Văn hoá học đường

Những kỷ niệm về thầy Nguyễn Trung Hiếu

Chân dung tự họa của thầy Nguyễn Trung Hiếu

Năm thứ ba ở đại học, chúng tôi được thầy Nguyễn Trung Hiếu lên lớp các bài về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Biết lịch dạy có giờ của thầy, nhiều người trong lớp tỏ ra rất háo hức. Chả là, trước đó, chúng tôi đã nghe nhiều giai thoại về thầy do các giảng viên trẻ, các anh chị khóa trước hoặc các anh chị cao học truyền miệng. Có chuyện nói về sự sắc sảo, độc đáo, ngay thẳng, khí khái của thầy, có những chuyện gây hiếu kỳ là chính, ví như, sự "lập dị", chuyện suốt bốn mùa, thầy chỉ rặt đi giày, chưa ai có "diễm phúc" được nhìn đôi chân trần của thầy...

Lần đầu tiên thầy xuất hiện trước lớp chúng tôi với chiếc áo "đại cán" ka ki Liên Xô mà thân áo và tay áo không đồng màu. Đấy là một chiếc áo ấm được thửa lại. Vừa vào lớp, thầy khuỳnh một cánh tay ra như "giới thiệu" sự bất thường của trang phục kèm theo một nụ cười rất thâm thúy. Dạy, thầy nói ít, giọng nhỏ, trầm, hơi rè, chậm rãi. Đôi khi có những chỗ lặng rất lâu, điếu thuốc cháy trên tay, mắt nhìn vào khoảng không, mặc cho đám sinh viên ngước mắt chờ đợi. Trên bảng chỉ có một vài chữ tên bài, thỉnh thoảng, thầy mới cầm phấn phóng vẽ một đồ hình lạ mắt. Thay vì say sưa, hùng hồn truyền thụ tri thức hay nồng nàn gợi hứng như một số giảng viên khác, thầy chủ yếu kích hoạt suy nghĩ của sinh viên bằng cách xác lập quan hệ giữa các dữ kiện rất chọn lọc về tác giả, tác phẩm và dùng một thứ ngôn ngữ hết sức đích đáng để diễn đạt. Cũng có khi là những lối mở bất ngờ vào tác phẩm khiến người nghe khao khát tiếp tục khám phá. Lần đầu tiên, tôi được nghe trong bài giảng về văn học những từ như "quy chiếu", "ánh xạ", "mô hình", "hệ giá trị", "trực giác nghệ thuật", "nghịch lý", "chực tha hóa",... Một vài bạn trong lớp nhíu mày, ra chiều cố đuổi bắt những ý tưởng mới mẻ, lạ lùng mà thầy gợi ra. Hầu như không ai ghi được chữ nào.

Về chuyên môn, bên cạnh các giờ dạy và những bài báo của thầy mà chúng tôi được đọc (kể cả nghe giai thoại xung quanh những bài báo đó, chẳng hạn ông Phạm Văn Đồng thích bài viết của thầy về cái nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu như thế nào), bản thân tôi còn được thầy hướng dẫn Khóa luận tốt nghiệp về Văn học Việt Nam. Đề tài thầy giao cho tôi là Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học yêu nước thế kỷ XIX. Đến nay, tôi chẳng còn nhớ gì về nội dung của khóa luận ấy ngoài hình ảnh bản đề cương viết trên mấy tờ giấy ô-li hơi xám rứt ra từ cuốn vở, được thầy dùng bút nét to chữa thẳng vào và bổ sung mấy tài liệu tham khảo, có cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Tôi biết thầy khá hài lòng về kết quả công việc khi khóa luận của tôi được Khoa chọn trình bày trong Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn trường năm 1982. Tôi nhớ trong Khoa, lần ấy còn có sự tham gia của bạn Phan Huy Dũng lớp 19A; ngoài khoa thì khó mà quên được anh chàng Mỵ Vinh Quang khoa Toán, mặt chữ điền, cao kều (người Thanh Hóa).

