Thách thức mà người lữ khách của Nguyễn Công Trứ phải đối mặt trong quá trình hợp nhất quan niệm làm người của Đạo gia và Nho giáo đã tạo nên sự xung đột. Chương này sẽ chứng minh rằng thơ ca có thể là công cụ để chuyển hướng và dung hòa xung đột bằng cách chỉ ra cách kiểm soát nó, nhờ thế cho phép lữ khách vượt qua xung đột và học hỏi được từ đó. Thơ ca tự nó không đưa ra một giải pháp lý thuyết nào cho những xung đột và căng thẳng, nhưng nó thực sự trở thành một phương tiện bộc lộ bản thân, qua đó diễn tả mâu thuẫn và xung đột.
Đối với Nguyễn Công Trứ thơ ca đáp ứng được ít nhất hai mục tiêu. Thứ nhất là sự thoải mái có thể đạt được thông qua khả năng của thơ ca nhằm đánh thức phản ứng mỹ học trước xung đột thông qua quá trình hướng sự chú ý của con người trở lại với hiện tại, đồng thời nuôi dưỡng và tham gia vào trải nghiệm thẩm mỹ. Nói theo cách nào đó điều này giống như có thể tự giễu mình trong những hoàn cảnh đầy sức ép. Thơ ca đem đến cơ hội chứng kiến một trải nghiệm, một hoạt động, hoặc một khía cạnh cuộc sống nhìn từ góc độ khác. Nguyễn Công Trứ thể hiện điều này trong thơ ông thông qua những ẩn dụ về thời gian và mối quan hệ giữa người lữ khách và thời gian. Quan niệm cho rằng mọi thời điểm luôn là hiện tại, rằng thậm chí ngay hiện tại cũng có một cái phổ quát neo giữ con người với cái vô tận, cũng đóng vai trò nhất định trong nhận thức và cách thể hiện thời gian của Nguyễn Công Trứ. Cái phổ quát này được thể hiện qua những trải nghiệm thơ ca. Và bằng việc diễn tả thời gian vừa như một giọt nước vừa là cả đại dương, thơ ca cho phép người lữ khách trải nghiệm và nhìn những sự việc giống nhau theo nhiều cách khác nhau.
Hai là, thơ ca có thể đưa người đọc đi giữa những xung đột và thương lượng với những đòi hỏi chung nhờ đó nới lỏng sự câu thúc về hình thức của xã hội và hướng sự chú ý của người đọc từ những hoạt động cụ thể trước mắt sang một địa hạt khác rộng lớn hơn và vui vẻ hơn. Trong địa hạt này, người lữ khách được trang bị tốt hơn để nhận thức và rồi thương lượng với những đòi hỏi và xung đột trong cuộc sống. Nhận thức của người lữ khách được nâng cao do những trải nghiệm thẩm mỹ từ thơ ca, nhờ đó anh ta có thể chỉn chu bổn phận khiến người đời phải khâm phục trong khi phải đối mặt với những yêu cầu và xung đột đầy mâu thuẫn. Một trong những cách tạo dựng tầm nhận thức mở rộng đó là thông qua sự thấu hiểu về tầm quan trọng của sự vui chơi và cái nhìn khoáng đạt hơn về tồn tại. Thơ ca đề cập tới tính khôi hài hay cái nhìn khoáng đạt hơn về thế giới đồng thời nới lỏng cảm giác của người đọc về những nghi thức gò bó và sự khẳng định của cá nhân. Trong quá trình này, thơ ca giúp người ta có được niềm vui nhờ đạt được cảm giác cân bằng và tầm nhìn mới. Nhằm giúp lữ khách thương lượng ổn thỏa với ngổn ngang các xung đột và đòi hỏi của cuộc đời, nhà thơ đã tái tạo và dành nhiều tâm sức cho khoảnh khắc trữ tình hay “trải nghiệm đến tận cùng và nhận thức sâu sắc vô thủy vô chung của nhà thơ về bản thân và vũ trụ.” Chính ở điểm này, ông đã khẳng định lại niềm tin vào bản chất của con người hay nhân. Do vậy, cách truyền tải bằng thơ đã giúp người lữ khách có thể mở rộng tầm nhìn đồng thời duy trì và phát triển cái nhìn về cuộc đời từ nhiều góc độ khác nhau, nhờ đó anh ta có thể có được lựa chọn phù hợp cho mình và giảm thiểu hoặc vượt qua những xung đột trong đời sống. Cách này đưa lại một diễn đàn rộng rãi trong đó giải pháp được xác định để lữ khách “tu thân” và “trị quốc”, “bình thiên hạ”.
Thông qua thơ ca, Nguyễn Công Trứ cũng xóa tan được nỗi tự hoài nghi về khả năng đóng góp hoặc tham gia của mình vào quá trình sáng tạo của Trời-Đất, và bằng cách khẳng định một lần nữa niềm tin vào chữ nhân ông đã vượt qua được cảm giác vô nghĩa bắt nguồn từ sự phù du của bản thân và tính hữu hạn của nó. Một trong những cách tái khẳng định lại niềm tin này là thông qua việc đạt được niềm vui khi theo đuổi những thú vui nhàn nhã. Nhờ vậy ẩn dụ về vui chơi và thực tại có rất nhiều điểm chung. Những ẩn dụ của Nguyễn Công Trứ nhằm diễn tả niềm vui được tự do và không bị câu thúc sẽ được bàn đến ở phần sau của chương này. Ngoài những ẩn dụ về thú say nhằm diễn đạt trạng thái tự do và không bị bó buộc, Nguyễn Công Trứ còn sử dụng ngôn từ diễn đạt sự vui chơi và phóng túng – một cách để dung hòa xung đột. Thơ ông thôi thúc người ta vui chơi, và tôi sẽ khảo sát cách ông nhấn mạnh hoạt động này trong vai trò ẩn dụ của nó, đồng thời tìm hiểu cách ông nhìn nhận sự rong chơi phóng túng như công cụ để thương lượng và vượt qua những xung đột trong cuộc đời.
Sau khi thảo luận về những ẩn dụ chính này, tôi sẽ bàn về vấn đề Nguyễn Công Trứ có niềm tin chắc chắn rằng con người có thể trải nghiệm trạng thái hòa nhập hoàn toàn vào dòng chảy cuộc sống hay dòng năng lượng vũ trụ trong khi vẫn sống giữa bao lạc thú trần tục. Rong chơi và hòa nhập hoàn toàn vào dòng chảy cuộc sống có vẻ như đối lập với nhập thế. Tuy nhiên, tôi sẽ chứng minh được rằng, với Nguyễn Công Trứ điều này là không đúng. Sau đó, tôi sẽ tìm hiểu quan niệm ngao du hay rong chơi thư thái. Sự rong chơi thư thái liên kết những chủ đề và ẩn dụ đã được thảo luận từ các chương trước lại với nhau: thời gian, thú say, rong chơi và bông đùa, và chuyên tâm vào việc mình làm.
Một phản ứng đầy chất thơ trước sự phù du của đời người
Thơ ca có thể là nhân tố trung hòa hoặc là cách để hướng sự chú ý của con người ra khỏi những xung đột liên quan đến sự phù du và hữu hạn của đời người đồng thời hướng tới việc nhập thế bằng cách gợi mở cho người đọc nhận thức thẩm mỹ về cuộc đời. Nhờ đó, thơ ca giúp người ta có được ứng xử thẩm mỹ trước xung đột và thay vì lấn cấn trong thất vọng thì người ta sẽ tìm đến khoảnh khắc dành cho cá nhân tu dưỡng bản thân. Có thể giảm thiểu hay xóa bỏ xung đột là bởi người lữ khách có thể phát triển một mối quan tâm hay tạo ra một bối cảnh vượt ra khỏi tình trạng bất hạnh hiện tại, và việc có được cái nhìn phóng khoáng giúp anh ta trực cảm con đường thoát khỏi xung đột.
Hãy cùng xem xét nguồn gốc của những xung đột mà nhân vật lữ khách của Nguyễn Công Trứ đã trải qua. Một mặt, ông chỉ ra rằng người lữ khách vui khi đạt được những mục tiêu chính trị và phận sự mà anh ta tự đặt ra cho mình; và mặt khác, ông lại khắc họa niềm vui nhờ thuận theo sự an bài của phận mệnh. Qua đó, nhà thơ đưa ra hai thái độ hay cách sống khá đối nghịch: một là thỏa nguyện bằng cách hiện thực hóa mục tiêu trả nợ công danh lợi, bằng cách hành động trực tiếp; một lại bằng cách chấp nhận số phận và hài lòng với giới hạn của mình. Sức ép từ việc nỗ lực kết hợp hai quan điểm này tạo ra xung đột lớn nhất cho người lữ khách của Nguyễn Công Trứ.
Nguyễn cũng nhận ra xung đột tất yếu đó khi cố duy trì sự cân bằng giữa những phận sự chính trị- xã hội và sự hoàn thiện cá nhân. Ông thừa nhận sự cần thiết phải chú ý tới giới hạn của việc phát triển cá nhân theo một trong hai chiều hướng đó mà không làm tổn hại đến con người cá nhân của mình. Bằng cách đồng nhất làm một với nhân quần và qua đó ràng buộc bản thân với những mục tiêu và giá trị của cộng đồng đó, cá nhân sẽ tuân thủ kế hoạch hành động và cách sống giống như cộng đồng mà không gây ảnh hưởng nào đến định hướng đời mình. Tuy nhiên, để đi theo con đường đó, người ta cần phải phủ nhận khí chất duy nhất chỉ có ở mỗi cá nhân và gần như chắc chắn rằng cuối cùng điều này sẽ dẫn đến vỡ mộng. Không thể phủ nhận được rằng những ràng buộc của Nguyễn Công Trứ với các giá trị và mục tiêu của xã hội đương thời không ngăn nổi ông nhận ra và phải nếm trải nỗi thất vọng, vỡ mộng, bất mãn. Nguyễn Công Trứ than rằng, “Nỗi nọ đường kia xiết nói năng, Đêm nằm không ngủ biết mần răng?” (“Cảnh lữ thứ”). Thơ ca của ông thường xuyên nhắc đến những cảm xúc này, sản phẩm của việc theo đuổi chính trị, vì vậy Nguyễn Công Trứ đã nếm trải trước tiên mặt trái của việc ràng buộc quá chặt chẽ với địa hạt chính trị - xã hội. Kết quả là Nguyễn Công Trứ tự hỏi mình và người đọc để xem làm thế nào một người có thể là một thành viên tận tụy trong cộng đồng chính trị - xã hội mà không bị những quy định về vai trò và chức năng xã hội trói buộc. Cả Nho giáo và Nguyễn Công Trứ đều cho rằng trở thành một phần của tổng thể đòi hỏi người ta phải có một niềm tin rằng ý thức về bản thân của con người ta sẽ không biến mất mà sẽ được xác nhận bằng lễ nghi và các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ xã hội. Vì thế, Nguyễn Công Trứ buộc người đọc tự hỏi mình: làm sao con người ta có thể ưu tiên cho đời mình để làm cho cuộc đời chính trị - xã hội và đời sống cá nhân hài hòa và cân bằng?
Nguyễn Công Trứ khẳng định rằng cái nhìn của ông về sự cân bằng, hài hòa, việc làm người, phận sự nuôi dưỡng và hiện thực hóa điều nhân, khẳng định lại mình với tư cách là một thành viên của xã hội nhân quần đồng thời khẳng định rằng hành động của con người mang tầm vóc vũ trụ. Nguyễn nhận ra tầm quan trọng của tính thống nhất và kiên định trong khi đồng nhất với nhân và tin tưởng vào nó. Dù thế nào, ông cũng phải nhào nặn cuộc đời mình theo cách nhìn đó: cá tính của một người được quyết định bởi sự gắn bó chặt chẽ của anh ta với toàn thể và bởi sự mở rộng của chính anh ta để bao chứa trong mình cả cái toàn thể đó, chứ không phải bằng những hành động hay những mục tiêu cá nhân đang theo đuổi hay đã đạt được.
Một quá trình xã hội hóa như vậy gần như không thể tránh khỏi thất vọng, tuyệt vọng và vỡ mộng bởi thế giới không hề hoàn hảo, và những nỗ lực của con người nhằm hiện thực hóa một lý tưởng như thế có thể thất bại ngay. Bởi con người không hoàn hảo và chính sự không hoàn hảo đó góp phần tạo ra cảm thức về sự không hoàn thiện và bất lực của anh ta nhằm hoàn thành trọn vẹn những nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặt quá trình hoàn thiện nhân cách của con người dựa trên việc người ta có thể ôm lấy cuộc đời mà không có sự ích kỷ hay những khát vọng tự thỏa mãn là gần như bất khả thi. Vì thế, nhằm có được cảm giác thỏa mãn ngay cả khi đối mặt với sự không hoàn thiện trong lĩnh vực chính trị xã hội, nhà thơ cần phải có bước nhảy vọt trong niềm tin và tin rằng hành động của anh ta mang tầm vóc vũ trụ. Tuy vậy, con người, vốn không giỏi duy trì một sự bao quát toàn thể và có thể lại phải nếm trải cảm giác thiếu hụt trong khi phát biểu và thực hiện sự phát triển bản thân để thâu chứa cái toàn thể. Cho dù có cố gắng đến mấy, cái cảm giác về sự không hoàn thiện và xung đột vẫn tồn tại, khi hiện hữu trên đời này anh ta chỉ sống trong một khoảnh khắc cụ thể nào đó, và cái chí của anh ta dồn cả vào việc trả món nợ với đời thông qua những hành vi đạo đức cụ thể. Và, sự nhấn mạnh vào tính nhất thời của một hành động cụ thể dường như là phủ nhận việc là một phần của cái toàn thể. Nói cách khác, hầu như không thể nào đồng thời vẫn vừa là một hạt cát lại vừa là cả sa mạc.
Đồng thời, lữ khách tin rằng anh ta có tiềm năng sáng tạo cùng với Trời, Đất và vạn vật bởi những hành động đạo đức cụ thể của anh ta mang trong nó ý nghĩa vũ trụ.
[1] Bởi vậy anh ta đối mặt với xung đột, một mâu thuẫn không giải quyết được. Bởi anh ta có hạn chế và khiếm khuyết, anh ta không thể đáp ứng mọi đòi hỏi và mong đợi của cộng đồng. Anh ta có thể cảm thấy rằng việc mình không thể trả được món nợ với đời là do những khiếm khuyết đó, và bởi thế anh ta thấy mình có lỗi. Hơn nữa, việc chú tâm vào những nghĩa vụ chính trị sẽ buộc anh ta phải sao nhãng đi những khía cạnh khác của sự phát triển cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có những hoạt động về bản chất không mang tính xã hội nhưng lại rất quan trọng với sự phát triển con người cá nhân. Thực sự thì Nguyễn dường như bộc lộ sự thất vọng khi bị mắc kẹt trong những đòi hỏi và câu thúc của xã hội, cái đã cản trở ông tham gia một số hoạt động văn hóa. Ngay cả vấn đề liệu nên lựa chọn con đường chính trị (hành) hay cuộc sống ẩn dật (tàng) cũng là việc khó quyết định được. Trên thực tế, khó mà khẳng định rằng nghĩa vụ mà cộng đồng đòi hỏi ở mỗi người là nghĩa vụ duy nhất để định nghĩa anh ta với tư cách là một con người. Dường như không có giải pháp mang tính triết học nào cho những vấn đề này, nhưng những xung đột này vẫn cần một giải pháp nào đó để người ta có thể sống cuộc đời mình nhờ đó có thể sáng tạo và biểu đạt sự cân bằng và hài hòa.
Đối với Nguyễn Công Trứ, thơ ca đưa đến một giải pháp như vậy. ở đây chúng ta phải xem xét đến khái niệm thời gian, một khái niệm đóng vai trò chủ chốt trong thơ Nguyễn Công Trứ và trong ý thức làm người của ông. Khi ông phát biểu về tính phù sinh của con người là ông nỗ lực tạo dựng một quan điểm, một tình huống thơ ca, một cách nhìn hay một ngữ cảnh.
[2] “Lão trục thiếu lai ưng bất phóng, Mới đó đính mây còn ngăn ngắt/ Phút đâu mái tuyết đã phau phau” (“Cán cân tạo hóa”). Con người tồn tại trong không gian và thời gian. Tính phù sinh và hữu hạn của con người có thể khiến người ta vỡ mộng và thất vọng, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn thuyết phục người đọc để thơ đưa mình đến với một trải nghiệm mới và dẫn lối chỉ đường giúp họ vượt qua xung đột. Nhà thơ nhắc nhở người đọc về tính phù du của đời người nhưng không nên hiểu rằng sự phù du ấy là lý do để phủ nhận cuộc đời mà, hơn thế, nó chính là lý do để người ta phải nhập thế - như lời kêu gọi hãy sống một cách vui vẻ. Ông nhắc đến thời gian sinh học nhằm kêu gọi người đọc hãy sử dụng nghiêm túc thời gian họ có và quản lý quỹ thời giờ đó để đạt đến tận cùng tiềm năng của mình. Bởi mục tiêu của đời người là phát triển bản thân, và sự phát triển bản thân liên quan đến thời gian, vốn dĩ có hạn với con người, người ta cần phải sống khoảnh khắc hiện sinh của mình thật khéo và với nhận thức trọn vẹn về nó.
