Văn hoá học đường

Mấy ý kiến về phần văn học trung đại Việt Nam trong hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 (cơ bản và nâng cao)

 1. Hơn nửa thế kỷ qua, bộ sách giáo khoa phổ thông các cấp, trong đó có sách Ngữ văn đã được nhiều thế hệ các nhà khoa học giáo dục không ngừng tìm tòi, cải tiến, đổi mới khi biên soạn. Trước đây, trong một thời gian khá dài, khi biên soạn sách giáo khoa bộ môn Ngữ văn, các soạn giả đã chia làm ba phân môn với ba cuốn sách: Văn học, Tiếng ViệtLàm văn. Bộ sách giáo khoa của ba phân môn này qua nhiều lần thay đổi: cải cách, cải tiến, đến hai bộ sách dùng ở hai miền: một của khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội và một của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh, rồi sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000… Những bộ sách ấy tồn tại cho đến năm 2003 với cấp Trung học phổ thông, khi ngành Giáo dục bắt đầu chương trình thí điểm dạy học theo quan điểm tích hợp, và từ đó khi biên soạn mớí với tên gọi Ngữ văn, ba phân môn Văn học, Tiếng ViệtLàm văn được tích hợp trong một bài giảng, trên một văn bản đọc hiểu (ở cấp Trung học cơ sở cũng vậy).

Ban đầu chương trình và sách giáo khoa thí điểm được thực hiện tại một số tỉnh thành ở một vài trường từ năm học 2003-2004 với hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn (bộ 1 và bộ 2) do hai tập thể các nhà khoa học biên soạn. Mỗi bộ được biên soạn theo hai chương trình phân ban: Ban Khoa học Xã hội và Ban Khoa học Tự nhiên, như vậy mỗi bộ lại có hai bộ sách giáo khoa khác nhau cho hai ban. Mỗi bộ có hai cuốn tương ứng với hai học kỳ. Nay chương trình này được thực hiện đại trà trên toàn quốc với hai bộ sách: cơ bản và nâng cao, mỗi bộ cũng có hai cuốn tương ứng với hai học kỳ.

Bài viết này bước đầu ghi nhận vài ý kiến có tính chủ quan khi đọc hai bộ sách giáo khoa trên của lớp 10 bộ môn Ngữ văn (chỉ tập trung vào các văn bản văn học trung đại Việt Nam được tuyển chọn). Để thấy cái được và cái chưa được của hai bộ sách giáo khoa ở hai chương trình cơ bản và nâng cao vể phần văn học trung đại này, xin được so sánh chúng với sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất năm 2000 là bộ sách được dùng để giảng dạy trong thời gian gần đây nhất, trước khi thay đổi sách giáo khoa như hiện nay.

2. Ai cũng thừa nhận việc dạy và học (truyền thụ và tiếp nhận) các văn bản văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc trong chương trình và sách giáo khoa các cấp phổ thông cho đến nay vẫn còn là nỗi khốn khổ cho người dạy lẫn người học. Để hiểu được những tác phẩm ấy không phải là chuyện dễ dàng gì; giải mã và truyền đạt những thông điệp của những tác phẩm ấy mà người xưa đã gởi gắm qua từng câu chữ cho người học, người tiếp nhận hiểu được, cảm được thì lại càng khó khăn hơn, có thể là thiên nan, vạn nan. Vấn đề vừa nêu có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu và cơ bản trước hết là rào cản về ngôn ngữ, bởi tất cả những văn bản được các soạn giả tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa đều là những tác phẩm đạt trình độ mẫu mực, có tính cổ điển, là tinh hoa của văn học quá khứ, tất cả được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, có phần xa lạ với ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại hôm nay. Thứ đến, khi tiếp nhận văn bản, để hiểu và cảm được nội dung của nó, người đọc cần phải có một vốn tích luỹ tương đối khả dĩ, có tính chất kiến thức nền tảng thì may ra bước đầu mới có thể tiếp nhận và lĩnh hội chúng như: phải hiểu rõ môi trường văn hoá thời trung đại; tư duy của con người thời trung đại; tư tưởng và ý thức hệ chính thống thời trung đại gắn với Phật - Lão - Nho cùng quan niệm Tam giáo đồng nguyên; hiểu rõ phạm vi văn học và quan niệm về văn học của cha ông xưa; nắm được hệ thống thể loại có tính quy phạm, có thứ bậc tôn ty; hiểu được các điển cố điển tích trong các tác phẩm mà những điển này, các tác giả lấy từ kinh sách các tôn giáo, từ Thánh kinh hiền truyện, từ Bách gia chư tử, từ lịch sử Trung Quốc và Việt Nam v.v..  Bấy nhiêu đó cũng đủ làm mệt trí người dạy lẫn người học thì thử hỏi trong một hay hai tiết ở trên lớp, làm sao mà người học có thể lắng lòng để cảm nhận vẻ đẹp của tư tưởng, của ngôn từ mà cha ông xưa đã chọn lọc, tạo nên qua cách biểu đạt rất kiệm lời, ý tại ngôn ngoại? Rồi cũng chừng ấy thời gian, người dạy làm sao mà truyền đạt hết những vẻ đẹp ấy trong các tác phẩm đến người học?

