Những góc nhìn Văn hoá
Văn hóa gia đình và giáo dục gia đình trong sự nghiệp đổi mới
Hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai nhiều hình thức tuyên truyền hướng đến xây dựng văn hóa gia đình. Ảnh Hoài Sơn
Văn hóa gia đình mang tính chất truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng tác động mạnh mẽ đến việc giáo dục và rèn luyện con người trở thành người có ích cho xã hội. Bài viết này chỉ đề cập chủ yếu đến vấn đề “Giáo dục gia đình”.
“Giáo dục gia đình” đang là một trong những vấn đề nổi bật trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ đổi mới. Chúng ta dành một sự quan tâm đặt biệt cho vấn đề giáo dục gia đình vì muốn đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì việc cơ bản có tính chất quyết định quá trình đó là phải có con người, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã vạch ra cả một đường lối, chính sách và những định hướng rất toàn diện và cụ thể về chiến lược con người.
Đây là một bước phát triển quan trọng và rất đáng mừng trong việc hoạch định sách lược của Đảng để xây dựng đất nước ta ngày càng văn minh, giàu đẹp. Chiến lược con người phải trở thành chiếc ngòi nổ của con tàu đi lên của lịch sử.
Trong việc xây dựng con người thì giáo dục gia đình giữ một vai trò hết sức to lớn vì gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Nó vừa là cơ sở ban đầu, vừa có ý nghĩa quan trọng và lâu dài trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Đó là môi trường sống và hoạt động cơ bản nhất của con người, từ lúc còn là cái bào thai trong bụng mẹ đến khi vĩnh biệt cuộc đời. Giáo dục gia đình đã tạo một dấu ấn hết sức tinh tế và vô cùng sâu sắc trong mỗi con người. Phong độ của người cha, tình cảm và lương tâm của mẹ chính là bầu không khí, là dòng sữa đã nuôi dưỡng và giáo dục cho sự hình thành và phát triển của nhân cách con người. Tất cả những tài năng trẻ trên thế giới này, thậm chí tất cả những tội phạm ở khắp mọi nơi đều có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục gia đình. Chính vì vậy, giáo dục gia đình tuy là vấn đề về nội dung, liên quan đến mỗi mái nhà, nhưng lại có tầm quan trọng vĩ mô ở cấp độ quốc gia và cao hơn, ở mức toàn lục địa. Năm “Quốc tế gia đình” 1994 đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Một tiểu phẩm về đề tài gia đình của trung tâm VH, TT huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh Hoài Sơn
Có nhiều ý kiến cho rằng: Giáo dục gia đình đang khủng hoảng, giáo dục gia đình đang xuống cấp. Đó là những lời cảnh tỉnh của những ai có lương tri, có trách nhiệm với con người, với gia đình và xã hội.
Phải chăng là những tiêu cực xã hội, đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện suy thoái và tình hình trẻ em phạm tội có chiều hướng gia tăng là những căn cứ, những cơ sở của hồi chuông báo động về giáo dục gia đình. Những đổi mới như thế nào và bắt đầu từ đâu?
Có lẽ điều quan trọng nhất là phải giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp trong giáo dục gia đình.
Trước hết, về nhận thức và quan niệm, nhân dân ta rất quan tâm đến việc giáo dục gia đình, đã đưa nội dung giáo dục gia đình vào lời ru điệu hát, vào ca dao tục ngữ, trong lời ăn tiếng nói hàng này. Hầu hết các vùng đều có những bài hát ru nổi tiếng của địa phương mình như “ru con Nam Bộ”, những bài ca dao, những câu Kiều, khúc “Chinh phụ ngâm”, đã thành những bài hát ru, hình thành thứ âm hưởng đặc sắc và đậm đà sau lũy tre xanh từ bao đời nay tạo nên bầu không khí trong lành và tăng thêm vị ngọt của dòng sữa mẹ.
Duy trì lấy gia phong, hết sức giữ gìn gia đạo, tự hào và có ý thức bảo vệ gia thế, lấy danh dự và truyền thống gia đình làm mục tiêu và nội dung giáo dục gia đình cho con em đã trở thành lối nghĩ, một nếp sống tốt đẹp dưới mỗi mái nhà Việt Nam, nhất là ở những gia đình có gia giáo.