Như vậy ẩn dụ thời gian nên được hiểu theo cách này: thời gian là vàng bạc, và con người nên phản ứng nhạy bén với sự phù sinh của mình bằng cách chú tâm vào chính cuộc đời. Thời gian rất quý giá và là một nguồn hữu hạn. Thế nên, Nguyễn Công Trứ thuyết phục người đọc hãy sử dụng thời gian thật hợp lý. ẩn dụ này và hàm nghĩa của nó là để nhằm thay đổi cách nghĩ về cuộc đời. Vì thời gian là vàng, nên ta phải thận trọng và nghiêm túc; không chỉ đơn giản là sử dụng thời gian, chúng ta cần phải đầu tư, cống hiến, chia sẻ, và cho đi thời gian của chính chúng ta một cách có ý thức. Điều này sẽ khiến chúng ta tiến dần đến chỗ trở thành con người hoàn thiện. Trong Luận ngữ, (chương IX,17), Khổng Tử mô tả thời gian dưới dạng “cái trôi đi” hay “trôi đi”. Như vậy quan niệm của Nguyễn Công Trứ và Nho giáo về thời gian là tương thích, nếu không muốn nói là hoàn toàn thống nhất. Và với thời gian mà con người thực sự có được, Nguyễn Công Trứ không khuyến khích người ta chỉ tuân theo những thuyết ăn chơi hưởng lạc. Ông chỉ muốn mở đường cho một cách phản ứng mới trước sự phù du của đời người và thôi thúc người đọc hãy phản ứng tích cực trước quỹ thời gian hữu hạn đồng thời tham gia vũ điệu cuộc sống.
Việc thấy được những nỗ lực của Nguyễn Công Trứ mượn cách biểu đạt và suy ngẫm của Đạo gia về tinh thần linh hoạt, sự cởi mở, và sự tự nhiên nhi nhiên cũng rất quan trọng. Niềm vui trở thành một nhân tố quan trọng. Có những phẩm chất đi cùng với việc có mục đích hay chí trong những hoạt động nuôi dưỡng, hàn gắn, nâng cao, phát triển, và đem đến cho bản ngã những trải nghiệm thẩm mỹ, tạo nên một thể thống nhất giữa trí tuệ, tinh thần và thể xác.
Trong tiếng Việt, hai từ thì và thời gian (nhịp điệu và mùa trong không gian) đề cập đến thời gian như một điều gì đó phù hợp theo hình mẫu của tự nhiên.
[3] Từ thì cũng liên quan tới sự thay đổi trong dòng chảy của nước trên ruộng lúa, những thay đổi của môi trường tự nhiên. Những từ được dùng để chỉ thời gian và khái niệm về thời gian này thể hiện một quan điểm cho rằng mọi thứ đều hoạt động theo những mô hình có sẵn. Và, hàm ý của điều này là bằng cách hoạt động dựa trên những mô hình này, chúng ta có thể phản ứng theo cách tốt nhất trước sự thay đổi trong quá trình làm người.
Trong bài thơ “Chơi xuân kẻo hết xuân đi,” Nguyễn Công Trứ đã nhắc nhở người đọc về sự phù sinh của đời người, và ông cho rằng tiêu thời gian cho thú thanh nhàn là khôn ngoan. Nhìn bề ngoài, lời khuyên này nghe có vẻ mỉa mai. Cái chỉ dụ hoa mỹ này không phải là nhằm vẽ ra một bức tranh tiêu cực về làm việc mà là để hướng người đọc chú ý vào thực tế rằng việc tạo ra ý nghĩa cuộc sống bằng cách dấn thân và sáng tạo là tùy thuộc mỗi người. Chủ đề này xuất hiện khá nhiều lần trong các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ. Hãy cùng xem cụ thể Nguyễn Công Trứ đã diễn đạt nó ra sao trong “Chơi xuân kẻo hết xuân đi,”
Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật
Đã sinh người lại hạn mấy năm.
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc!
Lại mang lấy lợi danh là vinh nhục,
Thật thú vị là bài thơ này rất giống những bài thơ do nhà thơ thời Hậu Hán, Trang Tử sáng tác, cả về nội dung và hình thức.
[4] Trang Tử tin rằng buông thả trong thú vui và sự thanh tao là cách để biểu đạt tự do tinh thần thoát khỏi cái bẫy phù hoa.[5] Nguyễn nhất quyết rằng người ta nên sống một cách đầy đủ nhất và phải biết tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Như ông nói tiếp,
Lại mang lấy lợi danh vinh nhục,
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan.
E đến khi hoa rữa trăng tàn,
Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác!
Sự ngắn ngủi của đời người là một lý do khiến con người nỗ lực hơn nữa để nhận thức về cuộc đời và phản ứng sao cho phù hợp. Nguyễn Công Trứ tiếp tục bằng việc mời người đọc xem xét lựa chọn của ông:
Tế suy vật lý tu hành lạc,
An dụng phù danh bạn thử thân,
Sự lựa chọn được trình bày trong những đoạn trên là sự lựa chọn giữa lạc thú và danh tiếng hay sự công nhận của cộng đồng và ở đây Nguyễn ngụ ý rằng sự chọn lựa hoạt động sẽ hình thành định hướng cho đời người và đóng góp vào hoặc ngăn cản quá trình hoàn thiện hóa con người. Nguyễn khuyên ta thay vì thờ ơ thì hãy chuyên tâm ứng phó với sự phù du của mình và những khuynh hướng của nó.
Song bất nhân mà lại chí nhân,
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy.
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù?
Nghề chơi cũng lắm công phu.
Như vậy ở đây, Nguyễn Công Trứ đã tán thành thú chơi hơn là nghĩa vụ, coi đó là con đường đi đến cuộc sống viên mãn. Tuy nhiên, ông cũng rất báo trước rằng “nghề chơi cũng lắm công phu”. Để chơi được, theo cái cách có thể thúc đẩy sự phát triển bản thân, là cả một nỗ lực đòi hỏi phải hết lòng và chuyên tâm có chủ đích.
Nguyễn khẳng định rằng việc dung hòa những xung đột và lựa chọn trong cuộc sống có thể thực hiện bằng cách bắt chước theo những mẫu hình năng động trong tự nhiên. Trong bài "Cán cân tạo hóa” ông viết:
Lão trục, thiếu lai, ưng bất phóng,
Nhục tùy vinh hậu định tu quân.
Lò âm dương san sẻ bình phân.
Cân tạo hóa đỉnh đinh rất nhặt.
Nguyễn nhìn đời bằng cái nhìn không thiên lệch, đa chiều và tích cực. Ông “suy tư” về hoàn cảnh sống để rồi hiểu rằng trời hay Tạo hóa thật độc ác và vô tâm khi giao cho con người một chiếc đồng hồ sinh học làm hạn chế sự tồn tại của mỗi người. Con người trải nghiệm cuộc sống, và bởi thế quỹ thời gian được ban cho mới ngắn ngủi như thế. Cuộc đời một đứa trẻ năm tuổi, cuộc đời một ông lão bảy mươi, hay ba vạn sáu ngàn ngày cuộc đời của ai đó sống đến trăm tuổi cũng đều ngắn ngủi cả. Nguyễn than thở trước sự thờ ơ của con người đối với sự ngắn ngủi của cuộc đời. Ông thấy con người mắc vào cái vòng danh lợi, những thứ mang lại cả nỗi niềm vinh, nhục. Thay vì đổ lỗi cho Tạo hóa, Nguyễn thúc giục chúng ta hãy lên tiếng bởi khi ta nhận ra bản chất đích thực của tồn tại, những thú thanh nhàn và niềm vui chúng gợi lên dường như là lối thoát tốt nhất giữa một bên là nhu cầu về thời gian còn bên kia là vô số những hoạt động có thể thực hiện được.
“Giải trí” (engage in leisurely activities) không thể được hiểu theo nghĩa đen là quá ham mê theo đuổi cái đẹp và hưởng thụ vật chất. Trái lại, nó đề cập đến những thú vui thẩm mỹ nhằm mục đích nuôi dưỡng đạo đức. Khổng tử khuyến khích các môn đệ của mình cố gắng dung hòa giữa công việc và nghệ thuật hay phát triển cái đẹp như một cách để tu dưỡng đạo đức. Nhà thơ đã nhận ra một nghịch lý liên quan đến thời gian. Thay vì thất vọng bi quan, nhà thơ kêu gọi người đọc hãy nhập thế hoàn toàn và dùng thơ ca để phát biểu những suy nghĩ sâu sắc và đưa ra một cái nhìn mới mẻ có thể đưa họ vượt qua những xung đột trong cuộc đời. Có nhiều thời gian thôi thì chưa đủ, tất cả thời gian mỗi người có được đều cần phải được dùng vào những thú vui thanh nhàn giúp thúc đẩy sự tu dưỡng đạo đức, cũng như các hoạt động chính trị - xã hội – người lữ khách phải sống như thể là một nghệ sĩ đang sáng tạo.
Nên, muốn tìm được sự cân bằng cần thiết để trở thành một nghệ sĩ đang sáng tạo, người ta cần phải tự giải thoát mình khỏi nhàm chán và phù du. Nhà thơ nhắc đến sự trần tục của mình trước khi nhắc đến sự phù sinh nhằm thuyết phục người đọc chú ý đến hoàn cảnh của ông và tham gia vào hoặc phát triển bản thân để ông có thể dang tay đón nhận chính sự phù du của mình bằng cách tham gia vào đời sống thẩm mỹ. Nhưng Nguyễn than rằng:
Đôi kẻ biết sao không tỉnh lại,
Dầu thiên hô, vạn hoán cũng u ơ.
Xót cho, ta biết sao cho.
(“Cán cân tạo hóa”)
Nhà thơ cảm thấy rất đau đớn và thất vọng trước sự bất lực của những người xung quanh không thể “tỉnh lại” để nhìn rõ cuộc đời và những lựa chọn của nó, Nguyễn nhận thấy sự tồn tại của con người luôn mong manh, ngắn ngủi, nhưng đầy lựa chọn và nhu cầu, bao gồm cả nhu cầu thành đạt và có vai trò trong cộng đồng (lợi, danh, vinh, nhục). Những hoạt động để sống và cống hiến cho cộng đồng là cần thiết, và chúng dùng cả quĩ thời gian quý giá. Vì thế dường như nhà thơ đang chỉ ra rằng người ta sẽ luôn hoàn thành nghĩa vụ của mình rồi vẫn cứ tin là còn thời gian để theo đuổi thú vui. Nhưng, nếu không tìm thấy thú vui, thì những yêu cầu hay nghĩa vụ của đời người, bởi chúng thay đổi theo năm tháng, có thể sẽ nắm lấy cơ hội và tận dụng mọi thời gian có thể. Nhà thơ xót xa khi thấy thời gian trôi qua và sợ hãi nhìn thấy kết cục không thể tránh khỏi, khi “Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác”. Sự phù du của kiếp người có thể khiến người ta sững sờ, và những mối liên hệ song hành (thể hiện sự đối lập hoặc mối liên hệ) và sắc thái trong thơ ca có thể làm lộ ra những cách nhìn khác nhau, ẩn kín hơn về cuộc đời, hàm chứa một nhận thức thẩm mỹ và có thể làm giảm xung đột giữa yêu cầu của đời sống với sự theo đuổi cái đẹp bằng cách hướng sự chú ý của con người ra khỏi cái cụ thể nhằm hướng tới cái nhìn toàn diện hơn hoặc vào việc sống hết mình (tham gia vào cả nghĩa vụ và mưu cầu cái đẹp) trong khi nuôi dưỡng nhân cách.
Chấp nhận sự phù du và những giới hạn của con người trong khi vẫn tìm kiếm cách sống đẹp đồng thời tu dưỡng nhân cách là những dấu hiệu của lòng can đảm và sự sáng tạo. James Liu, trong cuốn Nghệ thuật thơ ca Trung Hoa đã giải thích rằng chính bởi đời người ngắn ngủi phù du nên nó càng quý giá và đáng sống
[6]. Nguyễn đã lặp lại tình cảm này về việc con người bị cuốn hút bởi sự phù du của đời mình và sự thôi thúc nhập thế. Trong khi than thở thời gian như bóng câu qua cửa, thì đồng thời nhà thơ cũng quyết tâm rằng chính vì đời có hạn và ngắn ngủi nên con người cần sống hết mình và hoàn thiện bản thân. Nhưng theo như ngôn ngữ của bài thơ này, người ta không tìm kiếm niềm vui bằng cách hy sinh mọi hoạt động khác mà tìm kiếm niềm vui chỉ là một phản ứng trước sự hạn hẹp của khoảng thời gian con người có. Nhà thơ tuyên bố rằng con người phải “Tế suy vật lý tu hành lạc”. Trong dòng cuối, “Nghề chơi cũng lắm công phu”, ông ngụ ý rằng mọi họat động trong cuộc đời đều là để chuẩn bị cho con người trải nghiệm và theo đuổi niềm vui. “Nghề chơi” vừa có thể có nghĩa là "chơi trò chơi" chính trị-xã hội vừa có thể có nghĩa là "chơi trò chơi" mạt trược hay làm thơ hoặc chơi nhạc.
Nhà thơ dường như không ngừng hướng sự chú ý của người đọc tới nghệ thuật sống, bất chấp khoảnh khắc tồn tại ngắn ngủi - khoảnh khắc đối mặt với sự phù du hay tính hữu hạn của chính mình - và tới nỗ lực sống cuộc sống một cách điêu luyện.
[7] Bên trong con người là khả năng mở rộng các giới hạn hoặc vượt ra khỏi những giới hạn bằng cách tu dưỡng nhân cách. Nếu muốn vượt qua những niềm tin ban đầu về cuộc đời và khả năng của mình, con người cần có lòng dũng cảm, kèm theo đó là ứng xử khéo léo và tinh thần nhập thế hoàn toàn ở nhiều mức độ của bất kỳ một trải nghiệm nào.
Buổi thời huân mấy khúc cầm ca,
Với trời đất cũng sinh sinh trưởng trưởng.
Hé mành ngọn nam phong thoang thoảng,
Người Hy Hoàng dáng cũng dường này.
Thú sao dễ mấy ai hay.
(“Vịnh mùa hạ”)
Nhà thơ đón nhận bình minh tuyệt vời của mùa xuân, sự tái sinh (“sinh sinh trưởng trưởng”) mà ông nhìn thấy quanh mình và lấy làm buồn vì “dễ mấy ai hay” những dấu hiệu của sự sống, luôn luôn biểu hiện niềm vui của tồn tại. Bất chấp sự phù du của kiếp người và sự tồn tại hiển nhiên là không bao giờ thôi tái sinh, nhà thơ khuyên “Càng yêu thích cuộc sống, anh ta càng đạt được nhiều điều”. Ông khuyến khích người đọc nhận ra sự hữu hạn của mình và tầm quan trọng của việc kiếm tìm trải nghiệm khi tham gia hay hoạt động truy cầu cái đẹp.
Nguyễn không khuyên người đọc kiếm tìm những khoái lạc về thể xác và sự đầy đủ vật chất cho giá trị thực chất của mình, mà cho những giá trị của mình trong quá trình làm người. Một người chìm đắm trong tửu sắc sẽ làm biến dạng và rút ngắn đời mình. Mục đích của Nguyễn là mở rộng tầm nhìn của con người và khuyến khích mở rộng hệ qui chiếu về cách nhìn cuộc đời và cách sống. Cho dù nhà thơ thúc giục người đọc buông mình trong thú ăn chơi, song niềm vui mà ông nói đến và khuyến khích ở đây lại không thể đạt được bằng việc thỏa mãn những ham muốn của thể xác mà được trải nghiệm trong những khoảnh khắc đẹp hoặc phút thần hứng từ những thú chơi.
Nguyễn nhận ra tầm quan trọng của việc chú ý đến mọi khía cạnh của đời sống và khuyến khích nuôi dưỡng niềm vui bằng sự phóng tác sáng tạo bởi cuộc sống chính là một nghệ thuật. Ông nhắc nhở chúng ta về tính phù du và những khiếm khuyết của mình đồng thời hiểu rằng chúng ta có khả năng vượt qua những giới hạn của mình. Ta buộc phải tìm kiếm niềm vui bởi cuộc đời này quá ngắn ngủi và có rất, rất nhiều điều gây sao nhãng có thể cướp mất cơ hội được hạnh phúc của ta. Tuy vậy, niềm vui không phải là mục tiêu cần đạt được mà chính là cảm giác vui hay cảm giác thuộc về một cái gì đó, cảm giác ấy là do mối liên hệ và ứng xử thẩm mỹ của con người ta đối với khoảnh khắc được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn nhất của nó ta đem lại. Nguyễn ủng hộ việc phản ứng trước sự phù du của đời người, không phải bằng sự thờ ơ và bất chấp, mà từ một góc độ thẩm mỹ có được nhờ sự quan tâm, chú ý, cởi mở và vui vẻ.
Những thành tố thẩm mỹ của thơ ca
Trong thơ Nguyễn Công Trứ, sự diễn đạt mang tính thẩm mỹ là đỉnh cao của quá trình tu thân hay làm người. Làm người có nghĩa là được trau dồi và hoàn thiện, là tìm kiếm niềm vui trong dòng chảy của Đạo. Khía cạnh chính yếu nhất của Nho giáo và Đạo gia là quan điểm cho rằng làm người hay thành người là một thành tựu mang tính thẩm mỹ. Thơ ca giúp tạo ra những phản ứng thẩm mỹ trước những xung đột của đời sống bằng cách hướng tiêu điểm chú ý của người đọc tới cách nhìn khoáng đạt và toàn diện hơn về cuộc đời nhờ lôi kéo sự chú ý đó đến những mặt tích cực, liên thông, và sáng tạo của tồn tại.
Roger Ames lập luận rằng người ta không thể hiểu bản thân khái niệm Đạo khi đặt nó nằm ngoài yếu tố soi sáng các mối quan hệ và hoạt động thẩm mỹ.