3. Nêu lên những khó khăn trên là nhằm mục đích để quý thầy cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ nỗi vất vả của người dạy lẫn người học, cùng hiểu rõ hơn ý đồ của các nhà khoa học khi tuyển chọn văn bản các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam để đưa và sách giáo khoa Ngữ văn 10 lần này.

Để dễ hình dung, có lẽ cần nêu lại ở đây chương trình phần văn học trung đại Việt Nam được tuyển chọn trong các bộ sách giáo khoa lớp 10:

 

SÁCH CHỈNH LÝ

 HỢP NHẤT

SÁCH CƠ BẢN

SÁCH NÂNG CAO

1. Khái quát về văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX.

2. Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải)

3. Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão)

4. Bạch Đằng giang phú  (Trương Hán Siêu)

Đọc thêm:

- Ngôn hoài (Không Lộ thiền sư)

 - Ngư nhàn (Không Lộ thiền sư)

 - Hạnh Thiên Trường hành cung (Trần Thánh Tông)

 - Thuật hoài (Cảm hoài) (Đậng Dung)

5. Nguyễn Trãi (1380-1442).

6. Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)

7. Bảo kính cảnh giới, 43 (Nguyễn Trãi)

8. Dục Thúy sơn (Nguyễn Trãi)

Đọc thêm về Nguyễn Trãi:

 - Cây chuối (Nguyễn Trãi)

 - Lại dụ Vương Thông (Nguyễn Trãi)

Đọc thêm về thơ văn thế` kỷ XV:

 - Vịnh năm canh (trích) (Lê Thánh Tông).

 Đọc thêm về thơ văn thế kỷ XVI:

- Trung Tân ngụ hứng (Nguyễn Bỉnh Khiêm).

 - Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều (Nguyễn Dữ).

9. Nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ [trích Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc - Đoàn Thị Điểm (?)].

Đọc thêm về thơ văn thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX:

 - Trông bốn bề [trích Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm(?)].

 - Nỗi thất vọng của người cung nữ (trích Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều).

10. Mời trầu (Hồ Xuân Hương)

11. Tự tình (Hồ Xuân Hương)

12. Nguyễn Du (1766-1820)

13. Trao duyên (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

14. Những nỗi lòng tê tái (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

15. Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

16. Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du)

Đọc thêm về Nguyễn Du:

- Long Thành cầm giả ca

- Phản chiêu hồn

- Văn chiêu hồn (trích)

17. Văn tế Trương Quỳnh Như (Phạm Thái)

18. Hướng dẫn ôn tập cuối năm

1. Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX

2. Tỏ lòng (Thuật hoài) - Phạm Ngũ Lão

3. Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43) - Nguyễn Trãi   

4. Nhàn - Nguyễn Bỉnh khiêm

5. Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du

6. Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu

7. Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi

8. Tựa “Trích diễm thi tập” ­- Hoàng Đức Lương

Đọc thêm:Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - Thân Nhân Trung (trích bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba 1442)

9. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (trích Đại Việt sử ký toàn thư)

Đọc thêm:Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử ký toàn thư)

10. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ)

11. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm)

12. Truyện Kiều - Nguyễn Du

13. Truyện Kiều (tiếp theo - Trao duyên)

14. Truyện Kiều (tiếp theo - Nỗi thương mình)

15. Truyện Kiều (tiếp theo - Chí khí anh hùng)

 - Đọc thêm: Truyện Kiều (tiếp theo - Thề nguyền)

