Diễn đàn

Cốt cách người Nghệ và ba hướng chiến lược sử dụng nhân tài

Sông Lam (Ngàn Cả, sông Cả...) là một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam; phần chính của dòng dông chảy qua Nghệ An. Ảnh Sách Nguyễn

Đếm kẻ có học ở xứ Nghệ An như đếm trúc Nam sơn. Kể về công lao của họ chẳng khác gì đem gàu đong nước biển. Nhưng nếu không nêu ra bằng chứng thì bị cho là nói ngoa. Bởi thế không thể không phác họa. Dẫu biết rằng sẽ không tránh khỏi bị người đời trách cứ - sao dám lấy túi ba gang để đựng cả càn khôn.

1. Đất học sinh hào kiệt

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Để thấy được, trên đất Việt Nam kẻ hào kiệt có khắp mọi nơi, ở mọi thời đại. Nghệ An là đất Địa Linh Nhân Kiệt của người Việt, nên tự đó mà sinh ra lớp lớp hào kiệt.

Điều nổi trội đậm chất xứ Nghệ, là bậc hào kiệt không tách rời với việc học. Kiến thức nhiều là thành tố không tách rời của bậc hào kiệt. Hay một cách diễn đạt nguyên nhân - hệ quả, thì muốn trở thành hào kiệt trước hết phải là kẻ có nhiều tri thức. Điều này đã làm nên tính cách khác biệt của người Nghệ - lấy sự học làm đầu. Đó cũng là một phần lời giải tại sao người Nghệ hiếu học.

Nhưng phải hiểu việc học theo đúng nghĩa rộng, là quá trình tìm kiếm và thu nhận kiến thức. Điều đó có nghĩa là không đồng nhất việc học với sự đến trường.Có người không đến trường mà việc học lại diễn ra thường xuyên, bề ngoài không nhìn thấy việc học mà tri thức ngày càng được thu nạp đầy. Ở xứ Nghệ, người có tri thức đếm không xuể. Ở xứ Nghệ, đếm người có học không đếm theo kẻ đến lớp. Cho nên, thấy kẻ áo vải đừng nghĩ là kẻ khù khờ. Bậc hào kiệt thường khéo ẩn giấu việc học hành một cách tự nhiên.

2. Thiên nhiên tôi cốt cách

Con người sinh ra và lớn lên chịu sự quyết định của 2 nhân tố “Nội di truyền” và “Ngoại di truyền”. “Nội di truyền” là di truyền từ bố mẹ tổ tiên. “Ngoại di truyền” là“di truyền” từ điều kiện sống hàng ngày, trong đó môi trường thiên nhiên địa phương giữ một vai trò quan trọng. Thiên nhiên thế nào con người thế đấy.

Thiên nhiên Nghệ An từ ngàn xưa nổi tiếng khắc nghiệt quanh năm. Mùa nóng, ban ngày không chỉ nắng nứt đất nẻ đá, mà ban đêm còn bị gió Lào nóng khô khốc hầm hập càn quét. Mùa mưa lũ lụt nước ngập lút giường ngủ, bão nhổ bật cả hàng cây cổ thụ. Mùa rét sương giá buốt tay, con cá cứng người không thể di chuyển. Đất Nghệ An vì thế mà thành nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” để sống sót.

Thiên nhiên Nghệ An khắc nghiệt làm cho con người Nghệ An cũng khắc nghiệt. Họ khắc nghiệt với bản thân mình để sống sót trước thiên nhiên. Họ khắc nghiệt với người khác để cùng sống sót. Nhưng cũng chính nhờ thiên nhiên tôi luyện mà người xứ Nghệ được“di truyền” nhiều cốt cách quý giá của thiên nhiên.