[8] Cần phải phân biệt trật tự logic với trật tự thẩm mỹ bởi người Trung Quốc coi cuộc sống là nghệ thuật. Ames chỉ ra những khác biệt chính giữa hai trật tự này là cái cảm giác cho rằng trật tự logic nhấn mạnh "tính ưu việt của trừu tượng trong cấu trúc logic" trong khi trật tự thẩm mỹ nhấn mạnh "tính ưu việt của sự cụ thể trong tổ hợp thẩm mỹ.[9] Tổ hợp thẩm mỹ này đề cập đến một "mô hình quan hệ phức tạp" hoặc mối tương liên được tổ chức một cách hài hòa và cân xứng. Con người là thành viên của nhân quần thông qua tương tác và hòa hợp với những người khác. Con người học bằng cách quan sát những chuyển động và hình mẫu của tự nhiên, bốn mùa, sông núi, như Nguyễn miêu tả trong bài “Vịnh mùa thu”:
“Lãnh vũ như ty trùng chức dạ,
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không,
Phút đâu một trận hảo phong,
Trên cung Quảng xa đưa hương quế
Giời biếc biếc, nước xanh xanh một vẻ,
Khen hóa công khéo vẽ nên đồ.
Một năm được mấy thu.
Nguyễn đã vẽ một bức tranh gợi lên mọi cảm giác chứ không chỉ tả cảnh, chỉ có cảm xúc. Bài thơ giúp người đọc tái tạo, hồi sinh và chia sẻ một trải nghiệm thẩm mỹ với nhà thơ và với những người đọc khác. Cảm giác tất yếu khi giao thoa cảm xúc giúp người đọc nhận ra chuyển động hài hòa hay mô hình của cuộc sống đồng thời giúp xóa bỏ xung đột qua ý thức. Khi nhà thơ và người đọc cùng chia sẻ một ý thức về tính ngắn ngủi của bất cứ mùa thu nào, họ sẽ mở rộng cách nhìn để thâu chứa trong đó mọi mùa thu chứ không phải chỉ mùa thu hiện tại. Bằng cách đó, thoát ra khỏi những đòi hỏi và vật lộn tranh đấu trong khoảnh khắc này (xung đột) đế tới một nơi gần như phi thời gian, chỉ có nhận thức và hiểu biết. Và, điều này không chỉ xảy ra một lần, mà bởi người ta có thể đọc đi đọc lại thơ ca, nên quá trình này có thể lặp đi lặp lại mãi mãi.
Đồng thời, người ta cũng trải qua cảm giác về liên kết, cá tính của lữ khách có thể được bộ lộ và những khía cạnh bản chất nhất trong cá tính của anh ta có thể được mô tả trên các mặt mức độ mãnh liệt, động lực, và mức độ phong phú của trải nghiệm
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay,
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
(“Cầm, kỳ, thi, tửu III)
Thơ ca có thể chuyển khoảnh khắc nhận thức trữ tình (“Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay”) thành khoảnh khắc của phát triển văn hóa và đạo đức cá nhân. Sống, theo một nghĩa nào đó, giống như chơi nhạc. Người nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động thẩm mỹ và sáng tạo tất yếu sẽ tìm thấy niềm vui trong sự hài hòa (hòa).
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các, co người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay?
(“Cầm, kỳ, thi, tửu” II)
Làm một tay chơi hay nói cách khác làm một người toàn diện đòi hỏi phải có kỹ năng. Tu thân là một hoạt động thẩm mỹ và đòi hỏi phải có kỹ năng cũng như sự tương tác. Tu thân là nỗ lực vượt qua các giới hạn và sự hữu hạn của đời người bằng cách rèn giũa các giá trị của bản thân thông qua phương thức cụ thể. Theo đuổi sự phát triển đạo đức cá nhân cũng có nội hàm vũ trụ bởi lẽ trong quá trình phát triển con người Đạo của Trời cũng được biểu thị. Con người tham gia vào sự sáng tạo quá trình hài hòa của vũ trụ. Anh ta không chỉ là một nghệ sĩ đơn lẻ mà còn tham gia vào dàn giao hưởng của Trời Đất, vừa sáng tạo vừa được sáng tạo ra bởi âm nhạc đang cất lên.
Do đó, cuộc sống là nghệ thuật, và người ta cần tiếp cận với cuộc sống như một nghệ sỹ hay nhạc sĩ. Để hiểu rõ hơn bản chất âm nhạc của quá trình này, những kiến thức về sáng tác âm nhạc sẽ rất hữu ích. Ngô Thế Lân, một cư sĩ thời Hậu Lê (1770) trong lời tựa cho chương Hai cuốn Phong Trúc Tập, viết: "gió không phải là vật chất mà là khí, tre là vật chất nhưng không có tâm, bởi thế tre thu lấy gió và tạo ra âm thanh".
[10] Vậy khi gió (khí) đến, tre sẽ phát ra âm thanh, gió đi, âm thanh của tre cũng ngừng. Gió càng mạnh âm thanh càng lớn, gió càng yếu âm thanh càng nhỏ. Đó là bởi âm nhạc được tạo ra từ gió chứ không phải từ tre. Bởi thế, chính cái khí của con người mới là thứ cho phép anh ta tạo ra âm nhạc hay bất cứ cách thể hiện thẩm mỹ nào biểu thị cái văn hay mô hình Trời Đất.
Nguyễn Mỹ Cô, trong phần lời tựa cho cuốn sách một người bạn, đã dùng âm nhạc hoặc thơ ca để diễn tả bản chất thống nhất và mang tính thẩm mỹ của quá trình tu thân và sự hài hòa của năng lực nhận thức trên các mặt đánh giá và cảm nhận. Ông nói "âm thanh của vạn vật rấ phong phú."
[11] Như ông đã chỉ ra, có bởi phồn thanh mà ra, có thứ bởi nguyên thanh mà ra. Nguyên thanh là tiếng trời, phồn thanh là tiếng người. Tiếng người có tà chính, tiếng trời không có tà chính. Tìm kiếm đúng được các thiên thanh trong nhân thanh, có nghĩa là hấp thuận kiểu dịch: hấp (là hợp mọi tiếng cho mạnh, cho hay) và thuận (là mọi tiếng đều tinh thuần không lẫn) những âm thanh khác nhau mà không đánh mất bản sắc của từng âm. Kiểu có nghĩa là âm tiết phân minh; dịch nghĩa là các tiếng liên tiếp nhau. Thế nên, trong âm nhạc Viêt
Sụ tương tác giữa giai điệu và sự hài hòa là một cách để diễn tả mô hình nội tại của Trời Đất được thể hiện trong mô hình âm nhạc của con người. Thú chơi, cũng như âm nhạc, là một hoạt động thẩm mỹ, và, để tham gia thú chơi, con người phải vượt qua bất kỳ một xu hướng tư lợi và bất cứ cảm giác lưỡng phân nào. Nhằm đạt được trạng thái này, con người cần nỗ lực lắng nghe nhạc của Trời, Nguyễn Mỹ Cô tin rằng bằng cách tham gia và chia sẻ âm nhạc của Trời, hỷ và nộ sẽ gặp gỡ nhau và cảm ứng với thế giới xung quanh để trở thành thơ ca. Khi khí chất đó chính xác là như vậy, thì thơ ca sẽ là nhạc của Trời ở trong người. Cười đến mức đau đớn, vui thú đến đam mê và dâm đãng cũng là nhạc của người. Nhạc của Trời vốn cố hữu trong vạn vật và có nhịp điệu tự nhiên, như tiếng thác đổ, rừng thông reo, chim hót vào mùa xuân, trùng kêu mùa thu, mưa rơi trên lá chuối, gió thổi, tre vờn
[12] Bằng cách mở rộng hệ quy chiếu để thâu chứa cả những mối quan hệ hoặc những môi truờng ngoài môi trường con người, chúng ra có thể đạt được "sự cộng hưởng về tinh thần" và hiểu được nhạc của Trời và có thể bắt chước theo đó mà hoạt động."[13]
Âm nhạc và thơ ca kéo con người ra khỏi tình trạng đắm chìm trong những hoạt động và lo lắng thường nhật và giúp giải tỏa xung đột đời sống bằng cách khiến cho những nhu cầu tưởng chừng như đối lập trở nên cân bằng và hài hòa với nhau. Thơ ca mở ra một chiều kích mới và bộc lộ ý nghĩa tiềm ẩn bằng cách đưa ra những khả năng nhận thức ý nghĩa.
Điểm điểm trong chừng lĩnh sấu,
Phút tin xuân đã hé đầu cành.
Đành hay âm cực dương sinh.
(Vịnh mùa đông)
Nguyễn mời gọi người đọc thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên và nhắc nhở họ rằng hạt giống của mùa xuân (sự tái sinh) nằm trong lòng mùa đông (điểm điểm trong chừng). Vì thế “âm cực dương sinh”, và nhà thơ khuyên người đọc hãy nhìn xuyên thấu qua cái giá trị bề ngoài của mọi dạng thái tồn tại trên đời, Ông không hứa hẹn sẽ đi đến một kết luận dễ đồng tình và hòa hợp nào, cũng không hứa hẹn mọi vấn đề sẽ biến mất, nhưng bằng cách sống với nhận thức thấu triệt hơn nữa, người ta chắc chắn có thể có được một cuộc sống phong phú hơn, nơi sự khởi đầu hay kết thúc không còn mấy quan trọng. Bằng cách đón nhận thay vì lờ đi những xung đột của cuộc đời phù du, âm nhạc của thơ ca mang tới cho người đọc thứ gì đó còn hơn cả sự thống nhất của lời và nhạc. Thơ của Nguyễn trong khi nói về những xung đột hay sự không hòa hợp đã lưu ý người đọc về cái khả năng hòa hợp và trọng tâm rộng mở hơn.
Từ trọng tâm rộng mở hơn này, Nguyễn kêu gọi người đọc hãy mô phỏng sự vận động của tự nhiên và nhịp điệu của vũ trụ. Bằng cách mở rộng trọng tâm, người đọc có thể biến những khoảnh khắc xung đột trữ tình thành khoảnh khắc tu dưỡng nhân cách. Người ta sẽ hiểu những mô hình đó và phản ứng một cách nhạy bén và có tính thẩm mỹ với nó. Người ta sẽ trình diễn và thưởng thức sự hòa hợp và trật tự trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động, ngôn ngữ, sự hòa hợp với thiên nhiên và thưởng thức thẩm mỹ. Hòa ở đây là muốn nói đến những sự đa dạng, vốn chứa đựng nhiều mâu thuẫn, phải có tính tương thích, có trật tự và liên kết hài hòa,. Sự hòa hợp là một mối quan hệ trong đó những yếu tố tách biệt, thường thì vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau khi kết hợp với nhau thành một tổng thể.
Như vậy trong các cách biểu đạt mang tính thẩm mỹ, như rong chơi, sáng tác nhạc, thuận theo tự nhiên và tự do ngao du, nhiều thành tố khác nhau tiềm ẩn đã tập hợp lại thành một thể thống nhất, phản ánh Đạo hay bản chất vũ trụ. Sự thống nhất các mặt đối lập được nhận thấy trong sự cân bằng giữa ngày và đêm, nóng và lạnh, mặt trời và mặt trăng, nam và nữ, tích cực và tiêu cực, âm và dương – một sự thống nhất từ ngàn xưa đã trở thành quan niệm chủ chốt trong thần thoại và tôn giáo thần bí. Tính đồng vận của sự thống nhất này thể hiện năng lượng tự nhiên, có hệ thống, đầy tính sáng tạo của vũ trụ hay khí. Khí nên được hiểu là một năng lượng sáng tạo có khả năng sinh ra sự sống, đồng thời cũng là sức mạnh để điều hòa, bao chứa, và kết hợp các mặt đối lập. Bởi thế, bản chất thẩm mỹ của thơ ca thừa nhận và chất chứa trong từng câu chữ và nhịp điệu của nó những tư tưởng, chủ đề, và ẩn dụ trái ngược nhau và thậm chí là đối lập hẳn, tuy thế con người phải nắm bắt và tìm thấy được sự hòa hợp thống nhất giữa những con đường không đồng thuận để trở thành con người hoàn thiện.
Thú chơi và thú say
ở đầu chương này, cách ứng xử đầy chất thơ đối với sự phù du của đời người đã được giới thiệu như là một phương tiện để định hướng lại một số xung đột trong của cuộc đời và mở ra một cách nhìn đời mới mẻ và sáng tạo. ủng hộ cách Nguyễn tiếp cận với vấn đề làm người, Lê Quý Đôn phát biểu rằng quá trình làm người là một hoạt động mang tính thẩm mỹ và người ta phải có tài năng và tâm huyết với nó[14]. Và như câu thơ tôi đã trích dẫn ở phần trên trong bài “Cán cân tạo hóa”, thì “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Nguyễn dùng thơ để phác họa nên thú ăn chơi và sự vui vẻ và tìm ra trong Thơ ca khả năng vô hiệu xung đột thông qua chính thú chơi với ngôn từ, nhịp điệu, và sự hợp vần của nó, cũng như miêu tả thú chơi của nó.
Thơ của Nguyễn dùng ngôn ngữ miêu tả trạng thái say sưa hay ngây ngất do uống rượu, cái trạng thái bị xui khiến có chủ định khi say, như là một ẩn dụ cho thú chơi. Nhà thơ khuyên rằng bằng cách vượt ra khỏi giới hạn thông thường của mình, cá tính của mình, thoát khỏi mối bận tâm với những tạp nhạp của cuộc sống, người ta có thể giảm đi phần nào hoặc vượt qua những xung đột của cuộc đời, và có thể hình thành một quan điểm về thú chơi. Có nhiều cách để thơ ca giới thiệu với người đọc những cách nhìn những sự việc đời thường và những hoạt động thú vị và sáng rõ, tạo điều kiện cho những suy nghĩ sâu sắc vốn không thể đạt được trong những khuôn khổ khác. Thơ ca tạo ra một không gian cho sự biểu hiện và trình bày mới lạ như vậy bằng cách đem đến những cách nhìn mới mẻ đối với các qui tắc cố định, những khuôn mẫu cứng nhắc, và sự câu nệ về hình thức chi phối cuộc sống.
Với Nguyễn, làm là chơi mà chơi cũng là làm, và ngôn ngữ của trò chơi thường xuyên được sở dụng trong thơ ông, hầu hết đều có hàm chứa đặc điểm nào đó của trò chơi và thú chơi. Trong bài “Quân tử cố cùng”, làm và chơi nhập vào làm một không thể phân biệt. Nguyễn nói,
“Tang bồng là cái nợ,
Làm tài trai chi sợ áng công danh,
và cuối bài thơ ông kết thúc bằng câu, “Chơi cho phỉ chí tang bồng”. Trong một trò chơi, người ta được phép mang lấy những cá tính hay vai trò khác nhau và thay đổi vai trò bất cứ khi nào thích hợp. Thú chơi, hay chơi trò chơi, cũng dành chỗ cho tiếng cười và nhảy múa, và gợi lên niềm vui. Chơi tạo dựng nền tảng cho khoái cảm thẩm mỹ. Thơ Nguyễn thường đưa cái cảm giác rằng người ta đang chơi một trò chơi và đồng thời cũng đang bông đùa. Bản chất bông đùa của thơ ông thể hiện rõ nhất trong những bài tửu thi. Những bài thơ này giúp độc giả hoặc người lữ khách hình dung ra một nhìn đời mẻ giúp đem lại một quan điểm hay sự trải nghiệm thẩm mỹ, giúp người ta tạm thời rời xa xung đột và căng thẳng của cuộc đời. Thú chơi lôi kéo và quyến rũ người đọc vào thế giới tưởng tượng của nhà thơ.
Thơ Nguyễn dành chỗ, minh họa, và khuyến khích sự linh hoạt, tiếng cười, và sự sáng tạo. Nó chỉ ra một nỗ lực để từ bỏ thói quen xem cuộc đời là bất biến, cứng nhắc, và chật hẹp. Thơ Nguyễn thường xuyên nhắc đến việc uống rượu và say sưa:
Nhân trung thụy, giác tam can nhật,
Vắt chân ngồi với bạn khách cầm ca.
Cuộc tỉnh say bàn rượu chén trà,
Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống.
(Thú thanh nhàn)
Thư giãn, tận hưởng khoảnh khắc, sang tác nhạc, (thùng thùng đôi tiếng trống) đều được mô tả như những hình thức chơi đem lại cảm nhận hay tâm trạng tích cực (khi đắc ý). Trong bài “Cầm, kỳ, thi, tửu”, Nguyễn viết, “Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà”. Mặc dù nếu chỉ đọc lướt qua, những lời này có thể bị xem là khuyến khích việc uống rượu và say sưa, Nguyễn sử dụng cái say hay việc uống rượu để ngầm thể hiện một thái độ hay một cách tiếp cận cuộc đời. ẩn dụ say mở ra thêm một con đường cho sự tự biểu hiện, và một cách vừa quan sát vừa sống cuộc đời này đầy đủ nhất.
Thơ Nguyễn về rượu và say giúp chuyển biến cách nhìn đời của người đọc thông qua việc thêm màu sắc và bối cảnh cho một thế giới cố định, đen và trắng khác. Tưởng tượng ra những hình ảnh say rượu giúp người đọc - ít nhất là trong một khoảnh khắc nào đó – vượt qua được những giới hạn của sự phù du hay cảm giác về sự vô nghĩa và sự nghiêm túc hoặc việc để ý đến những gì tủn mủn. Nguyễn thú nhận:
Hôm qua thường tới, tới chơi đây.
Đánh vật long thần mấy cẳng tay;
Khi tỉnh thời nào ai có dám,
Say!
