Nhìn ra thế giới

Việt Nam trong chiến lược của Trung Quốc hiện nay

1. Chiến lược toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc hiện nay

Gần 100 năm qua kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921) và hơn 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), mục tiêu chiến lược của TQ không hề thay đổi, đó là xây dựng TQ trở thành cường quốc số 1 lãnh đạo thế giới. Sau Đại hội XVII Đảng Cộng sản TQ (2012), TQ đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) về quy mô nền kinh tế, GDP đạt 2100 tỷ USD. TQ đã đưa ra lý luận về việc "phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa", xây dựng "Giấc mộng Trung Quốc" với 2 mục tiêu có tính tiêu chí: "2 mục tiêu 100 năm" (Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1921-2021) nhằm xây dựng xã hội khá giả toàn diện (thoát nghèo, xây dựng xã hội trung lưu) và kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1949-2049) xây dựng thành công Nhà nước TQ hiện đại hóa XHCN, văn minh, dân chủ, giàu mạnh, hài hòa (TQ vững mạnh, trở thành cường quốc, lãnh đạo thế giới). Đến sau Đại hội XIX (2017) TQ đưa ra 3 mục tiêu đến năm 2049, 2 mục tiêu đã nêu trong Đại hội XVII (2012) không hề thay đổi, chỉ bổ sung thêm mục tiêu đến năm 2035 xây dựng TQ trở thành cường quốc khu vực châu Á - Thái Bình (CA - TBD). Về chiến lược toàn cầu thì đã rõ ràng. Còn về chiến lược của TQ tại khu vực CA-TBD thì sách trắng của TQ công bố ngày 10/01/2017 đã đưa toàn bộ nội dung bao gồm 6 phần như sau: 1) Chủ trương chính sách của TQ đối với sự hợp tác an ninh trong khu vực CA-TBD; 2) Ý tưởng an ninh ở khu vực CA-TBD của TQ; 3) Mối quan hệ giữa TQ với những nước chủ yếu trong khu vực CA-TBD; 4) Lập trường và chủ trương của TQ về các vấn đề nóng trong khu vực; 5) TQ tham gia cơ chế đã biên trong khu vực;  6) TQ tham gia hợp tác an ninh phi truyền thống trong khu vực CA-TBD [1].

Khái quát lại, Nội dung xuyên suốt trong chiến lược của TQ tại khu vực CA-TBD là TQ sẽ tăng cường sức mạnh kinh tế nhằm phục vụ chiến lược nước lớn, giữ vai trò cầm trịch, lãnh đạo trong khu vực. TQ sẽ không chia sẻ với bất cứ nước nào về vai trò nước, lãnh đạo khu vực CA-TBD. Các sáng kiến TQ đưa ra cũng ngày càng nhiều hơn, cuối cùng cũng nhằm mục tiêu lãnh đạo khu vực và toàn cầu kho tương lai. Trong đó đặc biệt có sáng kiến "Vành đài, con đường" (BRI). Hiện nay nó đã là chiến lược rất lớn tầm thế kỷ của TQ, chứ không còn là sáng kiến nữa.

