Văn hoá học đường

Những chuyện chợt nhớ về thầy

    

GS-NGND Lê Đình Kỵ

       

Khi tôi kể về một số bè bạn đồng môn ở khoa Ngữ văn, có bạn khuyên kể tiếp, có người e ngại bảo viết thế không ngại động chạm à? Tôi đã có lời thưa trước, tôi không có ý định làm mếch lòng ai mà chỉ xuất phát từ sự yêu mến họ và muốn nói về họ từ góc nhìn của mình. Có thể tôi hiểu về chuyện A., chuyện B. không như người trong cuộc nghĩ nhưng tuyệt nhiên không có mảy may nào định làm họ phiền lòng. Nếu có gì chưa đúng là do sự hiểu của tôi chưa chuẩn, tôi nghĩ chưa tới thôi.

Lần này, tôi kể về một nhà giáo, một người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, không phải nằm trong mạch về dị nhân. Nhưng, như người ta thường nói, những người có tài, nhất là những tài năng đích thực, thường sống rất thiên lệch vì tài năng của họ tập trung vào một hướng và suốt đời họ sống theo và gắn với những quan niệm họ cho là phải. Tôi không nói thầy là thiên tài nhưng thầy là một trí tuệ lớn, trong đó, tôi yêu nhất là sự tìm tòi và dũng cảm đi theo những xác tín của mình. Tôi không dám nói đã hiểu thầy mà chỉ muốn nói rằng thầy đã chiếm một vị trí quan trọng trong tôi thế nào. Đây không phải là sự nhận vơ, nhiều điều tôi nghĩ về thầy, thầy không hề biết nhưng thầy có ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Rất ngẫu nhiên mà cũng như là số mệnh đưa đẩy như vậy. Nếu là số phận thì tôi phải cảm tạ số phận đã cho tôi may mắn được biết và là học trò của thầy.