Sau những tiết dạy của thầy, tôi lân la "cầu thân". Tôi muốn đến phòng thầy nhưng chưa dám, vì nghe nói thầy có thể đuổi thẳng cổ nếu không vừa ý. Phòng thầy Lê Nguyên Cẩn - nơi thầy Hiếu thỉnh thoảng ghé vào - chính là chỗ "môi giới". Sau một lần xem bức vẽ của tôi về một nhà văn Pháp (tôi "truyền thần" đen trắng từ một cuốn sách ảnh nước ngoài) ở phòng thầy Cẩn, thầy bảo hôm nào đến nhà chơi. Khi thấy thầy "chịu được", tôi trở nên "lì lợm" dấn tới, và kín đáo nhận ra ở thầy sự chấp nhận, thân tình. Đối mặt, thầy không hề dùng đại từ nào như "em", "cậu", "mày" hoặc tên riêng để gọi tôi, mà chỉ nói trống không. Thầy cũng chấp nhận Hồ Việt Anh, lớp 19D. Cứ lựa lúc nào thuận lợi, chúng tôi lại đến "cạch cạch" gõ vào cửa sau của gian nhà tập thể, nơi thầy có một phòng làm việc khoảng dăm mét vuông. - Vào đi! Nghe giọng trầm trầm của thầy cất lên, tôi lách cửa bước vào. Thầy không bao giờ hỏi đến có việc gì. Chúng tôi thường nhẹ nhàng đặt lên bàn thầy một gói thuốc lá. Ngồi vài phút là bắt đầu được hóng chuyện. Thầy có thể nói về bất cứ chủ đề gì thầy thích, không cần gợi chuyện, không cần người nghe ồ à hưởng ứng. Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng thầy đang miên man trong dòng độc thoại. Cứ thế, tôi nghe được khối chuyện từ thầy. Nào là chuyện vợ thầy HNT có nhân tình là bác sĩ, hễ tối nào mà cậu ấy đến muộn là thầy lại sốt ruột hơn cả vợ, cứ lẩm bẩm một mình "chà, hôm nay sao thằng cha đến muộn thế nhỉ", ấy là vì thầy cần "thằng cha" dẫn cô đi chơi để được rảnh rang làm việc; nào là, đi học ngoại ngữ ban đêm, vợ thầy HĐV thường đâm lốp xe của vợ thầy CTM để mưu toan chuyện tình ái với chồng cô kia... Hễ câu chuyện đến chỗ thú vị, thầy lại ghé sát tai người nghe như kiểu họp kín, ném ra một câu bình phẩm "chết người" rồi đưa tay bưng miệng cười hậc hậc, rất khoái chí.

Bên cạnh những câu chuyện như thế (những chuyện có lẽ thầy cũng chỉ được nghe truyền khẩu như một kiểu giai thoại), có nhiều chuyện thầy là "đương sự", là nhân vật chính, là người trong cuộc, khiến tôi nhớ mãi. Thầy kể, hồi Khoa còn sơ tán ở Thạch Thành, có một cán bộ Viện Văn học về làm việc, thấy thầy ăn mặc tuyềnh toàng, hỏi: Anh ăn mặc thế à? - Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - vốn không ưa con người đó, thầy đốp lại lập tức. Một lần, dẫn đoàn sinh viên đi thực tập ở một trường cấp 3 nọ, chướng tai khi nghe anh tổ trưởng tổ Văn luôn đem thâm niên ra để dọa sinh viên, thầy không ngần ngại nói thẳng trong một cuộc họp tổ: - Tôi nói cho anh biết, thâm niên cũng có hai loại, một loại là thâm niên của vàng, một loại là thâm niên của chổi. Tôi đồ rằng, anh thuộc loại thứ hai! Lần khác, đứng xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm Bến Thủy mua thịt, thầy đã định nhảy ào lên nắm lấy cổ áo cô mậu dịch viên trị cho một trận khi nghe cô ta hỗn láo với một ông già. May có cô học trò cũ đứng gần cất tiếng chào, thầy mới hạ hỏa... Cái con người đời thường bình dị, đầy cá tính của thầy, cứ thế, dần dần hiện ra trước mắt tôi, điều không phải sinh viên nào từng học với thầy cũng may mắn được thấy.