Chiến lược này đã thu hút hơn 65 quốc gia tham gia với GDP lên đến 23.000 tỷ USD, tương đương với 1/3 GDP toàn cầu, liên kết 62% toàn bộ dân số thế giới. BRI được coi là dự án thế kỷ của TQ, vượt hơn cả quy mô, phạm vi rất nhiều lần kế hoạch Mac sau của Mỹ thực hiện nhằm tái thiết châu Âu sau năm 1945. BRI ra đời năm 2013 là một chiến lược toàn cầu kết nối cả 3 lục địa Á- Âu - Phi bằng cả đường bộ và đường biển. Mục tiêu của chiến lược BRI của TQ là i) mở rộng không gian chiến lược và tạo ra một khu vực sân sau của TQ để kiểm soát lục địa Á - Âu- Phi; ii) tạo đối trọng với chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương; iii) chi phối khu vực Ấn Độ Dương và khu vực nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; iv) kiểm soát đường vận tải biển liên quan và hệ thống cảng biển khu vực, chi phối nguồn cung cấp dầu khí, tạo lập các căn cứ quân sự tại những khu vực mà những con đường này đi qua; v) tạo môi trường kinh tế- xã hội cho việc "mở rộng sức mạnh mềm" của TQ;  vi) xây dựng vành đai an ninh xung quanh TQ để ngăn chặn Mỹ và đồng minh tiếp cận thâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh coi là "sân sau" của mình; vii) dựa vào hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ chính trị, tạo chất xúc tác để giải quyết các tồn tại trong quan hệ của TQ với các nước khu vực, ngăn chặn sự "co cụm" của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp với TQ, kể cả vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo; viii) thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực; ix) tăng cường vai trò bàn đạp của kinh tế khu vực xung quanh TQ; x) hậu thuẫn cho TQ đi ra thế giới; xi) thông qua "5 thông" (thông chính sách; thông đường bộ, biển; thông thương; thông tiền tệ và thông lòng người) để tiếp cận, thâm nhập, kiểm soát kinh tế khu vực "láng giềng mở rộng", tiến tới nắm quyền chủ đạo buôn bán quốctế, quyền đánh giá và quyền phân phối tài nguyên quốc tế; xii) giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường cho hàng hóa ứ đọng;  viii) tìm kiếm thị trường đầu tư, sử dụng hiệu quả dự trữ ngoại hối khổng lồ của TQ, tìm kiếm thị trường cho đồng nhân dân tệ, đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; xiv) tiếp cận các nguồn tài nguyên, năng lượng, nhất là dầu khí, xv) tận dụng môi trường xung quanh để tạo điều kiện phát triển đồng đều hơn giữa các vùng, miền trong nước, đặc biệt là khu vực biên cương, miền Tây TQ [2].

Bên cạnh chiến lược "Vành đai, con đường" (BRI), TQ còn xây dựng "Chính sách ngoại giao nước lớn", chiến lược "ngoại giao láng giềng", xây dựng "cộng đồng vận mệnh nhân loại" (bao gồm cộng đồng vận mệnh TQ-ASEAN, cộng đồng vận mệnh Lan Thương- Mê kông…), "cộng đồng vận mệnh châu Á" (Năm 2014, TQ đưa ra quan điểm "An ninh châu Á mới" nhằm tìm kiếm vai trò lãnh đạo của TQ trong hệ thống an ninh khu vực. Đây là nội dung điều chỉnh tư duy an ninh chiến lược của Lãnh đạo TQ, theo đó, TQ chủ trương "công việc của châu Á sẽ do nhân dân châu Á tự giải quyết", khác với những lần tuyên bố trước đây rằng Thái Bình Dương là đủ rộng để dung nạp cả TQ và Mỹ) v.v… Ngoài ra, TQ còn đưa ra những sáng kiến ở các lĩnh vực như: i) thành lập hiệp định Đối tác toàn diện RCEP (gồm 10 nước ASEAN cùng 6 nước là TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Newzealand; ii) đề xuất xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á- Thái Bình Dương gồm 21 nước thành viên APEC; iii) thành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quốc tế hóa Đồng nhân dân tệ v.v…

Tóm lại, TQ đã xây dựng chiến lược toàn cầu và khu vực CA-TBD từ rất lâu, đặc biệt từ sau Đại hội XVIII (2012), TQ đã tuyên bố với thế giới sẽ thực hiện "giấc mộng Trung Quốc"; "phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa", thực hiện chiến lược "ngoại giao nước lớn", "ngoại giao láng giềng", chiến lược "vành đai, con đường", xây dựng "Cộng đồng vận mệnh nhân loại" "Cộng đồng vận mệnh châu Á"… Tất cả các chiến lược, các sáng kiến đều phục vụ cho mục tiêu cuối cùng rằng TQ sẽ  vươn lên lãnh đạo thế giới vào năm 2049.

