Văn hoá học đường
Vì sao cần phải tiếp cận lịch sử bằng thông tin đa chiều?
Đặc tính của khoa học là sự hoài nghi. Người làm khoa học, người nghiên cứu và tiếp cận khoa học mà không có sự hoài nghi thì sẽ không tìm ra câu trả lời, không thể biện luận một vấn đề nào đó. Lịch sử cũng là một khoa học. Nhiều người đọc lịch sử, hiểu lịch sử theo cách thụ động. Có nghĩa là, sử sách ghi chép như thế nào thì tiếp nhận nguyên như thế. Thậm chí một số người còn hiểu lịch sử chỉ đơn giản là những sự kiện ngày - tháng - năm.
Nghiên cứu lịch sử để biết về quá khứ của dân tộc, để biết về người xưa đã sinh sống, đã học tập, đã làm việc, đã đấu tranh, đã tiến bộ như thế nào... Nhưng trên hết, nghiên cứu lịch sử còn để tìm ra căn nguyên của vấn đề thịnh - suy, tồn - vong của một quốc gia, dân tộc. Từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm để ứng xử cho đúng đắn với hiện tại và tương lai. Chính vì lịch sử cũng là một khoa học nên khi nghiên cứu lịch sử sẽ không tránh khỏi những câu hỏi nghi vấn. Người nghiên cứu lịch sử có thể tự mình đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời cho phù hợp. Có thể dùng sự kết nối các dữ kiện, có thể dùng phương pháp suy luận logic... Khi người nghiên cứu đưa ra giải đáp theo quan điểm, theo cách nhìn nhận của mình thì người tiếp nhận có thể dùng kiến thức để phản biện. Phản biện để cùng nhau tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Hiện nay có những bài nghiên cứu mang nhãn quan mới mẻ phân tích và lập luận đi ngược với những gì sử sách xưa nay thường viết. Người tiếp nhận với tư duy thoáng mở sẽ tìm thấy cái hay, cái hấp dẫn bởi những phát hiện mới mẻ đó. Những giả thuyết, những nhận định mới được đưa ra ấy có thể đúng, hoặc có thể chưa đúng bởi nó chưa có sự chứng thực rõ ràng. Những người nghiên cứu có thể bày tỏ quan điểm của mình. Và người đọc có quyền phản biện. Tuy nhiên, nhiều người khi tiếp nhận những đánh giá, những vấn đề mới mẻ ấy thì lại quy chụp cho tác giả là suy xét lại lịch sử, là muốn đổi trắng thay đen. Âu cũng vì phần lớn người Việt Nam mình chưa có thói quen tiếp cận một vấn đề nào đó (mà cụ thể ở đây là lịch sử) theo hướng đa chiều. Nhất là không có thói quen phản biện (phản biện khác với tranh cãi để giành thắng - thua).
Khi tiếp cận một bài nghiên cứu, ngoài những kiến thức, lối tư duy mới mẻ mà chúng ta thu nhận được, điều quan trọng hơn là chúng ta học được cách làm việc khoa học của tác giả. Chúng ta cần được tự do phản biện, mạnh dạn phát biểu suy nghĩ của mình để cùng nhau đi đến tận cùng của mọi vấn đề.
Lịch sử là một khoa học không có giải đáp vĩnh viễn. Khoa học lịch sử dựa trên sự hoài nghi và ý muốn tìm hiểu. Hoài nghi có thể dẫn đến và cũng có thể là một hệ quả của chuỗi quá trình nghiên cứu, tiếp cận, dẫn chứng và bàn luận. Tiếp cận với lịch sử cần có một tư duy không gò bó vào lý thuyết sắp đặt, bàn luận đến khoa học lịch sử đòi hỏi có sự khai trí để chấp nhận sự phản biện, sự kiểm chứng và ý tưởng mang tính thử nghiệm.
Bao nhiêu năm qua, bộ môn Lịch sử được dạy trong nhà trường đều theo kiểu đọc - chép. Học sinh buộc phải học thuộc lòng các sự kiện lịch sử, thuộc lòng các bài học/ý nghĩa đã được tác giả soạn sẵn mà không hề có sự gợi mở về tư duy phản biện. Học sinh buộc phải chấp nhận những điều viết trong sách giáo khoa là hoàn toàn đúng. Nếu có cô cậu học trò nào dám phát biểu ý kiến ngược lại thì sẽ bị xem là có suy nghĩ sai lệch. Và tất nhiên là sẽ không thể có được điểm tốt! Những điều này khiến cho học sinh coi thường bộ môn Lịch sử và dẫn đến chán ghét những giờ học lịch sử trên lớp.
Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của Internet, chúng ta có thể tiếp cận tri thức - khoa học, tiếp cận lịch sử bằng thông tin đa chiều trên nhiều kênh khác nhau. Từ Facebook đến các trang blog, báo chí nước ngoài... Việc tiếp cận lịch sử bằng nhiều nguồn khác nhau sẽ giúp cho người ta mở mang đầu óc, mở rộng được sự hiểu biết của mình, giúp cho chúng ta thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc về tư duy, tư tưởng. Đấy chính là tinh thần Khai Phóng trong học thuật để người dạy, người học được tiếp thu, được mở mang tri thức thực sự! Và chỉ khi nào con người được khai phóng thì mới có được Tự Do!
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm
Thống kê truy cập
114515352
230
2367
2953
213291
121009
114515352