- Áo rách thì giữ lấy lề
- Đói cho sạch, rách cho thơm
- Ăn xem nồi, ngồi xem hướng
- Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà
- Con hơn cha là nhà có phúc
- Mồng một thì để phần cha
Mồng hai phần mẹ, mồng ba phần thầy
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…
Đôi lúc, đã khái quát nội dung giáo dục thành những tiêu chí rèn luyện nhân cách “công, dung, ngôn, hạnh”, “Trai thì trung hiếu làm đầu. Gái thì tiết hạnh là câu trau mình”.
Có thể thấy:
- Nhân dân ta quan tâm tới giáo dục gia đình
- Rất tôn trọng nếp sống có đạo đức dù kinh tế còn nghèo.
- Có những phương pháp giáo dục gia đình tinh tế
- Đã khái quát nội dung giáo dục gia đình khá cụ thể, thành những tiêu chuẩn làm người theo từng giới (nam, nữ) như đã nêu trên.
Về nội dung cơ bản nhất của giáo dục gia đình truyền thống trong việc hình thành nhân cách con người là lòng nhân ái, lối sống trọng tình nghĩa, lấy đạo đức làm nền tảng cho cuộc đời, sự quan tâm sâu sắc và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, lấy đoàn kết, hòa thuận và hạnh phúc gia đình làm nội dung, mục tiêu rèn luyện và trách nhiệm của mỗi người dưới một mái nhà. “Tứ đại đồng đường”, bốn thế hệ chung sống dưới một mái nhà vừa phản ánh lối sản xuất trước đây của xã hội ta, nhưng mặt khác là niềm tự hào về truyền thống đoàn kết và kỷ cương, nền nếp của gia đình “gia giáo”, thường được tôn vinh ở các làng xã nổi tiếng cả một vùng.
Sự cố kết vững vàng của gia đình là nền tảng trong hệ thống cấu trúc nhà - làng - nước của xã hội Việt Nam, phải chăng đã góp phần làm nên sức mạnh trường tồn của Tổ quốc trải qua biết bao biến động, bão táp của lịch sử dân tộc.
Văn hóa gia đình truyền thống, kỷ cương, nền nếp gia đình, cái mà cha ông ta thường gọi là gia phong, gia đạo… không những đã trở thành nếp sống, thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam mà nó được pháp luật hóa, đã đi vào lịch sử “Nhân tố có tác dụng quyết định của quá trình hình thành dân tộc ta là thời vua Hùng, đưa đến sự ra đời Văn Lang và Âu Lạc, một hệ thống thể chế xã hội và chính trị chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đồng người Việt lúc bấy giờ bằng cách tập hợp các bộ lạc trong địa bàn ngày càng được mở rộng, hệ thống, đó là gia đình (nhà) Làng và Nước” (Phạm Văn Đồng).
Bộ luật Hồng Đức mà tác giả của nó, vua Lê Thánh Tông, một minh quân hiếm có, đã định rõ những phép nước nghiêm ngặt, trong việc xây dựng gia đình theo một kỷ cương nền nếp rất tiến bộ, đầy tính nhân văn làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên.
“Người con gái được quyền chia tài sản như con trai. Trường hợp gia đình không có con trai, con gái được quyền thừa kế hương hỏa. Khi gia đình phải phân chia tài sản, thì tài sản do hai vợ chồng gây dựng nên được chia đôi. Trường hợp người chồng ruồng bỏ không đi lại với vợ trong 5 tháng thì vợ có quyền bỏ chồng;
“Học trò đánh hay lăng mạ thầy cô giáo thì bị xử phạt nặng hơn tội đánh hay lăng mạ người thường 3 bậc”.
“Người góa vợ, góa chồng, mồ côi, tàn tật nặng không nơi nương tựa thì quan sở tại phải thủ nuôi, nếu bỏ rơi thì bị đánh 50 roi. Người già trên 70 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người phế tật nếu phạm tội thì không được tra tấn.”
Có thể thấy rõ quyền bình đẳng nam nữ, sự chăm sóc trẻ em, mối quan tâm tới người già cả, người mồ côi tàn tật trong các gia đình được Nhà nước phong kiến bảo vệ bằng luật pháp. Từ một góc độ nào đó, có thể thấy gia đình truyền thống Việt Nam vốn có nền tảng vững chắc từ bao đời nay.