16. Tổng kết phần văn học

 

1. Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX

2. Tỏ lòng (Thuật hoài) - Phạm Ngũ Lão

3. Nỗi lòng (Cảm hoài) - Đặng Dung

4. Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới -bài 43) - Nguyễn Trãi

Đọc thêm:

- Quốc tộ -Pháp Thuận

- Cáo tật thị chúng -Mãn Giác

- Quy hứng - Nguyễn Trung Ngạn

5. Nhàn - Nguyễn Bỉnh khiêm

6. Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du

7. Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu

Đọc thêm:

- Hàn nho phong vị phú - Nguyễn Công Trứ

8. Thư dụ Vương Thông lần nữa (trích Quân trung từ mệnh tập - Nguyễn Trãi)

9. Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi

10. Nguyễn Trãi

Đọc thêm:

- Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - Thân Nhân Trung

- Phẩm bình nhân vật lịch sử - Lê Văn Hưu

11. Tựa “Trích diễm thi tập”- Hoàng Đức Lương

12. Thái phó Tô Hiến Thành (trích Đại Việt sử lược)

13. Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên)

Đọc thêm: - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (trích Đại Việt sử ký toàn thư)

14. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ)

15. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (trích bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm)

16. Nỗi sầu oán của người cung nữ (trích Cung oán ngâm - Nguyễn Gia Thiều)

17. Truyện Kiều - Nguyễn Du

18. Trao duyên (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

19. Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Đọc thêm: - Thề nguyền (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

20. Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

21. Nguyễn Du

Đọc thêm:- Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa (trích Phạm Tải - Ngọc Hoa)

22. Đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam

23. Tổng kết lịch sử văn học Việt Nam thời trung đạ

 


Từ văn bản các bài học về văn học trung đại Việt Nam trong ba bộ sách giáo khoa như trên đã nêu, có thể thấy:         

          - Về chương trình:

+ Sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất năm 2000 Văn học lớp 10 đã có nhiều cải tiến về chọn lựa các văn bản giảng văn, về câu hỏi tìm hiểu bài, về nội dung bài giảng…, có tinh giảm hơn nhiều nếu so sánh với hai bộ sách giáo khoa trước đó của hai miền do hai tổ chức biên soạn: khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng bài học trong sách chỉnh lý là 18 bài chính thức và 14 bài đọc thêm. Cuối cùng là bài tổng kết hướng dẫn ôn tập cuối năm.

+ Sách giáo khoa cơ bảnnâng cao Ngữ văn 10 lần này được biên soạn theo phương pháp mới: quan điểm tích hợp, dạy học tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm… Vì thế, khi biên soạn các soạn giả phải xuất phát từ một văn bản đọc hiểu để triển khai việc dạy và học các phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn. Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài được biên soạn theo hướng tinh giảm, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, phát triển tư duy, gợi mở để giúp người học tự tìm ra chân lý và tích hợp giữa ba phân môn. Số lượng bài học ở sách giáo khoa Ngữ văn 10 cơ bản là 16 bài chính thức và 03 bài đọc thêm, trong đó có một bài tổng kết phần văn học. Trong khi đó ở sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao, do đặc trưng của chương trình và lớp học nên số lượng bài học nhiều hơn, có tất cả là 23 bài chính thức và 09 bài đọc thêm, trong đó có một bài tổng kết lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại.

  • Về văn bản được tuyển chọn:

+ Các văn bản tác phẩm văn học trung đại Việt Nam tuyển chọn ở sách giáo khoa Văn học 10 chỉnh lý hợp nhất được xếp theo tiến trình phát triển của lịch sử văn học, cụ thể là các văn bản tuyển chọn theo từng giai đoạn văn học: văn học thế kỷ X - thế kỷ XIV; văn học thế kỷ XV; văn học thế kỷ XVI - XVII; văn học thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX dừng lại ở tác phẩm của Phạm Thái. Mỗi giai đoạn đều có các bài đọc thêm. Còn những tác giả, tác phẩm tiếp theo cho đến hết thế kỷ XIX sẽ được biên soạn ở chương trình và sách giáo khoa Văn học tập 1, lớp 11. Khác với sách giáo khoa Ngữ văn 10 hiện nay, sách giáo khoa Văn học chỉnh lý hợp nhất dù cũng có hai tập, tập một trích tuyển tác phẩm văn học Việt Nam; tập hai trích tuyển tác phẩm văn học nước ngoài và các bài giáo khoa về lý luận văn học. Phần văn học trung đại Việt Nam ở lớp 10, học sinh sẽ được học vào cuối học kỳ một, sau khi học xong phần văn học dân gian và cả học kỳ hai, có xen kẽ với các bài về văn học nước ngoài.

