Văn hoá học đường

Nhớ Thầy Bùi Duy Tân

PGS.NGND Bùi Duy Tân (1931-2009). Nguồn ảnh ussh.vnu.edu.vn

1. Đọc sách Thầy…

Những năm đầu thế kỷ XXI, trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân tộc đã xuất hiện nhiều công trình hướng tới tổng kết thế kỷ XX. Khác với khu vực văn học hiện đại, việc xác định giá trị văn học truyền thống vừa ghi nhận, thâu thái kết quả học thuật mới, vừa đi sâu lý giải những tác gia - tác phẩm quá khứ, thậm chí còn cần tiếp tục giải mã nhiều "nghi án văn chương" có khi cách ngày nay tới cả năm, mười thế kỷ. Điều đó cũng có nghĩa là những giá trị tiềm tàng của văn học quá khứ tiếp tục tỏa sáng, được bồi bổ, tích hợp thêm với những kiến giải học thuật ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Đặt trong xu thế chung, công trình tập hợp Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam[i] của Thầy thể hiện rõ nét cả hai tính chất tổng kết thành tựu và đặt lại vấn đề khám phá mới, kiến giải thêm về các tác gia - tác phẩm văn học.

Là nhà giáo có tới bốn chục năm giảng dạy chuyên ngành văn học trung đại ở bậc đại học, Thầy có điều kiện "thâm canh" kỹ lưỡng, trở đi trở lại với nhiều đề tài tưởng như đã quen thuộc, không còn điều gì bàn thêm được nữa. Nói ngay như về văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà, Thầy đã dựa vào cứ liệu gần ba chục dị bản khác nhau để phân tích và đề nghị sử dụng bản chính thống lấy từ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Về tác giả bài thơ, Thầy cho rằng đây là "hiện tượng âm phù" nằm trong truyền thống đời sống tâm linh dân tộc, đặc biệt thường xuất hiện trong bối cảnh chiến tranh vệ quốc; do vậy sử sách ghi thời điểm xuất hiện bài thơ rất khác nhau, có khi gắn với việc giúp Lê Hoàn đuổi giặc ngoại xâm (981) có khi giúp Lý Thường Kiệt phá Tống (1076); từ đó Thầy thận trọng lựa chọn biện pháp tình thế khi viết sách giáo khoa trung học: sau tên Lý Thường Kiệt có thêm dấu hỏi chấm (?). Cũng với sự nghiêm cẩn như thế, Thầy bàn thấu lẽ đạt tình về việc nên coi bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận là tác phẩm sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam. Thầy tập hợp đủ đầy tư liệu, biện giải tận gốc nguồn hai chữ Khuê tảo trong thơ Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi, chỉ rõ những cách hiểu sai, dịch sai và cả con đường truyền rộng những lối hiểu sai ấy. Ngoài ra, Thầy còn giải thích, đính chính hàng chục trường hợp sai lệch, dễ bị nhầm lẫn hoặc đã từng bị mặc nhận như về tư liệu dòng họ Nguyễn Trãi, vấn đề "Hội Tao đàn" và vai trò của Lê Thánh Tông ở các thi tập Quỳnh uyển cửu ca, Hồng Đức quốc âm...

