Diễn đàn

Chống giặc như chống dịch, hơn chống dịch

Trong những tháng ngày chống dịch, khẩu hiệu của ta là chống dịch như chống giặc (giặc nói đây là giặc ngoại xâm). Nhờ đó mà ta có được kết quả như hôm nay. Bây giờ, trở lại cuộc sống bình thường mới (cách nói hiện nay) thì khẩu hiệu phải là chống giặc như chống dịch, hơn cả chống dịch (giặc nói ở đây là giặc nội xâm). Giặc nội xâm là chủ nghĩa cá nhân, là một loại vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác nhau.

Ngoài ra, còn nhiều loại giặc lắm, như giặc đói, giặc dốt, giặc thói quen truyền thống lạc hậu.

Giặc dịch là tự phát, tự nhiên. Không có dịch nào kéo dài qua năm này sang năm khác, thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Giặc dịch nếu khoanh vùng tốt, diệt đến đâu sạch đến đấy. Nó “đơn thương độc mã”, không có sự ăn cánh, không có đường dây, không có ai chống lưng, không có nhiều nhóm để kết thành bè nhóm.

Giặc dịch không thể tham nhũng vì nó không phải cán bộ, đảng viên có quyền.

Giặc dịch không thể quan liêu vì nó có làm quan đâu (liêu là làm quan).

Giặc dịch không thể lãng phí, vì lấy gì mà lãng phí.

Giặc dịch hung giữ ở chỗ là hủy diệt sạch, không tha một ai.

Ta cơ bản đẩy lùi một bước giặc dịch. Lấy tinh thần chống dịch như chống giặc để từ nay về sau chống giặc như chống dịch, hơn cả chống dịch.

Nhiệm vụ này vừa trước mắt vừa cơ bản, lâu dài, xuyên suốt. Cái này mới khó chứ. Khó hơn chống đế quốc, chống dịch.

Khó vì giặc tham nhũng, lãng phí, quan liêu là của một bọn người nhiều tiền của, nhiều quyền lực, nhiều mối quan hệ, nhiều càng nhiều vây. Nguy hiểm là loại giặc này biết dựng lên và móc ngoặc rất giỏi với bọn người gọi là làm kinh tế (thực chất là làm các thương vụ mua bán đất vàng; hoạt động xã hội đen, gian lận, trốn thuế…). Giặc tham nhũng có quyền lực chính trị móc ngoặc với bọn kinh tế, sống nhờ sân sau kinh tế; còn bọn kinh tế lại nấp bóng chính trị để làm bậy.

Nó nguy hiểm ở chỗ không hủy diệt hết mọi người như giặc dịch, chỉ phá hoại Đảng, làm méo mó chế độ, hại dân, hại nước. Nó bao che, ấp ủ, dung túng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng, trong đó có cả cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị. Thậm chí nó đứng đầu, lãnh đạo hệ thống chính trị một tỉnh, một bộ, một ngành, một địa phương, một đơn vị.

Nguy hiểm, khó mấy cũng phải chống, mà phải chiến thắng, nếu không thì mất hết. Bài học rút ra từ cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” có thể vận dụng trong cuộc chiến “chống giặc như chống dịch”:

1. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, quyết liệt của Chính phủ; điều hành, tổ chức kịp thời, sát sao của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống giặc.

2. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhưng tuyệt đối không huy động những kẻ luồn sâu leo cao như con lươn con chạch. Nếu để cho những kẻ đứng đầu hệ thống chính trị ở tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành như Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh), Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), v.v… lãnh đạo, chỉ huy, điều hành hệ thống chính trị trong chống giặc tham nhũng - tức tham nhũng chống tham nhũng - là “nối giáo cho giặc”, hỏng, mất niềm tin của nhân dân. Mà mất niềm tin là mất tất cả.

3. Khoanh vùng dịch tham nhũng ngay từ đầu. Khó đấy! Vì, ai khoanh? Khoanh ai? Bọn giặc tham nhũng khi chưa bị lộ thì ngon lành lắm, trung thành, kiên trì, kiên quyết chống tham nhũng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin lắm, ho to lắm khẩu hiệu “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tức họ lấy cái vẻ ngoài che đậy cái sơ sài bên trong. Họ làm cho mọi người thấy “đỏ” để tưởng chín.

Khó cũng phải khoanh. Đó là tinh thần chống dịch mà. Không khoanh, để lan rộng ra thì chết hết. Phải có con mắt tinh đời, tinh tường. Người cầm chịch cuộc chiến, đừng vì lợi mà để bọn vu vơ bao vây.

Vấn đề là phải có quyết tâm chính trị cao, làm thật. Ta có cả hệ thống chính trị cơ mà. Khoanh lại. Vùng cát có tặc, ai quản lý? Vùng rừng có tặc, ai quản lý? Vùng nhà xây trái phép, băm nát thủ đô, ai quản lý? Vùng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ai quản lý? Giặc dịch tham nhũng, quan liêu là từ những vùng đấy mà ra. Sao không xử lý được?

4. Cách ly. Chuyện này cũng không dễ. Mỗi loại giặc giặc tham nhũng “ép” này, “ép” nọ” phải có cách riêng. Loại Fo là gốc phải trị đến nơi đến chốn, vì nó đẻ ra con, cháu, chắt. Trị một cách pha trò như kiểu trên nhẹ dưới nặng; tội nặng trị nhẹ, tội nhẹ trị nặng; trị không công bằng; trị bằng mồm thì nghiêm, trị thật thì không nghiêm, v.v… thì mất niềm tin của dân. Còn F1, F2…, cũng phải rất nghiêm và có cách xử lý cụ thể.

Giặc tham nhũng không phòng, chống, diệt được, để lây lan sang đời con cháu theo kiểu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” thì dân khổ, mất Đảng, mất chế độ, mất thành quả cách mạng và đổi mới. Mất hết.

5. Xử lý nghiêm. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì. Không nghiêm, không thẳng tay, thì không thể gọi là tổ chức, là hệ thống. Không nghiêm thì không còn Đảng, không còn chế độ. Phải kết hợp “đức trị” với “pháp trị”, tu dưỡng đạo đức của con người với bộ máy. Đây là “hai chân” trong chống giặc tham nhũng.

6. Phải đưa nhân dân vào cuộc. Dân tinh tường lắm, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vấn đề quan trọng nhất là cơ chế, tính khoa học, của bộ máy, mà hạt nhân, lõi cốt là nền dân chủ. Có dân đồng lòng, ủng hộ việc gì khó mấy, lớn mấy cũng làm được. Phải theo đúng đường lối nhân dân như Bác dạy.

Tin dân, nghe dân, học hỏi dân, biết bàn và dám dựa vào dân, lấy dân làm gốc, ta sẽ đánh thắng giặc tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Bởi vì, “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đó là lời Bác dạy, mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

B.Đ.P

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511836

Hôm nay

2162

Hôm qua

2337

Tuần này

22210

Tháng này

218709

Tháng qua

121356

Tất cả

114511836