Người xứ Nghệ

Người đầu tiên dịch thơ văn Lý - Trần sang chữ Quốc ngữ

                                                         

Nhà thờ cụ Đinh Văn Chấp ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Đinh Văn Thân

 

Người đó là Đinh Văn Chấp (1882-1953). Ông là một nhà Nho uyên thâm nhưng tâm hồn lại hướng về Thiền học, năm 1927, trong thời gian đang làm quan, ông đảm trách phần văn học, dịch thơ đời Lý - Trần trên tạp chí Nam Phong và lần lượt cho đăng 123 bài thơ gồm đủ các thể loại cổ và cận thể. Ông là người đầu tiên dịch thơ văn của các Thiền sư đời Lý - Trần bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ.

Quê hương, dòng tộc

Đinh Văn Chấp người làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Ông sinh ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1882), trong một gia đình danh gia vọng tộc, họ Đinh ở La Giáp liên tục qua 5 thế hệ có 5 người đỗ Tiến sĩ:

1) Đinh Phiên (1764-1833) Là Tằng tổ (ông Sơ) của Đinh Văn Chấp

Ông thi Hội Khoa Đinh Vị (1787) đậu Tam trường trúng cách (tương đương Phó bảng thời Nguyễn) được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê.

Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học.

Thời Nguyễn, vào tháng 5 năm Ất Hợi, Gia Long thứ 14 (1815) “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam” (ĐNTL, T1, tr 901)

Năm 1833 (Minh Mệnh thứ 14), Đinh Phiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chống lại triều đình, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông ra đầu thú và bị chết trên đường áp giải về kinh đô.
2) Đinh Văn Phác (1802-1833)

Là con ông Đinh Phiên, đỗ Tiến sĩ, làm quan dưới triều vua Minh Mạng. Khi thân phụ bị tội, ông bị truy đoạt mọi bằng sắc, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ và bị hành hình cùng 4 anh em và thân mẫu vào năm 1833.

 3) Đinh Văn Chất (1847-1887)

Cháu nội ông Đinh Văn Phác, đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875), niên hiệu Tự Đức thứ 28. Ông làm quan đến chức Tri phủ Nghĩa Hưng được triều đình gia phong Triều liệt Đại phu Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ. Năm 1883, quân Pháp đánh Nghĩa Hưng ông chống cự mãnh liệt, quân Pháp không chiếm được phủ.  Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, từ quan về quê tổ chức nghĩa quân chống Pháp, lập căn cứ ở Thanh Chương. Năm 1887, ông bị Pháp bắt và “tru di tam tộc”. Đinh Văn Chất bị xóa tên trong bia Tiến Sĩ.

4) Đinh Văn Chấp (1882-1953)

Là con của Đinh Văn Chất, khi gia đình Đinh Văn Chất bị hành quyết thì Đinh Văn Chí, con trai của Đinh Văn Chất mới 5 tuổi được người bà con cứu thoát đem sang Phúc Kiến - Trung Quốc lánh nạn hơn 10 năm mới trở về nước, khai sụt tuổi và đổi tên thành Đinh Văn Chấp.

Đinh Văn Chấp, đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912), niên hiệu Duy Tân thứ 6. Đỗ Hoàng giáp (nhị giáp Tiến sĩ) khoa Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân thứ 7, lúc mới 21 tuổi.

5) Đinh Văn Nam (1918-2012)

Tức Hòa thượng Thích Minh Châu, là con của Đinh Văn Chấp. Ông sinh tại làng Kim Thành, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lúc thân phụ đang làm Đốc học Quảng Nam. Ông đỗ Tiến sĩ về Phật học, Văn học Pali tại Ấn Độ  là vị Tăng sĩ Cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hoạn lộ

Sau khi thi đỗ Hoàng Giáp, Đinh Văn Chấp được triều đình bổ dụng giữ chức Đốc học Quảng Nam.

Bài trí bên trong nhà thờ cụ Đinh Văn Chấp

Năm 1919, chế  độ thi cử cũ bị bãi bỏ, chức Đốc học coi như không còn, từ năm 1920 Đinh Văn Chấp được bổ làm quan tại các địa phương: Quảng Trị, Bình Thuận, Hoài Nhơn, Quảng Ngãi, Khánh Hòa...

Năm 1934, ông giữ chức Án sát Hà Tĩnh, thăng Bố chánh Hà Tĩnh rồi Tuần Vũ Quảng Ngãi. Hai năm sau (1936) ông được giữ chức Tham tri Bộ Kinh tế.

Ông bị đồng liêu là Nguyễn Khoa Kỳ ganh ghét, tố cáo khai man lý lịch. Do tình thế lúc bấy giờ, Nam triều không muốn gây to chuyện nên bỏ qua, cho ông về làm Toản tu Quốc tử giám. Sau đó ông nghỉ hưu về quê nghiên cứu Phật Giáo.

Ông Đinh Văn Chấp cũng có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Ông mất tại quê nhà ngày 17 tháng 10 năm 1953.

