Văn hoá học đường

Ngành Giáo dục và Đào tạo với yêu cầu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0

Hàng năm các trường học trong cả nước đã có những hình thức tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. nguồn ảnh http//tranyen.yenbai.gov.vn

Từ đầu thế kỷ XXI, dưới tác động của toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, công nghệ thông tin, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến sự biến động nhanh chóngcủa kinh tế, xã hội nhiều nước trên thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia phải có sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với việc đào tạo nhân lực hiện nay. Một hướng đi mà nền giáo dục nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện thành công, đó là xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0). Khi nói đến xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, tuy nhiên, phạm vi bài viết này chủ yếu đề cập đến vai trò chủ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo.

1. Yêu cầu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Nói về xu hướng khuyến khích tự học tập suốt đời, không phải đến bây giờ mới được đề cập, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và triển khai thực hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bản thân Bác Hồ cũng là tấm gương mẫu mực về học tập suốt đời. Ở bất kỳ thời điểm nào, dù phải làm việc vất vả hay bận rộn đến đâu, Người vẫn luôn dành một khoảng thời gian nhất định để học. Việc học tập của Bác diễn ra trong suốt cuộc đời, Bác luôn lấy tự học làm cốt. Tầm nhìn của Người về xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời chính là xu hướng lớn của nền giáo dục thế giới trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Hiện nay, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng thì yêu cầu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời lại đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có như thế mới phù hợp với yêu cầu lao động trong một thế giới biến động nhanh chóng, khó lường khi mà sự phát triển của khoa học - công nghệ như vũ bão, sự gia tăng thông tin, tri thức theo cấp số nhân, sự xâm nhập của Internet vào mọi lĩnh vực của cuộc sống và công việc. Mọi người, mọi ngành, mọi nghề cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, của thế giới nếu không muốn bị tụt hậu. Tự học tập suốt đời là giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới, với ý nghĩa là đưa giáo dục vào cả đời người, biến việc học thành quá trình không ngừng tự nâng cao năng lực trí tuệ và khả năng làm việc, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng hiện nay.

Theo một số dự báo về thị trường lao động trong nền công nghiệp 4.0, với sự xuất hiện của robot, của dây chuyền tự động hóa… nên ở một số lĩnh vực trong thời gian ngắn tới chỉ cần khoảng 1/10 nhân lực so với hiện nay. Cuối năm 2015, Ngân hàng nước Anh dự báo rằng có 50% lực lượng lao động truyền thống (khoảng 95 triệu) ở Mỹ và Anh bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới. Tình trạng này cũng sẽ xảy ra tương tự ở nhiều quốc gia khác. Đối với Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, khoảng 86% lao động trong các ngành dệt - may và giày dép có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của công nghiệp 4.0 (Báo cáo được công bố tháng 7/2016)(1). Như vậy, nhiều ngành nghề, công việc cũ sẽ mất đi và nhiều nghề nghiệp, công việc mới sẽ xuất hiện. Người lao động không có cách nào khác là phải tự thay đổi để thích ứng với yêu cầu công việc mới. Vì vậy, học tập suốt đời là giải pháp mang tính thời đại.

Xu hướng khuyến khích mọi người tự học, học tập suốt đời đang được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức lớn nhấn mạnh. Tổ chức UNESCO cho rằng: “Kỹ năng tự học và giá trị biểu hiện của việc tự học là những thước đo của tâm lý sáng tạo và sản phẩm sáng tạo. Bước vào thế kỷ 21, kỹ năng đó sẽ tồn tại như một trong những kỹ năng sống mà con người không thể thiếu, đồng thời giá trị đó giúp cho mỗi cá nhân tự khẳng định chính mình trong xu thế nhảy vọt của thời đại thông tin”(2). Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định việc học tập suốt đời là một nhu cầu cấp bách, UNESCO còn thành lập Viện Học tập suốt đời và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

2. Công tác quản lý giáo dục với chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn và nhanh chóng từ công nghiệp 4.0. Bởi mô hình đào tạo truyền thống ở nước ta chú trọng việc trao truyền tri thức không còn phù hợp với thị trường lao động của nền công nghiệp 4.0. Công tác quản lý giáo dục nước ta lâu nay vốn bị đánh giá là nặng nề, chậm chạp, chưa phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, thì nay đứng trước yêu cầu mới càng đòi hỏi phải khắc phục kịp thời những hạn chế đó. Bởi công tác quản lý giáo dục sẽ quyết định hướng đi và tốc độ của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Trước bối cảnh này, đòi hỏi các nhà quản lý, lãnh đạo lĩnh vực giáo dục ở tầm vĩ mô cũng như trong các cơ sở giáo dục phải nâng cao cả về nhận thức, tư duy và quyết tâm đổi mới để theo kịp sự phát triển của thế giới.

