Văn hoá học đường

Nhớ mãi một người thầy

Đầu năm 2006, trên đường đi công tác xuống Đồng Tháp, tôi tranh thủ dừng chân tại thành phố Hồ Chí Minh thăm PGS Lê Bá Hán. Năm 2000, sau khi rời khoa Ngữ văn, Đại học Vinh sau 41 năm gắn bó, Ông Bà vào thành phố Hồ Chí Minh sống với cô con gái đầu tại một căn hộ ở quận Tân Bình. Ông vừa từ Pháp trở về sau một đợt điều trị dài ngày. Khi nghe tôi báo tin qua điện thoại, ông còn cẩn thận hướng dẫn tôi phải đi như thế nào, theo đường nào là gần nhất, nên đi phương tiện gì để đến được phường 17, quận Tân Bình. Tôi thầm mỉm cười trước cái chu đáo gần như là một thứ “bệnh” nghề nghiệp của một người thầy mà tôi đã được vinh hạnh là học trò, sau đó là đồng nghiệp của ông trong hơn 20 năm tại khoa Ngữ văn, Đại học Vinh. Vẫn với đôi mắt ánh lên vẻ chân tình, thân mật, vẫn với giọng nói rành rẽ,  ấm áp, tuy đã pha chút mệt mỏi, thầy kể về chuyến sang Pháp điều trị “nhờ con gái tài trợ”, sau đó hỏi thăm và trò chuyện với tôi về đồng nghiệp, về bạn bè, về học trò, về tình hình ở khoa Ngữ văn và trường Đại học Vinh, nơi ông đã chia tay nhưng cũng là nơi ông luôn hướng về với biết bao quan tâm, chia sẻ. Tôi không ngờ ở nơi xa mà thầy hiểu rõ tình hình khoa và trường đến thế. Thầy biết ai mới được lên chức, ai bảo vệ xong luận án cấp cơ sở, ai mới được công nhận giảng viên chính, thậm chí ai mới có bài đăng tạp chí. Mà cũng dễ hiểu thôi, Đại học Vinh và khoa Ngữ văn đã là “mối tình gần nửa thế kỷ”, là nơi in dấu gần trọn cuộc đời ông, nơi ông đã sống với nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui và cả những nỗi buồn không dễ thổ lộ. Tôi - người học trò mà thầy quí mến, đã hơn một lần chứng kiến vẻ trầm tư của ông bên chiếc bàn con ở căn hộ tầng 4 nhà A3 khu tập thể Quang Trung, những lúc ông gặp trắc trở gì đó trong công tác hoặc trong quan hệ với đồng nghiệp. Để đứng vững trên mảnh đất lắm nhân tài và cũng rất nhiều những xét nét, những ràng buộc khe khắt này, để trở thành một Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học khoa, Phó Chủ tịch hội đồng khoa học trường, Chủ nhiệm chuyên ngành đào tạo sau đại học, Chủ nhiệm một chương trình nghiên cứu quan trọng của tỉnh, ông bố của một gia đình mà con cái đều là phó giáo sư hoặc tiến sĩ..., ông đã phải gồng mình lên, nhiều khi đã phải chịu những hệ luỵ, những hiểu lầm không đáng có. Thế hệ ông, trong đó có nhiều người thầy giáo đáng kính của tôi như thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Nguyễn Trung Hiếu, Thầy Từ Đức Trịnh, thầy Đậu Văn Ngọ, thầy Phan Thiều... nay đã lần lượt trở thành người thiên cổ. Tôi không dám đưa ra lời nhận xét, nhưng tôi biết các thầy đã phải sống, phải tồn tại trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động và đầy những gian truân, khổ ải. Nỗi khổ không của riêng ai. PGS Lê Bá Hán cũng vậy. Ông cũng đã nhiều lần mệt mỏi, thậm chí trong ông đã có lần lóe lên ý nghĩ về một sự chia tay với mảnh đất thành Vinh. Bạn bè ông nhiều người đã làm như thế và họ đã thành đạt trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học khi biết tìm về những trung tâm đô thị lớn. Nhưng ông đã ở lại để tiếp tục sống, dạy học, nghiên cứu khoa học và trở thành “khai khoa công thần” duy nhất bám trụ tại khoa Ngữ văn cho đến tận lúc nghỉ hưu. 41 năm trời, quãng thời gian không ngắn của một đời người - quãng thời gian từ khi ông còn là một chàng thanh niên trai trẻ, đầy nhiệt huyết, nhận lệnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục vác ba lô cùng 17 cán bộ khác vào Vinh để “dựng ngọn cờ hồng trên quê hương Xô viết”, đến lúc trở thành một PGS, Nhà giáo Ưu tú đầu bạc ngoài tuổi 60, chia tay Vinh trong sự luyến tiếc, biết ơn của nhiều thế hệ học trò, sự quí mến của bạn bè, đồng nghiệp, sự tin cậy của các cấp lãnh đạo. Khi trò chuyện với nhiều nhà giáo cùng thế hệ với ông, nhiều người nói rằng họ không hiểu cái gì đã giữ ông ở lại với mảnh đất “gió lào cát trắng” này lâu đến vậy? Là người nhạy cảm, tôi biết ông quá hiểu những cái được, cái mất trong 41 năm trời ấy. Nhưng nhiều lần nói chuyện cùng ông, tôi chưa bao giờ thấy ông phàn nàn hay hối tiếc về những quyết định của mình. Lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo, cái tình đối với mảnh đất mà ông đã gắn bó hơn nửa đời người, đó là những ràng buộc để ông ở lại, để tiếp tục hàng ngày đạp xe hoặc đi xe ôm xuống trường dạy học, tiếp tục hàng ngày leo sáu nhịp cầu thang lên tầng bốn, tiếp tục vụng về chuẩn bị cho mình những bữa cơm khi cô Lộc vắng nhà và những đứa con đã đi xa. Câu trả lời có vẻ đơn giản và công thức, nhưng sự thực vốn lại thường giản đơn như vậy.