3. Những cốt cách di truyền

3.1. Dũng cảm đến bất thường

1. Dũng cảm đến không sợ chết là một cốt cách quý giá được tôi luyện của người Nghệ An. Có điều, người Nghệ sở hữu cốt cách dũng cảm không ở mức thông thường mà ở mức bất thường - đó là cốt cách dũng cảm đặc biệt của người Nghệ. Họ không chỉ dũng cảm xả thân trong chiến đấu, mà còn dũng cảm cả trong những hoàn cảnh bất thường đến man rợ. Điều đó lý giải tại sao Nguyễn Biểu ung dung ăn thịt đầu người do Trương Phụ nhà Minh dọn ra. Trong trường hợp của Nguyễn Biểu, người dũng cảm cũng chết khiếp. Thế mà trước mặt quân Minh, Nguyễn Biểu chọn đôi mắt trong đầu người, gắp ra chấm muối thản nhiên ăn. Ông còn tỏ ra ‘vui mừng” “chẳng mấy khi được ăn thịt người phương Bắc”, rồi “cao hứng” vịnh thơ:

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi

Gia hào thêm có cỗ đầu người

Nem cuông chả phượng còn thua béo

Thịt gụ gan lân cũng kém tươi

Ca lối lộc minh so cũng một

Đọ bề vàng sắt bội hơn mười

Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn

Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.

Trường hợp của Nguyễn Biểu làm nhớ lại tích Kinh Kha. Rằng nếu Kinh Kha có một tráng sĩ như Nguyễn Biểu đi cùng thì Tần Thủy Hoàng đã bị giết. Người đi cùng Kinh Kha là Tần Vũ Dương - tráng sĩ giỏi hàng đầu được chọn trong 3.000 môn khách của Thái tử Đan nước Yên. Kinh Kha xách đầu Phàn Ô Kỳ - là phản tướng của vua Tần. Còn Tần Vũ Dương được giao cầm bản đồ vùng đất Đốc Hàng của nước Yên cắt dâng vua Tần. Tấm bản đồ được cuộn tròn có dấu cây thủy chủ tẩm thuốc độc. Nhưng khi Tần Vũ Dương thấy Tần Thủy Hoàng thì khiếp sợ xanh mặt, đứng run không vững. Kinh Kha phải giật tấm bản đồ trong tay Tần Vũ Dương mở dần cho Tần Thủy Hoàng xem, đến cuối thì cướp cây thủy chủ để đâm Tần Thủy Hoàng. Một mình Kinh Kha với cây thủy chủ ngắn đuổi theo Tần Thủy Hoàng có kiếm dài chạy khắp trong cung điện, còn Tần Vũ Dương thì run sợ đứng bất động. Cuối cùng Kinh Kha bị Tần Vương rút kiếm chém 8 nhát. Còn lính Tần ùa lên chém chết Tần Vũ Dương và Kinh Kha.

Từ 2 thí dụ lịch sử trên có thể thấy sự dũng cảm của Nguyễn Biểu là sự dũng cảm bất thường của “người nhà trời”. Với giặc Minh xâm lược, thì chúng phải làm cho nước Việt suy yếu, nên chúng không thể để cho những người có dũng khí “nhà trời” như Nguyễn biểu được sống sót. Con người Nguyễn Biểu thuộc hàng dũng sĩ không phải trong lịch sử của một nước, mà trong lịch sử của nhân loại. Có những người như Nguyễn Biểu, thì quốc thể nước Việt luôn luôn được ngời sáng.

3.2. Trí biến hóa khôn lường

Nhưng Nguyễn Biểu không chỉ Dũng mà còn rất Trí. Cốt cách quý giá tiếp theo của người Nghệ chính là Trí.

Việc học của người Nghệ đã trở thành thuộc tính, dài theo cả cuộc đời, nên thu nạp không ngừng tri thức mà kết tinh thành Trí. Tri thức sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không được kết tinh thăng hoa mà thành Trí. Tri thức muốn thành Trí được, phần nhiều phải nhờ ở Địa Linh. Chính môi trường sống, hoàn cảnh sống là nhân tố Địa Linh để sinh ra Nhân Kiệt mà Dũng Trí là những cốt cách hàng đầu.

Đất Nghệ An có khí thiêng, sinh ra nhiều bậc Trí nhân lớn. Các bậc Trí nhân lớp hàng đầu của Nghệ An là Mai Hắc Đế, Hồ Chí Minh - có trí tỏa sáng 4 phương. Trí tỏa sáng vài phương là những Trí nhân bậc Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu. Trí tỏa sáng một phương là lớp lớp như Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành, Cao Quýnh, Ngô Trí Tri, Ngô Sĩ Vinh, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tôn, Hồ Sĩ Đống, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Đức Đạt, Hồ Sĩ Tạo, Cao Xuân Dục, Đặng Văn Thụy, Đặng Văn Hưởng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu, Phạm Khắc Hòe, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Lê Văn Thiêm… và nhiều người nữa không thể kể hết.