(“Say rượu đánh long thần”)
Say rượu cho phép nhà thơ dám đánh vật với “long thần”, một lực lượng ông sẽ không bao giờ dám mạo phạm khi tỉnh; cái thiêng và cái tục không còn có có thể phân biệt. Trong khi say hay đang mê mải, óc suy xét và trạng thái cảm xúc bị thay đổi. Và say rượu có thể biện hộ cho hành vi bốc đồng và không chuẩn mực. Nguyễn không khuyên người đọc quá ham mê rượu hay lấy việc uống rượu làm đầu. Trái lại, ông sử dụng ẩn dụ về say rượu và về khả năng của nó trong việc tạo ra sự thay đổi trạng thái để mở ra một cách mới trải nghiệm cuộc đời.
Với ẩn dụ này, Nguyến muốn bóng gió về việc người ta có thể trải nghiệm cuộc đời trong một cách thức hoàn toàn khác và tận hưởng niềm vui và khả năng đảm nhiệm những nhiệm vụ dường như bất khả, khi người ta thoát khỏi những tạp nhạp của cuộc đời phàm tục. Trong trạng thái say, người ta không còn có thể chú ý tới qui tắc. Trải nghiệm của nhà thơ đem đến cho người đọc một cơ hội để nhìn nhận cuộc đời mà không có sự chi phối của nhận thức đúng đắn và sự cứng nhắc – nhìn cuộc đời từ góc độ vui sướng và thưởng thức, ngay cả khi cuộc say đang ở trong vô số mâu thuẫn và thất vọng. Nguyễn, thông qua ẩn dụ say, nhắc nhở chúng ta hãy cho phép mình nhập thế hoàn toàn, đối diện với thử thách, không ngần ngại để chúng ta có thể thoát cũi sổ lồng khỏi sự cứng nhắc của lễ nghi.
Trong trạng thái say, người ta có thể hành xử mà không bị cản trở, tự do, chỉ quan tâm đến mình. Hành vi, lời nói, cử chỉ, và biểu hiện của người ta không còn bị cấm đoán[15]. Việc uống rượu hay say sưa được các nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến dử dụng để thể hiện cảm giác tự do và thoát khỏi những mối bận tâm và những tạp nhạp của cuộc đời. Cảm nhận về sự đúng đắn và khả năng suy xét không còn mấy chính xác khi say. Ngay cả cử chỉ và nói năng cũng bị ảnh hưởng bởi rượu. Trong trạng thái bị rượu chi phối, người ta không còn chú ý hay quan tâm gì đến sự đúng đắn nữa. Trong trạng thái say, người ta có thể hát, nhảy múa, cười, nói, đi lại hay khóc trong một hành xử không bị kiềm chế. Con người trong cuộc đời thường lo lắng bận tâm tới thanh danh nhưng người say thì không bận tâm và không bị quấy nhiều bởi những mối âu lo của thế tục. Nguyễn nói, “Trót đà khuya sớm với ma men/Mặc mặc người chê mặc kẻ khen” (“Uống rượu tự vịnh”). Nguyễn sử dụng trạng thái say như ẩn dụ để bước ra khỏi ranh giới của thói thường và sự thành đạt trong cuộc đời cũng như hoạn lộ. Nguyễn còn thể hiện cụ thể hơn niềm tin của mình rằng để trở thành một con người hoàn thiện, người ta phải thoát ra khỏi những đòi hỏi của cuộc đời:
Nghĩ đến gần xa khéo gớm thay!
Sự đời tráo trở giống bàn tay.
Hãy xem gương trước to tày liếp,
Mà biết lòng người mỏng tựa mây.
Những tiếng bấc chì nghe đã chán,
Mấy điều cạnh khóe nói them gay.
Ăn ở hãy tưởng về sau với,
Trời hãy còn cao, đất hãy dày!
(Vịnh sự đời)
“Lòng người mỏng tựa mây” và dễ bị tàn phá trong cuộc đấu tranh vì danh lợi. Nhà thơ khuyên hãy luôn tâm niệm điều này và lánh xa thế tục. Một cách để lánh xa thế tục là học theo người say. Làm như vậy tức là nhà thơ hay người đọc đang hòa mình vào sự trải nghiệm hay niềm vui vì được uống no say những nếm trải cuộc đời; vì thế, say rượu phải được hiểu một cách đầy ẩn ý. Cảm xúc oán giận và tỉnh mộng của nhân vật trữ tình được xoa dịu và cả người đọc lẫn nhân vật trữ tình đều được định hướng để chú ý tới việc tu thân hay tới cuộc sống.
Coi say rượu như một trạng thái tu dưỡng đạo đức có thể xem như một nghĩa suy rộng, vì khó có thể hiểu say rượu như là trạng thái tối ưu của sự say sưa và vẫn còn nằm trong ranh giới của chuẩn mực mà không thất thố. Lưu đề xuất rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu xem say rượu như là “được đưa ra khỏi những mối lo lắng thông thường của con người về mặt tinh thần”. Cách hiểu này có vẻ giải thích chính xác hơn việc Nguyễn dùng rượu và trạng thái say để biểu hiện thái độ không bận tâm, vô tư lự, và trạng thái tinh thần thoát ly khỏi những âu lo hay những mối quan tâm trần tục. Lưu dịch trạng thái say là “ngây ngất bởi rượu”. Trong trạng thái vui sướng và ngây ngất, linh hồn không bị hủy hoại và vẫn nguyên vẹn tinh khôi.
Ngây ngất bởi uống rượu có thể xem như một trạng thái bị do cơn say mang lại, được dùng để thể hiện khả năng không bận tâm đến mọi chuyện. Trong tiếng Việt, từ thỏa chí có nghĩa là “thỏa mãn những khao khát của mình”. Với Nguyễn, người ta nên khao khát được trải qua niềm vui của Đạo, chứ không phải của danh và lợi. Nguyễn cổ súy cho cách có được niềm vui nhờ uống no say rượu của đời, như một cách thể hiện và nếm trải hoạt động vui vẻ hân hoan hoặc bị say bởi uống rượu của Trời. Trong trạng thái đó, cảm xúc và hành động một người được thoải mái và tự nhiên đến mức những xung đột của cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Như Nguyễn nói, “Cuộc tỉnh say bàn rượu chén trà, Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống”. Ông còn viết thêm:
Này tiếng đàn tinh tính tỉnh tình tinh,
Thú vui thú, ném ngang vành tráng sĩ
Cõi nhân sinh thích chí,
Lúc thái bình hà nhật bất xuân phong.
Trăm năm đài các lạ đời.
Trong một bài thơ khác, nhân vật trữ tình giải thích cụ thể hơn trạng thái say của mình, “Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc/Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười” (“Hành tàng”). Anh ta không bị cuốn vào bất kỳ một hoạt động thế tục nào, và không bị chi phối bởi mọi thứ trong cuộc đời trong khoảnh khắc hiện tồn của mình. Anh ta tìm thấy niềm vui trong việc uống rượu và thưởng thức thơ ca. “Vỗ bụng cười khà” mô tả người nào đó trong một trạng thái hoàn toàn tự do và hạnh phúc. Say sưa mang đến sự vui đùa và tự nhiên. Tiếng cười thể hiện sự thỏa mãn trong những hoạt động thẩm mỹ và cũng có thể được hiểu là nhân vật trữ tình đang “cười” vào mặt những kẻ “tự cho mình là khôn ngoan” và những kẻ để mình mắc vào con đường tìm kiếm danh lợi trong nhân gian.
Tiếng cười nói lên nhận thức của người ta về bản thân cũng như về người khác. Người ta cười bởi vì người ta “thức tỉnh” khỏi giấc mộng, và cũng cười bởi vì “mộng” và “thức”, “tỉnh và “say” đã lẫn lộn với nhau, nên không cần phải sáng suốt để mà làm gì. Trong vở tuồng (một loại kịch cổ) có tên “Tửu hội”, Nguyễn viết, “Anh đây thực mượn rượu để xem kẻ say, người tỉnh/Dường cô cùng mượn rượu để xem kẻ trí, người ngây.”
[16] Say rượu và tiếng cười là hai biểu hiện của tự do và niềm vui tuyệt đích. Tiếng cười tự nó đã có ý nghĩa rõ ràng. Danh và lợi chỉ như giấc mộng, và không có lý do gì khiến nhân vật trữ tình phải bận tâm về hệ quả của giấc mơ. Như Nguyễn nói:
“Trót đà khuy sớm với ma men
Mặc mặc người chê mặc kẻ khen
Ngó lại hàng rào hương cúc trộn
Say rượu cũng được Trang Tử dùng để miêu tả nghệ thuật làm chủ cuộc đời và là một bí quyết đạt tới cuộc sống hài hòa và vui vẻ. Say rượu giúp người ta không còn bận tâm đến chuyện người đời đánh giá thế nào về công danh, cũng như phân biệt xấu tốt, giàu nghèo. Với Trang Tử, khi say người ta thường buông thả mình và không còn kiểm soát được mọi thứ xung quanh cũng như cử chỉ hành vi của chính mình. Như ông đã nhấn mạnh rằng,
Khi một người say ngã xe, dù chiếc xe đang chạy rất nhanh, anh ta cũng sẽ không chết. Anh ta cũng là người bằng xương bằng thịt như ai, nhưng anh ta sẽ không bị thương như những người khác, vì tinh thần anh ta là một tổng thể toàn vẹn. Anh ta không biết mình đang đi xe, và anh ta không biết mình đã rơi xuống. Sự sống và cái chết, sợ hãi và kinh hoàng không xuyên vào tim anh ta được, vì thế nên anh ta có thể va đập vào mọi thứ mà không sợ bị thương. Nếu anh ta có thể giữ mình toàn vẹn như vậy nhờ rượu, thì anh ta còn có thể giữ mình toàn vẹn đến mức nào bằng nhờ Trời! Bậc thánh nhân ẩn ở Trời – vì thế không có gì có thể gây hại.
Rõ ràng là người say có thể tự giải thoát khỏi chính mình nhờ uống rượu mà nhờ đó anh ta bảo vệ được cuộc sống của mình. Người say được xem là không có đầu óc suy xét và hành vi đúng đắn. Anh ta gặp khó khăn khi thực hiện các cử chỉ hành động của mình và không kiểm soát nổi chúng. Nhưng người ta cho rằng chính là vì không có những khả năng đó anh ta đã bảo vệ được cuộc sống của mình. Anh ta say sưa đến mức mọi thứ đều chẳng còn quan trọng đối với anh ta. Anh ta không bận tâm tới tổn thương hay sức khỏe, tỉnh hay say, đúng hay sai. Những cử chỉ, hành động, lời nói của anh ta không bị câu thúc hay cấm đoán. Nghệ thuật làm chủ cuộc sống đạt được không không phải là do nỗ lực hay bằng những can thiệp phi tự nhiên mà bằng cách tự đưa mình ra khỏi những câu thúc của cuộc sống và sự suy xét của lý trí. Trạng thái do say rượu đem lại cũng xóa nhòa đi những định kiến và sự khác biệt do con người bày đặt ra. Người say thoát khỏi mọi âu lo của cuộc đời bởi lẽ trong trạng thái này, họ biến mất. Danh lợi trong thế tục trở nên vô dụng và không quan trọng trong một khoảnh khắc bởi vì người say đã chìm đắm vào cơn say ngây ngất.
Nhân vật trữ tình say rượu của Nguyễn đắm chìm trong rượu (rượu tiên) đến nỗi không còn nhận thức được về cá nhân, về cảm giác sự tách biệt và có thể nếm trải cuộc đời từ một trạng thái khác biệt, đã thay đổi[18]. Anh ta tách mình ra khỏi những bận tâm thường nhật về những lo toan trong cuộc sống tới mức anh ta cảm thấy mình hầu như là bất tử; bởi vì anh ta không hề bận tâm đến bản thân, công danh, lợi lộc và tên tuổi.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trần tiên vẫn là ta,
(“Cầm kỳ thi tửu”)
Với nhà thơ, không gì có thể so sánh với niềm vui được thoát khỏi mối bận tâm đến những lo toan trong cuộc sống và sự theo đuổi vinh hoa phú quí. Trong khoảnh khắc say sưa đặc biệt đó, cá tính của người ta vượt xa hiểu biết hàng ngày có hạn của bản thân, vươn tới hoàn thiện sự sống toàn vẹn. Trong trạng thái như vậy, ngay tức thì, anh ta có được cảm giác vui. Người ta cho rằng bậc thần tiên mới được hưởng một niềm vui kiểu như vậy, và nhân vật trữ tính miêu tả họ sử dụng thời gian của mình vào những hoạt động thưởng nhàn như uống rượu, ngâm thơ, chơi cờ, và đánh đàn. Nguyễn hiểu rằng cuộc đời con người là hữu hạn và ngắn ngủi. Thay vì cố gắng kéo dài cuộc đời mình, người ta có thể nếm trải niềm vui của bậc thần tiên ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
Bị say, với Nguyễn, cũng là một cách thoát khỏi cuộc đời trần tục về mặt tinh thần và tình cảm, một cách để suy nghĩ thấu đáo hơn về các hoạt động chính trị-xã hội. Nguyễn, thông qua nhân vật trữ tình người say của mình, giễu cợt các quan chức triều đình tự cho mình là tỉnh táo, bởi họ không nhận ra rằng họ đang bị mắc kẹt trong những toan tính về công danh lợi lộc hơn là tận hưởng khoảnh khắc hiện tại trong những hoạt động thẩm mỹ. Một người say không bận tâm gì đến chuyện người khác nghĩ về mình ra sao. Cảm giác của anh ta về bản ngã vượt qua cá tính của anh ta để hoàn thiện cái toàn thể xuất hiện trước anh ta vào khoảnh khắc đặc thù đó.
Nguyễn cũng xem việc uống rượu như là phương tiện phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân. Ông nhận xét:
Vào vòng cương tỏa, chân cao thấp
Tới cuộc trần ai áo chẳng ven;
Chứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên.
(“Uống rượu tự vịnh”)
Vậy người quân tử nhận ra những cạm bẫy khi bước vào “vòng cương tỏa”, vì chỉ có thần tiên mới có thể bước vào và sống trong đó mà không bị mắc kẹt. Để cân bằng nhu cầu thỉnh thoảng bước vào thế giới đó, Nguyễn tán thành thái độ khi say rượu.
Uống rượu cũng là một hành động mang tính cộng đồng, và hành động mang tính cộng đồng này là nhằm để cạnh tranh và sánh ngang hàng với các thánh nhân xưa. Với Nguyễn, các mệnh quan của triều đình đều bị những lo âu của cuộc đời làm cho mờ mắt, và hậu quả là, họ có nguy cơ đánh mất mình và không còn khả năng bảo vệ mình trước sự ô trọc của cuộc đời. Họ bị mắc kẹt trong vòng danh lợi và cuộc sống của họ không có niềm vui. Cách sống của họ đầy toan tính, khô khan, cằn cỗi, và không thoải mái. Để những người phàm tục thoát khỏi những nguy cơ dấn sâu vào đại hạt chính trị-xã hội, Nguyễn khuyên người ta nên nuôi dưỡng những trải nghiệm dẫn đến niềm vui, sự thanh thản, và hạnh phúc. Những hoạt động thưởng nhàn điều độ góp phần làm tăng sự nhạy cảm và thấu hiểu đạo lý của con người. Hợp nhất với Đạo là trở nên vui sướng và nhận thấy bản thân mình chìm đắm hoàn toàn trong khi cảm nhận khí hay năng lượng sống. Nguyễn hỏi, “Mặc xa mã thị thành không dám biết, Thú yên hà trời đất để riêng ta, Nào ai, ai biết chăng là?” (Thoát vòng danh lợi). Niềm vui làm thay đổi người đọc và đem đến cho anh ta hiểu biết về cuộc sống và về việc làm người.
Với cái nhìn mới mẻ, người đọc càng có thể tham gia vào quá trình sáng tạo của Trời và Đất hơn. “Sạch không trần lụy ấy là thần tiên, Ngang tàng lạc ngã tính thiên (“Thích chí ngao du”). Chỉ có thần tiên là có thể sống trong cuộc đời mà không bị vướng víu hay “vấy bẩn” bởi nó. Chỉ có những người phàm tục mới phải đấu tranh với “trần lụy”, và tìm cách duy trì liên hệ với “tính Thiên” của mình. Ngôn ngữ của sự bông đùa (không câu nệ), ngao du tự do trong Đạo, và “bơi” trong sự vui vẻ trên dòng sông cuộc đời là những ẩn dụ của sự nhạp vào với Đạo và, ít nhất là tạm thời, nếm trải những gì các bậc thần tiên được nếm trải. Trong quá trình nhập vào với Đạo, người đọc đồng nhất với thế giới rộng lớn hơn hay dòng nước chung. Hành động đi bơi và tắm trong dòng sông cuộc đời hiện thân cho Đạo và nguồn vui của nó ngay giữa cuộc đời
[19].
Victor Mair, trong “Trang Tử và Erasmus”, mô tả sự say rượu như là “một bối cảnh bông đùa được cố ý tạo ra”[20]. Mair chỉ ra rằng Trang Tử chủ trương một cảm xúc lên tục và chân thật đối với trò chơi. Với Trang Tử, “con đường dẫn tới sự yên ổn về chính trị xuất phát từ chỗ nuôi dưỡng những khuynh hướng sáng suốt tự nhiên trong mỗi con người.”[21] Cái đó có mối tương liên với vô vi và một thái độ linh hoạt hơn đối với cuộc đời sao cho hành động của con người ta thật tự nhiên mà không cần phải đắn đo suy tính. Nguyễn nói,
Ngâm cùng giăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang sơn mấy chuyện đời.
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi,
Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu.
Khi đắc chí, ngai du, ờ cũng phải.
(“Thích chí ngao du”)
Thái độ linh hoạt này phù hợp với quan điểm của Nguyễn cho rằng đời người chỉ giống như một trò chơi, và người ta nên đặt mục tiêu cho mình là làm sao phải được “chơi vui vẻ” và chơi thật giỏi.
