Góc nhìn văn hóa
Đừng “dậy sóng” để câu view khiến dân tình “bình loạn”!
Thời đại Internet, truyền thông số phát triển như vũ bão. Tin tức được cập nhật liên tục, từng phút, từng giây và dường như không bị giới hạn về không gian địa lý. Bất kỳ ở đâu trên trái đất, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet là có thể cập nhật mọi thông tin đang diễn ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Lợi thế đó, cách đây hơn hai ba chục năm về trước, chúng ta chưa dám nghĩ tới khi thông tin bị giới hạn bởi báo giấy, báo tiếng, báo hình - những phương tiện truyền thông truyền thống không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận.
Nhưng sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ, nhanh chóng, rộng khắp chỉ diễn ra khi các ứng dụng mạng xã hội đi vào cuộc sống như Twitter, Facebook, Zalo, Youtube,… Với sự ra đời của mạng xã hội, người dùng chỉ cần một cái lích chuột hay ấn nút trên bàn phím điện thoại là có thể tiếp cận tức thì hay đăng tải ngay mọi thông tin.
Mạng xã hội vì thế, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường truyền thông với số lượng lớn người dùng lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người trên trái đất. Có thể nói, cho đến nay chưa có phương tiện truyền thông nào có khả năng chia sẻ, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như các ứng dụng mạng xã hội.
Và “sóng” cũng bắt đầu từ đây.
Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, báo chí, nhất là báo mạng lập tức không bỏ lỡ cơ hội, tìm mọi cách nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, mục đích là để giành được lượng view, like nhiều nhất. Chuyện “câu view, câu like” xuất hiện. Và đây là nguồn cơn của cái gọi là “sóng dư luận” trên cộng đồng mạng xã hội (bao gồm báo mạng và các ứng dụng mạng xã hội nói trên).
Chuyện tạo “sóng dư luận” trên truyền thông là lẽ đương nhiên. “Sóng là hiện tượng bình thường. Nhờ sóng dư luận mà nhiều vấn đề xã hội được giải quyết kịp thời. Nhưng cũng lắm khi, sóng kết hợp với cơn địa chấn tạo nên sóng thần cuồng nộ, có sức phá hủy. Sóng dư luận trên mạng cũng vậy” (Lê Hải Đăng, https://www.thesaigontimes.vn/292774/song-tren-cong-dong-mang.html).
Bài viết này bàn chuyện “sóng truyền thông” ở góc độ tạo hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội - những “cơn địa chấn cuồng nộ, có sức phá hủy” như tác giả Lê Hải Đăng đã nhận xét.
Hiệu ứng tích cực hay tiêu cực của sóng dư luận trên mạng xã hội phụ thuộc vào nhận thức, ý đồ và cả cái tâm của người tạo sóng lẫn người tiếp nhận.
Có thể nêu một ví dụ điển hình vừa mới xảy ra cách đây ít hôm.
Một cô giáo viết “tâm thư” chia sẻ đến học sinh trong mùa dịch Covid-19 kèm theo bài thơ minh họa đăng tải lên một tài khoản Facebook. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu như nó không lọt vào tầm ngắm của những phóng viên chuyên săn tin trên mạng xã hội để viết bài. Status của cô giáo ngay lập tức được phóng viên nhiều báo “phát hiện” chuyển tải thành bản tin với tựa đề na ná nhau, đồng loạt xuất hiện trên mặt báo: “Cô giáo làm ‘dậy sóng’ cộng đồng mạng với bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19”, “Cô giáo viết “tâm thư” gửi học sinh giữa dịch Covid-19 gây bão mạng”,....
Vậy là từ một status đăng trên trang Fb nhóm cộng đồng, bỗng biến hóa thành một hiện tượng xã hội đặc biệt nhờ tài PR của phóng viên và uy tín của tờ báo.
Dư luận ngay lập tức bị cuốn hút bởi những ngôn từ có cánh: “Bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 của cô Thanh được chia sẻ trên hàng loạt Fanpage của cộng đồng giáo viên, học sinh cùng nhiều trang cá nhân. Trong đó, nhiều người cho biết đã chảy nước mắt khi đọc bài thơ”. Một cách đánh giá chung chung, chủ quan, hư hư thực thực, không được kiểm chứng (“đặc biệt, hàng loạt, nhiều người chảy nước mắt, dậy sóng, bão mạng”,…). Và “sóng” dư luận bắt đầu nổi lên.
