Văn hoá học đường

Thầy Hoàng Như Mai

 

                         Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013)                                    

 

Năm 2003, độ cuối tháng 10, sau gần 30 năm tôi mới có dịp đến thăm GS Hoàng tại nhà riêng của thầy nhân một chuyến công tác. Trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà bây giờ thầy ở rộng và đầy đủ tiện nghi hơn nhưng lại không thơ mộng và hấp dẫn tôi bằng căn phòng ở phố Nguyễn Du, ngay góc hồ Thiền Quang những đêm mùa thu ướp đầy mùi hoa sữa, bước ra khỏi cửa là gặp ngay không khí Hà thành. Đâu đó trong phòng khách, phòng làm việc của thầy vẫn phảng phất hơi hướng của căn phòng xưa trong ngôi nhà cổ với những bức tường rêu phong, với những vòm cây lá xanh thẫm về mùa hè và trơ trụi, già cả về mùa đông với những cơn gió lạnh thổi thốc lên từ mặt hồ. Thành phố Hồ Chí Minh không có cái lạnh se se của mùa đông Hà Nội nên cảnh sắc khác, không khí khác. Lúc này thầy đã bước sang tuổi 85 nhưng GS. Hoàng vẫn còn nguyên cái phong thái tự tại ung dung thủa nào, vẫn cách nói chuyện sôi nổi và cuốn hút khi xưa và đôi mắt thầy, thật lạ, có hai vòng con ngươi cứ ánh lên những cái nhìn trẻ trung và hồn hậu như thủa chúng tôi còn ngồi ở giảng đường, như bị thôi miên vì cách giảng hấp dẫn đến kỳ lạ của thầy. Không hiểu sao ngồi ở đây, nghe chuyện thầy tôi lại thấy nhớ và tiếc căn phòng thầy ở ngoài Hà Nội, đến cái gác xép và cây cột chống bằng tre luồng to, chọn khéo rất hợp với khung cảnh căn phòng, thấy nhớ cái không khí chật chội và hơi bề bộn của một người quen làm việc và đầy chất nghệ sĩ như thầy.

Ngày tôi vào trường, tóc thầy đã bạc quá nửa và trong số các thầy cô giáo của khoa, GS. Hoàng được đồng nghiệp và học trò quý trọng trước hết vì thầy thuộc thế hệ hàng đầu về tuổi tác, tri thức nghề nghiệp và sự từng trải. Không biết tự bao giờ câu thành ngữ “thầy già, con hát trẻ” đã được thừa nhận như một chân lý hiển nhiên. Thầy có một mái đầu bạc khả kính, một giọng thuyết giảng trầm ấm và lôi cuốn vô cùng. Thầy đứng trên bục giảng giống như một kịch sĩ từ trang phục, dáng điệu, ngôn từ, thứ gì cũng hấp dẫn, nhuần nhị, chuẩn mực và rất gợi không khí cứ làm người nghe muốn chờ đợi một điều gì mới mẻ sắp đến. Giờ giảng của thầy cuốn hút chúng tôi từ lượng tri thức khoa học một phần, một phần vì những câu chuyện về đời sống văn nghệ, về các nghệ sĩ mà thầy quen biết, từ những chuyện thầy đã trải qua… về cách thầy giảng mà như đang làm sống lại không khí thầy nói đến và đặc biệt là những gì chúng tôi cảm nhận được về bài học cuộc đời. Ví như câu chuyện thầy kể về một nghệ sĩ gạo cội ở nhà hát kịch Hà Nội nói với thầy muốn xin đổi vai, không muốn đóng nhân vật phản diện vì anh nhập vai quá tốt khiến cán bộ tổ chức  ngờ vực trong những diễn xuất này của anh có những động cơ không lành mạnh. Thầy kể và buồn vì người ta ứng xử với nghệ thuật thô như gấu… Có lẽ tất cả những điều ấy đã làm cho thầy như cách xa chúng tôi hơn, thầy như thần tượng nhưng khó gần. Trong ngôn từ thầy dùng ở những câu chuyện trao đổi giữa giờ giải lao với các anh lớn tuổi, tôi cứ thấy có một cái gì đó hơi trịnh trọng, như một sự giữ gìn nào đó, rất kín đáo, khó nắm bắt, khó nghi ngờ nhưng vẫn cứ tồn tại. Từ dạo ấy, tôi đã lờ mờ cảm thấy rằng đằng sau những gì thầy giảng, ẩn chứa một nỗi niềm nào đó, một mong mỏi nào đó, không hướng đến một ai nhưng như hướng tới một mục đích: sẽ có lúc phải cân nhắc lại một cái gì đó, xem xét lại một thái độ nào đó với những hiện tượng văn học này hay kia. Những cảm nhận mơ hồ của tôi những năm ấy, sau này đã được khẳng định ở những lần chúng tôi họp tổ chuyên môn ở nhà thầy, khi không khí xã hội đã có những đổi thay và những năm sau, khi không khí đổi mới đã góp phần điều chỉnh nhiều giá trị, nhiều quan niệm.