Khi hướng tới phân tích từng tác gia - tác phẩm cụ thể, Thầy có điều kiện thâm nhập, diễn giải, nắm bắt chắc chắn quá trình chuyển dịch từ Hán - Nôm sang chữ quốc ngữ cũng như lịch sử quá trình nghiên cứu, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung những ý kiến mới. Cách làm này giúp các trang viết của Thầy gần với bài giảng văn học cổ, trong đó có phân tích, cảm thụ, trao đổi, luận bình đưa lại vốn kiến văn thật sự sâu sắc. Xác định Nguyễn Trãi trên tư cách nhà văn chính luận kiệt xuất, Thầy nhấn mạnh từng đặc điểm và tính chất nổi bật như “tính chiến đấu xuất phát từ ý thức tự giác dùng văn chương phục vụ những mục đích chính trị, xã hội, phản ánh tinh thần dân tộc, nêu cao lý tưởng vì dân, thể hiện lý tưởng chính trị xã hội cao nhất”,và xét trên phương diện thể loại thì những áng văn này “phản ánh trình độ phát triển cao của văn chính luận dân tộc”[ii]… Với niềm say mê nghề nghiệp, say mê nền văn học cổ điển, Thầy có nhiều trang viết thật sự tâm đắc, khám phá sâu sắc thêm những giá trị tinh thần vốn đã trở thành biểu tượng, bản sắc và niềm tự hào dân tộc. Chẳng hạn, Thầy bình về khía cạnh nội dung thơ văn thuộc mẫu hình hoàng đế - thi nhân thật ý vị, sâu lắng: "Thơ đề vịnh thiên nhiên, phong cảnh của Lê Thánh Tông thật độc đáo. Nhiều bài thơ là sự gắn kết, hòa quyện giữa cảm hứng nghệ thuật và tư duy thế sự, nhiều bài thơ lại là biểu tượng một thiên nhiên quốc huy, đầy ắp hình tượng đất nước, vượng khí non sông, huy hoàng một Nam quốc, Nam thiên, địa linh nhân kiệt, uy nghi, đĩnh đạc, cổ kính, vĩnh hằng. Cả hai lối thơ đề vịnh này trước Lê Thánh Tông thật ít, mà sau hoàng đế cũng không mấy ai vượt trội hơn"[iii]. Còn có thể gặp được rất nhiều đúc kết sâu sắc và thi vị như thế khi tác giả viết về các danh nhân Thái Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Mạc Thiên Tích hoặc về bộ phận sử ca, diễn ca lịch sử dân tộc...

Đọc tập sách của Thầy Bùi Duy Tân, có thể thấy rõ Thầy là người sống trong nghề, thật sự yêu nghề, hiểu nghề, có thẩm quyền bàn luận nhiều vấn đề học thuật chuyên sâu của văn học trung đại dân tộc. Theo mạch văn và chủ định của Thầy, tập sách phần nào có những đoạn trùng lặp, nhất là khi tác giả hướng tới khái quát theo giai đoạn, theo thể loại hay theo cụm vấn đề. Tuy nhiên, điều có lý ở đây chính là người viết nhằm đan kết, xử lý tư liệu theo một cách hình dung mới, nghĩa là nhằm tạo cho bạn đọc một điểm nhìn mới, bổ sung một cách hình dung mới về diện mạo và chiều hướng phát triển của văn học dân tộc. Hơn nữa, viết kỹ như vậy cũng chưa hẳn là thừa, bởi như Thầy thường vui vẻ nhắc đi nhắc lại về sự "giảng đến rách mép" mà khi ra đời, các học trò vẫn còn hiểu sai, viết sai. Vì thế mà chúng ta càng trân trọng tập sách Khảo và luận..., một hợp tập khảo sát tư liệu và các vấn đề văn học sử còn rất cần thiết cho cả hôm nay và ngày mai[iv]

2. Chuyện gần chuyện xa…

Ngót năm chục năm trời tham gia giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn văn học Hán Nôm thời trung đại, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Bùi Duy Tân (20.10.1932 - 31.10.2009) đã công bố hàng chục công trình khảo và luận; từng chủ biên, đồng chủ biên hoặc đồng tác giả hàng chục bộ sách từ điển, giáo khoa, tư liệu tham khảo văn học cổ cho các bậc trung học, đại học và sau đại học… Ngay cả sau khi nghỉ hưu vào đầu năm 2001, đan xen giữa tháng ngày lâm bệnh, Thầy vẫn tranh thủ hoàn thành các công trình khảo luận, hợp tuyển, tinh tuyển, soạn từ điển và bộ sách tổng thành Bùi Duy Tân tuyển tập (2007)[v] do hai học trò và cũng là đồng nghiệp sáng giá - Trần Nho Thìn và Trần Ngọc Vương - viết tựa, bạt…