Chính trong việc chơi vui vẻ và chơi giỏi đó, người ta trải nghiệm niềm vui lớn lao và tiến gần hơn đến chỗ trở thành con người hoàn thiện, điều cốt lõi trong mục tiêu của cuộc đời con người. Nguyễn xếp nhàn và chơi là hai mục tiêu lớn lao nhất của cuộc đời con người, bởi lẽ thông qua việc chơi giỏi, người ta sẽ đạt được niềm vui. Giống như Trang Tử, Nguyễn sử dụng các từ như thích chí; chơi, thỏa chí; hành lạc; và lạc, cũng như thú thần tiên. Vì thế nên nếu người ta chơi giỏi, người ta sẽ cảm nhận được niềm vui và tiến lại gần đến chỗ trở thành một con người hoàn thiện. Mair chỉ ra điều này trong quan điểm của Đạo gia và Nho giáo là hết sức chính xác, việc sử dụng hay biểu hiện niềm vui và sự thích thú không nên được hiểu là khuyến khích người ta ham mê khoái lạc hay “thú vui đơn thuần”. Cuộc sống vui vẻ mà các thánh nhân xưa kia chủ trương là một trong những ý nghĩa siêu hình.[22]
Nguyễn dùng niềm vui và các hoạt động thưởng nhàn để thể hiện tinh thần ham vui ông khuyên người ta nên có trong cuộc đời. Ông viết, “để sống một cuộc sống vui vẻ, người ta phải tận hưởng cuộc sống”. Nguyễn và Trang Tử đều hiểu rằng nhu cầu sống một cuộc sống vui vẻ và có một tinh thần sảng khoái là một nhu cầu của con người. Trang Tử cảnh báo rằng việc tìm kiếm danh tiếng, tri thức, và lợi lộc ngăn cản niềm vui của người ta. Nguyễn nói rằng ông đã trải qua cơn ác mộng khi theo đuổi con đường công danh: “Chen chúc lợi danh đà chán ngắt, Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết (“Thoát vòng danh lợi”). Và, trong bài “Hành tàng”, ông viết:
Cái công danh là cái lạ đời,
Đường thản lý cát nhân chi dã vội.
Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu,
Cảnh cùng thông, ai có bận chi đâu,
Mùi tiêu sái, với trần gian dễ mấy.
Có một thái độ vui vẻ trong bài thơ của Nguyễn về cuộc đời. Giọng điệu của bài thơ thật thư thái, không ràng buộc, đầy ngạc nhiên, và thoải mái. Nhân vật trữ tình khuyên người lữ khách nên chậm rãi thôi và vô tư lự. Người ta có thể nghe nhân vật trữ tình nói, “Bạn ơi, chớ vội, cứ chơi đã nào”. Cụm “nhân chi dã vội” rõ ràng hàm ý rằng người ta nên thoải mái và vui vẻ, ít bận tâm đến những mục đích vật chất của cuộc sống như danh tiếng và tài sản thôi. Nhà thơ thể hiện thái độ vui đùa và thiếu nghiêm túc thông qua việc sử dụng cụm từ “giắt lỏng giang sơn” và “rót nghiêng phong nguyệt” bởi những cụm từ đó cho thấy rằng mọi thứ lớn lao đều gắn liền với ông hay ông có thể mặc sức sử dụng. “Giang sơn” tượng trưng cho môi trường chính trị-xã hội còn “phong nguyệt” lại tượng trưng cho môi trường thiên nhiên, và cả hai đều là một phần của trò chơi và cả hai đều luôn luôn có sẵn để dùng. “Giang sơn” và “phong nguyệt” đều là những sân chơi hay món đồ chơi mà người ta có thể chơi. ở đây từ “giắt” và “rót” còn chỉ ra rằng người ta có thể điều khiển được hành động của mình hay chơi trò chơi.
Chơi và thú chơi, với Nguyễn, là những phương tiện trung hòa những mối bận tâm và xung đột đầy mâu thuẫn. Thơ ca có khả năng tạo ra tiếng cười, và tiếng cười thật kỳ diệu khi nó chuyển hướng sự chú ý của người ta ra khỏi mối bận tâm với những xung đột tới việc hoạt động với sự vui vẻ. Thơ ca chuyển xung đột thành những khoảnh khắc sống tích cực và biết thưởng thức cái đẹp. Immanuel Kant quả quyết rằng “trò chơi tự do” đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động thẩm mỹ và trong “sự hài hòa của sức mạnh tinh thần”.
[23] Thơ ca, ít nhất là trong khoảnh khắc, truyền cảm hứng cho người đọc để họ nuôi dưỡng tinh thần vui vẻ. Michaael Crandle trong bài viết: “Đi mà không chạm đất: Trò chơi trong Nội kinh của Trang Tử” đã giới thiệu ba phương diện của thú chơi: hình thức trò chơi, chơi trò chơi, và biểu tượng của trò chơi[24]. Hình thức của trò chơi là “chuyển động qua lại mà tự làm mới mình trong mối tương tác không ngừng”. Những chuyển động giống như nhảy múa đó, những chuyển động tiến - lùi là cốt lõi của cái định nghĩa đúng bản chất nhất về một trò chơi. Thể nghiệm trò chơi là một hoạt động thực sự, cũng như cảm nhận về nó.
Nguyễn phát biểu rằng bày tỏ một thái độ đối với thú chơi cũng tức là ngầm thể hiện một thái độ đối với việc trở nên vô dụng. Ông viết,
Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu khôn từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
(“Cầm, kỳ, thi, tửu”)
Ông lại tiếp tục “Ai say, ai tỉnh, ai thua được/ Ta mặc ta mà ai mặc ai”. Người ta không quan tâm đến được hay thua, thành công hay thất bại. Bằng cách trở nên vô dụng, người ta bảo toàn được chính mình nên người ta có thể chấp nhận mọi khen chê, được mất, và vẫn có thể ứng xử một cách vô tư[25]. Biểu tượng của thú chơi chỉ ra rất nhiều cách hiểu về thú chơi: chơi là thưởng nhàn, là chơi một trò chơi (cũng như trong khi chơi trò chơi chính trị hay chơi cờ), là chơi đùa với ai đó hay thứ gì đó; thú chơi là một ẩn dụ cho thái độ đối với cuộc đời hay là thái độ đối với một hoạt động; nó còn có nghĩa là tự nhiên, tự do, tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm. Nguyễn vận dụng cả ba đặc điểm trên của trò chơi vào thơ mình.
Trong bài thơ Ngất ngưởng, nhân vật trữ tình bị cuốn hút vào thú chơi, bất chấp công việc chốn quan trường, những trách nhiệm, cái nghèo, việc cáo quan, hay ẩn dật, đến mức anh ta đã “đánh mất” mình và không còn cảm giác nào về mình nữa bởi vì anh ta đã hoàn toàn chìm đắm. Nguyễn nói,
“Thi tửu cầm kỳ khách,
Phong vân tuyết nguyệt, thiên.
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí
(“Cầm kỳ thi tửu, III)
Trong trò chơi người ta có cảm giác không cần phải nỗ lực gì cả, giống như một người say hành động hết sức tự nhiên, không hề có cảm giác về sự thận trọng hay lo lắng. Người ta hành động theo cái nhịp điệu của tự nhiên, của âm và dương. Với thái độ này, danh và lợi trở thành một trò chơi. Nguyễn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình trong khi chơi. Thế không có nghĩa là ông rời khỏi hay tránh xa các công việc chính trị, mà là ông có một thái độ vui vẻ sao cho ông có thể vừa bảo vệ mình vừa giải quyết những mâu thuẫn, vì thế mà tránh được đau đớn và khổ sở.
Chơi cũng có nghĩa là có khả năng chuyển từ môi trường này sang môi trường khác. Nguyễn nói về khả năng này thú vị nhất trong bài thơ “Thích chí ngao du”:
Ngâm cùng giăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang sơn mấy chuyện đời.
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi
ở đây nhân vật trữ tình đề cập đến cả lĩnh vực chính trị - xã hội (giang sơn) lẫn lĩnh vực tự nhiên (giăng gió). “Gió” và “trăng” tượng trưng cho vẻ đẹp tự nhiên, trong khi “giang sơn” tượng trưng cho những trách nhiệm đạo đức. Hai môi trường này được miêu tả bằng ngôn ngữ miêu tả tự nhiên, đó chỉ là vấn đề thước đo mà thôi, còn đối với nhân vật trữ tình, chúng là hai phương diện trong thế giới của anh ta. Anh ta ngao du tự do khỏi môi trường này sang môi trường kia và quay trở lại. Chơi ở cả hai môi trường đó theo cách này là một hoàn cảnh đáng mơ ước đối với việc làm người. Với Nguyễn, việc hoàn thành nghĩa vụ đạo đức của mình không gì khác chính là một phần của trò chơi và sự biết thưởng thức cái đẹp tự nhiên cũng là một phần của trò chơi này.
Thú chơi yêu cầu người chơi phải chăm chú vào việc thể nghiệm trò chơi. Trong trạng thái này, sự phân biệt giữa chuẩn mực và không chuẩn mực trở nên không rạch ròi. Nguyễn thổ lộ:
Hôm qua thường tới, tới chơi đây
Đánh vật long thần mấy cẳng tay;
Khi tỉnh thời nào có ai dám,
Say!
(“Say rượu đánh long thần”)
Để chơi yêu cầu người chơi phải gia nhập vào hoạt động đó toàn tâm toàn ý, cũng như dồn hết toàn bộ tâm trí vào đó, giống như người say không nhận thức được rằng thời gian trôi qua, những mối đe dọa tồn tại, lời ngợi có thể có, hay rằng anh ta đang “đánh long thần”
Nguyễn nói đến cuộc đời như một trò chơi trong bài Ngất ngưởng .
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không phật, không tiên, không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
ở đây, sự phân biệt công việc và trò chơi trở nên mơ hồ và hầu như không thể phân biệt nổi. Được và mất, uống rượu và chơi trống có vẻ như có tầm quan trọng như nhau. Một thái độ thoải mái hoặc bông đùa và sự thể nghiệm trò chơi có thể lan tỏa vào trong công việc và khiến cho công việc trở nên thú vị và ít nặng nề hơn. Với tinh thần vui chơi con người ta có thể thưởng thức những quan điểm mới và xem xét một quan điểm đã thay đổi, trong đó con người ta không phải “tiên” nhưng cũng “không vướng tục”. Thú chơi cho phép người ta vượt qua ranh giới giữa hai môi trường đó và cho phép quá trình chuyển hóa xảy ra tùy theo hoàn cảnh.
Nguyễn khuyên người đọc nên nuôi dưỡng tinh thần vui vẻ trong cuộc sống sao cho cuộc sống có thể nhiều màu sắc hơn và thú vị hơn. Trong cùng một ứng xử, thơ ca lại có năng lực kỳ diệu có thể khiến cho người ta hướng tâm trí vào cái phù du và cụ thể, làm cho chính những khoảnh khắc đấu tranh và xung đột của chúng ta nên thơ và đẹp đẽ hơn. Làm như vậy, người ta có thể bảo vệ chính mình giữa cái thế giới xô bồ phức tạp này và có thể giữ mình trong sạch và vui vẻ. Người say không coi trọng mình, như Nguyễn nói, “Cơn chuyếnh choáng xoay vần trời đất lại, Chốc ngâm nga xáo lộn cổ kim đi” (“Nhàn nhân với quí nhân”). Tinh thần vui chơi cho phép người ta có thể thư giãn và thưởng thức những góc nhìn khác. Người ta được phép sáng tạo ra những qui tắc mới hoặc từ bỏ những qui tắc cũ. Những góc nhìn mới đem đến cho người đọc những trải nghiệm và tri thức mới.
Cấu trúc Thơ ca cũng có năng lực kỳ diệu để thu hút sự chú ý của chúng ta tới một nơi không có xung đột và bất hòa khiến chúng ta đau đớn khổ sở, làm chúng ta vui lên, và mời gọi chúng ta tham gia vào trò chơi. Khi miêu tả sự vui vẻ và việc uống chất men say của cuộc sống, nhà thơ cũng muốn nhắc nhở chúng ta chớ khắt khe quá với mình và hãy vô tư trước cuộc đời. Thái độ thích hợp nhất cho một thi sĩ là phải vui chơi; phải có tinh thần vui chơi người ta mới có thể sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Trong khi phác họa việc theo đuổi một cuộc đời vui vẻ, Nguyễn đã đã đem đến cho các nhà Nho thời đại ông một cách sống mới khả dĩ có thể giúp họ bớt chua chát hơn và hướng họ hòa nhập vào sống cuộc sống ngay trước mắt, sống vui vẻ vô tư, vượt qua sự trang trọng kiểu cách của cách sống quá bó buộc theo nghi thức ở triều đình và những lễ nghi cứng nhắc của nó.
Ngôn ngữ của lạc thú hay Thể nghiệm mê ly
Mặc dù rõ ràng là một nhà Nho, Nguyễn không ngần ngại kết hợp ngôn từ và suy ngẫm của Đạo gia để thể hiện quan niệm về cuộc sống vui vẻ và tự nhiên. Đối với tâm hồn, thơ ca thật êm dịu và thú vị, và trong hoạt động thơ ca còn có cả niềm vui. Nguyễn chỉ ra rằng niềm vui đích thực của Đạo có thể được trải nghiệm ngay trong những thú vui trần tục và thơ ca của ông mang lại niềm vui của sự biểu đạt trữ tình. Chúng ta nên bắt đầu bằng cách nhìn vào thơ của ông và việc sử dụng những ẩn dụ của Đạo gia trong thơ ông. Khảo sát những ẩn dụ của Nguyễn có thể không cung cấp cho chúng ta một sự giải thích đủ thuyết phục về tư tưởng của ông, nhưng nó có ý nghĩa trong việc báo hiệu xuất phát điểm và thưởng thức điều mà ông cố gắng thể hiện.
Sự nỗ lực thể hiện niềm vui tuyệt đối bị ngăn trở bởi những giới hạn của ngôn ngữ. Ngôn ngữ không hiệu quả lắm trong việc miêu tả niềm vui thoát khỏi sự câu thúc và niềm vui đắm chìm trong trải nghiệm tinh thần. Nhân vật trữ tình cố gắng đạt đến cảm giác tự do, thoát thế này, và một bản tính khoan dung với đoạn: “Cảnh cùng thông, ai có bận chi đâu, Mùi tiêu sái, với trần gian dễ mấy” (“Hành tàng”). Anh ta nhắc nhở người đọc rằng anh ta muốn phát triển một tinh thần biết nhận thức, thoải mái, ăn chơi, và vui vẻ, ngay kể cả khi những trạng thái này không dễ dàng đạt được. Có thái độ như vậy tức là thừa nhận rằng cuộc sống là phức tạp rắc rối và chỉ bằng cách có một thái độ vui vẻ người ta mới có thể giữ cho tâm trí mình không vướng bận và tận hưởng niềm vui. Niềm vui này chỉ tìm thấy trong Đạo, trong sự chuyên chú, chứ không phải trong danh và lợi. “Người anh hùng chấp nhận số mệnh của mình và tìm thấy niềm vui trong Đạo/Một trái tim vui vẻ cũng giống như mùa xuân của Trời và Đất”. Thơ ca thúc đẩy và làm giàu thêm cho cuộc sống (Luận ngữ, VIII, 8). Nguyễn nhận thức rất rõ rằng thật khó có thể bảo vệ và duy trì mối quan hệ cân bằng giữa cá nhân và xã hội. Không có tinh thần vui vẻ thì việc làm người sẽ trở nên nặng nề, cứng nhắc, tùy tiện, đầy toan tính, và không có sức sống. Thơ Nguyễn bàn về sự tự nhiên của cá nhân và trải nghiệm ngây ngất có thể được xác định như là một sự kết hợp sâu sắc giữa Nho giáo và Đạo gia.
Để chỉ ra rằng thơ của Nguyễn đã kết hợp Nho giáo và Đạo gia thế nào, tôi sẽ tập trung vào một bài thơ của ông, “Ngất ngưởng”. Tôi sẽ chứng minh rằng sự giải thích chung về sự tự nhiên của con người và trải nghiệm ngây ngất liên quan đến địa vị của cá nhân trong cuộc đời và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời của anh ta. Quan điểm này khá là phù hợp với cái nhìn của Nho giáo về việc trở thành con người hoàn thiện (nhân), vì cá nhân vừa là thành viên của môi trường chính trị - xã hội, thích ứng với một hệ thống của lễ giáo, đồng thời lại bị chi phối bởi các nguyên lý vũ trụ linh hoạt.
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi thủ khoa khi tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì.
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không tiên, không vướng tục.
Chẳng Thái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Trong Triều ai ngất ngưởng bằng ông.
Bài thơ ngất ngưởng bắt đầu với sự khẳng định của nhà thơ về cuộc đời và thế giới của: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Từ “phận sự” ở đây có nghĩa là gánh nặng của thế giới, linh hồn của thế giới, và nghĩa vụ của thế giới. Từ “ngất ngưởng” đề cập tới trạng thái của niềm vui trong đó các giác quan của con người trở nên phấn khích và hành vi có thể không bị kiểm soát,hay cấm đoán.
