Diễn đàn
Đừng ép dân “tự nguyện” nghèo mãi
Theo phản ánh của báo chí, hàng ngàn hộ dân tại Thanh Hóa, thuộc diện được nhận tiền trợ cấp từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 ngàn tỷ của Chính phủ, tự nguyện làm đơn từ chối và nhất trí “hỗ trợ” lại Nhà nước.
Huyện Thọ Xuân có hơn 2.400 người tự nguyện ký đơn không nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Huyện Quảng Xương có hơn 1.000 khẩu ký đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, chủ yếu là các hộ cận nghèo. Huyện Tĩnh Gia cũng có 1.500 khẩu ký đơn không nhận tiền hỗ trợ.
Không chỉ Thanh Hóa, “phong trào” còn lan tỏa sang cả Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tự nguyện hay ép buộc?
Về việc ký đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Lê Đình Hải, khẳng định, tất cả những người trên ký đơn tự nguyện, chính quyền địa phương không ép.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, “việc huyện Thọ Xuân có đông số người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là có sự lan tỏa của phong trào này từ gia đình này sang gia đình khác, xã nọ sang xã kia, với tinh thần người dân muốn chia sẻ khó khăn với Chính phủ".
Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, đây là những tấm gương do Hội phụ nữ các huyện phát hiện. Sau đó các tấm gương này được báo chí trong tỉnh viết bài tuyên dương, từ đó lan tỏa phong trào ở nhiều địa phương.
Ông Lê Công Ngân, Trưởng thôn Hạnh Phúc (xã Hải Ninh, Tĩnh Gia) khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ, dù lúc bấy giờ mới có chủ trương thông qua gói hỗ trợ 62.000 nghìn tỷ đồng. Vị trưởng thôn này quả là biết đi tắt đón đầu, phản ứng cực kỳ nhạy bén trước chủ trương của cấp trên.
Dư luận ban đầu hết sức hoanh nghênh và cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp này của bà con thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo được quyền hưởng tiền từ gói hỗ trợ am sinh xã hội 62 ngàn tỷ của Chính phủ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhưng rồi những mảng tối đằng sau cái gọi là “tự nguyện” viết đơn bắt đầu lộ ra nhờ sự vào cuộc của báo chí.
Ngày 16/4, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản số 1113 do Phó Chủ tịch Hồ Đình Tùng ký gửi Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Nội dung văn bản có đoạn: “"Đối với hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của nhà nước có xác nhận của UBND xã.".[1]
Nội dung câu chữ rõ ràng là thế nhưng không hiểu sao ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia lại khẳng định, huyện không chỉ đạo việc soạn sẵn đơn tự nguyện, cũng không đề nghị gia đình có trong danh sách không đủ điều kiện làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ. Ông Chủ tịch lý giải, “có thể công văn 1113 của UBND huyện diễn đạt chưa chuẩn nên mỗi người hiểu một kiểu”.
Còn đây là phản ánh của người dân, những người “tự nguyện” viết đơn không nhận tiền hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Luyện (xóm 2, thôn Hạnh Phúc) cho biết: “Ông Ngân, Trưởng thôn còn nói nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại (đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo - PV)”.[2]
Những người dân khác ở thôn Hạnh Phúc chia sẻ, sở dĩ họ phải ký vào đơn vì con cái họ đang đi học và còn vay vốn chính sách. Nếu bị cắt đi suất cận nghèo, cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Hóa ra, mẹo “thuyết phục” dân của chính quyền cơ sở là đem “con ngáo ộp” phê duyệt các loại giấy tờ ra dọa. Người dân thấp cổ bé họng, dẫu biết cán bộ hành sự trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước nhưng vẫn phải cắn răng, chấp nhận phần thua thiệt về mình. Một chiêu trò trói buộc dân lành rất hiệu quả bấy lâu nay mà báo chí từng phản ánh, không chỉ riêng vụ viết đơn “tự nguyện” này ở Thanh Hóa.
Trước thực tế không thể chối cãi, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương đành phải thừa nhận có việc vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Từ cái sai này tòi ra cái sai khác
Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương thừa nhận, trong số 1.283 hộ cận nghèo của toàn xã có một số hộ khá giả. Ở thôn Hạnh Phúc, trong danh sách 76 hộ cận nghèo được lập để nhận hỗ trợ của Chính phủ, có tới một nửa được bình xét không đúng tiêu chí (tiêu chí hộ cận nghèo).[3]
Dư luận ở Hải Ninh đang xôn xao chuyện “của đổ vào nhà giàu” khi một số gia đình khá giả, thậm chí xây nhà tiền tỷ lại nằm trong danh sách cận nghèo, được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.
Ông Lê Văn Khánh (SN 1971, trú xóm 2, thôn Hạnh Phúc) làm nghề thu mua hải sản, kinh tế khá giả, vừa xây nhà trị giá 1,5 tỷ đồng, nhưng lại thuộc hộ cận nghèo, thành thực chia sẻ: Vì không khó khăn nên khi Trưởng thôn đến vận động ký không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhường lại cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn thì ông ký luôn.
Những câu hỏi cần lời đáp của các cấp chính quyền
Có hay không sự chỉ đạo của chính quyền về việc yêu cầu người dân viết đơn “tự nguyện”?
Ai nghĩ ra mẫu đơn “đồng phục” này?
Ép dân “tự nguyện” viết đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ nhằm mục đích gì?
Tại sao hộ khá giả vẫn được hưởng chế độ hộ cận nghèo do Nhà nước quy định?
Cuộc sống của người dân ở Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương khác còn rất khó khăn nhất là giữa lúc đối mặt với đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ là nhằm giúp dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, tại sao cán bộ chính quyền cơ sở lại từ chối một việc ích lợi cho dân?
Thật buồn khi nghe một người dân là hộ nghèo ở thôn Đồng Minh chia sẻ: “Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chính quyền thôn, xã không chia sẻ với người dân lại đi vận động trả lại".
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bat-mi-van-ban-chi-dao-viec-lam-don-khong-nhan-ho-tro-o-thanh-hoa-641469.html
[2]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/su-that-phia-sau-nhung-la-don-khong-nhan-tien-ho-tro-o-thanh-hoa-641099.html
[3]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-ky-don-khong-nhan-ho-tro-o-thanh-hoa-ho-can-ngheo-co-nha-tien-ty-641416.html#inner-article
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511839
2165
2337
22213
218712
121356
114511839