2. Việt Nam là gì trong chiến lược của Trung Quốc hiện nay

2.1. Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong lịch sử

Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã bị chủ nghĩa bành trướng đại Hán đến xâm lược và đô hộ suốt 10 thế kỷ, từ năm 179 trước công nguyên (thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên), thành Cổ Loa bị thất thủ trước cuộc xâm lược của Triệu Đà, nhà nước Âu Lạc bước vào đêm trường Bắc thuộc kéo dài 1.000 năm, từ năm 179 trước Công nguyên đến năm 938 (chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, chiến thắng quân TQ xâm lược Nam Hán, giải phóng đất nước). Trong 1.000 năm bị quân bành trướng TQ xâm lược (1.000 năm Bắc Thuộc), cha ông ta vẫn giữ vững được sức sống văn hóa dân tộc Việt Nam mãnh liệt. Nó chính là cội nguồn sức mạnh chống lại âm mưu bành trướng, bá quyền nước lớn, muốn đồng hóa Việt Nam của TQ. Mặc dù trong 1.000 năm Bắc thuộc, TQ đã thực hiện chính sách Hán hóa mạnh mẽ, nhưng dù bị phủ một lớn sơn Hán hóa bên ngoài, nhưng cốt lõi vẫn là văn hóa Việt bản địa, mang đặc sắc, cốt cách Việt Nam suốt những thế kỷ tiếp theo, chủ nghĩa bành trướng, bá quyền TQ luôn luôn tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, mong muốn áp đặt ách cai trị, thôn tính đất nước Việt Nam. Sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược phương Bắc là chủ đề chính của lịch sử Việt Nam hơn 10 thế kỷ tiếp theo. Cha ông ta đã anh dũng, kiên cường, bền bỉ, lâu dài chống lại mọi âm mưu thủ đoạn xâm lược, bành trướng của bè lũ xâm lược TQ, và luôn luôn khẳng định địa vị độc lập, tự cường của dân tộc. Đúng như, Nguyễn Trãi đã viết trong "Cáo Bình Ngô": "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương:. Điều đó đã khẳng định được sự độc lập cao dộ, định vị chính trị ngang nhau giữa Việt Nam và TQ [3].

2.2. Vị trí của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ

Việt Nam có vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ.

- Thứ nhất, Việt Nam có chung đường biên giới đất liền, trên biển với TQ. Trong 3 nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam là TQ, Lào, Campuchia, thì TQ vẫn là nước gây cho Việt Nam rất nhiều thách thức từ xa xưa đến nay. Trung Quốc là nước láng giềng duy nhất từng tấn công xâm lược, đô hộ Việt Nam rất nhiều lần trong lịch sử. TQ luôn là mối đe dọa cho Việt Nam do hai nguyên nhân là sự gần gũi về mặt địa lý và sự bất cân xứng về sức mạnh giữa hai nước. Do Việt Nam là nước thuộc địa Đông Nam Á, mà Đông Nam Á là cửa ngõ duy nhất để TQ mở rộng ảnh hưởng, chiếm đất đai xuống phía Nam. Năm 1963, Thủ tướng TQ Chu Ân Lai đã từng nói "nước chúng tôi lớn, nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam Á". Còn Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông thì khẳng định "chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á" bao gồm miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore, một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự cần thiết phải chiếm lấy…Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây" [3].

Thứ hai, tuy Việt Nam là một nước nhỏ ở Đông Nam Á, nhưng phần lãnh thổ trải dài, gần như bao quanh một cạnh của Biển Đông. Nhìn vào bản đồ có thể thấy rằng Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có lãnh thổ vừa nằm trên lục địa Á Châu, lại vừa giáp với Biển Đông. Việt Nam cũng là nước kiểm soát số lượng đảo lớn nhất ở khu vực Quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, quân cảng Cam Ranh ở Nha Trang là một trong những cảng nước sâu lý tưởng bậc nhất thế giới, rất được ưa chuộng bởi "hải quân các nước do điều kiện thủy văn, địa chất, rất thuận lợi, thủy triều trong vịnh khá đều đặn, tương đối đúng giờ, đáy vịnh bằng phẳng, chủ yếu rà cát phù sa khác chắc…Nói cách khác, cảng Cam Ranh là một căn cứ hải quân với vị trí phòng thủ cực kỳ vững chắc, là bệ phóng lý tưởng cho các lực lượng hải quan kiểm soát Biển Đông.

Là quốc gia giàu tài nguyên, có dân số trẻ lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, có quân đội thực chiến bậc nhất ở châu Á, có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, Việt Nam được xem như "lực lượng trấn giữ con đường Nam tiến cả trên bộ, trên biển của TQ", vì vậy, TQ bao giờ cũng luôn coi Việt Nam là đối thủ tranh đoạt, kiềm chế, kiểm soát của mình.