  Khi đang học cấp 3 ở nhà quê, tôi được cậu em họ học trên một lớp đưa cho một tập Tạp chí Văn học thì phải. Đó là năm 1969. Tôi đọc ngấu nghiến các bài ở đây mà phần lớn không hiểu mấy. Riêng bài phê bình "Những biển cồn hãy đem đến trong thơ" của tác giả Lê Đình Kỵ viết về "Hoa ngày thường, chim báo bão" của Chế Lan Viên làm tôi mê kinh khủng. Bài viết hay quá, tinh tế quá nhưng có một điều làm tôi rất bất bình là thơ trích ... sai nhiều vô kể. Nếu tôi nhớ không lầm thì khi đính chính, người ta chỉ ra 29 chỗ trích sai(!). Tôi đem thắc mắc của mình hỏi thầy giáo dạy văn. Thầy tôi giỏi, dạy hay, cười cười: "Đấy là một ông ở Đại học Tổng hợp. Ông này giỏi. Mày sau này vào Tổng hợp mà học, chắc học được nhiều" (Thầy chúng tôi lúc đó cũng ngoài 40 rồi, toàn xưng với chúng tôi thế thôi vì chúng tôi cùng lứa tuổi con thầy). Vào đại học, năm thứ nhất chưa được học thầy, tôi đã trốn đi nhìn thầy giảng cho các anh chị năm cuối từ ngoài hành lang. Từ lúc đó tôi đã có ấn tượng là thầy giảng không hấp dẫn về diễn đạt nhưng cực lạ về hệ thống, về những cái mới và lạ của những phát hiện, những độc đáo của tư duy. Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng ở thầy, vùng viết lấn át vùng nói và tư duy về thơ ở thầy là tư duy nở hoa, nghĩa là mỗi ý nghĩ cứ phát triển dần, nhân lên, tạo ra rất nhiều vẻ đẹp lấp lánh. Rồi được đọc "Đường vào thơ", "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du", tôi mê văn thầy. Khi học đến năm thứ 4, trong giờ hai chuyên đề của thầy "Lê-nin bàn về văn nghệ" và "Truyện Kiều..." tôi chỉ chú ý xem thầy bình về những câu thơ này, bài thơ kia thế nào, phân tích một luận điểm triết học hay lý thuyết từ góc nhìn đa chiều chứ không bị lệ thuộc vào những gì người này, người kia đã nói ra sao chứ hầu như ít chú ý đến hệ thống của thầy nữa. Nhìn thầy chìm vào trong tư duy của mình, nói ra những điều mình chiêm nghiệm và cả những tia tư duy mới lóe ra vào những lúc như đang sống với những tư tưởng và cảm xúc ấy, tôi như bị mê hoặc. Tôi thích nhất điều này: thầy đã trích câu thơ nào để bình thì câu đó gần như là hay nhất của tác giả ấy, thầy nói về những điều thầy tin chứ không phải thầy nói theo người khác nhưng thầy không hề bài xích hay chê bai họ; và có lẽ, không ai viết về "Truyện Kiều" và thơ chữ Hán Nguyễn Du hay bằng thầy. Có thể, tôi vì yêu thầy mà không công bằng nhưng tôi nghĩ và tin như vậy. Còn nhớ, khi ấy cả thầy và trò đều ở trong Ký túc xá, nhà trước, nhà sau. Thầy bao giờ cũng đợi giữa trưa hoặc đêm muộn mới xuống bể dùng chung của cả sinh viên và gia đình các thầy cô, công nhân viên trong ký túc xá, xách nước lên tầng 3 là nơi thầy ở. Hôm ấy, đang trưa nắng, anh Lương Thanh Đạm lớp tôi, đứng ở tầng 4, nhìn thấy thầy xuống lấy nước, đã không kìm được sự ngưỡng mộ của mình, hét rõ to: "Mục kích một vĩ nhân". Thầy nhìn lên, ngạc nhiên còn anh vội chạy vào phòng, gọi chúng tôi "ra xem thầy Kỵ". Chúng tôi lén nhìn xuống, thấy thầy ngơ ngác một lát rồi lại xách xô nước đi về. Cả phòng chúng tôi không ngủ nữa, bàn về những gì thầy viết và thấy xót xa khi thấy thầy phải làm những việc nặng nhọc và "tầm thường" kiểu ấy, nhất là anh Đạm. Anh còn đố chúng tôi các vĩ nhân ăn ở, sinh hoạt thế nào nữa cơ. Ai cũng cười bảo thì cũng như chúng ta chứ khác gì. Anh khăng khăng rằng không phải vì anh cho rằng đã là vĩ nhân, sẽ phải khác mọi người ở mọi thứ chứ như mọi người sao được? Giờ, nhớ lại chuyện ấy lại thấy buồn cười. Khi đã ở lại bộ môn, lại ở cạnh phòng thầy, tôi thấy quả thực, thầy rất khác người. Như chuyện ăn uống, chế độ làm việc chẳng hạn. Dạo ấy, cô Long đã vào Nam, thầy còn đang ở ngoài này. Để tiết kiệm thời gian, thầy đi chợ mỗi tuần một lần. Mua thực phẩm xong về cho vào tủ lạnh, mỗi ngày ăn một ít, hết tuần, lại mua đợt mới. Thày mua nửa kg thịt, chục quả trứng về kho chung theo kiểu kho tàu, mỗi bữa ăn một ít cho khỏi mất thời gian. Ngoài ban công, thầy có hai chiếc sọt, mỗi cái đựng khoảng 40 chiếc bát, 40 đôi đũa. Mỗi bữa, ăn xong, thầy không rửa ngay mà bỏ vào sọt, khi không còn bát sạch nữa lại rửa tất cả một lần. Trong phòng thầy, tài liệu, giấy tờ để cực kỳ lộn xộn. Khi có việc gì cần, thầy gọi anh Bùi Việt Thắng hoặc tôi sang, bao giờ cũng dặn: "Các cậu ngồi yên, đừng đụng gì vào giấy tờ của mình, chốc nữa không tìm được". Tôi nhớ có lần GS Nhiculin vào thăm thầy, thầy gọi tôi sang chuẩn bị tiếp khách hộ. Nền nhà căn phòng thầy ở, trước đây Công ty Biên giới dùng để chứa hàng nên bị vỡ, lồi lõm, rất xấu, thầy chỉ có một bộ bàn trà bằng mây. Thầy lấy chiếc ấm pha trà hình như đã pha từ lâu rồi, đổ nước vào, xóc xóc mấy cái rồi đổ bã trà ra mặt bàn, nước rỏ ròng ròng xuống nền nhà. Tôi nhìn ông Nhiculin thấy ông ấy có vẻ ngạc nhiên lắm nhưng không nói gì. Khi ông ấy về rồi, tôi mới nói với thầy những quan sát và e ngại của mình, thầy cười phá ra: "Cậu thấy thế à? Ông ta là khách của mình, mình uống thế nào thì ông ấy phải uống thế chứ".