Ở mặt khác, luận về Trí thì cần tỉnh táo để nhận biết, rằng tri thức thăng hoa thành Trí chỉ ở đất sinh ra khí thiêng, là kỳ hưng thịnh. Vào kỳ mạt, phải thấy chiều đối lập của Địa Linh, khi mà xã hội bị băng hoại, đất không sinh ra khí thiêng, việc học trở nên lụn bại. Đó cũng là lúc bọn giả học nhoi lên nhan nhản, tri thức không thăng hoa thành Trí, khắp nơi chỉ thấy mưu hèn kế bẩn. Đó cũng là lúc xã hội đến kỳ phải phục sinh.

3.3. Nhân văn không giới hạn

Chính Dũng của người Nghệ đạt đến mức bất thường, nên mặt bù trừ khác của Dũng (ở một bình diện nào đó) là lòng nhân ái của người Nghệ - cũng đạt đến hàng tột đỉnh. Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thì càng cứng rắn bao nhiêu cũng đi kèm với phải mềm yếu bấy nhiêu. Sau cứng rắn đến lì lợm, sau dũng cảm đến bất thường, là sự mềm yếu khôn cùng. Vì thế, người Nghệ thương đến nhường cơm sẻ áo. Tình người Nghệ dạt dào, mang theo thơ ca lai láng. Đất Nghệ An trở thành “đồng ruộng màu mỡ của thơ ca” - không ai không biết làm thơ, không ai không cất lời ca tiếng hát. Đến lượt mình, tình yêu con người và thiên nhiên làm cho người Nghệ An lạc quan, yêu đời mà tích tụ được năng lượng để chống chọi với khắc nghiệt. Từ Nhân mà sinh ra Văn. Nhân Văn là cốt cách quý giá nữa của người Nghệ.

Bậc văn nhân hàng đầu của xứ Nghệ phải kể đến là Nguyễn Du (1766-1820). Tác phẩm thơ ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ (Truyện Kiều) đạt đến đỉnh cao vô tiền khoáng hậu - đã đưa Nguyễn Du lên ngôi vị không so sánh trong thi đàn Việt Nam. Điều làm cho Nguyễn Du phi thường có gốc rễ từ tài năng làm thơ về 2 phương diện:

Một là, lột xác ‘Kim Vân Kiều Truyện’ của Thanh Tâm Tài Nhân bằng thơ lục bát dưới tên mới ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ - hay đến nỗi trở thành bất hủ.

Hai là, với ‘Đoạn Trường Tân Thanh’, Nguyễn Du cho thấy khả năng không giới hạn của tiếng Việt trong thi ca, đạt đến đỉnh cao không có người so sánh về nghệ thuật sáng tác thể thơ lục bát.

Ở đây không phải là chỗ để bàn về cái hay của‘Đoạn Trường Tân Thanh’, mà chỉ là duyên cớ để nhắc đến các bậc văn nhân hàng đầu đất Nghệ. Kể đến các bậc văn nhân Nghệ An cũng giống như đếm các vì tinh tú. Bởi thế, chỉ dám điểm vài đại diện của quá khứ. Chẳng hạn, cùng tỏa sáng với Nguyễn Du có Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Cù Huy Cận. Đóng góp về phương diện thi văn của các bậc trí giả người xứ Nghệ rất to lớn. Muốn bàn về những giá trị to lớn của thi ca người Nghệ, cần phải nhờ vào một thời cơ khác.

3.4. Từ Không Khuất Phục đến Phản Kháng là lối thoát

Giống như củ sâm tuy bé nhưng mọc từ kẽ đá trên núi cao mà bội phần quý hơn cả rổ sâm trồng trong vườn nhà, giống như con gà ăn sỏi mà thịt thơm ngon hơn cả chuồng gà công nghiệp, người Nghệ đẽo đá mà sống, đào sỏi mà ăn, nên gan dạ lì lợm không biết sợ.

Người Nghệ vì thế, không chỉ có Dũng và Trí, mà không bao giờ chịu khuất phục. Không Khuất Phục là một cốt cách thuộc tính chói sáng của người Nghệ.