2.3. Việt Nam trong chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ

Cùng với những điều chỉnh lớn trong đại chiến lược và trong chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ, Việt Nam - một láng giềng lớn phía Nam TQ đang chịu ảnh hưởng lớn. Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của TQ. Việt Nam vốn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối hạ tầng của TQ với khu vực Đông Nam Á. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, TQ đã nhanh chóng thực thi chính sách "tấn công quyến rũ", lôi cuốn các quốc gia khu vực ĐNA trở thành một khu /// có ảnh hưởng trọng yếu của TQ. TQ là nước đầu tiên thành lập FTA và thúc đẩy sự mở rộng các ASEAN + 1 FTAS và các mô hình hợp tác ASEAN + N. Trong sáng kiến "Một trục, hai cánh" mà TQ đưa ra với các nước ĐNÁ (một trục là hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, hai cánh là Hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng GMS và Hợp tác Vĩnh Bắc Bộ mở rộng), thì Việt Nam đều tham gia cả 3 hợp tác liên vùng và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối liên khu vực giữa TQ và toàn bộ khu vực ĐNÁ. Việt Nam cũng đề xuất ý tưởng xây dựng sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai" vào những năm đầu thế kỷ XXI [4]. Những chương trình này cho thấy Việt Nam có một vị trí cửa ngõ quan trọng trong chiến lược khu vực của TQ, giúp TQ tiến xuống phía Nam và mở rộng ảnh hưởng trên khu vực ĐNÁ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đề xuất các ý tưởng kết nối, hợp tác trước đây với Việt Nam và các quốc gia ĐNÁ. Tuy nhiên, trong thời kỳ đề xuất các ý tưởng kết nối hợp tác trước đây với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, TQ mới chỉ đang trong giai đoạn "giàu lên" và tìm kiếm sự mở rộng ảnh hưởng trên khu vực sát sườn liên quan trực tiếp đến an ninh và phát triển của TQ. Còn hiện nay, Tập Cận Bình đã xác định TQ đang tiến vào thời đại mới "mạnh lên", "tiến vào trung tâm vũ đài chính trị thế giới". Với thế và lực mới cùng tầm nhìn toàn cầu mới của TQ, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vẫn được TQ xếp vào vị trí quan trọng, trong sự giành giật ảnh hưởng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Khu vực CA-TBD luôn được TQ đề cao và quyết tâm giành giật sự ảnh hưởng với Mỹ, nhằm khống chế, giành quyền lãnh đạo trong khu vực này. Ngày 11/01/2017, TQ đã công bố sách trắng về chính sách hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Thực chất đây là trọng tâm chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của TQ, mục tiêu mà TQ muốn đạt được trong quan hệ với Việt Nam và các nước Đông Nam Á là: i) tiếp tục duy trì, củng cố môi trường khu vực láng giềng xung quanh hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho TQ tập trung phát triển kinh tế, đạt được mục tiêu chính trị theo 3 mốc thời gian 2020, 2035, 2049; ii) Làm suy yếu mạng lưới liên minh của Mỹ trong khu vực, đồng thời ngăn chặn mọi liên minh, liên kết nào có khả năng hình thành một khối chống lại TQ trong tương lai; iii) thiết lập vị trí quốc tế vững chắc của TQ, hình thành một trật tự kinh tế chính trị mới do TQ chi phối thay cho trật tự cũ do Mỹ và phương Tây chi phối; iv) chứng minh TQ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản TQ như một mô hình tiêu biểu cho các nước đang phát triển, thay thế cho mô hình phát triển dân chủ kiểu Mỹ và Phương Tây, hay thiết lập cơ chế "đồng thuận Bắc Kinh" thay cho "Đồng thuận Oa Sinh Tơn".

