Diễn đàn

Sự thô tục lên ngôi?!

Bảng chỉ số DCI của 5 quốc gia có chỉ số cao nhất và 5 quốc gia có chỉ số thấp nhất (chỉ số càng cao càng kém văn minh trên mạng). Nguồn ảnh News.zing.vn

Theo kết quả Chỉ số văn minh trực tuyến (DCI) được Microsoft công bố vào ngày Quốc tế an toàn Internet, Việt Nam nằm trong danh sách 5 quốc gia kém văn minh nhất trên mạng. Bốn nước còn lại lần lượt là Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Có lẽ không đợi đến khi chỉ số này được công bố chúng ta mới nhận thức rõ điều này. Lâu nay, tình trạng hành xử kém văn minh đã trở thành một vấn đề khiến không ít người cảm thấy bức xúc, khó chịu và thậm chí, từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng mạng xã hội để không phải nhìn thấy những lời lẽ thô tục, những phản ứng thái quá. Đáng nói hơn, câu chuyện này không chỉ xuất hiện ở trên mạng mà còn cả trong cuộc sống thường nhật và có xu hướng ngày càng phổ biến. Lẽ nào trong thế giới ngày càng văn minh, hiện đại, sự thô tục lại lên ngôi?!

Cũng theo nghiên cứu này, những chủ đề người Việt hành xử kém văn minh gồm có: quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%), quan điểm chính trị (23%). Bên cạnh những bình luận thô tục, kích động, người Việt còn có các hành xử kém văn minh khác như tin nhắn lừa đảo, gạ gẫm, quấy rối tình dục,… Những con số, nội dung ấy thực sự đáng để chúng ta quan tâm, xem xét nghiêm túc bởi nó đang phơi bày nhiều mặt xấu của người Việt, biểu hiện sự xuống cấp không chỉ về đạo đức mà còn cả những vấn đề trong giáo dục, tâm lý, nhận thức mà bao lâu nay dù đã hô hào chấn chỉnh nhưng dường như không biến chuyển. Chúng ta cần  tìm hiểu đến cùng nguyên nhân của vấn đề, trả lời cho được câu hỏi vì đâu người Việt ngày càng trở nên dễ bị kích động, giận dữ, mất kiểm soát như vậy? Vì sao nội dung liên quan đến các chủ đề trên lại thường có biểu hiện hành xử kém văn minh? Điều gì dẫn dắt đến xu hướng này trong xã hội?

Trong số những hành vi kém văn minh của người Việt được liệt kê, dễ thấy nhất là những lời nói thô tục, thái độ kích động trên mạng. Không khó để thấy điều này khi vào bất cứ một trang, hội nhóm nào trên Facebook hay Youtube chúng ta đều có thể bắt gặp những câu chữ rất thiếu văn hóa. Họ chửi bới nhau bởi những vấn đề rất nhỏ, sử dụng ngôn từ tục tĩu nhất để làm thỏa mãn cơn giận của mình. Họ tự cho bản thân quyền sỉ nhục, lăng mạ, xúc phạm người khác mà không màng đến hậu quả. Người Việt còn sẵn sàng tham gia tấn công cá nhân khác biệt về quan điểm chính trị, về tôn giáo và thậm chí kêu gọi tẩy chay, kỳ thị người khác chỉ vì không ưa họ. Sau các trận bóng, bất cứ trọng tài nào có biểu hiện khắt khe với đội tuyển Việt Nam đều bị cư dân mạng truy tìm và chửi bới đến mức họ phải khóa trang cá nhân. Câu lạc bộ nơi các cầu thủ như Công Phượng, Đoàn Văn Hậu đầu quân cũng phải đau đầu vì người hâm mộ Việt liên tục vào chửi bới khi không cho các cầu thủ này ra sân mà chỉ ngồi trên ghế dự bị. Thậm chí trang cá nhân của một số nguyên thủ quốc gia các nước cũng xuất hiện bình luận thiếu văn minh của người Việt. Người trẻ thì thích thú xem, chia sẻ những video ăn nói tục tĩu, nội dung phản cảm trên Youtube, đặc biệt là một số trang nhạc chế, Vlog. Bước ra đường người ta dễ dàng đánh, chửi nhau vì một va chạm nhỏ. Ngồi trong các quán cà phê, bạn có thể nghe vô số những lời nói tục tĩu vang lên, thậm chí từ những cô gái mặt như thiên thần và trên mình đang khoác áo đồng phục học sinh. Đáng buồn hơn, hiện tượng dùng lời thô tục, phản cảm này không chỉ xuất hiện ở thanh thiếu niên hay những cá nhân không được giáo dục tử tế mà còn dần phổ biến ở một bộ phận được gọi là trí thức, người có ảnh hưởng trong xã hội, thậm chí cả lực lượng được giao nhiệm vụ phản biện các luận điệu trên mạng. Có những nghệ sỹ, trí thức hễ nói/viết là văng tục ấy vậy mà người người tung hô, gọi thánh này nọ thì quả thực đáng buồn! Trước những câu chữ chỉ nghe/đọc thôi đã đủ để thấy ngượng vậy mà một đám đông lại nhao nhao lên ca tụng và tác giả của chúng thì hả hê, thấy mình thật cá tính, tài hoa. Đó đâu phải là cái "tục mà thanh" như Hồ Xuân Hương. Đó chỉ là những lời chửi bới thô thiển giúp làm hả dạ một dám đông giận dữ, thiếu kiểm soát mà thôi!