Tôi được biết PGS Lê Bá Hán khi còn là một cậu học sinh lớp 10 (hệ 10 năm) của trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Khi ấy, ông thường được mời sang để nói chuyện hoặc bồi dưỡng đội tuyển chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đám học trò chuyên văn ngày ấy cho đến nay vẫn nhớ rất rõ cái dáng vẻ sang trọng, đầy chất trí thức của ông khi đứng giảng bài trong bộ com lê màu xanh thẫm cùng đôi dày da bóng loáng. Giọng ông hơi khàn, nhưng ấm và vang, luận điểm luận cứ rất rành mạch, lên giọng xuống giọng đúng lúc, đúng chỗ. Những bài lý luận văn học phức tạp trở nên thật sinh động và dễ hiểu. Sau đó, trở thành sinh viên khoa Văn, tôi lại được học lý luận văn học với ông, được ông hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và được ông dìu dắt, bày vẽ trong những bước đầu chập chững làm thầy. Cái đầu tiên tôi học được ở ông là sự chu đáo, hết lòng trong công việc. Từ những bài luyện thi đại học đến những chuyên đề giảng dạy cho các lớp sau đại học, từ một bài báo con con tham gia hội nghị cấp khoa đến những công trình khoa học lớn có tiếng vang, ông đều chuẩn bị cẩn thận, sửa đi sửa lại thật chuẩn xác mới thôi. Có lẽ do sự chuẩn bị cẩn thận này mà những giờ lên lớp của ông bao giờ cũng rõ ràng, hấp dẫn. Cái cẩn thận, mô phạm này nhiều lúc cũng làm khổ cho ông. Ông không thể từ chối các lớp luyện thi đại học vì yêu cầu của các bậc phụ huynh. Ông phải tham gia nhiều lần việc ra đề thi tuyển sinh kể cả khi ông đang cao huyết áp. Ông buộc phải có mặt ở những buổi lễ long trọng có nhiều quan khách của khoa, của trường, mặc dù ông rất ngại tiệc tùng. Có lúc, ông phải làm... báo cáo viên chính trị mặc dầu ông chưa là Đảng viên. Rồi ông được tỉnh tín nhiệm giao phụ trách một chương trình nghiên cứu trọng điểm “Con người Nghệ An trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” khi ông đã sắp nghỉ hưu... Tôi biết trong vô vàn những việc đã làm, không phải việc gì ông cũng hứng thú, nhưng dù thích hay không, khi đã nhận là ông làm chu đáo, hết mình. Ông được sự tín nhiệm của nhiều cấp lãnh đạo cũng vì thế.