Tính Không Khuất Phục chưa phải là cốt cách cuối của người Nghệ. Vì Không Khuất Phục không phải bao giờ cũng cho lối thoát, mà người Nghệ lại Không Cam Chịu. Họ cần lối thoát. Lối thoát đó chính là Phản Kháng.

Cho nên, Phản Kháng đã trở thành một cốt cách mang tính lịch sử của người Nghệ. Phản Kháng là hệ quả trực tiếp của Không Khuất Phục. Bị dồn đến đường cùng, người Nghệ Không Khuất Phục và Không Cam Chịu, nên tiến tới “giai đoạn cuối cùng” thành Phản Kháng để tìm ra lối thoát.

Đất Nghệ An bởi vậy, từ ngàn năm luôn là cái nôi của Khởi Nghĩa và Nổi Dậy. Khởi Nghĩa và Nổi Dậy luôn được dẫn đầu bởi những bậc hào kiệt tràn đầy cả Dũng lẫn Trí.

Có những cuộc Khởi Nghĩa làm nên cơ nghiệp đế vương như Mai Hắc Đế - xóa bỏ ách đô hộ nhà Đường trong 10 năm (713-723). Có những cuộc Khởi Nghĩa thất bại nhưng sáng lòa dũng khí như cuộc Khởi Nghĩa Nguyễn Xuân Ôn (1885-1887), Khởi Nghĩa Phan Đình Phùng (1885-1995). Có những cuộc Nổi Dậy thất bại nhưng để lại dấu mốc lịch sử như Nguyễn Hữu Chỉnh (1787-1788), Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Tính Phản Kháng của người Nghệ An đã thành truyền thống lịch sử. Cho nên vào thời điểm “trở dạ” trên con đường phát triển của đất nước, đất Nghệ An luôn là một trong những nơi đợi chờ xuất hiện điểm gãy khúc - điểm thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của đất nước.

4. Ba hướng chiến lược về sử dụng người tài

Các bậc trí giả Nghệ An đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ chống giặc ngoại xâm gìn giữ giang sơn, lập triều đại mới, mở mang bờ cõi, quản trị, phát triển kinh tế, cho đến sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bang giao quốc tế… ở lĩnh vực nào người Nghệ An cũng nổi trội xuất sắc. Nhưng đòi hỏi thực tế cho thấy nỗi niềm mong muốn người Nghệ An phải xuất sắc hơn nữa.

Không phải cứ đào tạo thì “đẻ” ra được người tài. Nhưng ngược lại, nếu người tài không được vun đắp nuôi dưỡng thì sẽ bị thui chột. Ở mặt khác, người tài không được sử dụng đúng chỗ cũng phản tác dụng. Nghĩa là phải có môi trường tốt nhất để người tài thể hiện hết năng lực của mình.

4.1. Tập trung người tài Nghệ An cho khoa học và công nghệ để sinh ra những phát minh mang tính đá tảng ở tầm cỡ phát minh nhân loại

Bởi thế, nếu trước đây sự đóng góp của các bậc nhân sĩ Nghệ An mang tính tự phát ngẫu nhiên, thì trong thời đại ngày nay, cần thiết phải có sự điều khiển để đạt được hiệu quả lớn hơn. Nhân tố cần điều khiển đầu tiên là tập trung nhân tài cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây chính là “thần dược” tạo ra những bước tiến dài cho đất nước. Chính trong lĩnh vực này, người tài Nghệ An phải được huy động để sinh ra những phát minh sáng chế ở tầm cỡ nhân loại. Khoa học công nghệ là nhân tố số 1 đưa lại sự giàu có thịnh vượng và hùng cường cho quốc gia, nhưng ở lĩnh vực này thì Nghệ An nói riêng và cả Việt Nam nói chung còn tụt hậu so với các nước. Người Nghệ An chưa có những phát minh mang dấu vết đá tảng trong lịch sử nhân loại. Đây là khiếm khuyết nhất thiết phải sửa chữa - không chỉ cho Nghệ An, mà cho cả Việt Nam. Nếu có chính sách đúng thì sẽ có người Nghệ An nói riêng và người Việt Nam nói chung trở thành những bác học xuất sắc của thế giới, bao gồm cả giải thưởng Nobel.

