Văn hoá học đường

Những thách thức trong dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn

                                                                                                                                                                          Nguồn internet

1. Khác với kiểu giáo dục truyền thống - cung cấp kiến thức, chương trình giáo dục 2018 đặt mục tiêu phát triển năng lực. Đó là một chương trình mang tính khai phóng khi mục tiêu sau cùng, khái quát nhất là đào tạo ra những con người có năng lực tự chủ. Điều này đồng nghĩa với việc người giáo viên không nên mơ tưởng rằng mình sẽ trở thành tấm gương cho học trò. Sẽ không có bất cứ tấm gương nào cả! Điều kiện tiên quyết của dạy học phát triển năng lực là phải tạo ra một con đường thông thoáng cho việc lựa chọn nhận thức và hành động. Sẽ không thể có một nền giáo dục khai phóng nếu chúng ta vẫn bắt nhà trường, giáo viên và học sinh cứ phải, theo cách nói của Nguyễn Minh Châu là, bạt bớt chiều cao hoặc bề rộng để được tự do đi trong một cái hành lang hẹp nào đó. Chừng nào các áp lực thường gặp lâu nay chưa được giải tỏa, thì dù có giáo viên tài ba, học sinh thông minh và nhà trường ưu việt đến mấy, rốt cuộc cũng chỉ giáo dục ra những sản phẩm lỗi - những con người thụ động, lười biếng và hèn nhát, những con người hoàn toàn có thể tự nguyện giao phó số phận cho kẻ khác để vui vẻ tồn tại với tư cách là những công cụ.

2. Đang ít nhiều có sự thiếu nhất quán trong quan niệm về năng lực ở một số tình huống cụ thể. Qua tham dự bốn cuộc Hội thảo - tập huấn về dạy học phát triển năng lực, tôi nhận ra rằng, sự thức nhận về các năng lực cụ thể được quy định trong chương trình ngữ văn không phải đã được hiểu một cách đồng bộ. Có thể kiểm chứng điều này nếu nhìn vào một vài giáo án minh họa được bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra để thảo luận, góp ý. Cùng với sự hiểu chưa thực sự khoa học ấy, là nguy cơ lệch trọng tâm: hoặc vẫn coi trọng kiến thức mà quên đi mục tiêu năng lực, hoặc quá coi trọng mục tiêu năng lực mà biến giờ dạy văn học thành giờ dạy của một môn học khác, như mĩ thuật, hay giáo dục công dân…

2.1. Quan niệm về năng lực ngôn ngữ trong giáo án minh họa cấp trung học phổ thông chẳng hạn, mục tiêu Phát triển năng lực của bài học Vợ nhặt được trình bày như sau:

Năng lực chung: Tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo

Năng lực môn học: Năng lực ngôn ngữ và văn học: phát triển kĩ năng đọc hiểu văn bản văn học.

Nhưng trong phần diễn giải (cụ thể hóa mục tiêu), dường như các tác giả của giáo án chưa đề cập đến yêu cầu, cách thức cụ thể của việc phát triển năng lực ngôn ngữ. Các mục tiêu cụ thể ở đây chỉ cơ bản tập trung vào các yếu tố thẩm mĩ của văn bản ở chủ đề, thông điệp, tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo, đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ văn học, các yếu tố thuộc phạm trù thi pháp của truyện ngắn hiện đại, so sánh, nhận xét, đánh giá văn bản, phân tích tác động của văn bản. Thực ra thì, năng lực ngôn ngữ phải được hiểu là năng lực tri nhận và vận hành ngôn ngữ. Nghĩa là, giờ dạy phải làm cho người học nhận thức được một số vấn đề của ngôn ngữ (không chỉ là ngôn ngữ nghệ thuật), và thể hiện hoặc rèn luyện được kĩ năng sử dụng ngôn ngữ để thực hành tư duy và giao tiếp thông qua trao đổi, đối thoại… trên trục chính là văn bản. Nếu theo cách mà giáo án minh họa đưa ra, nhìn từ mục tiêu, đây vẫn đang là giáo án thiết kế cho một giờ dạy cung cấp kiến thức, mà cơ bản chưa chạm đến yêu cầu phát triển năng lực.

