Diễn đàn

Chống đại dịch Covid-19: Hăng hái, quyết liệt nhưng cũng cần tỉnh táo

Phải công nhận Việt Nam phòng chống đại dịch Covid-19 quyết liệt, mạnh mẽ trên cả hai phương diện: Chủ trương, chính sách của Nhà nước và truyền thông. Quyết liệt trong chủ trương là cần thiết nhưng cũng phải tỉnh táo để có những chính sách cần bằng, có tác dụng lâu dài. Còn truyền thông hăng hái là tốt nhưng cần thận trọng để tránh sai sót.

Tôi buộc phải thay đổi cách viết về phòng chống đại dịch Covid-19

Với tư cách là nhà báo, ngoài việc viết bài cho cơ quan báo chí mà tôi làm việc (Tạp chí Gia đình và Trẻ em - Cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tôi còn viết trên trang cá nhân của mình là Facebook Ho Bat Khuat. Khi căn bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), tôi đã chú ý tới vấn đề này và viết rất nhiều. Quan điểm của tôi là muốn viết 1 thì phải đọc 10, vì vậy tôi đọc rất nhiều, kể cả báo chí Việt Nam và báo chí nước ngoài.

Điều đầu tiên có thể khẳng định: Việt Nam đã và đang phòng chống đại dịch Covid-19 rất tốt. Điều này không chỉ người Việt ta nói, mà người nước ngoài cũng công nhận. Để chứng minh điều này, người ta nói đơn giản và thuyết phục: Việt Nam là láng giếng với Trung Quốc, có cả biên giới trên đất liền cũng như trên biển. Vậy mà cho đến ngày 26/2 Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm bệnh và cả 16 người đều đã bình phục. Mãi cho tới ngày 6/3, mới phát hiện bệnh nhân thứ 17; sau đó thì xuất hiện thêm nhiều bệnh nhân nữa nhưng tới tận ngày 28/3 cũng chỉ có tất cả 169 người nhiễm bệnh, trong đó 128 người Việt Nam, 41 người nước ngoài.

Dù đã có những dấu hiệu đáng lo ngại như lây nhiễm chéo, một số thấy thuốc bị nhiễm bệnh, bệnh viện lớn nhất nước là Bệnh viện Bạch Mai thành ổ dịch, một số người trốn cách ly... Song, tình hình vẫn rất khả quan, mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ về các biện pháp chúng ta thực hiện và cách báo chí, truyền thông đưa tin, tôi cho rằng, chúng ta cần có sự điều chỉnh để có thể phòng chống đại dịch Covid-19 tốt trong thời gian dài.

Khi tôi nghĩ tới điều này, việc đầu tiên tôi làm là thay đổi cách viết về đại dịch Covid-19. Vào 5 giờ sáng ngày 28/3 tôi viết trên trang cá nhân của mình:

“Hôm nay tôi không làm cái việc là cập nhật số liệu người nhiễm bệnh, người khỏi bệnh, người tử vong vì Covid-19 nữa. Vì vừa cập nhập sau vài phút, nó đã lạc hậu.

Giới truyền thông nước ta hình như đang đặt phần lớn tâm trí của mình vào việc đưa tin, phân tích, mổ xẻ... Covid-19. Một bộ phận truyền thông của thế giới cũng đang làm thế (nhưng chỉ là một bộ phận thôi). Đại dịch Covid-19 đang làm thế giới điên đảo nhưng hình như mỗi quốc gia "điên đảo" theo cách riêng của mình. Việt Nam có 163 ca nhiễm bệnh, 20 ca đã khỏi bệnh nhưng chúng ta hầu như dừng hết mọi hoạt động thiết yếu nhất của cuộc sống: học sinh, sinh viên nghỉ học; giao thông (từ hàng không đến xe buýt hạn chế ở mức tối đa); hàng quán, hoạt động giải trí gần như dừng hẳn; người dân được khuyên là nên ở nhà... Trong khi đó, ở Thụy Điển (đến thời điểm này) có 3.046 người nhiễm bệnh, 92 người chết thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường, học sinh vẫn đến trường, hàng quán vẫn mở cửa bình thường, người dân đổ đến công viên dạo chơi, tắm nắng...

Tôi chỉ nêu lên sự khác biệt thôi, chưa nói tới những cái lợi, cái hại của chúng.

Có thể thấy cách phòng chống dịch của Việt Nam rất quyết liệt và hiệu quả. Nhưng cách này chỉ phù hợp trong một thời gian ngắn là khoảng 3 đến 4 tháng. Còn nếu dịch kéo dài hàng năm thì cách của chúng ta sẽ không phù hợp nữa. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cách thức chống dịch mới.

Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, giai đoạn đầu họ là tâm dịch. Bây giờ tâm dịch đã chuyển sang châu Âu, châu Mỹ (Hoa Kỳ ổ dịch lớn và được dự đoán là khó lường nhất). Đây là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu, đáng ra các nhà lãnh đạo các cường quốc phải tập trung cho vấn đề này. Nhưng thực tế không phải như vậy!

Trung Quốc vẫn tập trận, vẫn lấn chiếm ở biển Đông. Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn hằm hè với Nga. Nga vẫn tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự. Mỹ vẫn chủ trương kiềm chế Nga, sẵn sàng các biện pháp trừng phạt... Những hoạt động này đang diễn ra nhưng có vẻ bị chìm đi vì giới truyền thông không chú ý đưa tin nhiều, cũng không chịu khó phân tích, bình luận.

Cần phải thấy là chưa ai dám khẳng định là dịch Covid-19 khi nào kết thúc. Nhưng điều này có thể khẳng định: Suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ diễn ra dù dịch Covid-19 sắp kết thúc hay kéo dài vài năm nữa. Vậy việc đối phó với suy thái kinh tế là cấp thiết.