Có hôm, đang ngồi làm việc, nghe tiếng gõ cửa rồi thầy vào phòng. Ngó nghiêng một chút, thầy hỏi: "Cậu bận gì không, mình nhờ tí". Sang đến nơi, thầy rót ra một chén rượu chanh, bốc một nắm nõn tôm bỏ vào một cái đĩa rồi bảo: "Cậu ngồi đây, đọc lại hộ mình xem trích thơ có sai không. Tay Đang (Lương Văn Đang, biên tập viên nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp) kêu quá". Lúc đó, tôi mới hỏi: "Thầy trích thơ, không đối chiếu văn bản à?" Thầy cười: "Không. Mình chỉ trích theo trí nhớ thôi. Đọc, thấy câu nào hay thì nhớ. Mà chỉ cần nhớ câu hay chứ dở nhớ làm gì?". Nghe thầy nói thế, tôi chỉ còn biết thán phục thầy vì đọc, thấy câu nào hay mà nhớ rồi viết nên những trang lôi cuốn thế, quả là có được mấy người. Mà có ít đâu? Bao nhiều nhà thơ, cổ kim, đông tây thầy đã đọc, đã thấm và ghi lại trong đầu? Về chuyện ở của thầy cũng lạ. Năm nào thầy cũng vào Nam trốn rét mấy tháng. Có năm, vì phải dạy vào mùa Đông, thầy phải ở ngoài này suốt những tháng rét. Hình như ăn uống không đủ chất nên cảm giác trời cũng lạnh hơn. Hồi ấy, chăn bông cũng hiếm, thầy đắp hai cái ruột chăn bông mà không có vỏ. Hình như vào nửa đầu tháng Chạp thầy mới hết giờ. Thầy gọi tôi sang dặn thỉnh thoảng ngó nhà giúp thầy. Chiều, thầy ra ga, đi tàu vào Nam. Chiều, ngó sang nhà thầy, tôi phát hoảng: thầy khóa hai khóa nhưng khóa với nhau chứ không vào khuy cửa. Tôi lại lấy cái khóa khác, khóa lại cho thầy. Xẩm tối, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở ra thì thấy thầy đứng đó. Thầy bảo, còn mấy tiếng nữa mới đến giờ tàu chạy lại sực nhớ hình như chưa khóa cửa nên lại chạy về xem thế nào. Rồi thầy cười. Những lúc ấy, nghe thầy cười thật lạ: sảng khoái, hả hê và vang. Thầy ít khi cười như vậy lắm. Vừa thương thầy, vừa muốn cười mà không dám. Đến tháng 3 sang năm, thầy mới ra. Chuột đã cắn nát cái ruột chăn của thầy, có cả một ổ chuột con trong đó. Còn chiếc áo ngắn tay màu trắng, thày mặc dở, vắt lên cọc buộc màn có chiếc đinh đóng ở trên đã gỉ ra, chọc thủng cả áo. Cái áo đang mặc được, thế là phải bỏ. Thầy không chỉ hay quên thế mà cả lịch lên lớp hay đón con đôi khi do mải ngồi làm việc, thầy cũng quên luôn. Có lần, đã gần 2 giờ chiều, đi qua lớp học là nhà cấp 4, ngay trước nhà C1 là nơi chúng tôi ở, thấy ồn ào, tôi ghé vào hỏi vì sao chưa học. Sinh viên bảo giờ thầy Kỵ, đã quá giờ mà chưa thấy thầy đến. Tôi chạy lên, gõ cửa phòng, thấy thầy đang ngồi viết. Tôi bảo: "Thầy quên giờ dạy cho Văn 4 à?" Thầy hỏi: "Hôm nay thứ mấy?" Tôi đáp thứ 4. Thầy giật mình: " Thứ tư thì có giờ rồi. Thế mà mình cứ nghĩ hôm nay thứ 3". Rồi sấp ngửa vừa mặc áo, vừa nhặt tập tài liệu đi xuống lớp.

