Những góc nhìn Văn hoá

Người già trong dòng chảy xã hội

“Tuổi già và dòng chảy thời gian dạy ta mọi thứ”

(Sophocles)

Trong dòng chảy xã hội, những người cao tuổi, người già thường là nhóm đối tượng bị bỏ lại phía sau cả về xã hội tính lẫn tâm lý tính, cả về chủ quan lẫn khách quan. Đó gần như là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc nhìn nhận và ổn định cuộc sống cho người già để họ không bị lạc lõng.

Cuộc chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp hiện đại đã làm thay đổi căn bản cấu trúc xã hội và tác động mạnh mẽ đến nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Người già, vốn là tầng lớp được trọng vọng trong xã hội nông nghiệp vì vốn kinh nghiệm sản xuất phong phú của mình về nền nông nghiệp truyền thống cũng như uy tín trong mạng lưới xã hội cổ truyền nay lại bị loại khỏi cuộc chơi khi mà sự phát triển hiện đại dựa vào tri thức khoa học chứ không phải kinh nghiệm. Từ ngôi làng nhỏ bé vốn chỉ quan hệ giao lưu với vài ba làng bên cạnh nay trở thành đầu mối của vô vàn những mối quan hệ phức tạp liên địa phương và thậm chí liên quốc gia. Từ kinh tế tự cấp tự túc, tự sản tự tiêu sang kinh tế thị trường với những mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận trở thành khẩu hiệu của nhiều người trong cuộc sống. Từ những cuộc chiến tranh chết chóc dưới làn mưa bom đạn của kẻ thù sang thời bình nhưng cũng đầy rẫy mâu thuẫn và không rõ kể thù là ai. Từ những công việc, địa vị suốt ngày bận rộn sang việc về nhà nghỉ ngơi không có việc gì để làm. Từ những gia đình nhiều thế hệ sinh sống với nhau sang những gia đình cá nhân, con cái không muốn sống chung với bố mẹ….

Nhìn chung, hàng loạt các làn sóng lớn như những trận cuồng phong ập vào cuộc sống và khiến người già trở nên nhỏ bé, thua thiệt và không theo kịp dòng chảy xã hội. Họ rơi vào sự lạc lõng. Lạc lõng thứ nhất là thấy mình không phù hợp với thời đại, với dòng chảy xã hội. Người già không tiếp cận được với những thành tựu cũng như trang thiết bị kỹ thuật. Họ khó tiếp cận cuộc sống hiện đại mà mạng xã hội trở thành một yếu tố quan trọng. Những phương tiện, trang thiết bị cuộc sống hiện đại cũng trở thành nhứng thách thức khiến họ phải vất vả mới tiếp cận được. Rồi những mối quan hệ xã hội mới đang phổ biến, những cuộc chơi mới trong cấu trúc xã hội càng làm cho người già lúng túng. Họ không thể quay về với xã hội cũ gắn liền với mình nhưng cũng khó để tiếp cận cuộc sống hiện đại với quá nhiều thứ phức tạp. Lạc lõng thứ hai là trong hệ thống giá trị mới mà sự phát triển đang mang lại. Người già đang nhìn vào sự phát triển với những ánh mắt hoài nghi và ái ngại khi truyền thống, phong tục tập quán vốn gắn với cuộc đời họ bị thay đổi nhanh chóng theo hướng mai một, mất mát đi nhiều. Bên cạnh đó là những giá trị mới hình thành mà họ thấy nhố nhăng. Nhưng họ không đủ sức can thiệp và cũng khó chấp nhận nên tự tìm cho mình những khoảng trống mới để sống. Thường thì họ tìm lại những ký ức, sống với những hoài niệm mà ở đó, một thời họ được làm chủ tất cả, được trận trọng và định hình lẫn định danh thế hệ của họ. Lạc lõng thứ ba là cảm giác bị bỏ rơi, bị loại khỏi cuộc chơi, khỏi dòng chảy xã hội đang ào ạt. Từ công việc bận rộn, có vị thế, tiếng nói được tôn trọng, bỗng dưng… thành người già, bị tách biệt ra nhiều hoạt động và họ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Từ trong gia đình, nói con cháu phải nghe theo, nay lại thay đổi, con cháu tự do quyết định và chỉ tham khảo ý kiến của mình. Dần rồi chỉ còn lại các ông bà già sống với nhau trong sự cô đơn mà nhiều khi do chính họ tạo ra từ trong tâm cảm. Cô đơn đến từ cảm giác bị bỏ rơi. Trong nhiều những sự lạc lõng đó, nhiều người già đã không thích ứng được kịp thời và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Có những người đã vượt qua và thích ứng với bối cảnh mới, nhưng cũng bị tổn thương không hề nhẹ. Làm sao để người già sống vui vẻ và không bị quá nhiều lạc lõng trong quá trình phát triển là câu chuyện mà mọi người trong xã hội đều phải quan tâm và nên góp sức cùng giải quyết bởi theo quy luật rồi ai cũng sẽ trở thành người già.