Cuộc sống giáo viên thời đó hết sức kham khổ. Dĩ nhiên thầy không thể là ngoại lệ. Những chuyện đó, không cần nói, ai đã sống qua thời bao cấp đều có thể thấu hiểu. Khổ về cái ăn, cái mặc của thầy, tôi từng chứng kiến. Ăn uống thì đạm bạc, qua quýt, có hạt cơm nào chủ yếu dành cho bé Kiên và cái Nhi - lúc bấy giờ mới khoảng dăm ba tuổi. Bữa sáng thường là cho qua. Vào cuối năm 1981, sau trận bão, gian nhà ngói cấp 4 của thầy bị giột tứ bề, quần áo, sách vở, chăn màn như nhúng trong thùng nước. Tôi và Hồ Việt Anh lăng xăng dọn dẹp. Thấy cái chăn của thầy tơ tướp không dùng được nữa, hắn bảo tôi về đem chăn lên cho thầy. Thầy gạt phắt: thằng Lưu gầy thế, lấy chăn của nó để nó chết rét à? Tôi ngần ngại không phải vì sợ rét, mà xấu hổ bởi cái chăn của tôi cũng chẳng ra hồn. Việt Anh chạy về phòng tập thể ôm lên cái chăn bông còn tốt. Thầy chối, nhưng không thể chối được trước sự quyết đoán của cậu học trò tướng mạo rất "anh chị".

Hoàng Mạnh Hùng có kể một lần mời thầy viết chung cuốn giáo trình văn học nước ngoài dành cho đào tạo giáo viên Ngữ văn trung học cơ sở. Khi sách đã phát hành, nhận được nhuận bút, Hùng mừng quá, vội đánh xe máy cả chục cây số giữa trời nắng như đổ lửa đến để đưa cho thầy. 1000 đồng (lúc ấy trị giá khoảng hơn tạ gạo) được người học trò bỏ vào phong bì dán cẩn thận. Anh đến giữa lúc gia đình thầy đang quây quần bên mâm cơm. Sau khi chào hỏi, Hùng sốt sắng cất tiếng trịnh trọng:

- Thưa thầy, sáng nay em vừa nhận được nhuận bút cuốn giáo trình, em đến để...

Chưa nói hết câu, anh đã nhận được một mệnh lệnh lạnh lùng, mặc dù trông nét mặt thầy lúc ấy không có vẻ gì là nghiêm trọng:

- Anh-ra-ngoài-để-chúng-tôi-ăn-cơm!

Chưng hửng, Hùng đành rời phòng thầy, nặng nề bước từng bậc xuống cầu thang, trong lòng hết sức băn khoăn, không biết đã có chuyện gì. Chờ độ 30 phút, anh lại đánh bạo lên phòng thầy một lần nữa. Biết anh lấp ló ngoài cửa, thầy cất tiếng gọi: - Vào đây!

Ngồi đối diện với thầy trong cái phòng làm việc chật nút bừa bộn, anh thấy thầy chỉ vào cuốn sách để sẵn trên bàn, đưa tay che miệng, nói rất khẽ, chỉ đủ cho hai người nghe:

- Số tiền 1000 đồng tôi biết rồi. Anh lấy ra 300 đồng bỏ vào giữa cuốn sách này. Sau đó ta ra phòng ngoài...

Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, vì cần 300 đồng làm "quỹ đen" để giải quyết việc riêng gì đó, nên thầy đã buộc phải bày ra cái "màn kịch lạnh lùng kia" với anh. Thực chất vấn đề có phải vậy hay không, tôi không biết chính xác nhưng chuyện thầy phải hết sức tằn tiện trong chi tiêu hàng ngày thì đúng là một thực tế.