Bài thơ Ngất ngưởng có thể được chia làm năm phần. Dòng thứ nhất bắt đầu với triết lý của nhà thơ. Ông mở đầu với sự sôi nổi, với ý thức gắn bó tự nguyện với những trách nhiệm, điều này xác định cho giọng điệu và nội dung của bài thơ. Phần thứ hai, bao gồm sáu dòng tiếp theo (một khổ tứ tuyệt và một cặp đôi), nói về những thành tựu trên phương diện chính trị - xã hội của nhân vật trữ tình và về quyết định rút ra khỏi môi trường đó. Hai cặp câu đầu tiên của khổ tứ tuyệt có vần (lồng/Đông và ngất ngưởng/đại tướng)
[26]. ở đây, người đọc nên chú ý rằng từ ngất ngưởng và đại tướng đi đôi với nhau. Năm dòng kế tiếp (một khổ tứ tuyệt và một dòng duy nhất) miêu tả cuộc đời mà nhân vật trữ tình đã đi vào sau khi rút khỏi chốn quan trường. Âm tiết cuối cùng của cặp thơ này có vần (ngất ngưởng/mây trắng). Ngất ngưởng kết hợp với mây trắng. Sáu dòng tiếp theo giải thích đặc điểm đạo đức của nhà thơ và thái độ của nhà thơ với cuộc đời. Âm tiết cuối cùng của đoạn trước (ngất ngưởng) hiệp vần với âm tiết cuối cùng của dòng đầu đoạn sau (thái thượng). ở đây, ngất ngưởng (sự cao thượng và vô tư của tâm trí) gắn liền với các thánh nhân xưa, ngụ ý dáng vẻ thung dung, tự do, tự tại. Đoạn cuối, là một dòng có sáu âm tiết, phát biểu lại trải nghiệm thẩm mỹ của nhà thơ. Về cơ bản, phần chính của bài thơ thể hiện ba khía cạnh của cuộc đời nhà thơ: con đường khoa bảng và hoạn lộ, cuộc sống và hoạt động của một nhà nho ẩn dật, và sau rốt, là cung cách ứng xử và quan điểm đạo đức của ông Hy Văn.
Hy Văn (hay con người cá nhân – đây không phải là tên chính xác) được Nguyễn miêu tả trong bài thơ trên là một người ngất ngưởng, cao cả, điềm tĩnh, mạnh mẽ, đầy năng lực sáng tạo kể cả trong lúc gặp thời hay khi gặp vận, và trên hết, là tự nhiên phóng khoáng (Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng). Ông “gồm thao lược” hơn là đi theo một con đường có sẵn hay bước theo dấu chân kẻ khác, thêm vào đó là sự nghiệp chính trị-xã hội có rất nhiều biểu hiện – ông ngao du trong “lồng” (các công vụ của nhà nước). Hy Văn cũng có quyền lực, nhưng không phải bởi ông ta hành động do có sự thúc đẩy, mà là do ông ý thức được về sự hòa hợp với Đạo hay sự ngao du. Ông hành động thuận theo sự vận động của vũ trụ; ông là một vũ công của vũ trụ. Ông phấn khích bởi ông được nếm trải một niềm vui quá mức của Trời và Đất trong khoảnh khắc hiện tồn ngay trước mắt.
Có một nhận thức về tính liên tục và tính thống nhất trong cá nhân xác thực trong bài thơ của Nguyễn. Có một nhịp điệu của vũ trụ mà nhà thơ đã khám phá ra, với thời gian dành cho việc tham gia vào các công việc của đất nước, và thời gian để tách mình ra khỏi đó. Động từ “giải tổ” mà ông sử dụng để miêu tả sự trút quan phục để trở thành một người ẩn dật có hàm nghĩa là “cởi bỏ”, như trong việc tự nhiên phải cởi cất đi chiếc áo len khi căn phòng trở nên quá ấm. Theo Nguyễn, những hành động này là tự nhiên, không được tính toán hay quyết định trước. Các ẩn dụ và hành động của ông Hy Văn phác họa nhịp điệu và nhịp đi của tự nhiên, về sự vận động của Đạo.
Con người cá nhân trong thơ Nguyễn thể hiện những đặc trưng của Đạo gia, Phật giáo, Nho giáo, nhưng nhân vật trữ tình không muốn phân biệt hay khẳng định đặc điểm mang tính triết học của mình. Đặc điểm mang tính triết học của anh ta vượt quá xa bất kỳ hoạt động tức thời nào với nhân cách hoặc thành tựu của cá nhân. Một cá nhân đạt được cảm giác hạnh phúc tuyệt đỉnh bởi vì anh ta đồng nhất mình với cả vũ trụ. Anh ta thân sống giữa cuộc đời nhưng không bị chi phối bởi nó. Trong dòng thứ 13, 14, Nguyễn nhấn mạnh, “Được mất dương dương người thái thượng, Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Nguyễn không nói rằng anh ta không màng tới danh lợi; anh ta vẫn có các cảm xúc, nhưng anh ta không bị điều khiển hay bị chi phối bởi chúng. Sự thanh thản của anh ta không bị phá vỡ bởi sự xô bồ của cuộc sống chính trị - xã hội.
Trong một bài thơ khác, Nguyễn thậm chí còn làm rõ hơn mối quan hệ giữa môi trường chính trị - xã hội và môi trường tự nhiên:
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặc tỉnh say
Có vẻ như nhân vật trữ tình đang thay đổi theo khuynh hướng Đạo gia khi ông ta thừa nhận và rời khỏi môi trường chính trị - xã hội (vòng cương tỏa) tới lĩnh vực tự nhiên (thú yên hà). Nguyễn dường như muốn nói rằng ra khỏi “ vòng cương tỏa” là thích hợp với hệ tư tưởng hoặc quan niệm làm người của Nho giáo. Có lẽ, nhân vật trữ tình muốn nói rằng anh ta đã vẹn toàn bổn phận, và giờ đây xem như mình đã tự do để thay đổi trên cuộc hành trình của mình. Anh ta ở trong trạng thái ngây ngất hay phấn khích bởi anh ta đã đạt được mục tiêu mong muốn, tức là, có thể nhìn cuộc đời dưới một góc nhìn khác. Nguyễn dường như đang dùng các khái niệm Đạo gia để thể hiện sự thất vọng với những kẻ tự cho phép mình chiều theo những dục vọng ích kỷ của bản thân như chạy theo danh lợi, bằng cách thừa nhận rằng danh và lợi không phải là thứ duy nhất mà con người có thể dễ dàng đạt được. Và, Nguyễn có vẻ như không hề có ý chấm dứt những nghĩa vụ của con người hay sự tu dưỡng đạo đức, hay thừa nhận rằng ông không còn câu nệ chuyện khen chê nữa. Tuy nhiên, ông vẫn tập trung vào việc khuôn theo nhịp điệu của tự nhiên và hành động một cách tự nhiên. Điều này thể hiện trong cụm từ “chân cao thấp” có nghĩa là mô tả một người say không còn ý thức rõ rệt lắm về môi trường xung quanh; anh ta như bước đi trên mây và không hề có ý thức tự chủ. Người ta cho rằng anh ta không còn phải lo lắng bởi vì anh ta không còn bận tâm đến những gì người đời nói. Sự phân biệt không còn quan trọng nữa bởi vì anh ta “mặc tỉnh say?” Tâm trí của anh ta được thanh thản và không bị câu thúc khi anh ta ngao du đây đó.
Nhà thơ dường như thể hiện sự thất vọng với đời sống xã hội bị chi phối bởi lễ giáo, trong đó mọi thứ phải rập khuôn dựa theo hàng loạt các mô hình ứng xử và nguyên tắc cố định. Nhà thơ chỉ trích hình thức sống trong đó các thành viên đều theo đuổi cùng một cách sống y như nhau. Vì được phản ánh bởi trạng thái tâm lý này, ông không ngần ngại học theo Đạo gia và kết hợp những suy ngẫm và cách biểu hiện của Đạo gia. Ông tin rằng để trở thành người hoàn thiện tức là gắn liền với những giá trị và mục tiêu của cộng đồng nhưng không bị giới hạn và xác định chỉ thông qua sự đồng nhất với trật tự tuân theo lễ giáo. Bằng cách xen những suy ngẫm và biểu đạt của Đạo gia, Nguyễn đã công nhận một quan điểm hoàn toàn mới mẻ và bước đầu giới thiệu tinh thần tự nhiên và linh hoạt qua cụm từ “đô môn giải tổ” trong bài Ngất ngưởng.
Tuy nhiên, Nguyễn không trút bỏ sạch đặc trưng Nho giáo của mình, ông mượn những quan niệm của Đạo gia để làm hồi sinh lại một truyền thống vốn đã bị cầm tù trong những hoạt động thực tiễn mang tính hình thức. Ông hiểu rằng mỗi người biểu hiện Đạo và được Đạo biến đổi khác nhau vì Đạo vừa đa dạng vừa thống nhất. Vì thế, Nguyễn tin rằng có thể nhận thấy Đạo ngay trong môi trường chính trị - xã hội.
Trong bài Ngất ngưởng, nhân vật trữ tình không đi ở ẩn trong rừng (môi trường tự nhiên) và xa lánh môi trường xã hội. Ông ta tự do qua lại giữa hai môi trường đó, vượt qua ranh giới bất cứ lúc nào ông ta muốn. Ông ta thân ở giữa cuộc đời, nhưng không hề bị hạn chế trong những hình mẫu con người cố định trong cuộc đời. Nguyễn nói,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Những dòng này phác họa hình ảnh một ông quan trong triều đã hoàn thành trách nhiệm và nay rời bỏ cuộc sống đó, nhưng không đoạn tuyệt hoàn toàn. Ông ta vẫn mang theo mình “đạc ngựa” từ thời chinh chiến, nhưng giờ lại đeo trên cổ của một con bò, một con vật của nhà nông gắn liền với môi trường tự nhiên. Những sự câu thúc và quy ước bị dẹp sang một bên nhưng không hề bị lãng quên. Người lữ khách trong bài thơ không phải chịu sự quy định về chuyện thế nào mới là thích hợp và đúng đắn, theo những tiêu chuẩn của thế tục. Ông ta vừa giống một hiệp khách giang hồ vừa giống một người cửa Phật (từ bi). Không thể biết rõ được đặc trưng của ông ta. Trên con bò vàng, ông ta giống với Lão Tử hơn. “Một đôi dì” đồng hành với ông ta cho thấy một niềm vui dồi dào sinh lực. Tự sự của nhà thơ miêu tả một bức chân dung khác thường, quyết liệt, và thậm chí có tầm vóc vũ trụ của cuộc đời con người này. Không có bất kỳ một đặc trưng phân biệt nào phù hợp được với ông ta, trái ông ta còn đứng giữa hoặc hợp nhất cả hai đặc trưng. Mặc dù ông ta có vẻ giống một Ông Bụt hơn một tráng sĩ, ông ta cũng không thể được miêu tả như một trong hai loại người đó. Ông ta được cung cấp những cách thức được lựa chọn để biểu hiện và phân biệt mình. Ông ta ngao du với “kiếm cung” mà lại giống với một người nông dân vác bó lúa hơn, nhưng dẫu sao đó vẫn là một thanh kiếm. Những tiêu chuẩn hành xử và giá trị theo quy ước không trói buộc được ông. Ông không bị trói buộc trong những khuôn mẫu quy ước thể theo lễ giáo và vì thế không phụ thuộc vào việc xã hội có chấp thuận hay không:
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Từ dương dương có thể được hiểu là độc lập hay tự mãn và thường được sử dụng để miêu tả một người tự tin và độc lập, tức là một bậc thánh nhân. Từ dương dương chỉ ra những đặc tính của một người không lo sợ, không suy suyển, hay bị quấy rối bởi những sự vật bên ngoài; anh ta độc lập trong cuộc đời. Chỉ một âm tiết dương tự nó cũng đã chỉ ra một loại ánh sáng kiệt xuất, đặc trưng, nổi bật, sáng chói, hay phát lộ rờ rỡ. Nhưng sự lặp lại từ này lại thể hiện một thái độ, một cách ứng xử, và một hành vi.
“Người thái thượng” hay “cổ nhân” những người thường được Khổng Tử nhắc đến (Luận ngữ, XIV, 41) có thể được hiểu như ám chỉ đến các bậc thánh nhân không bị tác động bởi những rối rắm của công danh thế tục. Hình ảnh của các thánh nhân và ngọn gió đông phơi phới thể hiện một khía cạnh khác trong cách hiểu của Nguyễn về tự do. Theo một ý nghĩa mới, cá nhân được cho là tự do bởi vì anh ta siêu việt và ung dung. Nói cách khác, một người được tự do khi anh ta có ý thức về tính độc lập hay tự lực.
Tương tự như vậy, ý thức về quyền lực lộ ra trong cách chuyển động của ngọn gió. Từ phơi phới được sử dụng để thể hiện những đặc trưng cao cả và hùng vĩ của ngọn gió đông, luôn hoạt động và mạnh mẽ. Khi đề cập đến chính ngọn gió, từ đó chỉ ra vận động tự nhiên của nó. Nó ngao du tự do trong không gian, không chủ đích, vô tư. Ngọn gió trở thành một ẩn dụ cho một trong những khía cạnh bí ẩn của Đạo. Bên cạnh ý nghĩa ẩn dụ, từ dương dương và phơi phới là những ẩn dụ quan trọng để hiểu quan niệm của Nguyễn về cá tính và mối quan hệ của ông với xã hội. Ung dung thanh thản mà không kiêu ngạo là đặc điểm của một quân tử Nho giáo. Anh ta được cho là có đặc điểm đó cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Với Nguyễn, cá nhân là một phần của tập thể nhưng không đánh mất ý thức về cá tính của mình trong các hoạt động xã hội. Một cá nhân như vậy sẽ đứng vững trên đôi chân của chính mình và không trở thành nô lệ của những lực lượng bên ngoài. Việc nhắc đến “người thái thượng” tạo ra một hiệu quả bí ẩn mạnh mẽ, bởi họ được cho là những người điềm tĩnh bình thản và siêu việt, lỗi lạc và độc lập. Người quân tử trong Nho giáo và chân nhân trong Đạo gia đều biểu hiện những đức tính này bởi vì những mối bận tâm của họ đều vượt ra ngoài vòng danh lợi.
Tuy nhiên, Nguyễn không phải là một người theo thuyết duy linh mặc dù trải nghiệm thẩm mỹ của ông mở rộng ra cả bên ngoài thế giới trần tục. Cái nhìn của ông đặt vào quan hệ giữa người và người. Ông không cố gắng đặt tâm trí của mình vào việc “đi mà không chạm đất hay để lại dấu chân”
[27] mà trái lại ông còn cảm thấy thỏa mãn với việc thể nghiệm Đạo với cả hai chân trên mặt đất[28] kia. Theo nghĩa này, Nguyễn tin rằng có thể thể nghiệm Đạo ngay giữa môi trường chính trị - xã hội. Nên, con người đã có tuổi đó đã không để lại thanh kiếm của mình, những khát vọng của ông (được đề cập đến thông qua các ca nhân), hay những trải nghiệm của ông; ông không phải là Bụt hay kẻ “vướng tục”. Ông đồng thời vừa là một phức hợp của cả hai lại vừa không là ai cả khi ngao du trong cuộc đời, nơi ông được “khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng” – hòa nhập vào dòng chảy và niềm vui của cuộc sống.
Khía cạnh thêm vào ở đây là niềm vui và sự tự do ngao du được nhận thấy trong nghĩa của từ ngất ngưởng, mà trong ngữ cảnh này được hiểu là sự say rượu hay sự say sưa (“khi ca, khi tửu”). Bài thơ “Vịnh say rượu” bắt đầu bằng câu hỏi, “Say chưa, say mới thú, Hỏi làng say ai đủ thú say?” Nhà thơ cần có ngôn từ để thể hiện quan niệm của mình về niềm vui và sự trải nghiệm thần thánh, nên ông chọn say rượu để thể hiện trạng thái ngay ngất đó. Trạng thái say rượu, như đã nói ở trên, sở dĩ có thể thích hợp với điều này là vì trong trạng thái say rượu cử động và cảm xúc của người ta là hết sức tự nhiên. Như Nguyễn bày tỏ trong bài thơ Nhàn nhân với quý nhân
Cơn chếnh choáng xoay vần trời đất lại
Chốc ngâm nga xáo trộn cổ kim đi
Người say rượu không chỉ đánh mất ý thức về hành động cử chỉ mà còn về thời gian và không gian. Anh ta vui vẻ trong trạng thái như mê sảng, và không gì còn có thể đáng bận tâm nữa. Trong trạng thái như mê sảng đó, người ta được cho là trải qua niềm vui thuần khiết hay khoảnh khắc mê ly cao độ, liên hệ với những sự việc ngay trong hiện tại. Trời và Đất dường như quay cuồng quanh anh ta, và việc cần phải nhận thức rõ trật tự của mọi thứ chẳng còn quan trọng nữa. Đúng và sai, Bắc và
Để giúp làm nên ẩn dụ về sự say rượu như một hình tượng tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm, Nguyễn sử dụng từ ngất ngưởng. Cách sử dụng này là hết sức thú vị bởi vì ở Việt
Một khía cạnh khác nữa của một người say là ý thức của anh ta về thế giới xung quanh mình. Anh ta đánh mất sự nhận thức về những cử chỉ của thân thể - anh ta cử động một cách tự nhiên không gò bó. Anh ta nhảy múa mà không hề biết. Anh ta ở đắm chìm trong sự trải nghiệm
[29]. ẩn dụ của ngất ngưởng được dùng để miêu tả trải nghiệm mê ly của một người đích thực trong thế giới trần tục này. Anh ta đắm chìm vào hoạt động đó ngay lập tức đến nỗi không gì có thể làm sao lãng được. Anh ta được xem là hết sức vui vẻ, vì anh ta hòa nhập vào nhịp vận động của Đạo. ở đó có sự thống nhất của trải nghiệm; suối nguồn của niềm vui và hạnh phúc ở ngay đó và trong trong bối cảnh đó. Con người ấy thân tuy ở trong thế giới vật chất nhưng anh ta lại trải nghiệm sự tồn tại ở một cấp độ khác. Trong trạng thái đó, anh ta không có ý thức về bản thân hay cái bên ngoài bản thân; anh ta đang tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm. Với anh ta, không gì có thể so sánh với trải nghiệm đó.