Trong 41 năm giảng dạy tại khoa Ngữ văn Đại học Vinh, PGS Lê Bá Hán đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ trẻ của khoa. Nhiều học trò mà ông dìu dắt nay đã là phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính. Cán bộ khoa Văn trong những câu chuyện đùa thường nói rằng PGS Lê Bá Hán có những đệ tử nhìn giống ông hơn cả... con ông. Chuyện đùa nhưng ngẫm có cái lý của nó. Những người thầy xuất sắc bao giờ cũng để lại dấu ấn nơi đám học trò: một phong thái sống, một cách thức giảng bài hay một thói quen nào đó chẳng hạn. Trong cuộc sống hàng ngày, PGS Lê Bá Hán chưa hẳn đã là người ưa chuyện, ham chuyện. Nhưng khi ngồi với đám cán bộ trẻ trong khoa, ông như một con người khác hẳn, hết sức cởi mở, thoải mái, chân tình. Đề tài khoa học của ông thường là những đề tài tập thể, có sự tham gia của nhiều người, trong đó có các cán bộ trẻ: Thuật ngữ nghiên cứu văn học (1974), Phân tích thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh (1988), Về một số vấn đề lý luận văn học được tranh luận qua công cuộc đổi mới 1987-1992 (1994), Con người Nghệ An trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996 - 2000)... Và với uy tín của mình, ông dám nhiều lần “can thiệp” với người này người nọ để bảo vệ cho họ nếu ông thấy điều ấy là cần thiết. Mà khuyết điểm của đám cán bộ “trẻ người non dạ” ở cái “thời xa vắng” ấy thì nhiều lắm: nào là tại sao nói chuyện với sinh viên nữ lại đóng kín cửa phòng lại, tại sao yêu lâu thế mà không chịu cưới, tại sao dám vẽ tranh khỏa thân để ở trong phòng... Tôi nhớ có lần ông đã chạy lên chạy xuống tác động chỗ này, chỗ nọ đến khổ để mong người ta tiếp nhận một học viên thạc sĩ có năng lực, cũng là học trò trường chuyên ông có tham gia giảng dạy. Việc không thành, anh chàng nọ đã đi học tiếp nghiên cứu sinh và nay đã là một tiến sĩ giảng dạy tại một trường đại học lớn ở Hà Nội.

Khi chia tay Vinh để vào thành phố Hồ Chí Minh, ông nói với tôi rằng, ông bà vào chơi với con gái một thời gian, sau đó sẽ ra Hà Nội. Nhưng rồi ông đã ở lại thành phố Hồ Chí Minh đến mấy năm trời. Ông lại tự cột mình vào nghề dạy học. Có lúc tôi tự hỏi: 43 năm trời với biết bao sướng khổ của nghề dạy học, nay được nghỉ, sao ông không để cho mình được thảnh thơi một chút?  Nhưng tôi cũng tự tìm thấy ngay câu trả lời cho mình: với PGS Lê Bá Hán, dạy học không chỉ là nghề mà đã thành một thứ nghiệp, mà đã là nghiệp thì người ta đâu dễ dàng rời bỏ.

Sau lần gặp PGS Lê Bá Hán ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi còn được gặp ông một lần nữa, và không ngờ lần gặp mặt này lại là lần cuối cùng. Bệnh tình đã trở nên trầm trọng, ông được gia đình đưa ra Hà Nội. Tôi còn nhớ rất rõ hôm ấy, trong căn hộ tại khu chung cư Nhân Chính, ông ngồi trong chiếc ghế bành, thân thể gầy gò, khuôn mặt mệt mỏi vì đang phải chống chọi với những cơn đau dữ dội. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, khuôn mặt ông lại ánh lên cái nhìn vui vẻ, ấm áp khác thường. Ông cố nói chuyện nhiều, và có lúc như quên cả cơn đau, ông còn đùa tếu với chúng tôi. Ông bỗng nắm tay tôi: “Mình suốt đời gắn bó với khoa Văn. Nay có nguyện vọng cuối cùng, muốn được cậu vừa là học trò khoa Văn, vừa là cháu viết cho bài điếu văn”. Tôi ngậm ngùi: “Sao thầy lo xa thế”. Ông bảo: “Lo dần đi là vừa”. Không ngờ câu nói đó chỉ một tháng sau lại trở thành sự thật. Tôi là người viết điếu văn cho ông, vừa viết vừa rơi nước mắt, gửi ra Hà Nội để nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đọc trong đám tang của ông, đau đớn thay!                                                                 

Một thế hệ vàng các thầy nay đều đã đi xa, về với thế giới người hiền: thầy Lê Hoài Nam, thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Lê Bá Hán, thầy Nguyễn Sĩ Cẩn, thầy Từ Đức Trịnh… Cho đến những phút cuối đời, các thầy vẫn luôn đau đáu về khoa Ngữ văn, về sự trưởng thành, đi lên của nó. Các thầy đi xa, nhưng để lại những khoảng trời thương nhớ, những khoảng trời luôn ấm áp, trong trẻo trong tôi và chắc cũng trong trẻo trong ký ức của nhiều thế hệ học trò khoa Văn ngày ấy. Riêng với thầy Lê Bá Hán, vẫn có một cái gì đặc biệt, một cái gì đó khiến lòng tôi rưng rưng mỗi khi nhớ về, nhưng lại khó lòng lý giải.

                                                                  Vinh, cuối năm 2019

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446129

Hôm nay

260

Hôm qua

2284

Tuần này

21738

Tháng này

212388

Tháng qua

120141

Tất cả

114446129