Người xứ Nghệ
Cao Xuân Dục và thư viện Long Cương
Cao Xuân Dục (1843-1923)
Tiểu sử và tác phẩm
Cao Xuân Dục (1842-1923), tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê ở làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông thi đậu Cử nhân khoa Bính Tý - Tự Đức 29 (1876). Năm sau dự khoa thi Hội (1877), nhưng không đậu, nên phải đi nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi. Ông làm quan trải các chức tước: Kinh lịch, Tri huyện Bình Sơn, rồi Mộ Đức. Do làm việc tỏ ra xuất sắc, nên năm 1880 được thăng hàm Hàn lâm viện Biên tu. Năm sau ông được điều về Huế làm việc ở bộ Hình, rồi Nha Thương bạc. Tháng 4-1882, ông được cử vào Phái bộ ra Hà Nội thương thuyết về việc Pháp đánh chiếm Bắc Hà lần thứ hai, rồi được cử làm Thự Tri phủ Ứng Hòa. Đến 1884, được thăng hàm Hồng lô tự Thiếu khanh và điều về Huế giữ chức Biện lý bộ Hình, rồi đổi làm Án sát Hà Nội, đến tháng 5/1885 thăng làm Bố chánh Hà Nội, tháng 9 năm này thăng Thị lang, sung Hải phòng sứ tỉnh Hải Dương. Tại đây, do bất đồng ý kiến dẫn tới việc xô xát với viên Công sứ Pháp, ông bị dáng một cấp, nhưng vẫn giữ chức cũ. Năm 1889, ông làm Tán lý quân vụ dưới quyền Kinh lược đại sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, rồi thăng chức Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1890. ông được thăng làm Tổng đốc Sơn -Hưng - Tuyên. Năm 1893, ông được ban tước An Xuân Nam. Năm 1894, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, rồi được thăng hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng tài Quốc Sử quán. Năm 1901, được cử làm Chánh Chủ khảo khoa thi Hội ở Huế, rồi làm quyền quản Quốc Tử Giám. Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học, sung Phụ chính phủ Đại thần, Chủ tịch Hội đồng khảo duyệt sách kinh điển (1908); rồi được phong hàm Thái tử Thiếu bảo và 1909 lại thăng tước An Xuân tử. Năm 1913, Cao Xuân Dục xin về hưu và được ban hàm Đông các Đại học sĩ.
Cao Xuân Dục là tác gia lớn của đất nước với nhiều công trình chủ biên, biên soạn và các sáng tác thơ, văn, câu đối… Trước tác để lại gồm: Quốc triều tiền biên toát yếu/Đại Nam thực lục (Đệ ngũ kỷ và Đệ lục ký)/Quốc triều chính biên toát yếu/Đại Nam nhất thống chí/Đại Nam dư địa chí ước biên thông quốc thổ sản/Viêm giao trung cổ ký/Đại Nam quốc sử quán tàng thư mục/Quốc triều luật lệ toát yếu/Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập/Quốc triều Hương khoa lục/Quốc triều khoa bảng lục/Nam Hà trường Hương thí văn tuyển/Nam Hà Hương thí văn thể/Nhân thế tu tri/Thù phụng biền thể/Khâm định nhân sự kim giám/Luận thể tân tuyển…
Văn thơ sáng tác: Tân Giang từ tập/ Chư để mặc/ Giáp Thìn Hội khoa thi văn đối liên hạ tập/Tiết ngọc đối liên /Phong tước hạ ngôn đăng lục/Thực thụ Đông các cáo văn tịnh đối liên/Tiên nghiệm hội/Đình thi văn/Danh nhân văn tập/ Đại gia bảo văn tạp biên…
Ngoài ra ông còn để lại các câu đối ghi ở các di tích lịch sử, văn hóa, như đền Cuông và các văn bia, như Nam miếu tôn thần sự tích (văn bia ở đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), Bia Tam bình nham (ghi về công tích của thầy học, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt.- (cùng soạn với Hoàng Cao Khải) ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn…
