Nhìn ra thế giới

Việc đổi lại cách viết tên của người Nhật Bản nói lên sự thay đổi quyền lực toàn cầu

Ở Nhật Bản những ngày này dường như những người bảo thủ muốn thay đổi mọi thứ và những người cấp tiến muốn níu giữ hiện trạng. Một ví dụ tuy nhỏ nhưng mang tính biểu tượng cao là đề xuất của Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe về việc thay đổi thứ tự tên người Nhật khi viết bằng chữ viết Romanhoặc phương Tây.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại một sự kiện của Reuter ở New York (photo: REUTERS/Andrew Kelly)

Từ những năm đầu của thời đại Meiji, vào những năm 1870, người Nhật đã giới thiệu mình với người nước ngoài theo cách phổ biến của phương Tây là tên riêng đi trước tên họ. Tuy nhiên, trong tiếng Nhật Bản, thứ tự luôn là tên họ đi trước tên riêng.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, định dạng phương Tây, như được sử dụng lâu nay trên các văn bản bằng chữ viết theo văn tự các tiếng Latinh, sẽ chính thức thay đổi. Trên các tài liệu và trang web của Chính phủ, Shinzo Abe sẽ được biết đến với tên ABE Shinzo - việc viết hoa tên họ được khuyến nghị - và trên những phương tiện khác của khu vực công cũng sẽ được mong đợi làm điều tương tự.

Người dân không bắt buộc phải tuân theo trật tự đó, nhưng những lợi thế của tiêu chuẩn hóa cho thấy theo thời gian, định dạng mới có khả năng chiến thắng. Nam diễn viên Ken Watanabe sẽ trở thành WATANABE Ken và Masayoshi Son của Tập đoàn SoftBank sẽ trở thành SON Masayoshi.

Đối với người phương Tây, sự thay đổi đó có vẻ không cần thiết và khó hiểu, nhưng theo quan điểm của người Nhật Bản, nó thể hiện tính xác thực và tiêu chuẩn hóa. Người ta không còn làm mọi thứ chỉ để thuận tiện cho người phương Tây nữa, khi châu Á trỗi dậy về sức mạnh địa chính trị và văn hóa.

* * *

Sáng kiến này bắt nguồn từ những năm đầu của thế kỷ 21 này, khi Cơ quan Văn hóa đưa ra một thông báo tư vấn về việc sử dụng trật tự tên bản địa trong văn bản tiếng Anh. Vì thiếu sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị, nên nó hoàn toàn bị bỏ qua.

Lần này, những ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, như Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, đã lên tiếng ủng hộ. Công chúng dường như cũng đứng về phía họ. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy 60% ủng hộ sự thay đổi[1].

Lý lẽ được nêu ra trên trang web của CAA (Consummer Affairs Agency) , là Nhật Bản đơn giản xếp vào cùng với các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc, tất cả đều đặt tên họ lên trước. Người Đông Á đặt tên họ lên trước vì liên kết gia đình theo truyền thống là thông tin quan trọng nhất về một người, danh tính cá nhân đứng thứ hai.

Về bản chất, kiểu Đông Á báo hiệu một xã hội cộng đồng hơn, kiểu phương Tây mang tính cá nhân hơn. Việc sử dụng đồng thời cả hai cách viết của Nhật Bản - ở hai mặt của cùng một danh thiếp - là một chiến lược đặc trưng xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Một trăm năm mươi năm trước, Nhật Bản đã tham gia vào một chương trình hiện đại hóa lâu dài được gói gọn trong cụm từ datsu-a, nyu-o, nghĩa là rời khỏi châu Á, gia nhập châu Âu. Khẩu hiệu đó được gắn liền với nhà giáo dục và nhà văn Yukichi Fukuzawa, người đã xem Tây phương hóa nhanh chóng cả về văn hóa cũng như công nghệ, là cách duy nhất để tồn tại.

Trong thời đại mà người phương Tây xếp hạng các nhóm dân tộc về sự tiến bộ văn hóa, nghĩa là giống với họ, sử dụng định dạng tên riêng đi trước tên họ là một yếu tố nhỏ nhưng rất quan trọng trong nỗ lực quốc gia để thuyết phục người phương Tây rằng người Nhật là ngang hàng và bình đẳng, hơn là những người "lạc hậu" chín muồi cho việc xâm lược và thuộc địa hóa.