Để đạt được mục tiêu trên, TQ đã sử dụng chiến lược "Vành đai, con đường" (BRI) như một công cụ then chốt để lôi kéo Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo kinh tế chính trị của TQ, gia tăng sự phụ thuộc kinh tế chính trị vào TQ. TQ đã xác định 5 nội dung hợp tác chủ chốt trong BRI gồm có chính sách khai thông, đường bộ liên thông, thương mại thông suốt, tiền tệ lưu thông và người dân thông hiểu. Với nội dung đầu tiên là kết nối chính sách, TQ đang cố gắng lôi kéo Việt Nam và tất cả các nước ASEAN đều cam kết tham gia và ủng hộ đối với BRI bằng cả cây gậy và củ cà rốt. Việt Nam và các quốc gia ASEAN đều đã ký MOU với TQ cùng tham gia hợp tác thúc đẩy BRI; Việt Nam và các quốc gia ASEAN là những nước đầu tiên tham gia Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế tài chính do TQ lập ra. Ngoài ra, Việt Nam và ASEAN cùng với TQ còn triển khai nhiều nội dung hợp tác về tài chính, tiền tệ, ngân hàng khác nữa. TQ còn thúc đẩy ngoại giao công chúng với Việt Nam và ASEAN, xúc tiến xây dựng các Học viện Khổng tử, Trung tâm văn hóa Việt - Trung, quảng bá điện ảnh TQ nhằm gia tăng quyền lực mềm của TQ ở Việt Nam và khu vực. Nội dung quan trọng chính là kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng liên khu vực đang được TQ tiếp tục triển khai giữa TQ với Việt Nam và ASEAN trên các khuôn khổ mà TQ đã đề xuất trước đó. Đối chiếu với các chương trình kết nối trong BRI hiện nay có thể thấy vị trí hiện tai của Việt Nam như sau: Việt Nam nằm cả trên 2 nhánh con đường tơ lụa trên bộ và trên biển, đồng thời cũng có liên quan đến 3 tuyến đường nằm trên BRI của TQ.

Với 2 nhánh trên bộ (vành đai kinh tế, con đường tơ lụa, SREB) và trên biển (con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI, MSR), BRI được phân thành 5 tuyến chính nhằm kết nối cả châu Á, châu Âu và châu Phi, gồm có (1) kết nối TQ tới châu Âu thông qua Trung Á và Nga; (2) kết nối TQ với Trung Đông thông qua Trung Á; (3) Hội tụ TQ và Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương; (4) kết nối TQ với châu Âu thông qua biển Đông và Ấn Độ Dương; (5) kết nối TQ với Nam Thái Bình Dương thông qua Biển Đông. Trong đó, SREB tập trung vào 3 tuyến 1, 2, 3. Còn MSR chú trọng vào 2 tuyến 4, 5 nhằm kết nối các cảng duyên hải của TQ với các cảng ở châu Á, Âu, Phi và châu Đại Dương. Dọc theo 5 tuyến này, BRI sẽ tận dụng các tuyến giao thông quốc tế, cũng như các thành phố điểm và các cảng then chốt, thúc đẩy sự cộng tác, phối hợp nhằm xây dựng 6 hành lang hợp tác kinh tế quốc tế [5].

Việt Nam cũng trực tiếp thuộc 1 trong 6 hành lang kinh tế của BRI là Hành lang kinh tế TQ - Bán đảo Đông Dương. Có 6 hành lang kinh tế kết nối TQ với các quốc gia dọc BRI gồm: (1) TQ - Mông Cổ-Nga; (2) Cầu nối đất liền Á - Âu Mới; (3) TQ - Trimh và Tây Á; (4) TQ - Bán đảo Đông Dương; (5) TQ - Pakistan; (6) Bangladesh - TQ - Ấn Độ - Myanmar (BCIM).

Tuy nhiên, dù có nhiều tuyến đường chính của BRI, nhưng Việt Nam lại không phải là một trọng điểm kết nối khu vực và liên khu vực. Việt Nam chỉ giữ một vị thế kết nối mờ nhạt cả trong tuyến đường biển và đường bộ kết nối toàn bán đảo Đông Dương với trục Côn Minh (TQ) - Singapore.