Đó là chuyện về sau. Còn những năm ấy, chúng tôi cảm nhận được ở thầy một tâm hồn tinh tế, một thái độ ứng xử rất mẫu mực, một cách nói ra những nhận xét của mình rất tài hoa đậm chất văn hoóa Hà thành. Thầy vẫn rất hay đùa vui, thường xuyên bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trong các câu chuyện khi các thầy trong tổ trao đổi với nhau nhưng lúc nào tôi cũng thấy thầy lịch lãm và từng trải. Tôi đã có lần tự hỏi: Sao ở thầy nét gì cũng có vẻ chuẩn mực mà uyển chuyển, nhuần nhuyễn thế. Sau này, cũng rất ngẫu nhiên, tôi đã nghe thầy lý giải về nguyên nhân của sự chừng mực ấy với GS. Hà Minh Đức trong một lần họp tổ chuyên môn ở nhà thầy bắt nguồn từ một lý do rất riêng nhưng rất đáng trân trọng: Thầy muốn để mẹ không bao giờ phải phiền lòng về mình vì thầy đã chứng kiến nỗi khổ tâm của bà về những hành vi “thiếu chừng mực” của một người anh của mình. Lúc nghe thầy nói thế, tôi cứ thấy rưng rưng vì sự cảm hoá của tình mẫu tử nó diễn ra muôn vẻ mà lòng nhân ái và nỗi lo cho con cái của người mẹ mới cao quý làm sao. Tôi thấy ở thầy một tình cảm thiêng liêng về mẹ và một thái độ muốn sống sao để mẹ yên lòng như một nghĩa vụ ở đời. Chất Nho giáo thấm đẫm tinh thần nghĩa vụ ở một thanh niên hiện đại như thầy thì lạ thật.