Trước đó, tôi từng rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng hình ảnh thầy từ xa (xa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng): không cao lớn lắm, nhưng trông có vẻ "quý tộc" trong chiếc áo măng-tô dạ đen, chiếc mũ phớt dạ xám, đôi giày cao cổ bằng da thật, mái tóc rẽ ngôi giữa, không mượt cũng không rối, đôi môi mím lại, khóe miệng cắt một nét dứt khoát đầy vẻ quyết đoán, trên tay luôn có điếu thuốc cháy dở, bước từng bước chậm rãi, trầm tư dưới những hàng phi lao của dãy nhà tập thể. Nhưng khi đã "xáp" vào đời sống thường nhật của thầy, mới vỡ ra một điều: tất cả những thứ trang phục kia đều đã quá cũ sờn. Con người "sang trọng" ấy cũng luôn tất bật với những chuyện "tẹp nhẹp" mắm muối dưa cà. Có người bảo, vợ thầy không được khéo. Nhưng ở vào cái thời buổi khốn khó ấy, khéo với vụng thì có ăn thua gì. Cô làm ở thư viện, giờ giấc hành chính ngày 8 tiếng, hai đứa còn nhỏ, một mình thầy phải lo việc bếp núc, kiếm củi đuốc, xếp hàng mua gạo (có khi chỉ là ngô, khoai, bo bo, sắn lát), mua thực phẩm. Tôi từng nghe thầy nói về bí kíp kho cá với dưa, về kinh nghiệm rang cơm nguội cũng say sưa như nói về một họa phẩm vậy.

Tôi con nhà quê, hồi sinh viên cũng như sau này đã ra trường đi dạy, thỉnh thoảng đến thăm, quà cho thầy cũng chỉ chai rượu tăm, cân nếp, bơ đậu. Thầy chỉ lặng lẽ nhìn, không nói gì. Có lần, bố ra Vinh, tôi đưa ông đến chào thầy. Chẳng biết hai "cụ" nói với nhau những gì mà sau đó, trên đường về, bố nhìn tôi có vẻ khá hài lòng. Khi có người yêu, tôi đưa đến giới thiệu với thầy. - Hai vòng tròn không đồng tâm - thầy nhận xét ngay. Hai đứa con tôi đều được thầy lấy số tử vi rất chu đáo. Về cậu con trai sinh năm Mậu Thìn, lá số kết lại bằng một câu: "Người này không xây nghiệp quanh gốc tổ mà sẽ đi xa". Nghiệm quá! Hai lá số được vợ tôi luôn cất giữ cẩn thận như giữ một vật thiêng.

Ngược với sự trầm tĩnh, kiệm lời vốn có, động đến chuyện khoa học, văn chương, nghệ thuật, thầy trở nên khoái hoạt hẳn. Nhiều hôm, tôi ngồi hàng giờ nghe thầy nói về cuốn sách của một ông Tây nào đó lạ hoắc. Nghe thầy nhắc đến chủ nghĩa này chủ nghĩa khác, trường phái nọ trường phái kia bên trời Âu, thuở ấy, tôi u u mơ mơ, chẳng hiểu bao nhiêu. Sau này, đọc lại một số bài báo, nhất là cuốn Về tính hệ thống của văn học của thầy, tôi mới hiểu, thầy rất thông minh, nhạy bén, nhưng khá tài tử, không thuộc típ người ưa tra cứu tỉ mỉ, trích dẫn chính xác. Cho nên, bây giờ có muốn in lại cuốn sách ấy của thầy, người biên tập chẳng thể nào lần ra xuất xứ những câu trích dẫn độc đáo để mà chú nguồn.

Các cán bộ giảng dạy lớp sau của Khoa, nếu chịu ảnh hưởng từ thầy thì chủ yếu là về kiểu tư duy chứ không phải là cung cách làm việc hay thao tác kỹ thuật. Tôi biết, trong Khoa, có những thầy giáo được người ta nhìn nhận như "đệ tử chân truyền" của thầy Nguyễn Trung Hiếu, thể hiện ở cách nghĩ, lối tiếp cận vấn đề, mặc dù các vị ấy đã tự vạch một con đường riêng của mình trong giảng dạy, nghiên cứu. Tôi muốn nhắc đến thầy Lê Văn Tùng, PGS.TS Biện Minh Điền... Có người, từ kiểu tư duy độc đáo và cả từ những giới hạn của thầy, đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu để vươn lên, tiệm cận với hệ hình nghiên cứu mới, những lý thuyết hiện đại và gặt hái không ít thành công. Nhìn lại điểm xuất phát, hẳn họ thầm biết ơn thầy. Đọc hồi ức của các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử,... tôi nhận thấy, khi nhớ về những năm tháng công tác ở Đại học Sư phạm Vinh, các thầy có thể quên người này người kia, nhưng thầy Nguyễn Trung Hiếu thì bao giờ cũng được nhắc đến với một sự nể trọng không giấu giếm. Tôi đã nghe vài lần GS Trần Đình Sử nói về thầy Hiếu với thái độ cảm phục. Một người từng bám sát những lý thuyết nghiên cứu hiện đại của thế giới như thầy Sử, thì khi thầy nói về những nỗ lực vượt thoát lối tiếp cận xã hội học dung tục mà thầy Nguyễn Trung Hiếu đã thể hiện trong những điều kiện rất ngặt nghèo và một môi trường học thuật hết sức hạn chế, quả thật rất đáng tin.