Còn nhớ cách nay đã phần tư thế kỷ, hồi năm 1982, sau khi được thầy Bùi Duy Tân trực tiếp hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp đại học với đề tài Nguyễn Trãi, tôi lại được Thầy mai mối cho về công tác ở Viện Văn học. Từ ngày ấy, gần như đã thành lệ, tháng nào tôi cũng chuyển tới Thầy một số Tạp chí Văn học và nhân đó được hầu chuyện, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Nhiều khi câu chuyện lan man sang cả việc nước, việc nhà, tình nghĩa con người, đối nhân xử thế, bóng đá, tổ tôm…

Nhớ Thầy Bùi Duy Tân là nhớ tới sức sống của một con người biết vượt qua mọi khó khăn thời cuộc, tự mình bồi đắp, tạo dựng nên bức chân dung nhà khoa học. Suốt một đời, thầy tỏa sáng bằng uy vọng chuyên môn, bằng bài giảng và những trang viết. Biết mình không mạnh về lý luận: “Cái gì mà các cậu cứ hay cấu trúc, cấu trúc… Tớ đọc không vào”, trước sau thầy vẫn đặt trọng tâm vào nghiên cứu văn học sử, tác gia và tác phẩm. Chính nhờ tạo được những “điểm chốt” trong những kiến giải về bài thơ Namquốc sơn hà, chữ “Khuê tảo” trong câu thơ Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo của Lê Thánh Tông, vấn đề “Hội Tao đàn”... mà thầy có được hệ thống tư liệu phong phú, độc đáo, tạo được niềm tin cậy trong học giới. Bài báo cuối cùng của thầy in trên báo Văn nghệ hồi mấy tháng trước cũng lại trao đổi về bài thơ Namquốc sơn hà.Trên thực tế, vào những năm sau này, thầy đã cố gắng đổi mới và làm mới các trang viết trong những kiến giải về thể tài thơ vịnh sử, về vấn đề thể loại và tương quan văn học Việt Nam trong mối quan hệ khu vực, đặc biệt với văn học Trung Hoa và Hàn Quốc…

Trong câu chuyện hàng ngày, Thầy Tân đặc biệt kính trọng, luôn suy tôn, nhắc nhớ tới các bậc thầy Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, rồi Đinh Gia Khánh… Trong bộ sách tổng thành kể trên, thầy dành riêng Phần bốn - Tôn sư trọng đạo để ký thác tâm sự về các bậc thầy của mình. Thầy âm thầm nhớ những chuyện xa, những chuyện gần. Trong bài Tưởng niệm thầy Cao Xuân Huy - vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam hiện đại, thầy thành kính vinh danh: “Thưa Thầy! Năm xưa, Thầy mất ở xa, tưởng nhớ Thầy, chúng con chỉ đành vọng niệm. Hôm nay, trong Lễ tưởng niệm nghiêm trang này, xin dâng lên Thầy những dòng viết như hương hoa thành kính của môn sinh đặt trước đài kỷ niệm của người Thầy đạo cao đức cả, linh hiển đời đời”. Gần cận hơn, thầy hoài niệm, bâng khuâng thương nhớ về một người thầy, một đồng nghiệp cùng tổ chuyên môn: “GS. Đinh Gia Khánh qua đời ngày 7 - 5 - 2003, đến nay chưa đầy hai giỗ, mà xa vắng đã như người thiên cổ!”... Trong quan hệ với đồng nghiệp, bạn hữu, Thầy trân trọng đánh giá cao năng lực và những đóng góp của Trần Đình Hượu, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên… Thầy thường đề cao đức tính trung thực, tình nghĩa thủy chung ở bạn bè, tìm thấy ở họ niềm tin yêu, trân trọng và ghi nhớ những bài học để đời. Tìm thấy niềm vui và lẽ sống trong công việc, Thầy thường tự hào vì trong những năm tháng đất nước khó khăn vẫn xây dựng được bộ giáo trình văn học sử bề thế. Thầy bảo: “Cơ chế gọn nhẹ lắm. Chẳng có hội thảo, ban bệ gì cả. Trong buổi họp tổ, ông Khánh phân công mỗi người phụ trách mấy phần, mấy chương, mấy đoạn. Ông Khánh thành thạo Hán Nôm, Anh ngữ, Pháp ngữ, uyên bác lắm. Ông Hượu nhân cách cao vời vợi, có tư duy và cách đặt vấn đề mới lắm, lạ lắm. Ông Lộc sâu sắc, chắc chắn, viết văn hay lắm…”.