Góp nhặt các câu chuyện thầy kể ở trên giảng đường xen giữa các bài giảng, kết hợp với những chuyện thầy kể cho chúng tôi trong lần đi lấy tư liệu cho bộ phim về trường đại học Đông Dương, tôi hình dung cuộc đời sóng gió và những công việc thầy yêu thích trong hơn 60 năm làm việc. Thầy cho chúng tôi xem tấm thẻ sinh viên Luật khoa của thầy do đại học Đông Dương cấp, kể cho chúng tôi nghe chuyện thầy đang học Y khoa để trở thành bác sĩ nhưng rồi bỏ dở, chuyện mang bọc tiền của Chính phủ để đưa trường Trung cấp Sư phạm sang Trung Quốc những năm kháng chiến nhưng lại đánh rơi dọc đường, được một người nào đó nhặt được, tìm cách để gói tiền vào chỗ dễ nhận thấy nhất bên đường đi kèm theo lời phê bình rất thấm thía về hành vi đánh rơi tiền có thể sẽ làm thiệt hại cho cách mạng… Mọi chuyện đều hấp dẫn và cứ mang dáng vẻ của chuyện cổ tích. Thầy nói về tấm lòng của những người đi kháng chiến, đến khát vọng và những băn khoăn trong một đời cầm bút và công việc “hối nhân bất quyện” của những thầy cô của chúng tôi. Trong những câu chuyện của mình, thầy kể từ góc nhìn của một người trong cuộc nhưng rất tránh nói về mình và khi không thể đừng mới nói rằng đây là góc nhìn của thầy và chịu trách nhiệm về tính chính xác của sự việc cũng như nhận thức của thầy, không đổ cho người khác. Khi tôi đem những băn khoăn của mình về ý kiến cho rằng những giáo sư người Pháp của đại học Đông Dương mang tư tưởng thực dân, nô dịch, thầy trầm ngâm một lát rồi bảo: Tôi không tin tất cả là như vậy. Tôi cũng không có đủ tư liệu để nói về các GS. người Pháp vì tôi chỉ học ở đó có mấy năm. Nhưng, cứ như những gì tôi biết về các GS. Luật thì có lẽ chỉ có một người thể hiện tư tưởng thực dân và coi thường người Việt Nam thôi còn phần lớn họ là những trí thức, những người tôn trọng tự do và tinh thần dân chủ. Nghề của họ là vậy. Những GS. ấy dạy chúng tôi về bình đẳng, về tôn trọng pháp luật, về việc phải hành nghề một cách công bằng và chỉ tôn thờ lẽ phải. Vì vậy, tôi cho rằng họ là những người tôn trọng tư tưởng tự do và không mang tư tưởng nô dịch đâu. Tôi tiếp nhận những tinh thần ấy từ họ đấy. Còn trong hoàn cảnh ấy, có kết tội họ như vậy cũng có lý do nhưng đó là lý do lịch sử. Tôi đã đem điều này hỏi hai vị GS. khác học ở đại học Đông Dương sau thầy một vài khóa các GS. ấy cũng đồng tình với quan điểm của thầy.

Một kỷ niệm nữa về thầy cứ gây trong tôi cảm giác gai gai người vì có một cái gì đó thiêng liêng. Thày kể rằng vào năm 1972 khi phải xếp những dự định còn dang dở lại để đi sơ tán lần thứ 2, thầy cứ có một nỗi lo lắng mơ hồ về một lần đi xa có nhiều bất trắc. Lúc này thầy đã ngoài năm mươi rồi nên câu thơ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam cứ ám ảnh thầy. Trước lúc nhận quyết định đi sơ tán thầy đã để thời gian đi qua nhiều phố phường Hà Nội, chỉ để nhìn lại một góc phố, một mái nhà, một hàng cây, một địa chỉ quen và không quen nào đó và cố ghi nhớ một dấu ấn nào đó về thành phố của mình. Đi như sợ không còn thời gian đi nữa. Ngắm như thể để thỏa một nỗi nhớ nhung, để giải toả một điều gì khắc khoải. Thầy còn nói là thầy cố để nguyên mọi thứ trên bàn làm việc, kể cả trang sách đang đọc dở, không thu dọn bất cứ thứ gì để không gợi cảm giác chia xa, để một lúc nào đó trở về nhà lại không bị cảm giác phải xa nơi này ám ảnh, để lại tiếp tục công việc đang làm. Cái tâm trạng làm sao buộc được cánh thời gian (thơ của GS Hoàng) khi con người đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” cũng là điều dễ hiểu. Thầy nói thế nhưng với chúng tôi, lúc nào thầy cũng trẻ trung, hấp dẫn. Trẻ trung ở trang phục. Hấp dẫn ở cách nói truyền cảm. Cuốn hút người nghe ở cách giảng như đang diễn trên sân khấu, ở nụ cười thường trực trên môi, ở đôi mắt có hai vòng đen và những ánh nhìn thất mạnh mẽ, trực diện mà nồng nàn. Tôi nhớ cuối những năm 70, rất nhiều sinh viên các khoa Sử, Triết, Kinh tế trên đường đến nhà ăn phải đi qua giảng đường có giờ thầy dạy lại đứng chen chân quanh cửa sổ để nghe thầy giảng, quên cả chuyện ăn uống. Làm nghề như thế, hỏi có niềm hạnh phúc nào hơn? Tôi nghĩ ở đó không chỉ có tri thức, không chỉ có tài năng mà còn có một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà… mới có được những giờ giảng để đời như thế. Tôi vẫn nhớ khi thầy đọc câu thơ của Trần Huyền Trân:Nhớ xưa cùng vỗ bụi giầy, vỗ đùi ha hả thơ mày, rượu tao mà rùng mình vì cái ngang tàng, cái sảng khoái của người viết như được sống lại, được truyền thêm cảm hứng qua giọng đọc của thầy, thấy được cái bi tráng, cái lẫm liệt của hình ảnh Áo bào thay chiếu anh về đất, sông Mã gầm lên khúc độc hành trong câu thơ của Quang Dũng. Những năm ấy (1972-1973) những câu thơ hay như thế, những câu thơ hay của Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ… mà nhiều người chê vì những lý do khác nhau hoặc cũng thích nhưng do không khí bấy giờ mà không dám công khai ngưỡng mộ đã được thầy “điều chỉnh”, trả lại cho chúng giá trị đích thực. Tôi nhớ mãi những lời thầy bình về mấy câu:

