Văn hoá học đường
Nhớ thầy Nguyễn Trung Hiếu
Thầy Nguyễn Trung Hiếu...
Với nhiều thế hệ sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là trường Đại học Vinh), thầy Nguyễn Trung Hiếu là người để lại những ấn tượng hết sức sâu đậm. Thầy sinh năm 1925 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thầy tham gia phong trào Đoàn thanh niên cứu quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi trường cấp 2 Diễn Châu được thành lập, thầy là một trong những giáo viên đầu tiên. Năm 1960, lúc đã 35 tuổi, thầy mới nhập học khóa 2 Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, sau đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa cho đến ngày về hưu.
Trong chương trình đào tạo của Khoa hồi ấy, thầy đảm trách lên lớp các bài: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương cho sinh viên năm thứ ba. Biết lịch dạy có giờ của thầy, nhiều sinh viên tỏ ra rất háo hức. Chả là, trước đó, một số người đã thì thầm kể cho nhau nghe nhiều giai thoại về thầy do các giảng viên trẻ, các anh chị khóa trước hoặc các anh chị cao học truyền miệng. Có chuyện nói về sự sắc sảo, độc đáo, ngay thẳng, khí khái của thầy, có những chuyện gây hiếu kỳ là chính, ví như, sự "lập dị", chuyện suốt bốn mùa, thầy chỉ rặt đi giày, chưa ai có "diễm phúc" được nhìn đôi chân trần của thầy...
...và chân dung tự họa
Chiêm ngưỡng hình ảnh thầy từ xa thì rất ấn tượng: không cao lớn lắm, nhưng trông có vẻ "quý tộc" trong chiếc áo măng-tô dạ đen, chiếc mũ phớt dạ xám, đôi giày cao cổ bằng da thật, mái tóc rẽ ngôi giữa, không mượt cũng không rối, đôi môi mím lại, khóe miệng cắt một nét dứt khoát đầy vẻ quyết đoán, trên tay luôn có điếu thuốc cháy dở, bước từng bước chậm rãi, trầm tư dưới những hàng phi lao của dãy nhà tập thể. Nhưng khi đã "xáp" vào đời sống thường nhật của thầy, mới vỡ ra một điều: tất cả những thứ trang phục kia đều đã quá cũ sờn. Con người "sang trọng" ấy cũng luôn tất bật với những chuyện "tẹp nhẹp" mắm muối dưa cà. Vợ thầy làm ở thư viện, giờ giấc hành chính ngày 8 tiếng, hai đứa con nhỏ, một mình thầy phải lo việc bếp núc, kiếm củi đuốc, xếp hàng mua gạo (có khi chỉ là ngô, khoai, bo bo, sắn lát), mua thực phẩm. Thầy nói về bí kíp kho cá với dưa, về kinh nghiệm rang cơm nguội cũng say sưa như nói về một họa phẩm vậy.
Dạy, thầy nói ít, giọng nhỏ, trầm đục, chậm rãi. Đôi khi có những chỗ lặng rất lâu, điếu thuốc cháy trên tay, mắt nhìn vào khoảng không, mặc cho đám sinh viên ngước mắt chờ đợi. Trên bảng chỉ có một vài chữ tên bài, thỉnh thoảng, thầy mới cầm phấn phóng vẽ một đồ hình lạ mắt. Thay vì say sưa, hùng hồn truyền thụ tri thức hay nồng nàn gợi hứng như một số giảng viên khác, thầy chủ yếu kích hoạt suy nghĩ của sinh viên bằng cách xác lập quan hệ giữa các dữ kiện rất chọn lọc về tác giả, tác phẩm và dùng một thứ ngôn ngữ hết sức đích đáng để diễn đạt. Cũng có khi là những lối mở bất ngờ vào tác phẩm khiến người nghe khao khát tiếp tục khám phá. Lần đầu tiên, nhiều sinh viên mới được nghe trong bài giảng về văn học những từ như "quy chiếu", "ánh xạ", "mô hình", "hệ giá trị", "trực giác nghệ thuật", "nghịch lý", "chực tha hóa",... Sinh viên thường hứng thủ đuổi bắt những ý tưởng mới mẻ, lạ lùng mà thầy gợi ra. Hầu như không ai ghi được chữ nào.