+ Trong khi đó, các văn bản tác phẩm văn học trung đại Việt Nam trong sách Ngữ văn 10 cơ bảnnâng caolại được các soạn giả tuyển chọn và xếp theo thể loại văn bản (kiểu văn bản). Và các tác phẩm này dù tuyển theo thể loại nhưng cũng được sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học. Khác với sách chỉnh lý, hai bộ sách Ngữ văn 10 cơ bảnnâng caotập 1 dành cho học kỳ 1 và tập 2 dành cho học kỳ 2, trong đó, ở mỗi tập, văn bản tác phẩm văn học Việt Nam được đọc - hiểu trước và văn bản tác phẩm văn học nước ngoài được đọc - hiểu sau vào cuối mỗi học kỳ. Riêng sách Ngữ văn 10 nâng cao dù được biên soạn theo chương trình chuẩn nhưng có thêm phần nâng cao ở một số phương diện nhằm “đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết, phát huy khả năng tìm tòi, sáng tạo về ngôn ngữ và văn học của những học sinh có thiên hướng ngữ văn, qua đó góp phần phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tạo nguồn cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông - môn Ngữ văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006. Trong đó phần Văn học (Đọc văn) là phần lớn nhất, gồm văn bản chính và đọc thêm. Đọc - hiểu văn bản là một việc khó, nhất là văn bản văn học. Học sinh phải học cách đọc văn mới hiểu được văn một cách chính xác và sâu sắc. Việc này sẽ giúp ích cho học sinh rất nhiều khi làm văn, vận dụng tri thức văn học, tiếng Việt để tạo lập văn bản.

- Về thể loại các văn bản được tuyển chọn trong các bộ sách giáo khoa lớp 10:

+sách chỉnh lý hợp nhất, các văn bản được chọn để giảng văn và đọc thêm gồm các thể loại sau: thơ Đường luật tứ tuyệt: ngũ ngôn và thất ngôn; thơ Đường luật thất ngôn bát cú; phú cổ thể lưu thuỷ; cáo; thư địch vận luận chiến ngoại giao; truyện truyền kỳ; khúc ngâm song thất lục bát; truyện thơ lục bát; thơ cổ phong trường thiên: ca, hành; văn tế.

+ Ở sách cơ bảnnâng cao, các văn bản được tuyển chọn đọc - hiểu làm cứ liệu để tích hợp các phân môn khác trong bộ môn Ngữ văn, ngoài các thể loại như ở sách chỉnh lý, còn thêm một số thể loại khác như: kệ, phú Đường luật; bi ký; sử luận; tự.

Có thể thấy, về mặt thể loại văn học, các bộ sách giáo khoa Văn học 10 hay Ngữ văn 10 đã tuyển các tác phẩm với sự hiện diện gần như là đầy đủ các thể loại của văn học trung đại Việt Nam. Còn vài thể loại khác như tiểu thuyết chương hồi; hát nói v.v.. học sinh sẽ được tiếp xúc tác phẩm cụ thể ở lớp 11.