Các nhà quản lý giáo dục cần nhận thức rõ thời cơ và thách thức để có những định hướng đúng đắn cho nền giáo dục tương lai. Họ phải tự học hỏi, tự nâng cao năng lực đủ tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bởi bất kỳ nền giáo dục nước nào muốn phát triển nhanh thì khâu đề ra các chủ trương, đường lối, hình thành cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển là mang tính quyết định. Công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, chúng ta không thể chậm trễ thêm được nữa nếu không muốn đất nước bị tụt hậu ngày càng xa.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều nước đã đề xướng chủ trương cải cách, đổi mới giáo dục. Xu hướng lớn là xây dựng xã hội học tập, hình thành hệ thống giáo dục suốt đời, coi học tập là nhu cầu suốt đời và tự thân. Điều này đã được quan tâm ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ XX, bước sang thế kỷ XXI thì chủ trương này càng được nhấn mạnh. Năm 2014, nền giáo dục của Newzealand cũng đề ra phương châm chuẩn bị cho tương lai, chuẩn bị kỹ năng cho giới trẻ trước bối cảnh công nghiệp 4.0 bằng chiến lược giáo dục mang tên: “Quốc gia của những bộ óc tò mò” (Nation of curious minds)(3). Những định hướng đổi mới giáo dục đó đã đưa nền giáo dục các nước này ngày càng phát triển, được thế giới ghi nhận.

Nền giáo dục Việt Nam cũng đang có sự chuyển mình với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (năm 2013). Nhiều nội dung mới được thể hiện trong các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, ở nhiệm vụ thứ 4 đã khẳng định: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập và khuyến khích học tập suốt đời. Gần hơn, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 của Đảng cũng tiếp tục khẳng định lại nội dung nêu trên ở phần phương hướng, nhiệm vụ về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”.

Chủ trương đó đã và đang được thể hiện cụ thể bằng việc xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện để mọi người có thể học tập suốt đời. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 22/6/2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020. Các địa phương cũng đã thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Với Đề án này, Nhà nước đã và đang chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều biện pháp để các cơ quan, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

Ở Việt Nam, ngày 02/10/2011, lần đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong lễ phát động này, bà Katherine Muller - Marin (Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho biết: “Viện Học tập suốt đời của UNESCO đã khởi xướng việc tôn vinh Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hay Tuần lễ người lớn học tập trên toàn thế giới. Tôi vui mừng khi Việt Nam tổ chức sự kiện tôn vinh học tập suốt đời lần đầu tiên vào năm nay. Tuần lễ này không chỉ là sự kiện. Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ bản thân nó đã biểu trưng cho một quá trình học tập trong đó các chủ thể liên quan cùng nhau lập kế hoạch, trao đổi ý tưởng, và cùng nhau mang lại các cơ hội học tập hứng khởi cho mọi người” (4). Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có sự chỉ đạo tổ chức phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”vào đầu tháng 10hàng năm.

Bên cạnh việc xây dựng xã hội học tập, hưởng ứng học tập suốt đời, các nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo ở nước ta cũng đang từng bước thực hiện, cơ quan chủ trì là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Nhà giáo với yêu cầu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Nhà giáo hiện nay cần hiểu rằng, sự tự đổi mới là yêu cầu sống còn của nghề. Bởi hệ thống giáo dục hiện tại ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong nhóm các nước đang phát triển đã lỗi thời so với xu hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vai trò truyền thụ kiến thức cho người học đã cũ kỹ khi mà một cái nhấp chuột trên các trang công cụ tìm kiếm, người học có được nhiều kiến thức hơn rất nhiều so với kiến thức chuyên môn của một người thầy. Vì vậy, nhà giáo trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phải có tư tưởng khai phóng, năng động để có thể trao truyền khả năng tự học, tự tiến bộ và tư duy độc lập cho người học. Bằng cấp hiện nay không phải là kết quả cuối cùng của nền giáo dục, mà quan trọng là tạo ra những công dân và nguồn nhân lực có ích cho xã hội hiện tại và tương lai. Đây là cách mà nền giáo dục các nước tiên tiến đang thực hiện.

