Xứ Nghệ ngày nay
Người giữ lửa cho nghệ thuật Tuồng cổ
Nghệ nhân Cao Thị Loan (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên CLB Tuồng xã Trung Thành, Yên Thành
Diễn tuồng từ thuở lên 7, 8 tuổi và cho đến nay, khi đã gần 60 tuổi nhưng niềm đam mê với nghệ thuật tuồng vẫn luôn rực cháy trong bà, chỉ cần có lời mời, bất kể ngày hay đêm, xa hay gần, bà vẫn tham gia biểu diễn tuồng. Bà là nghệ nhân Cao Thị Loan, xóm 5, xã Trung Thành (Yên Thành).
Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật. Bố mẹ là ông Cao Đình Hùng và bà Hoàng Thị Thìn, hai nghệ nhân diễn Tuồng có tiếng trong vùng lúc bấy giờ. Anh trai đầu là nhạc sĩ Cao Đình Lưu, công tác tại Nhà hát Tuồng Trung ương. Anh thứ 2 là NSƯT Cao Đình Liên, Đạo diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Chị gái là Cao Thị Lý, nguyên là diễn viên Đoàn Dân ca Nghệ An. Cho nên, khi mới lên 7, lên 8, bà đã được bố cho đóng các vai nhí trong các vở diễn Tuồng như: vai con trong vở Phạm Công Cúc Hoa, con của Trần Sỹ Mỹ (vở Tần Thị Hương Liên),... Đánh dấu sự trưởng thành cũng như tài năng của bà là khi bà vừa tròn 13 tuổi. Dịp đó, bố mẹ bà và các cô chú trong gánh Tuồng của xã tập vở Tống Trân Cúc Hoa. Bà Loan chỉ là cô bé phục vụ nước uống và ngồi xem cô chú biểu diễn. Đúng hôm diễn chính thức phục vụ bà con, người đóng vai Tống Trân có việc gia đình đột xuất không tham gia được. Trong lúc không biết xoay xở ra sao, đột nhiên, bố bà bảo “Con vào thay trang phục lát diễn vai Tống Trân cho bố”. Chưa bao giờ được đóng các vai kép chính, mà chỉ xem mọi người tập luyện,… vậy mà hôm ấy, bà vào vai Tống Trân “thành công hơn sự mong đợi” - lời của bố dành cho bà sau buổi diễn. Từ đó về sau, bà Loan tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ tại địa phương và chinh phục trái tim của nhiều người yêu nghệ thuật Tuồng, qua các vai diễn Trần Sỹ Mỹ (vở Trần Thị Hương Liên), Lê Lợi (vở Lê Lai đổi áo), Thi Sách (vở Phất cờ nữ tướng), Trưng Trắc (vở Trưng Trắc Trưng Nhị),…
Năm 20 tuổi bà lập gia đình. Bà Loan vừa cười vừa kể lại: “Vì sợ, cưới rồi chồng sẽ không cho diễn Tuồng nữa nên khi ông ấy có ý muốn lấy tui, tui bắt ông hứa - sau cưới vẫn phải cho tui tham gia diễn Tuồng thì mới chấp thuận lấy ông”. Giữ đúng lời hứa, sau khi lập gia đình, ông vẫn để bà tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ tại địa phương. Thậm chí, mỗi lần có các buổi biểu diễn Tuồng, ông còn lo lắng chở bà đi và ngồi xem đến hết buổi đón bà về.