Dịch thơ Lý - Trần sang Quốc ngữ

Đinh Văn Chấp dịch thơ đời Lý - Trần đăng trên Nam Phong tạp chí liên tiếp trong 3 số 114, 115, 116 của tập XX tháng 2,3,4 năm 1927, với 123 đầu bài trong đó có một số đầu bài có 2 kỳ nên số lượng thơ dịch lên đến 126 bài của 43 tác giả. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Lý - Trần được chuyển ngữ sang tiếng Việt (chữ Quốc ngữ). Việc dịch thuật này vài mươi năm sau mới được Ngô Tất Tố, Nguyễn Đổng Chi, Dương Quảng Hàm tiếp nối.

Tất cả những bài thơ chữ Hán thời Lý - Trần được Đinh Văn Chấp chọn dịch, đăng trên Nam Phong tạp chí chỉ in lại nguyên tác chữ Hán, và dịch thơ sang Quốc ngữ, chứ không có phiên âm nguyên tác, và cũng không có khảo dị cùng chú thích. Những bản dịch thơ của ông, sau này đã được các nhà nghiên cứu trích dẫn trong công trình của mình như Việt Nam văn học sử yếu (1941) của Dương Quảng Hàm; Lịch sử văn học Việt Nam, tập 2, Tủ sách Đại học Sư phạm (1962), Bùi Văn Nguyên chủ biên; Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, 2 tập (1977, 1978), Đinh Gia Khánh chủ biên; Thơ văn Lý - Trần, 3 tập (1977, 1979, 1988) của Viện Văn học biên soạn, v.v...

Nhờ giỏi thơ văn và tinh thông Phật giáo, ông đã dịch nhiều bài thơ bằng chữ Hán ra Quốc ngữ vừa sát nghĩa lại vừa hay, tiêu biểu như dịch bài thơ sau đây của Thiền Sư Vạn Hạnh:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

                                                                                       Sư Vạn Hạnh

Có không tựa chớp chiếc thân này,

Muôn vật tư mùa khéo đổi thay.

Khí vận thịnh suy nào chút sợ,

Xem dường giọt móc đỗ trên cây.

                                                                                      Đinh Văn Chấp dịch

Một số bài thơ dịch tài hoa của ông được các bộ hợp tuyển dẫn lại, như:

Ngôn Hoài - Không Lộ

  




Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch nghĩa

Chọn được kiểu đất long xà rất hợp, có thể ở được,
Tình quê suốt ngày vui không chán.
Có lúc lên thẳng đỉnh núi bơ vơ,
Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời.

(Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II), NXB Văn học, 1976)

Đinh Văn Chấp dịch

Cảm hoài

Long xà đất ở chốn lâu nay,
Mượn thú quê vui mới trót ngày;
Có lúc đưa chân lên đỉnh núi,
Kêu dài một tiếng lạnh cung mây.

Hạ Cảnh - Trần Thánh Tông

  




Hạ cảnh

Yểu điệu hoa đường trú ảnh trường,
Hà hoa xuy khởi bắc phong lương.
Viên lâm vũ quá lục thành ác,
Tam lưỡng thiền thanh náo tịch dương.

Dịch nghĩa

Nhà hoa thăm thẳm, bóng ngày rủ dài,

Hoa sen đưa hương mát đến cửa sổ phía Bắc.
Vườn rừng sau mưa trở thành tấm màn biếc,
Vài ba tiếng ve khua rộn bóng chiều.
 (Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Đinh Văn Chấp dịch:

Cảnh ngày hè

Bóng gác ngày dài dãi gác hoa,
Nhị sen đưa mát trước song qua.
Sau mưa cây cỏ buông màn biếc,
Vài tiếng ve kêu rộn bóng tà.

 (Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, trích lại tr.404).

Chu trung độc chước - Trần Quang Triều

  

滿






 Chu trung độc chước

Thu mãn sơn thành bội tịch liêu,
Gia thư bất đáo hải thiên diêu.
Nhân tình sơ mật xao bồng vũ,
Thế thái cao đê phách mạn triều.
Tùng cúc cố lưu ta dị lộ,
Cầm thư tuế vãn hỷ đồng điều.
Kỷ đa lỗi khối hung trung sự,
Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu.

Dịch nghĩa

Thu về đầy núi, càng khiến hiu quạnh bội phần,
Thư nhà không đến miền biển xa xăm này.
Tình người thưa nhặt như mưa gõ mui thuyền,
Thói đời lên xuống như nước triều vỗ bờ.
Tùng cúc bạn cũ, than ôi, nay đã khác nẻo,
Tuổi già đèn sách, mừng rằng hợp điệu.
Biết bao nỗi niềm chồng chất trong lòng,
Hãy thử giả khuây trước chén rượu xem sao.
(Thơ văn Lý - Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Đinh Văn Chấp dịch

Uống rượu một mình khi trong thuyền

Mầu thu hiu hắt khắp non thành,
Trời bể tin nhà đợi vắng tanh.
Nết ở nhặt thưa mưa trước mái,
Mùi đời cao thấp sóng đầu ghềnh.
Bạn xưa tùng cúc chia đôi ngả,
Tuổi tác đàn thơ hợp với mình.
Trong dạ ngổn ngang nào tả xiết,
Hãy nâng chén rượu dốc lưng bình.

(Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, trích lại tr.622).

Chu trung - Huyền Quang

  




Chu trung

Nhất diệp biển chu hồ hải khách,
Xanh xuất vi hành phong thích thích.
Vi mang tứ cố vãn triều sinh,
Giang thủy liên thiên nhất âu bạch.

Dịch nghĩa

Một lá thuyền con, một khách hải hồ,

Chèo khỏi rặng lau, tiếng gió xào xạc.
Bốn bề mịt mù, con nước buổi chiều đương lên,
Một chim âu trắng giữa khoảng nước trời liền nhau.
(Thơ văn Lý - Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Đinh Văn Chấp dịch

Trong thuyền

Dấu khách giang hồ thuyền một lá,
Hàng lau lách gió chèo thong thả.
Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên,
Nước biếc liền trời âu trắng xóa.

(Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, trích lại tr.685).

Vô ý - Lê Cảnh Tuân

  

便






Vô ý

Vô ý ư tri tiện kiến tri,
Thử sinh hành chỉ khởi nhân vì.
Thân tuy lão hỹ chí nhưng tại,
Nghĩa hữu đương nhiên tử bất tì (từ).
Nhiếp đặng môn la canh vạn hiểm,
Thượng than hạ lại thiệp thiên nguy.
Tứ phương tự nhị nam nhi sự,
Đạp biến giang sơn dã nhất kỳ. 

Dịch nghĩa

Không để tâm đến cái biết thì lại hóa biết,
Trong kiếp này, ra giúp đời hay ở ẩn đâu phải người định được.
Thân dẫu già, chí hướng vẫn còn vững,
Việc nghĩa phải làm, dù chết chẳng chối từ.
Leo dốc đá, níu dây rừng, muôn trùng hiểm trở,
Lúc lên thác, khi xuống ghềnh, ngàn nỗi gian nguy.
Ngang dọc bốn phương chính là sự nghiệp của kẻ làm trai,
Được dạo khắp non sông cũng là một việc hiếm có.
(Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978)

Đinh Văn Chấp dịch

Vô Ý

Tri ngộ thờ ơ chẳng ý gì,
Dễ ai ngăn đứng lại ngừa đi.
Tới già lòng đỏ còn nguyên vậy,
Đương nghĩa thân vàng dám tiếc chi.
Gai góc xông pha ghê nỗi hiểm,
Thác ghềnh lên xuống trải cơn nguy.
Cung tên trắng nợ làm trai phải,
Tuyệt khắp non sông mới gọi kỳ.

(Cao Tự Thanh, Việt Nam bách gia thi, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005)

Một số nhan đề bài thơ chữ Hán được Đinh Văn Chấp dịch rất thoát,ông chỉ cần thể hiện cái hồn cốt của nhan đề và nội dung bài thơ chứ không câu nệ vào từng nghĩa của chữ như bài Thu dạ tức sự của Phạm Ngộ được dịch là “Đêm thu”; bài Nguyệt Áng sơn hàn đường của Trần Minh Tông được dịch gọn là “Nhà ẩn”, nghĩa đầy đủ của nhan đề là “Nhà hàn đường ở núi Nguyệt Áng”, bài Du Phù Thạch nham tiên tổ tu hành chi địa chu trung tác của Phạm Ngộ được dịch là “Chơi động Phù Thạch”, mà nghĩa đầy đủ là “Cảm tác lúc đi thuyền dạo chơi ở động Phù Thạch là nơi tổ tiên tu hành”, v.v… Có một số bài ông giữ nguyên đầu đề mà không dịch, ví dụ như bài Thạch thất của thiền sư Huyền Quang; bài Vô ý của Lê Cảnh Tuân, v.v…

Đinh Văn Chấp là người có tài văn học,  xuất thân trong một gia đình khoa bảng giàu lòng yêu nước ở Nghệ An, ông muốn đem tất cả tâm huyết và năng lực của mình ra phục vụ dân tộc nhưng xã hội Phong kiến đương thời cũng không để yên cho ông. Sau khi chán ngán cảnh quan trường lắm chông gai, ông từ quan trở về quê nhà làm cư sĩ, tìm vui trong việc nghiên cứu kinh sách Phật giáo, ông đặc biệt chú ý thơ văn đời Lý - Trần vì nó mang nặng tư tưởng Thiền học rất hợp với ông. Ông là người đầu tiên dịch thơ đời Lý - Trần bằng chữ Hán ra Quốc ngữ.

 

                                                                            

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434985

Hôm nay

2256

Hôm qua

2349

Tuần này

21635

Tháng này

212033

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434985