          Trong cuộc đời thường, Thầy sống thật bình dị, cẩn trọng, thậm chí nghiêm túc theo kiểu nhà nho. Thuốc lá thuốc lào bỏ từ lâu rồi. Trà không, rượu không. Cả đời có đi tắm xông hơi một hai lần ở cơ sở viện Đông y mà tươi cười kể mãi...

Chỉ có điều Thầy rất hay về thăm quê và kể chuyện cảnh quê, việc quê, việc họ hàng, cưới xin, giỗ tết. Kỷ niệm quê hương cũng chẳng phải một vị ngọt ngào. Chạnh lòng mỗi khi nhớ về thời cải cách ruộng đất. Cái dớp ấy theo mãi khiến đến mấy lần tổ chức không thông qua được lý lịch. Nhưng mà quê hương vẫn mãi là quê hương. Ai đúng ai sai cũng đã rõ. Những người kia, dù vô tình hay cố ý, thì cũng đã qua cái thời của họ rồi. Bây giờ thanh thản ngẩng cao đầu về lại cố hương. Hậu sự chuẩn bị cả rồi, cắt đặt đâu đấy cả rồi. Mai sau, mai sau, thế nào cũng trở về cố hương…

          Một lần và mãi mãi[vi]

          3. Thầy Bùi nghỉ hưu…

Sự nghiệp suốt đời của Nhà giáo Nhân dân, PGS. Bùi Duy Tân là nghiên cứu văn học và giảng dạy từ bình dân học vụ, phổ thông cho đến đại học và trên đại học. Qua nửa thế kỷ, Thầy đã góp phần đào tạo hàng ngàn sinh viên, hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ cho đất nước. Trong sự nghiệp nghiên cứu, Thầy có được thành quả rất sớm: Từ bộ giáo trình Văn học cổ Việt Nam hoàn thành năm 1964 (cùng các GS. Đinh Gia Khánh và Mai Cao Chương) cho đến những khảo luận, chuyên đề về các tác gia văn học trung đại tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bảo, Thái Thuận, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Nguyễn Tông Quai, Mạc Thiên Tích, Lê Quý Đôn…; tham gia biên soạn các loại từ điển văn học, xây dựng bộ Tổng tập văn học Việt Nam, các giáo trình, hợp tuyển, sách tham khảo, sách giáo khoa và hàng trăm bài khảo cứu về các vấn đề lịch sử văn học dân tộc…

Sau tròn bốn mươi năm tận tụy với nghề giáo, giảng dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), từ đầu năm 2001, Thầy về nghỉ hưu. Với ai kia, nghỉ hưu là bỏ lại sau lưng chức tước, uy danh, quyền lực và quyền lợi. Với ông nhà giáo, về hưu là cầm quyển sổ hưu, đã đành không thêm được gì nhưng cũng chẳng mất mát bao nhiêu. Thầy vui vẻ, ngày lại ngày vẫn cần mẫn, say mê đọc sách, viết bài, giảng dạy. Giống như cây trái đến kỳ thu hoạch, bao nhiêu kiến thức, tư liệu xưa cũ được Thầy kiểm định, suy xét, chỉnh sửa, nâng cấp và đưa ra xuất bản, tạo nên một mùa bội thu. Tính ra trong khoảng tám năm nghỉ hưu, Thầy đã tham gia và hoàn thành các công trình chủ yếu như Khảo và luận một số ại tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập II (2001), Theo dòng khảo luận văn học trung đại (2003), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam, Tập I (Chủ biên) và Từ điển tác gia, tác phẩm trong nhà trường (Đồng chủ biên, 2004), Tinh tuyển thi văn Hán Nôm thế kỷ X-XVIII, hai tập (Chủ biên, 2005), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam, Tập II (Chủ biên) và Bùi Duy Tân - Tuyển tập (2007), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam, Tập III (Chủ biên, 2009)… Sau tám năm nghỉ hưu, trong đó có mấy năm đau yếu, một kết quả lao động học thuật như thế thật đáng trân trọng, kính nể.