Khi ngày càng đông người ủng hộ thậm chí tung hô lối nói, viết, chửi tục tĩu với phương châm được gọi là "thô mà thật"; khi một bộ phận không nhỏ đang dùng lối nói/viết đó đầy tự hào, như thể là cách để khẳng định mình tài giỏi, ngông, bất cần thì có lẽ văn hóa đang có vấn đề. Đây là một trong những biểu hiện của sự đảo lộn các chuẩn mực, giá trị trong xã hội. Xin nhấn mạnh ở đây không  đánh giá/lên án người thi thoảng chửi thề, nói tục 1 câu khi quá bức xúc trước vấn đề nào đó. Đối tượng bài viết này nói đến là những người lấy sự tục tĩu làm "thương hiệu", nói tục như một thói quen. Nếu những trí thức, người có ảnh hưởng nhất định cứ duy trì lối nói, viết như vậy trên mạng thì làm sao có thể giáo dục được con em mình, răn dạy hay lên án những biểu hiện lệch lạc của giới trẻ. Chúng ta, chẳng nhẽ lại tự hào bởi những điều đi ngược lại với sự tiến bộ, văn minh? Có lẽ đã đến lúc phải hành động để chấn chỉnh lại những điều này. Hiện nay, chúng ta đang thiếu cả lời nói và hành động để hạn chế tình trạng này. Mặc dù Luật An ninh mạng đã ra đời nhưng vẫn chưa tập trung xử lý các đối tượng dùng ngôn ngữ tục tĩu, xúc phạm cá nhân có quan điểm khác mình về các vấn đề tôn giáo, chính trị, xã hội trên mạng. Chúng ta đề cao tự do ngôn luận và phản biện xã hội nhưng phải bằng một lối nói, viết chuẩn mực, phù hợp đồng thời phải tôn trọng sự khác biệt.

Đã có lúc tôi sợ rằng người tử tế sẽ trở nên cô đơn trong xã hội và bây giờ tôi lại thêm một mối lo khác là những người ăn nói, hành xử đúng mực sẽ thực sự cô đơn. Thậm chí, họ còn bị cộng đồng nhiều lúc cho là giả tạo, là khuôn sáo khi cư xử đúng phép tắc. Tại sao vậy? Tôi không tin thời đại này là thời đại của sự tục tĩu lên ngôi, tôi không tin có sự đảo lộn giá trị đến vậy. Đừng tiếp tục để người Việt rơi vào những bảng xếp hạng đáng xấu hổ như thế thêm nữa. Muốn làm được điều đó, trước hết, mong cộng đồng mạng đừng cổ vũ, tung hô những cá nhân nói, viết thiếu văn hóa. Đặc biệt, pháp luật phải nghiêm minh hơn trong xử phạt những đối tượng xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; kích động, lôi kéo sử dụng hành động bạo lực; kỳ thị phân biệt giới tính, tôn giáo dưới mọi hình thức. Xã hội hiện đại, chắc chắn sẽ không có chỗ cho những cư xử kém văn minh!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511942

Hôm nay

2268

Hôm qua

2337

Tuần này

22316

Tháng này

218815

Tháng qua

121356

Tất cả

114511942