Diễn đàn

Ba ý kiến nhỏ nhân một câu chuyện lớn

 

TÔi xin phép nêu ba ý kiến nhỏ nhân đọc phần viết về văn hóa, văn nghệ ở cả ba văn kiện(1) - chứ không tách riêng.

1. Ý tưởng “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (...) làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển” (trong Cương lĩnh), và “xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế” (trong Chiến lược...) là ý tưởng đã được nêu từ lâu, và đương nhiên là rất đúng. Càng rất đúng: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển” (Cương lĩnh). Đây là điểm mới, vì nhiều chục năm trước đây, cái trên hết, trước hết bao giờ cũng là tổ quốc, giai cấp, nhân dân, đoàn thể; còn nói về con người thì rất dễ bị quy là con người siêu giai cấp, con người chung chung, và thế là sa vào bẫy của chủ nghĩa xét lại hiện đại... Nhưng cũng cần nói rõ thêm: đây là con người trên cả hai phương diện: động lực và mục tiêu; và phải là một phát triển hài hòa giữa thể chất và tinh thần. Bất cứ một cuộc cách mạng chân chính nào cũng nhằm các mục tiêu như trên. Nhưng nhìn vào thực tiễn thì lại thấy: sau bao nhiêu cuộc cách mạng ta đã và đang tiến hành trong hơn một thế kỷ qua, thế mà, cho đến bây giờ, một bộ phận người trong cư dân, vẫn bị xúc phạm nghiêm trọng, trên tất cả các môi trường học tập, lao động, sinh hoạt... gắn với nạn bạo hành, sự tràn lấn các tội ác, những cách ứng xử thô bạo đến dã man đối với phụ nữ, trẻ em, người già, đồng chí, đồng nghiệp... Con người sống trong lo âu vì quá nhiều hiểm họa, ít được che chở; với số đông có quá ít chọn lựa; còn một số khác thì chỉ hướng vào một chọn lựa duy nhất là sống cho sướng hơn, chứ không phải cho tốt hơn.

Sướng hơn - kinh tế giải quyết; tốt hơn - văn hóa giải quyết. Nhưng văn hóa, và văn học nghệ thuật, gồm cả thế giới mạng, theo tôi chất lượng chưa cao; cho nên nhìn vào những đóng góp của nó không dễ lạc quan trước yêu cầu giúp cho con người hướng thiện, nếu không nói là có bộ phận còn kích động hoặc khơi gợi điều xấu, điều ác. Mặc dầu ta hô hào tính chuyên nghiệp từ nhiều năm rồi, nhưng sự nhôm nhoam, lai tạp, cẩu thả, vụ lợi... lại hạn chế, hoặc làm vẩn đục sự sáng tạo; và còn là (hoặc chủ yếu là) bởi công việc lý luận, phê bình là quá yếu do không được chăm sóc về đội ngũ; và đội ngũ thì quá thiếu những người lành nghề, hoặc am hiểu về nghề, nhất là hoàn toàn thiếu vắng lực lượng trẻ.

2. Sự khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật thống nhất ở cả 3 văn kiện là rất đúng ở thời điểm hôm nay và trong thời đại ngày nay. Bởi nó chính là sự khởi động và làm nên gương mặt đất nước, sau khi tháo bỏ được những ràng buộc của thời hậu chiến và bao cấp. Nhưng sau hậu quả (hoặc hội chứng) của chiến tranh và bao cấp, nhớ đừng quên còn một trở ngại bao trùm và ăn rất sâu vào tiềm thức con người - đó là tâm lý, nếp sống, thói quen của người tiểu nông trong sự tồn tại nhiều nghìn năm của nó bất kể là thứ dân hay các bậc quyền cao chức trọng. Nói như thế để thấy việc bảo tồn, phát huy các di sản là cần; nhưng cũng cần loại bỏ những gì là lạc hậu, là hủ hậu - nó là nguyên cớ gây nên sự trì trệ và chậm muộn của dân tộc trong nhiều thế kỷ, và vẫn gây nhiều tác hại cho hôm nay.