Từ tên hiệu Long Cương đến Thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục
Cao Xuân Dục sinh ra trên quê hương có tên địa danh rất nổi tiếng, được ghi chép trong sử sách từ lâu đời với tên:Cao Xá Long Cương là Gò rồng ở xã Cao Xá. Đấy là Cồn Sò Diễn Châu đã được hình thành cách ngày nay hàng vạn năm, cũng là một trong 8 cảnh đẹp nhất ở Đông Thành (tức huyện Diễn Châu và Yên Thành ngày nay) Đông Thành bỏt cảnh. Gò Sò đó từ nam sông Bùng chạy suốt cho đến đền Cuông, xã Diễn An, tạo thành một thế đất hình con Rồng nằm. Sách Đại Nam nhất thống chớ viết về Bãi Sò Diễn Châu như sau:
Bãi Sò phía tây huyện Đông Thành, có tên nữa là Ngoạ Long Cương, cũng có tên là Xác Long Cương. Trong khoảng đất từ núi Mộ Dạ đến sông Phùng đều có vỏ sò, vỏ trai kết chặt, cứng rắn như đá; có mấy đường sống nổi lên, khi nối, khi đứt, người địa phương lấy để xây tường, xây nhà và làm đá tảng, phủ thành Diễn Châu xây bằng đá sò đều lấy ở đây. (1)
Bài ký nói về phong thổ của huyện Đông Thành của Ngô Trí Hợp mô tả kỹ hơn về thế đất Long Cương như sau:
Cao Xá Long Cương. Đó là chỗ con Rồng dấy lên, bắt nguồn từ xã Hương Ái, tổng Cao Xá. Nguyên nó có ba đầu, đều là vỏ ốc, vỏ sò kết lại thành đống. Từ phía bắc đi đến xã Cao Xá, mặt đất dần dần cao vọt lên, nhân đó gọi tên là Gò Rồng, lại còn có tên là Cồn Vỏ Sò. Lại tiếp tục đi qua phủ thành, đến xã Tiên Lý thì bắt đầu chia làm chín đuôi. Đến hai xã Trang Xuân và Trừng Bích thì hết. Chỗ mà các thầy địa lý gọi là "Ba đầu chín đuôi" là chỗ này đây. Đây cũng là một việc lạ, nhưng năm tháng lâu ngày, không biết nó bắt đầu từ bao giờ, xem trong bài nói về cồn Sò của quan Hành Tham tụng triều Lê có ghi rằng; "Trời đất biết đến bao giờ thì hết, vũ trụ biết đến bao giờ thì cùng. Do có thể biết được rằng biển lại chẳng biến thành ruộng, ruộng lại chẳng biến thành biển chăng". Thuyết này cũng có lý, có thể trở thành cái nghi án của thiên cổ. ngày nay những vỏ sò đã biến thành đá, cũng đã trải qua nhiều năm tháng, mới có thể đẽo được thành những tảng đá, để cung cấp cho việc xây dựng thành luỹ, xung quanh đến đặt mua, thuyền bè đậu san sát. Dùng đá đó để xây tường rất là thuận tiện. Một nhánh của gò Rồng đó nay trở thành đường cái quan. Phủ thành mới đắp lại cũng nằm giữa hai nhánh của gò, có một nhánh trở thành đường thẳng như mũi tên, nhẵn như đá mài, hành khách qua lại, thú an nhàn phơi phới phía tây, trông xa ra những rặng núi, xa xa tựa như gió giao tống nhau. Phía đông giáp với biển lớn, sóng biển mênh mông vô hạn. Hành giả muốn đi trên con đường ấy, thật xứng đáng với sự ngâm vịnh của du nhân.(2)
Tiến sĩ Dương Thúc Hạp cú bài ngõm Bạng cáp sa ở trong tập thơ chữ Hán Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh. Sách Nghệ An ký của Bùi Hoàng Giáp (triều Nguyễn) cũng ghi về bãi Sò, kèm lời bình (bài ký) từ trước (triều Lê) của Hiệp trấn Bùi Huy Bích.
Trên chính Gò Sò, thuộc thôn Phú Trung, xã Diễn Thành, nay thuộc thị trấn Diễn Châu có một ngôi đền được đặt tên là đền Sò (cú từ thời vua Trần Thánh Tông) Đền thờ Long Xà rất linh ứng, nên được các triều ban nhiều sắc phong là Thượng đẳng thần. Tại đền có tấm bia đá Càn bi đế vương Võ Sơn Long Xà để ghi lại truyền thuyết của thần và các nhà đóng góp công đức xây dựng, tu sửa đền.