2.2. Nếu giáo án thiết kế cho bậc trung học phổ thông dành sự quan tâm quá nhiều cho mục tiêu thẩm mỹ, mà chưa chú ý đến các mục tiêu khác (được dẫn ra), thì giáo án minh họa dành cho bậc tiểu học lại đi theo chiều ngược lại: quá quan tâm vào mục tiêu năng lực khác mà xa rời bản chất thẩm mỹ của tác phẩm. Giáo án lấy bài thơ Sắc màu em yêu, làm ví dụ soạn giảng. Mặc dù trong Hoạt động khám phá (thời lượng 20 phút), người soạn đã có một câu hỏi “Bài thơ nói lên điều gì về tình cảm của bạn nhỏ đối với quê hương đất nước?”, nghĩa là đề cập đến một nội dung rất trọng tâm của tác phẩm, nhưng trong toàn bộ quá trình dạy - học được mô tả, có vẻ như giáo án đã không dành nhiều sự quan tâm cho nét nghĩa rất quan trọng này. Ngay trong ba hoạt động của phần Hoạt động tổng kết, giáo án cũng chỉ dừng lại ở ba việc: 1. Nhận xét giờ học; 2. Khuyên HS đem bông hoa tặng người mà em đã gửi gắm tâm sự; 3. Cả lớp hát bài Việt Nam ơi, mà không hề có một hoạt động nào nhắc đến tư tưởng cốt lõi đó. Có thể người soạn có dụng ý lấy bài hát Việt Nam ơi để khơi gợi tình cảm yêu nước ở các em, nhưng xin lưu ý, với các em ở bậc tiểu học, bài hát thường vẫn chỉ là bài hát, để tạo được một sự liên tưởng, từ đó hình thành phẩm chất là vô cùng khó. Và nếu như thế, giờ dạy học đã thất bại ở khâu tri nhận văn bản và bồi dưỡng phẩm chất. Cộng thêm đó, tôi cho rằng, người dạy hoàn toàn có thể vun đắp cho các em một thứ tình cảm yêu nước, thiết thực hơn, gần gũi với các em hơn: yêu nước là yêu những sắc màu đất nước, yêu môi trường sống của mình, tấm lòng yêu nước có thể thể hiện ngay trong hành động tưởng chừng đơn giản là giữ gìn vẻ đẹp của môi trường sống: nhặt một tàn thuốc lá bỏ vào sọt rác, trồng thêm một cây xanh… chẳng hạn. Điều đó thiết thực hơn nhiều so với việc “bắt” các em phải yêu nước theo tinh thần Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, anh Trỗi hay chị Sứ…

2.3. Thực tế trong những năm đi học và theo dõi một số tài liệu (trong đó có cả giáo án, sáng kiến kinh nghiệm) trên các kênh thông tin khác nhau, có thể tin rằng căn bệnh liên hệ tác phẩm với thực tiễn (như một dạng yêu cầu bắt buộc) đang góp phần rất quan trọng trong việc biến những giờ dạy văn thành những giờ dạy chính trị, đạo đức… nặng về xã hội học dung tục. Đấy là quán tính. Thực lòng mà nói, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không còn mặn mà với văn chương và các giờ học văn. Dù năng lực gì đi nữa, thì bản chất của văn chương vẫn là thẩm mỹ. Chính vì thế, không nên và không được giết chết văn chương theo cách này. Điều đáng buồn và đáng tiếc là hiện tượng mà chúng tôi đang bàn lại xảy ra ngay với cả những giáo viên còn rất trẻ, thậm chí là giảng viên Đại học. Trong một cuộc tập huấn, tôi có vinh dự được bố trí cùng nhóm với một giảng viên của một trường Đại học danh tiếng, mà theo thông tin tôi nhận được, là đào tạo Tiến sĩ ở một nước châu Âu. Chúng tôi được giao nhiệm vụ thiết kể một giáo án minh họa cho bậc Trung học phổ thông. Nhóm cử hai nữ giảng viên phụ trách chính, trong đó có người tôi vừa nói đến. Văn bản được chọn là Tự tình của Hồ Xuân Hương. Khi xác định mục tiêu, những đề xuất về giá trị nhân văn, tinh thần nhân bản… đều bị “ngó lơ”. Phần yêu cầu liên hệ thực tế, hai giảng viên này đều nhất quyết phải bắt bằng được người học liên hệ số phận của người phụ nữ trong Tự tình với người phụ nữ hiện đại để thấy tính ưu việt của chế độ một vợ một chồng, mà hơn nữa là một vợ một chồng Xã hội chủ nghĩa (!)