Có một hôm, tôi thấy một đứa bé giống Ly con gái thầy đứng vẩn vơ ở gần nhà trẻ. Tôi về hỏi thầy có phải Ly đi nhà trẻ không? Thầy lại thảng thốt vì quên đón con gái hơn một tiếng rồi. Cứ thế, thầy vừa làm việc, vừa tổ chức cuộc sống theo cách riêng của thầy. Anh Bùi Việt Thắng có lần nói đùa: "Thầy luộm thuộm thế mà lại đã từng làm sĩ quan quân báo, liệu có để tài liệu rơi vào tay địch không?" Thầy cười ha hả:" Cậu không biết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ à?”. Trong một lần chỉ có hai thầy trò với nhau, hình như vào năm 1978 thì phải, thầy bảo tôi: "Cậu ạ, có lẽ đường lối mình sai rồi. Sai thì mọi chuyện mới lung tung như thế. Mình thấy nhiều khi cứ nói đường lối đúng nhưng tổ chức thực hiện sai. Mình không tin như vậy. Giả dụ điều đó đúng thì cũng không sát thực tiễn nhưng mình thấy có nhiều chuyện không phải do tổ chức thực hiện đâu. Để rồi xem". Tôi hơi bất ngờ vì tưởng thầy ít quan tâm đến chính trị mà lại có những nhận xét chí lí như vậy. Những năm ấy, ít ai dám “nghĩ ngược” xung quanh những chuyện về chủ trương, đường lối mà lại sắc sảo thế đâu. Mẫn cảm của một nhà nghiên cứu văn chương hay nếp tư duy, bản lĩnh và nhân cách của một trí thức đã mách bảo cho thầy như thế, tôi không biết.