4.2. Dồn người tài Nghệ An cho quản trị đất nước

Điều cần điều khiển thứ hai - để bù đắp cho thiếu sót quá khứ - chính là dồn người tài cho quản trị đất nước.

Vào thời phong kiến, nước ta lấy thi cử văn chương làm thước đo tài năng để bổ nhiệm quan lại quản trị đất nước. Dẫu chưa hoàn toàn chính xác, nhưng đó là phương thức chọn người tài dựa trên các tiêu chí có định lượng. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, phải trải qua 4 cuộc chiến tranh quá tàn khốc, nên Việt Nam không có thời gian và trí tuệ tập trung cho thể thức chọn người tài. Việc chọn người tài hoàn toàn dựa trên cảm tính mà không dựa vào các tiêu chuẩn định lượng. Việc quản trị đất nước vì thế rơi vào chủ quan, không khoa học, dẫn đến bị tụt hậu, chưa thể đứng vào hàng các nước giàu có hùng mạnh. Đó là một thiệt thòi lớn cho dân tộc. Bởi thế, dứt khoát phải tìm đến các phương thức khoa học về xác định người tài.

Để bù đắp, cần thiết phải dồn người tài Nghệ An cho quản trị đất nước, song song với dồn người tài Nghệ An cho phát minh khoa học công nghệ. Bởi vì, quản trị đất nước phải đi trước một bước thì mới có chính sách đúng cho khoa học và công nghệ. Nếu quản trị đất nước yếu kém, thì không thể có môi trường tốt cho khoa học công nghệ phát triển. Đó là nhân tố chiến lược thứ hai phải được ưu tiên thay đổi.

4.3. Coi trọng việc làm giàu ngang với việc học và việc quản trị. Dồn người tài Nghệ An cho việc làm giàu

Nhân tố chiến lược thứ ba phải thay đổi là tập trung người tài Nghệ An để làm giàu. Nghĩa là Nghệ An cần có nhiều người giàu có. Đã hàng nghìn năm, người Nghệ An chỉ coi trọng việc học, sau mới đến việc làm quan, mà không đề cao việc làm giàu. Đã không coi trọng làm giàu, nhiều khi lại còn dè bỉu. Đó là quan niệm sai lầm. Nay phải thay đổi lại - thành việc học, việc làm quan, việc làm giàu, là 3 mục tiêu quan trọng hàng đầu cần được đề cao như nhau.

Ba nhân tố chiến lược nêu trên không chỉ đúng cho Nghệ An mà đúng cho cả Việt Nam. Chỉ cần thay đổi 3 nhân tố chiến lược nêu trên, Việt Nam tất có những thay đổi phi thường, rồi dần từng bước tiến vào nhóm 20 nước giàu có nhất thế giới.

Ở đâu cũng cần người tài. Nhưng số lượng người tài có hạn. Nên phải biết tập trung người tài vào những mắt xích quan trọng nhất. Từ đó mới tạo ra được những “phản ứng hạt nhân”.

5. Thay cho lời kết

Như đã đề cập ở phần mở đầu, trong vài ngàn từ không thể mô tả hết những đóng góp quý giá của những bậc trí giả Nghệ An, cũng như những cốt cách quý giá của của họ. Nói đến cống hiến của các bậc trí giả Nghệ An là nhìn lên cả chiều dài lịch sử chứ không phải một thời. Từ đó mới thấy rằng, những cốt cách quý giá của người Nghệ đã nêu ở trên - có trong khắp mọi miền cả nước, chứ không chỉ riêng ở đất Nghệ An. Từ đó mà biết rằng, những cốt cách này là bảo vật thiêng liêng của tất cả người Việt - nhờ nó mới bảo toàn được giống nòi và lãnh thổ - không bị thôn tính và đồng hóa như bao dân tộc khác đã bị - sau hàng triệu năm tiến hóa của loài người.

Có điều, ở Nghệ An, những cốt cách bảo vật đó của người Việt - tự nhiên ngời sáng và trù mật khác thường.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511841

Hôm nay

2167

Hôm qua

2337

Tuần này

22215

Tháng này

218714

Tháng qua

121356

Tất cả

114511841