Nhưng “dậy sóng” hay “gây bão mạng” không phải từ “tâm thư” của cô giáo mà là từ “uy tín” đối với độc giả của bản báo đã đăng tải. Với một thông tin liên quan đến vấn đề nóng bỏng đang được dư luận cả nước quan tâm, lại được chạy tít giật gân thì việc có hàng ngàn người view hay like chẳng có gì là khó hiểu đối với một tờ báo lớn. Thử hỏi nếu không có sự “lăng xê” của báo chí, tâm thư hay bài thơ của một cô giáo vô danh liệu có thể “dậy sóng” để “gây bão mạng”? Độ “đặc biệt” của tâm thư và bài thơ đến mức nào, cộng đồng mạng đã đánh giá, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Chỉ có điều, sau khi “dậy sóng, gây bão”, trên Fanpage đã từng đăng tải tâm thư của cô giáo, status đã bị gỡ. Loạt bài mà báo chí phản ánh sau đó cũng biến mất. “Sóng” xẹp, “bão” tan. Mạng xã hội tạm yên ắng trở lại.
Tại sao vậy? Có lẽ ban đầu vì hiệu ứng đám đông, cũng có thể là thói quen a dua trước một hiện tượng, sự việc nào đó mà nhiều người không đọc kỹ, chỉ lướt qua thấy nội dung phù hợp với tâm lý, nhận thức của mình thì sẵn sàng nhấn nút bày tỏ ý kiến. Nhưng đến khi bình tâm lại, soi chiếu kỹ hơn, phát hiện ra những bất cập về tính xác thực thông tin trong tâm thư, tính nghệ thuật và bản quyền của bài thơ thì lập tức, dư luận hạ nhiệt. Nội dung tích cực của “tâm thư” được thể hiện bằng cái tâm trong sáng nhưng hình thức thể hiện hạn chế, trái với cái gọi là “đặc biệt”, “dậy sóng” mà báo chí đã gán cho là nguyên nhân gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Cảm thông cho cô giáo bỗng dưng phải gánh chịu áp lực từ búa rìu dư luận, không phải do cô gây ra.
Vào Google gõ cụm từ "cộng đồng mạng dậy sóng", không khó để bắt gặp hàng loạt sự kiện luôn được gắn mác “dậy sóng” kiểu như: Những chính sách dậy sóng, những phiên tòa dậy sóng, showbiz dậy sóng, phát ngôn dậy sóng, cộng đồng mạng dậy sóng,…
Trong số muôn vàn những con sóng do truyền thông tạo ra, có không ít những con sóng tích cực, tạo được sự đồng thuận của dư luận, tác động sâu sắc đến xã hội, làm thay đổi chính sách của nhà nước để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Những con sóng như thế là thước đo thái độ, phản ứng của người dân về một vấn đề, một chủ trương, chính sách liên quan đến quốc kế dân sinh. Những con sóng tích cực ấy cần phải có để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
Nhưng cũng không ít con sóng truyền thông tạo hiệu ứng ngược bởi như trên đã nói, nếu người tạo ra nó không với cái tâm sáng, trí ngời mà chỉ để câu view, câu like thì vô hình trung những con sóng như thế gây chia rẽ dư luận, nhà quản lý nếu không tỉnh táo sẽ bị cuốn theo “sóng” mà đưa ra những quyết sách vội vã, bất cập.
Câu chuyện về tâm thư cô giáo “dậy sóng, gây bão” dư luận là một bài học sâu sắc không chỉ cho những người làm báo mà là tất cả chúng ta.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu nói của một người phụ nữ U60 ở Lâm Đồng trong một lần tham gia gameshow trên truyền hình: “Hãy bình tĩnh mà sống!”.
Vâng, hãy bình tĩnh mà sống nhất là giữa lúc dịch Covid đang đe dọa tính mạng của con người trên thế giới.
Nguyễn Duy Xuân
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511909
2235
2337
22283
218782
121356
114511909