Liệu có phải mong muốn mới xếp mình với các nước láng giềng của Nhật Bản là điềm báo của một - datsu-o, nyu-a - quá trình rời khỏi châu Âu, tham gia châu Á không? Có lẽ như vậy.

Trong thế giới ngày nay, Đông Á có nghĩa là sản xuất công nghệ cao và tăng trưởng nhanh chóng, chứ không phải là sự nghèo đói và yếu kém như trong thời đại của Fukuzawa. Hơn nữa, các chuẩn mực toàn cầu đang trở nên đa dạng và đa văn hóa hơn, và việc tuân thủ một khuôn mẫu phương Tây duy nhất đang bắt đầu có vẻ hết hiệu lực.

Nhưng có nhiều điều hơn là chủ nghĩa thực dụng. Trong cuốn sách xuất sắc và khích động của mình, The Fall of Language in the Age of English, tiểu thuyết gia Minae Mizumura mô tả sự phức tạp phi thường của giới trí thức Nhật Bản đã thức nhận về ngôn ngữ của chính họ và nói một cách rộng hơn, mặc dù bà không nói trực tiếp như vậy, về văn hóa của họ.

Arinori Mori, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Nhật Bản vào năm 1885, muốn tiếng Nhật được thay thế bằng tiếng Anh như ngôn ngữ quốc gia. Yoichi Funabashi, một nhà bình luận báo nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đã làm một việc tương tự trong một cuốn sách xuất bản năm 2000.

Ngay cả Ikki Kita, nhà tư tưởng siêu quốc gia, bị hành quyết vì đã truyền cảm hứng cho cuộc đảo chính thất bại năm 1936, tin rằng tiếng mẹ đẻ của mình "quá thấp kém" và cần được thay thế bằng tiếng Esperanto, một ngôn ngữ quốc tế nhân tạo.

Đã từng có những nỗ lực định kỳ để viết tiếng Nhật theo bảng chữ cái phương Tây, đáng chú ý là của Phái bộ Giáo dục Hoa Kỳ tại Nhật Bản vào năm 1946. Các nhà lý luận phương Tây thời đó coi các chữ tượng hình như chữ Hán là cổ lỗ và phi dân chủ, so với các chữ viết ghi âm của phương Tây.

Ngôn ngữ là chính trị, như Mizumura chứng minh. Lần đầu tiên bằng việc thể hiện bản sắc quốc gian của họ tới công chúng toàn cầu, người Nhật đang tham gia vào một hành động mang tính biểu tượng của sự tự khẳng định và tìm cách đặt những phức tạp như vậy phía sau họ.

Có thể coi đó là một thử nghiệm cho một đạo luật khẳng định và tiêu chuẩn hóa gây tranh cãi hơn nhiều sẽ sớm có trong danh mục - sửa đổi hiến pháp Nhật Bản.

Lê Lam(dịch)

Nguồn:https://asia.nikkei.com/Opinion/Japan-s-reordering-of-name-format-highlights-global-power-shift

 


[1]Trong một cuộc thăm dò về vấn đề này được Cơ quan phụ trách các vấn đề văn hóa thực hiện vào năm 2000, có 34,9% số người được hỏi thích viết theo lối truyền thống của Nhật Bản, trong khi 30,6% thích viết theo trật tự phương Tây, còn 29,6% không có ý kiến (https://www.theguardian.com/world/2019/may/22/last-name-first-first-name-last-japan-minister-tells-foreign-media-to-get-it-right). Nhưng, trong một cuộc khảo gần đây đã có khoảng 59% số người được hỏi ủng hộ ý tưởng này, trong khi 27% phản đối (https://www.reuters.com/article/us-japan-names/family-comes-first-japan-to-switch-order-of-names-in-victory-for-tradition-idUSKCN1VR1LE). Chú thích của người dịch.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441528

Hôm nay

2245

Hôm qua

2283

Tuần này

21432

Tháng này

216702

Tháng qua

112676

Tất cả

114441528