Nhà giáo phải sớm thay đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi nội dung truyền thụ để đáp ứng nhiều động cơ, nhu cầu khác nhau của người học. Nhà giáo phải là người có đầu óc mở hơn, linh hoạt hơn, có tư duy độc lập, xử lý tốt các tình huống mới, có khả năng phê phán độc lập, biết hợp hợp tác, cộng tác tích cực… để có thể giải tỏa những vướng mắc của người học, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn. Phương pháp dạy học truyền thống cần thay đổi bằng phương pháp mới, bằng kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý thông tin, phát huy tư duy độc lập và sáng tạo.

Kho tàng tri thức của nhân loại nhiều đến mức vô tận được kết nối trên “thế giới phẳng” song lại thay đổi nhanh chóng, thường xuyên, tính đúng - sai, thật - giả nhiều khi khó phân biệt. Vậy nên người học rất dễ bị choáng ngợp, bị “rối”, thậm chí “lạc lối”, mất định hướng, “mất sức đề kháng”. Điều đó đòi hỏi nhà giáo phải biết định hướng trong học tập, định hướng việc sử dụng công nghệ, định hướng độ tin cậy của thông tin, biết kích thích tính sáng tạo, óc tò mò ham hiểu biết. Giáo viên không chỉ là chuyên gia kiến thức, họ còn phải tự thay đổi vai trò của mình từ địa vị người dạy sang vị trí người thiết kế, biết lắng nghe và giao tiếp hiệu quả, là người cố vấn, hướng dẫn, huấn luyện… cho người học.

Sự thay đổi này là rất lớn, buộc nhà giáo phải đối diện với nhiệm vụ mới không hề dễ dàng. Họ muốn tiếp tục gắn bó với nghề thì phải học cách tự thay đổi mình bằng con đường nỗ lực tự học tập suốt đời một cách nghiêm túc, họ cần tự đào tạo, bồi dưỡng lại cho các nhiệm vụ rất mới mẻ này. Điều này sẽ thật sự khó khăn đối với những giáo viên ít hoặc không sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, nhất là những công nghệ mới. Thậm chí, có thể một bộ phận sẽ không thích ứng kịp với sự thay đổi, sẽ phải chuyển đổi công việc. Nhà giáo phải là người đi đầu, gương mẫu và tích cực nhất trong việc học tập suốt đời để tự thay đổi mình, từ đó mới có thể đào tạo ra những công dân, người lao động thích hợp trong thời đại công nghiệp 4.0.

4. Người học với yêu cầu học tập suốt đời trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Cũng tương tự như nhà giáo, người học (ở đây chúng tôi chủ yếu đề cập đến người học ở các bậc học sau phổ thông) trong giai đoạn hiện nay cũng phải tự thay đổi mình mới có thể đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0. Việc học chỉ nhằm mục đích có tấm bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ… là chưa đủ để đảm bảo sự thành công. Bởi thực tế: “Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm. Còn theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, không đúng với chuyên môn được đào tạo”(5). Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng năng lực làm việc thực tế chứ không chỉ là bằng cấp. Nhất là trong bối cảnh của công nghiệp 4.0, nhiều công việc hiện tại sẽ được thay thế bằng máy móc, sẽ mất đi, song những công việc mới khác lại xuất hiện và phát triển. Vì vậy, người học hiện nay phải trang bị cho mình kỹ năng tự học suốt đời, đó là mệnh lệnh của cuộc sống. Tức là họ phải tự lựa chọn, tự quyết định, tự tổ chức, tự chịu trách nhiệm và cũng là tự lo cho bản thân mình.