Chúng ta đã nhìn lại giáo dục gia đình truyền thống Việt Nam với những nền nếp, quy chế khá vững chắc, góp phần làm nên sức mạnh của xã hội Việt Nam tồn tại và phát triển trong trường kỳ lịch sử của dân tộc.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế chậm phát triển trên cơ sở một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu duy trì khá lâu trong thời đại phong kiến thực dân lại trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, có lúc khốc liệt và thiên tai khắc nghiệt thường xuyên đe dọa, nền giáo dục gia đình truyền thống Việt Nam cũng chứa đựng nhiều hạn chế: tính chất gia trưởng, trọng nam khinh nữ, một nền giáo dục gia đình mang tính chất khép kín, thiếu tinh thần cởi mở, dân chủ nên không phát huy được sức mạnh của mỗi thành viên trong gia đình. Sự giáo dục của cha mẹ thường mang tính độc đoán, bảo thủ, áp đặt đối với các con.
Chính sách đổi mới và mở cửa đưa đất nước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường đã đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Tổ quốc ta, đồng thời cũng tạo nên những thay đối lớn lao và sâu sắc trong hoàn cảnh sống và tâm lý của mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam.
Phải chăng những biểu hiện tiêu cực xã hội, một số tín hiệu suy thoái về đạo đức, tình hình trẻ em phạm tội có chiều hướng gia răng đều có nguồn gốc từ sự xuống cấp của giáo dục gia đình.
Và sự đổi mới của gia đình - tế bào và nền tảng chưa kịp đổi mới kịp thời và đồng bộ với toàn xã hội.
Sự đổi mới giáo dục gia đình tất nhiên phải phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước và xu thế phát triển của thời đại, làm cho gia đình - trước hết là những gia đình trẻ, gia đình hạt nhân, trở thành những gia đình hòa thuận, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Nền kinh tế thị trường là một thành quả to lớn mà nhân dân lao động trên thế giới đã sáng tạo ra và ngày càng hoàn thiện trong lịch sử lâu dài của toàn dân tộc…
Chúng ta phải thấy sáng tỏ tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường để phát triển nó, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế hàng hóa… khởi động mọi năng lực tiềm tàng hầu như đang ngủ giấc ngủ ngàn năm… và cả tính năng động của con người”. (Phạm Văn Đồng)
Tính ưu việt và sức mạnh của nền kinh tế thị trường thực tế đã mang lại gương mặt mới với biết bao đổi thay và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Đồng thời cũng thấy rõ mặt tiêu cực của nó để tìm cách hạn chế và khắc phục.
Mặt trái và sức mạnh của đồng tiền như những đám mây u ám làm vẫn đục tâm hồn, đen tối cả lương tâm, như những con sâu đục khoét nền đạo đức xã hội, gây nên bao bi kịch cho mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Thậm chí, bất cứ ở đâu trong cuộc sống của chúng ta hình như đều ẩn náu một dạng tiêu cực của kinh tế thị trường, trắng trợn hoặc kín đáo, lộ liễu hoặc tinh tế, chi phối và làm ta rã cả những mối quan hệ rất thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và các con, giữa anh em trong một mái nhà vốn từ xưa rất ấm êm, hạnh phúc.
Vấn đề không phải là nêu lên thực trạng mà điều cốt yếu là thấy rõ nguyên nhân của tình hình - như đã phân tích trên đây, để tìm biện pháp hữu hiệu mà cải thiện tình hình đó.
Sự phát triển của kinh tế đã mang lại những phương tiện ngày càng phong phú hơn, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của con người, đồng thời nếu không được định hướng đúng đắn, sẽ dễ làm mất đi những thuần phong mỹ tục trong việc nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Điều phổ biến dễ dàng nhận thấy là những băng hình, băng nhạc, những văn hóa phẩm đồi trụy làm hủy hoại biết bao tâm hồn tuổi trẻ. Lời ru ngọt ngào, đậm đà bản sắc dân tộc đã thưa vắng dần sau lũy tre xanh. Tâm hồn trẻ sẽ ra sao khi người mẹ đã dùng những điệu nhạc xập xình đinh tai nhức óc thay cho những lời ru dịu dàng thắm thiết. Cuộc thi hát ru được tổ chức khá sôi nổi ở nhiều nơi, là một lời khuyên, một biện pháp đẹp và có ý nghĩa sâu xa trong giáo dục gia đình cần được phát huy và khích lệ. Tiếng ru con vừa tạo nên bầu không khí trong lành cho trẻ thơ, vừa làm ngọt ngào sâu thắm thêm tấm lòng người mẹ, gây được một âm hưởng thanh thoát, ấm cúng trong mỗi gia đình Việt Nam.