Nếu xem xét vị trí của Việt Nam trong kết nối TQ - ASEAN đã được xúc tiến trong nửa cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, có thể thấy một vai trò quan trọng của Việt Nam trong sáng kiến "Một trục, hai cánh" mà chính quyền tỉnh Quảng Tây, TQ đề xuất với các nước ĐNÁ. Chiến lược "Một trục, hai cánh" này có mục tiêu nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, còn được gọi là chiến lược 3 chữ M dựa trên 3 hướng: hợp tác kinh tế trên bộ (mainland), hợp tác kinh tế trên biển (maritime) và hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông (MeKong). Chiến lược này dựa trên 3 hướng kết nối toàn bộ các quốc gia ASEAN thể hiện mục tiêu của TQ nhằm mở rộng không gian phát triển, lôi kéo và gắn kết sự phát triển của khu vực ĐNÁ vào sự phát triển chung của TQ. Các chương trình kết nối khu vực giữa TQ và ASEAN còn cho thấy một vị trí cửa ngõ của Việt Nam để TQ tiến xuống phía Nam. Do đó, khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" mà Việt Nam đề xuất, thì Việt Nam còn đồng thời thuộc cả 3 trục trong chiến lược "Một trục, hai cánh" của TQ với cả khu vực.

Tuy nhiên, sau khi TQ xây dựng chiến lược "Vành đai, con đường" (BRI) với 2 con đường chính trên bộ, trên biển song song với 5 tuyến đường và 6 hành lang kinh tế trên đất liền, thì ASEAN từ một vị trí trung tâm trong hợp tác khu vực trở thành một phần nhỏ trong chiến lược kết nối lớn của TQ với toàn khu vực châu Á và Thế giới. Theo đó, ASEAN sẽ liên quan trực tiếp tới con đường trên biển và 2 hành lang nhanh BCIM và hành lang kinh tế TQ - Đông Dương trong đại chiến lược của TQ. Và cũng theo đại chiến lược này thì vị trí của Việt Nam để TQ tiến xuống phía Nam cũng sẽ mờ nhạt hơn. Trên các tuyến đường này, các nước Đông Nam Á có vị trí cốt yếu với TQ sẽ là Myanmar (thuộc hành lang BCIM, là một con đường để TQ từ phía Tây Nam đi xuống Ấn Độ Dương), Thái Lan (qua kênh đào dự kiến Kra Isthmus) và Indonexia (quốc gia biển đảo TQ cấm đi qua để xuống Nam Thái Bình, và là quốc gia tầm Trung với kích cỡ dân số lớn nhất, và định hướng trung lập trong ASEAN). Việt Nam cũng thể hiện một hình ảnh mờ nhạt trong các dự án tiêu biểu của TQ, Việt Nam cũng không có mặt trong số 8 cảng chủ chốt nằm trên BRI. Và trong số các quốc gia có rủi ro an ninh chính trị, rủi ro tài chính, rủi ro hiệu quả chính phủ, rủi ro vĩ mô, rủi ro pháp lý và pháp luật, rủi ro thị trường lao động, rủi ro cơ sở hạ tầng khi tham gia RRI, thì Việt Nam chỉ chịu rủi ro hiệu quả chính phủ và rủi ro thị trường lao động không thuộc nhóm các nước chịu rủi ro cao[6].

Về vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại láng giềng của TQ, trong "Cương yếu chiến lược an ninh quốc gia" được Bộ Chính trị ĐCSTQ thông qua ngày 23/01/2015, TQ coi Nhật, Mỹ là đối thủ thách thức TQ. Còn các nước nhỏ ASEAN như Việt Nam, Philippin tuy không coi là đối thủ, nhưng có nguy cơ hợp tác với các nước khác chống TQ. Vì thế, TQ tiếp tục các yêu sách chủ quyền cứng rắn hơn, TQ vẫn có mục tiêu giữ ổn định quan hệ Trung - Việt để không đẩy Việt Nam về tay Mỹ. Và TQ cô lập Philippins không để Việt Nam ủng hộ hay hợp tác với Philippins thành khối Mỹ - Nhật - Philippins - Việt Nam cùng chống TQ[7]. Hai học giả Li…và Zheng xếp Việt Nam trong nhóm cần dè chừng, cẩn trogj và kiềm chế, chỉ thúc đẩy hợp tác theo lĩnh vực và mang lại lợi ích cho TQ. Việt Nam chưa được liệt kê vào các nước có mức độ đụng độ cao với TQ như Nhật Bản, Ấn Độ. Cũng không phải là các nước có lợi ích lớn như Indonexi, Kazakhstan. Được xếp ngang với Australia vừa có lợi ích đáng kể  đáng kể, nhưng cũng cần giữ thái độ cẩn trọng [8].