4. Những ưu điểm của hai bộ sách Ngữ văn 10 cơ bảnnâng cao:

4.1. Ưu điểm và cũng là thành tựu đầu tiên mà mới nhìn ai cũng nhận thấy rất rõ là sự kết hợp các bài học của ba phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn trong một bộ sách giáo khoa. Đây là chỗ khác nhau cơ bản giữa sách giáo khoa lần này với sách giáo khoa chỉnh lý và các bộ sách giáo khoa trước đó. Xuất phát từ việc đổi mới phương pháp dạy - học: dạy học theo nguyên tắc, quan điểm tích hợp; dạy học lấy học sinh làm trung tâm; phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh nên lần này các soạn giả đổi mới phương pháp biên soạn sách giáo khoa. Từ một văn bản văn học làm ngữ liệu để đọc - hiểu, đồng thời để rèn kỹ năng làm văn và dùng văn bản đó để cung cấp tri thức về Tiếng Việt. Điều này, ngay trong Lời nói đầu của sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao, tập 1, các soạn giả đã nêu rõ: “Để rèn luyện năng lực đọc - hiểu văn bản được tốt, sách giáo khoa sắp xếp các tác phẩm, đoạn trích theo thể loại, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử văn học, cung cấp tri thức về tác giả, tác phẩm, chú thích từ ngữ, nêu các câu hỏi hướng dẫn học bài, bổ sung bài tập nâng cao, tri thức đọc - hiểu… Các bài khái quát về lịch sử văn học , về tác gia tiêu biểu sẽ giúp cho việc hiểu văn học Việt Nam tương đối có hệ thống. Học sinh cũng được cung cấp một số kiến thức lý luận văn học sơ giản để đọc - hiểu văn bản văn học. Các kiến thức ấy sẽ được tích hợp trong hoạt động đọc, tạo thành năng lực đọc một cách đúng đắn, sâu sắc và có văn hoá” (Lời nói đầu, Ngữ văn 10 nâng cao, NXB Giáo dục, 2006, trang 3). Phần Làm văn rèn luyện kỹ năng nói và viết cho học sinh. Đọc - hiểu văn bản tốt sẽ giúp học sinh hiểu cách sắp xếp bố cục, liên kết bài văn, cách hành văn, sử dụng từ ngữ … do đó sẽ nâng cao năng lực làm văn. Trái lại, nếu học sinh có năng lực làm văn tốt sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đọc - hiểu văn bản, biết cách tóm tắt văn bản, chỉ ra được ý chính của đoạn trích hay chủ đề của văn bản, biết được cách chia bố cục văn bản một cách chính xác và hợp lý v.v… Phần Tiếng Việt có nhiệm vụ cung cấp hệ thống bài tập tích hợp nhằm nâng cao năng lực đọc - hiểu và tạo lập văn bản cho học sinh. Tất cả được biên soạn theo nguyên tắc dạy học tích hợp và phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình học tập, nên hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 lần này chú trọng thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh trong tất cả các bài học.

4.2. Mỗi bài học đều có nêu kết quả cần đạt ngay từ đầu, nhờ tính định hướng này mà học sinh sẽ hình dung mình sẽ làm gì khi học bài học đó. Hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài vừa phải, có chọn lựa, trọng tâm, tinh và gọn hơn nếu so với sách giáo khoa chỉnh lý. Mỗi bài học đều có bài tập nâng cao (đối với sách giáo khoa nâng cao), bài luyện tập củng có kiến thức, rèn kỹ năng. Các bài đọc thêm đều có câu hỏi hướng dẫn đọc thêm thật cụ thể. Nói chung các soạn giả của sách giáo khoa lần này đã biết kế thừa những thành tựu của các bộ sách giáo khoa trước đó để biên soạn theo hướng hiện đại, cập nhật hơn, phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy - học.

4.3. Văn bản tuyển chọn có phong phú hơn về thể loại, có cung cấp tri thức đọc - hiểu cần và đủ về thể loại, phù hợp với trình độ học sinh trung học. Đây cũng là chỗ mạnh của sách giáo khoa mới, mà trước đó các bộ sách giáo khoa cũ, kể cả sách chỉnh lý đều ít chú trọng cung cấp kiến thức lý thuyết vể thể loại, nếu có thì cũng chỉ nêu sơ lược ở phần Tiểu dẫn chứ không đưa vào thành một mục riêng Tri thức đọc - hiểu như sách giáo khoa cơ bảnnâng cao hiện nay. Về thể loại tác phẩm, sách giáo khoa cơ bảnnâng cao đều trích tuyển chọn các văn bản đọc - hiểu với sự hiện diện gần như là đầy đủ các thể loại văn học trung đại Việt Nam.