Ngược với sự trầm tĩnh, kiệm lời vốn có, động đến chuyện khoa học, văn chương, nghệ thuật, thầy trở nên khoái hoạt hẳn. Thầy có thể nói hàng giờ với người nghe tâm đắc về cuốn sách của một ông Tây nào đó lạ hoắc. Có điều kiện đọc lại một số bài báo, nhất là cuốn Về tính hệ thống của văn học của thầy, dễ thấy, thầy rất thông minh, nhạy bén, nhưng khá tài tử, không thuộc típ người ưa tra cứu tỉ mỉ, trích dẫn chính xác. Cho nên, bây giờ có muốn in lại cuốn sách ấy của thầy, người biên tập chẳng thể nào lần ra xuất xứ những câu trích dẫn độc đáo để mà chú nguồn.
Thầy đặc biệt thích kiểu tư duy đột phá và khả năng mô hình hóa đối tượng bằng cái nhìn hệ thống. Trước một hiện tượng văn học, với thầy, điều quan trọng nhất là phải có tư tưởng, từ đó có cách tiếp cận mới, chứ không phải là ở khả năng diễn giải theo cảm nhận chủ quan. Phải đi vào cái lõi của vấn đề thay vì nệ sự đủ đầy, tròn trịa. Từ cái lõi đó, mọi yếu tố sẽ được quy chiếu về một hệ giá trị mới được xác lập để có cách đánh giá khác biệt. Những công trình của thầy như Cái nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu và tấm lòng ý chí Việt Nam, Để hiểu Đồ Chiểu rõ hơn về nghệ thuật, Về tính hệ thống của văn học, “Truyện Kiều”trong yêu cầu đổi mới của khoa nghiên cứu văn học, Từ đặc thù văn học, nhìn lại vị trí của phản ánh luận và thế giới quan… rất có tiếng vang trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học.
Các cán bộ giảng dạy lớp sau của Khoa, nếu chịu ảnh hưởng từ thầy thì chủ yếu là về kiểu tư duy chứ không phải là cung cách làm việc hay thao tác kỹ thuật. Trong Khoa, có những thầy giáo được người ta nhìn nhận như "đệ tử chân truyền" của thầy Nguyễn Trung Hiếu, thể hiện ở cách nghĩ, lối tiếp cận vấn đề, mặc dù các vị ấy đã tự vạch một con đường riêng của mình trong giảng dạy, nghiên cứu, chẳng hạn, thầy Lê Văn Tùng, PGS.TS Biện Minh Điền... Có người, từ kiểu tư duy độc đáo và cả từ những giới hạn của thầy, đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu để vươn lên, tiệm cận với hệ hình nghiên cứu mới, những lý thuyết hiện đại và gặt hái không ít thành công. Phan Huy Dũng là một trường hợp như thế. Nhìn lại điểm xuất phát, hẳn họ thầm biết ơn thầy. Đọc hồi ức của các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử,... tôi nhận thấy, khi nhớ về những năm tháng công tác ở Đại học Sư phạm Vinh, các thầy có thể quên người này người kia, nhưng thầy Nguyễn Trung Hiếu thì bao giờ cũng được nhắc đến với một sự nể trọng không giấu diếm. Tôi đã nghe vài lần GS Trần Đình Sử nói về thầy Hiếu với thái độ cảm phục. Một người từng bám sát những lý thuyết nghiên cứu hiện đại của thế giới như thầy Sử, thì khi thầy nói về những nỗ lực vượt thoát lối tiếp cận xã hội học dung tục mà thầy Nguyễn Trung Hiếu đã thể hiện trong những điều kiện rất ngặt nghèo và một môi trường học thuật hết sức hạn chế, quả thật rất đáng tin.