Con em chúng ta ngày nay có cái may mắn là tiếp thu một lượng thông tin khá phong phú từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, lại được học hành. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ không còn độc quyền về thông tin và không dễ dàng gì thực hiện giáo dục gia đình theo kiểu áp đặt, gia trưởng. Cần tạo không khí cởi mở, dân chủ, gợi mở sự hiểu biết, tự giác rèn luyện và phấn đấu của mọi thành viên trong gia đình.
Muốn định hướng giáo dục gia đình có hiệu của hơn, cần thấy rằng ngày nay với công cuộc đổi mới đất nước, với những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa, gia đình ở nước ta đang trải qua những quá trình biến đổi cơ bản và sâu sắc.
Từ trạng thái tự cung tự cấp sang trạng thái sản xuất kinh doanh theo hộ kinh tế gia đình sản xuất hàng hóa.
Từ vai trò thụ động trong xã hội sang vai trò năng động trong sản xuất kinh doanh, kế hoạch sinh đẻ, chăm sóc giáo dục con cái, có ý thức trách nhiệm góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, thỏa mãn nhu cầu tinh thần và vật chất, đảm bảo chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Đương nhiên phải hiểu những định hướng đúng đắn, những xu thế đổi mới của giáo dục gia đình, mới xây dựng được mô hình gia đình văn hóa. Theo những tài liệu nghiên cứu khoa học vừa công bố gần đây, những giá trị tinh thần của gia đình, nhất là ở những gia đình trẻ, gia đình hạt nhân, đang quan tâm hướng tới là:
- Sự tôn trọng lẫn nhau: 86,3%
- Sự thương yêu và thủy chung: 81,8%
- Sự hòa hợp trong tình yêu và đời sống tinh thần: 64,3%
- Sự tương đồng về quan niệm sống: 60,5%
- Sự giúp đỡ lẫn nhau phát triển nghề nghiệp: 60%
Những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được ếp hạng như là:
- Gia đình hòa thuận
- Con ngoan học giỏi
- Cha mẹ được chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo
- Sống trong sạch văn minh
- Vợ chồng có trình độ văn hóa, học vấn
- Điều kiện kinh tế vững, đời sống đảm bảo
Một nội dung và định hướng quan trọng trong giáo dục gia đình là xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Điều đó có ý nghĩa tiền đề, có vai trò quyết định và tạo điều kiện cơ bản cho gia đình phát triển.
Gia đình với tư cách là một đơn vi kinh tế, phải phát huy tinh thần, trách nhiệm và sáng tạo của mọi thành viên vào lĩnh vực thiết yếu này. Làm giàu một cách chính đáng, làm ăn đúng pháp luật là một trong những tiêu chí hàng đầu của giáo dục gia đình.
Nhà có giàu thì nước mới mạnh
Gia đình có phát triển thì Tổ quốc mới phồn vinh
Nghèo đói thì còn nói chi đến hạnh phúc!
Để giáo dục gia đình có hiệu quả, không thể thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ngành có liên quan, nhất là giáo dục, y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Nhà trường, gia đình và xã hội được kết hợp chặt chẽ với ý thức và trách nhiệm cao, với nội dung biện pháp thích hợp và phong phú đê xây dựng nhân cách con người.
Xã hội ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đổi mới sâu sắc, tất nhiên giáo dục gia đình cũng đặt ra những vấn đề quan trọng và bức xúc, và cũng phải trải qua nhiều biến đổi, cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh bổ sung, làm cho giáo dục gia đình góp phần xây dựng nhân cách con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
tin tức liên quan
Videos
Giới trẻ có thờ ơ với các vấn đề chính trị?
Xoài Tương Dương và hành trình xây dựng thương hiệu
Chúng ta đang cần tới một cuộc đại chấn hưng văn hóa của quốc gia - dân tộc!
Từ hai bài phú Nôm và một số bài thơ chữ Hán của Đức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) - Tìm hiểu tư tưởng Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử
Về với Nga ba Đồng Lộc
Thống kê truy cập
114525247
261
2364
21949
211943
0
114525247