4.4. Về bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. So với sách giáo khoa trước đây, kể cả sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000 thì lần này, bài giới thiệu khái quát về 10 thế kỷ văn học viết Việt Nam kể từ khi nước nhà giành được độc lập được các soạn giả của hai bộ sách cơ bản và nâng cao viết tập trung hơn, nổi bật, sáng rõ hơn, nhất là về phân kỳ văn học (các giai đoạn phát triển) và đặc biệt là chỉ ra những đặc điểm cơ bản của văn học trung đại Việt Nam. Có ưu điểm nổi bật này là điều cũng dễ hiểu bởi các soạn giả lần này đã biết kế thừa những thành tựu của các thế hệ bậc thầy trước đó khi soạn, nên tránh được những bất cập. Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận vấn đề phân kỳ lịch sử văn học là vấn đề phức tạp. Hai bộ sách sách giáo khoa ở hai cơ quan dùng cho hai miền trước đây đã có sự chưa nhất quán về cách phân kỳ với những mốc cụ thể. Ví dụ, giai đoạn một, chấm dứt ở giữa thế kỷ XV (với tác gia Nguyễn Trãi) như sách của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh hay chấm dứt với mốc cuối thế kỷ XV (với Lê Thánh Tông và Hội thơ Tao Đàn) như sách của khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000! Còn giai đoạn hai, chấm dứt ở mốc cuối thế kỷ XVII hay nửa đầu thế kỷ XVIII? Trước đây trong một thời gian dài, các bộ văn học sử đều dừng lại ở cái mốc đầu thế kỷ XVIII này, và do vậy kéo theo cách chia ở giai đoạn ba tiếp theo. Thiển nghĩ, cách phân kỳ như trước đây là chưa hợp lý, chưa xuất phát từ đặc thù của từng giai đoạn văn học. Trong khi đó, cách phân kỳ của hai bộ sách giáo khoa cơ bản và nâng cao lần này chia bốn giai đoạn, nhưng cái mốc thì có khác so với trước: X - XIV; XV - XVII; XVIII - nửa đầu XIX; nửa cuối XIX. Cách chia này khoa học và hợp quy luật hơn. Bởi lẽ, văn học X - XIV (văn học Lý - Trần) có nét khác biệt với văn học XV, dù cũng có nét chung là tinh thần yêu nước chống xâm lược, văn học in đậm dấu ấn Tam giáo đồng nguyên, trong đó Thiền học là tư tưởng chủ đạo để tạo nên bộ phận văn học Phật giáo một đi không trở lại trong văn học Việt Nam; còn nguyên tác cùng bản dịch Chinh phụ ngâm khúc là tác phẩm thuộc đầu thế kỷ XVIII (khoảng đầu năm 40 thế kỷ này), nên không thể xếp tác phẩm này vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII như cách phân kỳ cũ; và chính tác phẩm này đã cắm cái mốc mở đầu cho giai đoạn văn học phát triển rực rỡ nhất, với những thành tựu xuất sắc nhất, đạt trình độ mẫu mực và điêu luyện của 10 thế kỷ văn học với trào lưu văn học nhân đạo, nhân văn chủ nghĩa. Đã gần 30 năm, khi giảng dạy lịch sử văn học trung đại bao giờ tôi cũng nêu lên lịch sử vấn đề phân kỳ văn học từ trước đến nay của các nhà văn học sử và cũng đã có ý kiến đề xuất cách chia có khác so với giáo trình đại học và sách giáo khoa cũ. Nay suy nghĩ của mình lại trùng khớp với ý tưởng của các soạn giả sách giáo khoa mới, nên tôi hoàn toàn tán thành cách phân kỳ này của hai bộ sách mới. 

5. Vài điều trao đổi thêm về các bài học, các văn bản văn học trung đại Việt Nam được tuyển chọn trong hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10:

5.1. Trước hết là bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Xin trở lại cách phân kỳ văn học. Đành rằng chia từng giai đoạn văn học như thế là hoàn toàn hợp lý, đúng với quy luật phát triển của văn học nhưng có lẽ các soạn giả nên nới qua cách chia trước đây ở sách chỉnh lý hợp nhất và nêu rõ lý do vì sao sách giáo khoa lần này phân kỳ như thế thì sẽ thuyết phục hơn và học sinh cũng như giáo viên ít ngỡ ngàng hơn, khi đọc và so sánh sách chỉnh lý với sách cơ bảnnâng cao.

5.2. Bài Tổng kết lịch sử văn học Việt Nam thời trung đạisách nâng cao được đặt vào cuối tập 2 lớp 10 là không hợp lý, bởi lúc này học sinh chưa được học xong tác giả, tác phẩm văn học trung đại, những tác giả tiếp theo cho đến Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh mãi đến gần cuối học kỳ một lớp 11, các em mới tiếp xúc. Trong khi đó, sách chỉnh lýsách cơ bản thì bài này là bài Tổng kết phần văn học, tổng kết những gì mà học sinh đã học ở phân môn văn học lớp 10 thì hợp lý hơn. Tôi lại tán thành điều này ở sách cơ bản và sách chỉnh lý.