Những trích dẫn trên cho thấy, chính sách chủ đạo của TQ với Việt Nam sẽ vừa là cân bằng vừa can dự, vừa kiềm chế, vừa lôi kéo. Mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam nhằm không để Việt Nam có thể mạnh lên, thoát khỏi sự chi phối của TQ, nhưng cũng không để Việt Nam quá bất mãn, tìm đến các liên kết chống lại TQ. Nhìn chung, chính sách cơ bản của TQ với Việt Nam có thể đi theo các hướng sau:

Thứ nhất, hòa dịu với Việt Nam, để tránh quan hệ căng thẳng xấu thêm, gia tăng các hoạt động trao đổi ngoại giao cả thượng đỉnh và các cấp.

Thứ hai, tăng cường hợp tác trên mọi phương diện đặc biệt là kinh tế, giao thương buôn bán nhằm dùng lợi ích kinh tế đưa Việt Nam vào quỹ đạo của TQ, ít nhất đảm bảo Việt Nam giữ thế trung lập giữa TQ và Mỹ.

Thứ ba, gây sức ép cho ASEAN, chia rẽ khối thông qua các thành viên nhỏ dễ chịu tác động từ TQ để cản trở lập trường đối lập với lợi ích TQ và ngăn chặn sự hình thành của một "khối chống TQ" [9].

Thay cho lời kết

Chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ là trở thành quốc gia hùng mạnh, lãnh đạo thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Vai trò của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ là rất rõ ràng, tuy không quá lớn, nhưng tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam, mà thách thức còn lớn hơn cơ hội, đặc biệt thách thức về an ninh chủ quyền quốc gia về biển đảo, thách thức về sự phụ thuộc về kinh tế, tạo ra sự phụ thuộc về chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần điều chỉnh, xác định rõ cách thức ứng phó với chiến lược toàn cầu, khu vực của TQ. Đó là thích nghi với sự trỗi dậy, lớn mạnh của TQ, xác định rõ ràng mục tiêu của Việt Nam phải đảm bảo an ninh quốc gia, không ngừng phát triển, tạo thế và lực đa dạng hóa, đang phương hóa quan hệ với các nước trên thế giới, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, khôn khéo đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trong ứng xử với TQ [10]

 

*PGS-TS, Viện nghiên cứu châu Âu

 


[1] http:// www.scio.gov.cn/zfbps/32832/Document/1539907/1539907/htm

[2] http:// css. hcmussh.edu.vn/?ArticleId -16d8fc56-4445-46b7-8b1d-đab9ca7

[3] http://www.vanhhoanghean.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tu-vn-gian-khoan-hd-981-tư-lieu-ban-ve-tham-vong-lanh-tho-cua-Trung-Quoc…

[4] http:// enternens.vn/viet-nam-voi-sang-kien-vanh-dai-va-con-dduong-111029.html

[5] http://china-trade-research.hktdc.com/business-new/article/the-Belt-and-Road-Initiative/The-Belt-and-Road-Initiative/obor/en/1/1xOA36B7.htm

[6] Pencea, Sarmiza (2017) "A lot in to the complexity of the one Belt, one Road"

[7] http:// www.chinatimes.com/cn/newpapers/20150125000741-260309.

[8]Li, Xue and Zheng, Yuwen (30/3/2016), "Ablucprint for China's neighborhood Diplomany theDiplomat.

[9] Xem thêm Kiều Tỉnh (22/6/2015) "VN trong chính sách của TQ", tầm nhìn - tri thức và phát triển, trên http:// tamnhin.net/viet-nam-trong-chinh-sach-cua-Trung-Quoc-4/820.html

[10] Nguyễn Quang Thuấn "Chiến lược toàn cầu của TQ trong bối cảnh mới", đề tài cấp Bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, năm 2018.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511023

Hôm nay

222

Hôm qua

2359

Tuần này

21397

Tháng này

217896

Tháng qua

121356

Tất cả

114511023