3. Một trong những điều kiện để thực hiện tốt dạy học phát triển năng lực là vấn đề cải thiện con người. Trước hết là phía người dạy. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng quán tính dạy học truyền thụ tri thức và những áp lực thành tích trải qua nhiều chục năm đã sản sinh ra không phải một, mà là nhiều thế hệ giáo viên, giảng viên coi việc đọc chép như một thứ công cụ dạy học tối ưu, nhanh cho ra sản phẩm hơn cả. Ưu việt của việc dạy thêm, học thêm (một cách nghiêm túc, lương thiện) là đáp ứng được yêu cầu bổ khuyết kiến thức mà người học sẽ không có được nếu chỉ dựa vào thời lượng học tập chính khóa. Nhưng nhược điểm của nó là sẽ tạo ra những sản phẩm lỗi, có kiến thức nhưng không có kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn tác nghiệp. Không phải bất cứ sinh viên nào đã từng đạt giải học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia cũng có thể đáp ứng tốt yêu cầu học tập ở bậc đại học là thực tế mà bản thân tôi từng nhìn thấy lâu nay. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm giáo viên có thể rũ bỏ quán tính, có thể hy sinh niềm say mê thẩm bình, hy sinh vai trò trung tâm của mình để hướng đến tổ chức những giờ học ngữ văn trong đó lấy người học và các hoạt động làm trung tâm trong một sớm một chiều, nhưng nếu số phần trăm ấy quá ít thì sẽ là một trở lực cho công cuộc đổi mới giáo dục và dạy học.

Năng lực là thứ quan trọng mà chúng ta hướng đến, nhưng nói gì thì nói, năng lực chỉ có thể hình thành trên cơ sở có những hiểu biết về đối tượng, ở dạng những đơn vị kiến thức cụ thể, lí tính. Theo cách dạy truyền thống, người giáo viên dù có kém cỏi một chút, chậm chạp một chút, vẫn có thể lấp liếm bằng cách tìm đến những “chiếc phao” mà nhiều người tưởng an toàn, là các sách hướng dẫn, sách tham khảo, để lấy kiến thức từ đó, nhiều khi chưa kịp tiêu hóa, mà cung cấp cho người học. Dạy học phát triển năng lực không cho phép làm điều đó. Chỉ có thể thực hiện được giờ dạy học phát triển năng lực khi người dạy nắm vững, và sâu về ngữ liệu, về môn học và các môn học liên quan. Trên tinh thần đó mới có thể giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong các giờ dạy học. Phải chủ động quan niệm về tính thường biến của tâm lí người học và dự sẵn mọi tình huống. Với nhiều giáo viên, học viên và cả sinh viên, vấn đề kiến thức trong họ đôi khi là những khoảng trắng mênh mông. Hẳn không ít người dạy Hồi trống Cổ thành khi chưa hề đọc một dòng Tam quốc diễn nghĩa, hoặc cũng có giáo viên say sưa nói về hào khí Đông A nhưng mù tịt về Việt sử thời Lý - Trần. Tâm lý của rất nhiều học viên cao học đã có thâm niên dạy học mười đến hai mươi năm là chọn những đề tài luận văn liên quan đến Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tố Hữu - những tác giả có mặt trong sách giáo khoa mà sự nghiệp sáng tác của họ chỉ giới hạn trong giai đoạn 1930 đến 1975. Riêng về văn học trung đại và văn học sau 1975, họ vẫn giữ thái độ lạnh nhạt. Nguyên nhân là họ có quá ít thông tin. Và ngay cả với những tác giả họ muốn lựa chọn, hiểu biết của họ chủ yếu cũng trên những văn bản chọn/trích học. Cũng xin nói rằng, điều này ít nhiều có phần lỗi của các trường Sư phạm. Trước tình hình này, con đường nâng cao năng lực của người dạy có lẽ không chỉ dừng lại ở tập huấn, bồi dưỡng mỗi năm vài ngày, hay phải cần đến một lộ trình đào tạo lại một cách bài bản nếu có thể. Cũng trên tinh thần này, tôi đề nghị các trường Sư phạm nên xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên của số tín chỉ ngữ văn.