Địa linh đó đã sinh ra cho đất nước rất nhiều nhân kiệt, trong đó có Cao Xuân Dục. Mảnh đất đó luôn khắc dấu trong tâm tưởng ông và khuyến khích ông phải sống sao cho xứng đáng với quê hương, nên ông đặt tên hiệu cho mình là Long Cương để suốt đời phấn đấu đóng góp công sức mình cho quê hương, đất nước. Tình yêu với quê hương của ông thật sâu sắc và được thể hiện qua các tác phẩm văn chương mà mình sáng tác đều có tên Long Cương trong các đầu đề tác phẩm: Long Cương bát thập thọ ngôn biên tập (lục)/Long Cương kinh để hành dư văn tập/Long Cương lai hạ tập/ (Long Cương) Mậu Tuất kinh để tập/ (Long Cương) minh lương khải cáo lục/Long Cương tăng quảng hành văn bảo tập/Long Cương thảo tập/Long Cương văn tập/Long Cương hành dư liên tập/Long Cương hưu đình hiệu Tần tập/Long Cương kinh để thi tập/ Long Cương Bắc trấn hành dư thi tập …
Cao Xuân Dục cũng đặt tên cho Thư viện tư nhân gia đình mình là Thư viện Long Cương, mong gom góp, sưu tầm được nhiều sách quí, giúp cho con cháu và nhân dân trong vùng và cả nước có đầy đủ tài liệu quí hiếm phục vụ tốt nhất cho việc đọc, việc dạy/học và phát triển nhân tài đất nước.
Viết về Thư viện Long Cương, ông Cao Xuân Phổ trong lời giới thiệu Về tác giả và tác phẩm cuốn sáchTuyển tập Cao Xuân Dục. Tập một. Người đời nên biết (Nhân thế tu tri) như sau:
Cao Xuân Dục đã lập một thư viện riêng ở quê nhà (Diễn Châu, Nghệ An), Thư viện Long Cương (Long Cương là tên hiệu của Cao Xuân Dục), một thư viện lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 10.000 đầu sách bằng chữ Hán. Cao Xuân Dục đã cho sao chép nhiều tài liệu, văn bản công khai lưu trữ ở Quốc Sử quán, Bộ Học đem nhập vào thư viện. Và điều đáng kể là khối lượng đồ sộ các trước tác, biên soạn của tác giả trên nhiều lĩnh vức như đã nói trên, cũng như nhiều thư từ trao đổi với các Nho sĩ, chí sĩ đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Tăng Bí, v.v…cũng đều được lưu trữ tại Thư viện Long Cương. Qua nhiều biến động xã hội, ngày nay còn khoảng 20.000 trang các tác phẩm của Cao Xuân Dục rải rác ở nhiều thư viện trong nước và nước ngoài (Pháp, Nhật Bản).(3)
Kho sách nhiều và quí nhất Việt Nam lúc đó đã giúp ích rất nhiều cho Nho sĩ, sĩ từ dạy/học và đi thi đậu đạt thành danh qua khoa bảng của đất Diễn Châu, Nghệ Tĩnh thời kỳ cuối XIX, đầu XX. Nghệ Tĩnh có nhiều sĩ tử đậu Cử nhân, Tiến sĩ nhất nước, tiêu biểu như các Thám hoa: Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Giao; Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy, Đinh Văn Phác, Nguyễn Đức Lý; các Tiến sĩ: Trần Đình Phong, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Nguyên Thành; các Phó bảng: Nguyễn Sinh Sắc, Lê Doãn Nhã… Ngay trong dòng họ cùng ngoại tộc của Cao Xuân Dục cũng đã nổi tiếng với các Phó bảng: Cao Xuân Tiếu (con trai đầu của Cao Xuân Dục kế nghiệp ông làm quan đến Tổng tài Quốc Sử quán), Đặng Văn Oánh và Đặng Văn Hướng cùng đậu PB một khoa (hai con trai của Hoàng giáp Đặng Văn Thụy và là cháu ngoại của Cao Xuân Dục)… Các con cháu di duệ của Cao Xuân Dục về sau đều phát huy được truyền thống đọc sách, tự học và thành đạt, tiêu biểu như GS Cao Huy Đỉnh (Được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình Văn nghệ dân gian); GS Cao Xuân Huy (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Triết học phương Đông); rồi các nhà nghiên cứu xuất sắc về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ học như Cao Xuân Phổ, Cao Xuân Trứ, Cao Xuân Hạo, v.v… GS Nguyễn Huệ Chi trong mục giới thiệu về cụ Cao Xuân Huy, cháu nội của Đại học sĩ Cao Xuân Dục (sách: Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu) có ghi rõ về việc tích sách xây dựng Thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục và tác dụng của kho sách quý đó đối với việc hình thành nên trí tuệ siêu việt học giả Cao Xuân Huy như sau:
Cũng như những tên tuổi cùng thế hệ với mình, Cao Xuân Huy có một quá trình đào luyện học vấn ngay từ còn rất nhỏ. Xuất thân trong một gia đình "vọng tộc" người làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu, Nghệ An, ông là cháu nội Cử nhân Cao Xuân Dục (1842-1923), Thượng thư bộ Học và Tổng tài Quốc sử quán cuối triều Nguyễn, từng viết hoặc chủ biên nhiều công trình chuyên sử có giá trị… Đặc biệt là người học rộng và có mối hứng thú khác thường với thư tịch học, Cao Xuân Dục không những đã có công lớn trong việc thu thập các loại sách vở để xây dựng nên Thư viện của Quốc sử quán triều đình Huế, sau này là Bảo Đại Thư viện, mà còn sáng lập ra Long Cương Thư viện, một thư viện riêng của gia đình với số đầu sách vào loại nhất nhì trong nước lúc bấy giờ. Vì có đến 8 con trai nên gặp mỗi bộ sách quý, Cao Xuân Dục thường cho sao thành nhiều bản để các con ông đều được tiếp xúc đến nơi đến chốn với di sản văn hóa của người xưa. Và sự tiên liệu ấy quả đã không phí uổng: Nếu trong hàng con, người con trai đầu về sau đậu Phó bảng, kế nghiệp ông làm đến Tổng tài Quốc sử quán, thì trong hàng cháu, lại may mắn có một đứa trẻ, sớm biết phát hiện cái "kho báu" vô giá mà người ông để lại cho gia đình. Người ấy chính là Cao Xuân Huy. Với đầu óc sáng láng và sự ham thích tự nhiên, không cần chờ ai thúc giục, cậu thiếu niên họ Cao này vừa bước qua ngưỡng cửa trường học vỡ lòng chữ Nho đã dấn mình ngay vào giữa "núi sách" của Long Cương Thư viện. Cũng chính ở đây, trên cái nền của một lâu đài thâm nghiêm ngày một hiện rõ dần lên trong đầu óc cậu bé, một tòa lâu đài được kiến trúc nên bằng những đường nét chạm trổ của văn minh tinh thần, được nối kết vững chắc bằng những mối quan hệ đạo lý đã đúc thành khuôn, như những phép tắc muôn đời bất di bất dịch, Cao Xuân Huy còn nhìn thấy hình ảnh sống động của cả một lớp "người hiền" thời cổ đại: Nào Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, nào Mặc Định, Lão Đam, Trang Chu, Hàn Phi, Dương Chu, Huệ Thi, Công Tôn Long… rồi còn Tư Mã Thiên, Đổng Trọng Thư… Rồi còn các Đạo gia, các nhà Huyền học, các Thiền gia… Tất cả họ đều xuất hiện như những trí tuệ siêu việt, những bản lĩnh phi phàm; họ thuộc nhiều trường phái tư tưởng đối lập nhau như nước với lửa, nhưng người nào cũng làm cho Cao Xuân Huy thích thú, bởi lẽ lần đầu tiên cậu thấy thế giới hiện ra chân thực hơn là những gì người ta vẫn dạy cho trẻ nhỏ… Niềm hứng thú đối với triết học ở trong ông đã nảy sinh và nhen nhóm lên từ đấy… (4)
Nhà Hán học, Thư mục học Trần Văn Giáp (Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình thư mục, Hán học) có viết về về Cao Xuân Dục như sau:
Cao Xuân Dục… Trong khi làm quan đầu Sử quán, thu tập được nhiều sách cổ Việt Nam và trứ thuật biên toản được nhiều sách. Tương truyền ông là người ham thích sách cổ, nhất là sách Việt, khi đã về hưu, để đề phòng thất lạc, ông thu tập nhiều sách cổ, mỗi bộ thuê người chép làm năm bản, giao cho mỗi con cháu giữ một bản, bảo tồn cho sau này. Nhờ đó một số lớn sách Việt sử của Thư viện Long Cương còn đến ngày nay, giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu.(5)
Chính Đại học sĩ Cao Xuân Dục luôn coi trọng Thư viện Long Cương, nên các sách mà cụ viết ra cụ đều ghi rõ là sách của Long Cương Thư viện. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó được ghi ở mô tả tên sách là Long Cương tàng bản, Tiêu biểu như:
Quốc triều hương khoa lục(國朝鄉科綠) nguyên bản chữ Hán (kể cả quyển thủ và hai quyển tục biên), Cao Xuân Dục (高春育|) soạn. Sách in mộc bản, giấy dó, khổ 16x26 cm, gồm 523 tờ, tờ 2 trang, trang 9 dòng, dòng 18 chữ. Trên trang đầu, đề tên sách: “Quốc triều hương khoa lục”, ở phía phải có ghi: Thành Thái Quý Tỵ (1893); phía tả: Long Cương tàng bản (Ván in để tại [Thư viện] Long Cương).