Một người ở trong trạng thái ấy hành động một cách tự nhiên thoải mái và người ta cho rằng anh ta đã vượt qua trạng thái thông thường của nhận thức. Nguyễn biết rằng con người phải hết sức nỗ lực để tu dưỡng bản thân và để hiểu những vận động tự nhiên của Đạo. Có một sự thống nhất và quy tắc giống với quy tắc âm nhạc ngay cả trong sự tự nhiên đó. Thiếu đi nhận thức về tính tự nhiên, hành động của cá nhân trở nên giả tạo, bị điều khiển, và mang tính chất ép buộc. Để có thể rèn luyện được tính tự nhiên, người ta cần khuôn mình theo vận động của tự nhiên và hành động sao cho phù hợp với chúng. Thơ ca dễ dàng thể hiện nhận thức về tính tự nhiên, cá nhân không còn cảm thấy bất hòa với môi trường xung quanh ngay trước mắt mình, và hành động mà không cần phải nỗ lực. Anh ta ở trong trạng thái như mê sảng và không còn bị quấy rầy bởi sự thất vọng về những hoạt động đời thường. Từ ngất ngưởng trong ngữ cảnh này biểu thị một trải nghiệm mê ly. Chúng cũng bao hàm một yếu tố hài lòng hay thỏa nguyện. Về mặt thẩm mỹ, con người cá nhân trong bối cảnh của bài thơ này là một nghệ sĩ ngao du sơn thủy và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất bởi vì anh ta đã đạt tới một trạng thái nhận thức cao hơn – anh ta đồng thời nhận thức được cả về môi trường xã hội lẫn môi trường tự nhiên, anh ta thuận theo Đạo.
Một biểu hiện xa hơn về Đạo là tính chất điềm tĩnh vốn là biểu hiện của sự tĩnh lặng thanh bình phổ quát (Được mất dương dương người thái thượng). Con người có đặc trưng là sự điềm tĩnh này thì không bị cám dỗ bởi danh lợi, không bị chi phối bởi khen chê; thay vào đó, anh ta hòa nhập làm một với Trời và Đất và vạn vật; Nho giáo sáp nhập một số khía cạnh của Đạo gia. Nguyên coi anh ta là người tự do và hạnh phúc, như ông miêu tả trong những câu thơ khác dưới đây:
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mất tỉnh say
Hòa nhập làm một với Đạo (“mây trắng”), người ta thoát khỏi những dục vọng vị kỷ, và như thế, anh ta trở nên điềm tĩnh thanh thản với chính mình. Anh ta nhận ra tự do và hạnh phúc. Nếu chúng ta xem xét kỹ hơn, quá trình này có thể được xem như là một sự hiện thân cho Đạo, sự nhận thức về tự do và thanh tĩnh, về niềm vui và hạnh phúc ngay chính trong môi trường thân thuộc.
Quan điểm của Nguyễn về quan hệ giữa cá nhân và tập thể không tách rời khỏi quan niệm của Đạo gia. Tuy nhiên, dù Nguyễn cảm thấy thoải mái với những ẩn dụ, khái niệm và thuật ngữ của Đạo gia, thực sự ông vẫn giữ nguyên tinh thần Nho giáo. Nguyễn có vẻ như thừa nhận quan điểm cho rằng ranh giới giữa Đạo gia và Nho giáo không phân định rõ ràng, và người ta có thể mở rộng hệ quy chiếu của mình để cho phép mình trở nên linh hoạt hơn, để hình dung chính thể luận Nho giáo như là một quá trình năng động.
Mối quan hệ mang tính chất bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau giữa cá nhân và xã hội thì không được hiểu như một sự tương tác thân mật giữa con người với nhau; trái lại nó là quá trình hình thành thể xác con người với Trời và Đất và vạn vật. Chính thể có tính hữu cơ này hay quan điểm có tính liên hệ này về Đạo giúp Nguyễn có thể vượt qua ranh giới, qua lại giữa hai môi trường. Nguyễn cũng có thể đồng nhất mình với cái phổ quát vĩ đại hơn, và, từ quan điểm này, người ta có thể nhận ra rằng Đạo vừa ẩn lại vừa hiện, vừa chỉ có một vừa nhiều, vừa tục vừa thiêng, vừa cụ thể vừa siêu việt.
Ngất ngưởng có sự tương đồng với bậc chân nhân bởi vì, như Burton Watson giải thích:
Sự chịu đựng của người ấy cao sừng sững và không bao giờ sụp đổ; người ấy dường như thiếu nhưng lại chẳng chấp nhận gì cả, anh ta đáng quý bởi sự đúng đắn mực thước của mình nhưng lại không bảo thủ; hòa nhã và hân hoan, anh ta dường như là hạnh phúc… thư thái, anh ta nghỉ ngơi trong giá trị của mình. Khoan dung anh ta dường như trở thành một phần của thế giới; sừng sững một mình, anh ta không thể bị điều gì kiểm soát; thoát thế, anh ta dường như thích tách hẳn mình ra; mơ màng, anh ta quên mất điều mình định nói
[30].
Một người như vậy “nghỉ ngơi trong niềm vui của Trời Đất”.
[31] Cũng như ông lão đồng nhất với con ngựa và con bò, ông Bụt và ông quan, và vừa là cả hai vừa chẳng là già, ông được mô tả là khi “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung” đã đi theo con đường của cuộc đời mình.
Đi đây đi đó và ngao du tự do tức là ham vui chơi. Với tinh thần vui chơi, bậc thánh nhân nghỉ ngơi; khi sự nghỉ ngơi trở nên thư thái và trong trẻo, thì cẩn trọng và lo lắng sẽ không còn bén mảng đến gần. Bậc thánh nhân hòa vào nhịp điệu của dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, khi tĩnh, anh ta và cái Âm có cùng một phẩm chất; khi động, anh ta và Dương có cùng một nhịp.
Thơ Nguyễn thường miêu tả nhân vật trữ tình trong trạng thái tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm và như mê sảng. Ông nói khi ở trong tình trạng say rượu và như mê sảng nó xui khiến người ta:
Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang,
Khi đắc ý gật trên lừa cười ra rả.
Ngoài cung kiếm mặc ai xa mã?
Tri-trần bất đáo thử giảng san.
(“Vịnh Trần Đoàn”)
Nhân vật trữ tình đang đi ngao du, đó là một hoạt động đầy vui thú, và tâm trạng đang tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm. Cảm nhận về niềm vui không chỉ do rượu gây ra, mà còn bởi cả toàn bộ cảm nhận của anh ta khi tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm. Cái tôi và môi trường xung quanh hòa nhập làm một trong một bức tranh trọn vẹn. Tất cả đều nhập vào làm một, và nhân vật trữ tình thoát khỏi những câu thúc của cuộc sống thế tục.
Nhà thơ chứng minh rằng ông đang vui vẻ và hòa nhập hoàn toàn vào dòng chảy của cuộc sống, có thể qua lại cùng lúc giữa hai môi trường xã hội và môi trường cái đẹp, giữa những mối quan tâm của con người và sự yêu thích thiên nhiên. Ông đã phần nào mô tả được cả thú chơi và sự chuyên chú tuyệt đối nhờ sử dụng hình tượng người say. Một người say có thể được mô tả như là đang ở trong trạng thái không thể bị rối trí bởi vì anh ta đã đắm chìm trong sự ngây ngất do uống rượu. Trong trạng thái đó, người say không còn để ý hay coi trọng sự phân biệt nữa, không còn dè dặt và hoàn toàn thanh thản, vô tư. Người ta có thể nói rằng đối với một người trong cơn say rượu ngất ngây cũng không thể bị phân biệt rõ ràng ngọn núi lớn với ngọn núi nhỏ, và mọi thứ đều trở nên đồng đẳng. Tâm trạng vui vẻ khi uống rượu hay trong trạng thái phấn khích là hoàn toàn.
Trang Tử còn đưa ra một đặc tính khác của thú vui nữa. Ông mô tả một người say mê tới mức tuyệt đối, như người gù trong câu chuyện đi bắt ve sầu. Người này đạt tới trạng thái hoàn thiện trong khi bắt ve sầu bằng một cái sào dính một cách thiện nghệ, hoàn hảo, và không cần phải nỗ lực gì. Người đó giải thích với Khổng Tử rằng sở dĩ anh ta làm được điều đó là do anh ta tuyệt đối chuyên tâm vào việc mình làm hoàn toàn vào công việc này. Anh ta không biết điều gì khác ngoài “những cặp cánh ve, bất động, không nghiêng người, không để bất kỳ vật nào làm mình sao nhãng những cặp cánh ve – hỏi làm sao mà tôi lại không thành công được cơ chứ?”[33]
Thơ Nguyễn chứng tỏ rằng trong trạng thái say sưa và sự tập trung như vậy, mọi vật đan kết với nhau, hòa lẫn vào với nhau; không vạch ra được sự phân biệt hay ranh giới rõ ràng để tách bạch người thực hiện với hành động. Thực tại và hư ảo, mơ mộng và tỉnh táo không thể phân biệt nổi. Anh ta cử động tự nhiên thoải mái và không có phân biệt. Nhận thức về thời gian cũng bị thay đổi. Cái mà anh ta nhận thấy trong khoảnh khắc đó là một tổng hòa; mọi thứ đều nhập vào Một thể duy nhất. Sự chia tách hay phân biệt biến mất hoàn toàn. Anh ta hầu như quên mất rằng các bộ phận khác nhau trên cơ thể mình là có trật tự. Mọi thứ đều được nhận thức như là một chỉnh thể thẩm mỹ và được cảm nhận ngay lập tức. Thực tế, anh ta cũng không cần phải kiểm soát điều gì cả vì mọi thứ đều đồng thời vừa nằm trong tầm kiểm soát vừa ngoài tầm kiểm soát. ý nghĩ và hành động, bên trong và bên ngoài, vận động và ngưng trệ thảy đều lẫn lộn với nhau trong cảm giác của người đó.
ở phân trên tôi đã chỉ ra rằng Nguyễn không ngần ngại mượn ngôn từ và quan niệm của Đạo gia để thể hiện quan niệm về việc trở thành người hoàn thiện. Thơ ông đề cập đến quan niệm về niềm vui, đồng thời giúp giảm nhẹ và xoa dịu những xung đột bằng cách đi trên lằn ranh giữa những mối quan tâm và những nghi thức đầy mâu thuẫn. Thơ ông thúc giục người đọc nhìn cuộc đời từ nhiều góc độ khác nhau, và thậm chí còn mời gọi anh ta vượt qua các ranh giới và tận hưởng một cách vui chơi mới.
Quan điểm của Nguyễn về ngao du tự do
Trong phần trước tôi đã phân tích kỹ lưỡng quan niệm cho rằng sự vui đùa như một phương tiện thương lượng và vượt qua những xung đột để tận hưởng niềm vui và tiếng cười. Phần này sẽ nhằm chỉ ra Nguyễn sẵn sàng đưa ngôn từ và tinh thần của Đạo gia lên một cấp độ cao hơn bằng cách khuyến khích người đọc lên đường và ngao du tự do. Nguyễn sử dụng hình tượng người say lang thang đó đây, không bận tâm hay lo lắng như một phương tiện lặp đi lặp lại để mô tả bản chất của ngao du tự do. Người say lang thang trong một thế giới kỳ diệu nơi mọi thứ bồng bềnh như những áng mây. Nhận thức của anh ta không bị kiểm soát, và anh ta cảm nhận được một sự liên kết với vạn vật. Anh ta đi như trong cơn mê. Anh ta không sợ hãi và không lo âu trong khoảnh khắc đó. Anh ta lang thang tự do, tận hưởng niềm vui trong mọi điều anh ta bắt gặp. Anh ta được miêu tả khi đang tham gia vào hoạt động sáng tạo vui vẻ và thú vị. Anh ta có một cách nhìn khác bởi vì anh ta đang nếm trải cơn say ngất ngây và sự sống viên mãn.
ẩn dụ về cơn say ngất ngây cung cấp nền tảng cho việc bàn luận về sự tương đối của vạn vật và sự biến đổi của Đạo. Bài thơ Ngất ngưởng (xem phần trước cho văn bản) dường như chỉ thể hiện duy nhất điều đó. Nhân vật trữ tình hoàn toàn không bận tâm gì đến bản thân và có thể quên đi bản thân (Không Phật, không tiên, không vướng tục). Nguyễn sử dụng hệ quy chiếu này bởi vì nó có thể so sánh được với trải nghiệm của việc hợp nhất với Đạo và đắm chìm vào hoạt động đó đến mức người ta không còn có thể phân biệt nữa và được tự do để mà ngao du, tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm. Điều đó có nghĩa là hành động một cách tự nhiên thuận theo sự vận động của tự nhiên, vận động hay ngao du một cách tự do phản ứng với cả tác động từ bên trong lẫn bên ngoài.
Trong bài viết của Chris Jochim, ông ta chỉ ra rằng trạng thái tự do ngao du tương tự với sự trải nghiệm tinh thần lý tưởng.
[34] Theo Jochim, trạng thái trải nghiệm lý tưởng là trạng thái trong đó một người bị thu hút hoàn toàn vào một hoạt động tới mức anh ta không còn nhận thức hay ý thức được về xung quanh. Tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm hay ngao du tự do đòi hỏi rằng người ta phải vui vẻ và tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm hoàn toàn vào hoạt động vui chơi. Người ta thực hiện hoạt động đó “dồn hết tâm trí mà không cần nỗ lực”.[35]
Bài thơ Ngất ngưởng muốn nói rằng khi người ta ở trong trạng thái tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm thì hành động không còn bị câu thúc và cấm đoán. Người đại diện, khi tham dự vào, sẽ đánh mất ý thức về cá tính, thời gian, không gian bởi trải nghiệm đó thực sự là thú vị (Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung). Nhưng, Jochim cũng chỉ ra rằng, thật trái ngược, sau khi ngao du, cá tính của người ta lại xuất hiện trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Niềm vui của ngao du có được là do người ta tham dự vào mà không cần phải cố gắng. Trải nghiệm như mê sảng của người nấu bếp Bào Đinh chỉ ra rằng bằng cách tham gia vào hoạt động đó và nhập vào sự vận động của cái toàn thể, người ta có thể đạt đến trạng thái tự nhiên và hầu như không phải nỗ lực. Trang Tử chỉ ra rằng người ta có thể nếm trải niềm vui ngao du ngay giữa cuộc đời. Nguyễn dùng ngôn từ Đạo gia để thể hiện thái độ về việc tuyệt đối chuyên chú vào việc mình làm hay ngao du để hòa nhập hoàn toàn với tự nhiên khi chìm đắm trong một trải nghiệm thống nhất.
Có vẻ như trải nghiệm của nhà thơ về ngao du được đặt ngay giữa cuộc đời và là mục tiêu được định hướng mà không đánh mất hoàn toàn cái tôi. Nhà thơ có vẻ như đã đưa ra một câu trả lời mang màu sắc Phật giáo cho vấn đề nhập thế. Nhưng sẽ thích hợp hơn nếu lý giải là Nguyễn thể hiện sự coi thường đối với lễ giáo và thái độ tự cho mình là quan trọng của các quan trong triều. Đúng hơn, chúng ta nên hiểu rằng việc từ bỏ cái tôi cũng có nghĩa là trở nên vô tư. Có lẽ, ông định nói rằng việc học được cách giải thoát mình là rất quan trọng và đó là bí quyết để có được cuộc sống hạnh phúc vui vẻ. Bằng cách thoát ra khỏi cái tôi, người ta có thể vận động theo nhịp điệu của tự nhiên và có thể tham gia vào sự sáng tạo của vũ trụ. Nguyễn bày tỏ, “Lưng lưng rũ sạch niềm nhân ngã, Gẫm thú phồn hoa đáng thế chưa?” (Lúc về già). Thoát ra khỏi cái tôi cũng giúp người ta đồng nhất với cái toàn thể rộng lớn hơn và có cùng chung nhịp đập với tự nhiên. Nguyễn, bởi có mối liên hệ và sự vượt thoát này nên thường tự so sánh niềm vui của mình với niềm vui của các đấng thần tiên.
Dù thỉnh thoảng cũng có thể nghiệm niềm vui của các đấng thần tiên, song phần lớn thời gian Nguyễn dừng chân ở cái thế giới phù du này, và ông nói với chúng ta rằng cuộc đời là một chuyến hành trình với nhiều ngã tư. Người ta phải ứng xử đúng với nhu cầu và sự bất ổn của khoảnh khắc hiện tại, điều đó rất quan trọng. Người ta phải linh hoạt và tự nhiên trong hành động của mình. Người ta phải vượt ra ngoài hê quy chiếu của mình và vận dụng mọi tư liệu sẵn có để có được câu trả lời và cách thức phản ứng phù hợp. Quên bản thân mình đi có thể được hiểu như là mở rộng trọng tâm chú ý hay hệ quy chiếu của mình và đồng nhất mình với cái toàn thể rộng lớn hơn. Trong trạng thái đó, người ta có thể cảm nhận được hạnh phúc tuyệt đối.
Giải thoát mình cũng có nghĩa là ngao du tự do và thanh thản. Người lữ khách ngao du qua các chặng đường khác nhau của cuộc đời, qua địa hạt chính trị - xã hội nơi người ta tập trung theo đuổi các mục tiêu danh và lợi. Ông cũng ngao du qua lĩnh vực đạo đức nơi ông gắn mình với các giá trị đạo đức. Nhưng nhà thơ không dừng lại ở đó hoặc không giới hạn mình trong lĩnh vực đạo đức; ông còn cho phép mình ngao du tự do vượt ra ngoài lĩnh vực đạo đức vào để bước vào địa hạt nhân quần. Ông cho phép mình mở rộng giới hạn, hệ quy chiếu, và ông tìm cách mở rộng tầm nhìn để bao quát tất cả trong trật tự tự nhiên.