4. Sử dụng phương tiện dạy học là một trong những điểm thể hiện sự năng động, khả năng thích ứng của những người làm giáo dục, từ giáo viên đứng lớp đến các nhà quản lý. Xác định các phương tiện và tần suất, thời lượng sử dụng các loại phương tiện như thế nào để chúng phát huy tối đa tác dụng, sử dụng nhưng không lạm dụng là điều không hề dễ dàng. Sẽ không có một mô thức, quy định chung về phương tiện cho các địa phương, cũng như sẽ xảy ra sự thiếu đồng bộ trong việc sử dụng các phương tiện dạy học, thậm chí sẽ diễn ra tình trạng thiếu thốn bởi sự không đồng bộ của điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương. Các nhà quản lý phải là người đầu tiên lường trước tình huống này, để có những cơ chế nhất định nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có thể tự chủ trong dạy học. Và dĩ nhiên, điều này sẽ liên quan đến câu hỏi: có cần thiết hay không sự phân vùng trong kiểm tra, đánh giá nếu kì thi THQG vẫn được duy trì như hiện nay. Cách dạy học truyền thống tập trung chủ yếu vào sách vở, hoặc nếu có các phương tiện, công cụ hỗ trợ như máy tính, bảng trình chiếu… hay không cũng ảnh hưởng chưa mạnh mẽ đến chất lượng giờ dạy học và sự tiến bộ của người học. Nhưng dạy học phát triển năng lực, vai trò của phương tiện sẽ can dự một cách mạnh mẽ hơn. Tình trạng gì sẽ xảy ra, chất lượng và sự đánh giá chất lượng sẽ như thế nào giữa các thành phố lớn, các tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển, nơi trẻ em cũng có thể sử dụng smartphone một cách thành thạo, với vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống và việc tổ chức dạy - học còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nơi mà số ngày đến trường bằng hiệu số của ngày quy định với ngày mưa lũ, sạt lở…, nơi hệ thống điện lưới, mạng internet còn hết sức phập phù và đôi khi là một thứ xa xỉ? Đối với từng loại phương tiện cụ thể, việc sử dụng cũng cần bố trí hợp lí: lạm dụng phương tiện nghe nhìn sẽ khiến giờ học trở nên xơ cứng, và hạn chế khả năng phát triển của tư duy hình tượng, sử dụng nhiều phiếu học tập sẽ tốn kém giấy mực, và khiến tư duy con người dễ trở nên nhỏ nhặt, tủn mủn, chắp vá…

Tóm lại, dạy học phát triển năng lực, mặc dù không hẳn là cái gì đó mới mẻ hoàn toàn, bởi thực tế là trong quá trình dạy học nhiều năm trở lại đây, một số Sở Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều hoạt động tìm tòi những phương pháp mới để nâng cao năng lực của người học. Tuy nhiên, định hướng ngay chương trình tổng thể, như một triết lí lại là điều mới. Để đáp ứng được một cách tốt nhất yêu cầu dạy học phát triển năng lực theo kỳ vọng, còn rất nhiều khó khăn, rất nhiều thách thức ở phía trước. Nghĩa là ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện các điều kiện cần cho việc thực hiện chương trình, từ tư tưởng, quan niệm nhận thức, con người, bối cảnh… Tất cả đều cần tiến hành một cách đồng bộ trong sự xem xét, phân tích thấu đáo, trên tinh thần lắng nghe, cảm thông, chia sẻ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Minh Đức (chủ biên, 2017), Phát triển năng lực nghề cho sinh viên sư phạm, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Tài liệu tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới giáo dục phổ thông.

3,4. Đỗ Ngọc Thống (Tổng chủ biên - 2019), Bùi Minh Đức (chủ biên), Đỗ Thu Hà, Phạm Thị Thu Hiền, Lê Thị Minh Nguyệt, Dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn trung học phổ thông, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443791

Hôm nay

242

Hôm qua

2307

Tuần này

21604

Tháng này

218965

Tháng qua

112676

Tất cả

114443791