Trong xã hội tương lai, công việc sẽ liên tục thay đổi chóng vánh theo sự thay đổi của công nghệ số, nên nhà trường, thầy cô cũng chỉ là hỗ trợ, định hướng. Ngay cả khi chúng ta có được những bằng cấp đủ chuẩn, được học ở những ngôi trường tốt, có nhiều thầy giỏi thì vẫn phải thường xuyên tự học, tự hoàn thiện bản thân. Tôi khẳng định vị trí vô cùng quan trọng của việc tự học, điều đó không có nghĩa là coi nhẹ việc đào tạo chính quy theo trường lớp hay xem nhẹ vai trò của người thầy. Bởi nhà giáo giỏi không chỉ là người truyền thụ kiến thức giỏi mà còn dạy cho học trò biết cách tự học, có tư duy độc lập và sáng tạo, chớ ỷ lại vào thầy, chớ rập khuôn theo sách… Người học không chỉ học kiến thức từ thầy giảng trên lớp, mà ngoài thời gian trên lớp người học vẫn phải thường xuyên tự học hỏi, nghiên cứu thêm. Tự học ở đây còn chỉ cái phần tích cực, chủ động của người học trong việc tiếp thu tri thức, bổ sung và chỉnh lí những tri thức đã được học. 

Người học phải trang bị cho mình phương pháp và kỹ năng tự học suốt đời. Muốn tự học một cách có hiệu quả, trước hết người học cần nuôi dưỡng lý tưởng, niềm đam mê và mục đích để có động lực học. Người học phải hiểu rằng, muốn phát triển nghề nghiệp, khẳng định vị trí của cá nhân trong tương lai thì phải dành thời gian đầu tư cho học tập. Khi người học có được niềm tin và có khát vọng mãnh liệt thì sẽ khám phá thế giới với thái độ tích cực, chủ động, sáng tạo. Người học phải thích thú với những kinh nghiệm, ý tưởng, thông tin mới; cần rèn luyện việc học tập trở thành thói quen thường xuyên. Người học cần chủ động tự quan sát thêm sự kiện, tự tìm dẫn chứng, tự kiểm nghiệm thêm các giả thuyết, tự đọc thêm sách vở, tự liên hệ với thực tế…

Như vậy vẫn là chưa đủ, người học cần biết sử dụng những “công cụ” khám phá thế giới, để thu nạp tri thức. Trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều kênh thông tin rất phong phú và đa dạng như phải biết khai thác mạng Internet, xem truyền hình, nghe phát thanh, đọc sách báo, đi bảo tàng, thư viện, nhà sách, dự hội thảo… Bên cạnh việc sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, người học rất cần cố gắng học thêm ngoại ngữ để làm công cụ tiếp cận với tri thức thế giới, để hiểu biết và chấp nhận những nền văn hóa khác nhau, để giao lưu và hội nhập quốc tế…

Tóm lại, việc xây dựng xã hội học tập, hình thành ý thức học tập suốt đời là rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo các điều kiện cơ bản và cần thiết để mọi người có thể thường xuyên tự học tập. Song, điều quan trọng là mỗi cá nhân, mà nhất là nhà giáo và người học phải hình thành ý thức tự học tập suốt đời và học các kỹ năng tự học. Có như vậy, mọi người mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát triển nghề nghiệp, không bị tụt hậu trong nền công nghiệp 4.0. Mỗi người cần trau dồi khả năng tự học và có ý thức tự học suốt đời mới khẳng định được bản thân và đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong bối cảnh hiện nay./.

Tài liệu trích dẫn       

1. Vũ Xuân Hùng (2017), Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức lớn với thị trường lao động, http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/31719802-thach-thuc-lon-voi-thi-truong-lao-dong.html

2. Dẫn theo PGS.TS Tô Văn Bình (2017), Rèn luyện năng lực tự học, http://vietbac.edu.vn/ren-luyen-nang-luc-tu-hoc-dt63.html

3. Công Nhật (2017), Giáo dục New Zealand 'chuẩn bị cho tương lai' ra sao?, https://tuoitre.vn/giao-duc-new-zealand-chuan-bi-cho-tuong-lai-ra-sao-20171101075128215.htm

4. Hồng Hạnh - Thu Hà (2011),PCT nước Nguyễn Thị Doan phát động “Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời”, http://www.giaoduc.edu.vn/pct-nuoc-nguyen-thi-doan-phat-dong-tuan-le-huong-ung-hoc-tap-suot-doi.htm, ngày 02/10/2011.

5. Lê Phương (2019), GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN, http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=42321, ngày 15/10/2019

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515352

Hôm nay

230

Hôm qua

2367

Tuần này

2953

Tháng này

213291

Tháng qua

121009

Tất cả

114515352