Khi tôi hỏi thầy về những công trình của thầy, thầy bảo: "Cuốn "Đường vào thơ" lúc đầu mình định đặt tên "Đường thơ" nhưng mấy ông Nhà xuất bản kêu tên khó hiểu nên đành viết thêm chữ vào cho rõ nghĩa". Thầy dứt khoát không tán thành cách người ta gán cho cuốn "Các phương pháp nghệ thuật" những khuyết điểm "tưởng tượng". Thầy bảo tôi: "Mình muốn cãi lắm chứ nhưng họ không cho cãi. Chứ cãi chuyện đó có khó gì. Mấy ông phê bình thì thô lỗ, cứ như con gấu của La Fonten ấy. Buồn cười thế cậu ạ...” Khi tôi vừa mới nói về cuốn “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” được một hai câu đưa đẩy, thầy bảo “mình viết được "Truyện Kiều..." là vì Nguyễn Du lớn, mình cố nâng mình lên. Nâng mình lên để hiểu Nguyễn Du. Đối tượng nghiên cứu quan trọng lắm. Có vấn đề để khai thác, suy nghĩ. Những quyển còn lại, chả có ý nghĩa gì đâu, chỉ là kỉ niệm thôi. Mình sẽ cố viết một cuốn về phê bình. Hiện nay nhiều người viết về phê bình và phương pháp luận nghiên cứu cứ như viết về đường lối ấy. Chả có thứ khoa học nào thế cả". Lúc đó, tôi chưa đủ sức hiểu những gì thầy nói. Khi hiểu được thì thầy trò đã xa cách nhau hàng nghìn km rồi. Chỉ còn biết nhớ thầy và tiếc, sao hồi ở gần thầy, không chịu khó hỏi thầy những gì cần hỏi. Năm 1980, chuẩn bị đi nghiên cứu sinh, tôi hỏi thầy nên chọn đề tài nào. Thầy bảo “cần cơ hội một tí mới được”. Thấy tôi ngơ ngác, thầy giảng giải: "Cậu phải chọn đề tài nào bên mình dễ cho đi và bên kia dễ nhận, cậu hiểu không?". Rồi thầy gà cho tôi nên chọn "Những bài viết của V. Lnin về L. Tônxtôi và những vấn đề lý luận văn học". Tôi đã làm thế và được nhận. Nhưng sang đến Nga mới biết anh La Khắc Hòa ở ĐHSP Hà Nội đang viết luận án đến năm thứ 3 rồi. Anh cho biết cũng chính thầy đã gợi ý cho anh chọn đề tài ấy. Tôi phải đổi đề tài và chuyện đó cũng làm khổ tôi không ít. Khi học xong, về nước, kể cho thầy nghe chuyện ấy, thầy cười: "Mình cũng chả nhớ đã mách cho ai làm gì. Mình chả định xấu chơi cậu đâu". Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên về sự thành thật của thầy. Thầy khuyên tôi vào Nam với thầy. Thầy bảo: "Vào trong ấy, không khí học thuật bây giờ không bằng ngoài này nhưng rồi sẽ khác. Cậu vào trong ấy sẽ có nhà chứ ở ngoài này bao giờ mới có. An cư rồi, sẽ được yên ổn mà làm việc". Tôi đã định nghe thầy nhưng mẹ tôi ngại đi xa, lại mới cưới vợ nên tôi đành phải ở lại. Nếu vào trong ấy, được gần thầy, chắc tôi sẽ may mắn hơn vì được gần thầy, được hỏi thầy nhiều chuyện về chuyên môn. Lại nhớ, lần anh Huỳnh Như Phương đưa đến thăm thầy thì thầy đã lâm bệnh trọng. Nhìn thầy nằm đó, xung quanh dây rợ loằng ngoằng, thầy không còn nhận ra tôi mà xót xa. Cứ nhớ dáng thầy đi lại lặng lẽ, cưỡi chiếc xe đạp cũ, chiếc mũ lá đội lật nược ra đằng sau, lúc thầy đứng đọc câu đối ở đền Kiếp Bạc, ngày sống trong Ký túc xá, giải lao ít phút giữa khi ngồi viết đứng xem các thầy Mai Cao Chương, Trần Thuyết chơi cờ tướng, nói vài ba câu mách nước rồi cười sảng khoái khi nhận ra mình mách sai… lại càng nhớ thầy.

Giờ, ngồi viết những dòng này, trước mắt tôi vẫn hiển hiện hình ảnh thầy. Và trong tôi, tình yêu thầy vẫn như ngày nào. Ở trên trời, thầy đọc được những dòng này, hãy tha thứ cho những gì tôi thấy, nhưng không giống như thầy nghĩ vì tôi chỉ là một học trò nhỏ, từ xa quan sát thầy chứ chưa chắc đã hiểu thầy. Với tôi, thầy đúng như anh Lương Thanh Đạm, đồng môn của tôi đã nói đã nói.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515345

Hôm nay

223

Hôm qua

2367

Tuần này

2946

Tháng này

213284

Tháng qua

121009

Tất cả

114515345