                          Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

                          Nàng là hương hay nhan sắc lên hương

                         Nét ngời châu rung ánh sáng nghê thường

                         Lệ tích lại với hai hàng đũa ngọc

                         Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

                         Vài chút sương còn đọng ở hàng mi

Lời bình đã mới lạ và hay nhưng điều thầy dặn chúng tôi còn thấm thía hơn nhiều. Thầy dạy: mấy câu thơ này có người bảo là trụy lạc. Nhiều người đã đồng tình với điều đó. Tôi thì không. Tôi cho đó là những câu thơ đẹp nhất, hay nhất tả nhan sắc người phụ nữ. Các anh, các chị hãy đọc cho kỹ, hãy ngẫm cho sâu xem có chút gì gọi là truỵ lạc ở những câu đó không? Già như tôi vẫn còn thấy rung cảm mà không phải là những rung cảm xấu xa nào mà chỉ có cảm xúc hướng tới cái đẹp. Hãy nghĩ bằng đầu của mình, hãy tìm chân lý từ trí tuệ và tình cảm của mình chứ đừng a dua theo người khác. Những năm tháng ấy mà dám nói như thế ở giảng đường đại học là sự dũng cảm. Thầy là như thế và chúng tôi đã được gợi mở từ những điều thầy gợi là hãy tự kiểm nghiệm mọi chuyên ở đời, không nông nổi và cũng đừng a dua. Thầy đã bao lần nói như thế, dạy chúng tôi những điều tương tự, thầy có thể quên nhưng chúng tôi lại nhớ suốt đời. Đó không chỉ là tri thức sách vở, nó thành hành trang cho chúng tôi lớn lên để bước vào đời. Đó là công dưỡng dục mà tôi đã được nghe nói đến và cảm nhận được từ người thầy của mình.

  Còn nhiều điều để kể về thầy. Điều lớn nhất mà lũ học trò chúng tôi mỗi khi có dịp nói về thầy là thầy đã dạy cho chúng tôi cách sống cho xứng đáng với đạo lý ở đời. Thầy không bao giờ nói ra những điều đó nhưng từ những bài giảng, từ những cảm xúc, từ những trải nghiệm của cuộc đời thầy chúng tôi nhận ra điều đó. Thầy lúc nào cũng là niềm tự hào của chúng tôi.

                               

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446113

Hôm nay

244

Hôm qua

2284

Tuần này

21722

Tháng này

212372

Tháng qua

120141

Tất cả

114446113