Văn hoá học đường
Đừng lấy đi giấc ngủ của học sinh!
Thời gian ngủ mỗi ngày theo lứa tuổi (Gồm thời gian được khuyến nghị (ô xanh đậm), thời gian có thể phù hợp hay chấp nhận được (ô xanh nhạt phía trên), thời gian ko được khuyến nghị, ko nên (phía dưới)). Nguồn National Sleep Fou
Đó hẳn không chỉ là mong muốn của cá nhân tác giả bài viết này mà có lẽ còn là của hầu hết học sinh hiện nay, nhất là vào những dịp thi cử cận kề. Học sinh Việt đang bị vắt kiệt sức trong những lớp học chính và học thêm, trong những cuộc chạy đua của bố mẹ để vào trường chuyên, lớp chọn. Các em đang phải chiều theo ý phụ huynh để có được thành tích cao trong khi giấc ngủ không được đảm bảo. Đã đến lúc nhà trường cũng như các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Những tác động xấu của việc thiếu ngủ đến khả năng tập trung, kết quả học tập của học sinh luôn được thế giới quan tâm nghiên cứu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có những công trình nghiên cứu chi tiết và còn ít được đề cập. Cụ thể, Hoa Kỳ đã từng tiến hành khảo sát về sự ảnh hưởng của thiếu ngủ đối với kết quả học tập của học sinh từ 9-10 tuổi và 13-14 tuổi. Với kết quả thu thập từ hơn 900 nghìn trường hợp ở hơn 50 quốc gia khác nhau, nghiên cứu này chỉ ra những học sinh được ngủ nhiều hơn có kết quả các môn Toán, Khoa học và đọc hiểu tốt hơn. Các nhà khoa học chỉ ra ngủ được xem như là một nguồn thức ăn/dinh dưỡng của não bộ và chúng ta hiện đang đánh giá thấp những tác động của thiếu ngủ đối với lứa tuổi học sinh. Tại Hoa Kỳ một tổ chức chuyên nghiên cứu về giấc ngủ, những tác động của nó và cách để có giấc ngủ tốt mang tên National Sleep Foundation cũng đã ra đời từ năm 1990. Theo nghiên cứu gần đây của tổ chức này, thời lượng ngủ mỗi ngày được khuyến nghị cho học sinh từ 6-13 tuổi là từ 9-11 tiếng, thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi là 8-10 tiếng, người lớn từ 18-25 tuổi là 7-9 tiếng. Trên trang của tổ chức này cũng như rất nhiều trang nghiên cứu về sức khỏe và giấc ngủ khác đã chỉ ra tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, trí nhớ, khả năng thích nghi, trạng thái tinh thần,… cũng như tác hại nghiêm trọng nếu không được ngủ đủ giấc. Đó là lí do vì sao mỗi con người cần dành khoảng 1/3 thời gian cuộc đời cho giấc ngủ.
Học sinh tranh thủ ngủ trên đường đi học - Nguồn ảnh Vietnamnet
Trong khi đó, ở Việt Nam, điều này lại chưa được quan tâm đúng mực trong học đường. Các bậc phụ huynh và giáo viên không biết hay không để tâm? Có lẽ là cả hai. Không biết sự quan trọng của giấc ngủ và tác động của thiếu ngủ đến kết quả học tập do thiếu thông tin. Không quan tâm bởi rõ ràng tình trạng học sinh ngủ vật vờ, thiếu tập trung trong giờ học không hề hiếm gặp, nhất là vào những mùa thi. Trước áp lực thành tích, các bậc phụ huynh cho con mình lao vào cuộc chiến học thêm, bồi dưỡng khiến con em không được ngủ đủ. Các em thậm chí còn không đủ thời gian để ăn, phải ăn vội một chiếc bánh mỳ hay khẩu phần qua loa cho kịp các giờ học thêm đã được bố mẹ đăng ký. Đó là một hành vi thiếu khoa học. Bên cạnh đó, ngoài áp lực thi cử, bài tập, các thiết bị thông minh và mạng xã hội cũng khiến học sinh thức khuya hơn trong khi lại phải dậy sớm để chuẩn bị bài và đến trường đúng giờ. Sự thiếu quan tâm, quản lí của phụ huynh về giờ giấc học tập, vui chơi của con em mình thực sự cần được báo động.
Thực trạng này còn phản ánh một hiện tượng khác trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó là chỉ chú trọng vào mặt điểm số, thành tích, nặng kiến thức mà coi nhẹ vấn đề về thể chất, sức khỏe và tâm lý học đường. Nhìn vào sự phân bố lịch giảng dạy, sự coi nhẹ giáo dục thể chất và thiếu các phong trào, hoạt động ngoại khóa hiện nay chúng ta cũng có thể thấy được điều đó. Chính bởi coi nhẹ nên giáo viên dường như không quan tâm sức khỏe học sinh ra sao, chỉ cần biết phải tiếp thu cho đủ lượng kiến thức mà họ đưa ra. Chính bởi thế, lắm khi, trường học trở thành nỗi sợ. Những áp lực này không chỉ tác động kết quả học tập mà còn đến tâm sinh lý, gây ra nhiều vấn đề về mặt xã hội mà cụ thể là hiện nay bệnh trầm cảm đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng ở thanh thiếu niên.
Khi số giờ ngủ hàng ngày của học sinh chưa được bảo đảm thì việc quan tâm đến chất lượng giấc ngủ lại càng trở thành một “việc xa xỉ”. Sự tác động của áp lực học tập lẫn các thiết bị điện tử đang dần khiến cho nhiều học sinh rơi vào tình trạng khó ngủ, giấc ngủ không đủ sâu, ngủ không đúng giờ,… Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của học sinh mà bất cứ ai nếu để ý đều có thể nhận ra song bao năm qua vẫn đang bị làm ngơ. Những tiếng kêu, tâm tư nguyện vọng của các em chưa được lắng nghe và phụ huynh đang biến tình yêu thương trở thành gánh nặng thực sự đối với con trẻ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà nghiên cứu, người làm giáo dục, nhà trường, phụ huynh cần nhìn lại một cách nghiêm túc về thực trạng này. Trước hết, cần có một khảo sát trên phạm vi toàn quốc về giấc ngủ của học sinh cũng như các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe học đường, những tác động và nguyên nhân của nó để từ đó có sự điều chỉnh cần thiết. Điều đó hết sức quan trọng, không chỉ vì kết quả học tập của các em mà còn vì sự phát triển toàn diện của trẻ và liên quan đến nhiều vấn đề xã hội khác. Hãy để các em được ngủ và hãy lắng nghe tâm tư của các em. Nếu yêu thương con mình, trước hết, hãy đảm bảo cho chúng những nhu cầu quan trọng, cơ bản nhất của con người; hãy để chúng được làm những điều thực sự muốn, thực sự cần!
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515345
223
2367
2946
213284
121009
114515345