Văn hoá học đường
Chấn hưng văn hóa đọc - Nhìn từ một cuộc thi
Cho đễn nay, báo Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức được 9 cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Nguồn ảnh hanomoi.com.vn
Thực trạng văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay đang... báo động đỏ. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng: 1 người Việt Nam đọc 01 cuốn sách/1 năm. Trong khi đó các cường quốc đọc sách như Mỹ, Nga, Ixraen, Hungary, Đức,... đều gấp nhiều lần ở ta (Ixraen chiếm kỷ lục - mỗi người đọc 64 cuốn sách/1 năm; thứ nhì là nước Nga - mỗi người đọc 55 cuốn sách/1 năm). Vì sao có hiện trạng không mấy lạc quan này? Nhiều người đồng tình khi cho rằng văn hóa đọc đang cạnh tranh quyết liệt với văn hóa nghe - nhìn, vấn nạn học thêm của học trò phổ thông đã cướp mất tuổi thơ và thời gian dành cho đọc sách, văn học đang bị đẩy xa khỏi trung tâm phạm trù văn hóa, cuộc mưu sinh vất vả khiến cho thời gian dành đọc sách ngày càng bị thu hẹp với giới trẻ,... Tôi đã có thời gian học tập ở Liên - Xô (trước đây), nên đã thực sự kính nể người Nga yêu sách và ham đọc sách đến mức nào - trên xe bus, tàu điện ngầm (metro), sân bay, bến tàu, trong các cửa hàng, thư viện,... nơi nơi đều thấy mỗi người cầm một cuốn sách đọc chăm chú. Một bận, lên tàu điện ngầm, tôi cầm một cuốn sách nghiên cứu văn học tiếng Nga (nhan đề Loại hình tiểu thuyết Nga - Xô viết), liền được một người đàn ông luống tuổi nhường chỗ ngồi. Tôi nói lời cảm ơn và vẫn đứng. Người đàn ông nhìn cuốn sách trên tay tôi, lại nhìn cái huy hiệu trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên Lô- mô-nô-xốp (MGU) và nói: “Chúng tao nể phục người Việt Nam, chiến tranh liên miên, đói nghèo dai dẳng mà học giỏi và ham đọc sách”. Tôi lại lần nữa cảm ơn lời nhận xét thể tất của một người Nga chân chính. Thế hệ chúng tôi (U70) ham đọc sách từ nhỏ. Một thế hệ được làm giàu đời sống tinh thần bằng sách. Sách là một phần tất yếu của cuộc sống. Bây giờ thì máy tính bảng, điện thoại thông minh, rồi đến tivi thông minh,… cái gì cũng thông minh đã làm cho con người xa rời sách. Việt Nam hiện có hơn 95 triệu dân (chưa kể hơn 4 triệu người định cư ở nước ngoài), trong đó có hơn 60 phần trăm sử dụng internet, tham gia mạng xã hội (là 1 trong 10 cường quốc về lĩnh vực này). Nhưng đáng tiếc, năng suất lao động và công bố khoa học của ta lại thấp hơn hẳn các nướcngaytrong khu vực như Singapore, Thái Lan,... nhiều lần. Các cơ quan chức năng của Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Dulịch,...) đều đã có nhiều chương trình có tính chiến lược nhằm chấn hưng văn hóa đọc. Nhưng sự chấn hưng, phục hưng văn hóa đọc, theo chúng tôi, diễn tiến rất chậm. Cuộc cách mạng CN 4.0 lại đang hối thúc xã hội đi vào số hóa, tự động hóa,... Nhiều áp lực khách quan khiến quá trình phục hưng văn hóa đọc gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, chương trình dài hạn của Báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ), tổ chức cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” đã bước sang năm thứ chín (2010-2019). Cá nhân tôi từng được mời tham dự Lễ trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ VIII (2018). Báo cáo tổng kết cuộc thi hôm đó cho khách mời cảm nhận đầy đủ về tiến trình, biện pháp tổ chức cuộc thi có hàm lượng văn hóa cao. Nhưng có lẽ, điều mọi người quan tâm nhất là cuộc thi lần này (cũng như 7 cuộc thi trước) đã mang lại kết quả khả quan nào trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa đọc? Báo cáo nêu rõ: “Thế giới quan các em đã thay đổi, suy nghĩ của các em đã khác sau khi gặp được cuốn sách nói đúng tâm trạng của mình, khơi dậy niềm hứng khởi cuộc sống, kích thích các em bước vững vàng hơn trên con đường hướng tới tương lai”.