Trong nghiên cứu, thầy đặc biệt thích kiểu tư duy đột phá và khả năng mô hình hóa đối tượng bằng cái nhìn hệ thống. Trước một hiện tượng văn học, với thầy, điều quan trọng nhất là phải có tư tưởng, từ đó có cách tiếp cận mới, chứ không phải là ở khả năng diễn giải theo cảm nhận chủ quan. Phải đi vào cái lõi của vấn đề thay vì nệ sự đủ đầy, tròn trịa. Từ cái lõi đó, mọi yếu tố sẽ được quy chiếu về một hệ giá trị mới được xác lập để có cách đánh giá khác biệt.

Kiểu tư duy ấy tất phải được biểu đạt bằng ngôn từ sắc cạnh, và bảo vệ bằng thái độ quyết liệt, nhiều lúc cực đoan. Những quan điểm của thầy về sự có mặt bài Tùng của Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa phổ thông, về thơ văn Đồ Chiều, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, về Truyện Kiều...đều có tính "gây sự", nhằm phá bỏ lối mòn, đập vỡ sự ổn định trong cách định vị các giá trị. Chính vì thế, nếu ai muốn phản biện thầy một cách khoa học, nhất thiết phải dựng lên một hệ thống, một mô hình đối lập chứ không phải chỉ bắt bẻ các tiểu tiết, những chỗ sơ hở trong lập luận, sự thiếu chính xác trong tư liệu dẫn trích.

Có lẽ bởi kiểu tư duy và tính cách đó, sự giao đãi của thầy trong giới rất có lựa chọn. Thầy chịu được ai, không thích ai đều bộc lộ bằng một thái độ dứt khoát, không lừng khừng nước đôi. Sự nhân hậu của thầy không thể hiện một cách dễ dãi. Thương ai thì kín đáo giúp đỡ, tương đắc với ai thì để trong lòng, sự “biệt nhỡn” nhiều khi chỉ bằng một ánh mắt, không vồ vập lộ liễu, người ngoài khó mà biết. Thầy không ưa những kẻ bất tài, vô bản sắc, đãi bôi, tầm phào, và đặc biệt chúa ghét loại xu phụ, cơ hội, tráo trở. Những kẻ đó thường bị thầy “trừng phạt” bằng một câu đích đáng, để đời. Tôi biết một người bị thầy vĩnh viễn “cấm cửa”, mặc dù trước đó, thầy mở lòng vì tưởng kẻ có chút máu “nghệ sĩ” thì không thể nào tồi tệ được. Nguyên do thật đơn giản: thầy vốn mê chụp ảnh, tự tráng phim và in ảnh. Một hôm, có người cho cuộn phim, thầy say sưa chụp, thể nghiệm nhiều ý tưởng bố cục độc đáo, “chơi” nhiều kiểu ngược sáng lạ, đặc biệt thầy dành nhiều thời gian, tỉ mỉ chọn góc, xoay trở đủ chiều, như dồn hết khả năng và tình cảm để chụp đến hơn chục kiểu cho cô con gái cưng. Thầy xin anh phóng viên nửa mùa kiêm thợ ảnh kia ít thuốc đã pha để tráng phim đen trắng. Anh ta đưa cho thầy thứ thuốc, mà sau khi tráng xong phim, thầy mới biết, đã dùng quá nhiều lần, đáng đổ đi. Cuộn phim lên hình lờ nhờ, âm bản không phân biệt sáng tối, in ra, chỉ được những bức ảnh đục mờ như ngâm nước gạo. Trông thầy lúc ấy vừa tiếc nuối, vừa chua chát, vừa giận dữ, giá con người kia có mặt ở đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Tôi nghe thầy kể về việc tiếp ông Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh hồi đó (vốn là học sinh cũ của thầy) cũng như một vài ông "bự" rất có uy trong chính giới tại gian nhà cũ nát ấy. Trước những kẻ có quyền, thầy không bao giờ đánh mất cốt cách của mình, không bao giờ là người hèn. Đôi lúc, tôi và Việt Anh được vinh dự làm chút đồ nhắm đạm bạc (về khoản này, cậu ấy rất tháo vát) để thầy tiếp ông nhà thơ, nhà văn, họa sĩ nào đó. Tôi biết, từng đến nhà thầy có nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà nghiên cứu Phan Ngọc, nhà giáo Trần Quốc Nghệ, họa sĩ Đào Phương, nhà thơ Thạch Quỳ... Chơi được với thầy, phải là người có tài, có cá tính, thích tìm tòi, đột phá trong suy nghĩ và sáng tạo. Thầy có những người bạn thâm giao, ví như nhà thơ Trần Hữu Thung. Một lần, sau khi ông Thung về, thầy kể cho tôi những chuyện lùm xùm, co kéo ở Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh bởi sự chủng chẳng giữa hai nhà thơ lão thành của xứ Nghệ lúc bấy giờ. Rồi thầy đọc cho nghe đôi câu đối rất "thế sự" của một tác giả ẩn danh nào đó:

Trăm năm trong cõi người, đã hẳn có bầu là có bạn

Một cuộc bể dâu trải, dễ chi cùng hội lại cùng thuyền

- Đúng ra là "một cuộc bể dâu khỉ", thầy vừa "đính chính" vừa bưng miệng cười rất tâm đắc.

Hôm thầy Trần Quốc Nghệ từ Hương Sơn ra chơi, thầy lôi trong ngăn kéo một tập giấy chép tay, bảo: - Đọc đi, rồi cho nhận xét, tôi đi kiếm chút đồ nhắm. Ấy là báo cáo khoa học cuối năm của một vị dạy Văn học Pháp, viết về Victor Hugo. Thầy Trần Quốc Nghệ hào hứng đón lấy tập giấy, ra nằm trên giường phòng ngoài, tréo chân, đọc xong rất nhanh rồi cầm bút phê luôn một câu: "Nhà văn thì quá lớn mà người viết thì quá bé!".

Thầy thích trò chuyện với họa sĩ Đào Phương, cả về hội họa và thơ. Thầy thấy ở tác phẩm hội họa của Đào Phương cái chất thơ rất "mộc", cũng như cái chất Monet trong thơ của ông. Có lẽ vì thế mà khi được đọc bản vi tính tập Đêm vườn tượng của Đào Phương cùng một số thơ của nhà họa sĩ - điêu khắc đăng trên các báo, thầy đã viết bài phê bình khá tâm đắc. Sau này, bài được chọn in trong một tập tuyển phê bình văn nghệ Nghệ An. Các cuộc tiếp xúc với nhà họa sĩ này đã kích thích thêm hứng vẽ của thầy.

Có lẽ do tôi ít nhiều biết vẽ nên thầy trò dễ gần gũi nhau hơn. Nhiều lần, tôi được chứng kiến thầy vẽ tranh, có bức vừa hoàn thành, có bức đang dang dở. Thầy ký họa bé Nhi (con gái của thầy) lúc khoảng dăm bảy tháng tuổi hoặc mẹ thầy ngoài lúc 80, nét vẽ thoáng, hoạt, rất thần tình. Qua các bức vẽ, tôi biết thầy thương Nhi một cách đặc biệt. Đứa con gái yêu là nguyên mẫu của rất nhiều bức vẽ, với nhiều tư thế khác nhau. Có khi, thầy không cần nhìn "mẫu", mà chỉ đưa vài nét, tôi đã nhận ra ngay khuôn mặt, đôi mắt, nét môi của cô bé.