Có lẽ bởi kiểu tư duy và tính cách đó, sự giao đãi của thầy trong giới rất có lựa chọn. Thầy chịu được ai, không thích ai đều bộc lộ bằng một thái độ dứt khoát, không lừng khừng nước đôi. Sự nhân hậu của thầy không thể hiện một cách dễ dãi. Thương ai thì kín đáo giúp đỡ, tương đắc với ai thì để trong lòng, sự “biệt nhỡn” nhiều khi chỉ bằng một ánh mắt, không vồ vập lộ liễu, người ngoài khó mà biết. Thầy không ưa những kẻ bất tài, vô bản sắc, đãi bôi, tầm phào, và đặc biệt chúa ghét loại xu phụ, cơ hội, tráo trở. Những kẻ đó thường bị thầy “trừng phạt” bằng một câu đích đáng, để đời.
Thầy thích chụp ảnh, tự tráng phim, in ảnh, và đặc biệt thích vẽ. Nói đến gia tài tinh thần của thầy, không thể không kể đến hội họa (với khoảng hơn 40 tác phẩm gia đình còn giữ được). Thầy khá vững về hình họa, về xử lý sáng - tối, viễn - cận, còn dùng màu thì rất phóng túng. Vẻ đẹp phụ nữ là một nguồn hứng khởi bất tận ở hầu hết tác phẩm của thầy. Phụ nữ chèo thuyền, đạp xe, gánh nước, cầm hoa, đánh đàn, múa quạt... và tập trung nhất ở Kiều với nhiều tư thế khác nhau. Dù vẽ gần, đặc tả hay chỉ vài nét sơ thoáng vẽ nhân vật ở xa, thân hình người nữ vẫn hết sức duyên dáng, gợi cảm. Một số bức minh họa Kiều theo lối tả thực, trông rất đẹp. Cùng một đề tài "Khách đà lên ngựa người còn nghé theo", thầy thể nghiệm nhiều bố cục khác nhau, và bức nào cũng thấm đẫm cảm xúc. Trong di sản hội họa của thầy, những bức như Chân dung tự họa, Thề nguyền, Khóc rằng trí dũng có thừa, Xăm xăm băng lối vườn khuya, Kiều Loan, Trên những nẻo đường thời chiến,… thực sự là những tác phẩm đẹp.
Một trong những bức họa thầy vẽ về đề tài Truyện Kiều
Mặc dù tự nghiên cứu, nhưng thầy cũng rất được tín nhiệm về chuyện lấy lá số tử vi. Thầy chỉ lấy số cho con cái của những người thân quen. Người viết mấy dòng này từng được thầy lấy số tử vi cho hai đứa con. Về cậu con trai sinh năm Mậu Thìn, lá số kết lại bằng một câu: "Người này không xây nghiệp quanh gốc tổ mà sẽ đi xa". Nghiệm quá! Hai lá số được vợ tôi luôn cất giữ cẩn thận như giữ một vật thiêng.
Thầy mất năm 1995, thọ 70 tuổi.
Di sản nghiên cứu văn học và các tác phẩm hội họa của thầy Nguyễn Trung Hiếu cho thấy tầm vóc của một nhà giáo: uyên bác, sắc sảo và cũng rất đỗi nghệ sĩ, tài hoa. Thầy xứng đáng là một trong những giảng viên tiêu biểu nhất trong đội ngũ các nhà giáo đã có công tạo nên bề dày truyền thống của Khoa Văn nói riêng, trường Đại học Vinh nói chung trong 60 năm qua.
tin tức liên quan
Videos
Ranh giới mong manh giữa văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh và mê tín dị đoan
Trang phục của người Thái ở huyện Qùy Châu
Học để biết nghĩ
Giao lưu nghệ thuật Fashion show “Nhịp sống trẻ”
Lang thang trong cõi vô hình
Thống kê truy cập
114517762
277
2332
21109
215701
121009
114517762