Có gần 10.000 bài dự thi của các em học sinh phổ thông (đáng chú ý là số học sinh các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm phần nhiều trong cuộc thi này, khiến nhiều người suy nghĩ, vì sao ở những địa phương được coi là khó khăn nhiều mặt học sinh lại có tinh thần đọc sách cao hơn các thành phố lớn), điều đó chứng tỏ cuộc thi đã “vươn xa” và “được các em đón nhận nồng nhiệt”. Loại trừ các cuộc thi trên sóng truyền hình (do VTV tổ chức) mà chúng ta mục sở thị, đa số nặng tính chất giải trí, còn lại có thể nói ít có cuộc thi nào tạo sức lan tỏa, hấp dẫn như cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” do Báo PNTĐ kiên trì tổ chức 9 năm qua. Có thể nói đây là sáng kiến văn hóa - sáng kiến giáo dục - sáng kiến truyên truyền độc đáo. Các cơ quan chức năng Nhà nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du Lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS HCM,... cần rút kinh nghiệm, nhân rộng một mô hình, một phương pháp, một hình thức chấn hưng văn hóa, giáo dục hữu hiệu qua việc đọc sách.
Nhìn vào Danh sách học sinh đoạt giải 2018 Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thíchcủa em” chúng ta thấy vấn đề gì của văn hóa đọc cần quan tâm? Thật đáng mừng khi các thí sinh đã say mê đọc sách truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc (Bão táp triều Trần, Mãi mãi tuổi hai mươi, Tuổi thơ dữ dội, Sen hồng trong bão táp, Người quản tượng và con voi chiến sỹ, Tuổi thơ không có cánh diều). Đừng nói học sinh ngày nay chỉ thích đọc truyện tranh Nhật Bản, thích hát bài hát tiếng Anh hơn bài hát tiếng Việt. Qua cuộc thi này, riêng tôi cảm nhận sâu sắc: Dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản tuổi trẻ Việt Nam ngày nay. Em Lê Phương Hoa (học sinh lớp 10A1, trường THPT Yên Định I, Thanh Hóa), thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi, đọc tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã viết: “Hãy đọc cuốn sách để từ đó ta biết trân trọng hơn cuộc sống ngày hôm nay, sống sao cho xứng đáng với công sức mà cha anh đã đổ xuống, sống để viết tiếp những khúc tráng ca hào hùng của đất nước, của dân tộc”. Cuộc thi đã vinh danh 24 giải cho các cá nhân và tập thể. Đó là một con số biết nói. Trên gần 10.000 bài dự thi chỉ chắt lọc, tuyển lựa hơn 24 bài viết thì mới thấy đây thực sự là một cuộc “vượt vũ môn”. Trong Báo cáo Tổng kết, có một ý khiến tôi đặc biệt quan tâm: “Cuộc thi đã trở thành những kỷ niệm đẹp, thành hành trang để các bạn bước vào cuộc sống tốt đẹp hơn”. Rõ ràng, lứa tuổi học trò là lứa tuổi thiên thần, trong sáng, tươi đẹp, rực rỡ nhất trong một đời người. Như thế, cuộc thi lần thứ 8, cũng như 7 cuộc thi trước đó,và cuộc thi năm 2019 - lần thứ 9 đã vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc thi bình thường vì nó truyền cảm hứng sống tích cực, nó trở thành hành trang tinh thần và vốn liếng văn hóa cho các em vào đời một cách tự tin, vững vàng. Nhờ đọc sách mà các em trở nên thông minh hơn, nhân ái hơn, độ lượng hơn và ứng xử có văn hóa hơn.
