Những góc nhìn Văn hoá

Đặng Huy Trứ bàn về nạn hối lộ và phẩm chất người làm quan

Đặng Huy Trứ (1825-1874)

Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) là quan lại, một trí thức tiên phong có tư tưởng cải cách. “Từ thụ yếu quy” là tác phẩm quan trọng nhất của ông nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về nạn hối lộ và phẩm chất của hàng ngũ quan lại đương thời.

Tư thế nhận diện

Đặng Huy Trứ đỗ cử nhân năm 1843, khi mới 18 tuổi. Sau nhiều lận đận trường thi, năm 1855, ông đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan.

Đặng Huy Trứ từng dạy học và làm quan qua nhiều vị trí, công việc khác nhau. Từ 1865 đến1868, Đặng Huy Trứ từng được cử đi công vụ ở Quảng Đông hai lần để làm nhiệm vụ “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây). Từng giữ chức Bình chuẩn sứ đứng đầu một cơ quan kinh tế thương mại do ông dâng sớ xin lập.

Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa, tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7/8/1874.

Chặng đường 20 năm làm quan của ông gắn liền với giai đoạn khủng hoảng sâu sắc nhất, tình thế khó khăn nhất của triều đình nhà Nguyễn và đất nước.

Đặng Huy Trứ một người yêu nước thương dân. Ông gần gũi và hiểu nỗi khổ của dân; biết sự áp bức, bóc lột, nhũng nhiễu của hệ thống quan lại, cường hào. Với ông, để dân đói khổ là tội lớn. Và, “bất hành phương tiện, mạc đương quan” (không chăm sóc dân thì chớ làm quan).

Mặt khác, ông là một trí thức làm quan có tư tưởng cải cách. Ông chủ trương muốn đánh thắng ngoại bang cần phải canh tân để có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Muốn vậy chỉ có một con đường là phải cải cách mở cửa, chấn hưng kinh tế, thực thi chính sách “tự cường, tự chủ”. Ông đề xướng mở mang kỹ nghệ; lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc; lập cục dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và đưa thanh niên Việt Nam ra học tập kỹ nghệ ở các nước phát triển. Ông đề xuất mở mang buôn bán, chăm lo đời sống của Nhân dân, cải cách thuế khóa để gia tăng nguồn lực cho Nhà nước.

Vì vậy, nhận diện và bàn về tệ nạn hối lộ và đạo đức quan chức của ông là cái nhìn của người trong cuộc, rất thực tế, rất sâu sát, sâu sắc. “Từ thụ yếu quy” là quyển sách đặc biệt, có một không hai để phòng chống tham nhũng và giáo dục đạo đức cho quan chức.

Nhận diện nạn hối lộ

“Từ thụ yếu quy” dài gần 2.000 trang chữ Hán, tập hợp 2.017 trường hợp dẫn chứng về thủ đoạn hối lộ của các hạng người và cách ứng xử của các quan lại.

Đặng Huy Trứ đã quan sát tỷ mỉ, phân tích và thống kê có 104 trường hợp được coi là hối lộ để cảnh báo người làm quan không được nhận. Trong đó có 75 trường hợp dân thường hối lộ để được lợi lộc, 29 trường hợp là quan lại, hào lý, nhân viên Nhà nước, con cái nhà quan đút lót để mưu cầu địa vị; tranh chấp đặc quyền; trốn tránh trách nhiệm; ẩn lậu thuế ruộng, thuế đinh; nhằm xóa nhòa tội ác của chúng đối với dân, v.v... Ví dụ: Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử; Quan bị cách chức hối lộ được phục hồi chức; Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; Hối lộ các quan đi tra xét án kiện tụng; Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ để cầu được che giấu; Kẻ thâu thuế cửa quan, bến đò hối lộ để lạm thu; Con buôn người nước ngoài hối lộ để cầu thân; Hối lộ để chứng nhận ruộng bị thiên tai; Nhận hối lộ của dân xin miễn cung cấp vật liệu; Thương nhân hối lộ để tiêu thụ được hàng; Kẻ đi kiện hối lộ để cầu được kiện; Người bị tội hối lộ xin giảm, miễn tội; Người có tội hối lộ để giấu diếm tài sản; Kẻ phạm điều cấm, hối lộ để cầu được miễn truy tội; Nhà giàu vượt ra nước ngoài danh phận hối lộ cần được che giấu; Quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên; Chiều đón ý quan trên, đưa đồ hối lộ; Hối lộ cho quan khi đi công cán; Phụ nữ hối lộ để xin gặp; Người có việc hối lộ để nhờ chạy chọt nói giúp…

Ông nhận diện, phân tích rất chính xác các trường hợp, các hình thức, thủ đoạn hối lộ và luôn nhấn mạnh “Thứ hội lộ ấy không thể nhận được” để cảnh báo, thức tỉnh cho các quan chức giữ mình.