Lại nhớ hồi năm 1982, tôi được phân công làm khóa luận tốt nghiệp với thầy. Sau khi nhận đề tài, Thầy cho mượn cuốn Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa dân tộc làm tài liệu tham khảo. Thầy gói cuốn sách trong tờ báo rồi căn dặn: “Giữ cẩn thận. Nhớ không truyền tay nhau. Nát sách là chết đấy”… Hơn hai mươi năm sau, trong một lần cùng thầy và mấy anh em giảng viên Khoa Văn học về quê Phùng Khắc Khoan, tôi kể lại chuyện này. Thầy bảo: “Sách vở tài liệu là phải thật cẩn thận. Một lần có cậu học trò trông nhà hộ tớ, mấy hôm sau lên thấy sụt cả một góc tủ sách”…

Ai cũng bảo thầy nghiêm túc, khí khái và cẩn thận như một cụ đồ xưa. Điều ấy có thật. Nhưng đấy là sự nghiêm túc của một người từng trải, thâm trầm, biết đùa và có khiếu hài hước. Nhiều khi vờ tếu táo ra uy với học trò và cả các đồng nghiệp, Thầy hấm hứ hậm hừ bằng một giọng rất đặc biệt. Thế mà hiệu nghiệm. Nhiều cuộc họp có chiều căng thẳng, chính nhờ cái giọng hấm hứ hậm hừ ấy mà trở nên xuôi chiều, nhẹ nhàng, vui vẻ.

Ngày mới về hưu, nhà Thầy ở số 85, phố Nguyễn Quý Đức. Nhiều buổi chiều tôi đến hầu chuyện Thầy. Căn phòng tầng hai mờ mờ ảo ảo. Chủ yếu là chuyện viết bài, tổ chức biên soạn sách. Cũng có khi Thầy nói chuyện thế sự nhân tâm, khuyên bảo phải đối xử với ông bà này theo cách này, cách này. Đến sâm sẩm tối, Thầy lại đội mũ phớt đi dạo một vòng. Có hôm đang ngồi trò chuyện, chợt Thầy bảo: “Ngồi mười phút nữa. Các cụ sắp đến đánh tổ tôm đấy”. Đúng thế thật. Nhà Thầy có hội tổ tôm, thường đánh vào buổi chiều. Thầy lại bảo: “Các cụ gặp nhau vừa tổ tôm vừa chuyện phiếm. Nghiện đấy. Nghiện đấy…”. Kể cũng là một cách thư giãn ở tuổi hôn hoàng. Mấy năm cuối, khi chuyển nhà về ở phố Phan Đình Giót thuộc phường Phương Liệt, Thầy vẫn còn ngậm ngùi mỗi khi nhắc về nơi ở cũ và nhóm bạn tổ tôm. Trên thực tế, nơi ở mới khang trang, sạch đẹp và gọn gàng hơn. Cuối đời mà có được nơi tĩnh dưỡng thế này là tốt lắm rồi. Tại nơi đây, mấy thế hệ học trò đã cùng Thầy bàn bạc, soạn thảo đề cương để rồi hoàn thành ba tập sách hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam và mấy bộ sách khác[vii].

*

Mười năm Thầy Bùi đã đi xa. Lại một mùa thu heo may. Dọc lối vào nhà Thầy, vẫn những chiếc lá bàng mùa Thu năm trước thưa thớt rơi…

Hà Nội, ngày 8-10-2019

 


[i] Bùi Duy Tân (1999),Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

[ii] Bùi Duy Tân (1999),Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.Sđd, tr.68-85.

[iii] Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.Sđd, tr.30.

[iv] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn (1999), Đọc “Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam”. Nhân Dân,số 16218, 2-12, tr.4.

[v] Bùi Duy Tân: Tuyển tập (Tựa của Trần Nho Thìn, Bạt của Trần Ngọc Vương) (2007). Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 844 trang.

[vi] Hà Nội, viết ngày 1-11-2009…

[vii]Hà Nội, viết ngày 14-10-2010…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443897

Hôm nay

2148

Hôm qua

2307

Tuần này

21710

Tháng này

219071

Tháng qua

112676

Tất cả

114443897