Không khó tìm trên khắp mặt đời sống những biểu hiện tệ hại của nó, kể từ nạn rải đinh trên đường bộ; trộm tà vẹt trên đường sắt; tháo các thiết bị và đổ phế thải trên đại lộ Thăng Long vừa mới khánh thành; phóng uế bên con đường gốm sứ ven đê sông Hồng giữa ban ngày v.v... cho đến quy hoạch một vùng du lịch hay xây dựng một khu đô thị vẫn với cái nhìn manh mún, tùy tiện của người sản xuất nhỏ.

Để giải quyết tình trạng vô văn hóa này lại càng cần đến vai trò của văn hóa, và trước hết là vai trò của giáo dục - đào tạo để tạo một nền tảng tinh thần mới, hoặc để “thay máu”, và tạo một bộ gien di truyền mới; và đó là một việc lâu dài; nhưng lại không thể chờ đợi một cách bị động.

3. Phần đầu mục 2: Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật... nên bỏ một câu hơi lạc lõng: “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”; và nên bổ sung một ý cho đoạn tiếp: “Khắc phục yếu kém, nâng cao tính khoa học, sức thuyết phục của hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật góp phần định hướng nhu cầu đọc của công chúng và phát triển sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”.

Theo tôi, yêu cầu “từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam” là một ý tưởng hay. Cần nhớ rằng: ta đã từng có một hệ thống lý luận văn nghệ như thế kể từ Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943, với 3 phương châm: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, cho đến Đường lối văn nghệ của Đảng, gồm 8 mục, năm 1968 trong bài nói chuyện trước Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ IV, -   cả hai đều do đồng chí Trường Chinh khởi thảo; một đường lối văn nghệ mà không một người công tác lý luận - phê bình nào mà không nhập tâm, để không “đi chệch”, bởi “đi chệch” là cái lỗi nặng nhất trong mọi tội lỗi. Kể từ Đề cương văn hóa - 1943 đây là một chặng đường 50 năm, cho sự hình thành và vận dụng một hệ thống lý thuyết nhằm hướng dẫn và chỉ đạo đời sống văn học nghệ thuật với những thành tựu và hạn chế hoặc bất cập của nó, cho đến đầu thập niên 90 sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ.

Như vậy là “một hệ thống lý luận văn nghệ” ta đã từng có. Còn từ đầu thập niên 90 cho đến nay thì tình hình lý luận - phê bình trở nên xộc xệch, thiếu những cái chuẩn chung và vắng những trọng tài. Đương nhiên là rất cần một hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam trong giai đoạn mới, chứ không thể dừng lại ở một tóm tắt: “Xây dựng một nền văn nghệ mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...” rõ ràng là đúng, nhưng có thể là chưa đủ, hoặc chưa hẳn đã thật trúng. Mà muốn thế, cần một sự hợp lực của đội ngũ chuyên gia thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan với người chủ trì, hoặc đầu mối là Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương, với một Tạp chí chuyên dành cho công việc phê bình, đáng tiếc bây giờ ta vẫn chưa có; còn trước đây cũng có lúc đã có, nhưng thực trạng thì đơn giản hơn bây giờ rất nhiều. Cố nhiên loại công việc này không thể thực hiện theo quan niệm: “Ba ông thợ da bằng ông Gia Cát”, hoặc là một tổ chức chỉ gồm các bậc chức sắc trong bộ máy quản lý, mà phải là những đầu óc giỏi, có tầm chuyên gia, những tập thể có sáng tạo, những người chủ trì có đủ uy tín về chuyên môn - học thuật./.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511264

Hôm nay

2263

Hôm qua

2359

Tuần này

21638

Tháng này

218137

Tháng qua

121356

Tất cả

114511264