Thầy khá vững về hình họa, về xử lý sáng - tối, viễn cận, còn dùng màu thì rất phóng túng. Vẻ đẹp phụ nữ là một nguồn hứng khởi bất tận ở hầu hết tác phẩm của thầy. Phụ nữ chèo thuyền, đạp xe, gánh nước, cầm hoa, đánh đàn, múa quạt... và tập trung nhất ở Kiều với nhiều tư thế khác nhau. Dù vẽ gần, đặc tả hay chỉ vài nét sơ thoáng vẽ nhân vật ở xa, thân hình người nữ vẫn hết sức duyên dáng, gợi cảm. Một số bức minh họa Kiều theo lối tả thực, trông rất đẹp. Cùng một đề tài "Khách đà lên ngựa người còn nghé theo", thầy thể nghiệm nhiều bố cục khác nhau, và bức nào cũng thấm đẫm cảm xúc. Tôi đặc biệt thích bức vẽ con hổ thân hình lượn sóng vừa uyển chuyển, vừa dũng mãnh, lấy cảm hứng từ Nhớ rừng của Thế Lữ, phía dưới ghi hai câu thơ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.

Vẽ bột màu, thầy vẫn phết nhiều lớp, dày như kiểu vẽ sơn dầu, có khi tạo ra những hòa sắc bất ngờ, ngoài dự định. Từng vệt vàng của ánh trăng tan ra khi con hổ chạm mũi vào mặt nước gây ấn tượng mạnh.

Kiều Loan - Tranh của thầy Nguyễn Trung Hiếu lấy cảm hứng kịch thơ  

Kiều Loan (Hoàng Cầm)

Cũng tại căn phòng làm việc chật chội ấy, tôi có dịp "trổ tài" bằng cách phóng to bức chân dung đen trắng cỡ 6 x 9 của thầy được chụp rất nghệ thuật bởi người thợ ảnh có tay nghề cao ở Hà Nội vào những năm 60. Lối vẽ truyền thần để mưu sinh như tôi hoàn toàn khác với kiểu sáng tác hội họa tùy hứng của thầy. Tuy vậy, thầy cũng tỏ ra thích bức chân dung tôi vẽ bằng bột gouache, mà đến bây giờ, nếu gia đình khéo giữ, hẳn vẫn còn.

"Duyên vẽ" của hai thầy trò được thể hiện lần chót là vào dịp Tết Nhâm Tuất (1982). Ấy là cái Tết cuối cùng của đời sinh viên. Mồng 4 Tết, tôi mang rượu, bánh ra mừng tuổi thầy. Lần đầu tiên, tôi được nâng chén cùng thầy. Sau đó, thầy trò miệt mài vẽ tranh. Tết Tuất, tranh nào cũng có hình con chó, đủ kiểu. Thích nhất là bức cô bé ôm con cún, giống kiểu em bé ôm cá chép hay ôm gà trong tranh dân gian Đông Hồ. Mặt em bé chính là mặt Nhi, không lẫn vào đâu. Thầy phác chì, tôi lên màu. Hết buổi chiều, trên giường, trên bàn la liệt tranh. Hôm sau, tôi mang hai bức về quê treo tết muộn.

Khép lại dòng hồi ức này, tôi xin kể lại một sự kiện trong đời tôi, liên quan đến thầy Nguyễn Trung Hiếu, tôi không bao giờ được phép quên.

Chuyện là, cuối tháng 5 năm 1982, Khóa 19 Khoa Văn thì tốt nghiệp xong. Vì thường ngày vẫn hay la cà, đến chơi với các thầy ở phòng độc thân như thầy Trần Quốc Chửng, thầy Lê Nguyên Cẩn, thầy Nguyễn Văn Bồng,... nên sáng ấy, tôi đến chào các thầy để về quê nghỉ hè, cũng coi như chia tay luôn, không biết bao giờ thầy trò mới gặp lại nhau, vì khi có kết quả tốt nghiệp, chúng tôi sẽ đến Phòng Tổ chức cán bộ nhận Quyết định phân công công tác rồi lên đường, mỗi người một nẻo.

Ngồi chơi ở phòng thầy Lê Nguyên Cẩn, tôi nghe ở phòng bên, thầy Tưởng Đăng Trữ đang nói chuyện với một thầy nào đó, giọng oang oang: - Hôm qua, tổ Lý luận - Giáo học pháp gặp một bài rất kỳ lạ. Sinh viên chỉ viết mấy câu sổ toẹt đề thi, không làm bài. Dĩ nhiên là điểm 1. Từ trước đến nay, chưa từng gặp một trường hợp nào làm bài kiểu đó.

