ rau
Luộc lên chấm muối, gật đầu khen ngon!
Thời của tem phiếu cho nên chỉ ngong ngóng sao cho mau đến chủ nhật để:
Bạn về chủ nhật mừng rơn
Chiều ni bớt suất, mai lên có quà
Sắn khô, khoai lát, dưa cà
Lọ tương, đọi nhút mặn mà tình quê.
Và còn một thứ mong ngóng khác: Tiếng kẻng báo giờ đến nhà ăn tập thể. Sau hồi trống dài mười lăm phút của ông Sơn - người cầm chịch giờ giấc của trường hồi ấy - báo hiệu giờ vào học thì có lẽ đấy là chuỗi âm thanh mà chúng tôi mong đợi nhất trong ngày của một thời sinh viên đói ăn, đói mặc, đói tiền mà... vui.
Cơm gạo mọt hôi, khoai lang, ngô hạt, sắn lát hay bo bo chúng tôi đã từng. Khổ nhất là những bữa may mắn có cơm và bánh mì. Cơm thì chỉ một bát, bánh mì thì hai người chung một cái, đau đầu vì nó bởi khi bẻ đôi, dù đã căn ke rất cẩn thận nhưng lúc nào cũng có cảm giác phần đưa cho bạn dài hơn phần mình. Ấy vậy mà thỉnh thoảng cũng được trường cho cải thiện một bữa nhớ đời nhân dịp 20-11 hay ngày Tết dương lịch.
Xứ Nghệ đất cằn sỏi đá, không chỉ thế, xứ Nghệ còn khiến các thế hệ sinh viên nhớ mãi với những ngày hè nóng bỏng:
Còn đây những buổi trưa hè
Nắng như đổ lửa, bốn bề khô ran
Gió lào thổi rạt từng cơn
Bạn đi rửa mặt nhúng giùm khăn nhau.
Gian khổ thế, vất vả thế nhưng chúng tôi học ra học, rất tự giác dù cũng có lúc ham chơi như đá bóng, xem phim bãi. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh nơi sân vận động - bây giờ là khu nhà ba bốn tầng gắn biểu tượng của trường Vinh - mỗi khi vào mùa thi, hàng chục ngọn đèn dầu tạo nên cảnh tượng như đêm hoa đăng:
Mùa thi thức trọn canh thâu
Chập chờn bên ngọn đèn dầu bóng ai
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc lại đây một kỷ niệm mà bây giờ ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này mỗi khi nhớ lại vẫn còn rùng mình. Đấy là trận lũ năm 1978. Ngày ấy chúng tôi vừa mới bước vào năm thứ 4. Tháng 9 mưa bão lớn, lũ dâng khắp nơi. Khu ký túc xá nhà trường nước ngập đến non đầu gối. Chúng tôi được lệnh đi chống lũ trong đêm. Mỗi người được phát một ổ bánh mỳ loại chốt ràn, cấp tốc vượt đỉnh núi Quyết sang tiếp ứng giữ đê Hưng Lợi. Đêm ấy, chúng tôi nhận từng bao cát từ ca nô chuyển lên để đắp con chạch, lúc này nước lũ sông Lam đã dâng cao hơn mặt đê. Sáng ngày trở về trường, khi leo lên đến đỉnh núi nghỉ chân nhìn xuống mới thấy tá hỏa. Con đê như sợi chỉ ngoằn ngoèo giữa biển nước mênh mông. Vậy mà chúng tôi đã ở đó suốt đêm. Nói dại, lỡ xảy ra chuyện gì thì hàng trăm sinh mạng sinh viên sắp ra trường sẽ ra sao nhỉ? Không dám nghĩ tiếp nữa. Thật may, hồi ấy nước lũ ngoài sông và nước lũ trong đồng không chênh nhau là mấy nên áp lực giảm đi. Quả là một phen hú vía.
Ai còn nhớ giảng đường chật hẹp hai lớp ghép lại học chung nhưng vẫn say sưa như nuốt lấy từng lời thầy giảng? Ai còn nhớ cảnh xếp hàng chen nhau mượn sách ở thư viện? Ai còn nhớ hình ảnh những Thầy Cô đáng kính: Thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Nguyễn Duy Bình, thầy Lê Bá Hán, thầy Đậu Văn Ngọ, thầy Trần Quốc Chửng, thầy Lê Kinh Khiên, thầy Nguyễn Khắc Phi, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn, thầy Tưởng Đăng Trữ, thầy Nguyễn Cảnh Phức, thầy Nguyễn Xuân Đức, cô Nguyễn Thị Bích Hải, cô Đỗ Thị Kim Liên và nhiều thầy cô khác nữa?
Bao nhiêu chuyện của một thì
Bốn mươi năm ấy chẳng hề phôi phai.
Ký ức tràn về làm sao kể hết? Thôi thì cất để trong tim, hẹn đến cuộc hội ngộ 60 năm ngày lập trường hàn huyên cũng chưa muộn.
Thương hiệu trường Vinh
Ai cũng biết xứ Nghệ đất cằn sỏi đá, nhưng là “đất sỏi có chạch vàng”. Vùng đất ít được thiên nhiên ưu đãi ấy lại chính là nơi sản sinh ra những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của đất nước.
Chính cái khắc nghiệt của môi trường sống đã trui rèn các thế hệ người dân nơi đây, làm nên tính cách Nghệ, rất riêng. Nóng nảy, cục cằn nhưng cần cù, chịu khó, trung thực, thẳng thắn, nghĩa khí, đàng hoàng, dũng cảm, không luồn cúi.