Rất tinh tế, rất thực tiễn, trong “Từ thụ yếu quy”, Đặng Huy Trứ cho rằng quan chức cũng có thể nhận quà biếu trong 05 trường hợp. Đó là: Lễ Tết hằng năm; Xong việc đến tạ ơn; Người được tiến cử đến tạ ơn; Thuyền buồm Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu; Nhân việc vui buồn mà có đồ mừng riêng. Song, ông cũng khuyến khích: “Con cháu hiền của ta, nếu không mảy may nhận càn như ở 104 trường hợp nói ở trên, mà lại còn có thể nhất thiết khước từ cả 5 trường hợp ở phần sau thì nhân phẩm còn cao hơnta gấp vạn lần”.

Tuy vậy, ông vẫn khuyên khi nhận quà phải hết sức cân nhắc, chớ nhận của người coi kho, của bọn nha lại tham nhũng. “Nếu người đưa lễ vật có tính chất bợ đỡ thì phải khước từ tức khắc”; “Tuyệt đối không được dùng tình cảm để yêu sách, dụng ý mời để lấy lễ biếu, bày đặt yến tiệc để khéo móc túi người ta thì lại càng ngu quá lắm”. Đặc biệt trong hai trường hợp quan mới thăng chức và quan mới sinh con thì không được nhận lễ mừng.

Bàn về phẩm chất người làm quan

Theo Đặng Huy Trứ, muốn chống hối lộ, tham nhũng thì giám sát, trừng trị là cần thiết nhưng đồng thời phải chú ý tu dưỡng đạo đức của người làm quan. Ông nêu lên 38 đức tính người làm quan phải có, như: Cần cù; Thận trọng; Công tâm; Thành thật; Khiêm tốn; Khoan hòa; Giữ chữ tín; Không nghe lời xiểm nịnh; Cần có tình người; Lo làm điều lợi, trừ điều hại; Phải biết kết bạn; Chú trọng việc giáo hóa; Không nịnh bợ kẻ quyền quý; Đừng ham chơi sang, thích của đẹp; Không bày mưu kiện cáo…

Theo ông, người làm quan mà tham nhũng thì “chí ít cũng bị người ta chê cười, khinh bỉ; kế đến bị giáng, nặng hơn thì bị tù đày, chém đầu, treo cổ,...”; “Của cải phi nghĩa đối với người ta cũng như dầu mỡ đối với đồ vật, đã dây bẩn thì khó mà gột sạch, huống chi ta lấy một thì cấp dưới lấy mười, ta được vừa miệng thì dân bị hút máu”.

Ông cho rằng, giáo dục phải làm cho mọi người giác ngộ cái tốt, ai ai đều biết lay động tâm can sâu sắc mà hướng đến điều thiện; Để người làm quan xây dựng đức tính tốt, không chỉ tu thân tốt mà tề gia cũng phải tốt.

Đặng Huy Trứ viết sách này chỉ cốt “làm khuôn phép cho mình và cho con cháu đời sau, không dám nghĩ để làm khuôn phép cho ai” nhưng nó có ý nghĩa xã hội lớn lao hơn nhiều. Chẳng hạn, khi ông viết: “Thuật trị gia thiết tưởng chỉ có 3 điều: Cần trong cai quản việc nhà; Kiệm để giữ lấy; Nhân hậu để bồi đắp thêm”, thì đã khái quát toàn diện về việc giáo dục luân lý gia đình.

Ông đưa ra 24 điều cần giáo dục con cái, như: Nghiêm trong giáo huấn; Giảm việc xây cất; Giản dị trong ăn mặc; Tiêu dùng có chế độ; Chớ chiếm tài sản của người; Phải sớm nộp thuế (nghĩa vụ); Khéo xử sự với xóm làng; Thương yêu kẻ ăn người ở; Chớ ép giá công xá; Đừng hà tiện trong việc bố thí v.v... Đây là những nội dung giáo dục vừa có giá trị đạo đức vừa có giá trị pháp lý cho mọi công dân trong xã hội.

Cho đến nay, “Từ thụ yếu quy” vẫn là bộ sách duy nhất ở nước ta bàn về các hình thức hối lộ và phẩm chất của người làm quanSách này, xét đến cùng, là cẩm nang về thuật trị nước của những sĩ phu, trí thức chính trực lo việc nước.

Đã gần 150 năm ra đời, thời đại đã thay đổi, xã hội đã thay đổi rất nhiều nhưng “Từ thụ yếu quy” vẫn còn giá trị rất thiết thực đối với công cuộc chống tham nhũng và giáo dục đạo đức công vụ hiện nay. Điều đó càng chứng tỏ tư duy khoa học và tầm nhìn xa của Đặng Huy Trứ - nhà trí thức, nhà cải cách tiên phong.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511729

Hôm nay

255

Hôm qua

2337

Tuần này

22103

Tháng này

218602

Tháng qua

121356

Tất cả

114511729