Cháu giúp bà

Về mặt lý thuyết, để người già sống hạnh phúc, không bị lạc lõng, không bị bỏ lại trong dòng chảy của xã hội thì cần đảm bảo sự liền mạch các cấu trúc xã hội, sự tiếp nối không ngừng của các hệ thống giá trị, sự phát triển hài hoà và bền vững của nền văn hoá. Điều đó làm cho người già gắn kết được với các thế hệ khác trong xã hội, đảm bảo được sự gắn kết không ngừng trong quá trình phát triển, đảm bảo được vị thế và sự chuyển giao vị thế xã hội một cách hài hoà nhất. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, là mong muốn mà các nhà quản trị xã hội cũng như mọi con người hướng đến. Trên thực tế, sự phát triển, sự đổi mới luôn làm thay đổi các cấu trúc xã hội, các giá trị mới không ngừng xuất hiện và thay thế cho những giá trị cũ không còn phù hợp. Nên nhiều cấu trúc xã hội bị đảo lộn, nhiều giá trị xã hội bị đứt đoạn trong quá trình phát triển cũng là điều tất yếu.

Vậy nên, để làm cho cuộc sống người già bớt lạc lõng, cần nhìn nhận vào tâm thức, vào trách nhiệm cá nhân sẽ hiệu quả hơn. Trước hết, đối với những người già cần nhận thức về sự biến đổi xã hội, về sự phát triển một cách phù hợp để chuẩn bị tâm lý cho mình thật vững vàng trước những sự thay đổi. Biết tìm niềm vui trong tuổi già, trong những thứ mình có là một sự cần thiết đối với người già. Với các thế hệ trẻ thì cần nhìn nhận người già bằng tình yêu thương và đồng cảm. Người ta hay nói trẻ là tương lai, già là quá khứ. Nhưng tương lai và quá khứ cũng luôn thay đổi tuỳ theo quan niệm. Nếu đứng ở người trưởng thành mà nhìn nhận, thì trẻ em là quá khứ hôm qua của mình còn người già là tương lai ngày mai của mình. Ai cũng phải trải qua các giai đoạn đó. Vậy nên cần nhìn người già với sự trân trọng và yêu thương, bởi đó là ngày mai của mình. Còn rộng hơn, về mặt xã hội, cần có những chiến lược phát triển kinh tế xã hội và văn hoá một cách hài hoà hơn để phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống, làm cho nền văn hoá được tiếp nối lẫn nhau, hệ thống giá trị cốt lõi được trao truyền qua các thế hệ. Làm như vậy để người già vẫn thấy mình có giá trị trong chuỗi luân hồi của cuộc đời, là chuỗi giá trị đúc kết, vốn thuộc đoạn cuối của dòng đời. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét để phát triển những lĩnh vực kinh tế cần ít sức lao động nhưng cần đến sự kiên trì và nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc thủ công nghiệp, giáo dục để tạo công ăn việc làm cho những người già. Không phải người già nào cũng yếu. Có rất nhiều người khi rời các cương vị công tác nhưng sức khoẻ còn tốt, nhiều người tuổi già nhưng sức lao động vẫn còn và vẫn có nhu cầu làm việc. Làm việc một mặt phát huy được trí tuệ và sự khéo léo, kinh nghiệm mà họ đã tích trữ nhiều năm, giúp họ tạo ra thu nhập để không phụ thuộc vào con cháu; Mặt khác cũng tạo ra tâm lý tích cực, mình còn sống có ích, được hoà nhập với cuộc sống lao động xã hội chứ không phải hết thời, bị bỏ rơi. Tạo ra công ăn việc làm cho người già có nhiều giá trị quan trọng, mà thực tế, ở Nhật Bản, người ta đã dựa vào việc này mà vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa “giải thiêng” được cuộc sống người già, giúp họ sống vui vẻ hơn và bớt lạc lõng hơn./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513569

Hôm nay

242

Hôm qua

2313

Tuần này

21506

Tháng này

220442

Tháng qua

121356

Tất cả

114513569