Trở lại vấn đề của Việt Nam. Chúng ta quyết tâm chống dịch là đúng nhưng đừng quên là một bộ phận dân số đã không có thu nhập trong 2 tháng nay rồi. Đây là những gia đình nghèo, hoặc cận nghèo; bình thường họ có thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc không có tích lũy. Vậy mà bây giờ lại không có thu nhập thì sống bằng cái gì? Hãy nghĩ đến cả họ nữa!”.

Bài viết này nhận được khá nhiều ý kiến đánh giá; có cả đồng tình, ủng hộ và phản đối phê phán.

Xin được tiếp tục trao đổi

Trên mạng xã hội, có rất nhiều loại ý kiến khác nhau, điều này tôi đã quen từ lâu. Tôi hầu như không xóa ý kiến nào, kể cả những ý kiến phản đối gay gắt nhất. Tuy nhiên, tôi có cách đánh giá riêng của mình về các loại ý kiến khen - chê. Tôi thích những ý kiến khen (đương nhiên rồi), nhưng phải có cơ sở. Tôi cũng thích cả nhưng ý kiến chê nhưng có lập luận rõ ràng, vững chắc, có sức thuyết phục. Mục đích của tôi viết và đọc trên mạng là để học hỏi và nhận diện, đánh giá trí tuệ, nhân cách, cái tâm, cái tài của từng cá nhân trong trùng trùng, điệp điệp đội ngũ dân cư mạng.

Trở lại bài viết của tôi trên Facebook của tôi sáng 28/3. Tôi cám ơn những người ủng hộ quan điểm và cách nhìn nhận của tôi và không nhắc tới nữa. Tôi cũng biết ơn những người phản đối - phê phán vì đã đọc, cho ý kiến. Và tôi muốn trao đổi thêm.

Phần lớn các ý kiến phản đối - phê phán cho rằng, các chủ trương, chính sách của Chính phủ đúng cả rồi, rất có hiệu quả; không cần bàn tới nữa. Tôi đồng ý là các chủ trương, chính sách của Chính phủ đang thực hiện là chính xác, là hiệu quả. Nhưng điều tôi muốn lưu ý là những chính sách này liệu có phù hợp trong tương lai hay không? Hơn nữa, ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đến một bộ phận dân số đã mất việc làm, không có thu nhập; họ sống ra sao? Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đã có tới 600.000 người mất việc làm. Đây cũng là vấn đề rất lớn chứ!

Các bạn đừng quên tôi làm việc ở một cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tôi rất quan tâm tới việc bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, tôi phải nêu vấn đề có những người đang lâm vào thế bí, đang túng thiếu, thậm chí là có thể bị đói để chúng ta nghĩ về họ; Chính phủ có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp; từng người dân có thể giúp đỡ bằng cách làm từ thiện.

Những góp ý như vậy không bao giờ thừa cả, đừng nghĩ là Chính phủ đã tính toán kỹ rồi, khỏi phải bàn nữa. Nếu nghĩ như vậy là ỷ lại và triệt tiêu ý kiến phản biện; trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi phản biện. Tôi nói thêm điều này: Chính phủ nhiều nước trên thế giới có lực lượng đối lập nên mọi chủ trương, chính sách họ đưa ra đều nhận được ý kiến phản biện ngay từ đầu. Còn ở nước ta chỉ có một Đảng lãnh đạo, không có phe đối lập, không có ý kiến phản biện ngay từ đầu nên những nhận xét, góp ý của giới truyền thông là rất quan trọng.

Trong khi đó, giới truyền thông nước ta (kể cả mạng xã hội) lại thiên về ca ngợi, đề cao hơi quá những gì ta làm được trong việc phòng chống Covid-19 trong thời gian vừa qua. Hăng hái đến nỗi có tờ báo giật tít: “Chống dịch là khát vọng của giới trẻ lúc này”; hoặc cơ quan công quyền gửi công văn nói... “tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut covit-19 có thể tử vong”; hay có Đại hội Đảng cấp cơ sở tất cả đại biểu đều đeo khẩu trang in cờ đỏ búa liềm. Đây là những sai sót trong diễn đạt, trong hành vi vì hăng hái quá.

Còn những gì liên quan đến đại dịch Covd-19 trên bình diện quốc tế là một câu chuyện sâu và dài. Có một số chuyên gia hi vọng là sau khi dập được dịch, tình hình thế giới sẽ đổi khác. Kinh tế có thể lâm vào suy thoái nhưng chính trị, ngoại giao sẽ được cải thiện đáng kể; thậm chí những xung đột quân sự, việc trừng phạt lẫn nhau sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, đấy chỉ là hi vọng, còn hiện tại Mỹ, Nga, Trung Quốc, Tây Âu vẫn nghi ngờ và buộc tội lẫn nhau. Một cuộc chiến tranh thông tin xung quanh đại dịch Covid-19 đang được tiến hành rất quy mô, ngấm ngầm nhưng ác liệt. 

Do vậy, viết về những vấn đề này không hề dễ. Muốn viết, muốn bàn về chúng, cần phải đọc thật nhiều và nghĩ thật kỹ. Nếu các bạn có hứng thú bàn về những điều này, tôi sẽ tiếp tục.

Với tư cách là người viết báo và “chơi” facebook, tôi có vài ý kiến nhỏ như vậy và sẵn sàng trao đổi, tiếp thu ý kiến.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511895

Hôm nay

2221

Hôm qua

2337

Tuần này

22269

Tháng này

218768

Tháng qua

121356

Tất cả

114511895