Diễn đàn

Lại chuyện ban hành văn bản “thò ra thụt vào”

Ngày 26/3/2020, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM có văn bản khẩn số 2285 do bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó GĐ Sở ký, gửi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành và Công ty Cổ phần đầu tư Long Cơ về xây dựng báo cáo phương án hoạt động hỏa táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch Covid-19. 

Đáng chú ý, trong văn bản có đoạn viết: "Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong". 

Thông tin về văn bản này lập tức lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận hết sức quan tâm và lo lắng trước giả định mà Sở TNMT TP đặt ra: "với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong" trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường.

Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận về việc ra một văn bản với nội dung gây hoang mang cộng đồng, ngay ngày hôm sau, Sở TNMT TP đã có quyết định số 2219 (không đóng dấu khẩn) cũng do bà Thanh Mỹ kí với nội dung thu hồi văn bản số 2285 mà không nói rõ lý do.

Chiều 28/3, tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, sau khi nhận được phản ánh, với trách nhiệm là người đứng đầu đã cho rà soát, thấy trong văn bản có một số nội dung không  phù hợp, nên chủ động thu hồi và nhận trách nhiệm vì việc ra văn bản gây ảnh hưởng tới người dân.[1]

Tuy nhiên, ông Thắng lại nói: “Tôi cũng chưa rõ văn bản nói trên đã gây ảnh hưởng gì đến dư luận và tình hình chung của thành phố chưa”.

Theo ông Từ Lương - GĐ Trung tâm báo chí TP, tại cuộc họp báo, Thường trực UBND TP đánh giá việc ra văn bản nói trên tác động rất lớn đến tình hình tư tưởng, công tác chỉ đạo của TP.

Chuyện không chỉ riêng Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM

Trong quá khứ, đã từng xảy ra không ít trường hợp văn bản pháp quy của các bộ, ngành, địa phương vừa ban hành đã phải thu hồi ngay vì nội dung văn bản có vấn đề.

Ngày 2/11/2015, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo TP Châu Đốc (An Giang) ký công văn số 1253/PGDĐT, thu hồi công văn số 1192/PGDĐT do chính mình ký có nội dung: “Nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share) nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, chính trị, tôn giáo”… làm “dậy sóng” cư dân mạng khi cho rằng văn bản này là vi hiến.[2]

Ngày 23/10/2017, bà Cao Thị Vân, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên -  Huế đã ký quyết định số 083/QĐ-HBXPVPHC về việc hủy bỏ quyết định số 058/QĐ-XPVPHC ngày 20/7/2017 của Chánh Thanh tra Sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với BS Hoàng Công Truyện (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) 5 triệu đồng vì hành vi đưa nội dung kèm hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội Facebook của cá nhân.[3]

Ngày 9/9/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông báo đã có quyết định hủy bỏ Quyết định 2450/QĐ-BGD-ĐT ký ban hành hôm 21-8-2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức của Bộ GD-ĐT vì liên quan đến vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.[4]

Vì sao có chuyện nghịch lý “văn bản thò ra thụt vào”?

Không ít các văn bản hành chính sau khi ban hành bị cộng đồng mạng xã hội “chấm lỗi” về chính tả, chữ nghĩa, văn phong, thể thức trình bày và nội dung tư tưởng. Đây không phải là chuyện dư luận rảnh rỗi để săm soi mà là do sai sót trong các văn bản pháp quy cứ như cục sạn lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa thời đại thông tin số khiến người dân không thể im lặng. Về mặt này, phải thừa nhận tác dụng tích cực của mạng xã hội - người gác cổng chăm chỉ giúp loại bỏ ngay những văn bản bất cập, vi hiến, có thể tác động xấu đến xã hội.

Có thể nêu một dẫn chứng điển hình về văn bản mắc lỗi sơ đẳng (lỗi chính tả), mời xem tại đây: https://baodautu.vn/khanh-hoa-dinh-chinh-loi-chinh-ta-tai-van-ban-siet-viec-chuyen-nhuong-du-an-bds-du-lich-d93193.html

Ngay trong công văn nói trên của Sở TNMT TP. HCM, đoạn văn mở đầu cũng đã cho thấy sự lủng củng trong diễn đạt: "Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covid-19 có thể tử vong".

Lỗi chính tả, lỗi ghi nhầm ngày tháng, lỗi dùng từ, lỗi diễn đạt, lỗi thể thức trình bày là những lỗi sơ đẳng, không đáng có đối với một văn bản hành chính dù ở bất cứ cấp nào bởi đã mặc định chuẩn chức danh người soạn thảo, người ký ban hành phải đảm bảo trình độ học vấn, năng lực chuyên môn để đảm đương công việc được giao.

Được biết, quy trình ban hành một văn bản vốn rất chặt chẽ, trải qua nhiều công đoạn, nhiều người, từ tham mưu, soạn thảo, đánh máy, ký tắt, duyệt của người có thẩm quyền, vậy mà sai sót cố hữu vẫn xảy ra. Vì sao?

Vì trình độ sử dụng tiếng Việt của người soạn thảo cho đến người duyệt còn hạn chế? Đây chính là hệ quả của việc dạy học Văn - Tiếng Việt trong nhà trường hiện nay. Do phạm vi bài viết, chúng tôi không bàn thêm về vấn đề này.

Vì năng lực chuyên môn yếu kém nên không đủ khả năng tự thẩm định tính chính xác, tính chuẩn mực về hình thức trình bày và nội dung của văn bản, dù người soạn thảo lẫn người ký duyệt có đủ các loại văn bằng, chứng chỉ trong tay?

Vì năng lực lãnh đạo hạn chế, không đủ tầm bao quát phạm vi chuyên môn, lĩnh vực mình phụ trách, kém nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, thời cuộc nên không nhận ra vấn đề nêu trong văn bản là bất cập, thậm chí là vi hiến?

Vì chủ quan, lơ là trách nhiệm, cẩu thả trong việc soạn thảo văn bản hay đơn giản vì… người đánh máy?

Vân vân và… vân vân.

Khắc phục chuyện này (văn bản thò ra thụt vào) không dễ gì một sớm một chiều bởi nó là hệ lụy của giáo dục, đào tạo như đã nói ở trên; của công tác tuyển chọn cán bộ; của cách thức vận hành bộ máy hành chính công hiện nay.

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-xu-nghiem-ca-nhan-ra-van-ban-hoa-tang-benh-nhan-covid-19-628900.html

[2]. https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hom-nay-thu-hoi-toan-bo-cong-van-cam-like-tren-facebook-938054.tpo

[3]. https://nld.com.vn/thoi-su/huy-quyet-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-bs-truyen-20171023171822752.htm

[4]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-giao-duc-huy-quyet-dinh-xem-xet-ky-luat-13-can-bo-lien-quan-gian-lan-thi-cu-2018-566166.html

Trả lờiChuyển tiếp

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511888

Hôm nay

2214

Hôm qua

2337

Tuần này

22262

Tháng này

218761

Tháng qua

121356

Tất cả

114511888