Nguyễn khuyến khích người ta nên ngao du trong quá trình trở thành một con người hoàn thiện bằng cách khởi đầu từ lĩnh vực đạo đức và mở rộng ra bên ngoài để chú ý tới môi trường tự nhiên. Nguyễn bận tâm tới việc đề cao quan niệm của cá nhân về cuộc đời, tầm nhìn của anh ta về việc trở thành một con người toàn diện, và đem đến những trải nghiệm vui vẻ về cuộc đời. Bằng cách qua lại ranh giới giữa Đạo gia và Nho giáo, cái ranh giới đã trở nên mơ hồ và có tính tương đối. Mục đích của Nguyễn là làm sao nhập thân hoàn toàn vào dòng chảy của cuộc sống và trở thành một phần của bản thế to lớn hơn rất nhiều[36].
Bằng cách bay vọt lên trời cao, người ta vượt ra khỏi mọi sự phân biệt lý trí và những âu lo thế tục, và có thể hiểu hiện thực của vạn vật.
Rượu một bầu, thơ một túi, cờ một cuộc, cầm một xoang,
Khi đắc ý gật trên lừa cười ra rả.
Ngoài cung kiếm mặc ai xa mã,
Tri trần bất đáo thử giang san.
(“Vịnh Trần Đoàn”)
Người ta có thể ngao du tự do và ung dung. Người ta có thể nhìn từ một nhãn quan tươi mới và có thể được giải phóng về tình cảm khỏi những mối liên hệ đời thường với vạn vật và vì thế mới hành động thuận theo nhịp điệu của tự nhiên. Ngô Quang Danh đề xuất rằng bay vút ra khỏi cuộc đời không có nghĩa là trốn chạy nó mà là chấp nhận nó từ cái nhìn từ trên bầu trời.
[37] ý ông là người ta cần điều chỉnh hay tạo dựng phạm vi quan tâm hay dính líu. Vì thế ngao du tự do chứa đựng những cách nhìn thu vào cả từ việc đi khắp thế gian cũng như từ sự bay vút lên chín tầng mây – hình tượng kết hợp Nho giáo và Đạo gia nơi mỗi học thuyết lại đem đến một cách nhìn mới hay khác biệt về toàn thể hay phổ quát
Ngô Quang Danh cho rằng trong khi Trang Tử mô tả bậc chân nhân (con người đích thực) như một con người ngao du tự do trong vũ trụ, thì chân nhân lại còn vượt ra ngoài sự phân biệt của thế tục “không phải bởi ông ta đứng trên chúng ta mà bởi ông ta ở ngay giữa chúng ta”[38]. Ông ta không bị cản trở bởi sự quan tâm đến bản thân mình (ông ta không có cái tôi), sự đánh giá mình (không có phẩm chất), hay danh tiếng của mình (không có tên). Trang Tử dùng những hình tượng đó để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người ta phải bảo vệ chính mình bằng cách thuận theo khuynh hướng tự nhiên của vạn vật. Người ta có thể đạt tới năng lực của bậc thánh nhân bởi vì người ta không vắt kiệt bản thân mình. Câu chuyện về người mổ trâu hoàn hảo mà cái dao của anh ta vẫn giữ được sắc bén mãi mãi chính là bởi luôn luôn lách giữa các thớ thịt và xương mà không bao giờ gặp một sự cản trở nào là một minh họa hoàn hảo cho việc bảo toàn chính mình bằng cách ngao du tự do thuận theo Đạo.
Người lữ khách ngao du tự do giữa các lĩnh vực và không nhận thấy bất kỳ một sự phân biệt nào bởi vì anh ta hiểu sự đồng đẳng của vạn vật:
Linh khẩm bảo hợp thái hòa,
Sạch không trần lụy ấy là thần tiên.
Ngang tàng lạc ngã tính thiên.
(“Thích chí ngao du”)
Nhà thơ bắt chước theo sự vận động biến đổi của tự nhiên và đồng nhất mình với cái toàn thế. Ông ta không bị chia cắt. Ông ta sống tách biệt, nhưng ông ta vẫn liên hệ với tự nhiên và môi trường xung quanh. Vũ trụ ở trong ông ta và ông cảm thấy như ở nhà khi ở giữa vũ trụ. Không có lý do gì khiến ông phải sợ hãi hay thấy bất an. Ông ngao du tự do và an toàn khắp mọi lĩnh vực có sẵn cho mình. Có thái độ đó, ông không thể bị làm hại. Vì thế, không có lý do gì mà phải lo âu phiền muộn. Và vì không lo âu phiền muộn, ông đạt tới trật tự và hài hòa, mà kết quả tất yếu là niềm vui va hạnh phúc bao la bởi ông cũng giống với tự nhiên và dòng chảy của tự nhiên (lạc ngã tính thiên).
Thơ Nguyễn cũng muốn nói lên rằng ngao du tự do là một ẩn dụ cho sự tự do về mặt tình cảm, thoát khỏi những tạp nhạp của những mối bận tâm thế tục. Người ta vượt ra khỏi sự phân biệt vì được biến đổi nhờ có nhận thức và tri thức mới. Nhờ vui vẻ, người ta có thể tiến tới nhận ra sự tương đồng giữa mọi vật; không còn lý do gì phải lo âu và vì thế người lữ khắch tạm thời thoát khỏi xung đột. Thơ ca trì hoãn cái công việc của chúng ta với những xung đột, những mục tiêu, những ảo tưởng và những mối bận tâm của chúng ta. Nó dạy cho người đọc nhìn thế giới từ một góc độ khác và mời người đọc tham gia vào những hoạt động vui vẻ của cuộc sống. Thơ ca tập hợp mọi xung đột và niềm vui lại và chỉ cho người đọc thấy rằng có khả năng để hòa giải hay thống nhất chúng. Bằng cách mở rộng phạm vi quan tâm của chúng ta, thơ ca tập hợp mọi thứ lại trước người đọc và thuyết phục người đọc vượt ra ngoài trạng thái nhận thức thông thường, của đặc trưng cá nhân, của cái tôi, và của những ham muốn trước mắt, của xung đột và lo âu. Trong thơ, ngay cả đau khổ cũng bị xua đi khi người ta lang thang tự do hòa nhập vào dòng chảy cuộc sống, bởi nỗi đau mất mát lúc này có thể lại trở thành niềm vui của một sự khởi đầu mới. Nguyễn chỉ ra rằng chỉ có một cách duy nhất để trở nên vui vẻ là phải hòa hợp với sự hài hòa như trong âm nhạc của cái toàn thể, tận dụng mọi dữ liệu có được, và thể hiện một sự cân bằng và niềm vui mới mẻ, hoàn thiện hơn trong quá trình làm người. Sống vui vẻ tức là đang bơi cùng với Khổng Tử, Lão Tử trên dòng sông Vi.
Kết luận
Thơ ca của Nguyễn Công Trứ kêu gọi chúng ta hãy có một thái độ và tinh thần vui vẻ. Với tinh thần vui vẻ, con người ta có thể xem xét nhiều cách nhìn khác nhau về chuyện sống cuộc đời như thế nào và người ta có thể phát triển cuộc đời của mình đến mức toàn vẹn nhất. Thơ ca cung cấp cho người đọc ngữ cảnh tu từ học về sự phù du của đời người và kêu gọi độc giả hãy bắt đầu cuộc đời mình với nhận thức thấu đáo và thái độ chấp nhận đói với sự hữu hạn và những giới hạn của mình. Bằng cách chuyên chú vào cuộc đời và đánh giá cuộc đời là kỳ diệu và tươi đẹp, người ta có thể tham gia vào cuộc đời một cách thực sự và vô tư, đồng thời tận hưởng niềm vui. Thơ ca đưa độc giả vượt qua những thất vọng và xung đột, dàn xếp nhiều nhu cầu và mối quan tâm. Bằng cách hướng trọng tâm chú ý của mình vào sự vui đùa, người ta có thể cảm nhận sự biến đổi. Thêm vào đó, thơ ca đem lại cảm giác về sự vui đùa, làm nảy sinh những cách biểu hiện và những đặc điểm mới cho thơ. Bằng cách chấp nhận xung đột hơn là phủ nhận chúng, thơ ca góp phần soi chiếu cho người đọc và lôi kéo người đọc nhìn nhận cuộc đời từ những quan điểm khác nhau.
Thơ ca, với tư cách là một thể loại, không đưa ra giải pháp cho việc xử lý các xung đột, nhưng nội dung của nó có thể phong tỏa xung đột và góp phần tạm thời vô hiệu hóa chúng trong khi mời gọi người đọc nếm trải xung đột và lần lượt tham gia vào trò chơi và việc chơi. Thơ ca nhắc nhở con người ta hãy sống và phản ứng với cuộc sống bằng sự khôn ngoan nhạy bén và linh hoạt. Thơ ca thúc giục chúng ta hãy vượt qua những xung đột mà chúng ta phải đương đầu. Thơ ca cũng giúp chúng ta nhớ tới bản chất năng động, sáng tạo và kỳ diệu của cuộc sống. Sống là cảm nhận thơ ca; và cảm nhận thơ ca tức là tăng nhận thức thẩm mỹ về cuộc đời.
Hình thức của thơ ca tạo điều kiện cho người ta suy ngẫm về việc làm thế nào để sống một cuộc sống vui vẻ. Thông qua nhịp điệu và sự hòa hợp của mình, thơ ca gợi nhắc chúng ta về các hoạt động và các khía cạnh khác nhau của sự phản ánh cuộc đời cá nhân cho sự hòa hợp mang tính âm nhạc và cái đẹp. Thơ Nguyễn nhắc nhở người lữ khách hãy lưu ý về tính phù du của anh ta và chăm chú tới cuộc đời vào khoảnh khắc anh ta đang sống. Thơ ông khuyến khích độc giả nhìn nhận cuộc đời từ nhiều góc độ khác nhau và đem đến cho chúng ra những lựa chọn để đối phó lại với sự phù du của mình với ý thức về nhận thức thẩm mỹ, hòa nhập, và vui đùa. Những cử động duyên dáng và nhẹ nhàng của một vũ công giúp người lữ khách phản ánh hiểu biết của anh ta về biểu đạt thẩm mỹ về hành động tập trung vào thú chơi, hòa vào dòng chảy, và ngao du tự do cùng vũ trụ. Sự tự do của sự vận động, sự linh hoạt, và sự tự nhiên đóng một vai trò lớn lao trong giới thiệu của Nguyễn về cuộc hành trình mà con người phải trải qua để trở thành con người hoàn thiện.
Thơ đem lại cho chúng ta một niềm tin mới vào những triển vọng mang tính bản thể học, rằng mình là một người đồng sáng tạo cùng với Trời và Đất. Thông qua thơ ca chúng ta có thể đoán chắc rằng sự tồn tại ở dạng vật chất hữu hình của chúng ta thực sự có tầm vóc vũ trụ. Thơ ca đưa đến cho chúng ta khả năng tìm hiểu và vượt qua sự ngắn ngủi của mình. Thông qua thơ ca, Nguyễn chỉ cho chúng ta thấy rằng không chỉ có một con đường để tiến tới hòa nhập với Đạo. Quá trình trở thành người hoàn thiện không buộc cá nhân phải hi sinh đi cá tính và sự độc đáo của mình. Quá trình trở thành người hoàn thiện được hoàn thành khi người lữ khách liên hệ và hòa hợp với nhịp điệu của cái phổ quát và tham gia vào vũ điệu của vũ trụ với một thái độ vui vẻ.
Thông qua thơ Nguyễn, chúng ta nhận thấy Nguyễn ca ngợi phẩm cách, sự tự biểu hiện, tự nhận thức, sáng tạo, và độc lập. Bằng cách kết nối kinh nghiệm, nhà thơ trao cho cá nhân cơ hội tìm ra những hình thức mới mẻ để thể hiện sự say sưa của mình với cuộc đời cùng vô số những ý nghĩa của nó. Trong khi các nhà Đạo học nói chung không nhận thấy phần thưởng ngay tức thì khi ngao du trong môi trường chính trị - xã hội, thì Nguyễn mô tả rằng thông qua việc mở rộng hệ quy chiếu của mình, như được chứng tỏ trong thơ ông, thì lữ khách – con người cá nhân có thể nghe thấy khúc nhạc của vũ trụ và có được những trải nghiệm vui vẻ ngay chính giữa cuộc đời. Trên tổng thể, quan niệm của Nguyễn về việc trở thành con người hoàn thiện giúp đem lại sức sống mới cho truyền thống Nho giáo vốn đã mắc kẹt trong tính hình thức và sự cứng nhắc. Nguyễn góp phần tiêm tinh thần tự nhiên, năng động, và sáng tạo vào cái truyền thống đã tự bằng lòng với những quy tắc và sự tuân thủ quy tắc.
(Trích dịch từ luận án tiến sĩ của Văn Quang Phú, với tựa đề Roaming the world and wandering at ease: Nguyen Cong Tru’s poetic vision of becoming a fully developed human being, Đại học Oregon, 2001).
[1] David L.Hall và Roger T.Ames, Tư tưởng thời Hán: Cái tôi, Sự thực, và sự siêu nghiệm trong văn hóa Trung Quốc và phương Tây, (Albany: State University of New Yok ấn hành, 1998), trg 158 -160.
[2] Bàn về tu từ học, xem Don S. Levi, Biện luận cho lôgich học hình thức,(
[3] Allan Sarah, Đạo của Nước và sự nảy mầm của Đạo đức, (New York: Đại học New York ấn hành, 1997), trag 14.
[4] Shuen-fu Lin, Sự chuyển biến của Truyền thống Thơ ca Trung Hoa, (Princeton: Đại học Princeton ấn hành, 1978), trg 30-37.
[5] Sđd, trg 33.
[6] James Liu, Nghệ thuật thơ ca Trung Hoa, (Chicago: Đại học Chicago ấn hành, 1962), trg 52.
[7] Tham khảo luận giải về vai trò của thơ ca trong mối liên hệ với triết học, xem John Lysaker, Heidegger Leider (Thơ ca), luận án tiến sĩ, Đại học Vanderbilt, 1995.
[8] Roger Ames, “Putting the Te Back into Taoism”, trong Nature in Asian Tradition of Thought, do J. Baird Callicott và Roger .T.
[9] Sđd, trg 17.
[10] Trần Trọng Kim, Nho giáo, (Sài Gòn: Sống Mới, 1972)
[11] Trần Trọng Kim, Sđd trg 376.
[12] Sđd, trg 377.
[13] Stephen Goldberg, Người bạn đồng hành của các triết gia trên thế giới, do Eliot Deutsch và Ron Bontekoe biên tập, (Malden: Nhà xuất bản Blackwell, 1997), trg 229.
[14] Lê Quý Đôn, “Mấy lời về thể lệ sách Toàn Việt Thi Lục”, trong Tổng hợp văn học Việt
[15] Sđd, trg 59.
[16] Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Nguyễn Công Trứ, (Hà Nội: Lê Văn Tấn, 1928), trg 481.
[17] Trang Tử, Những trước tác chính, do Burton Watson dịch, (New York: Đại học Columbia ấn hành, 1964), trg 119-120.
[18] Robert Walsh, “Tâm lý học siêu cá thể”, trong Bách khoa thư Corsini về Khoa học tâm lý và khoa học hành vi, do Edward Craighead và Charles Nemeroff biên tập, (
[19] Sarah Allan, sđd, trg 14.
[20] Victor Mair, “Trang Tử và Eramus” trong Những luận văn thực nghiệm về Trang Tử, do Victor H.Mair biên tập (Hawaii: Đại học Hawaii ấn hành, 1983), trg 92.
[21] Watson, sđd, trg 93.
[22] Mair, sđd, trg 92
[23] Immanuel Kant, Phê bình sự Phán xét, do Werner Pluhar dịch, (Indianapolis: Nhà xuất bản Hackett , 1987), trg 132-133.
[24] Micheal Crandell, “Đi không chạm đất: ‘Chơi’ trong Nội Kinh của Trang Tử,” trong Những luận văn thực nghiệm về Trang Tử, do Micheal Crandell biên tập, (Hawaii: Đại học Hawaii ấn hành, 1983), trg 108.
[25] Sđd, trg 111.
[26] Tạo vần là một phương tiện của thơ ca để thể hiện sự hòa hợp và góp phần minh họa rằng nhân vật trữ tình đang hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống.
[27] Burton Watson, dịch, Những trước tác trọn vẹn của Trang Tử, (New York: Đại học Columbia ấn hành, 1967), trg 58.
[28] Sđd, trg 58.
[29] Đoạn này được trích bởi Chris Jochim trong bài báo của ông “Just say no to self in the Zhuangzi, do Roger Ames biên tập, (New York: Đại học New York ấn hành, 1998), trg 61.
[30] Những trước tác trọn vẹn của Trang Tử, do Burton Watson dịch, (New York: Đại học Columbia ấn hành, 1967), trg 79.
[31] Sđd, trg 137.
[32] Sđd, trg 168.
[33] Những trước tác trọn vẹn của Trang Tử, do Burton Watson dịch, (New York: Đại học Columbia ấn hành, 1967), trg 199-200.
[34] Chris Jochim, “Just say no to no self in Zhuangzi”, trong Wandering at ease in Zhuangzi, do Roger Ames biên tập, (New York: Đại học New York ấn hành, 1998), trg 61.
[35] Sđd, trg 61.
[36] Watson, Trang Tử, trg 219.
[37] Sđd, trang 74
[38] Ngô Quang Danh, Hồ điệp - người bạn đồng hành, (Albany: Đại học New York ấn hành, 1992), trg 74.
273
2359
21448
217947
121356
114511074