Người xứ Nghệ còn nổi tiếng bởi lòng ham hiểu biết, ham học. Danh xưng “ông đồ Nghệ” lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc, từ cổ chí kim.
Trường Vinh đứng chân nơi thành phố Đỏ, đó là cái phúc lớn để được thừa hưởng những giá trị văn hóa đặc trưng của xứ sở, để rồi làm nên “thương hiệu trường Vinh” cũng rất riêng, rất cá tính.
Lần đầu tiên tôi biết đến cụm từ này là khi đã ra trường được dăm ba năm. Những lần đi dự hội thảo hay thăm thú bạn bè, gặp người tứ xứ, mới hay có cái danh “dân trường Vinh” làm nên “thương hiệu trường Vinh” để chỉ những người trưởng thành từ cái “lò” trường Vinh đi ra. Phải như thế nào thì người ta mới “tặng” mình cái danh xưng đặc biệt ấy.
Tôi nhớ, hình như bắt đầu từ khóa 14, sinh viên tốt nghiệp trường Vinh đều có mặt trên khắp miền đất nước, đặc biệt là từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào. Khóa 16 chúng tôi có lẽ là khóa có số lượng được Bộ Giáo dục bổ nhiệm công tác ở phía Nam nhiều nhất. Lớp tôi tính ra cũng có khoảng một nửa đi nhận công tác, về các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm, Trung học phổ thông ở các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.
Họ - dân trường Vinh - không quản ngại xa xôi, gian khó; đồng cam cộng khổ cùng đồng nghiệp, học sinh, sinh viên xây dựng nhà trường nơi mình công tác từ những ngày đầu mới phôi thai. Dân trường Vinh ở nhiều nơi là lực lượng nòng cốt của đội ngũ cán bộ, giáo viên; vững vàng bám trụ, giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết làm nên “thương hiệu trường Vinh” đầy tự hào.
Có được niềm hạnh phúc ấy là nhờ công lao dạy dỗ của các thế hệ thầy cô - những Nhà giáo nổi tiếng một thời mà người đặt nền móng là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường - những trí thức chân chính uyên bác mang trong mình cốt cách Nghệ. Và sâu xa hơn, niềm hạnh phúc ấy còn được ấp ủ, ươm mầm từ vùng đất giàu truyền thống văn hóa của cha ông.
40 năm ấy… bây giờ
Năm 2019 này, tròn 40 năm khóa 16 chúng tôi ra trường, cũng là năm trường đón cột mốc mới: Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đại học Vinh.
40 năm vật đổi sao dời. Thế hệ chúng tôi đã xong sứ mệnh của mình. Trường 60 tuổi, cũng đã trọn một vòng xoay để bước sang một chu kỳ phát triển mới. Những gì tôi kể lại đây chỉ còn là kỉ niệm.
Cái tên Trường Đại học Sư phạm Vinh đã bắt đầu xa lắc xa lơ từ hồi 2001 khi trường đổi tên thành Trường Đại học Vinh (Tên tiếng Anh là Vinh University), bởi tầm vóc, quy mô của trường đã khác trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập.
Nhưng “sốc” nhất có lẽ là vài năm trước khi nghe tin, trường đang làm cuộc “cách mạng” sắp xếp lại các ngành đào tạo. Không còn khoa Văn, khoa Sử, không còn khoa Toán, khoa Lý mà thay vào đó là các viện: Viện Sư phạm Xã hội, Viện Sư phạm Tự nhiên, ngoài chức năng đào tạo còn có thêm chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Có một chút hẫng hụt, thoáng một nét buồn dù vẫn biết đó là quy luật của sự phát triển. Trên đời này, chẳng có gì là vĩnh cửu, cũng như chúng tôi, 40 năm rồi biết bao thay đổi trong vận số cuộc đời. Đâu mái trường xưa đơn sơ nghèo khó? Đâu những biệt danh K1, K2, K3, K4? Đâu những kỷ niệm gắn bó một thời sinh viên?
Bây giờ trường Vinh là một trong ba trường đại học đa ngành đứng đầu về đào tạo tại miền Trung, là một trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam, được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia. Ngoài đào tạo, trường đồng thời còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chính sách quản lý lớn của khu vực miền Trung. Cơ sở vật chất của trường đồ sộ, hiện đại. 40 năm trước, đã mấy ai dám mơ về một cơ ngơi to đẹp như thế trên cái nền đất cát với những mái nhà tranh tre nứa lá? Nghĩ thế mà thấy tự hào, dạt dào một niềm vui.
Về trường trong ngày hội lớn hôm nay, không còn khoa như mái ấm gia đình để mà tụ họp nhưng còn đó ngôi trường của ta, tấm lòng của ta và ân tình sâu nặng của bao thế hệ thầy trò đã viết nên những trang sử vẻ vang của Đại học Vinh.
Gặp nhau lòng dạ bồi hồi
Tưởng như còn đó một thời sinh viên...
Vâng, còn đó Trường Vinh, còn mãi một thời đầy ắp kỷ niệm!
tin tức liên quan
Videos
Khi người trẻ lan tỏa phong trào cờ vua
Văn hóa Thể thao Nghệ An năm 2023: Nỗ lực, sáng tạo và thành công
Không gian diễn xướng - xương sống của dân ca Ví, Giặm
Những trình diễn ma thuật trong Mắt biếc của Toni Morrison
Mùa Xuân nghĩ về Bác Hồ, Đảng và vận mệnh dân tộc
Thống kê truy cập
114485454
295
2310
22025
212766
120271
114485454