Nghệ nhân Cao Thi Loan đang xem lại bản thảo các ghi chép về Tuổng cổ
Mê hát Tuồng nên từ thời trẻ đến nay, bà chưa bao giờ ngưng biểu diễn khi có lời mời. “Tuồng mang tính ước lệ, chú trọng điệu bộ nên phải học thường xuyên, muốn diễn nhuần nhuyễn càng phải học, học để có thể sáng tạo khi diễn, diễn hay hơn. Có vậy, công chúng mới nhớ đến mình”, bà Loan cho biết. Nhớ ngày sinh con gái đầu lòng vừa đầy tháng, cán bộ xã Tăng Thành đến mời bà tham gia diễn Tuồng phục vụ nhân dân dịp đầu xuân. Lúc đầu bà ngại không dám nhận lời. Sau đó, mẹ chồng động viên “con cứ tham gia, mẹ sẽ đi theo trông cháu cho”. Được lời như cởi tấm lòng, bà đồng ý ngay. “Dạo ấy, mỗi lần tập mẹ chồng đều đi cùng để trông con hộ. Bà con tại Tăng Thành thì mời ăn cơm, lo chỗ ngủ,… Thậm chí, có người còn luộc cả trứng gà gói trong khăn đem đến biếu. Niềm đam mê Tuồng của mình cũng cho mình nhiều tình cảm chân thành, trân quý như vậy”, bà Loan xúc động.
Vừa đam mê, vừa không muốn nghệ thuật Tuồng bị lãng quên, năm 2002, bà và một số thành viên yêu Tuồng đã thành lập CLB Tuồng xã Trung Thành làm nơi giao lưu, và gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trải qua thời gian, dù có lúc CLB gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, một số nghệ nhân tuổi ngày càng cao,… nhưng vượt lên tất cả, các thành viên CLB Tuồng Trung Thành vẫn say sưa luyện tập và cất công sưu tầm những vở Tuồng cổ, rồi sáng tác lời cho nhiều vở Tuồng mới. Câu lạc bộ đã giành được nhiều kết quả tại các hội thi, hội diễn trong vùng và khu vực: đạt giải Nhì tại Liên hoan CLB Tuồng do huyện Yên Thành tổ chức (năm 2008, 2014), giải Nhì Liên hoan các vở Tuồng của tác giả Tống Phước Phổ tổ chức tại Đà Nẵng (năm 2015). Ngoài ra, CLB còn đạt giải nhì Liên hoan Tuồng huyện Yên Thành 2019; Cá nhân bà Loan được trao giải “Nghệ nhân hát Tuồng hay nhất”… Những thành tích mà câu lạc bộ đạt được có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Cao Thị Loan.
Từ tình yêu nghệ thuật Tuồng của bà; từ hoạt động lặng thầm và bền bỉ của các thành viên CLB tuồng Trung Thành, tình yêu Tuồng ngày càng lan tỏa đến nhiều người, nhất là lớp trẻ. Hiện CLB Tuồng có 2 người 20 tuổi, 5 người dưới 35 tuổi, 5 người còn lại từ 40-60 tuổi. 3 năm trở lại đây, hàng năm, trường THCS Trung Thành đều mời bà Loan về giới thiệu nghệ thuật Tuồng cho các em học sinh. “Mỗi lần nhà trường mời nghệ nhân Cao Thị Loan tham gia diễn Tuồng, giới thiệu về bộ môn nghệ thuật này cho các em học sinh, bà đều rất nhiệt tình, còn các em cũng rất thích thú. Từ các tiết học này, các em hiểu hơn về nghệ thuật Tuồng, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật dân gian trong đời sống hiện nay”, cô giáo Trần Thị Hải Vân, Trường THCS Trung Thành chia sẻ.
Ghi nhận sự cống hiến thầm lặng cho nghệ thuật Tuồng trong gần 50 năm qua của bà, cuối năm 2018, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Chia sẻ niềm vui này, Nghệ nhân Ưu tú Cao Thị Loan, nói: “danh hiệu này không phải là đích đến cuối cùng mà là thêm động lực để bà tiếp tục truyền lửa về nghệ thuật Tuồng cho các thế hệ trẻ sau này”.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Giải Nobel năm 2021
Trí thức Nghệ xưa và nay
Thống kê truy cập
114528467
2123
2291
2740
215163
0
114528467