5.3. Khái niệm “Văn học trung đại” được dùng trong các bộ sách giáo khoa có lẽ cần được quy ước cụ thể, bởi khái niệm này xuất phát từ phương Tây và thời trung đại ở phương Tây có khác với phương Đông về mốc lịch sử. Thời trung cổ, trung đại phương Tây gắn với sự thống trị của nhà thờ, của giáo hội La Mã với hệ thống triết học kinh viện, mà sử gọi là “đêm trường trung cổ”, để sau đó con người vùng dậy đòi quyền sống, quyền hạnh phúc, và do thế sản sinh ra thời đại phục hưng với trào lưu văn học nhân văn chủ nghĩa. Trong khi đó ở phương Đông, nhất là ở Việt Nam có khác về bối cảnh lịch sử, cho nên cần phải giới thuyết khái niệm với những quy ước cụ thể. Vấn đề trào lưu văn học nhân đạo - nhân văn chủ nghĩa ở phương Đông và phương Tây với sự khác biệt của nó đã được Viện sĩ N. Konrat bàn kỹ trong công trình Phương Đông và Phương Tây (Những vấn đề triết học, triết học lịch sử, văn học Đông và Tây), bản dịch, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1997, nên tôi không nêu lại ở đây. Có điều,theo tôi, tốt nhất là nên gọi văn học cổ Việt Nam hay văn học cổ điển Việt Nam như các nhà nghiên cứu thường gọi trong những công trình viết từ khoảng gần giữa thế kỷ XX cho đến những năm 60, hoặc gọi theo thế kỷ như lâu nay nhiều người đã dùng.

 5.4. Khác với sách giáo khoa chỉnh lý, hai bộ sách giáo khoa mới lần này do xuất phát từ thể loại văn bản, trích văn bản tác phẩm để hướng dẫn học sinh đọc - hiểu thông qua thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh nên bài học về tác gia văn học được các soạn giả xếp sau tác phẩm, khi học sinh học xong các tác phẩm của tác giả đó, nhất là với những tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Điều này có lý riêng, nhưng có thể ít có hiệu quả nếu cho các em được học bài giới thiệu về tác giả trước khi được tiếp xúc tác phẩm thông qua thao tác đọc - hiểu thì có lẽ hiệu quả đem lại có thể sẽ cao hơn.

5.5 Đành rằng thời trung đại với tư duy tổng hợp, hỗn hợp, nhất nguyên, nên về phạm vi văn học và quan niệm văn học của người xưa có khác với tư duy của con người hiện đại hôm nay. Điều này dẫn đến sự không phân biệt các thể loại tác phẩm, quan niệm văn - sử - triết bất phân bắt nguồn từ đó. Tất cả các trước thuật, trước tác đều được gọi là văn. Khái niệm văn ngày ấy được hiểu theo nghĩa rộng, có khi vừa thái quá lại vừa bất cập. Việc này các soạn giả khi biên soạn sách giáo khoa đã thừa biết, nhưng việc trích tuyển văn bản đọc hiểu trong hai bộ sách giáo khoa cơ bảnnâng cao lần này, các soạn giả hơi lạm dụng, bằng chứng là cho học sinh học, đọc - hiểu các tác phẩm văn học chức năng quá nhiều: về sử luận có đến 05 bài; thư địch vận luận chiến ngoại giao 01 bài; kệ và thơ thiền 01 bài; tựa 01 bài (tổng công 8 bài) và như thế là nhiều nếu so với các văn bản tác phẩm văn học nghệ thuật (văn học phi chức năng) được tuyển trong sách giáo khoa nâng cao (08/ 23 bài). Nếu so với sách chỉnh lý thì các tác phẩm tuyển chọn trong sách chỉnh lý tốt hơn, có chất văn chương và tính tư tưởng nhiều hơn. Có lẽ, sách giáo khoa mới nên rút bớt các tác phẩm văn học chức năng, và thay vào đó là thêm các tác phẩm văn học nghệ thuật.