Nghe xong, tôi giật mình. Tôi tất tưởi chạy đến phòng thầy Nguyễn Trung Hiếu để cầu cứu. Sau khi tôi thuật lại câu nói của thầy Tưởng Đăng Trữ mà tôi nghe lỏm được, thầy hỏi: - Có đích là bài của mày không? (Lần đầu tiên thầy dùng đại từ "mày" với tôi). Dạ, đúng - tôi lí nhí trả lời.

Thầy đưa cho tôi một tờ giấy rồi bảo: - Nhớ lại đề rồi chép vào đây!

Nguyên đề thi tốt nghiệp môn Giáo học pháp năm ấy là thế này:

"Nhận định về tục ngữ và ca dao, sách giáo khoa Văn 10 có viết: "Nếu tục ngữ thiên về trí tuệ, về nhận định cuộc đời, thì ca dao thiên về tình cảm, về biểu hiện lòng người".

Dựa vào nhận định đó, hãy chứng minh rằng: Tục ngữ là pho bách khoa toàn thư về đời sống xã hội, còn ca dao là tiếng tơ đàn muôn điệu thể hiện tâm hồn quần chúng.

Là một giáo viên dạy Văn trung học phổ thông, anh chị hãy nhận xét đề trên và lập đáp án, thang điểm để chấm bài.

Đọc lướt qua đề, thầy hỏi: - Bài làm thế nào?

- Dạ, em cho rằng: trong đề có hai nhận định, một của sách giáo khoa, một của người ra đề. Hai nhận định đó thực chất chỉ là một nội dung, và dĩ nhiên đều chưa được làm sáng tỏ. Diễn đạt như trong đề chẳng khác nào dựa vào một ẩn số để chứng minh chính nó. Đó là điều vô lý, không thể làm được.

Nghe xong, thầy ra lệnh: - Đi!

Tôi lụi cụi bước theo thầy. Đến nơi, tôi mới biết đó là nhà của thầy Hoàng Tiến Tựu, Chủ nhiệm Khoa. Lúc ấy, thầy Tựu đang cầm cái điếu cày, vắt chân chữ "ngũ", trầm tư sau một khói thuốc lào.

- Đọc cái đề này đi - Thầy Hiếu trao tờ giấy cho thầy Tựu và nói cộc lốc.

Vừa liếc qua, thầy Chủ nhiệm Khoa thủng thẳng: - Đề tốt nghiệp Giáo học pháp năm nay đấy. Sao vậy anh?

Thầy Hiếu bảo tôi thuật lại cách làm bài và kết quả mà thầy Trữ đưa tin sớm. Nghe xong, thầy Hoàng Tiến Tựu nói khẽ: Có chuyện rồi!

Mấy ngày sau, tôi được biết: thầy Hoàng Tiến Tựu đã yêu cầu tổ Lý luận - Giáo học pháp dừng chấm bài, thảo luận lại đáp án của đề. Không hiểu các thầy thảo luận những gì, chỉ biết sau đó, bài của tôi từ 1 điểm nhảy vọt lên 9 điểm. Đúng là suýt chết, vì với con điểm 1 (điểm liệt) thì phải đợi đến năm sau, tôi mới được thi lại môn này với khóa 20. Dĩ nhiên, tương lai sẽ rất mù mịt.

Vậy là, với thầy Nguyễn Trung Hiếu, tôi đã mang một ơn rất lớn: ơn cứu tử. Đúng vậy! Nếu không gần gũi thầy, hẳn đời tôi đã rẽ sang một ngả khác, chẳng biết vinh nhục sướng khổ thế nào, nhưng chắc chắn không có chuyện bây giờ ngồi đây mà viết những dòng hồi ức như thế này.

6/7/2019

Đ.L

*Viện SPXH, Trường Đại học Vinh

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446165

Hôm nay

296

Hôm qua

2284

Tuần này

21774

Tháng này

212424

Tháng qua

120141

Tất cả

114446165