Trong phát biểu với tư cách Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi lần thứ tám, nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã chọn cách nói đầy sự chia sẻ, giãi bày, động viên các em học sinh tham gia dự thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”. Ông nói rất thật về cảm xúc ban đầu của mình khi đọc những bài đã được sơ tuyển “Liệu có phải của các em viết?”. Nhưng càng đọc ông càng nhận ra đó chính là câu chữ của chính các em, chứ không phải của ai khác. Không có cái gọi là “cầm tay chỉ việc” như trong hành chính sự vụ. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi đọc những bài viết được giải, thấy rằng đa số “viết theo cách của Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam”. Nghĩa là viết theo trực quan, trực cảm, theo cảm xúc. Vì thế, ông “cạnh khóe” rằng lối viết của các em khiến ông thích thú hơn các nhà phê bình chuyên nghiệp vì, có thể chưa đọc tác phẩm nhưng qua bài viết của các em ông có thể hiểu được cái thần thái của tác phẩm. Điều khiến nhà thơ quan tâm và hứng khởi nhất khi tham gia Ban Chung khảo là: “Các em học sinh đã biết chọn sách hay để viết và viết hay về nó”. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng điều quan trọng nhất của cuộc thi là “nuôi dưỡng cảm hứng đọc”, từ đó “bồi dưỡng năng khiếu văn chương”, tiến thêm một bước cao hơn nữa là “gìn giữ tài năng văn chương”, hay là “tiết kiệm tài năng văn chương”. Ông giải thích, sở dĩ phải nói như vậy là vì rất nhiều học sinh giỏi văn nhưng khi tốt ngiệp phổ thông thì tuyệt đại đa số chọn ngành nghề khác, rất xa với văn chương. Đó là tình trạng “phân tán”, thậm chí là “tán tài” năng lực, hạt giống văn chương. Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay bị gọi là “hội người già” (!?). Không có nguồn tiếp sức, tiếp tế, tiếp tục thì lấy đâu ra nhân tài văn chương. Nỗi lo lắng của nhà thơ là có thật và là nỗi lo không của riêng ai. Vì thế, học sinh phổ thông (hàng triệu em) là nguồn dự bị, dự trữ tài năng văn chương cho đất nước. Có thể chúng ta mãi mãi không bằng em bằng anh với thế giới về phát minh khoa học, về bóng đá, về nhiều thứ khác. Nhưng với truyền thống văn chương cả mười thế kỷ trung đại và một thế kỷ hiện đại, lẽ nào chúng ta tự ti? Lẽ nào chúng ta thúc thủ? Lẽ nào chúng ta nhường nhịn không phải cách khi mà cánh cửa vào Nobel chưa phải vĩnh viễn đóng kín? Là người thực tiễn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất sáng kiến: Báo Phụ nữ Thủ đô cần mời các nhà văn, nhà giáo có kinh nghiệm và tâm huyết hợp tác tuyển chọn, biên tập, xuất bản bộ sách về chủ đề “viết về cuốn sách yêu thích của em” (tuyển chọn qua các cuộc thi). Ông tin tưởng vững chắc rằng, từ kinh nghiệm bản thân, sau khi cộng tác nhiều năm với tạp chí Văn học và Tuổi trẻ (Bộ GD&ĐT) đã cho ra mắt Hầu chuyện thượng đế (bán rất chạy, tái bản nhiều lần). Ông nói, đó là cách “tiết kiệm tài năng”. Các thế hệ sau có “bảo bối”, có “kim chỉ nam”, có các “bộ sưu tập” quý giá. Con đường đến với văn chương, theo ông, sẽ được rút ngắn lại nhờ kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Đó là “vận trù học”, là “tiết kiệm”, là “một mũi tên bắn trúng hai đích”.
Trong chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc nói chung, chấn hưng văn hóa đọc là một mặt trận hàng đầu./.
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515345
223
2367
2946
213284
121009
114515345