5.6. Vấn đề tích hợp ba phân môn trong một văn bản đọc hiểu: Dù các soạn giả rất có ý thức khi biên soạn sách giáo khoa theo tư duy mới, theo tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh tích cực chủ động, lấy học sinh làm trung tâm… Đây là ưu điểm lớn, nhưng tôi có cảm giác là các văn bản đọc - hiểu trong hai bộ sách giáo khoa mới này ít thể hiện, hoặc có lúc không thể hiện sự tích hợp giữa ba phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn. Việc này các soạn giả đã biết, vì thế mới có thêm các văn bản ở phần bài tập thực hành, luyện tập. Nếu so sánh sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và sách giáo khoa Ngữ văn 10 cơ bản nâng cao thì có thể nói sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở thể hiện sự tích hợp tốt hơn, khoa học hơn. Có ưu điểm này là vì các bài học về Tiếng Việt và Làm văn ở cấp trung học cơ sở là những bài học căn bản, gắn sát với kiến thức nền nên dễ khai thác từ văn bản đọc hiểu; trong khi đó các bài học về hai phân môn Tiếng Việt và Làm văn trong sách Ngữ văn 10 là những bài có nội dung yêu cầu cao hơn, khó hơn nên khó lòng dùng văn bản đọc - hiểu để tích hợp.

5.7. Ở sách Ngữ văn 10 cơ bản, tôi nhận thấy dường như không có sự đồng bộ và nhất quán về chuẩn kiến thức giữa hai bài học: Bài khái quát Bài tổng kết về Văn học trung đại Việt Nam. Bản thân tôi không muốn nêu cụ thể ở đây, bởi các tác giả của hai bài viết trên ở cuốn sách giáo khoa này đều là những đồng nghiệp thiết thân. Độc giả nào muốn tìm hiểu cụ thể thì xin mời cứ mở sách giáo khoa ra mà đọc thì sẽ rõ.

5.8. Cuối cùng là vấn đề giảm tải chương trình: Việc này xã hội, phụ huynh học sinh kêu ca nhiều. Sách giáo khoa chỉnh lý đã có nhiều cố gắng giảm tải nếu so với sách giáo khoa cũ nhưng vẫn bị phê phán. Nay các bài học ở sách giáo khoa cơ bảnnâng cao, theo chủ quan, tôi vẫn cảm thấy là nặng, có thể nói là quá tải, so với yêu cầu chung. Có thể cần cho học sinh học ít mà tinh, mà hiểu sâu, còn hơn là cho học nhiều mà hiệu quả đem lại chẳng được bao nhiêu. Sách cơ bản 16 bài, sách nâng cao 23 bài, chưa tính các bài đọc thêm. Những bài này tuy học sinh không học chính thức trên lớp nhưng vẫn phải đọc, hiểu, tiếp cận vì có liên quan đến chương trình để bổ sung và mở rộng kiến thức, có hướng dẫn đọc thêm cụ thể, có ảnh hưởng đến chuyện làm bài kiểm tra, thi cử. Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài, thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh trong các bài học từ đọc - hiểu đến tiếng Việt, làm văn tuy được các soạn giả biên soạn công phu, khoa học nhưng vẫn còn nhiều, còn nặng. Đó là chưa kể những văn bản ở phần bài tập thực hành mà học sinh buộc phải đọc - hiểu khi làm bài.

6. Trên đây chỉ là những ý kiến bước đầu, có tính chủ quan khi đọc kỹ hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 cơ bảnnâng cao. Nếu có gì chưa thoả đáng,  mong các đồng nghiệp chỉ giáo và chúng tôi vô cùng biết ơn những chỉ giáo ấy, nhằm mục đích là làm sao để chúng ta có được một bộ sách tốt hơn, tinh gọn hơn, hiện đại hơn, để giảng dạy và học tập có hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu giáo dục phổ thông trong thời kỳ mới, theo kịp với khu vực và thế giới.                                                                           

  NGUYỄN CÔNG LÝ

*PGS.TS. Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM

________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn học 10, sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, Nguyễn Đình Chú (chủ biên), Nxb GD, HN, 2000.

2. Ngữ văn 10, sách cơ bản, Phan Trọng Luận (tổng chủ biên), Nxb GD, HN, 2006.

3. Ngữ văn 10, sách nâng cao, Trần Đình Sử (tổng chủ biên), Nxb GD, HN, 2006.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443189

Hôm nay

280

Hôm qua

2305

Tuần này

21002

Tháng này

218363

Tháng qua

112676

Tất cả

114443189