Qua mô tả trên trang tên sách Quốc triều hương khoa lụccủa Cao Xuân Dục, chúng ta biết được, Thư viện Long Cương không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là nơi tổ chức khắc mộc bản (bản âm khắc chữ ngược trên ván gỗ) để in sách. Mộc bản thật quan trọng vì có thể in ra được nhiều bản phục vụ cho nhu cầu đọc, dạy/ học, nghiên cứu của nhiều người và là hình thức tàng trữ được lâu dài và hiệu quả nhất. PGS Ninh Viết Giao nguyên CT Hội VNDG Nghệ An trong sách Từ điển nhân vật xứ Nghệ đã đánh giá về công lao của Cao Xuân Dục trong việc xây dựng Thư viện Long Cương như sau:
Điều đáng trân trọng ở Cao Xuân Dục là ông rất có ý thức sưu tầm sách cổ và có ý thức bảo lưu kho tàng ấy một cách cẩn thận. Phải chăng là ông đã từng chỉ đạo và biên soạn các bộ sách về địa chí như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên,… Về hưu, ông đem những sách cổ chép tay sưu tầm khi làm quan và mới sưu tầm được, thuê người chép lại, mỗi cuốn sách 5 bản, gửi cho tác giả 1 bản, cho Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội 1 bản, để tại Long Cương Thư viện 1 bản, những bản còn lại giao cho một số con cháu mỗi người 1 bản, để đề phòng sự thất lạc. Phải có tầm nhìn rộng xa và thật sự yêu quí cái gia tài thư tịch - phong phú và quí giá của nền văn hóa nước nhà mới khiến ông làm điều đó. Nhiều bộ sách quí hiện nằm trong các thư viện lớn ở Thủ đô và các thành phố khác là của Long Cương Thư viện. Cao Xuân Dục thực có công lớn đối với nền văn hóa dân tộc.(6)
Năm 1923, khi Cao Xuân Dục qua đời, báo Tribune Indigene đã đăng bài tưởng nhớ cụ, trong đó có đoạn:
… Nước ta vừa mới mất một vĩ nhân đem lại vinh dự cho Quốc gia, dân ta mất đi một con người có tâm hồn cao đẹp, đầy đức độ và nhân ái… Nền thi văn cũ cũng chịu một tổn thất không lấy gì bù đắp nổi; Nó đã mất đi một Nho sĩ bậc thầy kết hợp được những kiến thức uyên bác và đa dạng với sự tinh tế nhuần nhị nhất.(7)
Để tri ân danh nhân văn hóa dân tộc có nhiều công tích với quê hương, đất nước, thành phố Vinh đã đặt tên ông cho một đường phố ở Vinh tại địa phận phường Bến Thủy; năm 1999, Hội đồng ND và UBND Tp. Hồ Chí Minh đã quyết định đổi tên đường Cần Giuộc (Q. 8) thành đường Cao Xuân Dục để ghi danh nhà văn hóa lớn thời cận đại.
Chú thích:
1.Đại Nam nhất thống chí/ Quốc sử quán triều Nguyễn.- T.2., Huế, Thuận Hóa, 1997.
2.Ngô Trí Hạp (Hợp). Đông Thành phong thổ ký. Bản đánh mày lưu Thư viện Nghệ An
3 và 7. Tuyển tập Cao Xuân Dục. Tập 1. Người đời nên biết (Nhân thế tu tri)/ Cao Xuân Phổ/Về tác giả và tác phẩm.- H., Văn học, 2001.
4. Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu/ Nguyễn Huệ Chi: Soạn, chú, giới thiệu.- H., Văn học,1995
5. Trần Văn Giáp. Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh – Tìm hiểu kho sách Hán Nôm.- T.1 – 2.-H., KHXH, 2003.- Tr. 504.
6. Ninh Viết Giao. Từ điển nhân vật xứ Nghệ.- Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
7. Xem chú thích 3.
Tài liệu tham khảo thêm:
- Cao Xuân Dục. Quốc triều Hương khoa lục.- Lao động - TTVHNNĐT, 2011.
- Lịch sử truyền thống Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Thịnh.- H., Văn hóa thông tin, 2009.
tin tức liên quan
Videos
Đôi điều ngộ nhận về Phan Yên báo và Gia Định báo
Yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt
Tỉnh Nghệ An tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội 1937-1941 (Kỳ 1)
Xoài Tương Dương và hành trình xây dựng thương hiệu
Thống kê truy cập
114524525
2303
2309
21227
211221
0
114524525